Tôm chua và cá nướng Ba Bể, miến dong Na Rì, chuối hột rừng, thịt lợn gác bếp, bánh pẻng phạ, rau sắng có thể nói là những món ngon riêng có của vùng núi Bắc Kạn.
Tôm chua Ba Bể
Ở Ba Bể, người dân thường ăn tôm chua với thịt chân giò hoặc ba chỉ luộc kèm đĩa khế chua, chuối xanh, đinh lăng… Giữa khung cảnh thiên nhiên nên thơ, nhấm nháp tôm chua cùng chén rượu ngô cay nho nhỏ, du khách sẽ có cảm giác lâng lâng êm ái, thấm thía vị béo chua chua của thịt, cảm nhận phần tỏi ớt cay cay cùng mùi thơm riềng…
Món ăn được bán khá nhiều ở các bản Bó Lù, Pác Ngòi… Ngoài tôm, các loại tép hay cá nhỏ được bắt tươi ở hồ, ăn không hết, người dân cũng muối vào lọ, để ăn dần.
Chuối hột rừng
Chuối hột hồ Ba Bể được bán nhiều ở đường lên ao Tiên, khu vực đón khách từ cổng vào xuống hồ… Vì trồng trên những quả núi quanh hồ nên thân chuối vươn cao, quả căng tròn trông rất hấp dẫn, vừa tạo cảnh quan đẹp lại dùng để làm thuốc và quà biếu.
Thịt lợn gác bếp
Khác với một số dân tộc khác, người Tày sống quanh hồ Ba Bể thường bỏ thịt vào sọt hoặc gùi đi rừng rồi mới treo lên bếp. Khói từ bếp củi hằng ngày hun lên làm thịt có màu vàng đen.
Thịt treo như vậy để được cả năm mà không hỏng. Ngày nay, dù không phải tích trữ thịt treo gác bếp làm lương thực để dành nhưng trong nhà người Tày ở quanh hồ vẫn luôn có một ít, dùng trong những dịp đón khách quý, lễ tết hay ngày quan trọng khác.
Bánh Pẻng phạ
Bên ngoài có lớp bột trắng che lớp bột nâu bên trong. Bánh pẻng phạ là một trong những món ăn truyền thống của dân tộc Tày để dâng trời đất.
Bánh pẻng phạ chế biến không cầu kỳ nhưng mùi vị thơm ngon. Nguyên liệu chính để làm bánh là bột gạo nếp được nhào với nước chè mạn pha đặc để lấy màu nâu và vị chát, một chút rượu trắng cho dậy mùi.
Khâu nhục
Khâu nhục là món ăn đặc biệt mang đậm tính dân tộc của người dân Bắc Kạn. Khâu nhục được làm rất công phu, khoai được chọn phải là khoai môn Bắc Kạn, bên trong lòng khoai có vân màu tím. Thịt lợn phải là thịt ba chỉ ngon, luộc sơ qua, dùng tăm tre chọc bì thật kĩ, tẩm ướp gia vị rồi đem quay, vừa quay vừa quết mật ong cho vàng bì. Khoai cũng phải rán vàng. Mọi thứ được xếp vào bát, cứ một miếng khoai, một miếng thịt, cho nhân được làm bằng thịt, nấm hương, mộc nhĩ …đã xào lên trên hấp cách thuỷ khoảng 5 tiếng đồng hồ. Thành phẩm khi xong được cho ra đĩa rất đẹp. Món khâu nhục làm cầu kì nhưng ăn lại rất ngon nên nhân dân Bắc Kạn thường dành vào những dịp đặc biệt như lễ tết, cưới hỏi và vào nhà mới.
Rau sắng (rau ngót rừng)
Không giống như các loại rau khác chỉ cần trồng ngày một ngày hai là được hái lá, rau sắng từ khi trồng đến khi được hái lá lần đầu tiên phải sau ít nhất là 3-5 năm, và sau 10 năm mới được thu hoạch với số lượng lớn.
Lá rau sắng dùng để nấu canh với thịt hoặc cá. Mùi vị của loại rau này rất đậm đà, chỉ cần một vài cọng cũng đã đủ để có thể nấu bát canh thơm ngon cho 4 người ăn.Theo kinh nghiệm của người dân, phải ăn canh rau sắng nấu suông, nêm một chút muối, chậm rãi nhai kỹ từng chiếc lá nhỏ, thưởng thức thật sâu, thật kỹ vị ngọt, vị bùi khó tả của nó thì mới cảm nhận được hương vị đặc biệt của cây rau sắng. Những cây rau sắng đực cho những chùm rồng rồng. Loại này có thể nấu canh và ngon hơn nữa là xào với thịt bò.
Quả sắng hình bầu dục, to như quả nhót, khi chín có mầu vàng sẫm, ăn có vị ngọt đượm như mật ong. Hạt của quả sắng sau khi bóc vỏ đem ninh với xương rất thơm ngon, có vị ngọt, bùi.
Xôi Đăm Đeng
Món xôi này rất độc đáo vì được nấu từ gạo nếp nương và tất cả màu sắc của xôi không tạo ra bằng phẩm màu mà bằng hương sắc của cây cỏ. Người ta lấy lá của cây cẩm và vài loại lá khác đun lên, chắt nước ra, ngâm gạo nếp vào khoảng vài giờ rồi mang đồ trên chõ gỗ. Nước ngâm gạo phải nóng già thì khi chín xôi mới có độ dẻo.
Xôi Đăm Đeng có một mùi thơm đặc trưng của cây cỏ, không thể lẫn với bất cứ loại xôi nào khác. Hạt xôi bóng đẹp nhưng không ướt, khi nguội hạt xôi se lại nhưng vẫn mềm, dẻo và thơm.
Xôi Đăm Đeng thường được ăn với muối vừng hoặc ruốc tùy theo khẩu vị từng người. Người dân miền núi quan niệm rằng ăn xôi này sẽ mang lại nhiều may mắn và tốt lành.
Nếu có dịp lên Bắc Kạn vào những ngày lễ, tết hãy thưởng thức món xôi “Đăm Đeng” để tận hưởng hương sắc của núi rừng nơi đây.
Miến dong Na Rì
Miến dong là đặc sản nổi tiếng của Na Rì, Bắc Kạn, được làm thủ công từ những củ dong riềng trồng trên đèo Áng Toòng ở độ cao trên 1.000 m. Sợi miến được làm từ bàn tay khéo léo của người dân nơi đây nên giữ nguyên màu sắc tự nhiên vốn có. Sợi miến có màu vàng hoặc trong đục, sợi dai và giòn để lâu cũng không bị nát, đây cũng là nét đặc trưng khiến nhiều người yêu thích món ăn dân dã này.
Sợi miến có màu tự nhiên do không dùng hóa chất, sợi miến khi nấu có vị dai, giòn và thơm của dong riềng. Từ miến dong có thể chế biến nhiều món ngon và dễ ăn.
Măng vầu
Rừng Bắc Kạn có rất nhiều loại măng như: măng tre, măng trúc, măng nứa, măng mai… nhưng nếu nói là đặc sản phải kể đến thứ “măng vầu” hay còn gọi là “măng đắng”. Theo kinh nghiệm của những người đi hái măng, vào đầu vụ những mầm măng vầu mới nhú còn có vị ngọt xen lẫn vị hơi hơi hơi đắng, còn từ sau tháng 2 Âm lịch, măng lại chuyển sang vị đắng gắt hơn.
Ở Bắc Kạn, người ta có thể chế biến măng thành rất nhiều món ngon nhưng hấp dẫn hơn cả có lẽ là măng luộc chấm mắm tôm chanh ớt. Những người sành ăn măng thì hay chọn ăn loại măng luộc thật đắng vì như vậy mới cảm nhận hết được sự thú vị của món ăn này. Cái cảm giác đắng, chát cứ mất dần khi nhai kỹ, thay vào đó là cảm giác thoang thoảng ngọt, nhẹ nhẹ cay, rất lạ.
Rau dớn
Rau dớn là một loại cây thuộc họ quyết, giống như cây dương xỉ, cành dài lá nhỏ, mặt lá có màu xanh nhẵn, cuống lá có lông. Ở Bắc Kạn, rau dớn thường mọc ở vùng núi cao, nơi ngọn nguồn của các con sông, con suối và thường mọc ở bờ suối, bờ khe, nơi có độ ẩm ướt cao.
Rau dớn ăn ngon nhất là sau mùa lụt đến cuối mùa xuân. Lá rau dớn non uốn cong như vòi voi, có nhựa nhớt. Đồng bào thường chỉ hái ngọn cong non, lá bánh tẻ để ăn.
Rau bồ khai (rau dạ hiến)
Rau bồ khai (bò khai) thường mọc trên những vùng núi đá cheo leo, ngọn rau giống như cây tầm gửi, thân bám vào những cây gỗ lớn để vươn lên đón lấy cái trong trẻo của ánh sáng và khí trời. Ngọn rau thoạt nhìn giống ngọn mướp hương nhưng mảnh mai hơn và có màu xanh non tơ như lá cành mới nhú. Khoảng mùa xuân, bồ khai bắt đầu trổ ngọn xanh tốt. Người dân trong vùng đã quen với mùa đi hái bồ khai. Vào dịp này, ở khắp các phiên chợ vùng cao nơi đây đều có bày bán rau bồ khai.
Bồ khai mang về chẳng phải chế biến cầu kì gì nhiều, chỉ cần nhặt sạch, phi tỏi thơm trên bếp rồi đổ rau vào xào to lửa là đã có một món ăn hấp dẫn. Bồ khai còn được dùng làm phở, mì xào hay xào lẫn với thịt bò. Rau bồ khai có một mùi vị rất riêng, không thể tìm được sự tương đồng ở bất cứ loại mùi vị nào khác.
Lạp sườn hun khói
Lạp sườn được làm từ thịt lợn bản nên thịt thơm và chắc. Điểm độc đáo của lạp sườn Bắc Kạn là được tẩm ướp bằng gừng đá, một loại gừng chỉ mọc trên đá của người dân tộc nên có mùi thơm rất đặc biệt, không giống gia vị nào của miền xuôi.
Lạp sườn được làm bằng tay của người Bắc Kạn có mùi của nắng vùng cao, mùi của khói bếp, thoảng mùi gừng, mùi rượu, mắc mật, thơm một cách đặc biệt. Vị dai của lòng, vị ngọt của thịt nạc, vị béo của mỡ hòa quyện với nhau, ăn thật ngon miệng. Nhấp thêm chút rượu nữa thì càng khoái khẩu.
Cá nướng Ba Bể
Cá trong hồ Ba Bể có rất nhiều, thường được người dân đánh bắt thủ công, số lượng cá không nhiều nhưng chất lượng thì tuyệt vời vì thịt cá trắng, chắc và có vị ngọt. Người ta chọn lấy loại cá chỉ nhỏ bằng ngón tay cái, loại cá này vừa giống như cá bống, vừa giống con cá nẹp ở xuôi để làm món cá nướng.
Không gì khoái bằng ngồi bên bờ hồ Ba Bể, nhâm nhi đĩa cá nướng chấm tương ớt với vài chén rượu ngô. Vị cá thơm lừng, thịt cá bùi và dai. Rượu ngô cay cay nhưng vẫn có vị ngọt đâu đây nơi cuống lưỡi. Cùng ngắm cảnh hồ Ba Bể, thần tiên và thăng hoa hơn bất cứ mâm cao cỗ đầy nào khác.
Bánh ngải
Mỗi dân tộc đều sáng tạo ra những loại bánh có hương vị khác nhau, có một loại bánh mà chỉ người Tày mới có đó là bánh ngải. Bánh ngải có màu xanh đặc trưng của thiên nhiên, hình thù và cách làm gần giống với bánh dày của người miền xuôi.
Muốn bánh thơm, dẻo phải chọn loại nếp nương và không được lẫn dù chỉ một hạt gạo tẻ. Bánh ngải là thứ bánh rất dễ ăn, mát và không ngấy, nếu ai đã từng ăn một lần sẽ không quên mùi vị của loại bánh dân dã này. Vị hăng hăng, thơm thơm là lạ của lá ngải như dung hòa cái dẻo, cái ngọt của nếp, của đường, miếng bánh có sự tươi non của đồi nương, cái hoang dã của lá rừng.
Mứt mận
Món mứt mận ở Bắc Kạn được người dân coi là đặc sản. Vì nó có những hương vị đặc trưng riêng và rất hấp dẫn. Hầu như người dân Bắc Kạn đi đâu xa đều mang món mứt mận để làm quà biếu và giới thiệu sản phẩm của quê hương mình.
(Theo Gia đình & Xã hội)
VIETNAMNET