Lịch trình du lịch Sapa tự túc 3 ngày 2 đêm (Blogger du lịch chia sẻ)

1600

Bài viết này Việt Anh sẽ chia sẻ lại với bạn lịch trình du lịch Sapa 3 ngày 2 đêm chi tiết, và những kinh nghiệm du lịch bạn cần biết trước khi đi.

Mình thích Sapa vì không khí trong lành, mát mẻ quanh năm, mùa đông nếu “số đỏ” đi Sapa bạn có thể thấy tuyết rơi. Và Sapa cũng là địa điểm duy nhất ở miền núi phía Bắc Việt Nam thích hợp cho cả du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm (leo núi), du lịch khám phá khám phá, trải nghiệm…

Bạn có thể tận hưởng kỳ nghỉ trong một khu resort đẳng cấp quốc tế, cũng có thể trải nghiệm ăn ở và sinh sống cùng người bản địa tại Cát Cát, Lao Chải, Tả Van… với chi phí chỉ từ 10$/người/ngày. Tóm lại, Sapa là địa điểm du lịch dành cho tất cả mọi người!

dsc_0032

Bức ảnh này mình chụp ở Hầu Thào, trên đường từ thị trấn Sapa đi Sâu Chua (Bạn đi lối Cầu Mây, qua rừng tre rẽ tay trái lên lối Sâu Chua (qua Sapa Jeden Hill…). Đi một đoạn 3-4km sẽ thấy mỏm đá này nằm bên phía tay phải đường. Khúc này siêu đẹp và hoang sơ.

Chuyến đi Sapa gần nhất của mình vào dịp đầu tháng 9/2017, đúng mùa gặt lúa, khắp các thung lũng ở Sapa khoác lên mình tấm áo choàng màu vàng thơm phức, mùi thơm của lúa, của ấm no.

Nếu hỏi thích gì nhất ở Sapa, mình sẽ nghĩ đến một không gian sống gần với thiên nhiên, nghĩ tới buổi sáng thức dậy ở thung lũng Tả Van, trong căn bungalow lợp lá nằm ngay sát bên suối Mường Hoa, đêm qua là một đêm yên tĩnh, chỉ có tiếng thì thầm, rì rào của thiên nhiên.

Bên cạnh một không gian thiên nhiên, Sapa có những trải nghiệm thử thách thú vị như leo Fansipan, chạy xe trên những cung đường cảnh đẹp ngỡ ngàng, hay đi bộ tới các bản làng nơi người đồng bào Dao, H’Mông, Dáy sinh sống để tìm hiểu về cuộc sống, văn hóa, con người nơi đây.

Mình không thích ăn, nên chỉ toàn chuyện chơi. Và bài viết này, mình sẽ dẫn bạn đi ngao du ở Sapa một chuyến nhé!

dsc_0014-2-1

Thung lũng mường Hoa và dãy Hoàng Liên Sơn. Ảnh mình chụp ở đoạn gần tảng đá, từ trên Hầu Thào nhìn xuống Sapa.

Mình đi du lịch Sapa lần đầu là năm 2013, kể từ đấy mỗi năm trung bình đi 1 lần, có năm đi 2 lần. Kể từ khi cao tốc Hà Nội – Lào Cai đi vào hoạt động thì việc đi Sapa trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, cũng giống như các bạn ở Sài Gòn đi Đà Lạt, hứng lên là mua vé xe bus, chuẩn bị vài bộ quần áo, máy ảnh rồi lên Sapa chơi 2-3 ngày.

Xe bus mình chọn để khởi hành là xe Interbuslines, vì hãng xe này mới, dịch vụ tốt, đi nhanh và tiện cho những ai ở gần phố cổ. Nếu bạn ở khu Cầu Giấy, bạn có thể đi xe Hason Haivan, xe Sapa Express… (nhưng lưu ý tránh đi xe Sao Việt, vì xe này không được cấp phép chạy xe 45 chỗ từ Hà Nội đi Sapa, nên sẽ dừng ở Lào Cai, đổi sang xe 16 chỗ, lần trước mình đi thấy hơi khó chịu vì đang ngủ ngon bị gọi dậy đổi xe, lên trên Sapa cũng không được nằm ngủ, hơi mệt)

Nào! Giờ cùng bắt đầu chuyến đi nhé!

Mình chọn đi chuyến cuối của Interbuslines, chuyến 22h tại 110A Trần Nhật Duật (có xe 16 chỗ đón miễn phí trong phố cổ). Mình ở Cầu Giấy, bắt Grab-bike ra đây hết 34k, nếu đi đông bạn đi Grab-car sẽ rẻ hơn.

Interbuslines.com chạy khoảng 4h30 sáng sẽ có mặt tại Sapa, mình ngủ luôn trên xe, 6h về khách sạn check-in.

Mình chọn đi đêm vì 2 lý do: (1) dễ ngủ nên không mệt như đi ban ngày và (2) tiết kiệm thời gian di chuyển để có nhiều thời gian khám phá Sapa.

Các bạn ở Sài Gòn lưu ý: nếu đặt vé, các bạn nên đặt chuyến chiều hoặc tối, có mặt lúc 21h, nếu delay tầm 22h có mặt, không cần di chuyển vào phố cổ, xe Interbuslines sẽ đón các bạn luôn tại cổng sân bay Nội Bài. Có nhiều bạn đặt chuyến chiều rồi lại phải đi 30km vào thành phố phí thời gian.

kinh-nghiem-du-lich-sapa

Xe bus giường nằm Interbuslines đi êm ru, có cả ổ để sạc điện thoại trên mỗi ghế – Lưu ý: nếu bạn thích đọc sách nhớ nằm giường tầng 2 mới có đèn đọc nhé!

Xe giường nằm Interbuslines giá vé 15$/người. Hotline 1900 1137 – 0868 518 777. Địa chỉ: 13 Nguyễn Hữu Huân (chân cầu Chương Dương).

thoi-gian-va-diem-don-xe-interbuslines

Thông tin địa điểm và giờ đón xe Interbuslines.com ở Hà Nội và Sapa

Ưu đãi/hỗ trợ từ Dulichbui24.com: Việt Anh đi Interbuslines thấy thích và đã đăng ký làm đại lý để hỗ trợ các bạn độc giả có thể đặt vé rẻ hơn bình thường. Từ 15$ (320k) giảm còn 200k/chiều/vé (Khứ hồi 400k/người)

Bạn có thể comment trực tiếp hoặc nhắn tin riêng cho mình để đặt giúp: zalo 0969.124.980 hoặc email: [email protected] (lưu ý – mình đang đi bụi ở nước ngoài, vẫn đăng ký chuyển vùng quốc tế, tuy nhiên cước sms rất đắt nên khuyên các bạn nên liên lạc qua zalo nhé)

Ngày 1 (Thứ 6): Khám phá bản Cát Cát (hoặc đi cáp treo Fansipan) – Thác Bạc – thác Tình Yêu – suối Vàng – Ngắm hoàng hôn ở Ô Quy Hồ

Xe bus chạy tới 4h30 sáng có mặt ở Sapa, mình ngủ luôn trên xe, tới 6h sáng về khách sạn check-in, bạn có thể đi taxi hoặc đi bộ (từ bến xe về ~1km)

gopr7850

View ở phòng chờ, khách sạn mới sửa lại ô cửa kính này.
  • 7h sáng: Ăn sáng xong mình gửi đồ, thuê xe máy chạy xuống Cát Cát. Cát Cát là ngôi làng nơi sinh sống của đồng bào dân tộc H’Mông, cách trung tâm thị trấn 2km, ở đây bạn có thể tìm hiểu cuộc sống người H’Mong, ngắm nhìn quang cảnh thiên nhiên. Cát Cát đặc biệt đẹp vào mùa cấy lúa và lúa chín.
  • 8h: lựa chọn đi Cát Cát hoặc đi cáp treo lên đỉnh Fansipan (Fansipan là đỉnh núi cao nhất 3 nước Đông Dương, leo bộ mất 1 ngày, nếu không leo được bạn có thể mua vé cáp treo 600k/người. Đây là một nơi thực sự đáng để đi, buổi sáng ở đây thường gặp cảnh biển mây bềnh bồng trắng. Hồi 2014 mình phải leo bộ mất 2 ngày 1 đêm mới chinh phục được ngọn núi này mới mong có cơ hội thấy biển mây, nhưng giờ mọi chuyện dễ dàng hơn. Tóm lại là nên đi cho biết.

Lưu ý: Vé cáp treo và thuê xe máy bạn có thể nhờ lễ tân khách sạn gọi giúp nhé!

a%284%29
kinh-nghiem-du-lich-sapa-tu-tuc-3

Quanh cảnh bình yên ở Cát Cát. (Ảnh lịch trình du lịch Sapa 3 ngày 2 đêm)

Vì mình từng leo Fansipan rồi nên chuyến đi này mình chọn Cát Cát: Cát Cát là một ngôi làng nhỏ nằm ngay dưới thị trấn Sapa, nơi có người đồng bào dân tộc H’Mông Hoa sinh sống. Quanh cảnh ngôi làng này rất thanh bình, người dân ở đây ngoài đi nương, rẫy, hàng ngày họ dệt vải thổ cẩm và làm nến sáp ong.

Mình dành cả buổi sáng để đi một vòng quanh bản, ngắm nhìn, tìm hiểu về cuộc sống, văn hóa của người H’Mông ở đây. Vé tham quan 40k/người, gửi xe miễn phí.

kinh-nghiem-du-lich-sapa-tu-tuc-71

Những chiếc guồng lấy nước ở Cát Cát. (Ảnh: kinh nghiệm du lịch Sapa)

kinh-nghiem-du-lich-sapa-tu-tuc-5

Cánh đồng lúa ở Cát Cát kéo dài tới tận Lao Chải – Tả Van – Bản Dền – Thanh Kim…

  • 12h: mình trở lại trung tâm thị trấn ăn trưa. Buổi trưa mình ăn cơm trưa luôn cùng anh Hải chủ khách sạn và gia đình. Bạn có thể ăn cơm/bún/phở tại khu ẩm thực, hoặc các nhà hàng trên phố Cầu Mây. Giá trung bình cho một phần cơm rang/cơm phần là 4-50k/phần.
  • 13h: về phòng nghỉ trưa, sạc pin máy ảnh, điện thoại
  • 14h: lên đường đi Thác Bạc – thác Tình Yêu – đèo Ô Quy Hồ

Điểm đầu tiên trên hành trình buổi chiều mình gặp là thác Bạc. Nhìn từ xa dòng thác như dải lụa trắng ai vắt ngang đồi. Nước ở Thác Bạc dùng để nuôi cá tầm và cá hồi ở trại cá ngay dưới chân thác. Địa điểm này mình chỉ đứng ngắm từng xa, không leo lên trên.

kinh-nghiem-du-lich-sapa-tu-tuc-101

Thác Tình Yêu, nơi gắn liền với truyền thuyết về tình yêu của chàng Ô Quy Hồ và nàng tiên Trời.

  • 15h: mình tới Trạm Tôn mua vé tham quan thác Tình Yêu và suối Vàng. Giá vé 70k/người và đi bộ khoảng 2km. Bạn biết tại sao lại gọi là thác Tình Yêu không? Vì thác này gắn liền với truyền thuyết về một nàng tiên, trong một lần cùng bạn bè xuống trần dạo chơi vô tình gặp chàng tiều phu tên Ô Quy Hồ, nàng đem lòng yêu thương chàng trai. Tuy nhiên tình yêu của tiên và người bị ngăn cấm, nàng buồn rầu hóa thành chú chim, cất tiếng kêu Ô Quy Hồ da diết… Mình đọc được thế, chứ chưa bao giờ nghe thấy con chim nào kêu Ô Quy Hồ cả. Còn suối Vàng thì do đá ở đây có màu vàng, khi có ánh nắng chiếu xuống, dòng nước lấp lánh ánh vàng, nên người ta gọi là suối Vàng. Câu chuyện không hề hư cấu! kaka

kinh-nghiem-du-lich-sapa-2017

Suối Vàng. (Ảnh lịch trình du lịch Sapa 3 ngày 2 đêm)

  • 14h30: mình rời thác Tình Yêu đi lên điểm ngắm hoàng hôn trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ (hay còn gọi là Cổng Trời). Mặt trời sẽ lặn xuống sau dãy núi vào lúc 17h30. Đây là nơi ngắm mặt trời lặn đẹp nhất ở Sapa, lần nào đi Sapa mình cũng phải chạy lên đây, ngồi ở mấy lán nước ngắm mặt trời lặn, trời thì lạnh, ôm trong tay quả trứng nướng nóng hổi, đánh chén thêm một ống cơm lam, vài xiên thịt quấn lá cải và uống một chén chè ngọt… thì tuyệt cú mèo! Ngồi ở lán nhìn xuống đèo bạn sẽ nhìn thấy những chiếc xe tải cũng chỉ bé tí xíu, như con kiến.

Lưu ý: nhiều bạn hỏi mình đỉnh đèo ở đâu tìm không thấy. Bạn nhớ nhé, đi lên đỉnh đèo (tức là chỗ dốc cao cuối cùng, bắt đầu đi xuống, bạn cứ đi, cho tới khi thấy bên tay trái có 2-3 hàng quán cuối cùng thì quay lại – đấy là nơi ngắm cảnh đẹp nhất ở khu Cổng Trời)

kinh-nghiem-du-lich-sapa-tu-tuc-131

Hoàng hôn trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ, ảnh đã qua photoshop nhé, nhìn ngoài còn đẹp và thích hơn cả trong ảnh nữa, không ống kính máy ảnh nào chụp đẹp bằng mắt người, bạn đồng ý với mình không?

  • 18h30 mình về lại khách sạn tắm, và cùng anh Hải đi ăn lẩu cá tầm, cá hồi. Bạn có ba buổi tối ở Sapa, nhất định phải thử 3 món sau (đồ nướng Sapa, lẩu cá tầm và gỏi cá hồi). Ở Sapa lúc nào trời cũng mát mẻ, mùa đông thì lạnh, ngồi ăn lẩu với uống rượu thì thoải mái. Rau ở Sapa cũng tươi ngon.

kinh-nghiem-du-lich-sapa-tu-tuc-121

Thịt xiên và cơm lam nướng ở trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ.

  • 21h sau khi ăn tối, nhậu nhẹt say sưa, mấy anh em đi dạo quanh khu trung tâm thị trấn để chụp ảnh check-in nhà thờ đá. Quảng trường. Đi bộ dọc phố cổ Cầu Mây (ở đây có quán café và pub nhỏ bạn có thể ghé chơi)
  • 22h về lại khách sạn, chui vào trong chăn ấm, ngủ một giấc tới sáng. Không khí trong lành, trời se se lạnh, ngủ đã!!!!!

Ngày thứ 2 là ngày đi bộ nhiều nhất. Là ngày mình khám phá được những con đường hay ho, và những nét đặc trưng văn hóa dân tộc vùng cao – ngày đi trekking Lao Chải, Tả Van.

Bạn có biết Sapa là một trong những địa điểm du lịch đi bộ hấp dẫn nhất thế giới không? Những thanh niên lười thể dục thể thao sẽ không thích điều này: đi bộ trên 10km. Những bước chân sẽ dẫn bạn từ bản làng người H’Mông ở Lao Chải, tới bản làng người Dáy ở Tả Van.

Mình mua tour trekking 1 ngày của công ty Đường Mòn hoặc nhờ khách sạn thuê một tour guide bản địa (những người phụ nữ H’Mông bạn gặp trên thị trấn) làm dẫn đường. Họ sẽ giới thiệu cho bạn về những tập tục, về văn hóa và con người ở đây. Chuyến đi này thích hợp với những người thích khám phá. Mình nghĩ ai mà chẳng thích khám phá, phải không? Nếu bạn mỏi chân không đi bộ được nhiều, bạn có thể lấy xe máy đi xuống Lao Chải, Tả Van, rồi đi Hầu Thào, Sâu Chua, cảnh siêu đẹp nhé!

gopr7856-2

Con đường này có khiến trái tim bạn liêu xiêu? Đây là cảnh trên đường đi Sâu Chua nhé!
gopr7871
Một nơi nào đấy ở Sapa, mình có những góc lang thang riêng, góc này mình không public giữa làm của riêng kaka
kinh-nghiem-du-lich-sapa-tu-tuc-321

Cảnh này mình chụp ở thung lũng Tả Van.

kinh-nghiem-du-lich-sapa-2017-3

Những con đường mòn dẫn qua ruộng lúa ở Tả Van.

kinh-nghiem-du-lich-sapa-tu-tuc-161

Đi qua bàn làng, thấy bà cụ H’Mông đang vẽ hoa văn thổ cẩm bằng sáp ong. Mình thích mấy vụ vẽ hoa văn này, nếu bạn làm về thời trang, bạn nên đến đây, những người phụ nữ này sẵn sàng dạy bạn cách vẽ hoa văn, nếu ngại, email cho mình mình sẽ chỉ cho bạn homestay có dạy nhé!

kinh-nghiem-du-lich-sapa-tu-tuc-181

Đi trên bờ ruộng nhìn xuống những cánh đồng lúa chín vàng, ở giữa kia là con suối Mường Hoa. Bạn thấy nghiền không?

kinh-nghiem-du-lich-sapa-tu-tuc-201

Sau ruộng lúa tới rừng tre, đây là đoạn cuối của tour đi bộ Lao Chải – Tả Van. Kết thúc ở cầu Mây, sau đấy xe 16 chỗ đón mình trở lại thị trấn.

Tuyến đi bộ đường mòn này chỉ thú vị nhất ở đoạn Tả Van. Nên bạn có hai cách: (1) mua tour ghép 290k/người, có xe 16 chỗ đón tại Sapa, đưa đến Lao Chải và bắt đầu đi bộ. Cả quãng đường khoảng 10km, đi qua bản làng, đi qua cánh đồng lúa, ăn trưa sau đấy bắt đầu vào những đoạn đường mòn hấp dẫn. Tour này thích hợp với ai thích khám phá, mình đi thấy thích mê.

Cách (2) là bạn tự thuê xe đi khám phá các điểm: Hầu Thào – Sâu Chua (đường đi siêu đẹp), hay đi bãi đá cổ, cầu Mây, xa hơn nữa đi vào khu Thanh Kim…vv rồi tối quay lại ngủ lại Tả Van. Sáng hôm sau hỏi người dân đường đi bộ qua ruộng lúa người ta chỉ cho, tự mày mò đi bộ khám phá.

Buổi tối ngày hai thường có hai lựa chọn: ngủ lại Tả Van hoặc về thị trấn. Mình chọn Tả Van. Thị trấn tối qua vừa nhậu nhẹt say sưa, và thị trấn cũng ồn ào.

Ở Tả Van gần thiên nhiên, yên tĩnh, không khí trong lành, chỉ bất tiện là ăn phải ra quán và không có nhiều sự lựa chọn (mình thường ăn cơm rang).

gopr7923

Căn bungalow ở Trekking Kong, Tả Van. Mình ngủ ở đây đợt giữa tháng 9 vừa rồi, thích mê!!!

Mình là đứa thích gần thiên nhiên, và ngủ ở đây vô cùng yên tĩnh, sáng thức dậy xung quanh là ruộng lúa, suối nước, là cỏ cây, cả đêm nghe tiếng suối chảy rì rào qua khe đá. Chắc chắn trải nghiệm này ở trung tâm thị trấn Sapa không có. Và ở thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn… lại càng không có.

Về homestay, mình có một địa điểm rất thú vị muốn giới thiệu với bạn, đấy là homestay Trekking Kong ở Tả Van. Nơi có những căn bungalow lợp lá nằm sát bên dòng suối Mường Hoa. Ở đây cả đêm được nghe tiếng suối chảy, view đẹp tuyệt. Mỗi bungalow chỉ khoảng 500,000VND (đã bao gồm ăn sáng).

Nếu bạn thích ở đây, bạn có thể đặt phòng qua Airbnb và nhận credit 25$ (cho booking 75$) từ tài khoản của Việt Anh: www.airbnb.com/c/vietanht53 (trong Airbnb bạn search “Sapa Trek King Kong romantic riverside bungalow” sẽ ra homestay Trekking Kong nhé!) hoặc đặt qua Booking.com nhé

Bạn sẽ được giảm 22% khi sử dụng mã “Việt Anh Dulichbui24.com” khi đặt qua Hostelworld, Booking…vv

Lưu ý: để nhận được giảm giá bạn nhắn tin qua phần “liên lạc với khách sạn” trong quản lý booking nhé!

gopr7919

Khung cảnh trước cửa bungalow của mình nhìn ra.
dsc_0053-2-678x1024
Đêm ngủ ở Tả Van một mình chẳng biết làm gì, lôi máy ảnh ra chụp mikyways, rồi vào phòng đọc sách, sau lại lăn ra ngủ

Homestay khác ở Tả Van mình hay ngủ là Tả Van Ecologic Homestay, chị chủ tên là Quyên, rất hiếu khách và quan trọng hơn là được ngủ giữa thiên nhiên (homestay được bao quanh bởi ruộng lúa). Bạn có thể đặt phòng ở Tả Van Ecologic Homestay tại Vntrip.vn (sử dụng mã VNTRIP_DULICHBUI24 bạn sẽ được giảm 20% giá trị tiền phòng)

kinh-nghiem-du-lich-sapa-tu-tuc-281

Khu homestay nằm giữa đồng lúa ở Tả Van.

kinh-nghiem-du-lich-sapa-tu-tuc-221

Cảnh đứng nhìn từ bungalow ở Tả Van Ecologic.

Nếu quay về trung tâm thị trấn bạn có thể ở khách sạn Phương Nam của anh bạn mình – khách sạn nằm gần chợ, đi bộ đến quảng trường khoảng 2 phút. Bạn có thể tìm thông tin về khách sạn Phương Nam trên Vntrip (sử dụng mã VNTRIP_DULICHBUI24 bạn sẽ được giảm 20% giá trị tiền phòng)

Có thể bạn quan tâm: Việt Anh đang có 1500 voucher giảm giá lên tới 500,000VND dành cho 6000 khách sạn – hostel ở Việt nam. Bạn có thể lấy voucher giảm giá và đọc hướng dẫn sử dụng tại đây nhé: Tặng 1500 voucher giảm giá lên tới 500k tại Vntrip.vn

Ngày 3 (Chủ Nhật): Leo núi Hàm Rồng – Trekking Tả Phìn và tắm lá thuốc người Dao Đỏ – Về lại Hà Nội.

Ngày cuối cùng ở Sapa, mình đặt xe Interbuslines về chuyến 22h nên còn cả một ngày thoải mái rong ruổi, buổi sáng mình dậy sớm đi bộ men theo con suối để khám phá Tả Van. Có những đoạn phải tự tìm đường bờ ruộng để đi, nhưng tóm lại, trải nghiệm rất thú vị. Càng đi càng thích.

gopr7941

Suối Mường Hoa, đoạn ngay trước cửa bungalow mình
gopr7968
Cảnh người dân đang đập lúa. Người dân ở đây dùng hai chiếc que được nối với nhau bằng một sợi dây, thít chặt bó lúa và đập mạnh vào thùng, hạt thóc sẽ rơi ra.
gopr7961
Lối mòn dẫn đến những nơi mà bình thường bạn không thể thấy.
  • Buổi trưa mình ăn trưa luôn tại Tả Van, check-out, khoảng 13h quay lại thị trấn leo núi Hàm Rồng. Leo núi Hàm Rồng nhìn thấy cảnh toàn thị trấn từ trên cao, trên này thường cánh nhiếp ảnh hay lui tới để chụp ảnh săn mây. Còn các bạn nữ sẽ thích vì trồng nhiều hoa hòe, hoa sói để chụp ảnh. Mình chỉ thích leo núi với ngắm cảnh, vì cảnh đẹp nên có mệt bở hơi tai cũng cố gắng leo lên trên đỉnh.
  • 16h phi xe máy đến bản Tả Phìn, ccách trung tâm thị trấn khoảng 9km. Đây là nơi sinh sống của người Dao Đỏ. Người Dao Đỏ ở Sapa nổi tiếng với những bài thuốc lá chữa xương khớp, tiêu hóa… Ở đây có ngôi nhà thờ đổ với tường rêu đỏ và những thửa ruộng bậc thang rất đẹp.

kinh-nghiem-du-lich-sapa-tu-tuc-331

Một góc hình trên đường vào bản Tả Phìn, đoạn này gặt hết lúa rồi, nếu không sẽ rất đẹp.

kinh-nghiem-du-lich-sapa-tu-tuc-341

Tu viện đổ nát ở Tả Phìn.

kinh-nghiem-du-lich-sapa-tu-tuc-351

Những bức tường rêu đỏ.

  • 16h30: trải nghiệm cuối cùng ở Sapa, trải nghiệm mà mình rất khoái là tắm lá thuốc người Dao Đỏ. Phụ nữ Dao Đỏ sau khi sinh tắm thứ lá thuốc này vài ngày có thể đi nương, rẫy. Trẻ em cũng được tắm ngay sau khi sinh. Người ta đổ lá thuốc trong tình trạng rất nóng vào trong thùng gỗ, bạn sẽ chui vào trong và ngâm mình trong đấy cho tới khi… thấy say say, nâng nâng thì đi ra. Không chỉ là một trải nghiệm thú vị, sau 2 ngày đi bộ, leo nhiều, chân đau, người mỏi tắm lá thuốc xong mình thấy khỏe hẳn. Về Hà Nội không còn đau nhức nhiều nữa. Bạn hỏi thẳng vào trong hợp tác xã của cô Tẩn Tả Mẩy để tắm nhé! Hôm mình lên cô còn dạy cho cách bấm huyệt để trị nhức mỏi vai gáy. Mình mua thêm mấy chai nước thuốc mang về thi thoảng ngâm chân, hoặc tắm.

Vì đoạn này cảnh nóng (không mặc gì nhảy vào bồn ngâm bằng gỗ, nên mình sẽ không post hình, kẻo các bạn nữ xịt máu mũi haha)

  • 19h tắm xong mình về lại Sapa ăn tối, dạo chơi ở trung tâm thị trấn. Mình không có thói quen mua quà, mà đồ Sapa cũng toàn đồ Trung Quốc chuyển sang nên mình ngồi cafe ở trung tâm, đợi đến giờ ra xe về. Bạn có thể ngồi ăn đồ nướng nếu chưa ăn, hoặc làm một nồi lẩu tổng kết chuyến đi cùng gia đình.
  • 21h15 mình đi bộ ra bến xe, lấy vé, lên xe, 5h sáng về tới Hà Nội. Kết thúc hành trình.

Sapa mùa có người thương yêu bên cạnh là mùa đẹp nhất, ngày đẹp nhất, giờ đẹp nhất phải không?

Đi Sapa vào mùa nào thì đẹp nhất à? Để mình nghĩ xem, mỗi mùa có một vẻ đẹp khác nhau đấy! Nên bạn phải đọc bài viết này để xem đầy đủ 4 mùa Sapa đẹp thế nào nhé: Đi Sapa mùa nào đẹp nhất?

Thời điểm trong bài viết, mình đến Sapa vào múa lúa chín (9/2017). Vậy mùa lúa chín là khoảng thời gian nào?

Bạn nên đi trước 2-9, lúc ấy lúa vừa chín vàng và người dân chưa gặt. Hoặc bạn có thể đi vào giữa tháng 9, khi người dân đang bắt đầu gặt tại thung lũng Mường Hoa, vừa ngắm lúa chín, vừa được xem cảnh sinh hoạt của người dân, đấy cũng là một trong những trải nghiệm “không thể bỏ qua” khi đến Sapa đấy!

Từ tháng 10 đến tháng 3 là mùa du lịch cao điểm của khách du lịch nước ngoài ở Sapa. Nếu may mắn vào giữa mùa đông bạn có thể thấy tuyết rơi (khoảng giữa tháng 12 hoặc tháng 1 dương lịch), mình đã từng thấy tuyết rơi vào dịp giữa tháng 12 năm 2013, bạn có thể xem về chuyến đi Sapa ngắm tuyết của mình tại đây

Nếu ở trung tâm thị trấn bạn nên thuê khách sạn ở: phố Cầu Mây/Phố Fansipan hoặc Ngũ Chỉ Sơn gần bờ hồ Sapa. Ở Cầu Mây và phố Fansipan lợi thế là gần trung tâm, view nhìn ra thung lung ruộng bậc thang, dãy núi Hoàng Liên Sơn rất đẹp. Bờ hồ cũng là một lựa chọn hợp lý, nếu Cầu Mây và phố Fansipan hết phòng.

Bạn nên ngủ một đêm trải nghiệm trong bản Tả Van hoặc Lao Chải để gần lại thiên nhiên.

Đường ở Sapa nhìn chung dễ đi, nếu đi được xe máy bạn nên thuê xe để tự đi, tự do và tiết kiệm. Còn nếu bạn đi cùng gia đình, bạn có thể đi taxi/tour ghép trong ngày hoặc thuê taxi đi riêng.

Thuê xe máy giá thường ~100k/ngày (tuy nhiên ở Sapa chỉ cho thuê xe máy từ sáng tới 6h tối là bạn đã phải trả rồi, thuê qua đêm thường 150k/ngày). Bạn có thể thuê xe máy ngay tại lễ tân khách sạn.

Bạn nên đi một đôi giày thể thao (tốt nhất là giày đi bộ có độ bám tốt) hoặc giày trekking khi đi du lịch Sapa.

Nên mang theo áo khoác ấm nếu đi vào mùa thu (hoặc đồng đông), nếu đi vào giữa đông bạn nên mang theo quần áo đủ ấm vì thời tiết ở Sapa vào mùa đông lạnh lắm! Mùa hè thì chỉ cần mang theo áo khoác mỏng để khoác buổi tối.

Nếu đi bus, từ khu Cầu Giấy bạn nên mua ở bến xe Mỹ Đình, nếu từ miền Nam ra bạn nên mua Interbuslines và hẹn đón ở sân bay.

Dù đi tàu, hay đi bus bạn cũng nên đặt trước vé tối thiểu 3-5 ngày để tránh hết vé (cuối tuần thường hết vé)

Từ trước tới nay tour leo Fansipan nhanh nhất mất 2 ngày 1 đêm, nhưng khi có cáp treo bạn có thể mua tour leo 1 ngày. Leo lên đến đỉnh buổi chiều rồi đi cáp treo về, tiết kiệm được nhiều thời gian.

Leo Fansipan không khó, chủ yếu thử sức bền và ý chí. Điều bạn cần làm là tập chạy bộ (hoặc đi bộ) 30′ mỗi ngày trước khi đi khoảng 2 tuần.

Mua một đôi giày leo núi (có thể mua giày bộ đội) và độn thêm hai miếng bvs (bờ vờ sờ) vào chỗ ngón cái, leo sẽ không bị đau lúc leo xuống dốc nữa.

Đồ đạc, tư trang gọn nhẹ, bánh bèo cũng leo được, chỉ cần cố gắng.

Khi tới các bản làng dân tộc vùng cao bạn nên tôn trọng văn hóa, phong tục của họ. Không nên tự tiện vào nhà khi chưa được phép. Và không được cho kẹo trẻ em.

Đây là câu hỏi của rất nhiều người sau khi đọc bài viết này, và Việt Anh đã viết riêng một bài giúp bạn có thể tính toán được chi phí tối thiểu cho một chuyến đi du lịch Sapa. Bạn đọc bài viết đấy ở đây nhé: Đi du lịch Sapa hết bao nhiêu tiền? (click vào link để đọc bài viết)

Cuối cùng là hãy trải nghiệm, khám phá với một trái tim rộng mở. Nếu cần thêm bất kỳ sự trợ giúp nào, bạn có thể inbox cho mình qua fanpage Trần Việt Anh.

Đừng quên giúp mình chia sẻ đường link bài viết Kinh nghiệm du lịch Sapa tới bạn bè.

Cảm ơn rất nhiều vì đã dành thời gian đọc blog của mình!

Chúc bạn có một chuyến đi nhiều niềm vui và trải nghiệm thú vị!

Bạn có thể tham khảo bài viết: 11 Địa điểm du lịch không thể bỏ quả ở Sapa để tìm hiểu về cách địa điểm nổi tiếng ở Sapa nhé!

Việt Anh là một blogger dành toàn bộ thời gian của mình để đi, trải nghiệm, tìm hiểu thông tin và viết blog du lịch chia sẻ phi lợi nhuận với người Việt Nam. Nếu thông tin chia sẻ trong bài viết hữu ích, bạn có thể ủng hộ bằng cách Donate

DULICHBUI24.COM | BLOG DU LỊCH CHIA SẺ KINH NGHIỆM DU LỊCH TỰ TÚC CHO NGƯỜI VIỆT NAM