2 vựa hoa kiểng lớn nhất miền Tây chạy đua vào vụ Tết – Kinh doanh – Zing.vn

1359

Cái Mơn (Chợ Lách – Bến Tre) Sa Đéc (Đồng Tháp) là 2 vựa hoa lớn nhất miền Tây. Phần lớn hoa Tết cung ứng cho khu vực, TP.HCM và nhiều địa phương khác có xuất xứ từ 2 vựa hoa này.

Những ngày này, về làng hoa Cái Mơn mới thấy rõ không khí tất bật của người trồng hoa. Người xuống giống, người tỉa cành, lên luống, đan giỏ, vô chậu… Đi cập tỉnh lộ 747 từ đầu đến cuối làng hoa Cái Mơn, đến đâu cũng có thể cảm nhận không khí lao động hối hả chuẩn bị phục vụ mùa hoa Tết. Trẻ em tranh thủ sau giờ học cũng phụ giúp cha mẹ chăm sóc hoa. Những chậu hoa Tết được cắt cành từ giữa năm, bắt đầu vô chậu, thay phân, chăm sóc.

hoa-kieng-dong-thap-anh-1
Người nhà bà 8 Hà đang chăm sóc hoa dừa rũ trong chậu ở Cái Mơn. Ảnh Ngọc Trinh

Bà Nguyễn Thị Hà, (8 Hà), theo nghề trồng hoa kiểng hơn 15 năm ở ấp Tân Lộc, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, đang vào chậu loại hoa dừa rũ chuẩn bị xuất bán lên Đà Lạt, nói: “Năm nay giá phân bón tăng, giá giỏ trồng hoa cũng tăng theo. Như năm trước giá 5.000 đồng/chậu nhựa thì nay lên 6.000 đồng, nhưng giá bán hoa lại giảm từ 28.000 đồng/chậu xuống còn 26.000 đồng”.

Bà 8 Hà lý giải, năm ngoái là năm thịnh của hoa dừa rũ Thái Lan treo trong chậu, nhiều người thắng đậm loài hoa này nên năm nay ồ ạt trồng, do vậy nhà nào cũng tranh giá để bán. Ngày thường gia đình bà 8 Hà bán loại này cho lái ở Nha Trang, Đà Nẵng và cả Đà Lạt xuống tận nơi lấy, bình quân mỗi ngày hơn 200 chậu. Loài hoa này trồng 2,5-3 tháng là xuất bán, giá rẻ, hợp với thời tiết miền Tây nên khá nhiều hộ đầu tư.

Hiện gia đình bà 8 Hà đã chuẩn bị hơn 10.000 chậu hoa dừa rũ cùng hơn 10 mặt hàng kiểng bông, kiểng lá và kiểng trái để phục vụ thị trường Tết. Cũng theo bà Hà, năm nay thời tiết thuận lợi hơn so với mọi năm, nên đến thời điểm này các mặt hàng hoa kiểng chuẩn bị bán Tết đều trong giai đoạn phát triển tốt. Dự định khoảng 17 – 20 tháng Chạp (âm lịch) bà sẽ xuất bán, ước thu nhập khoảng 200 triệu đồng cho mùa bán hoa kiểng lớn nhất năm.

hoa-kieng-dong-thap-anh-3
Ông Nguyễn Hữu Thượng (phải) đã chuẩn bị hơn 1.000 cây may mắn chờ bán Tết.

Còn ông Nguyễn Hữu Thượng (Út Thượng) ở ấp Vĩnh Hưng 1, xã Vĩnh Thành, Chợ Lách, cho biết, năm nay ông chuẩn bị hoa kiểng Tết từ rất sớm. Vườn ông hiện có hơn 180 chủng loại hoa kiểng để phục vụ thị trường gồm hoa dừa rũ, son môi, cúc mâm xôi, cúc Tiger…. Ông Út Thượng dự đoán giá chỉ có thể tăng từ 2-3% so với năm ngoái, do vật tư như giấy bộc, chậu, phân thuốc đến công thuê người chăm sóc tăng từng ngày.

Ngoài ra còn có hơn 1.000 chậu cây may mắn, một loại kiểng lá độc quyền do ông Út Thương lai tạo vừa có mặt Tết năm trước. “Năm ngoái đến 29 Tết vẫn có người vào vườn hỏi mua cây này. Lúc đó giá lên từ 100.000 -120.000 đồng/chậu mà tôi không có để bán. Rút kinh nghiệm năm nay tôi chuẩn bị sẵn tữ giữa năm”, ông Út Thương cho biết.

Tại làng hoa Sa Đéc, không khí càng tất bật. Ông Nguyễn Văn Bá, ở ấp Tân Hiệp, Tân Quy Đông – thành phố Sa Đéc cho biết, so với mọi năm thì thời tiết nam nay thuận lợi hơn rất nhiều. Mưa dứt sớm, đến thời điểm xuống giống hoa thì mát mẻ, hơi se lạnh, rất thích hợp cho hoa phát triển. Nếu được giá thì người trồng hoa sẽ thắng trong vụ này.

Năm nay ông Bá đầu tư trồng khoảng 30.000 chậu hoa, gồm những giống chủ lực của thị trường Tết là cúc mâm xôi, cúc Tiger, cúc Đài Loan trên 3 công đất phía sau nhà. Ông cho biết, đến thời điểm này có thể khẳng định giá cúc Tiger sẽ ở mức 45.000 -50.000 đồng/cặp, tăng khoảng 15.000 đồng/cặp so với năm trước.

Hàng xóm của ông Bá, anh Trần Văn Khanh đang trồng 1.000 chậu cúc vàng cũng cho biết, năm nay cúc vàng bán tại vườn sẽ ở mức 20.000/giỏ, tăng hơn năm ngoái 2.000 đồng. Riêng thương lái từ các tỉnh khác xuống mua thì anh chở đến nơi bán với mức giá khoảng 23.000 đồng/giỏ.

hoa-kieng-dong-thap-anh-4
Năm thời tiết được cho là thuận lợi với người trồng hoa Tết ở miền Tây. Ảnh Ngọc Trinh.

Ông Tiêu Hùng Minh, phó ban đại diện làng Mai Vàng Phước Định, ở xã Bình Hòa Phước, Long Hồ – Vĩnh Long, cho biết, làng mai Phước Định cũng đang bắt đầu chăm sóc mai Tết. Phước Định là làng mai vàng kiểng cổ tồn tại hơn 100 năm nay, là nơi xuất phát nghề chơi kiểng mai vàng lâu đời nhất đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây có 180 hộ trồng mai vàng, hộ ít nhất cũng vày chục gốc còn nhiều nhất lên đến vài trăm gốc. Điển hình như nhà ông Minh với hơn 300 cây mai lớn nhỏ. Trong đó cây thấp nhất có giá trị 200.000 đồng, cây cao nhất lên 200 triệu đồng.

ZING.VN