7 địa điểm du lịch Mộc Châu – Sơn La hoàn mỹ đến không ngờ

1209

Sơn La là vùng đất còn hoang sơ thuần khiết của rừng núi, của những làn nước trong veo từ những dòng suối nước hai bên đường, của những thắng cảnh thiên nhiên và tấm lòng hiếu khách của người dân nơi đây. Mỗi mùa xuân về, hoa ban, hoa đào, hoa mận bung nở trắng khắp núi rừng Tây Bắc dường như càng tô đẹp thêm cho vùng đất dường như đã vốn đậm đà bản sắc văn hoá.

Cùng đến với du lịch Mộc Châu – Sơn La bạn sẽ được phóng tầm mắt thỏa thích ngắm nhìn vùng núi non hùng vĩ và khám phá về những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc.

1. Động Sơn Mộc Hương (Hang Dơi)

Hang Dơi Mộc Châu hay còn gọi là động Sơn Mộc Hương – là một trong những điểm tham quan thú vị của Mộc Châu. Đây cũng là một điểm đến yêu thích của mình bởi tính kỳ dị cũng như độc đáo của những nhũ đá trong hang.

son-la-cac-dia-diem-ua-thich-hang-doi

Động Sơn Mộc Hương (Hang Dơi)

Động Sơn Mộc Hương xưa được người Thái gọi là hang Sa Lai (Hang Nước) vì trong lòng núi có mạch nước ngầm lớn chảy quanh năm không bao giờ cạn, nó từng là nguồn nước cho bà con thị trấn Mộc Châu. Hiện tại thì hồ đã cạn, không còn chút nước nào. Sơn Mộc Hương có diện tích gần 7000 mét vuông, là hang động các-xtơ đá vôi điển hình nằm ở độ cao gần 100m. Động gồm 3 động lớn, được ngăn bằng các khối nhũ đá, măng đá, rèm đá, tường đá với nhiều hình thù độc đáo, lạ mắt.

Hang Dơi được phát hiện từ năm 1952, tại đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện một số hiện vật và dấu tích của người Việt cổ. Vào năm 1992, bảo tàng Sơn La kết hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức thám sát tại Sơn Mộc Hương. Ở khoảng đất rộng trước cửa động, người ta đã phát hiện có vài mảnh tước, rìu mài lưỡi, bi đá, mảnh gốm… dấu hiệu chứng minh tại đây đã có người Việt cổ sinh sống tại đây. Vào năm 1998, hang Dơi đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia.

  1. Các bạn nên đi giày đế bệt để tiện cho việc leo trèo, ngoài ra cũng nên lựa chọn những bộ trang phục thoải mái, gọn gàng.
  2. Đường đi có một vài đoạn khá trơn trượt, vì vậy các bạn lưu ý khi di chuyển. Tốt nhất là tránh mang những đôi dép, đôi giày có độ ma sát thấp.
  3. Các bạn nên tôn trọng di tích của Quốc gia, không vứt rác bừa bãi ở bất cứ đâu. Đặc biệt có trường hợp khách du lịch đã cố tình bẻ gãy những nhũ đá trong hang để mang về làm kỷ niệm. Những nhũ đá phải mất hàng nghìn, hàng triệu năm mới được hình thành, vì vậy các bạn không được phép bẻ nhũ đá.

Động Sơn Mộc Hương (hang Dơi) nằm ở phía Đông Bắc và nằm ngay cạnh thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Có thể đi bộ từ thị trấn Mộc Châu đến Hang Dơi rất thuận tiện và nhanh chóng.

2. Ngắm mây mờ trên đỉnh Pha Luông

Chinh phục đỉnh Pha Luông” ngày càng trở thành mục tiêu hấp dẫn đối với giới trẻ Việt Nam, và mình cũng không ngoại lệ. Không cao và hiểm trở như Phan Xi Păng (hơn 3100m) nhưng đường lên Pha Luông đầy hấp dẫn với những cánh rừng rậm rạp, đầy bí hiểm. Từ trên đỉnh Pha Luông, các bạn có thể nhìn thấy rõ đường sườn núi phân chia biên giới Việt – Lào, bên dưới là mây mờ bao phủ những cánh rừng nguyên sinh bát ngát.

son-la-cac-dia-diem-ua-thich-dia-diem-du-lich-moc-chau-1-dinh-pha-luong

Cảnh đẹp dãy núi Pha Luông

Dãy núi Pha Luông còn có tên gọi khác là Bờ Lung (tiếng Thái là núi lớn), thuộc xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Dãy núi là ranh giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào; nó còn được nhắc đến trong bài Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng với câu “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Đỉnh Pha Luông được mệnh danh là nóc nhà của Mộc Châu, quanh năm được bao phủ bởi mây mù và sương núi huyền ảo. Đặc biệt thời tiết ở đây khá thất thường, có khi đang nắng trong xanh, bất chợt mây kéo giăng mùng mờ mịt.

Một số lưu ý khi chinh phục Pha Luông

  1. Đỉnh Pha Luông không quá cao nên chỉ trong một ngày là các bạn có thể chinh phục được đỉnh Pha Luông tuyệt đẹp này, vì vậy không cần phải mang nhiều đồ trong balô, đỡ mất công xách nặng. Hiện tại các bạn chưa được phép nghỉ qua đêm trên đỉnh Pha Luông vì tình hình an ninh khá phức tạp.
  2. Đỉnh Pha Luông cũng có nhiều đoạn khá dốc và nguy hiểm, các bạn nên cẩn thận trong việc đi lại để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
  3. Mặc quần áo dài tay rộng rãi, gọn gàng và thoải mái, đi giày đế bệt, chắc chắn và có độ ma sát với mặt đất cao. Các bạn chỉ cần mang trong balô một ít đồ ăn nhẹ để ăn trong ngày, thuốc chống côn trùng đốt, thuốc sát trùng, thuốc giảm đau và bông băng y tế.
  4. Các bạn phải xin phép đồn biên phòng trước khi leo núi, nếu trước đó chưa từng leo thì nhất thiết phải có người dẫn đường có nhiều kinh nghiệm.
  5. Các bạn nên mang theo nhiều túi bóng để đựng rác vào đó. Khi nào gặp thùng rác thì hãy vứt vào, không nên xả rác bừa bãi.
  6. Thời điểm có lá phong đỏ là khoảng từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 10. nếu các bạn muốn ngắm lá phong đỏ thì nên leo núi vào thời điểm này.

Đỉnh Pha Luông nằm ở độ cao gần 2.000m, ở phía Đông huyện Mộc Châu và cách Mộc Châu khoảng 70km.

3. Thác Dải Yếm dịu dàng giữa đại ngàn

Thác Dải Yếm thuộc bản Vặt, xã Mường Sang, tỉnh Sơn La. Thác được hình thành từ dòng suối Vặt. Điểm khởi nguồn của dòng suối này là từ hai khe nước Bó Tá Cháu và Bó Co Lắm. Khi chảy đến khu Na Sai (vườn trồng hoa lan hiện nay) được chia thành hai thác cách nhau khoảng 200m. Cả hai dòng chảy đều bị chặn lại bởi một bức tường đá vôi, nước dâng lên và tràn về bờ thấp hơn đổ xuống từng bậc đá, tạo thành những dòng thác mềm mại, dịu dàng.

son-la-cac-dia-diem-ua-thich-dia-diem-du-lich-moc-chau-2-dai-yem

Thác dải Yếm gồm 3 tầng:

  • Tầng thứ nhất nước chảy từ trên đỉnh thác xuống một thung lũng gần như thẳng đứng. Đặc biệt ở tầng này nước đổ thẳng từ trên cao xuống tạo thành hồ chứa nước rất sâu, trên đỉnh thác là những cây cổ thụ to với những bộ rễ rủ xuống quyện vào làn nước trong mát.
  • Tầng thứ hai cách đó chừng 5m. Mùa mưa, lượng nước nhiều chảy tràn qua những tảng đá đất lâu năm tạo thành một bờ đi từ bên này sang bên kia.
  • Tầng thứ ba là tầng cuối của thác, cách tầng hai khoảng 7m, các bạn đứng trên bờ nhìn theo dòng suối được tận mắt nhìn thấy hàng trăm hòn đá lớn nhỏ có hình dáng khác nhau nằm dưới dòng suối.
  1. Các bạn nên mang theo một bộ quần áo dự phòng và một chiếc khăn tắm nhỏ, phòng trường hợp bị ướt quần áo.
  2. Không được tự ý tắm hay lội nước vì thác khá sâu, sẽ nguy hiểm cho những bạn không biết bơi.
  3. Các bạn nên đi những đôi giày, đôi dép có độ ma sát cao với mặt đất, như thế sẽ tránh bị trơn trượt khi di chuyển.

Thác Dải Yếm, Quốc lộ 43, Mường Sang, Sơn La, Việt Nam

4. Huyền bí vẻ đẹp núi Chi Đảy

Từ quốc lộ 6 rẽ vào con đường qua xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, các bạn tiếp tục vượt qua đèo Cà Nài khoảng hơn 15km thì đến bản Đán, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Ở đây có những hang động tuyệt đẹp mang nét nguyên sơ mới được phát hiện trên núi Chi Đảy. “Chi đảy” tiếng Thái nghĩa là “sẽ được” nên người ta còn gọi là hang “Cầu gì được đấy”.

son-la-cac-dia-diem-ua-thich-dia-diem-du-lich-moc-chau-3-chi-day

Huyền bí núi Chi Đảy

Hệ thống hang trên núi Chi Đảy gồm 5 hang động lớn, trong đó 3 hang được đưa vào khai thác du lịch: 2 hang nằm kề nhau, còn 1 hang nằm cách xa khoảng 100m đường núi. Hang sâu nhất khoảng 400m, hang ngắn nhất cũng khoảng 200m. Những hang này “mọc” ra từ độ cao khoảng trên 100m tính từ chân núi.

Vị trí: xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La

5. Cụm di tích nhà tù và bảo tàng tỉnh Sơn La

Từ đỉnh đồi Khau Cả có thể nhìn bao quát toàn cảnh thị xã Sơn La, khu đồi này nằm độc lập và gần như tách biệt với vùng dân cư bên ngoài. Trước đây, nó rất thuận lợi cho âm mưu của thực dân Pháp xây dựng trung tâm giam giữ những người yêu nước Việt Nam ở vùng Sơn La. Nhà tù Sơn La được thực dân Pháp xây dựng kiên cố năm 1908: Tường được xây dựng bằng đá lẫn gạch, mái lợp tôn, không có trần, giường nằm cho tù nhân cũng được xây bằng đá, mặt láng xi măng, mép ngoài được gắn hệ thống cùm chân dọc theo chiều dài của sàn. Hiện tại, khu di tích nhà tù Sơn La đã bị tàn phá nhiều.

son-la-cac-dia-diem-ua-thich-dia-diem-du-lich-moc-chau-4-nha-tu-son-la

Bên cạnh khu di tích nhà tù là nhà bảo tàng tổng hợp của tỉnh Sơn La, chủ yếu trưng bày nội dung về dân tộc, lưu giữ và trưng bày hàng ngàn di vật từ thời tiền sử, sơ sử, những hiện vật phản ánh nét văn hóa đặc sắc của 12 dân tộc anh em sống ở Sơn La. Đặc biệt, tại đây còn lưu giữ được bộ sưu tập sách chữ Thái cổ, Dao cổ với gần 1000 cuốn thuộc các thể loại như sử thi, trường ca, truyện thơ dân gian.

son-la-cac-dia-diem-ua-thich-dia-diem-du-lich-moc-chau-5-nha-tu-son-la

Bảo tàng hiện đã xây dựng được 3 phòng trưng bày với các chuyên đề phong phú, sinh động:

  • Tầng 1 là phòng trưng bày thời kỳ tiền sơ sử Sơn La.
  • Tầng 2 là phòng trưng bày Bác Hồ với các dân tộc Sơn La.
  • Cuối cùng tại tầng 3, các bạn sẽ được tham quan phòng trưng bày giới thiệu đặc trưng văn hóa 12 dân tộc Sơn La.

Nhà tù Sơn La nằm trên đỉnh đồi Khau Cả, thị xã Sơn La, tỉnh Sơn La.

6. Hang Thẩm Tét Toòng

Hang Thẩm Tét Toòng thuộc xã Chiềng An, thị xã Sơn La, và cách trung tâm thị xã Sơn La khoảng 2km. Khi các bạn đi theo hướng Mường Chát thì sẽ thấy xã Chiềng An nằm trên Tỉnh lộ cạnh Chiềng Phom, Chiềng Hồ. Con đường dẫn vào hang men theo một đường đất nhỏ ở ngã ba xã Chiềng An. Quãng đường đi theo con đường nhỏ ấy không phải quá xa nhưng khá trơn và ẩm ướt. Tuy đi lại vất vả nhưng cảnh sắc nơi đây cực kỳ thơ mộng, trữ tình, một bên là hoa dại đủ sắc màu xen lẫn trong những tán lá xanh, một bên là kênh nước suối trong vắt và mát lạnh.

son-la-cac-dia-diem-ua-thich-dia-diem-du-lich-moc-chau-6-tham-tet-toong

Lưu ý: Theo những thông tin mà mìn tìm hiểu được thì đường đi đến hang không được bằng phẳng, nhất là vào những ngày mưa có thể khá trơn và lầy lội. Các bạn lưu ý trong quá trình di chuyển nhé.

Vị trí: xã Chiềng An, thị xã Sơn La, và cách trung tâm thị xã Sơn La khoảng 2km

7. Tươi mát vùng cao nguyên Mộc Châu

Với độ cao hơn 1000m so với mực nước biển, cao nguyên Mộc Châu hình thành một vùng khí hậu rất dễ chịu: Mát vào mùa hè, se lạnh vào mùa thu, lạnh giá vào mùa đông và ấm áp khi xuân về.

son-la-cac-dia-diem-ua-thich-dia-diem-du-lich-moc-chau-7-cao-nguyen-moc-chau

Đồi chè xanh mướt ở Mộc Châu

Mộc Châu vào mùa nào cũng mang vẻ đẹp riêng, rất đẹp. Ở Mộc Châu còn có các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Sơn Mộc Hương (hang Dơi), rừng thông bản Áng, chùa Chiền Viên, thác Dải Yếm, đỉnh Phiêng Luông và các bản văn hóa của người Mông, người Dao ở Vân Hồ với những câu hát điệu múa khèn, các món ăn đặc sản dân tộc và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đậm bản sắc văn hoá lâu đời.

  • Rừng thông bản Áng: Thuộc xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Rừng thông có hai hồ nước tự nhiên chạy dài theo hướng Đông – Tây với độ cao thấp khác nhau, nằm sát cạnh rừng thông trải trên dãy đồi đất đỏ. Nếu đến đây vào tháng 3, khi hoa ban rực núi rừng, các bạn sẽ có cơ hội hòa cùng người dân bản Áng trong “Lễ hội Hết Chá”.
  • Thác Dải Yếm: Thuộc bản Vặt xã Mường Sang, tỉnh Sơn La. Các bạn đến thác Dải Yếm đi theo hướng từ trung tâm thị trấn Mộc Châu, xuôi về phía Sơn La, đến ngã ba đi cửa khẩu Loóng Sập thì rẽ trãi. Từ đây đi chừng 5km là tới. Để vào thác, bạn phải đi bộ xuyên qua cánh rừng thưa, hai bên đường cảnh quan thiên nhiên và khu dân cư rất đẹp.
  • Đồi chè trái tim: Chè được trồng nhiều nhất là ở thị trấn nông trường Mộc Châu (thị trấn Mộc Châu cũ) với những đồi chè Tân Lập, Cờ Đỏ, ở đường đi vào Ngũ động Bản Ôn hay ngay bên cạnh con đường chính ở giữa thị trấn. Đồi chè trái tim Đài Loan cách thị trấn Mộc Châu cũ 10km – ngay trên lối vào Ngũ Động Bản Ôn. Mùa chè từ tháng 2-3 đến tháng 11-12.
  • Bản Dọi: Từ thị trấn nông trường Mộc Châu đi theo con đường dẫn về xã Tân Lập khoảng 20km đến ngã ba Pa Khen rồi rẽ phải đi thêm chừng 7km nữa là đến bản Dọi – bản của người dân tộc Thái sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng chè và chăn nuôi bò sữa.
  • Động Sơn Mộc Hương (hang Dơi): Hang Dơi nằm về phía Đông Bắc của thị trấn ở dãy núi bên tay phải cách đường Quốc lộ 6 là 150m. Từ Quốc lộ 6 lên tới hang ta phải leo qua 240 bậc đá.
  • Ngũ Động bản Ôn: Từ ngã ba thị trấn Nông Trường – thị trấn Mộc Châu – Sơn La, các bạn rẽ sang hướng đi thị trấn Nông Trường đi khoảng 7km sẽ có biển chỉ dẫn vào động. Ngũ Động Bản Ôn nằm cách khoảng 1km đường rừng so với địa điểm gửi xe.
  • Đỉnh Pha Luông: Núi Pha Luông, hay còn gọi là Bờ Lung (tiếng Thái là núi lớn) có độ cao gần 2.000m ở khu vực biên giới Việt-Lào, nằm ở phía Đông huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Trên đỉnh có một khu đất bằng phẳng rộng, rất thích hợp cho các hoạt động du lịch thể thao như đi bộ, leo núi, đi ngựa…

Cao nguyên Mộc Châu cách Hà Nội gần 200km về phía Tây Bắc theo hướng Quốc lộ 6.

LOCA