Khám phá Mũi Điện – Bãi Môn – Vũng Rô với những hình ảnh đáng nhớ – Du Lịch Sông Cầu – Điểm đến của những nụ cười

1684

Ngày xưa không xa lắm, chỉ 5 – 7 năm trở lại trước tôi còn không biết cái tên Phú Yên hay Tuy Hòa. Thậm chí đã đặt chân lên Nha Trang, cũng không ngỡ cạnh thành phố du lịch ấy còn có nơi gọi là Phú Yên. Sau này làm việc và đi nhiều, tôi và vùng đất này lại có duyên gặp mặt nhau, không phải chỉ một lần. Nằm cận kề tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên hoang sơ và thanh lịch với cát trắng biển xanh đẹp chẳng thua kém gì các địa danh nổi tiếng khác. Nếu cho tôi cảm nhận chủ quan về các vùng biển bản thân đã trải nghiệm, thì hẳn tôi chọn Phú Yên là nơi có nhiều bãi và cảnh biển đẹp nhất nước.

1

cực đông việt nam

Từ khi phong trào du lịch bụi – chinh phục 4 cực 1 đỉnh của thanh niên nở rộ, Phú Yên được biết đến

nhiều hơn khi những lữ khách muốn đến cực đông “cũ” để trải nghiệm. Một lần đến Phú Yên tình nguyện, một lần đến làm việc, một lần đến chơi và một lần đến để khám phá, hẳn ấy là cái duyên. Trong chuyến đi gần đây nhất, cuối tháng 3/2015, tôi còn có dịp chạy xe máy gần như hết các huyện ở đây, từ biển lên núi, từ núi xuống biển.


HẢI ĐĂNG MŨI ĐIỆN

Điểm được đánh giá “nổi tiếng” thứ hai ở Phú Yên là hải đăng Mũi Điện. Trước khi mốc cực Đông Việt Nam được xác nhận lại tại Mũi Đôi (Đầm Môn – Khánh Hòa) thì tọa độ ở Mũi Điện được coi là cực Đông của tổ quốc, nơi đón ánh mặt trời đầu tiên tại Việt Nam.

2

hai dang mui dien

Lần ấy chúng tôi bắt taxi từ thành phố Tuy Hòa đi Mũi Điện theo quốc lộ 1A, lên đèo Cả rồi rẽ vào Vũng Rô, và đến Mũi Điện. Từ trên đèo vào đến Mũi Điện chỉ có Vũng Rô là nơi có dân cư sinh sống, đa phần là người làm nghề chài lưới và ngư nghiệp. Tối 8h-9h taxi lạc đường mới vào đến Vũng Rô, chúng tôi đi không nắm rõ nhiều thông tin, hỏi người dân mới biết trong đây không có nhà nghỉ hay khách sạn như ngoài Đại Lãnh. Từ Vũng Rô vào hải đăng cũng 5km, không chắc có chỗ ăn chỗ ngủ hay không, chúng tôi quyết định hỏi ở nhờ nhà dân. Người dân ở đây lạ lùng thấy có mấy đứa trẻ trâu ở đâu nói giọng Bắc, bắt taxi đi vào vùng khỉ ho cò gáy này, cũng xúm ra bắt chuyện và hỏi thăm. Cuối cùng, chúng tôi được một gia đình nọ sắp xếp cho chỗ ngủ. Hôm ấy, chị nấu cho chúng tôi nồi cơm ăn với vịt kho sả ban tối nhà còn thừa, và nồi canh chua chả cá mà anh đi biển đánh bắt. Ăn gì thì ăn, vào Phú Yên mà không ăn canh chua thì là thiệt. Nồi canh ngọt mát chua chua vị me, thơm vị dứa đứa nào ăn cũng vào. Có lẽ đấy là nồi canh chua ngon nhất và đáng nhớ nhất trong đời tôi cho đến bây giờ. Đêm ấy chúng tôi không ngủ nhà anh chị mà sang nhà ông bà. Buổi tối mập mờ nhà nào cũng chỉ thắp một ngọn đèn tuýp yếu ớt, điện chẳng lên nổi cái sạc pin máy ảnh. Đêm tôi nằm giường và màn với chị con gái, tâm sự và hỏi chuyện về cuộc sống người dân nuôi cá và tôm nơi này. Dân khổ, vất vả và thiếu thốn.. Bên ngoài hiên nhà, 4 chàng thanh niên đi cùng tôi, trải chiếu mắc màn nằm đất, hí hoáy đập muỗi vì màn rách, sáng ra đầy nốt trên người.

4h sáng hôm sau mấy anh em đã hẹn xe ôm đưa vào hải đăng Mũi Điện, để kịp đón bình minh – những tia nắng đầu tiên hắt vào bờ biển Đông của tổ quốc, vào những ngày sát Tết.

3

Mặt trời mọc hình trái tim. Chúng tôi đã kịp chờ mặt trời mọc, nhưng trời nhiều mây.
4
mũi điện
5
mui dien

Biển và trời rất xanh

Đến Mũi Điện: Mũi Điện cách trung tâm TP.Tuy Hòa chừng 40 km, phương tiện di chuyển bằng xe máy có hai đường.

Cách 1 là đi theo quốc lộ 1A theo hướng Nha Trang đi thẳng miết lên đến đèo Cả được vài km thì thấy bên tay trái có lối rẽ vào Vũng Rô. Cứ đi thẳng miết vào trong qua Vũng Rô chừng 5km thì đến Mũi Điện. Đường này đi nhiều xe ô tô tải, xe khách, bụi và không có nhiều cảnh đẹp.

Cách 2 là đi theo đường sân bay Tuy Hòa mới, chạy dọc theo đường bờ biển qua bãi Gốc, đến bãi Môn và Mũi Điện. (Trên google map thì đường này tên là Phước Tân – Bãi Ngà) Đường này không có nhiều xe cộ, có lúc đi qua khu nhà dân ven biển hơi hẹp một tí, còn lại là đi dọc biển đường rất mướt, rộng và cảnh đẹp.

6

mũi điện

Chỗ ở: Nếu muốn đón bình minh sớm ở Mũi Điện thì phải ở tại Hải đăng hoặc ở Vũng Rô. Ở Hải đăng có chỗ ở, nhưng khuyến cáo nếu đi toàn nữ thì không nên. Ở Vũng Rô cách Mũi Điện 5km giờ đã có nhà trọ (ko phải nhà nghỉ), tuy nhiên rất ít (chưa thử bao giờ). Nếu ở Vũng Rô thì đặt xe ôm hoặc đi xe máy sáng sớm hôm sau để đến Mũi Điện. Hồi tôi đi thì Vũng Rô chẳng có gì, nhưng do nhiều khách tham quan nên giờ cũng đã có một ít dịch vụ.

BÃI MÔN

Bãi Môn là một bãi biển vắng và đẹp, cát mịn, nước xanh ngay dưới chân Mũi Điện. Mọi người đến Mũi Điện thì phải xuống bãi Môn tắm. Lần ấy chúng tôi lên hải đăng đón bình minh, rồi tầm 7h sáng chạy xuống bãi Môn không người tắm biển, mặc dù mặt trời lên rất nhanh và nắng. Cả bãi biển chỉ có 5 anh em. Mấy đứa còn đi lượm lặt cành khô, đốt lửa trên cát để nướng cá khô ăn buổi sáng.

7

bãi môn

Ở đây có một dòng suối chảy từ trong núi ra biển, rất trong và mát. Với nhiều tảng đá nhìn như spa thiên nhiên.

8

bãi môn

Sau hai năm trở lại bãi Môn (2013 – 2015), ở đây đã có một chút thay đổi. Ngày ấy chúng tôi đến không có mấy người, chỉ thi thoảng có vài người dân câu cá đi ngang, chỉ có chúng tôi ở đó. Giờ bãi Môn đã nhiều dấu chân, và dấu người. Lần gần nhất tôi trở lại, đường vào bãi Môn đã có một nhà chòi trông xe và bán nước. Bãi Môn ngày chủ nhật tấp nập già có, trẻ có, đi picnic. Tuy nói là tấp nập, nhưng cũng là tấp nập hơn trước thôi. Bãi cát không còn mịn, dòng suối rêu không còn trong như trước, đôi khi xuất hiện một vài dấu hiệu của con người như vỏ chai, vỏ kẹo. Tuy nhiên, nó vẫn còn hoang sơ và đẹp, chỉ cần được giữ gìn.

VŨNG RÔ – PICNIC TRÊN MẶT NƯỚC

Ở Phú Yên, có thể tìm thấy nhiều vũng như Vũng La, Vũng Rô, Vịnh Xuân Đài…đều là những vịnh nhỏ được bao quanh bởi núi, nơi có nhiều tôm cá trú ngụ, khung cảnh xinh đẹp và dân chài nuôi nhiều thủy hải sản.

9

vung ro

Vũng Rô là một vịnh nhỏ nằm trong số đó, thuộc Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, nằm ngay sát đường lên Đèo Cả và tiếp giáp với tỉnh Khánh Hòa. Vũng Rô cách Mũi Điện 5km, trên con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại với ý nghĩa lịch sử rất lớn, khi đây là nơi tiếp nhận vũ khí bí mật của miền Bắc gửi vào chiến trường Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong những năm 1964 và 1965. Tại tượng đài kỉ niệm Tàu không số (tên để chỉ những chuyến tàu bí mật vận chuyển vũ khí) tháng 3 vừa rồi, chúng tôi còn tình cờ gặp một đoàn cựu chiến binh đã từng hoạt động tại đây 40 năm trước. Đây cũng là nơi hai năm trước, người dân cho chúng tôi ở nhờ và cho ăn khi mấy đứa vào thăm Mũi Điện lần đầu tiên. Vì vậy tình cảm và ấn tượng của tôi đối với nơi này có chút gì đó khá sâu đậm.

Đừng từ trên con đường từ Mũi Điễn ra đèo Cả, sẽ nhìn được toàn cảnh vũng Rô nước xanh biếc, trời xanh biếc và rất nhiều thuyền bè cũng như nhà nổi nuôi trồng hải sản. Nhưng đừng bỏ lỡ mà nghĩ rằng cái vũng ấy chỉ có thể đi qua và ngắm nó trên cao. Vũng Rô bây giờ đã phát triển hơn cái ngày chúng tôi phải ngủ nhờ ăn nhờ. Do nhiều khách đi thăm mũi Điện qua đây có nhu cầu dạo vòng quanh vũng và đi đảo, mà tại đây đã dịch vụ cho thuê thuyền, thuê cano và picnic trên bè. Nếu thích, lái tàu sẽ thả bạn tại một bãi biển bất kì nằm trong vũng, để bạn vui chơi tùy thích.

10

vung ro

Trời nắng, chúng tôi không có nhu cầu tắm táp buổi giữa trưa. Trước khi lên thuyền đi thăm một vòng Vũng Rô, chúng tôi đã đặt chị vợ của anh lái tàu, chuẩn bị cơm nước cho chúng tôi lên bè ăn. Tôi có niềm yêu thích việc thăm thú cuộc sống bình thường của người địa phương, tôi thích sống như họ sống. Vì thế tôi hỏi anh chị có bè nuôi tôm hay cá gì không, chúng tôi đi thăm, và được ở đó ăn trưa thì tốt. Rồi mấy đứa con gái chúng tôi mua của chị cân mực, một con cá và nhờ chị tẩm ướp mực, nấu cơm, canh chua cá mang ra bè cho chúng tôi. Cả cá và mực đều là do anh đi thả lưới đánh bắt về. Cơm canh bát đũa chị chuẩn bị, chúng tôi tính vào phí dịch vụ. Nhà anh chị có một bè nuôi tôm hùm, anh chị thả chúng tôi ở đó ăn trưa. Tiếc là tôm hùm thả trong lồng sâu dưới nước nên tôi không được chiêm ngưỡng mấy cái càng to đùng ngon lành của chúng.

11

vũng rô

Nước ở đây rất trong, có thể nhìn thấy rất nhiều cá bên dưới. Nếu trời xanh hơn, nước càng trong hơn.

12

vung ro

Chúng tôi ngồi trên bè, tự nướng những con mực ngon lành giữa trời xanh và biển xanh

Nước ở Vũng Rô rất xanh và trong, lại nhiều phù du thích hợp cho tôm cá sống. Nằm trong vịnh không bị ảnh hưởng nhiều bởi gió bão, nên rất nhiều hộ nuôi tôm cá ở đây, mà đa phần là tôm hùm và cá mú – thu nhập chính của dân địa phương. Do nhà không có bé cá, anh chồng đưa chúng tôi đến thăm một bè cá bên hàng xóm, để tôi được thỏa nguyện ngắm mấy con cá trong dòng nước trong xanh. Thấy chúng tôi thích thú với con rùa độc nhất trong cái lồng toàn cá mú, anh chủ bè lấy một con cá nhúng xuống nước để cho rùa ăn. Con rùa dạo mấy vòng mới đánh hơi được mùi cá, ngoi lên cắp con cá con. Buồn thay cái miệng nhỏ cắn một miếng rồi đánh tuột con cá khỏi miệng. Và cả đàn cá mú xông vào cướp lấy con mồi. Vậy là hết cả ăn. Rùa ta hậm hực ngúng nguẩy cái đuôi bơi đi mất.

13

vung ro

Tips: Đến Vũng Rô thì nằm trong đường đến Mũi Điện và Bãi Môn. Lịch trình đẹp nhất cho một vòng ba điểm này là đêm hôm trước ngủ tại Mũi Điện, sáng hôm sau đón bình minh và tắm tại bãi Môn. Sau đó qua Vũng rô đi dạo, ngắm cảnh rồi ăn trưa tại đây.

Theo Fromroadtokitchen

DULICHSONGCAU.NET