VẬN CHUYỂN KHÁCH TUYẾN VŨNG TÀU-CÔN ĐẢO: Thiếu phương tiện trầm trọng

1415

Để đến được Côn Đảo có hai phương tiện là máy bay và tàu thủy. Giá vé máy bay Côn Đảo – TP.Hồ Chí Minh hiện nay khá cao, khoảng 1,7-1,8 triệu đồng/lượt nên khách du lịch đi theo đoàn, nhóm thường chọn tàu thủy để tiết kiệm chi phí. Tuy vậy, lượng khách tăng cao trong khi sức vận chuyển tàu thủy có giới hạn nên vô hình trung, Côn Đảo đã từ chối rất nhiều đoàn khách.

images759507_5

Năng lực phục vụ sinh hoạt của khách đi tàu biển tuyến Vũng Tàu – Côn Đảo rất hạn chế.

Căng tin trên hai tàu Côn Đảo 09 và 10 chỉ bán mì tôm-trứng, nước giải khát đóng chai.

Hiện nay, có hai tàu chuyên vận chuyển hành khách ra Côn Đảo là Côn Đảo 09 và Côn Đảo 10 thuộc Ban Quản lý cảng Bến Đầm (BQLCBĐ). Trong đó, tàu Côn Đảo 09 có 200 giường, 38 ghế ngồi và sức chứa 20T/m3 hàng hóa; tàu Côn Đảo 10 có 112 giường, 40 ghế ngồi được chia thành nhiều phòng nhỏ sức chứa từ 6 đến 10 giường/phòng, sức chứa hàng hóa 114T/m3. Đáng chú ý, hai tàu này đều đã khai thác sử dụng hơn 10 năm, thiết kế không phù hợp cho mục đích vận chuyển khách du lịch. Trang thiết bị trên tàu hầu hết đã xuống cấp, các buồng đều có máy lạnh nhưng không đủ hơi lạnh, giường nệm bốc mùi ẩm mốc. Tàu Côn Đảo 09 chỉ có một căn tin dã chiến trên boong, tàu Côn Đảo 10 khá hơn với một quầy bar bên trong nhưng cả hai đều chỉ phục vụ “đặc sản” mì tôm-trứng, bánh snack, nước suối, cà phê. Các điều kiện vệ sinh kém, khi hành khách say sóng ói mửa trên tàu, nhà vệ sinh không được dọn dẹp kịp thời. Trên boong tàu, hàng hóa chất ngổn ngang. Bên cạnh đó, thời gian di chuyển từ Vũng Tàu đến Côn Đảo khá lâu, mất 12 giờ đồng hồ.

images759506_4

Kiểm soát vé trước khi hành khách lên tàu.

Theo các công ty lữ hành, để mua được vé tàu Côn Đảo, các công ty phải chủ động gửi công văn với nội dung “đề nghị Ban quản lý Cảng Bến Đầm (BQLCBĐ) xem xét và hỗ trợ bán vé tàu Côn Đảo” cách thời điểm dự kiến thực hiện chuyến du lịch trước 1 tháng, thế nhưng vẫn không có vé. “Mùa du lịch Côn Đảo bắt đầu từ tháng 3 và kéo dài đến tháng 9, nhưng cứ 5-7 đoàn đăng ký thì chỉ một đoàn được xét mua vé. Chúng tôi cũng hiểu rằng năng lực vận chuyển của tàu có giới hạn, trong khi lượng khách đi Côn Đảo quá nhiều, nhưng phải chi có một công văn hoặc một cuộc điện thoại từ BQLCBĐ giải đáp cho chúng tôi khi không có vé tàu thì chúng tôi – những người làm cầu nối đưa khách ra Côn Đảo – cũng bớt chạnh lòng” – bà Nguyễn Thị Thương, Giám đốc OSC Việt Nam Travel bức xúc.

Tàu càng chạy càng lỗ

Theo ông Dương Quốc Tế, Trưởng phòng kế hoạch BQLCBĐ lý giải, từ cuối tháng 2-2013 khi hãng hàng không Air Mekong dừng khai thác tuyến Côn Đảo – TP.Hồ Chí Minh và ngược lại, lượng khách chuyển sang đi tàu tăng mạnh. “Sức vận chuyển có giới hạn, mỗi chuyến tàu chúng tôi dành khoảng 30-40% số giường phục vụ người dân, nhân công lao động và cán bộ – chiến sĩ đóng quân trên địa bàn Côn Đảo đi lại, còn lại là khách du lịch. Tuy vậy, công suất tàu hạn chế, tần suất xuất bến bình quân 12 chuyến/tháng (đi về là 24 chuyến) nhưng thời tiết diễn biến bất thường nhiều khi phải hủy chuyến do biển động, nên dù rất cố gắng nhưng chúng tôi đành chịu” – ông Tế nói.

images759505_3

Hàng hóa trên boong tàu chất ngổn ngang.

Bên cạnh đó, giá vé tàu Côn Đảo đang áp dụng hiện nay do UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2004, đến nay đã không còn phù hợp. Nếu như năm 2004, nhà nước phải bù lỗ 86 ngàn đồng/lượt (tàu Côn Đảo 09) và 210 ngàn đồng/lượt (tàu Côn Đảo 10) thì đến năm 2012 con số này là 402 ngàn đồng/lượt (giá vé hiện nay 150 ngàn đồng/lượt) và 798 ngàn đồng/lượt (giá vé hiện nay 200 ngàn đồng/lượt) tính theo giá dầu D.O là 20.050 đồng/lít (thời điểm tháng 6-2012) và các khoản phí như: lương, trích nộp theo lương, ăn uống, chi phí quản lý… tăng theo quy định của Nhà nước. Điều này dẫn đến một thực tế, tàu chạy càng nhiều, số tiền ngân sách phải bù lỗ càng lớn.

Để giảm gánh nặng cho ngân sách, cuối tháng 7-2013, UBND huyện Côn Đảo đã kiến nghị Sở Tài chính và Sở Giao thông – Vận tải điều chỉnh giá vé đội tàu vận tải tuyến Vũng Tàu – Côn Đảo và ngược lại theo hướng nâng giá vé tàu Côn Đảo 09 lên 300 ngàn đồng/vé/lượt giường nằm, ghế ngồi 170 ngàn đồng/vé/lượt và hàng hóa 165 ngàn đồng/T/m3; đối với tàu Côn Đảo 10 là 400 ngàn đồng, 250 ngàn đồng và 165 ngàn đồng. Theo nhiều công ty lữ hành, Côn Đảo đang là điểm đến “hot” trên bản đồ du lịch Việt Nam, nhất là trong năm nay lượng khách có nhu cầu du lịch Côn Đảo tăng đột biến, nhưng vì không mua được vé tàu nên hầu hết các công ty lữ hành chỉ nhận khách cầm chừng. “Tăng giá vé đồng nghĩa với tăng tần suất và chất lượng dịch vụ thì chắc chắn tàu Côn Đảo sẽ không lo vắng khách” – bà Nguyễn Ngọc Liên, phụ trách tour nội địa Công ty TNHH MTV lữ hành Vũng Tàu, nói.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

ÔNG LÊ XUÂN HUY, PHÓ GIÁM ĐỐC BAN QUẢN LÝ CẢNG BẾN ĐẦM:Chỉ 5 – 6 giờ đồng hồ là đến Côn ĐảoNhận thấy lượng khách đến Côn Đảo bắt đầu gia tăng, từ năm 2011, UBND huyện Côn Đảo và BQLCBĐ đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư phương tiện vận chuyển tuyến Vũng Tàu – Côn Đảo, nhưng thực tế nhà đầu tư không mặn mà. Hiện nay, dự án đóng mới tàu cao tốc Côn Đảo – Vũng Tàu đã hoàn chỉnh, chúng tôi đang tiến hành các khâu chọn máy móc, thiết bị, nơi đóng tàu… Tổng kinh phí dự kiến gần 100 tỷ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 50 tỷ đồng, còn lại do ngân sách tỉnh chi trả, dự kiến hoàn thành vào năm 2015 nhưng chúng tôi đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ để có thể xong sớm hơn. Tàu được đóng theo tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch với sức chứa 250 khách, tốc độ 20-22 hải lý/giờ trong điều kiện thời tiết bình thường, rút ngắn thời gian di chuyển từ Vũng Tàu đến Côn Đảo chỉ trong 5-6 tiếng.
ÔNG VÕ THANH MỸ, GIÁM ĐỐC VIETRAVEL BÀ RỊA – VŨNG TÀU:Trải nghiệm loại hình du lịch mớiChứng minh được lượng khách đến Côn Đảo qua các năm là cách hữu hiệu nhất kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực vận tải khách du lịch bằng đường thủy; đồng thời, cần bố trí lịch trình xuất bến hợp lý nhằm kết nối, chuyển tiếp, thúc đẩy chuỗi dịch vụ lưu trú, mua sắm, tham quan trên địa bàn phát triển theo là cách tăng sức hấp dẫn cho điểm đến và tạo công ăn việc làm cho cư dân địa phương. Đi đường hàng không ra Côn Đảo tuy nhanh nhưng nếu tính luôn quãng đường di chuyển lên TP.Hồ Chí Minh, thời gian chờ đợi làm thủ tục bay và không gian trên máy bay chật hẹp, gò bó thì phương tiện đường thủy chất lượng khởi hành vào ban ngày sẽ thêm hình thức hưởng thụ và những kỷ niệm thú vị cho du khách trong hành trình đến Côn Đảo. Đó là được trải nghiệm cảm giác lênh đênh giữa đại dương, hít thở không khí trong lành, quan sát hoạt động đánh bắt hải sản trên biển, thoải mái đi lại tán chuyện trên tàu dù có thể sẽ bị say sóng…

VẬN CHUYỂN KHÁCH TUYẾN VŨNG TÀU-CÔN ĐẢO: THIẾU PHƯƠNG TIỆN TRẦM TRỌNG