HÀNH HƯƠNG VỀ CHÙA ÔNG NÚI – LINH PHONG – BÌNH ĐỊNH | NHẬT KÝ CHÚ CUỘI

1480

Nghe tiếng chùa ông Núi, Linh Phong, Bình Đình như một huyền thoại về những truyện cổ tích ngày xưa; nhất là mấy năm nay nhà chùa kết hợp với các nhà hảo tâm xa gần đang xây dựng bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni lớn nhất nước. Tôi cũng như bao nhiêu người dân trên khắp mọi nẽo đường, cùng nhau tìm về tụ hội nhân dịp ngày giổ 24 – 25/1 Âm lịch hằng năm.
Năm nay, khách thập phương phải dừng xe ở phía bên ngoài, cách chân núi lên chùa gần 1 km. Tôi giử xe xong cùng theo dòng người tản bộ đi vào chùa, lúc này đã là 12 giờ 3 phút, trong lúc cái nắng tháng giêng không dể chịu chút nào mà dòng người tấp nập càng lúc càng đông.

photo0062
Người dân mộ đạo từ chân núi đi lên chùa.

Bối cảnh lịch sử:
Chùa Ông Núi có lịch sử hơn 300 năm (theo .binhdinh.gov.vn thì chùa Ông Núi được xây dựng từ đời nhà Lê cách nay khoảng ngót 700 năm) với nhiều huyền thoại, cảnh quan thiên nhiên đẹp, ở về sườn phía Đông Nam núi Bà, cách thành Trà Bàn (Đồ Bàn) hơn 30 dặm; nay thuộc địa phận thôn Phương Phi (xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), mặt trông ra đầm Biển cạn (tức đầm Thị Nại), xung quanh có nước suối lượn quanh phong cảnh thật đẹp, đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Chùa tọa lạc ngay lưng chừng đỉnh Chóp Vung, đỉnh cao nhất của dãy núi Bà.
Theo tài liệu của chùa biên soạn năm 2001, chùa do ông Tổ Giám Huyền và đệ tử Tánh Ban (Lê Ban) sáng lập năm Giáp Tý (1684) niên hiệu Chánh Hoà thứ 5 thời vua Lê Hy Tông. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì chùa thành lập năm 1702 niên hiệu Chánh Hoà thứ 11. Thầy trò “tu thiền quán nơi hang đá. Trước mặt có một suối nước từ chóp núi đổ xuống, nên hang đá mang tên “Dũng tuyền thạch cốc” (hang đá nước xối mạnh). Sau đó thầy Giám Huyền giao lại cho đệ tử Lê Ban để đi vào phía Nam tu hành.

photo0085
Một góc phía sau chùa Linh Phong

Tương truyền, sư Lê Ban là bậc tiên phong đạo cốt, quanh năm chỉ ở trên núi tu luyện, mặc đồ bằng vỏ cây dù mùa đông hay mùa hạ, ung dung tự tại sống bên sườn núi, trong hang đá. Dân trong vùng gọi sư là Mộc Y Sơn Ông (tức “ông núi mặc áo vỏ cây” chuyên hái thuốc trị bệnh cứu người.
Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 -1725) ban cho Ông Núi pháp hiệu Tĩnh giác Thiện trì Đại lão Thiền sư, cho xây lại chùa Dũng Tuyền và đổi tên là Linh Phong.
Sư Lê Ban mất năm Thái Đức thứ 8, đời vua Nguyễn Nhạc (Nguyễn Nhạc, là vị vua sáng lập ra nhà Tây Sơn, ở ngôi hoàng đế từ năm 1778 đến năm 1788 ông xưng là Thái Đức đế. Từ năm 1789 – 1793 ông xưng là Tây Sơn vương).

Phong tục truyền thống.

Chùa Ông Núi là một trong những ngôi chùa cổ rất đẹp và nổi tiếng ở Bình Định. Lễ hội được tổ chức vào ngày 24 và 25 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đây chính là ngày giỗ của Hòa thượng Thích Viên Minh – trụ trì của chùa lúc sơ khai và cũng là một trong những người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của lịch sử Phật giáo Bình Định.
( Có tài liệu ghi là Hòa thượng Thích Trừng Tịnh, không hiểu hai người là một hay là hai người khác nhau, NKCC chưa kiểm chứng được).

photo0069
Cổng vào chính điện – Linh Phong Thiền Tự

Ngày 01/8/2013 tại Bình Định, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã giới thiệu Xá lợi Phật Tổ và tái khởi động triển khai xây dựng giai đoạn I dự án du lịch tâm linh tại quần thể khu du lịch lịch sử, sinh thái và tâm linh tại Núi Bà, xã Cát Tiến, huyện Phú Cát, tỉnh Bình Định (cạnh chùa Linh Phong).

Ngọc Xá Lợi Phật Tổ
Ngọc Xá lợi Phật Tổ là bảo vật linh thiêng cao qúy của Phật giáo. Trên cõi nhân gian này, chỉ những người thực sự có nhân duyên, may mắn mới có cơ hội được diện bái Ngọc xá lợi Phật Tổ, là biểu tượng cho sự hiển linh của Đức Phật nơi nhân gian trần thế.
Đây là ngọc Xá lợi Phật tổ thứ 5 được Giáo hội Phật giáo Myanmar trao tặng cho Việt Nam (vào thời điểm năm 2013). Theo lời Ngài Silan An Da – Đức tăng thống Giáo hội Phật giáo Myanmar: “Ngọc xá lợi Phật tổ chứa đựng một năng lượng màu nhiệm, có thể tăng căn lành, giải trừ nghiệp ác. Ngọc xá lợi Phật tổ có năng lực cảm hóa tâm người, phát triển lòng bác ái trong nội tâm của những ai có cơ duyên được chiêm bái Ngọc Xá lợi.Ngọc xá lợi cũng giúp tâm thế thanh tịnh, có sức khỏe tốt và sau này có thể trở về cõi niết bàn”.
Khi tượng Phật Thích Ca được hoàn thiện, Ngọc Xá Lợi sẻ được bảo quản tại nơi này.
Cho đến nay, ngày 25/1 Đinh Dậu, tức là ngày 21/2/2017 thì công trình xây bức tượng Phật Thích Ca chưa hoàn tất.

photo0093
Người dân địa phương, dựng lều quán từ dưới chân núi. Công trình xây tượng Phật Thích Ca ở phía sau, bên trên chùa Linh Phong

Lời Kết.
Không dể gì có được một nơi mà hàng vạn người có mặt trong hàng giờ! Tất cả đều là tự nguyện, tất cả đều từ tấm chân tình trong sâu thẳm của lòng mình.
Du lịch tâm linh luôn mang đặc thù tính nhân văn trong mọi thời đại, được mọi người dân trong và ngoài tỉnh ủng hộ. Nhưng việc tổ chức ở đây vẫn chưa được chu toàn về nhiều mặt như việc giử vệ sinh chung thì còn những vấn đề bất cập, việc bán hàng rong chưa đi vào nề nếp, việc chiêm bái, thắp hương chưa đi vào qui củ… Có thể ban tổ chức và nhà chùa phải còn có thời gian để luận bàn thêm, nhằm nâng tầm di tích của quốc gia có một diện mạo mới. Phát huy bản sắc dân tộc theo cội nguồn của ngày xưa và cho cả hôm nay.

NHATKYCHUCUOI.COM