NVTPHCM- Đoàn nhà thơ từ TP.HCM, Hải Dương, Đà Nẵng và Hàn Quốc đã có đêm giao lưu với người yêu thơ Phú Yên trên đỉnh núi Nhạn vào mùng 16 tháng Giêng năm Giáp Ngọ…
Khác với mọi năm, Hội thơ truyền thống Nguyên tiêu trên núi Nhạn – Tuy Hòa năm nay có 2 đêm. Đêm 15 tháng Giêng dành cho thơ của những nhà thơ Phú Yên và đêm 16 tháng Giêng là tao đàn giao lưu thơ với những vùng đất khác với chủ đề Đêm Tuy Hòa – Đêm bè bạn.
Đoàn nhà thơ Hải Dương do Tiến sĩ – nhà thơ Nguyễn Việt Nga trưởng đoàn. Đoàn nhà thơ Đà Nẵng gồm: nhà thơ Thanh Quế – nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng, nhà thơ Bùi Công Minh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Đà Nẵng và nhà thơ Ngô Liên Hương. Đoàn văn nghệ sĩ TP.HCM do nhà thơ Phan Hoàng – Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà Văn TP.HCM làm trưởng đoàn cùng các nhà thơ Nguyễn Thái Dương, Vũ Trọng Quang, Nguyễn Lương Hiệu, Lê Thị Kim, nhà văn Trần Nhã Thụy, nhà thơ Phùng Hiệu, Hoa Níp và nhạc sĩ Quỳnh Hợp. Đặc biệt đêm thơ có sự góp mặt của đoàn nghệ thuật Hàn Quốc Cheong Ju.
Trước khi bước vào đêm thơ, chương trình trao giải chung kết cuộc thi Người đẹp Nguyên tiêu qua ảnh đã diễn ra phần chung kết. 5 thí sinh vào chung kết đã đọc bài thơ để chọn ra thí sinh vừa đẹp vừa đọc thơ truyền cảm. Thí sinh H’May người dân tộc Ê đê là thí sinh Được yêu thích nhất với bài thơ Nắng long lanh. Người đẹp duyên dáng nhất thuộc về Nguyễn Thị Mỹ Phúc. Người đẹp có trang phục đẹp nhất là Phạm Thị Thu. Giải người đẹp ăn ảnh nhất thuộc về Nguyễn Thị Bích Liên. Giải Người đẹp Nguyên tiêu xuân Giáp Ngọ thuộc về thí sinh Phạm Thị Thu với phần trình diễn bài thơ Hai nữa chữ tình.
Đất Phú Yên là nơi sinh trưởng hoặc từng sống, sáng tác và thành danh của các nhà thơ nhà văn nổi tiếng khắp cả nước như Trần Mai Ninh, Hữu Loan, Văn Công, Nguyễn Mỹ, Vĩnh Mai, Trần Vũ Mai, Liên Nam, Võ Hồng… Những nhà thơ nhà văn đang độ tuổi sung sức sáng tác của đất Phú Yên hiện nay có Phan Hoàng, Trần Huiền Ân, Ngô Phan Lưu, Nguyễn Kim Ngân, Nguyễn Tường Văn, Huỳnh Thạch Thảo, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Phong Việt, Đào Đức Tuấn, Đào Tấn Trực, Hồ Thanh Ngân, Đinh Lăng…
Đêm thơ bên tháp cổ của Phan Thế Hữu Toàn thật giống khung cảnh thơ trên tháp cổ:
Con đường thơ lượn vòng trên núi Nhạn
Đưa ta về với đêm Nguyên tiêu
… Gió lang thang trôi qua triền núi
Biển thì thầm khúc hát tháng Giêng
Sông lặng lẽ chở phù sa về bãi
Đêm Tuy Hòa trong trẻo bình yên…
… Lữ khách ngỡ lạc vào cõi mộng
Tiếng sáo mượt mà giai điệu quê hương
Ta đắm đuối đêm thơ tháp cổ
Thức cùng trăng chới với tình thơ
Nghe hơi thở mặn nồng vị biển
Thắp lửa tình yêu khao khát đợi chờ…
Nhà thơ – nhà nhiếp ảnh Nguyễn Lương Hiệu lần đầu tiên đứng trên sân khấu thơ Nguyên tiêu của Phú yên đã đọc bài thơ Lời ru bạn bè:
Phú Yên ta với đêm nay
Nụ cười hội ngộ làm dày không gian…
Nhà thơ Hoa Níp đã từng đọc thơ trước 100 người nông dân Phú Yên. Lần này được đọc thơ trên núi Nhạn – Phú Yên bài Thông báo của khách sạn. Một bài thơ khá lạ và chân thực về vùng đất Củ Chi.
…Ở Củ Chi
khách sạn của chúng tôi rất gần đất và xa trời
Không có
Không có
Không có
không có Thượng Đế
những ngôi sao
chỉ có những con người bình dị lấp lánh gian lao
Nhà thơ nữ Lê Thị Kim đã đọc thơ trên núi Nhạc được 3 lần. Lần này chị đọc bài thơ Đừng nhìn em như thế đã sáng tác từ thời trẻ. Chị chưa đọc dứt bài thơ, các vị lãnh đạo tỉnh đã lên tặng thơ cho chị. Sau đó, ca sĩ Tất Đạt đã trình diễn bài thơ Đừng nhìn em như thế với bản phổ nhạc của nhạc sĩ Quỳnh Hợp.
Đừng nhìn em như thế
Cháy lòng em còn gì
Sự nồng nàn của bể
Cuốn mất hồn em đi
Trong không khí thơ hừng hực trên tháp Nhạn 1.000 năm tuổi, nhà thơ Phùng Hiệu đã đọc bài Đừng lặng nữa sắp xuất bản trong tập thơ Trong thế giới ngụy trang.
Đừng lặng nữa!
Trùng dương đang dậy sóng
Biển xanh ơi
Anh chẳng muốn xa em
Đừng lặng nữa!
Trường Sa đang réo gọi
Cánh hải âu chới với giữa nghìn trùng
Đừng lặng nữa!
Ngoài khơi bừng sấm chớp
Những con tàu hải giám manh tâm
Đừng lặng nữa
Bình Minh vừa cắt cáp
Nhưng Viking đâu có thể quy hàng
Thềm lục địa nào cho chỉ số 1982?
Cho em biết bầu trời Việt Nam và phạm vi lãnh hải
Cho thiên nhiên không nhầm lẫn cội nguồn…
Đừng lặng nữa!
Em tôi ngày góp đá
những con tàu rẽ sóng vượt trùng khơi
mỗi nắm đất tươi nguyên màu máu đỏ
một hy sinh bằng cả triệu căm hờn…
Nhà thơ Việt Nga đến từ đoàn nhà thơ Hải Dương có tên Chuồn chuồn. Chị thổ lộ: “Những ước mơ của mình cũng giống cánh chuồn chuồn vì có nhiều ước mơ không đạt được. Nhưng chúng ta vẫn sống và không thôi hy vọng” như câu thơ “… Tưởng bắt được rồi vẫn chỉ tay không”. Bài thơ thứ hai có tên Gửi Phú Yên dù chỉ mới đến Phú Yên lần đầu vì hai tỉnh kết nghĩa anh em.
Đêm nay, đúng là:
Trèo lên núi Nhạn nghe thơ Việt
Hốt hết trăng thanh lẫn gió đầy
Hả hê con chữ bao năm ủ
Rung động lòng yêu khắp Phú Yên
PHÚ NGỌC
THEO CONGLUAN.VN
NHAVANTPHCM.COM.VN