Yên Bái là 1 tỉnh vùng núi Tây Bắc, trải dài theo sông Hồng với khí hậu cận nhiệt đới ẩm đây chính là điều kiện thuận lợi phù hợp nhiều dân tộc định cư, sinh sống và trú ngụ lâu dài. Chính vì nơi đây tụ họp được nhiều dân tộc anh em về cùng sinh sống dưới mái nhà nên văn hóa và các đặc sản Yên Bái cũng trở nên phong phú, đa dạng và hấp dẫn hơn.
Vậy các món ăn được mệnh danh là đặc sản Yên Bái gồm những món ăn gì?
Bạn sẽ không thể nào ngờ tới 1 tỉnh vùng núi hẻo lánh nơi mà giao thông chưa thuận tiện, đường xá đi lại khó khăn lại có nhiều đặc sản ngon và lạ đến như vậy.
1. Chè Suối Giàng
Xã Suối Giàng nằm ở độ cao gần 1400m so với mực nước biển có khí hậu mát mẻ quanh năm như Sapa, Đà Lat, Tam Đảo. Mặc dù ở Yên Bái cũng có nhiều địa phương trồng chè Suối Giàng cổ thư nhưng cây chè Suối Giàng hợp với khí hậu, đất đai và nguồn nước ở đây hơn cả nên cả năm xanh tốt nên đồng bào dân tộc Mông ở đây không bao giờ phải phun thuốc trừ sâu, đảm bảo chất lượng chè sạch tuyệt đối cũng như vị ngon hảo hạng mà nó đem lại. Chè Suối Giàng lá to, dày và có màu xanh đậm, sẫm, búp chè to mập mạp. Mặt lá có phủ một lớp lông tơ mỏng, giống như có tuyết phủ lên, nên được gọi là chè Shan tuyết. Búp chè thanh mảnh, màu sắc tươi sáng, không bị sâu đục khi pha trà màu nước thường sánh ra màu vàng của mật ong.
Chè Suối Giàng đem lại giá trị kinh tế vô cùng to lớn cho đồng bào dân tộc Mông. Mỗi năm chè Suối Giàng cho thu hoạch 3 vụ. Khâu thu hoạch và chế biến đều được làm thủ công. Búp chè sau khi hái cần được lựa chọn tỉ mỉ lại lần nữa loại bỏ búp sâu, già sau đó mới được người bản địa đem đi sao khô. Sao khô rồi cần vò lại bằng tay sao cho búp chè săn lại bằng hạt đỗ. Ngoài việc chú ý đến củi còn phải đảm bảo sao chè sao cho không rơi hết tuyết trắng bám ở búp chè. Khi pha chè nên dùng nước mưa hoặc nước suối hãm đun sôi đủ độ. Sau khi tráng chè thì đổ nước sôi vào đầy ấm hãm khoảng 10 phút, nên rót chè 2 lượt để màu và mùi vị các chén như nhau.
2. Nếp Tú Lệ
”Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò” câu ca dao của dân tộc Thái không chỉ truyền đi khắp vùng núi Tây Bắc mà còn bay xa đến các tỉnh thành khác trên cả nước. Nếp Tú Lệ là đặc sản Yên Bái nổi tiếng. Sở dĩ nếp Tú Lệ có mùi thơm ngon, hạt gạo trắng mẩy như vậy đều có nguyên căn của nó. Đầu tiên phải nhắc đến vị trí địa lý được ông trời ưu ái ở Tú Lệ. Là 1 xã thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Xã Tú Lệ nằm giữa thung lũng Mường Lò xung quanh được bao phủ bởi 3 ngọn núi cao: Khau Phạ, Khau Thán, Khau Song. Nơi đây có biên độ dao động của nhiệt độ trong ngày lớn, thời gian đêm dài hơn ngày.
Đến với Tú Lệ vào ngày mùa, ngay từ xa bạn đã có thể ngửi thấy mùi thơm của lúa chín thoang thoảng, quyến rũ của lúa nếp cùng với bóng dáng các cô gái Thái thấp thoáng đang gặt lúa ở trên cánh đồng mùa vàng. Chưa kể đến chất lượng gạo nếp Tú Lệ như thế nào chỉ cần ngắm được cảnh thơ mộng đó đã đủ lôi kéo du khách đến tham quan đúng không nào nhất là đối với những con người yêu thích vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, con người chất phác, nồng hậu của vùng quê yên bình này. Đặc biệt không giống những loại lúa khác, nếp Tú Lệ 1 năm chỉ có 1 vụ duy nhất. Có thể nói gạo Nếp Tú Lệ là sản vật trời ban cho mảnh đất nơi đây.
Để trở thành đặc sản nổi tiếng thì mùi vị, hình dáng không thể là toàn bộ yếu tố quyết định được mà yếu tố tiên quyết là giá trị dinh dưỡng của hạt gạo Tú Lệ. Nhờ có vị trí địa lý đặc biệt này khiến mạch tinh bột amino-pectin (thành phần chính quyết định sự dẻo thơm của hạt gạo) chiếm rất lớn. Thêm vào đó là thành phần đất Tú Lệ tơi xốp, màu mỡ dễ ngấm nước khiến nếp Tú lệ thơm dẻo đặc biệt và kì lạ hơn những nơi khác nếu đem giống Tú Lệ về gieo trồng cũng không bao giờ xuất hiện được mùi vị đặc trưng như vậy. Nếp Tú Lệ không chứa thành phần gluten, không có vị ngọt, bổ sung nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Gạo nếp Tú Lệ được chế biến vào rất nhiều món: Rượu nếp Tú Lệ, cơm nếp, xôi, bánh chưng, bánh dày, các món chè, hoặc cất rượu nếp, ngâm rượu cần.
Nếu bạn đặt chân đến Tú Lệ bạn đừng bỏ qua món đặc sản chân quê mà bình dị này nhé. Mua tại nơi thu hoạch còn gì có thể cảm nhận được thiên nhiên gần với ta hơn thế.
“Mường Lò gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về”
3. Táo mèo Yên Bái
Táo mèo hay được gọi là quả Sơn Tra được trồng ở khá nhiều tỉnh thành thuộc Tây Bắc: Lai Châu, Sapa, Sơn La,… Tuy nhiên táo mèo được trồng ở Yên Bái lại ngon đặc biệt hơn hẳn với hương vị chua ngọt, chát đậm đà cũng giống như dư vị cuộc sống của con người ở cửa ngõ Tây Bắc.
Táo mèo Yên Bái được trồng ở những nơi có vị trí cao hơn 1000m, phổ biến được trồng ở Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu nơi có khí hậu mát mẻ. Táo mèo mọc rải rác trên rừng. Tháng 9, 10 là vụ thu hoạch chính, tại thời điểm này khắp các chợ trên địa bàn Yên Bái đều bày bán loại quả này. Người biết chọn táo mèo sẽ không chọn những quả mã đẹp mà chọn những quả có sâu, quả nhỏ vì đây mới thực sự là những quả táo ngon. Táo mèo nổi tiếng ngoài công dụng giúp giải nhiệt mùa hè, mùi vị khi ăn nó đem lại phần lớn là công dụng của loại quả này trong làm đẹp và chữa bệnh . Khoa học hiện nay đã công nhận táo mèo là vị thuốc quý. Táo mèo Yên Bái giúp giảm béo, hạ huyết áp, an thần, ổn định tim mạch, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể… Chính vì thế khi đến Yên Bái mùa nào bạn cũng sẽ được thưởng thức loại quả này.
Táo mèo được dùng ngâm rượu với những mẹ, những chị khéo tay còn có thể chế biến ra các loại mứt, siro. Táo mèo ngâm với mật ong tạo ra loại dấm táo giảm cân vô cùng hiệu quả với mùi thơm nhẹ dịu, vị chua ngọt rất dễ uống chỉ cần bạn pha với nước lọc vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ bạn sẽ sớm có được vóc dáng mơ ước.
4. Măng Sặt Yên Bái
Những cơn mưa xuân sau Tết Nguyên Đán cứ kéo dài thế tưởng chừng không đem lại lợi ích gì ngoài thưởng ngoạn nhưng cũng phải cảm ơn những cơn mưa lất phất ấy đã tưới mát cho ruộng đồng. Và ở 1 vùng quê như Yên Bái nhờ có những cơn mưa xuân ấy đã sản sinh ra 1 đặc sản với cái tên hết sức bình dị: Măng sặt Yên Bái.
Măng sặt nhìn thật dân dã nhưng ăn 1 lần thì nhớ mãi. Loại măng này dễ nhận biết bởi thân nhỏ chỉ bằng đầu ngón tay cái, vỏ bóng, màu xanh pha màu lam vàng. Măng sặt Yên Bái được nhiều thực khách ưa thích bởi vì mùi vị thơm, ngon,ngọt. Măng sặt không phải vùng nào trồng cũng ngon. Có vẻ như Yên Bái có khí hậu thổ nhưỡng phù hợp để loài cây này có thể phát triển một cách tốt nhất. Vì vậy du khách bình chọn đây là món ăn ngon nhất tại tỉnh thành này.
Măng sặt Yên Bái chế biến được rất nhiều món đây ví dụ như: Măng ninh sườn; măng sặt xào tỏi; măng luộc; măng nướng; măng cay. Đây là 1 trong những nguyên nhân mà mỗi du khách khi đến Yên Bái đều tìm bằng được để thưởng thức món ăn này. Đến Yên Bái nhất định phải ăn món ăn này nhé.
5. Mật ong nhãn Văn Chấn
Nhắc đến mật ong với hàm lượng dinh dưỡng tuyệt đối ở vùng núi Tây Bắc, làm sao bạn có thể bỏ qua được mật ong nhãn Văn Chấn-Yên Bái được? Tôi sẽ lấy làm rất ngạc nhiên nếu bạn đã đặt chân đến tỉnh thành này lại bỏ qua 1 đặc sản Yên Bái nổi tiếng đó là mật ong nhãn Văn Chấn đấy.
Cứ tháng 4 hàng năm, mùa hoa nhãn ở Văn Chấn đang nở rộ du khách sẽ được tận mắt nhìn thấy diện tích hàng ngàn ha nhãn đang nở rộ tại các xã Đồng Khê, Sơn Thịnh, Suối Bu và thị trấn Nông trường Liên Sơn, Nghĩa Lộ. Đây chính là thời điểm mà các hộ nuôi ong ở Văn Chấn bắt đầu mùa thu hoạch mật.
Mật ong nhãn Văn Chấn được xếp vào đặc sản của vùng đất Yên Bái cũng là do sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, sạch vì được ong thợ thu hoạch từ các cây nhãn trồng trên đồi nơi người dân không sử dụng phân vô cơ và phun thuốc trừ sâu.
Công dụng của mật ong thì khỏi phải bàn cãi đi như là bồi bổ sức khoẻ, tăng tuổi thọ, điều trị tốt với các bệnh tiêu hoá: viêm loét dạ dày, đại tràng, tá tràng, chữa bệnh thiếu máu, ho, cảm lạnh, suy nhược cơ thể, có tác dung làm đẹp nhờ khả năng giữ ẩm và tăng cường nuôi dưỡng các mô da và các tế bào. Ngoài ra còn là gia vị cho các món ăn. Hãy chọn cho mình 1 loại mật ong tốt để có thể tận dụng được những công dụng tuyệt vời này nhé và tất nhiên là Mật ong nhãn Văn Chấn có thể đáp ứng nhu cầu của bạn.
6. Bánh chuối Lục Yên
Với mỗi vùng miền khác nhau lại có những món ăn đặc sản tượng trưng cho vùng miền đó khác nhau. Nhãn lồng là của Hưng Yên, Vải Thiều Bắc Giang,… thì Yên Bái cũng có bánh chuối Lục Yên. Tuy có thể không nổi tiếng bằng đặc sản nơi khác nhưng xét về mùi vị, hình thái chất lượng thì tuyệt nhiên có thể liệt vào những đặc sản Yên Bái bạn không thể bỏ qua.
Bánh chuối Lục Yên là sản phẩm của người Tày. Qua những bàn tay khéo léo bánh chuối đã được tạo ra với mùi vị thơm lừng. Thành phần chủ yếu là chuối và gạo. Để làm ra món bánh này người làm cần hết sức công phu tỉ mỉ từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến khâu làm bánh. Phần nhân bánh người ta thường cho lạc, dường, đậu để tăng mùi vị cho bánh. Cộng thêm mùi vị bắt mắt bánh chuối Lục Yên chính là đặc sản khi mà bạn đặt chân đến vùng đất này.
7. Thịt trâu gác bếp Yên Bái
Thịt trâu gác bếp Yên Bái hay còn gọi là thịt trâu sấy khô là đặc sản Yên Bái nổi tiếng từ lâu này. Món ăn này là đặc sản của người Thái Đen. Với hàm lượng chất ding dưỡng cao cộng thêm hương vị thơm ngon độc đáo ăn rất lạ miệng đây sẽ là món quà tuyệt vời nhất cho gia đình và người thân của bạn.
Thịt trâu có màu đỏ sẫm là nhờ công của người hun. Xé thịt bên trong vẫn đỏ hồng ăn vào thấy vị ngọt của thịt mùi gia vị đúng điệu. Thịt trâu mua về có thể ăn ngăn, tuy nhiên ăn nóng sẽ ngon hơn thêm vào đó sẽ chế biến cũng như ăn kèm được nhiều món hơn. Vì thịt trâu gác bếp Yên Bái không sử dụng chất bảo quản nên bạn hãy cho vào tủ lạnh để bảo quản lâu hơn. Đến Yên Bái đừng quên lên Nghĩa Lộ đem thịt trâu về làm quà nhé.
8. Rượu thóc La Pán Tẩn
Nếu bạn lên Yên Bái du lịch, những địa điểm bạn sẽ đặt chân đến là đâu? Lục Yên, Hồ thác Bà,.. nhưng chắc chắn 1 nơi bạn không thể không đến đó là Mù Cang Chải. Thời tiết mát mẻ, những cánh đồng ruộng bậc thang trải dài vút tầm mắt, cong người gần gũi nồng hậu… và đương nhiên là không thể bỏ qua những đặc sản ở nơi này rồi trong đó có rượu thóc La Pán Tẩn.
Được sản xuất bằng phương pháp truyền thống. Nguyên liệu được lấy từ chính từ thóc nương tự trồng của người Mông nơi đây, công việc lựa chọn cũng vô cùng kĩ càng. Rượu thóc La Pán Tẩn được nấu bằng 100% nguyên liệu từ thiên nhiên nên chính vì thế từ khâu nấu gạo ủ men cho đến công đoạn cuối cùng vô cùng công phu. Rượu thóc La Pán Tẩn có mùi thơm nồng từ gạo nương, màu trong suốt, uống vào không gây đau đầu đây chính là nguyên nhân làm nên thương hiệu của loại rượu này.
9. Mọc Vịt Lục Yên
Như đã giới thiệu ở trên Lục Yên ngoài có bánh chuối ra còn có thêm 1 đặc sản nữa đó chính là món Mọc vịt Lục Yên. Vịt bầu nơi đây thịt chắc thơm ngon có thể chế biến được rất nhiều món nhưng theo tập tục người dân nơi đây trên mâm cơm, bàn tiệc không thể thiếu món đó chính là mọc vịt và tiết canh.
Để chế biến được món này ta phải chọn được vịt ngon đầu tiên và không thể thiếu các nguyên liệu chính của sả, rau răm, hạt dổi và thính. Cách chế biến cũng yêu cầu công đoạn tỉ mỉ. Thịt vịt là 1 món ăn dân dã và mọc vịt khi ăn khiến con người ta cảm thấy lạ miệng. Tuy chưa nổi tiếng khắp toàn miền nhưng đây chính là món ăn ngon nhất, dân dã nhất mà khi đến đây bạn cần phải thử ngay.
10. Xôi ngũ sắc Yên Bái
Mỗi lần đến Mường Lò(Yên Bái) quý khách không chỉ được ngắm thiên nhiên hùng vĩ hoang sơ mà còn được thưởng thức rất nhiều món ngon ở vùng quê này.
” Muốn ăn cơm trắng cá ngon
Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò”
Không chỉ có “cơm trắng”, “cá ngon” mà vùng đất này còn có 1 đặc sản nổi tiếng đó chính là xôi ngũ sắc Yên bái.
Công việc đầu tiên là chọn gạo. Ứng cử viên sáng giá không ai khác chính là gạo nếp Tú Lệ. Sau đó là chọn các nguyên liệu tạo màu cho xôi, Ngoài màu tự nhiên là màu trắng thì 4 màu còn lại đều được lấy từ lá cây, củ để làm. Màu đỏ người dân tộc Thái dùng lá cơm nếp đỏ, màu tím dùng lá cơm nếp đen, màu vàng được tạo màu từ củ nghệ già, màu xanh hì thường dùng lá gừng để tạo màu đương nhiên cũng có nhiều cách tạo màu xanh này khác nhau. Theo quan niệm, xôi ngũ sắc hội tụ được giữa truyền thống và hiện đại, mang ý nghĩa về quan niệm vũ trụ, triết lý âm dương. Xôi màu đỏ tượng trưng chó khát vọng, ước mơ; màu xanh tượng trưng cho sự bao la của núi rừng; màu tím tượng trưng cho đất đai trù phú, quý giá; màu vàng tượng trưng cho sự no đủ, phồn thịnh; màu trắng tượng trưng cho tình yêu son sắt, thủy chung. Những ai đã được thưởng thức món sôi ngũ sắc Yên Bái này thì chắc hẳn sẽ không bao giờ quên hãy giới thiệu nó với bạn bè, người thân nhé. Còn những ai chưa được ăn món xôi ngũ sắc Yên Bái này thì hãy mau xách balo lên và đi.
11. Măng khô đặc sản Yên Bái
Và đặc sản cuối cùng mà tôi muốn giới thiệu cho các bạn đó chính là: Măng khô đặc sản Yên Bái. Trong mâm cơm ngày Tết thường có 1 món canh không thể thiếu đó chính là canh măng. Tuy nhiên để nấu được 1 bát canh măng ngon thì tất nhiên là cần phải chọn được loại măng khô ngon. Yên Bái là nơi đáp ứng được mọi nhu cầu của bạn cũng như mùi vị măng ở đây nhờ điều kiện địa hình cũng như khí hậu đem lại cảm giác hoàn toàn ngon hơn các loại măng khác. Măng khô Yên Bái được chế biến thủ công, hoàn toàn dùng phương pháp phơi sấy tự nhiên. Màu vàng sẫm, mùi khét khét, không có mùi lạ, không bị mốc chính là đặc điểm nhận dạng của măng khô Yên Bái.
Măng khô đặc sản Yên Bái có thể chế biến được rất nhiều món ăn như: Thịt kho măng khô, bún măng gà, chân giò hầm măng, măng khô hầm xương, miến măng vịt,… Bạn hãy mua măng khô Yên Bái về và tự tay chế biến các món ăn kết hợp với măng khô cho gia đình của mình nhé.
Trên đây là 11 đặc sản Yên Bái mà tôi giới thiệu cho các bạn. Hi vọng khi các bạn đến và dừng chân tại đây sẽ được thưởng thức hết 11 đặc sản Yên Bái này nhé.
TRAVEL THEMES AND DREAMS