Ghềnh Ráng Tiên Sa – Điểm đến – Tổng cục Du lịch

1499

08binhdinh004jpg
08binhdinh005jpg
08ghenhrang6jpg

Từ thành phố Quy Nhơn đi theo quốc lộ 1D khoảng 3km về hướng đông nam, du khách sẽ đến với thắng cảnh Ghềnh Ráng.

Ghềnh Ráng về đêm mang một vẻ đẹp huyền ảo. Bầu trời mịn màng như tấm áo choàng được dệt bằng nhung huyền. Dưới chân núi, từng đợt sóng biển ngời ánh lân tinh, hoà quyện với ánh đèn của những chiếc thuyền đi biển ngoài khơi xa cứ lấp lánh dội vào vách đá lúc mờ lúc tỏ. Tiếng sóng biển vỗ nhè nhẹ. Từ đây nhìn ra con đường Quy Nhơn – Sông Cầu, những ánh đèn pha của dòng xe cộ nối đuôi nhau tạo thành một vệt sáng vắt ngang bờ biển cứ như dài ra đến vô tận…Nơi đây đá chất ngổn ngang, tạo thành hang, thành rạn, thành ghềnh, quanh năm đùa giỡn cùng sóng biển. Khi qua nơi nhiều ghềnh, lắm rạn này các thủy thủ phải tìm cách đổ bớt gió trong buồm ra cho thuyền đi chậm lại. Thao tác này trong nghề đi biển gọi là ráng. Lâu dần thành tên, vùng này được gọi là Ghềnh Ráng. Bên cạnh cái tên dân dã thân quen này, nơi đây còn gắn với một truyền thuyết. Truyện kể rằng, ngày xưa ở Bồng Sơn có người con gái đẹp, nết na, thùy mị nổi tiếng. Nàng và một chàng trai trong làng đã thầm yêu nhau. Nhưng rồi sắc đẹp của nàng đã làm viên quan huyện mê say. Hắn cho người theo dõi và tìm mọi cách chiếm đoạt. Để giữ trọn lòng chung thủy với người yêu, nàng khóc lạy cha mẹ, từ biệt chàng trai rồi bỏ làng trốn vào Quy Nhơn. Biết tin, viên quan huyện lập tức sai tùy tùng đuổi theo. Tới Ghềnh Ráng thì trời nổi dông bão, sấm chớp đùng đùng, núi nứt một khe lớn và nàng biến mất. Chàng trai mất người yêu cũng chạy đi khắp nơi tìm kiếm. Chàng leo hết tảng đá này đến tảng đá khác cất tiếng gọi người yêu. Tiếng chàng tha thiết vang động khắp núi rừng và biển cả. Nhưng trong đêm tối, chàng chỉ thấy hình bóng người yêu thấp thoáng ẩn hiện, khi tha thướt trên rừng, khi nhấp nhô theo sóng biển như tiếc thương, vẫy gọi. Từ đó, mỗi khi chớp sáng trên Ghềnh Ráng, người trong vùng lại ngước tìm hình bóng cô gái thấp thoáng hiện lên. Vì vậy nơi đây còn được gọi là Ghềnh Ráng Tiên Sa.

Ghềnh Ráng đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng danh thắng Quốc gia năm 1991.Vượt qua đỉnh dốc Mộng Cầm, rẽ vào con đường dốc bậc thang sẽ là nơi an nghỉ của nhà thơ Hàn Mặc Tử, với khuôn viên rừng dương thoáng đãng và gió biển xào xạc thanh tịnh bên tai. Do mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo, ông đã phải sống những năm tháng cuối đời trong trại phong Quy Hòa, rồi qua đời khi mới vừa 28 tuổi và đã để lại những áng thơ bất hủ cho đời. Để thỏa nguyện mong ước của thi sỹ lúc sinh thời, năm 1969, gia đình và thân hữu đã đưa thi hài ông về táng ở Ghềnh Ráng. Ngôi mộ được xây cất trên một gò cao, lưng dựa vào núi, mặt quay ra biển là nơi mà ai ai dù chỉ một lần đặt chân đến Ghềnh Ráng cũng đều ghé thăm. Đó không chỉ đơn thuần là kiến trúc đẹp của một danh thắng mà hơn thế còn là nơi tưởng niệm một danh nhân. Tại đây du khách còn được chiêm ngưỡng tài viết thơ bằng bút lửa của nghệ nhân Dzũ Kha. Chỉ với chiếc que hàn điện và bàn tay điêu luyện của mình, ông đã làm cho những bài thơ tình lãng mạn của thi sĩ Hàn Mặc Tử được bay lượn phóng khoáng trên mặt gỗ thông còn thơm mùi nhựa để rồi mỗi người khách khi rời nơi này sẽ có thêm một kỷ niệm mang theo.Ghềnh Ráng không chỉ đẹp bởi truyền thuyết mà thực tế còn là một bức tranh sơn thủy hữu tình, hiếm nơi nào có được. Từ đỉnh Ghềnh Ráng có thể phóng tầm mắt nhìn rộng cả bốn bề. Phía tây nam núi xanh trùng điệp như muốn vươn tận trời xanh. Phía bắc là thành phố Quy Nhơn sầm uất, tấp nập người qua lại. Quay mặt ra hướng đông là biển xanh bao la, ôm lấy bãi cát vàng, cong cong như trăng lưỡi liềm mùa hạ. Xa xa về hướng đông bắc là bán đảo Phương Mai án ngữ cửa Thị Nại như một tấm bình phong khổng lồ. Đi dọc con đường uốn lượn theo triền núi, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tuyệt đẹp của tạo hóa. Có tảng đá hình mặt người, tảng thì lại hình đầu con sư tử đang chồm ra biển Đông. Rồi những gấu đá, voi đá nằm chầu như đang canh giữ biển trời. Đặc biệt, ở đây có hai khối đá lớn chồng xếp lên nhau thế rất chênh vênh được gọi là Hòn Chồng. Hòn Chồng mới nhìn tưởng mong manh, có thể đổ sụp bởi một làn gió nhẹ nhưng bao đời vẫn sừng sững trước phong ba bão táp. Từ Hòn Chồng đi về hướng bắc dọc theo bờ đá ven biển, du khách sẽ gặp những hang động hùng vĩ, kỳ bí do đá nằm chồng chất lên nhau tạo thành.

Trên đường trở về, du khách đừng quên dừng chân ở bãi Trứng với vô số viên đá cuội độc đáo được sóng biển kỳ công mài nhẵn, nơi từng dành riêng cho Nam Phương Hoàng Hậu mỗi lần bà về đây nghỉ mát. Vì thế nên còn được gọi là bãi tắm Hoàng Hậu.


Từ thành phố Quy Nhơn đi theo quốc lộ 1D khoảng 3km về hướng đông nam, du khách sẽ đến với thắng cảnh Ghềnh Ráng.

Ghềnh Ráng về đêm mang một vẻ đẹp huyền ảo. Bầu trời mịn màng như tấm áo choàng được dệt bằng nhung huyền. Dưới chân núi, từng đợt sóng biển ngời ánh lân tinh, hoà quyện với ánh đèn của những chiếc thuyền đi biển ngoài khơi xa cứ lấp lánh dội vào vách đá lúc mờ lúc tỏ. Tiếng sóng biển vỗ nhè nhẹ. Từ đây nhìn ra con đường Quy Nhơn – Sông Cầu, những ánh đèn pha của dòng xe cộ nối đuôi nhau tạo thành một vệt sáng vắt ngang bờ biển cứ như dài ra đến vô tận…Nơi đây đá chất ngổn ngang, tạo thành hang, thành rạn, thành ghềnh, quanh năm đùa giỡn cùng sóng biển. Khi qua nơi nhiều ghềnh, lắm rạn này các thủy thủ phải tìm cách đổ bớt gió trong buồm ra cho thuyền đi chậm lại. Thao tác này trong nghề đi biển gọi là ráng. Lâu dần thành tên, vùng này được gọi là Ghềnh Ráng. Bên cạnh cái tên dân dã thân quen này, nơi đây còn gắn với một truyền thuyết. Truyện kể rằng, ngày xưa ở Bồng Sơn có người con gái đẹp, nết na, thùy mị nổi tiếng. Nàng và một chàng trai trong làng đã thầm yêu nhau. Nhưng rồi sắc đẹp của nàng đã làm viên quan huyện mê say. Hắn cho người theo dõi và tìm mọi cách chiếm đoạt. Để giữ trọn lòng chung thủy với người yêu, nàng khóc lạy cha mẹ, từ biệt chàng trai rồi bỏ làng trốn vào Quy Nhơn. Biết tin, viên quan huyện lập tức sai tùy tùng đuổi theo. Tới Ghềnh Ráng thì trời nổi dông bão, sấm chớp đùng đùng, núi nứt một khe lớn và nàng biến mất. Chàng trai mất người yêu cũng chạy đi khắp nơi tìm kiếm. Chàng leo hết tảng đá này đến tảng đá khác cất tiếng gọi người yêu. Tiếng chàng tha thiết vang động khắp núi rừng và biển cả. Nhưng trong đêm tối, chàng chỉ thấy hình bóng người yêu thấp thoáng ẩn hiện, khi tha thướt trên rừng, khi nhấp nhô theo sóng biển như tiếc thương, vẫy gọi. Từ đó, mỗi khi chớp sáng trên Ghềnh Ráng, người trong vùng lại ngước tìm hình bóng cô gái thấp thoáng hiện lên. Vì vậy nơi đây còn được gọi là Ghềnh Ráng Tiên Sa.

Ghềnh Ráng đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng danh thắng Quốc gia năm 1991.Vượt qua đỉnh dốc Mộng Cầm, rẽ vào con đường dốc bậc thang sẽ là nơi an nghỉ của nhà thơ Hàn Mặc Tử, với khuôn viên rừng dương thoáng đãng và gió biển xào xạc thanh tịnh bên tai. Do mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo, ông đã phải sống những năm tháng cuối đời trong trại phong Quy Hòa, rồi qua đời khi mới vừa 28 tuổi và đã để lại những áng thơ bất hủ cho đời. Để thỏa nguyện mong ước của thi sỹ lúc sinh thời, năm 1969, gia đình và thân hữu đã đưa thi hài ông về táng ở Ghềnh Ráng. Ngôi mộ được xây cất trên một gò cao, lưng dựa vào núi, mặt quay ra biển là nơi mà ai ai dù chỉ một lần đặt chân đến Ghềnh Ráng cũng đều ghé thăm. Đó không chỉ đơn thuần là kiến trúc đẹp của một danh thắng mà hơn thế còn là nơi tưởng niệm một danh nhân. Tại đây du khách còn được chiêm ngưỡng tài viết thơ bằng bút lửa của nghệ nhân Dzũ Kha. Chỉ với chiếc que hàn điện và bàn tay điêu luyện của mình, ông đã làm cho những bài thơ tình lãng mạn của thi sĩ Hàn Mặc Tử được bay lượn phóng khoáng trên mặt gỗ thông còn thơm mùi nhựa để rồi mỗi người khách khi rời nơi này sẽ có thêm một kỷ niệm mang theo.Ghềnh Ráng không chỉ đẹp bởi truyền thuyết mà thực tế còn là một bức tranh sơn thủy hữu tình, hiếm nơi nào có được. Từ đỉnh Ghềnh Ráng có thể phóng tầm mắt nhìn rộng cả bốn bề. Phía tây nam núi xanh trùng điệp như muốn vươn tận trời xanh. Phía bắc là thành phố Quy Nhơn sầm uất, tấp nập người qua lại. Quay mặt ra hướng đông là biển xanh bao la, ôm lấy bãi cát vàng, cong cong như trăng lưỡi liềm mùa hạ. Xa xa về hướng đông bắc là bán đảo Phương Mai án ngữ cửa Thị Nại như một tấm bình phong khổng lồ. Đi dọc con đường uốn lượn theo triền núi, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tuyệt đẹp của tạo hóa. Có tảng đá hình mặt người, tảng thì lại hình đầu con sư tử đang chồm ra biển Đông. Rồi những gấu đá, voi đá nằm chầu như đang canh giữ biển trời. Đặc biệt, ở đây có hai khối đá lớn chồng xếp lên nhau thế rất chênh vênh được gọi là Hòn Chồng. Hòn Chồng mới nhìn tưởng mong manh, có thể đổ sụp bởi một làn gió nhẹ nhưng bao đời vẫn sừng sững trước phong ba bão táp. Từ Hòn Chồng đi về hướng bắc dọc theo bờ đá ven biển, du khách sẽ gặp những hang động hùng vĩ, kỳ bí do đá nằm chồng chất lên nhau tạo thành.

Trên đường trở về, du khách đừng quên dừng chân ở bãi Trứng với vô số viên đá cuội độc đáo được sóng biển kỳ công mài nhẵn, nơi từng dành riêng cho Nam Phương Hoàng Hậu mỗi lần bà về đây nghỉ mát. Vì thế nên còn được gọi là bãi tắm Hoàng Hậu.

VIETNAMTOURISM.COM