Với dân phượt chuyên nghiệp, nếu như các địa điểm trong nước đã dần trở nên nhàm chán thì việc phượt ra nước ngoài bằng xe máy cũng mang lại nhiều điều thú vị.
“Xuất ngoại” giá rẻ
Thời gian gần đây, số lượng người đi “phượt” tăng lên nhanh chóng và thú chơi này không còn là độc quyền của một số người nữa. Những điểm đến lý tưởng trong nước như: Tây Bắc, đỉnh Phan Xi Păng, những nơi địa đầu Tổ quốc… không còn xa lạ gì với dân “phượt”.
Bởi thế, họ bắt đầu thử nghiệm những chuyến “phượt” ra nước ngoài để tìm cảm giác mới lạ, cũng như để mở rộng tầm mắt. Hiện nay, xu hướng “đi bụi” này đang rất được ưa chuộng trong giới trẻ. Nhưng thú chơi này khá tốn kém, cho nên nó cũng “kén” khách với những tiêu chí riêng biệt.
Không đủ khả năng tài chính với những địa điểm như châu Âu, Nam Mỹ hay Tây Tạng, nhiều bạn trẻ lựa chọn điểm đến là khu vực Đông Nam Á, nhất là những nước có biên giới giáp Việt Nam như Trung Quốc, Lào, Campuchia để thực hiện ước mơ “phượt” của mình. Kinh phí những chuyến đi như vậy khá rẻ, lại đúng chất “phượt” là đi bằng xe máy nên được nhiều người hưởng ứng.
Phạm Minh Toàn – một “phượt thủ” người Sài Gòn cho hay: “Gần như đặt chân hết đến các điểm ở trong nước, lại muốn thử thách sức mình hơn nữa. Thế nên, nhóm bọn em quyết định đợt này đi xe máy xuyên 3 nước Campuchia, Lào, Thái Lan với hành trình 9 ngày”.
“Bọn em biết sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng đó sẽ là chuyến đi nhớ đời. Hơn nữa, đây cũng là lộ trình hợp với tụi em vì dù đi tới 3 nước, tính cả tiền xăng xe, ăn ở, phí đi đường cũng chỉ mất khoảng 7 triệu đồng/người.” – Toàn cho biết thêm.
Phượt “vượt biên”: Không đơn giản
Đi phượt bằng xe máy ở trong nước đã cần chuẩn bị xe cộ rất cẩn thận, ra nước ngoài còn phải chuẩn bị kỹ hơn gấp nhiều lần. Đa số các thành viên phải tự sửa xe, vá lốp được. Vì “xuất ngoại”, ngay chuyện tìm quán sửa xe máy đã khó, tìm được rồi giải thích cho thợ là hỏng cái gì đã đủ khổ sở.
“Một thứ khá quan trọng khi đi xe máy sang các nước bạn là phải nắm rõ luật. Giả dụ như lịch trình của tụi em. Đi ở Lào, Cam thì đi bên phải. Sang Thái lại đi bên trái. Không hiểu luật, không đi đúng đường là tai nạn như chơi” – Minh Toàn chia sẻ.
Theo Bùi Đức Thịnh (một phượt thủ đã đi 2 chuyến bằng xe máy sang Lào và Campuchia: “Khó khăn lớn nhất khi ra nước ngoài là ngôn ngữ. Khách đi theo tua thường được ban tổ chức chuẩn bị. Thế nhưng, dân phượt “vượt biên” phải trang bị cho mình tất cả, từ các kỹ năng giao tiếp cho đến những kiến thức văn hóa phù hợp với người bản xứ”.
“Cách học ngắn gọn và hiệu quả nhất là học “ngoại ngữ bồi”. Kiểu học này giống như “học vẹt”, chủ yếu dùng để diễn đạt ý chứ không quan trọng ngữ pháp hay câu từ. Đối với những người thích đi nhiều nơi, việc trang bị ngoại ngữ là hết sức cần thiết” – Thịnh cho hay.
Một điểm khác biệt nữa là thực phẩm và thói quen ăn uống. Mỗi một nền văn hóa có xu hướng ẩm thực riêng. Việc thích ứng nhanh chóng với gu ăn uống ở nước bạn, không phải ai cũng có khả năng.
Do đó, để hạn chế việc phải nhịn đói khi ra nước ngoài, dân “phượt” phải chuẩn bị đồ ăn sao cho đủ dinh dưỡng mà không phải mang, vác lỉnh kỉnh. Ngoài ra, nguy cơ đối mặt với những nhóm tội phạm, hay những nguy hiểm dọc đường là nỗi lo thường trực của mỗi dân “phượt”.
Thêm vào đó, khi di chuyển ở một đất nước khác cả về con người và ngôn ngữ, điều đáng sợ nhưng dễ gặp phải của dân “đi bụi” là bị lạc đoàn. Dù phương tiện giao thông, liên lạc rất phát triển, nhưng không phải lúc nào công nghệ cũng phát huy tác dụng, nhất là ở những nơi hoang vu, hẻo lánh.
Khó khăn là vậy, nhưng trào lưu phượt “vượt biên” sang một số nước láng giềng vẫn có sức hút ghê gớm với những người thích khám phá. Để rồi, ai đã “mắc” vào là khó có thể dứt ra được.
Khánh An (trithucthoidai)
AUTODAILY.VN