Độc đáo gốm Chăm | Địa Ốc

1127

Dù chưa thể làm giàu từ nghề gốm nhưng hàng trăm năm qua, người dân Bàu Trúc ở Ninh Thuận vẫn cố giữ lấy tổ nghiệp. Họ lặng lẽ sống với nghề “mẹ truyền con nối” trong thanh âm đồng vọng của gốm đất nung

Bàu Trúc, làng gốm duy nhất của người Chăm tỉnh Ninh Thuận, được xếp vào hàng cổ xưa nhất Đông Nam Á. Cũng không quá ngoa ngôn khi ví Bàu Trúc như một “bảo tàng sống” của nghệ thuật tạo hình gốm đất nức tiếng trong và ngoài nước.

Cùng nhau làm nghề

Bà Sử Thị Dinh, một trong những nghệ nhân gạo cội của Bàu Trúc, khẳng định người khai sáng nghề gốm Chăm ở đây là vợ chồng ông Poklong Chanh. Chí ít cũng hơn 300 năm trước, vợ chồng ông Poklong Chanh đã dạy cho dân làng Bàu Trúc cách lấy đất sét về nắn, nung thành những dụng cụ sinh hoạt như nồi, niêu, chén, tách và một số đồ vật trang trí khác.

“Từ chỗ làm đồ gốm để sử dụng trong gia đình, dần dần, dân làng dùng các sản phẩm này để trao đổi, mua bán. Nghề gốm Chăm Bàu Trúc ra đời từ đó” – bà Sử Thị Dinh cho biết.

Ông Đàng Xem, người được dân Bàu Trúc đánh giá là “cao thủ” của nghề gốm, nhớ lại hơn 10 năm trước, cả làng có chưa đến 100 hộ theo nghề này và cũng chỉ làm “được chăng hay chớ” vì sản phẩm tiêu thụ rất khó khăn. Lúc bấy giờ, thỉnh thoảng mới có 5-7 du khách ngoài tỉnh đến Ninh Thuận, ghé tham quan Bàu Trúc, tiện thể mua vài món gốm đất làm kỷ niệm. Thế nhưng, tiếng lành đồn xa, sự độc đáo của gốm đất nung Bàu Trúc không dễ bất kỳ loại gốm nào có được đã vượt khỏi ranh giới Ninh Thuận, lan tỏa khắp trong Nam ngoài Bắc. Du khách tìm đến Bàu Trúc ngày càng nhiều. Nghề gốm vì thế ngày càng phát triển.

docdaogomcham

Nghệ nhân Bàu Trúc chế tác một sản phẩm gốm đất
docdaogomcham
Du khách thích thú trước sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc

Theo thống kê, làng Bàu Trúc có hơn 400 hộ thì trên 95% trong số này sinh kế bằng nghề gốm. Người dân Bàu Trúc khá nhạy bén nên sản phẩm gốm ngày càng đa dạng. Ngoài các mặt hàng truyền thống như chum, vại, nghệ nhân Bàu Trúc còn chế tác tháp Chăm siêu nhỏ, tượng nữ thần Siva, thiếu nữ Chăm Pa… Thậm chí, những chiếc lục bình cao đến trên 2 m cũng được người Bàu Trúc sản xuất thành công.

Hơn 4 năm trước, một nghệ nhân trẻ của Bàu Trúc là Vạn Quan Phú Đoan đã mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Gốm Chăm Pa, nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm gốm. Được sự giúp đỡ từ chương trình khuyến công, anh Đoan đã xây dựng lò nung gốm kiểu mới với chi phí gần 200 triệu đồng.

Theo Đoan, mỗi mẻ nung từ lò của anh có thể cho ra khoảng 450-500 sản phẩm và ít nhất trên 90% trong số đó đạt chất lượng. Lò nung mới dùng nguyên liệu để đốt là vỏ trấu, loại phụ phẩm từ nông nghiệp có rất nhiều tại Ninh Thuận, nên đỡ ô nhiễm môi trường so với đun bằng rơm rạ như trước đây. Giá thành sản phẩm gốm cũng giảm gần 1/3 so với cách nung truyền thống.

“Công ty của tôi mỗi tháng cung cấp cho thị trường các tỉnh, thành trong cả nước gần 1.000 sản phẩm, chưa kể số bán lẻ cho du khách và người dân Ninh Thuận. Những dịp lễ, Tết, lượng du khách đến Ninh Thuận tăng nên cũng kiếm kha khá, xấp xỉ 1 triệu đồng/ngày” – anh Đoan khoe.

Theo ông Đàng Năng Tất, người có hơn 15 năm trong nghề, bình quân mỗi hộ làm gốm kiếm khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập khá cao so với nhiều vùng nông thôn ở Ninh Thuận. “Nếu chịu khó làm ra nhiều mẫu mới, giá bán vừa phải thì cũng sống được. Tụi tôi nhà nào cũng có ruộng rẫy để làm thêm nên kinh tế gia đình khá ổn” – ông Tất tự tin.

“Đẹp từng centimet”

Nghệ nhân Đàng Xem cho biết nghề làm gốm đất rất vất vả, công phu. Đầu tiên, người Bàu Trúc phải đi lấy đất sét ở khu vực sông Quao, cách làng gần 1 km. Chỉ có đất sét ở vùng này mới đủ độ dẻo, mịn để chế tác gốm.

Ông Đàng Xem tiết lộ: “Đất đem về được đập nhỏ, rưới nước vừa đủ, trùm ủ một đêm. Hôm sau, đất được trộn với cát mịn nhào nhuyễn. Các nghệ nhân nắn và tạo hình gốm hoàn toàn bằng tay, không dùng bàn xoay như những trường phái gốm khác”.

Nhiều du khách tham quan Bàu Trúc đã phải tròn mắt thán phục sự khéo léo của đôi tay các nghệ nhân làm gốm. Những sản phẩm được nhào nặn đẹp đến “từng centimet” và rất có hồn, như cái tình của nghệ nhân đã gửi trọn vào đất.

Sản phẩm sau khi tạo hình được đem phơi nắng độ 4-6 giờ. Nghệ nhân dùng mảnh sành hoặc nẹp tre để cắt, gọt làm láng, sau đó mang vào trong mát khoảng 7 ngày rồi cho vô lò nung. Lò nung được đốt nóng hơn 500 độ C, sau 4-5 giờ thì lửa được giảm dần đến khi tắt hẳn.

Các nghệ nhân Bàu Trúc cho biết gốm đất không tự lên men mà phải dùng màu sơn chế từ trái dông, trái thị rừng để quét lên lớp da trước khi nung. Sản phẩm gốm Bàu Trúc sau khi nung sẽ có các màu đặc trưng: vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, nâu… mang dấu ấn độc đáo của gốm Chăm Pa.

Chưa vực dậy được làng nghề

Để giữ gìn và phát triển làng gốm Bàu Trúc, năm 2011, UBND tỉnh Ninh Thuận đã triển khai đề án “Chiến lược marketing gốm mỹ nghệ Bàu Trúc, giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn đến năm 2020” với tổng kinh phí 26,3 tỉ đồng”.

Theo đó, tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện đồng loạt các chương trình về quảng bá, tiếp thị gốm tại những hội chợ thương mại, làng nghề được tổ chức trong nước; xây dựng trung tâm trưng bày, kinh doanh sản phẩm gốm lưu niệm phục vụ du lịch; hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh cho các hộ làm gốm; đổi mới mẫu mã, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu…

Tuy nhiên, đến nay, gốm Chăm Bàu Trúc vẫn chưa tạo được thương hiệu rõ rệt trên thị trường, ngoại trừ vài kiện hàng với khoảng 300-400 sản phẩm được xuất ra nước ngoài từ mấy năm trước. Thậm chí, các nghệ nhân Bàu Trúc cũng không mấy mặn mòi với việc ra Bắc vô Nam để quảng bá sản phẩm, càng không chấp nhận mở rộng cơ sở sản xuất ra bên ngoài. Họ quan niệm đây là nghề truyền thống, phải giữ gìn bí quyết.

Nhiều nghệ nhân cho rằng sản phẩm Bàu Trúc thực sự đẹp thì khách sẽ tự tìm đến, nếu không thì dù có quảng bá đến cỡ nào cũng không ai ngó ngàng. Gốm Chăm Bàu Trúc đã bao năm rồi vẫn chỉ là đồng vọng có lẽ vì thế.

Đất nung tươi màu, thắm sâu ân tình…

Làng gốm Bàu Trúc cách TP Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 10 km về hướng Tây Nam. Do làng tọa lạc gần những ao hồ (tiếng địa phương gọi là bàu) và có nhiều tre, trúc nên dân làng đặt tên là Bàu Trúc.

docdaogomcham

Cái tình của nghệ nhân đã gửi trọn vào đất trong sản phẩm gốm

Cư dân Bàu Trúc là người dân tộc Chăm theo chế độ mẫu hệ nên chỉ có con gái mới được người mẹ truyền những bí kíp làm gốm. Vì thế, các cô gái từ 13 tuổi trở lên bắt đầu học nghề. Chỉ vài năm sau là họ làm được các sản phẩm gốm đất. Điều này lý giải vì sao hàng mấy trăm năm qua, nghệ nhân gốm ở Bàu Trúc toàn là nữ.

Vài năm trở lại đây, do chính sách bảo tồn làng nghề, đã có một số nam giới học nghề gốm và… vượt lên, được phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Đây chính là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Amư Nhân (Ninh Thuận) khi sáng tác bài hát “Tình làng gốm” đã viết: “… Đất nung tươi màu, thắm sâu ân tình đôi trai gái Chăm/ Nghĩa nhân lâu dài, vẫn thương nhau hoài, không hề nhạt phai”.

Bài và ảnh: LÊ TRƯỜNG

DIAOC.NLD.COM.VN