(TITC) – Huyện Châu Thành (Bến Tre) bao gồm phần đất nằm ở chót cù lao Bảo và đến cù lao An Hóa, bắc giáp tỉnh Tiền Giang (lấy con sông Tiền làm ranh giới), tây giáp ngã ba sông Hàm Luông – sông Tiền, nam giáp huyện Chợ Lách (lấy sông Hàm Luông làm ranh giới), đông giáp huyện Bình Đại, TP. Bến Tre và huyện Giồng Trôm.
Nhờ lượng lớn phù sa của ba dòng sông Tiền, Hàm Luông, Ba Lai bồi đắp nên đất đai ở Châu Thành rất màu mỡ, tạo điều kiện thuận lợi để các loại cây phát triển tươi tốt quanh năm, đặc biệt là dừa. Dừa Bến Tre nói chung, Châu Thành nói riêng đã nổi tiếng từ lâu, không chỉ là trái dừa thơm, ngon, bổ dưỡng mà còn được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như: làm kẹo dừa, nhà bằng lá dừa, các sản phẩm thủ công truyền thống…
Phong cảnh thiên nhiên nên thơ, hữu tình với những hàng dừa xanh mướt, vườn cây trĩu quả quanh năm chính là tiềm năng và lợi thế để Châu Thành phát triển loại hình du lịch sinh thái, miệt vườn, sông nước, tiêu biểu là các xã nằm ven bờ sông Tiền (Tân Phú, Phú Túc, Phú Đức, An Khánh, Tân Thạch, Quới Sơn) ven sông Ba Lai (Phú An Hòa, An Phước, An Hóa), ven sông Hàm Luông (Tân Phú) và trên các cồn nổi giữa sông Tiền: Cồn Phụng, Cồn Qui, Cồn Tiên.
Đến Châu Thành, du khách không chỉ có dịp thỏa sức đắm mình giữa cảnh đẹp thiên nhiên, khám phá các di tích lịch sử văn hóa mà còn được tìm hiểu về công nghệ làm kẹo dừa, dệt chiếu, dệt thảm từ sơ dừa cũng như thưởng thức các món ăn đặc trưng vùng đồng bằng sông Cửu Long. Điểm đến tiêu biểu đầu tiên du khách có thể chọn là Cồn Phụng (cù lao Đạo Dừa) nổi giữa sông Tiền, thuộc xã Tân Thạch.
Cồn có diện tích khoảng 50 ha, được hình thành do phù sa của sông Tiền bồi đắp. Với vị trí địa lý đặc biệt nên thổ nhưỡng ở Cồn Phụng rất thích hợp để các loại cây ăn trái, nhất là dừa sinh sôi, phát triển. Nhờ ưu thế này mà cuộc sống của người dân sống trên cồn cũng gắn liền với nghề trồng dừa, nuôi ong lấy mật, đặc biệt là nghề sản xuất các sản phẩm từ dừa như: sản xuất kẹo dừa; dệt lưới từ xơ dừa; chế tác đồ lưu niệm như giỏ, đũa, thìa, chén, bát, lục bình, chân đèn, mặt nạ, khung ảnh, xe ba gác, tranh… từ gáo, cọng, lá dừa…
Đến đây thăm Cồn Phụng, ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên sông nước miệt vườn đậm chất Nam Bộ, du khách còn có thể trực tiếp tham gia làm bất kỳ một sản phẩm nào cũng như thưởng thức các món ăn dân dã cùng người dân địa phương; tham quan di tích Đạo Dừa (gồm khoảng sân có 9 cột chạm rồng, tháp Hòa Bình) để tìm hiểu về giáo phái Đạo Dừa (sinh sống chủ yếu bằng dừa), với chủ trương mang lại hoà bình do ông Nguyễn Thành Nam (1909-1990) sáng lập…
Tại đây còn có các hạng mục: nhà gỗ truyền thống khu vực Nam Bộ; hệ thống nhà hàng thủy tạ đầy đủ tiện nghi với vườn cây, ao cá nằm ven sông Tiền và các dịch vụ như câu cá sấu, chụp hình cùng đà điểu, đi trên cầu khỉ, đi xe ngựa thăm vườn cây ăn trái, biểu diễn đờn ca tài tử… nhằm tạo nét chấm phá hấp dẫn du khách.
Điểm tiếp theo du khách có thể ghé thăm là Khu du lịch “Forever Green Resort” nằm bên bờ sông Tiền, thuộc địa phận xã Phú Túc. Với diện tích rộng 21 ha, Forever Green Resort đang được đầu tư xây dựng thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lớn nhất ở Bến Tre, với các dịch vụ có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Khu du lịch được chia thành 3 khu chính: Khu A gồm 1 khách sạn 5 sao 120 phòng, hồ bơi và trung tâm hội nghị với sức chứa từ 1.000 đến 1.500 khách, khu B với 60 phòng khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, khu spa, nhà hàng, quầy bar, karaoke, phòng hội nghị, hồ câu cá giải trí, dịch vụ du thuyền, đờn ca tài tử và khu C gồm 120 bungalow, hồ bơi, sân tập golf, bến du thuyền và nhà hàng hải sản nằm bên cầu Rạch Miễu. Hiện khu B đã chính thức đi vào hoạt động phục vụ du khách tham quan, nghỉ dưỡng cũng như tìm hiểu bản sắc văn hóa, lịch sử nơi đây. Khu A, C dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018.
Một điểm đến khác cũng rất hấp dẫn du khách khi đến Châu Thành là khu du lịch sinh thái “Vườn Hàm Luông” nằm bên bờ sông Hàm Luông, thuộc xã Tân Phú.
Với diện tích xây dựng khoảng 2 ha, khu du lịch bao gồm các dịch vụ: nhà nghỉ cao cấp với phòng loại sang, phòng đơn; các thum nhà lá để du khách ngồi nghỉ mát, giải khát theo kiểu nhà rông của vùng cao, kết hợp cùng với các bar ngoài trời; quán ăn trên hồ; phòng hội nghị và các hoạt động tiêu khiển, thư giãn như: câu cá, tắm hồ, du thuyền trên sông, tiệc liên hoan…
Điểm du lịch sinh thái “Vườn Hàm Luông” đã góp phần hình thành nên tuyến, tour du lịch của các xã cánh Tây huyện Châu Thành như: Tiên Long, Tiên Thủy, Quới Thành nói chung và Tân Phú nói riêng.
Đến đây, ngoài dịp được tận hưởng các dịch vụ hấp dẫn, du khách còn được thưởng thức đặc sản trái cây miệt vườn như: dừa, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh… Đặc biệt, nếu đến đây vào ngày mồng 5/5 âm lịch (Tết Đoan Ngọ), du khách còn có dịp tham dự lễ hội trái cây với các hoạt động khám phá, trải nghiệm những giây phút tâm linh, tín ngưỡng dân gian tại các vườn chuyên canh cây ăn trái của vùng sông nước, miệt vườn Bến Tre.
Ngoài 3 điểm du lịch tiêu biểu vừa nêu, du khách còn có thể khám phá các điểm đến sinh thái, miệt vườn tại Cồn Qui (xã Quới Sơn, xã Tân Thạch); điểm du lịch sinh thái Quê dừa, Quới An (xã Qưới Sơn); Hảo Ái, Phong Phú, Thảo Nhi, Diễm Phượng, Hồng Vân, Quê Dừa, Năm Thành…(xã Tân Thạch); du lịch Vườn dâu, An Khánh 2 (xã An Khánh), vườn sinh thái Ba Lai (xã Tam Phước)…
Với tiềm năng du lịch phong phú, huyện Châu Thành đang trở thành điểm dừng chân thu hút đông du khách trong và ngoài nước trên hành trình du lịch Bến Tre.
Thanh Hải
VIETNAMTOURISM.COM