Thăm làng Hoàng Trù, làng Sen, quê ngoại và quê nội của Bác Hồ ở Kim Liên – Nam Đàn – Nghệ An

3424

Nơi đây, gọi chung là Khu Di tích Kim Liên, được trùng tu và xây dựng lại từ những năm 60 của thế kỷ 20. Năm 1979, được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt và là một trong bốn di tích quan trọng bậc nhất của cả nước về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nơi đây lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa – lịch sử về thời niên thiếu của Bác Hồ và những người thân trong gia đình Bác. Toàn bộ Khu Di tích Kim Liên rộng hơn 205 ha với nhiều điểm di tích, có các điểm và cụm di tích cách nhau từ 2 đến 10 km. Đó là Cụm di tích Hoàng Trù, quê ngoại của Bác; Cụm di tích Làng Sen, quê nội của Bác; Khu mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Bác và Khu núi Chung, dự định là nơi sẽ được xây dựng Khu đền thờ người thân của Bác.

Cụm di tích Hoàng Trù, nằm gọn trong khuôn viên rộng khoảng 3500 m2, bao gồm: Ngôi nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân, ngôi nhà cụ Hoàng Đường (ông ngoại Bác), ngôi nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan. Đây là một ngôi nhà nhỏ ba gian, lợp tranh, trên đất vườn của ông bà ngoại. Cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và sống ở đây cho tới năm lên 5 tuổi. Gian ngoài cạnh cửa sổ có chiếc án thư với nghiên mực, hộp đựng bút lông, hai chiếc ghế vuông, chếch về phía trong là hai giá sách đựng sách thánh hiền. Tại gian nhà này cụ Hoàng Đường thường qua đây đàm đạo với ông Sắc về văn chương, chữ nghĩa. Gian giữa, sát phên có chiếc giường nhỏ bằng gỗ xoan, liếp nứa, trải chiếu mộc, chiếc màn bằng vải nhuộm nâu là nơi nghỉ của ông Sắc và bà Loan. Sát bên chiếc giường là chiếc rương gỗ nhỏ dùng đựng lương thực và các vật quí của gia đình. Chiếc khung cửi đặt ở gian thứ ba là công cụ lao động của bà Loan dùng để dệt vải, dệt lụa nuôi sống cả nhà. Bà Hoàng Thị Loan vừa dệt vải vừa hát ru con để chồng yên tâm việc bút nghiên. Tại đây còn có chiếc võng gai đơn sơ, nơi xưa kia tuổi ấu thơ Bác Hồ đã thường nằm nghe tiếng à ơi của mẹ và những câu chuyện cổ tích của bà ngoại. Tuổi thơ của Người đã được mẹ và bà ngoại chăm sóc, vun đắp bằng những làn điệu dân ca bay bổng chứa đựng những ước mơ cao đẹp, hy vọng sâu xa.

Tới cụm di tích Làng Sen, Đoàn đã được vào thăm ngôi nhà lá 5 gian mộc mạc do bà con làng Sen quyết định xuất quỹ công dựng lên để mừng ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc năm xưa. Trong ngôi nhà đơn sơ này, cụ Sắc đã dành hai gian rộng rãi để đặt bàn thờ bà Hoàng Thị Loan và để tiếp khách. Bàn thờ được làm bằng liếp tre nứa trên trải chiếu nhỏ để bát hương, cây nến và bài vị bằng gỗ giản dị. Gian thứ tư là nơi nghỉ của cụ Sắc, ở đây có bộ phản gỗ kê bên cửa sổ chính, bên cạnh có chiếc án thư nơi cụ dạy các con học chữ và đây cũng là nơi vào các buổi tối cụ thường mời bà con ngồi quây quần uống nước chè xanh. Nhân cách cao thượng của người cha và lòng nhân ái vị tha của người mẹ đã ảnh hưởng rất lớn tới nhân cách các con của cụ Sắc. Hiện nay các kỷ vật trong gian nhà của cụ Sắc còn được giữ lại hầu như nguyên vẹn. Hai bộ phản gỗ là nơi nghỉ của cụ phó bảng và hai con trai. Chiếc giường xinh xinh là của bà Thanh, con gái cụ. Chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen vẫn còn nguyên đó. Tham quan khu di tích, du khách có thể cảm nhận một cách đầy đủ hơn về một làng quê Việt Nam, một làng quê xứ Nghệ, được vào thăm những ngôi nhà hàng xóm thân thiết với gia đình Bác thời kỳ đó như: lò rèn Cố Điền; nhà cụ cử Vương Thúc Quý; nhà của cụ đồ nho; nhà của một lương y bốc thuốc Nam với dao cầu, thuyền tán và vườn cây thuốc quanh nhà, hay nhà một hộ nông dân với cuốc cày, chõng tre, nồi đất, cối xay lúa, giã gạo… nhà thờ họ Nguyễn Sinh; nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm – ông nội của Bác; các di tích cây đa, giếng Cốc, sân vận động Làng Sen; Khu trưng bày các hiện vật, tài liệu và Nhà tưởng niệm Bác Hồ. Những cảnh quan và hiện vật quá đỗi thân thuộc, dung dị của lũy tre làng, đường đất nhỏ, se sợi, khung cửi, bờ dâu… cùng các hiện vật trong khu di tích, gắn liền với hình ảnh Bác Hồ, như vẫn còn đọng lại trong đó hơi ấm của Người.

Làng Sen quê nội và Hoàng Trù quê ngoại của Bác Hồ hôm nay đang đổi mới từng ngày. Đường nhựa đã vào tận trung tâm xã và con đường đất dẫn vào các ngõ xóm, làng quê ngày nào giờ được thay bằng đường bê-tông kiên cố. Đoàn Hội Cựu chiến binh ghé vào những hàng quán bên đường uống bát nước chè xanh, thưởng thức củ khoai ngọt lừ, thắm đượm nghĩa tình mộc mạc, chân chất. Đời sống kinh tế phát triển hơn nhưng Kim Liên, Nam Đàn vẫn giữ được cho mình những giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc và từng bước tạo dựng trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa phục vụ du khách. Chính quyền và nhân dân trong xã thành lập một trung tâm hát ví phường vải xã Kim Liên với câu lạc bộ hát phường vải Kim Liên và đội hát phường vải Hoàng Thị An (lấy tên một nghệ nhân hát ví phường vải, chị ruột bà Hoàng Thị Loan) ở các thôn, xóm. Trong tương lai, Trung tâm hát ví phường vải Kim Liên có kế hoạch xây dựng điểm giới thiệu hát ví phường vải kết hợp trình diễn dệt vải, quay tơ bên khung cửi tại làng Hoàng Trù phục vụ du khách tham quan. Đây là hình thức bảo tồn và phát huy hiệu quả loại hình diễn xướng độc đáo này của Kim Liên, Nam Đàn. Bên cạnh đó, Lễ hội Làng Sen được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác 19-5 cũng góp phần tạo nên sự đa dạng của các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Hiện tại, khu di tích Kim Liên đã và đang vươn lên thành một trung tâm du lịch, tham quan, giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa thu hút đông du khách. Khu di tích đã thật sự là điểm hội tụ tình cảm của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. Con số hàng triệu lượt khách tham quan hằng năm cho thấy sự ngưỡng mộ lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu và đó cũng là sự cố gắng của cán bộ, công nhân viên khu di tích trong việc bảo vệ và phát huy những di sản vô giá về quê hương, gia đình. Đến với Làng Sen, du khách vừa được chiêm ngưỡng cảnh làng quê điển hình của Việt Nam đồng thời chứng kiến những kỷ vật thiêng liêng gắn bó thủa thiếu thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá của thế giới.

c1
c3
c4
c5

Đoàn chụp hình lưu niệm trước Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Khu Di tích lịch sử Lam Kinh – Thanh Hóa
Lam Sơn – Lam Kinh (Thanh Hóa) là vùng đất thiêng “địa linh nhân kiệt”, quê hương của người anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh trong mười mấy năm gian khổ (1418 – 1427), cũng là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các Vương hậu thời Lê Sơ.

Cuộc khởi nghĩa do người anh hùng dân tộc Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo nổ ra vào mùa xuân năm 1418 tại núi rừng Lam Sơn. Trải qua nhiều gian nan thử thách, với sự đồng lòng trên dưới và tính chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cuộc khởi nghĩa đã giành được thắng lợi, đất nước sạch bóng quân thù. Ngày 15 tháng 4 năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ở Đông Đô, lấy niên hiệu Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, mở ra một vương triều thịnh trị, hưng vượng bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam – vương triều Hậu Lê kéo dài 360 năm.

Năm 1430, Lê Lợi cho đổi Lam Sơn thành Tây Kinh (Lam Kinh). Năm 1433, Lê Thái Tổ băng hà và đưa về quê hương Lam Sơn an táng tại Vĩnh Lăng. Từ đây, Lam Kinh trở thành khu sơn lăng. Kế tục vua Lê Thái Tổ, vua Lê Thái Tông sau khi lên ngôi đã tiếp tục cho xây dựng điện Lam Kinh, ban đầu nhỏ dần dần được mở rộng về quy mô to lớn và bề thế.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh ngày nay đươc quy hoạch với tổng diện tích 200ha, thuộc địa bàn hai huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc, cách Tp. Thanh Hóa hơn 50km về phía Tây Bắc. Đây là nơi an nghỉ nghìn thu của người anh hùng dân tộc Lê Lợi và các vị Hoàng đế, Hoàng Thái hậu vương triều Lê Sơ, là biểu tượng của lòng tự hào dân tộc về một giai đoạn lịch sử oai hùng chống quân xâm lược và công cuộc xây dựng quốc gia Đại Việt.

c6

Đoàn chụp hình lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh

Di sản thế giới thành nhà Hồ – Thanh Hóa
Thành Tây Đô được xây vào năm 1397 dưới triều Trần do quyền thần Hồ Quý Ly chỉ huy, người không lâu sau (1400) lập ra nhà Hồ. Theo sử sách, thành bắt đầu xây dựng vào mùa xuân tháng Giêng năm Đinh Sửu niên hiệu Quang Thái thứ 10 đời vua Thuận Tông của vương triều Trần. Người quyết định chủ trương xây dựng là Hồ Quý Ly, lúc bấy giờ giữ chức Nhập nội Phụ chính Thái sư Bình chương quân quốc trọng sự, tước Tuyên Trung Vệ quốc Đại vương, cương vị Tể tướng, nắm giữ mọi quyền lực của triều đình. Người trực tiếp tổ chức và điều hành công việc kiến tạo là Thượng thư bộ Lại Thái sử lệnh Đỗ Tỉnh (có sách chép Mẫn). Hồ Quý Ly xây thành mới ở động An Tôn (nay thuộc địa phận các xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), làm kinh đô mới với tên Tây Đô, nhằm buộc triều Trần dời đô vào đấy trong mục tiêu chuẩn bị phế bỏ vương triều Trần. Tháng 3 năm Canh Thân (26-3 đến 24/4/1400), vương triều Hồ thành lập (1400- 1407) và Tây Đô là kinh thành của vương triều mới, thành Thăng Long đổi tên là Đông Đô vẫn giữ vai trò quan trọng của đất nước. Vì vậy thành Tây Đô được dân gian quen gọi là Thành nhà Hồ. Thành đá được xây dựng trong một thời gian kỷ lục, chỉ chừng 3 tháng. Các cấu trúc khác như các cung điện, rồi La Thành phòng vệ bên ngoài, đàn Nam Giao… còn được tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cho đến năm 1402.

Hồ Quý Ly từ khi nắm quyền lực của triều Trần cho đến khi sáng lập vương triều mới đã ban hành và thực thi một loạt chính sách cải cách về các mặt chính trị, kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng của chế độ quân chủ cuối triều Trần, củng cố chính quyền trung ương và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Minh. Trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, Hồ Quý Ly là một nhà cải cách lớn với một hệ thống chính sách và biện pháp khá toàn diện, táo bạo. Thành nhà Hồ được xây dựng và tồn tại trong những biến động cuối thế kỷ XIV đầu thê kỷ XV, gắn liền với sự nghiệp của nhà cải cách lớn Hồ Quý Ly và vương triều Hồ.

Theo chính sử, thành được xây dựng rất khẩn trương, chỉ trong 3 tháng. Thành Tây Đô ở vào địa thế khá hiểm trở, có lợi thế về phòng ngự quân sự hơn là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá. Vị trí xây thành đặc biệt hiểm yếu, có sông nước bao quanh, có núi non hiểm trở, vừa có ý nghĩa chiến lược phòng thủ, vừa phát huy được ưu thế giao thông thủy bộ. Như mọi thành quách bấy giờ, thành bao gồm thành nội và thành ngoại. Thành ngoại được đắp bằng đất với khối lượng gần 100.000 mét khối, trên trồng tregai dày đặc cùng với một vùng hào sâu có bề mặt rộng gần tới 50m bao quanh.

Bên trong thành ngoại là thành nội có mặt bằng hình chữ nhật chiều Bắc – Nam dài 870,5m, chiều Đông – Tây dài 883,5m. Mặt ngoài của thành nội ghép thẳng đứng bằng đá khối kích thước trung bình 2 m x 1 m x 0,70 m, mặt trong đắp đất. Bốn cổng thành theo chính hướng Nam – Bắc – Tây – Đông gọi là các cổng tiền – hậu – tả – hữu (Cửa Tiền hay còn gọi là Cửa Nam, Cửa Hậu còn gọi là Cửa Bắc, cửa Đông Môn và cửa Tây Giai). Các cổng đều xây kiểu vòm cuốn, đá xếp múi bưởi, trong đó to nhất là cửa chính Nam, gồm 3 cửa cuốn dài 33,8 m, cao 9,5 m, rộng 15,17 m. Các phiến đá xây đặc biệt lớn (dài tới 7 m, cao 1,5 m, nặng chừng 15 tấn).

Các cung điện, dinh thự trong khu vực thành đã bị phá huỷ, di tích còn lại hiện nay là 4 cổng thành bằng đá cuốn vòm, tường thành và đặc biệt là Di tích Đàn tế Nam Giao còn khá nguyên vẹn. Trong các phế tích đáng chú ý có nền chính điện chạm một đôi tượng rồng đá rất đẹp dài 3,62 m.

Thành Tây Đô thể hiện một trình độ rất cao về kĩ thuật xây vòm đá thời bấy giờ. Những phiến đá nặng từ 10 đến 20 tấn được nâng lên cao, ghép với nhau một cách tự nhiên, hoàn toàn không có bất cứ một chất kết dính nào. Trải qua hơn 600 năm, những bức tường thành vẫn đứng vững.

Thành nhà Hồ là một biểu tượng kiên quyết chống giặc ngoại xâm của quân và dân Đại Việt. Tòa thành bằng đá là một bằng chứng rõ rệt nhất thể hiện tư tưởng cách tân táo bạo và tiến bộ do Hồ Quý Ly ban hành hàng loạt các cải cách tiến bộ như hạn điền, hạn nô, thống nhất đo lường, cải cách thi cử và thuế khóa, đặt nhã nhạc, v.v…Cùng với đó, tòa Hoàng thành đá với các dấu tích cung điện, đền đài tiềm ẩn phong phú dưới lòng đất được bảo vệ khá tốt giữa một khung cảnh thiên nhiên mang đậm chất phong thủy phương Đông thể hiện rõ rệt các bước tiến về kỹ thuật xây dựng và quy hoạch đô thị Việt Nam cổ xưa.

c7

Trước cổng chính Thành nhà Hồ (Thanh Hoá)

Lăng mộ Nguyễn Du – Hà Tĩnh
Lăng mộ Nguyễn Du là một điểm di tích quan trọng trong quần thể di tích Đại thi hào Nguyễn Du. Nơi Người yên nghỉ là một không gian thoáng đãng, thiêng liêng, là điểm đến của mỗi du khách trong và ngoài nước khi về thăm quê hương Đại thi hào Nguyễn Du.

Đại thi hào Nguyễn Du được sinh ra trong một cự tộc, là người con trai thứ bảy của Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, là em cùng cha khác mẹ với Tham tụng Nguyễn Khản.

Ông sinh năm Ất Dậu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 26 (23/01/1765) tại phường Bích Câu, Thăng Long, Hà Nội. Năm 1820, Nguyễn Du được cử đi sứ Trung Quốc nhưng chưa kịp lên đường thì lâm bệnh, mất tại kinh thành Huế, thọ 56 tuổi. Thi hài Người được an táng tại cánh đồng Bàu Đá xã An Ninh (nay là An Hoà) huyện Quảng Điền tỉnh Thừa Thiên Huế. Việc ra đi của cụ trong sách Đại Nam chính biên liệt truyện chép: “Lúc mắc bệnh cụ không chịu uống thuốc, lúc gần mất cụ sai người nhà sờ chân tay xem nóng hay lạnh, người nhà bảo lạnh hết cả rồi, cụ nói “được” thế là cụ ra đi không để lại lời trăn trối cho đời sau”.

Mùa thu năm 1824, người con thứ là Nguyễn Ngũ vào kinh thành Huế xin triều đình đưa hài cốt của cha về quê nhà và cát táng tại khu vực Cầu Mái gần cạnh vườn ở trước đây là thôn Thuận Mỹ xã Tiên Điền. Tuy nhiên nơi đây hễ mưa là ngập, sợ bất ổn nên con cháu lại di chuyển. Tương truyền lần này không chọn đất từ trước mà con cháu chọn hai người đi trước bưng yên thư, trên có nhang đèn và một con cò bằng gỗ hai người cứ đi mãi, đi mãi khi nào con cò trên yên thư ngã xuống thì đó chính là nơi yên nghỉ của Người. Sau đó mộ phần được táng trên cánh đồng Phốc, thuộc khu vực đồng Cùng giáp ranh giới giữa hai xã Xuân Mỹ và Tiên Điền.

Năm 1965, nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Du, Trường THPT Nguyễn Du đã xây mộ cụ thành ba cấp bằng gạch nung và cụ Đặng Thai Mai cùng các học trò đã làm mộ chí tại Hà Nội về đặt trước mộ phần của Người: “Tiên Điền Nguyễn Du tiên sinh chi mộ”. Khi đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo việc trùng tu tôn tạo hệ thống di tích của đất nước trong đó có lăng mộ Đại thi hào Nguyễn Du. Cũng từ đây du khách trong và ngoài nước đã về đây dâng nén hương thơm và những đóa hoa tươi thắm để tri ân với những cống hiến của nhà thơ đối với nền văn học nước nhà và sự phát triển văn hóa của nhân loại. Năm 1989, Sở VHTT và UBND huyện Nghi Xuân phối kết hợp tu sửa lăng mộ Nguyễn Du và đến đầu năm 1990 thì khu lăng mộ cơ bản được hoàn thành. Năm 2000, lăng mộ Nguyễn Du tiếp tục được trùng tu, tôn tạo, xứng tầm với vai trò của một danh nhân văn hóa – Đại thi hào dân tộc.

c8
c9

Đoàn thăm quần thể di tích và viếng mộ Đại thi hào Nguyễn Du.

Chùa Hương Tích – Hà Tĩnh
Suối Hương Tuyền dẫn vào chùa Hương Tích – Hồng Lĩnh là thắng cảnh nổi tiếng ở Hà Tĩnh. Từ xưa, dãy núi 99 ngọn vút cao này đã được xếp vào hàng 21 danh thắng của nước Nam. Đặc biệt, sự hiện hữu của chùa Hương Tích với nhiều kỳ quan liên kết đã xứng danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”. Chùa Hương Tích ở Hà Tây thật ra chỉ là một “phiên bản” đầy ý nghĩa của chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Vào thời Lê – Trịnh, các vua chúa phần lớn có quê ở xứ Thanh nên các phi tần, mỹ nữ đa số được chọn tuyển ở miền Hoan Châu. Hằng năm các cung phi, cung nữ Thanh –
Nghệ thường trẩy hội chùa Hương trên núi Hồng Lĩnh vào ngày 18/2 âm lịch bằng đường thuỷ qua cửa Hội Thống (gần Cửa Lò bây giờ). Mỗi lần những “người đẹp” đi xa như vậy khiến chúa Trịnh rất phân vân, do đó chúa Trịnh mới nhờ một vị hoà thượng xác định địa điểm ở miền rừng núi Hà Tây xây chùa Hương Tích thứ hai mà thờ vọng, để các “người đẹp” đi trẩy hội gần hơn. Như vậy nhờ “sáng kiến” của chúa Trịnh mà nước ta có hai chùa Hương Tích. Chùa Hương gốc Đường lên “Hoan Châu đệ nhất danh lam”. Nếu đường vào chùa Hương ở Hà Tây bắt đầu từ dòng suối Yến tấp nập du thuyền, thì lối vào chùa Hương ở Hà Tĩnh cũng từ mênh mông hồ nước nhà Đường, theo dòng suối rộng có tên là suối Hương Tuyền đi ngược lên. Trước đây khu chùa này rất vắng bóng du khách, suối Hương Tuyền chỉ dành cho thuyền đi chở đá núi về kè đập, xây hồ. Nhưng từ năm 1990 trở lại đây cứ vào dịp 18/2 âm lịch hằng năm lại có hàng nghìn du khách đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Nội, Hải Phòng, Yên Bái, Đà Nẵng… vượt dốc núi dài gần 4.000 m để tới đây. Quần thể chùa Hương ở Hà Tĩnh gồm có thượng điện (chùa chính), đền Thiên Vương và am Thánh Mẫu. Ngoài ra chùa còn có những cảnh đẹp liên kết như động Tiên Nữ 36 cửa vào ra, am Phun Mây, suối Tiên Tắm… và luôn tịnh yên giữa rì rào gió lá rừng trúc, rừng thông cùng tiếng thác đổ trầm đều từ bốn phía trên đỉnh núi. Mỗi năm có khoảng hơn 10.000 người đến viếng cảnh chùa. Đông nhất là tháng 1-2 và ngày rằm tháng 7. Dịp đó dân xã Thiên Lộc mở quán dày đặc dọc lối lên phục vụ du khách.

c10

Chùa Hương tích gốc “Hoan Châu đệ nhất danh lam”.

Chuyến đi của Đoàn Hội Cựu chiến binh và các cán bộ, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thăm chiến trường xưa vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh sau 5 ngày đã kết thúc tốt đẹp với chặng dừng chân cuối là một ngày nghỉ dưỡng bên bãi biển Cửa Lò như để lắng đọng lại những suy tư về lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung, lịch sử cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ nói riêng mãi mãi khắc ghi một thời đạn bom, một thời máu lửa để có ngày hôm nay.

Tin bài: Đỗ Văn Học – Hội viên Hội Cựu chiến binh

Ảnh: Phí Ngọc Tuyến – Hội viên Hội Cựu chiến binh

HCMUSSH.EDU.VN