Bản đồ du lịch Quy Nhơn – Dành cho những bạn thích du lịch “bụi”

1044

Bình Định là một tỉnh ven biển Nam Trung bộ được gắn liền với vị anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ. Với nghệ thuật tuồng Đào Tấn, với món đặc sản nem chợ Huyện, rượu Bàu Đá, bún chả cá Quy Nhơn, bánh tráng nước dừa Tam Quan, bánh ít lá gai tất cả những thứ này đã tạo nên một xứ sở tuyệt vời. Hôm nay hãy cùng Vietskytourism khám phá bản đồ du lịch Quy Nhơn dành cho những bạn thích du lịch ” Bụi” về thăm mảnh đất với võ thuật Bình Định lưu truyền qua câu ca dao:

Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền

ban-do-du-lich-binh-dinh

Vùng đất dân dã và bình dị ấy đang ngày một thay da đổi thịt, lôi kéo khách du lịch khắp nơi, nhất là những ai yêu thích đi bụi đây đó, yêu những gì hoang sơ, mộc mạc và còn tự nhiên, chưa bị bàn tay con người tàn phá. Chính vì thế Bình Định cùng với Phú Yên hiện nay là hai điểm đến đang được ưa chuộng cho loại hình du lịch bụi – khám phá, nhất là từ các bạn trẻ năng động và ưa xê dịch.

Trong giới hạn hiểu biết hạn hẹp về chính quê hương mình, vài thông tin chia sẻ dưới đây hi vọng sẽ tạo nên bản đồ du lịch Quy Nhơn giúp đáp ứng phần nào thắc mắc cho những bạn (từ TP. Hồ Chí Minh) muốn tự mình đến khám phá vùng đất võ bình yên này.

Quy Nhơn nói riêng và Bình Định nói chung đẹp nhất vào tầm cuối tháng 8, đầu tháng 9. Khi đó trời cao xanh, nắng vàng nhẹ, gió mát, không mưa và lạnh như mùa đông, cũng không còn nắng nóng như mùa hè, tóm lại rất lý tưởng cho việc du lịch. Nếu du lịch đầu xuân tầm tháng 2, tháng 3 thì cũng ổn, vì lúc này khí hậu đã bớt mưa và lạnh.

Bản đồ du lịch Quy Nhơn

Di chuyển đến Quy Nhơn

– Máy bay: liên hệ các phòng vé Vietnam Airlines, Jetstar để mua vé. Ngày mua càng xa ngày đi và không vào dịp lễ tết thì càng có cơ hội mua vé giá rẻ.

– Tàu hỏa: các bạn có thể truy cập website của ga Sài Gòn để xem giá vé và giờ tàu từ TP. HCM đi Quy Nhơn và ngược lại.

– Xe: có thể liên hệ bến xe miền Đông mua vé của các hãng xe chất lượng cao uy tín như Mai Linh, Thuận Thảo. Các hãng này đều có loại giường nằm, phục vụ chu đáo, giá vé đã bao gồm một bữa ăn.

– Khi đến nơi rồi các bạn có thể liên hệ tiếp tân khách sạn hoặc hỏi nơi để thuê xe gắn máy, hay xe đạp và bắt đầu vi vu khám phá thành phố biển nhỏ nhắn xinh đẹp này.

Khách sạn ở Quy Nhơn

Quy Nhơn rất nhỏ, chỉ rộng cỡ quận 3 của TP HCM, nhưng với hệ thống đường xá được xây dựng khá tốt và quy hoạch đẹp, việc đi lại là rất dễ và không lo đi lạc (nếu có bị lạc thì hãy hỏi người dân, người dân ở đây vô cùng thân thiện và sẵn lòng giúp đỡ người phương xa tới).

du-lich-quy-nhon-co-gi-hay

– Nếu muốn ở gần bến xe thì cứ hỏi thăm các bác xe ôm tại bến xe. Giá các khách sạn tại đây khá rẻ, chỉ từ 80.000đ đến 150.000đ/ đêm. Phòng đầy đủ tiện nghi cho sinh hoạt, dù hơi nhỏ. Nhưng như thế cũng ổn đối với dân du lịch bụi rồi!

– Nếu muốn ở gần biển có thể đến đường Nguyễn Huệ, Trần Cao Vân hoặc khu vực xung quanh đó. Người Quy Nhơn dễ tính, dù giọng nói hơi thô và nghe có vẻ dữ, nhưng thực chất rất mến khách và chân thành, có gì muốn biết các bạn cứ tự nhiên hỏi dân địa phương, sẽ được chỉ dẫn tận tình. Giá khách sạn gần biển dao động từ 120.000đ – 250.000đ/ đêm.

khach-san-quy-nhon

Nơi tham quan, địa điểm du lịch ở Quy Nhơn

– Từ bến xe Quy Nhơn có thể đi bộ chừng 10 phút là tới biển, gần resort Hoàng Anh Gia Lai. Kế bên là dốc mộ Hàn Mặc Tử (trong khu du lịch Ghềnh Ráng), vé cổng rất rẻ, hình như chỉ 10.000 đ. Trên đó phong cảnh rất đẹp, có thể chụp ảnh lăng mộ, khu công viên, khu bán hàng lưu niệm của bút lửa Dzũ Kha, đi tiếp nữa là bãi tắm Hoàng Hậu và có thể dừng chân tại Rocky Bar thưởng thức đồ uống và ngắm hoàng hôn. Giá cả không đắt lắm.

mo-han-mac-tu

– Nếu thích lịch sử các bạn có thể đến thăm bảo tàng Quy Nhơn (26 Nguyễn Huệ) để tìm hiểu về lịch sử thành phố và vùng đất võ nói chung.

– Quy Nhơn nhỏ và bình yên. Đường phố rộng rãi, sạch sẽ, hai bên đường luôn có cây xanh rợp bóng mát. Buổi trưa nắng hoặc chiều mát các bạn có thể đi dạo ra biển Quy Nhơn, khu vực kế khách sạn Hải Âu, gần công viên Thiếu Nhi (nhưng toàn người lớn tình tự), đối diện là đại học sư phạm Quy Nhơn để hóng mát và dạo chơi.

– Xa hơn một chút, các bạn có thể đến thăm cầu Thị Nại (cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam), đặc biệt vào lúc hoàng hôn (nếu còn nắng), hoặc buổi tối lúc cầu lên đèn sẽ rất đẹp. Nhưng nếu muốn tiếp tục tham quan thì nên đi từ 3-4g chiều, thẳng qua cầu Thị Nại sẽ đến Nhơn Hội. Đây là khu vực đang quy hoạch xây dựng khu kinh tế Nhơn Hội quy mô. Xung quanh là những đồi cát bay đẹp ngang ngửa hoặc hơn so với những đồi cát Phan Thiết vì nơi này còn hoang sơ, chưa được khai thác du lịch nhiều nên khá là sạch. Một số công ty du lịch có khai thác tổ chức trò chơi trượt cát tại đây.

cau-thi-nai

– Thẳng hướng những đồi cát, cứ chạy theo con đường nhựa mới toanh là sẽ qua đảo Nhơn Lý. Dựng đại xe ở trước một nhà dân nào đó (yên tâm, người dân hiền lành, không lo mất xe như ở TP. HCM, nhưng nếu có mặt chủ nhà nên cười và nói trước vài lời), men theo các con đường đá nhỏ gập ghềnh, sẽ đến được biển. Nơi này còn hoang sơ, rất đẹp với gió, đá, sóng, trời, mây, nước. Tiếc là nơi đây là đảo có dân ở nên không được sạch sẽ cho lắm.

– Gần cửa ngõ vào Quy Nhơn từ hướng Bắc là tháp Đôi, một trong những tháp Chăm còn sót lại của tỉnh Bình Định.

– Nếu có nhiều thời gian thì từ Quy Nhơn có thể đi xe máy tham quan tháp Bánh Ít nằm trên đồi cao (huyện Tuy Phước) với phong cảnh nên thơ nhìn từ trên cao nhìn xuống, hay tham quan khu du lịch Hầm Hô (huyện Tây Sơn) là một vùng sơn thủy hữu tình hòa quyện giữa núi, hồ, rừng già; tham quan bảo tàng Tây Sơn (huyện Tây Sơn) được xây dựng trên nền nhà cũ của ba anh em Nguyễn Nhạc Nguyễn Huệ Nguyễn Lữ; chùa Ông Núi (huyện Phù Cát). Những địa điểm này mất từ nửa ngày cho tới nguyên ngày để tham quan từ Quy Nhơn.

Ẩm thực, đồ ăn ở Quy Nhơn

Các đặc sản dân giã có thể kể đến là: nem nướng, bánh tráng nước dừa nướng, bánh canh chả cá, bún chả cá, bún sứa, cút quay, gà chỉ, ốc (hút), nghêu hấp xả, bánh dây, bánh hỏi lòng heo, bánh xèo tôm nhảy, bánh bèo, bánh lọc… với giá cực kỳ rẻ.

banh-beo-chen-quy-nhon

Buổi chiều mát và buổi tối đừng quên đi dạo ra biển để thưởng thức bánh tráng nước dừa chấm mắm gừng, ốc, mực khô nướng chấm tương ớt, cốc xanh xoài xanh chấm muối… và uống nước mía đó nghen. Các bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy Quy Nhơn vắng lặng như thế, nhưng cứ tầm chiều là trên biển lại có nhiều người dạo mát, chơi thể thao… rồi tụ tập ăn uống, tán chuyện rất vui. Đó là một nét đặc trưng của Quy Nhơn, để lại nhiều ấn tượng cho khách phương xa khi đến đây.

Còn một điều nữa, khi đến với Quy Nhơn bạn đừng quên vào một quán cà phê (khu vực có nhiều quán cà phê nằm trên đường Phạm Hùng) và thử thưởng thức cà phê Quy Nhơn. Bảo đảm bạn không thể nào quên được vị đậm đà cùng hương thơm lừng của cà phê đất võ này.

Sang hơn, các bạn có thể ghé các quán hải sản dọc đường biển Xuân Diệu, đoạn dưới gần cảng. Có mấy quán uy tín, ngon bổ rẻ, mà mình quên tên, các bạn có thể hỏi tiếp tân khách sạn để được hướng dẫn.

cua-huynh-de

Quà lưu niệm khi đi Quy Nhơn về

Ăn chơi đủ rồi, đã đến lúc bạn nghĩ tới ngày quay về, hãy ghé siêu thị Quy Nhơn hoặc bất cứ ngôi chợ nào để mua những đặc sản, quà lưu niệm cho người thân.

Có thể kể đến: nem, rượu Bàu Đá, bún Song Thằn (bún gạo phơi khô tương tự như miến), bánh tráng nước dừa,…

ruou-bau-da

VIETSKYTOURISM