Kinh nghiệm du lịch Huế (Cập nhật 2017) | Kinh nghiệm đi phượt Huế

1971

Nên kết hợp đi

Cùng Phượt – Kinh đô Huế là thủ đô của quốc gia Việt Nam thống nhất từ năm 1802, sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế mở đầu cho nhà Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Huế kết thúc sứ mệnh là thủ đô Việt Nam vào năm 1945 khi vị hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại thoái vị. Kể từ đó thủ đô Việt Nam một lần nữa lại được chọn là Hà Nội, Kinh đô Huế xưa trở thành Cố đô. Huế là thành phố nằm ven biển Đông, là thành phố miền Trung nằm giữa hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn. Hai tỉnh láng giềng của Huế là Quảng Trị và Đà Nẵng. Đèo Hải Vân nối liền Huế với Đà Nẵng và ranh giới thời tiết hai miền.

Cùng Phượt tổng hợp những kinh nghiệm du lịch Huế năm 2017 cùng những thông tin về khách sạn nhà nghỉ tại Huế, địa điểm ăn uống, các món ăn ngon tại Huế, các địa danh du lịch tại Huế để các bạn tham khảo.

kinh-nghiem-du-lich-hue

Giới thiệu chung về Huế

gioi-thieu-chung-ve-hue
Ảnh – Phu Dang

Ai đã một lần đến Việt Nam, chắn hẳn đã từng biết khí hậu ở Việt Nam rất khác biệt nhau. Trong khi ở miền Nam thường là khí hậu nhiệt đới thì ở miền Bắc là khí hậu ôn đới. Khí hậu ở Huế thường nóng ẩm và nó là sự kết hợp của khí hậu miền Bắc và vùng ven biển phía Nam. Huế là một trong những vùng có nhiều di sản văn hoá. Ðến nay, không còn một vùng nào có một số lượng lớn các di tích mà những di tích này vẫn giữ được hình dạng vốn có của nó như ở cố đô này.

Ở bờ phía Bắc của sông Hương là một di tích gồm những lâu đài được xây dựng theo kiểu phòng thủ tạo thành một đường vòng cung dài 11km. Công trình quí giá này gồm hơn một 100 tác phẩm kiến trúc, đã thực sự phản ánh được cuộc sống của vua quan nhà Nguyễn. Giữa những quả đồi ở bờ Nam sông Hương là những lăng tẩm rất đẹp của các vua Nguyễn. Trong số đó nổi tiếng nhất là bốn lăng tẩm mà mỗi lăng được biết đến với cái tên phù hợp với tính cách của mỗi vua và kiểu kiến trúc của mỗi lăng. Ðó là lăng Gia Long uy nghi, lăng Minh Mạng oai phong, lăng Tự Ðức thơ mộng và lăng Khải Ðịnh tráng lệ.

nhac-cung-dinh-hue
Nhã nhạc cung đình Huế (Ảnh – Life)

Huế đồng thời còn là một trung tâm quan trọng của Ðạo Phật. ở Huế và những vùng lân cận vẫn còn tồn tại hàng chục chùa đã được xây dựng cách đây trên 300 năm và hàng trăm đền, chùa được xây dựng đầu thế kỷ. Ngoài ra, Huế còn được xem như là nơi bắt nguồn của nhạc cung đình và là nơi có nhiều món ăn truyền thống nổi tiếng và nghề thủ công tinh xảo.

Là thành phố duy nhất trong nước vẫn còn giữ được dáng vẻ của một thành phố thời Trung cổ và nguyên vẹn kiến trúc của một nền quân chủ. Huế đã trở thành một bảo tàng lớn và vô giá. Chính vì vậy, chính phủ đã xếp hạng các di tích ở cố đô Huế như là một tài sản vô cùng quí giá và tháng 12 năm 1993 Huế đã được UNESCO xếp hạng là di tích văn hóa thế giới.

Nên đi du lịch Huế vào thời điểm nào

nen-di-du-lich-hue-vao-mua-nao
Ảnh – huycol

Nếu khí hậu của cả nước đều chia thành hai mùa khô và mưa thì Huế lại chỉ có 2 mùa khác là mùa mưa và mùa ít mưa. Mùa mưa kéo dài từ tháng 9 tới cuối tháng 12, mùa ít mưa kéo dài từ cuối tháng 12 cho đến khoảng tháng 4. Những tháng còn lại thời tiết Huế khả nắng do Huế cũng nằm trong vùng bức xạ nhiệt dồi dào và nền nhiệt cao. Du khách đến Huế vào nhiều thời điểm khác nhau. Nếu như du khách trong nước thường đến Huế từ khoảng đầu tháng 5 cho đến cuối tháng 9, thì khách du lịch nước ngoài lại đến Huế trong khoảng từ tháng 10 cho đến cuối tháng 4. Thời tiết lý tưởng nhất ở Huế thường là vào tháng 11.

Phương tiện di chuyển khi tới Huế

phuong-tien-di-toi-hue
Ga Huế (Ảnh – eric)

Máy bay

Hiện tại chỉ có duy nhất Vietnam Airlines đang khai thác các đường bay từ Hà Nội/Sài Gòn tới Huế, giá vé khứ hồi rẻ nhất mà bạn có thể đặt vào khoảng 2400k (Hà Nội) và 2000k (Sài Gòn).

Tàu hỏa

Từ hai đầu ga Hà Nội và Sài Gòn hàng ngày đều có 5 chuyến khởi hành đi Huế theo bảng giờ tàu như dưới đây, tùy vào kế hoạch riêng mà các bạn chọn giờ tàu cho phù hợp.

Tàu SE1 và SE2 : [Hà Nội 19h30 – Huế 8h48] [Sài Gòn 19h30 – Huế 15h23]

Tàu SE3 và SE4 : [Hà Nội 22h00 – Huế 10h27] [Sài Gòn 22h00 – Huế 16h39]

Tàu SE5 và SE6 : [Hà Nội 9h00 – Huế 22h42] [Sài Gòn 22h00 – Huế 5h31]

Tàu SE7 và SE8 : [Hà Nội 6h00 – Huế 19h47] [Sài Gòn 6h00 – Huế 1h28]

Tàu TN1 và TN2 : [Hà Nội 13h10 – Huế 3h39] [Sài Gòn 13h10 – Huế 12h06]

Xe khách chất lượng cao

Từ Hà Nội và Sài Gòn hàng ngày có rất nhiều các tuyến xe giường nằm chất lượng cao đi Huế, xe open tour đi Huế, thời gian di chuyển vào khoảng 13 tiếng (từ Hà Nội) hoặc 25 tiếng (từ Sài Gòn)

Phương tiện đi lại tại Huế

phuong-tien-di-lai-o-hue
Xích lô là phương tiện đi lại khá phổ biến ở Huế (Ảnh – tuananhdrums)

Xích lô ở Huế tiện lợi vì rộng và mui cao, khi cần có thể chở hàng hoá hoặc có thể bật mui lên để chở khách một cách lịch sự và an toàn. Hiện nay dịch vụ giao thông bằng xích lô hấp dẫn và phù hợp nhất ở nội thành. Sử dụng phương tiện xích lô, bạn có thể thư thả đi dạo quanh thành phố cổ kính và xinh đẹp này. Với lợi điểm là thành phố du lịch, nên bạn dễ dàng kiếm được cho mình 1 chiếc xe đạp hoặc xe máy phù hợp với giá phải chăng. Các địa điểm cho thuê xe đạp, xe máy nằm tập trung ở đường Hùng Vương, quãng đường từ cầu Trường Tiền đến ngã 4 Hùng Vương giao với Nguyễn Tri Phương. Khu vực thứ 2 là đường Lê Lợi, khu phố Tây đối diện khách sạn Hương Giang, các đường như Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An đều có cho thuê xe.

Xem thêm bài viết: Thuê xe máy tại Huế

Khách sạn nhà nghỉ tại Huế

khach-san-gia-re-tai-hue
Đến Huế vào dịp cao điểm cũng không lo thiếu phòng ngủ (Ảnh – Internet)

Trên địa bàn Huế hiện nay có khoảng 600 cơ sở lưu trú với gần 10 000 phòng, 17 000 giường nên ở Huế gần như không có hiện tượng cháy phòng xảy ra. Các bạn có thể tự tìm cho mình khách sạn phù hợp thông qua danh sách các khách sạn nhà nghỉ ở Huế, hoặc có thể tham khảo một số lựa chọn mà Cùng Phượt đưa ra dưới đây.

Thắng cảnh ở Huế

Nhắc đến Huế là người ta nhớ đến người con gái dịu dàng trong tà áo tím, là nhớ đến thành phố mang một nét đẹp trầm tư mà sâu lắng, bình dị mà đáng nhớ. Du lịch Huế các bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của các di tích lịch sử có giá trị cao nằm trong Quần thể di tích Cố Đô Huế như Kinh Thành Huế, Lăng Minh Mạng, Lăng Gia Long, Chùa Thiên Mụ, Văn Miếu và Trường Quốc Học… Cùng xem những địa điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến Huế nào.

Bản đồ du lịch Huế

Hoàng Thành Huế

hoang-thanh-hue
Ảnh – Huynh Minh Nhat

Hoàng Thành là vòng thành thứ hai bên trong Kinh thành Huế, có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm Thành – nơi dành riêng cho vua và hoàng gia. Người ta thường gọi chung Hoàng Thành và Tử Cấm Thành là Đại Nội.

Hoàng Thành được xây dựng năm 1804, nhưng mãi đến năm 1833 đời vua Minh Mạng mới hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống cung điện với khoảng hơn 100 công trình.

cua-hien-nhon
Cửa Hiển Nhơn (Ảnh – Internet)

Hoàng Thành có mặt bằng gần vuông, mỗi bề khoảng 600 mét, xây bằng gạch, cao 4m, dày 1m, xung quanh có hào bảo vệ, có 4 cửa để ra vào: Cửa chính (phía Nam) là Ngọ Môn, phía Đông có cửa Hiển Nhơn, phía Tây có cửa Chương Đức, phía Bắc có cửa Hòa Bình. Các cầu và hồ được đào chung quanh phía ngoài thành đều có tên Kim Thủy.

Hoàng Thành và toàn bộ hệ thống cung điện bên trong được bố trí trên một trục đối xứng, trong đó trục chính giữ được bố trí các công trình chỉ dành cho vua. Các công trình ở hai bên được phân bố chặt chẽ theo từng khu vực, tuân thủ nguyên tắc (tính từ trong ra): “tả nam hữu nữ”, “tả văn hữu võ”. Ngay cả trong các miếu thờ cũng có sự sắp xếp theo thứ tự “tả chiêu hữu mục” (bên trái trước, bên phải sau, lần lượt theo thời gian).

hoang-thanh-hue-2
Thanh lưu ly (Ảnh – eric)

Mặc dù có rất nhiều công trình lớn nhỏ được xây dựng trong khu vực Hoàng Thành nhưng tất cả đều được đặt giữa thiên nhiên với các hồ lớn nhỏ, vườn hoa, cầu đá, các hòn đảo và các loại cây lưu niên tỏa bóng mát quanh năm. Mặc dù quy mô của mỗi công trình có khác nhau, nhưng về tổng thể, các cung điện ở đây đều làm theo kiểu “trùng lương trùng thiềm” (hay còn gọi là “trùng thiềm điệp ốc” – kiểu nhà kép hai mái trên một nền), đặt trên nền đá cao, vỉa ốp đá Thanh, nền lát gạch Bát Tràng có tráng men xanh hoặc vàng, mái cũng được lợp bằng một loại ngói đặc biệt hình ống có tráng men thường gọi là ngói Thanh lưu ly (nếu có màu xanh) hoặc Hoàng lưu ly (nếu có màu vàng). Các cột được sơn thếp theo mô típ long-vân (rồng-mây). Nội thất cung điện thường được trang trí theo cùng một phong cách nhất thi nhất họa (một bài thơ kèm một bức tranh) với rất nhiều thơ bằng chữ Hán và các mảng chạm khắc trên gỗ theo đề tài bát bửu, hay theo đề tài tứ thời).

dien-thai-hoa
Điện Thái Hòa (Ảnh – Tam Nguyen)
the-to-mieu
Bên trong Thế Tổ Miếu (Ảnh – tatdat_bkdn)
  • Khu vực phòng vệ: gồm vòng thành bao quanh bên ngoài, cổng thành, các hồ (hào), cầu và đài quan sát.
  • Khu vực cử hành đại lễ, gồm các công trình:
    • Ngọ Môn, cửa chính của Hoàng Thành – nơi tổ chức lễ Duyệt Binh, lễ Truyền Lô (đọc tên các Tiến sĩ tân khoa), lễ Ban Sóc (ban lịch năm mới).
    • Điện Thái Hòa – nơi cử hành các cuộc lễ Đại Triều một tháng 2 lần (vào ngày 1 và 15 Âm lịch), lễ Đăng Quang, lễ Vạn Thọ, lễ Quốc Khánh…
  • Khu vực các miếu thờ: được bố trí ở phía trước, hai bên trục dọc của Hoàng Thành theo thứ tự từ trong ra gồm:
    • Triệu Tổ Miếu ở bên trái thờ Nguyễn Kim.
    • Thái Tổ Miếu thờ các vị chúa Nguyễn.
    • Hưng Tổ Miếu ở bên phải Nguyễn Phúc Luân.
    • Thế Tổ Miếu thờ các vị vua nhà Nguyễn.
  • Khu vực dành cho bà nội và mẹ vua (phía sau, bên phải), gồm hệ thống cung Trường Sanh (dành cho các Thái hoàng Thái hậu) và cung Diên Thọ (dành cho các Hoàng Thái hậu).
  • Khu vực dành cho các hoàng tử học tập, giải trí như vườn Cơ Hạ, điện Khâm văn… (phía sau, bên trái).
  • Ngoài ra còn có kho tàng (Phủ Nội Vụ) và các xưởng chế tạo đồ dùng cho hoàng gia (phía trước vườn Cơ Hạ)
  • Khu vực Tử Cấm Thành nằm trên cùng một trục Bắc-Nam với Hoàng Thành và Kinh Thành, gồm một vòng tường thành bao quanh khu vực các cung điện như
    • Điện Cần Chánh (nơi vua tổ chức lễ Thường triều).
    • Điện Càn Thành (chỗ ở của vua),
    • Cung Khôn Thái (chỗ ở của Hoàng Quý phi),
    • Lầu Kiến Trung (từng là nơi ở của vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương),
    • Nhà đọc sách và các công trình khác phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của nhà vua và gia đình như Thượng Thiện Đường (nơi phục vụ ăn uống), Duyệt Thị Đường (nhà hát hoàng cung)…
dien-can-chanh
Điện Cần Chánh (Ảnh – Ee Shawn)

Đến nay, trải qua bao biến động và thời gian, hàng trăm công trình kiến trúc ở Đại Nội chỉ còn lại ít ỏi chiếm không đầy một nửa con số ban đầu.

Hệ thống Lăng tẩm

Lăng Tự Đức
lang-tu-duc-1
Toàn cảnh khu Lăng Tự Đức (Ảnh – vnkomodo)

Lăng Tự Đức là một quần thể công trình kiến trúc, trong đó có nơi chôn cất vua Tự Đức tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (cũ), nay là thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Lúc mới xây dựng, lăng có tên là Vạn Niên Cơ, sau cuộc nổi loạn Chày Vôi, Tự Đức bèn đổi tên thành Khiêm Cung. Sau khi vua Tự Đức băng hà, lăng được đổi tên thành Khiêm Lăng.

Lăng Tự Đức có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của vua chúa nhà Nguyễn.

Gần 50 công trình trong lăng ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm trong tên gọi. Lối đi lát gạch Bát Tràng bắt đầu từ cửa Vụ Khiêm đi qua trước Khiêm Cung Môn rồi uốn lượn quanh co ở phía trước lăng mộ. Qua khỏi cửa Vụ Khiêm và miếu thờ Sơn Thần là khu điện thờ, nơi trước đây là chỗ nghỉ ngơi, giải trí của vua. Đầu tiên là Chí Khiêm Đường ở phía trái, nơi thờ các bà vợ vua. Tiếp đến là 3 dãy tam cấp bằng đá Thanh dẫn vào Khiêm Cung Môn – một công trình hai tầng dạng vọng lâu như một thế đối đầu tiên với hồ Lưu Khiêm ở đằng trước. Giữa hồ có đảo Tịnh Khiêm với những mảnh đất trồng hoa và những hang nhỏ để nuôi thú hiếm. Trên hồ Lưu Khiêm có Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ, nơi nhà vua đến ngắm hoa, làm thơ, đọc sách… Ba cây cầu Tuần Khiêm, Tiễn Khiêm và Do Khiêm bắt qua hồ dẫn đến đồi thông.

Bên trong Khiêm Cung Môn là khu vực dành cho vua nghỉ ngơi mỗi khi đến đây. Chính giữa là điện Hòa Khiêm để vua làm việc, nay là nơi thờ cúng bài vị của vua và Hoàng hậu. Hai bên tả, hữu là Pháp Khiêm Vu và Lễ Khiêm Vu dành cho các quan văn võ theo hầu. Sau điện Hòa Khiêm là điện Lương Khiêm, xưa là chỗ nghỉ ngơi của vua, về sau được dùng để thờ vong linh bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức. Bên phải điện Lương Khiêm là Ôn Khiêm Đường – nơi cất đồ ngự dụng. Đặc biệt, phía trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm để nhà vua xem hát, được coi là một trong những nhà hát cổ nhất của Việt Nam hiện còn. Có một hành lang từ điện Ôn Khiêm dẫn ra Trì Khiêm Viện và Y Khiêm Viện là chỗ ở của các cung phi theo hầu nhà vua, ngay cả khi vua còn sống cũng như khi vua đã chết. Cạnh đó là Tùng Khiêm Viện, Dung Khiêm Viện và vườn nuôi nai của vua.

lang-tu-duc-2
Ảnh – dangtranquan

Sau khu vực tẩm điện là khu lăng mộ. Ngay sau Bái Đình với hai hàng tượng quan viên văn võ là Bi Đình với tấm bia bằng đá Thanh Hóa nặng 20 tấn có khắc bài “Khiêm Cung Ký” do chính Tự Đức soạn. Tuy có đến 103 bà vợ nhưng Tự Đức không có con nối dõi nên đã viết bài văn bia này thay cho bia “Thánh đức thần công” trong các lăng khác. Toàn bài văn dài 4.935 chữ, là một bản tự thuật của nhà vua về cuộc đời, vương nghiệp cũng như những rủi ro, bệnh tật của mình, kể công và nhận tội của Tự Đức trước lịch sử. Đằng sau tấm bia là hai trụ biểu sừng sững như hai ngọn đuốc tỏa sáng cùng với hồ Tiểu Khiêm hình trăng non đựng nước mưa để linh hồn vua rửa tội.

Lăng Minh Mạng
lang-minh-mang-1
Lăng Minh Mạng (Ảnh – xuanthanh_arc)

Lăng Minh Mạng còn gọi là Hiếu lăng, nằm trên núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lãng là nơi hội lưu của hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch hợp thành sông Hương, cách cố đô Huế 12 km. Lăng Minh Mạng được xây dựng từ năm 1840 đến năm 1843 thì hoàn thành, huy động tới mười nghìn thợ và lính.

Lăng Minh Mạng có bố cục kiến trúc cân bằng đối xứng, xung quanh một trục kiến trúc là đường thần đạo, xuyên qua một loạt các hạng mục công trình gồm: cửa chính, sân chầu, nhà bia, sân tế, Hiển Đức môn, điện Sùng Ân (thờ vua Minh Mạng và Hoàng hậu), hồ Trừng Minh, Minh Lâu, hồ Tân Nguyệt (trăng non), cổng tam quan Quang Minh Chính Trực, Trung Đạo kiều và cuối cùng là Bửu thành (mộ vua Minh Mạng). Lăng có diện tích 18 ha (nhưng diện tích cấm địa quanh lăng là 475 ha), xung quanh lăng có La thành bao bọc. Cửa chính của lăng tên là Đại Hồng môn, là cửa chỉ để rước linh cữu của vua nhập lăng. Hai bên cửa chính là hai cửa Tả Hồng môn và Hữu Hồng môn. Hồ Trừng Minh gồm hai nửa nối thông với nhau ở phía sau điện Sùng Ân nơi có ba cây cầu đá bắc qua, giống như hai lá “phổi xanh”, bao bọc lấy điện Sùng Ân và các kiến trúc vòng ngoài nằm trên trục thần đạo (khu vực tưởng niệm). Ở giữa hai hồ Trừng Minh và Tân Nguyệt, trên đường thần đạo, là Minh Lâu. Hồ Tân Nguyệt hình vầng trăng non ôm lấy một phần khu mộ vua (Bửu thành). Bửu thành là một quả đồi thông hình tròn, bao quanh bởi tường thành, bên trong, sâu bên dưới là mộ vua. Ở chính giữa hồ Tân Nguyệt có một cây cầu mang tên Trung Đạo kiều, nối Minh Lâu với Bửu thành và đường dạo quanh lăng. Phía sau Bửu thành là rừng thông xanh thẳm, đem lại một cảm giác u tịch. Trên mặt cắt kiến trúc dọc theo đường thần đạo, các công trình cao thấp theo một nhịp điệu vần luật nhất quán, âm dương xen kẽ, tạo nên nét đẹp riêng cho công trình kiến trúc lăng tẩm này. Bố cục kiến trúc đăng đối của các hạng mục chính trong lăng đem lại cho lăng một vẻ uy nghiêm cần có của công trình lăng mộ. Tuy vậy, ở ngoài rìa, men theo con đường dạo quanh co vòng quanh hai hồ nước và viền xung quanh lăng, xen lẫn với cây cối có các công trình kiến trúc nhỏ dùng để nghỉ chân ngắm cảnh như: đình Điếu Ngư, gác Nghênh Phong, hiên Tuần Lộc, sở Quan Lan, Tạ Hư Hoài… làm cho toàn bộ quần thể lăng uy nghiêm nhưng vẫn hài hòa với thiên nhiên và duyên dáng tráng lệ.

lang-minh-mang-2
Ảnh – takepic

Trong khoảng diện tích được giới hạn bởi vòng La thành dài 1.750 m là một quần thể kiến trúc gồm cung điện, lâu đài, đình tạ được bố trí đăng đối trên một trục dọc theo đường Thần đạo dài 700 m, bắt đầu từ Đại Hồng Môn đến chân La thành sau mộ vua. Hình thể lăng tựa dáng một người nằm nghỉ trong tư thế thoải mái, đầu gối lên núi Kim Phụng, chân duỗi ra ngã ba sông ở trước mặt, hai nửa hồ Trừng Minh như đôi cánh tay buông xuôi tự nhiên.

Lăng Khải Định
lang-khai-dinh-1
Ảnh – tyart.vn

Lăng khởi công ngày 4 tháng 9 năm 1920 và kéo dài suốt 11 năm mới hoàn tất. Tham gia xây dựng lăng có rất nhiều thợ nghề và nghệ nhân nổi tiếng khắp cả nước như Phan Văn Tánh, Nguyễn Văn Khả, Ký Duyệt, Cửu Sừng… So với lăng của các vua tiền nhiệm, lăng Khải Định có diện tích khiêm tốn hơn nhiều, với kích thước 117 m × 48,5 m nhưng ngược lại cực kỳ công phu và tốn nhiều thời gian. Để xây lăng, Khải Định cho người sang Pháp mua sắt, thép, xi măng, ngói Ardoise…, cho thuyền sang Trung Hoa, Nhật Bản mua đồ sứ, thủy tinh màu… để kiến thiết công trình.

lang-khai-dinh-2
Lăng Khải Định (Ảnh – Linda DV)

Về kiến trúc lăng Khải Định được người đời sau thường đặt ra ngoài dòng kiến trúc truyền thống thời Nguyễn bởi cái mới, cái lạ, cái độc đáo, cái ngông nghênh, lạc lõng… tạo ra từ phong cách kiến trúc. Về tổng thể, lăng là một khối hình chữ nhật vươn lên cao có 127 bậc cấp. Sự xâm nhập của nhiều trường phái kiến trúc như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique… đã để lại dấu ấn trên những công trình cụ thể:

  • Những trụ cổng hình tháp ảnh hưởng từ kiến trúc Ấn Độ;
  • Trụ biểu dạng stoupa của Phật giáo;
  • Hàng rào như những cây thánh giá khẳng khiu;
  • Nhà bia với những hàng cột bát giác và vòm cửa theo lối Roman biến thể…

Điều này là kết quả của hai yếu tố: sự giao thoa văn hóa Đông – Tây trong buổi giao thời của lịch sử và cá tính của Khải Định.

Nhà vườn Huế

nha-vuon-hue
Một góc nhà vườn Huế (Ảnh – Phạm Đức Đạt)

Huế không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên mơ mộng hữu tình mà còn đặc biệt hấp dẫn với chiều sâu của vẻ đẹp văn hóa tinh thần kết đọng nhuần nhị nơi mỗi nét kiến trúc. Cùng với các lăng tẩm trầm mặc. Hoàng thành cổ kính, những ngôi nhà vườn êm ả thanh bình ở đây làm nên “thành phố nhà vườn” Huế.

Được xây theo luật “dịch lý” và “phong thủy”, nhà vườn Huế là tập hợp của một hệ thống kiến trúc sắp xếp theo chiều Bắc-Nam. Tuy rộng hẹp khác nhau, nhưng nhà nào cũng có kiến trúc tổng thể giống nhau, bao gồm: cổng, ngõ, bình phong, hòn non bộ, bể cạn, sân, nhà. Cổng thường xuyên xây bằng gạch, lối vào ngõ thường được trồng những hàng râm bụt hoặc chè tàu cắt xén cẩn thận. Bình phong cũng thường xây bằng gạch. Sau bình phong là bể cạn có hòn non bộ, một mảnh sân rộng rồi mới đến nhà. Xung quanh nhà trồng rất nhiều cây, hoa quanh năm tươi tốt.

Trong khu nhà vườn ấy, không thể không nói tới ngôi nhà rường cổ. Nhà rường thường được làm bằng gỗ, chúng được cầu hỳ hóa bằng nhiều nét văn hoa chạm trổ, trong liên kết của kết cấu nhà, thay cho đóng đinh là kỹ thuật mộng tinh xảo. Nhà rường có nhiều dạng: một gian hai chái, ba gian hai chái, năm gian hai chái, nhà rường lầu… rường là cách nói ngắn gọn của rường cột, nhà có hệ thống cột kèo gỗ được dựng lên theo những quy cách nhất định. Dù lớn đến đâu, nhà rường cũng được kết cấu hoàn toàn bằng chốt, mộng gỗ để có thể lắp ráp và tháo dỡ dễ dàng. Trong nhà bày sập gụ, tủ chè, treo hoành phi, câu đối, đồ đạc được bài trí hài hòa hợp lý, tạo cho nhà rường cái thần thái riêng biệt.

Nhìn cảnh quan một nhà vườn Huế, người ta dễ dàng nhận ra được tâm hồn và phong cách sống của chủ nhân. Nhà vườn Huế thể hiện sự hòa hợp giữa đời sống con người và cây cỏ, giữa nếp sống tinh thần và vật chất, tất cả đều bổ sung cho nhau, để tạo nên sự cân bằng trong cuộc sống.

Chùa Thiên Mụ

chua-thien-mu
Chùa Thiên Mụ (Ảnh – Wikipedia)

Chùa Thiên Mụ hay còn gọi là chùa Linh Mụ là một ngôi chùa cổ nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế (Việt Nam) khoảng 5 km về phía tây. Chùa Thiên Mụ chính thức khởi lập năm Tân Sửu (1601), đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng -vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong.

thap-phuoc-duyen
Tháp Phước Duyên (Ảnh – Wikipedia)

Truyền thuyết kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa kiêm trấn thủ Quảng Nam, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê.

Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”. Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn.

Tư tưởng lớn của chúa Nguyễn Hoàng dường như cùng bắt nhịp được với ý nguyện của dân chúng. Nguyễn Hoàng cả mừng, vào năm 1601 đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là “Thiên Mụ”.

Xem thêm bài viết : Hệ thống các chùa tại Huế

Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế

bao-tang-my-thuat-cung-dinh-hue
Bảo tàng còn có tên gọi là Điện Long An (Ảnh – Wikipedia)

Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế là một viện bảo tàng tại số 3, Lê Trực, Tp Huế. Tòa nhà chính của viện bảo tàng bằng gỗ, có 128 cây cột gỗ quý, trên các cột có hình chạm khắc tứ linh: long – li – quy – phụng và hơn 1000 bài thơ bằng chữ Hán. Tòa nhà này chính là điện Long An xây năm 1845 dưới thời vua Hiến tổ nhà Nguyễn, niên hiệu là Thiệu Trị. Hiện bảo tàng trưng bày hơn 300 hiện vật bằng vàng, sành, sứ, pháp lam Huế, ngự y và ngự dụng, trang phục của hoàng thất nhà Nguyễn, cho khách tham quan một cái nhìn tổng thể về cuộc sống cung đình Huế.

Sông Hương

song-huong
Chiều trên Sông Hương (Ảnh – HQN)

Sông Hương có hai ngọn nguồn. Nguồn Tả Trạch xuất phát từ dãy núi Trường Sơn chảy về hướng Tây Bắc qua 55 ngọn thác hùng vĩ, nguồn Hữu Trạch ngắn hơn sau khi vượt 14 ngọn thác hiểm trở và đến ngã ba Bằng Lãng (ngã ba Tuần) hợp dòng với Tả Trạch thành sông Hương thơ mộng. Sông Hương dài 30 km (nếu chỉ kể từ Bằng Lãng đến cửa Thuận An), độ dốc của dòng nước so với mặt biển không chênh lệch nhiều nên nước sông chảy chậm. Sắc nước sông Hương trở nên xanh hơn khi vượt qua chân núi Ngọc Trản – điện Hòn Chén, tạo nên một lòng vực sâu thẳm.

thuyen-rong-tren-song-huong
Thuyền Rồng trên sông Hương (Ảnh – [ 117 Imagery ])

Sông Hương đẹp từ nguồn, uốn lượn quanh co giữa núi rừng trùng điệp, đồi cây, mang theo những mùi vị hương thơm của thảo mộc rừng nhiệt đới. Dòng sông chầm chậm lướt qua các làng mạc xanh tươi, rợp bóng cây của Kim Long, Nguyệt Biều, Vĩ Dạ, Ðông Ba, Gia Hội, Chợ Dinh, Nam Phổ, Bao Vinh, quyện theo mùi thơm của các loài hoa xứ Huế. Dòng sông xanh trong vắt lung linh như ngọc bích dưới ánh mặt trời, những con thuyền Huế xuôi ngược, dọc ngang với điệu hò man mác, trầm tư, sâu lắng giữa đêm khuya. Ði chơi bằng thuyền để được ngắm cảnh Hương giang thơ mộng, nghe những điệu hò, dân ca xứ Huế lúc trời đêm thanh vắng là thú vui muôn thuở của bao lớp du khách….

Núi Ngự Bình

nui-ngu-binh
Núi Ngự (Ảnh – Wikipedia)

Núi Ngự Bình (còn gọi là Bằng Sơn) cao 105 m, dáng cân đối uy nghi. Hai bên Bằng Sơn có hai ngọn núi nhỏ chầu vào gọi là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn. Vương triều Nguyễn khi xây dựng kinh thành Huế đã chọn núi này làm tiền án của hệ thống phòng thành đồ sộ, kiên cố và đổi tên cho ngọn núi này là Ngự Bình.

Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình là quà tặng vô giá thứ hai của tạo hoá, quyện vào nhau tạo nên vẻ đẹp sơn thuỷ hữu tình của Huế. Từ lâu, ngọn núi xinh đẹp này cùng với sông Hương trong xanh đã trở thành biểu tượng của thiên nhiên Huế. Người ta quen gọi Huế là xứ sở của sông Hương – núi Ngự, miền Hương Ngự.

Đồi Thiên An – hồ Thủy Tiên

doi-thien-an
Đường lên đồi Thiên An (Ảnh – Zet168)

Thiên An là địa danh gồm nhiều ngọn đồi trồng thông phía Tây Nam thành phố Huế, gần lăng vua Khải Ðịnh. Trên đỉnh đồi có Tu viện Thiên An, chung quanh khu vực đồi có hồ Thủy Tiên và khu lăng mộ cổ Ba Vành, còn in dấu vết một nghi án xưa. Khung cảnh bình yên, không gian trong lành, Thiên An và Thủy Tiên là nơi nghỉ dưỡng cuối tuần khá thú vị. Hiện nay khu vực này là trung tâm vui chơi giải trí của Thừa Thiên Huế.

Đồi Vọng Cảnh

doi-vong-canh
Từ trên đồi Vọng Cảnh (Ảnh – huyco)

Đồi Vọng Cảnh là một ngọn đồi cao 43m ở phía Tây Nam thành phố Huế, chân đồi tiếp giáp bờ sông Hương. Nó tọa lạc giữa vùng lăng tẩm của các vua chúa nhà Nguyễn và đối diện với điện Hòn Chén được thiết lập từ thời xa xưa ở phái đối ngạn. Ở quanh quất cách đồi Vọng Cảnh khoảng năm bảy trăm mét là lăng Đồng Khánh, lăng Tự Đức, lăng Thiệu Trị, lăng Hiếu Đông (vợ vua Minh Mạng), lăng Xương Thọ (của bà Từ Dũ, vợ vua Thiệu Trị), lăng bà Thánh Cung (vợ vua Đồng Khánh), lăng bà Từ Cung (vợ vua Khải Định), lăng Hoàng tử Cảnh (con vua Gia Long), v.v…

Đứng trên đồi Vọng Cảnh, người ta có được một cái nhìn bao quát đối với nhiều di tích cổ kính và những cảnh đẹp tuyệt vời ở một không gian thiên nhiên rộng lớn chung quanh, đặc biệt nhất là vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của sông Hương. Ngọn đồi nằm giữa một khúc uốn mềm mại, dịu dàng và hấp dẫn nhất của dòng sông nổi tiếng đa tình và gợi cảm này. Đây là nơi sông núi xích lại gần nhau để tạo ra một không gian sơn kỳ thủy tú. Ý nghĩa của địa danh Vọng Cảnh là như vậy.

Điện Hòn chén

dien-hon-chen
Điện Hòn Chén (Ảnh – miahkdtt)

Núi Ngọc Trản xưa có tên là Hương Uyển Sơn, sau mới đổi tên là Ngọc Trản (có nghĩa là chén ngọc), dân gian vẫn quen gọi là Hòn Chén vì nó ngay ngắn tròn trĩnh như hình chén úp. Cũng vì vậy, người ta quen gọi ngôi điện thờ Thánh mẫu tọa lạc giữa lưng chừng núi là điện Hòn Chén – thuộc địa bàn làng Hải Cát, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà.

Điện Hòn Chén là một cụm di tích gồm khoảng 10 công trình kiến trúc to nhỏ khác nhau đều nằm lưng chừng sườn núi Ngọc Trản, hướng mặt ra sông Hương, ẩn mình dưới những tàng cây cao bóng cả. Mặt bằng của toàn bộ cụm di tích này không lớn lắm, công trình kiến trúc chính là Minh Kính Đài tọa lạc ở giữa; bên phải là nhà Quan Cư, Trinh Cát Viện, Chùa Thánh; bên trái là dinh Ngũ Hành, bàn thờ các quan, động thờ ông Hổ, am Ngoại Cảnh. Sát mép bờ sông còn có am Thủy Phủ. Ngoài ra, trong phạm vi ấy còn có nhiều bệ thờ, nhiều am nhỏ nằm rải rác đó đây.

Điện Hòn Chén không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là một thắng cảnh, một điểm tham quan văn hóa độc đáo thu hút hàng ngàn khách tham quan, nhất là vào dịp lễ hội tháng 3 và tháng 7 Âm lịch hàng năm.

Hồ Tịnh Tâm

ho-tinh-tam
Hoa Xoan bên Hồ Tịnh Tâm (Ảnh – Lê Nhật Quang)

Hồ Tịnh Tâm là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của đất Kinh thành, nay thuộc địa phận phường Thuận Thành, Thành phố Huế. Nguyên xưa, hồ là một đoạn sông Kim Long được cải tạo lại, tên ban đầu là ao Ký Tế. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triều Nguyễn đã huy động tới 8000 binh lính tham gia vào việc cải tạo hồ, biến nó trở thành một Ngự Uyển của Hoàng gia. Sau khi hoàn thành, hồ mang tên mới là Tịnh Tâm.

Hồ Tịnh Tâm có bình diện hình chữ nhật, chu vi gần 1500m (354 trượng 6 thước). Trên hồ có ba hòn đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Đảo Bồng Lai, ở phía nam hồ, chính giữa có điện Bồng Doanh, 3 gian 2 chái, mái trùng diêm, lợp ngói Hoàng lưu li. Điện xây mặt về hướng nam, có lan can gạch bao quanh, phía trước lại có cửa Bồng Doanh, rồi cầu Bồng Doanh nối đảo với bờ hồ phía nam. Phía đông điện Bồng Doanh có nhà Thủy tạ Thanh Tâm, quay mặt về hướng đông. Phía tây điện có lầu Trừng Luyện, quay mặt về hướng tây. Phía bắc là cửa Hồng Cừ và một chiếc cầu cùng tên.

Trên đảo Phương Trượng, chính giữa có gác Nam Huân, quay mặt về hướng nam, 2 tầng, mái lợp ngói hoàng lưu li. Phía nam có cửa Bích Tảo và cầu Bích Tảo. Phía bắc đảo có lầu Tịnh Tâm, xây mặt hướng bắc. Phía đông có nhà Hạo Nhiên (từ năm 1848 đổi thành Thiên Nhiên), quay mặt về hướng đông. Phía tây có hiên Dưỡng Tính quay mặt về hướng tây. Giữa hai đảo có đình Tứ Đạt nằm giữa một hệ thống hành lang mái lợp ngói gồm 44 gian, chạy nối vào cầu Bích Tảo ở phía nam và cầu Hồng Cừ ở phía bắc.

Giữa hồ Tịnh tâm có đê Kim Oanh nối liền từ bờ đông qua bờ tây. Phía đông đê có cầu Lục Liễu, 3 gian, mái lợp ngói. Phía nam, đê gắn với một hành lang dài 56 gian, ở giữa là cầu Bạch Tần. Phía nam cầu có nhà tạ Thanh Tước để thuyền vua ngự. ở đoạn cuối phía tây của hành lang lại có nhà Khúc Tạ, thông với một nhà tạ khác, là Khúc Tạ Hà Phong qua một hành lang nhỏ dựng trên mặt nước. Phía nam nhà tạ này là đảo Doanh Châu.

Trên các góc của đảo Bồng Lai, Phương Trượng đều có xếp đá tạo các giả sơn. Riêng đảo Doanh Châu được tạo dáng như một hòn non bộ lớn nổi trên mặt hồ. Khắp nơi chung quanh đảo Bồng lai, Phương Trượng, đê Kim Oanh và dọc bờ hồ đều trồng các loại liễu trúc và các thứ hoa cỏ lạ. Dưới hồ chỉ trồng duy nhất loại sen trắng.

Hồ Tịnh Tâm được ngăn cách với bên ngoài bằng một vòng tường gạch xây khá cao. Ở bốn mặt trổ bốn cửa: Hạ Huân ở phía nam, Đông Hy ở phía bắc, Xuân Quang ở phía đông và Thu Nguyệt ở phía tây…

ho-tinh-tam-2
Ảnh – AgelsGold

Với kiểu kiến trúc cầu kỳ, nhưng hết sức hài hòa với tự nhiên, hồ Tịnh Tâm được xem là một thành tựu tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc cảnh quan Việt Nam thế kỷ XIX. Cảnh đẹp của hồ đã tạo nguồn thi hứng và trở thành đề tài cho nhiều bài thơ, chùm thơ nổi tiếng của các vua Nguyễn như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… Nổi bật hơn cả vẫn là bài Tịnh Hồ Hạ Hứng, nằm trong chùm thơ ca ngợi 20 cảnh đẹp đất Thần Kinh của vua Thiệu Trị. Đương thời, bài thơ này cùng với phong cảnh hồ Tịnh Tâm được vẽ vào tranh gương để treo ở các cung điện.

Từ cuối thế kỷ XIX, do thiếu điều kiện chăm sóc, các kiến trúc ở khu vực hồ Tịnh Tâm bị hư hỏng dần hoặc bị triệt giải. Năm 1946, vòng tường gạch bao quanh hồ bị phá để xây dựng một vòng tường thấp hơn. Năm 1960, trên nền điện Bồng Doanh cũ có dựng một ngôi đình bát giác nhỏ để kỷ niệm. Trong lần tu bổ này một cây cầu bê tông đã được xây dựng để nối đảo Bồng Lai với đê Kim Oanh…

Bãi biển Thuận An

bien-thuan-an-2
Biển Thuận An (Ảnh – Kelvin Nguyen)

Bãi biển Thuận An nằm bên cạnh cửa biển Thuận An cách thành phố Huế 15km về phía Đông, nơi dòng sông Hương đổ ra phá Tam Giang rồi thông ra biển. Thuận An là địa điểm thu hút rất đông người dân xứ Huế về hóng mát và tắm biển vào dịp hè. Thời kỳ tấp nập nhất ở đây thường kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 lúc tiết trời nóng bức nhất. Du khách về Thuận An có thể đến tham quan miếu Thái Dương ở gần đó với sự tích nữ thần Thái Dương được dân làng hết sức sùng bái, hoặc thăm miếu Âm Linh thờ thần cá voi, con vật linh thiêng của dân miền biển.

Bãi biển Cảnh Dương

bien-canh-duong
Biển Cảnh Dương (Ảnh – huyco)

Cảnh Dương là một trong những bãi biển đẹp ở Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế chừng 60 km về phía Nam. Bãi biển Cảnh Dương dài 8 km, rộng 200 m, hình vòng cung, nằm giữa mũi chân Mây Tây và chân Mây Ðông, bờ biển có độ dốc thoai thoải, cát trắng mịn, nước biển trong xanh và tương đối kín gió rất thuận lợi cho việc tổ chức các loại hình du lịch và thể thao.

Lăng Cô và đầm Lập An

bai-bien-lang-co
Bãi biển Lăng Cô (Ảnh – Cam Ly Dinh)

Bãi tắm Lăng Cô dài khoảng 8km, nằm dọc Quốc lộ 1A, cạnh đèo Hải Vân và cách Vườn Quốc gia Bạch Mã 24km. Ðây là một bãi tắm có bờ biển thoải, cát trắng, sóng vừa và lớn, thủy triều lên xuống theo chế độ bán nhật triều với mức chênh lệch thấp (chỉ khoảng 0,7-0,8m), rất thích hợp cho loại hình du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng, lặn biển, và đã được xác định là một khu nghỉ mát lý tưởng từ mấy chục năm nay. Nằm liền kề bãi tắm Lăng Cô là núi Hải Vân – Hải Vân Quan một thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam. Dọc theo chân núi Hải Vân, biển Lăng Cô có dải san hô, tôm hùm và nhiều loại hải sản có giá trị cao. Trong khu vực đó còn có hòn Sơn Chà (đảo nhỏ), tại đây còn bảo tồn nhiều loại động, thực vật hoang dã.

lap-an
Chiều trên đầm Lập An (Ảnh- huyco)

Phía sau bãi tắm là đầm Lập An và dãy núi Bạch Mã. Tất cả những yếu tố đó mang lại cho Lăng Cô tiềm năng to lớn về phát triển nhiều loại hình dịch vụ du lịch: nghỉ mát, lặn biển, tìm hiểu hệ động – thực vật hoang dã, nuôi trồng thủy sản…

Hải Vân Quan

deo-hai-van
Đèo Hải Vân (Ảnh – Nguyen Minh Son)

Ngày xưa, Hải Vân Quan là một vị trí chiến lược xung yếu của Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế về quân sự cũng như giao thông bằng đường bộ, đó là cửa ngỏ phía nam của vùng đất này. Hải Vân Quan nằm ở đỉnh đèo vắt qua một rặng núi đâm ngang ra biển từ dãy Trường Sơn. Đỉnh đèo Hải Vân ở độ cao 496m so với mực nước biển; cách Huế 77,3km về phía Nam và cách Đà Nẵng 28,7km về phía bắc.

hai-van-quan
Hải Vân Quan (Ảnh – Nguyen Phu Duc)

Trong “Dư địa chí” đầu tiên của nước ta do Nguyễn Trãi biên soạn vào năm 1435, tác giả đã nói đến địa danh “Ai Vân”, như là một yếu điểm trên con đường từ Thuận Hóa đi vào Quảng Nam. Và hiện nay, cùng với Lăng Cô – Bạch Mã – Cảnh Dương, Hải Vân Quan là một điểm đang thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan thưởng ngoạn cảnh đẹp hùng vĩ của núi rừng và biển.

Núi Bạch Mã

nui-bach-ma
Hoàng hôn trên đỉnh Bạch Mã (Ảnh Trần Minh Tâm)

Núi Bạch Mã cách Huế 60km về phía Nam, ở độ cao 1.450m, là nơi nghỉ mát nổi tiếng ở Việt Nam. Trên đỉnh núi hùng vỹ 4 mùa xanh tươi với thác nước, suối rừng, là cả một vùng khí hậu ôn đới như ở SaPa, Tam Ðảo, Ðà Lạt… Núi Bạch Mã còn là nơi quy tụ nhiều loại động vật và thực vật quý hiếm ở miền nhiệt đới.

thac-do-quyen
Ảnh – Artuan.com

Núi Bạch Mã nổi tiếng bởi có những con suối và nhiều ngọn thác ngoạn mục. Thác Ðỗ Quyên cao 400m, rộng 20m, nhữngngày hè, hai bên bờ thác, hoa Ðỗ Quyên nở rộ như hai thảm lụa hoa khổng lồ. Ở trung tâm khu nghỉ mát có ngọn thác Bạc cao 10m, rộng 40m như một bức rèm trắng muốt đung đưa trước gió.

Ðứng trên đỉnh núi Bạch Mã bạn có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh lộng lẫy của đèo Hải Vân, núi Túy Vân, đầm Cầu Hai và ánh điện lung linh của thành phố Huế vào ban đêm.

Sông An Cựu

An Cựu là tên một con sông nhỏ, chi lưu của sông Hương, ở phía Nam kinh thành Huế. Sông có nhiều tên gọi như Lợi Nông, Phủ Cam, Đại Giang, Hà Tự, Cống Quan, tên phổ biến ở Huế là sông An Cựu. Toàn bộ dòng sông dài khoảng 30km, bắt đầu lấy nước sông Hương từ đoạn cuối cồn Dã Viên, chảy qua địa phận Thành phố Huế, huyện Hương Thủy rồi đổ vào phá Hà Trung. Từ khi các chúa Nguyễn chọn Kim Long, rồi Phú Xuân là thủ phủ của Đàng Trong, 2 bên bờ sông An Cựu đã là nơi tập trung dinh thự, nhà vườn của các quan lại, quý tộc. Tuy nhiên lúc này sông còn nhỏ, nhiều đoạn cạn hẹp. Năm Gia Long 13 (1814), sau khi khảo sát tình hình và hỏi ý kiến các vị bô lão ở xã Thanh Thủy, nhà vua đã cho khơi đào thêm sông An Cựu và cho đắp đập Thần Phủ ở phía dưới để lấy nước tưới tiêu, rửa mặn cho hành vạn mẫu ruộng ở khu vực này. Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), sông An Cựu được đổi tên thành sông Lợi Nông. Bia đá khắc tên này vẫn còn. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835) khi đúc Cửu Đỉnh, hình ảnh và tên sông đã được khắc vào Chương Đỉnh.

Thác Đá Dăm

Đá Dăm là một ngọn thác nhỏ ở Dương Hòa, thị xã Hương Thủy. Bạn có thể tổ chức cùng gia đình, bạn bè đến đây vui chơi, tắm mát vào những ngày nghỉ. Từ trung tâm TP Huế, có hai đường đến thác: một là men theo đường qua công trình hồ Tả Trạch; hai là đi theo hướng cầu Tuần, qua bến đò Tân Ba.

Xuất phát theo hướng cầu Tuần, chúng ta sẽ dễ dàng mua được thức ăn tươi hoặc một số nông sản địa phương ở chợ quê. Gặp mùa thanh trà, đừng quên ghé vào một số vườn cây bên đường, vừa thưởng ngoạn phong cảnh, vừa mua đặc sản này mang theo giải khát.

Đường đến thác khá hoang sơ nên rất thích hợp với những người thích phiêu lưu bằng xe máy, đặc biệt là các bạn trẻ. Muốn chinh phục độ cao, đón dòng nước đầu nguồn, hãy chuẩn bị thật kỹ để không bị trượt chân khi men theo những vách đá dựng đứng; bạn cũng có thể thỏa sức vui đùa ở hồ nước mát lạnh bên dưới thác. Ai lãng mạn thì đi hái hoa rừng, tìm sim chín… Trên đường vào thác có một căn nhà nhỏ của Kiểm lâm Hương Thủy. Các anh nhân viên sẽ là những “thổ địa” cung cấp nhiều thông tin bổ ích về con người, sinh vật khu vực này. Nếu gặp khó khăn trong việc đi lại, tìm kiếm nước uống… đừng ngần ngại mở lời xin giúp đỡ.

Suối khoáng Thanh Tân

Nước khoáng Thanh Tân nằm sâu hàng nghìn mét dưới lòng đất, chứa Calcium Sunfat và Silicium… rất tốt cho cơ thể. Vì thế, đây là điểm đến thích hợp với nhiều du khách trong tiết trời se se lạnh, giao mùa.

Được phát hiện năm 1928 bởi các nhà khoa học Pháp, suối khoáng Thanh Tân nhanh chóng được nghiên cứu, ứng dụng làm nước giải khát phục hồi sức khỏe con người. Năm 1983, nguồn nước này được Bộ Y tế cho phép khai thác làm nước uống đóng chai. Tuy nhiên, đến cuối năm 2000, khu du lịch suối nước khoáng Thanh Tân mới trở nên thông dụng và được nhiều người biết tới. Khu du lịch suối khoáng Thanh Tân xây dựng trên diện tích 50 ha. Bên cạnh những dãy núi cao ngất là những quả đồi được tạo hóa sắp xếp liền kề. Màu xanh của núi rừng, cây cỏ đã tạo cho khách cảm giác thư thái, dễ chịu ngay từ phút đầu tiên.

Khu du lịch nước khoáng Thanh Tân còn có một sân chơi rộng rãi để đốt lửa trại hoặc tổ chức văn nghệ vào những buổi dã ngoại ban đêm. Sau nhiều giờ ngâm tắm, bụng đói cồn cào, bạn sẽ ngon miệng hơn với đĩa cá rô nuôi bằng nước khoáng, chiên ròn thơm phức trong những lều tranh xinh xắn bên hồ sen ngát hương.

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã

thien-vien-truc-lam-bach-ma-3
Là một trong những Thiền Viện có vị trí khá đẹp (Ảnh – Trung Dang)

Thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Trúc Lâm Bạch Mã là ngôi thiền viện đầu tiên tại miền Trung, tọa lạc tại núi Bạch Mã, khu vực hồ Truồi, xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ở độ cao 1450m, nhiệt độ thường từ 19-21 oC, Bạch Mã được xem là một trong những vùng khí hậu lý tưởng. Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã hiện lên giữa lòng Hồ Truồi như một đóa hoa, gối đầu vào núi rừng Bạch Mã trải dài hút mắt.

thien-vien-truc-lam-bach-ma-1
Ảnh – Nguyen Thanh Khiem

Từ thành phố Huế xuôi về Nam khoảng 30 km, đến địa phận xứ Truồi, đi vào Đập Truồi, vượt hết dốc thoải bên lưng đồi, một bức tranh thủy mặc sinh động hiện ra. Bên kia bờ nước, dưới chân ngọn linh sơn, những tổ đường, chính điện, tăng đường, trai đường, phương trượng, lầu chuông, tháp xá lợi soi bóng xuống gương nước hồ Truồi, xa xa là những vờn mây quyện quanh những đỉnh núi đã tạo nên một không gian hư ảo, thanh tịnh và yên bình.

thien-vien-truc-lam-bach-ma-2
Ảnh – Robin Liao

Vượt qua lòng hồ Truồi mênh mang sóng nước, độ chừng mươi chục phút, bằng những con suồng nhỏ, sẽ đến thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã. Bước lên khỏi 172 bậc tam cấp là tam quan của Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã. Được xây dựng hài hoà trong một chỉnh thể của kiển trúc Phật giáo và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Trúc Lâm Bạch Mã cũng có chính điện thờ Phật tổ đang ngồi tu niệm dưới gốc cây bồ đề, phía sau chính điện là khu vực tổ đường thờ tổ sư Đạt ma của thiền phái Trúc Lâm.

Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã là một quần thể danh lam giữa vùng sơn thủy hữu tình đã trở thành địa chỉ tham quan cho du khách thập phương khi đến với vùng đất cô đô Huế.

Phá Tam Giang

pha-tam-giang-1
Phá Tam Giang (Ảnh – Nhat Dung)

Tam Giang là hợp lưu của ba con sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương trước khi đổ vào biển Đông. Vì thế phá Tam Giang mang tính “biểu tượng” về môi trường sinh thái của Thừa Thiên – Huế xưa và nay. Không một du khách nào đến đây, lại bỏ qua địa danh nổi tiếng này.

pha-tam-giang-2
Ảnh – Meogia

Đây là vùng đất ngập mặn lớn nhất Đông Nam Á, mặt nước rộng 248,7 km2, khơi đầu từ cửa sông Ô Lâu ở phía bắc đến cửa sông Hương ở phía nam. Đầm phá bao đời nay có rất nhiều động vật thủy sinh, nhiều nhất ở các cửa biển Thuận An, cửa sông Ô Lâu, sông Bồ, đầm Thủy Tú. Cầu Hai, Hiện nay đã xác định được 163 loài cá, nhiều loài quý hiếm như cá vược, cá chình. Tùy theo mùa, còn một số loài cá di cư vào đầm phá để sinh sản như cá mòi, cá cơm biển… Ngược lại, cá đối, cá mú, cá dìa sống trong đầm phá lại di cư ra biển để đẻ trứng. Quanh năm, ngư dân đánh bắt được trên đầm phá khoảng 23 loài cá có giá trị kinh tế cao là cá dầy, cá dìa, cá bống thệ, cá hanh, cá hồng, cá căn…

pha-tam-giang-3
Ảnh – hachi8

Bề mặt đầm phá có thảm thực vật tự nhiên nên các loài chim nước tụ tập về đây, tạo thành các sân chim lớn tại cửa sông Ô Lâu, cửa sông Đại Giang và đầm Sam. Qua theo dõi, đã phát hiện được 34 loài chim di cư, 36 loài chim định cư, đặc biệt có 21 loài chim thuộc danh mục bảo vệ nghiêm ngặt của cộng đồng Châu Âu và một loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Đồng thời, ông Trời dường như muốn bù đắp cho ngư dân đầm phá những thiệt hại trong mùa bão lũ, nên hằng năm cứ đến cuối tháng 11, đầm phá lại vào mùa cá giống ngoài biển di cư vào. Lý do là đầm phá vốn có một loài rong tảo quý hiếm không nơi nào có được, người địa phương gọi tên nó là rong hẹ hoặc rong cỏ kiệu. Đây là món ăn ưa thích và cũng là nơi sinh trưởng lý tưởng của ba loài cá đặc sản: cá mú, cá hồng và cá nâu. Tại các khu vực đầm phá nước cạn như Cồn Tè, Cồn Sơn, Cồn Đờn có hàng hà đàn cá con ( cá mú, cá hồng, cá dìa) di cư từ biển Đông vào trú ngụ, ngư dân chỉ việc thả lưới ( gọi là đi dũi) bắt về bán cho các trại cá giống từ Quảng Ninh vào, Nha Trang- Khánh Hòa ra mua tại chỗ. Hết mỗi đợt không khí lạnh, từng đàn cá giống ấy bơi qua các doi cát, tìm vào các con lạch, người dân mặc sức vây lưới đánh bắt. Mỗi con cá giống chỉ bằng mút đũa giá 600 đồng/con. Về cuối năm, giá lên đến 2.500- 3.000 đồng/con.

Đầm phá đối diện với biển Đông trải dài hơn 68 km, chỉ ngăn cách với biển bởi một dãi cát hẹp, thông thương qua hai cửa biển Thuận An và Tư Hiền. Do đó nó có khả năng tự làm sạch môi trường nước và luôn được sóng gió biển Đông ùa vào bên trong, trở thành một “buồng phổi” lớn để điều hòa môi trường sinh thái cho toàn tỉnh Thừa Thiên Huế một cách tự nhiên và thường xuyên.

Ầm thực tại Huế

Được tiếng là thanh lịch, người Huế lại tỏ ra sành điệu trong ăn uống, không chỉ trong khâu chọn nguyên vật liệu mà còn cầu kỳ từ việc nêm nấu chế biến cho đến cách bày biện trang trí, cứ như mỗi món ăn được nâng lên hàng một tác phẩm nghệ thuật.

Có thể nói, người Huế đến với ẩm thực không theo cái nghĩa sinh học giản đơn, mà thưởng thức bằng cả khứu giác, thị giác và cả… thính giác. Nói như nhà văn Nguyễn Tuân lúc sinh thời, người Huế thích ăn bằng mắt. Nhưng dù huy động toàn bộ giác quan cho việc hấp thụ dinh dưỡng, người Huế cũng chỉ cốt “ăn lấy hương lấy hoa”, như họ thường tự nói về mình. Sự thanh thản ấy có thể nhận biết trên những chiếc bánh bèo nhỏ xíu như chực tan ngay đầu lưỡi, những lá bánh nậm mỏng tang cánh chuồn, tô bánh canh Nam Phổ bày biện như bức tranh nhiều màu sắc, chén chè bắp Cồn Hến mát lịm mà hương thơm theo vào tận giấc mơ… Những món ăn Huế dù là cao lương mỹ vị hay dân dã đơn sơ, đều làm cho ai đó một lần nếm qua phải xuýt xoa khen ngon đến mức “ngậm mà nghe”, để rồi lưu luyến mãi cái hương vị khó quên ấy. Dường như qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ, món ăn đã được thổi vào cái hồn và chút gì đó tâm linh của Huế.

Huế đặc biệt còn lưu giữ trên 1000 món ăn nấu theo lối Huế, có cả những món ăn ngự thiện của các vua triều Nguyễn. Bản thực đơn ngự thiện có trên vài chục món thuộc loại cao lương mỹ vị, được chuẩn bị và tổ chức rất công phu, tỷ mỷ, cầu kỳ. Các món ăn dân giã rất phổ biến trong quần chúng với bản thực đơn phong phú hàng trăm món được các bà nội trợ Huế chế biến khéo léo, thông minh với kỹ thuật nấu nướng giỏi giang, hương vị quyến rũ, màu sắc hấp dẫn, coi trọng phần chất hơn lượng; nghệ thuật bày biện các món ăn rất đẹp mắt, nghệ thuật thưởng thức tinh tế. Ngoài ra, nếu ai đã từng thưởng thức một bữa cơm chay Huế (các món ăn được chế biến từ các loại thực vật), chắc chắn sẽ không bao giờ quên được hương vị tinh khiết tuyệt vời của những món ăn Huế.

Xem thêm bài viết : Nét độc đáo Ẩm thực Huế

Lễ hội tại Huế

Thừa Thiên Huế là một vùng đất có truyền thống văn hóa, tuy không lâu đời như ở miền Bắc, nhưng cũng có hơn 700 năm lịch sử. Từ khi chúa Nguyễn đặt thủ phủ tại đây cho đến khi nhà Nguyễn cáo chung (1945), có thể nói Huế là nơi hội tụ những con người hoạt động văn hóa có tầm cỡ, là nơi gặp gỡ của các luồng tư tưởng Đông Tây kim cổ. Văn hóa Huế có truyền thống từ Bắc tràn vào, theo những lưu dân lập nghiệp trên vùng đất mới. Tại đây còn tồn tại dân tộc Chăm với nền văn hóa Ấn Độ. Và sau này văn hóa phương Tây cũng có cơ hội thâm nhập vào từ thời các chúa Nguyễn. Các lễ hội truyền thống được duy trì, phát triển cũng từ những nguồn văn hóa ấy.

Lễ hội các loại là một nhu cầu sinh hoạt văn hóa của con người Thừa Thiên Huế đã trở thành truyền thống. Nhìn tổng quát về lễ hội và sự tham gia lễ hội của cư dân vùng này, ta sẽ thấy lễ hội ở Thừa Thiên Huế tuy không phong phú như miền Bắc, nhưng cũng khá đa dạng, có hai loại lễ hội: lễ hội cung đình và lễ hội dân gian. Lễ hội cung đình phản ánh sinh hoạt lễ nghi của triều Nguyễn, phần lớn chỉ chú trọng về “lễ” hơn “hội”. Lễ hội dân gian gồm nhiều loại rất phong phú, có thể kể đến một số lễ hội tiêu biểu như sau: lễ hội Huệ Nam (điện Hòn Chén) hay còn gọi là lễ rước sắc nữ thần Thiên Y A Na theo tín ngưỡng của người Chămpa xưa, lễ hội tưởng niệm các vị khai sinh các ngành nghề truyền thống, lễ hội tưởng nhớ các vị khai canh thành lập làng. Trong những dịp tế lễ, nhiều sinh hoạt văn hóa bổ ích như đua thuyền, kéo co, đấu vật… còn được tổ chức và thu hút rất đông người xem.

Xem thêm bài viết : Các lễ hội tại Huế

Tìm trên Google

  • Kinh nghiệm du lịch Huế
  • Phượt Huế
  • Món ăn ngon tại Huế
  • Ẩm thực Huế
  • Đến Huế nên đi đâu
  • Thắng cảnh đẹp tại Huế
  • Xe open bus đến Huế

Quy định chung

  • Vui lòng chỉ để lại bình luận trên website bằng tài khoản Facebook cá nhân.
  • Đọc kỹ thông tin trong bài trước khi đặt câu hỏi, Cùng Phượt chỉ trả lời những nội dung chưa có trong bài.
  • Không quảng cáo, rao vặt trong bình luận khi chưa được sự cho phép từ Cùng Phượt.
  • Nghiêm cấm spam dưới mọi hình thức, tất cả các nick cố tình spam sẽ bị cấm bình luận, nội dung spam sẽ bị ẩn khỏi website.

KINH NGHIỆM ĐI PHƯỢT | KINH NGHIỆM DU LỊCH BỤI