Kinh Nghiệm Xin Visa Châu Âu Tự Túc (Pháp/Schengen) – Go Vinh Go

1247

kinh-nghiem-xin-visa-du-lich-chau-au-lithuania1-960x735

Visa Schengen đi Pháp là một trong những visa nhanh nhất tôi có.

Tổng thời gian xét duyệt và bổ sung hồ sơ chỉ gói gọn trong đúng 5 ngày, tính luôn cả ngày thứ bảy và chủ nhật.

Để tôi chia sẻ một tẹo kinh nghiệm về việc lấy visa đi châu Âu này cho mọi người nhé, không quá “đáng sợ” như visa đi Mỹ đâu ;).

I. Hồ Sơ Để Xin Visa Châu Âu (Schengen/Pháp):

Bạn cần những giấy tờ sau để xin visa:

1. Đơn xin Visa Schengen:

Khi log in vào trang tiếp nhận hồ sơ visa đi châu Âu/Pháp, bạn sẽ được huớng dẫn để điền form Schengen. Bạn có thể điền trực tiếp, hoặc in ra để viết tay. Link tại đây.

Xem thêm: Du Lịch Bụi Ai Cập Hồi Kí 1: Ai Cập và Cú Vỡ Mộng Đầu Tiên

Lưu ý:

Điền cẩn thận hết mức có thế.

– Trường hợp bạn không biết điền như thế nào, tôi có viết hướng dẫn cách điền form visa Schegen tại đây. Một khi bạn đã ấn nút confirm sau khi điền, bạn sẽ không thể quay ngược lại để sửa. Nếu bạn vẫn không biết điền như thế nào, bạn có thể đến sớm thật sớm, TLS sẽ có quầy hướng dẫn bạn điền. Lưu ý là chỉ có đúng một quầy để hướng dẫn, bạn sẽ phải chờ rất lâu nếu tới trễ.

– Trường hợp bạn điền rất kĩ càng, nhưng vẫn có chỗ sai, như tôi, đừng hoảng. Gọi thẳng lên TLS, trung tâm tiếp nhận hồ sơ đi Pháp Thuỵ Sĩ, tôi được hướng dẫn rằng, để sửa sai, bạn chỉ việc in ra một form Schengen mới, điền tay hoặc đánh máy. Tôi cẩn thận đến nỗi dán luôn cả hình vào cả tờ khai Schengen khai sai, và cả tờ khai Schengen vừa mới sửa. Mang cả hai form Schengen đến TLS và nhân viên sẽ update cho bạn. Thật ra họ sẽ dò coi cái nào đúng hơn và sẽ lấy tờ khai đó, trả lại bạn tờ lỗi.

– Trung tâm tiếp nhận hồ sơ đi Pháp không nằm tại Lãnh Sự Quán Pháp tại TP.HCM (27 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1) nữa. Bạn phải mang hồ sơ đến trung tâm tiếp nhận hồ sơ Schengen, đi Pháp và Thuỵ Sĩ tại TLS (Lô 08 Tầng 12A, Tòa nhà Vincom Đồng Khởi, 72 Lê Thánh Tôn và 45A Lý Tự Trọng, Phường Bến Nghé, Q.1)

2. 2 tấm hình passport, background trắng, kích thước 3.5cm x 4.5 cm:

Bạn chụp hình để dán vào form visa Schengen, cơ mà hình dán vào passport sẽ được chụp ngay sau khi đóng tiền nộp hồ sơ.

Thế nên chỉnh chu mặt mũi và áo quần một tẹo để có hình đẹp được dán trong visa, đừng như tôi mặt như mấy con zombie T_T.

3. Passport và Bản Photo Passport:

Để an tâm, bạn nên công chứng hết tất cả những giấy tờ photo.

4. Booking Chuyến Bay:

Bạn không cần thiết phải mua cả vé đâu, vì rủi ro rớt visa không phải không có. Lỡ bạn rớt visa mà vé đã lỡ mua thì không thể nào hoàn tiền lại được (trừ khi bạn mua của hạng thương gia trở lên).

Cách tốt nhất là bạn nên ra đại lý bán vé máy bay. Đại lý vé máy bay của Viet Nam Airlines cho tôi một tờ booking đến tận gần 1 tháng từ lúc tôi đi đặt lịch hẹn.

Và tất nhiên bạn phải có vé khứ hồi, hoặc bay qua một quốc gia khác.

5. Chứng Minh Tài Chính:

Nếu bạn là sinh viên, chứng minh tài chính khá đơn giản. Bạn cần:

  • Một bản chứng nhận gia đình (ba hoặc mẹ, hoặc cả hai) sẽ tài trợ cho bạn toàn bộ chuyến đi. Cái này bạn chỉ cần đánh máy và đưa cho nhà kí tên lên. Bạn lấy bản mẫu tại đây
  • Bản chứng thực gia đình bạn đủ tiền cho bạn đi. Gia đình bạn sẽ cần ra ngân hàng và xác minh tài khoản cho bạn. Ngân hàng sẽ làm cho bạn cái này. Sao kê tài khoản trong vòng ba tháng gần nhất, có dấu mộc của ngân hàng.
  • Giấy nhập học, hoặc bất cứ thứ gì liên quan đến việc chứng minh bạn là sinh viên, đang đi học.
  • Sổ tiết kiệm.
  • Chứng nhận ba mẹ bạn đang làm việc.

Nếu bạn là nhân viên, chứng minh tài chính cũng không quá khó. Bạn cần:

  • Sao kê tài khoản trong vòng ba tháng gần nhất, có dấu mộc của ngân hàng.
  • Sổ tiết kiệm.
  • Phiếu lương.

Tất cả những giấy tờ trên, để chắc ăn hơn, nên photo và công chứng tất cả.

6. Sổ Hộ Khẩu:

Trên trang chính thức của TLS, họ không đòi bản dịch cùa sổ hộ khẩu. Lên đó nhân viên TLS yêu cầu tôi nên có bản dịch.

Trường hợp bạn quên, bạn có thể ra bất cứ tiệm máy tính nào và tự dịch/đánh máy rồi in ra. Khá nhanh và đơn giản. Nhưng để an toàn, bạn cứ dịch và công chứng ở nhà.

7. Chứng Nhận Việc Làm:

  • Hợp đồng Lao Động, có đủ tên, địa chỉ, người thuê, thời gian làm việc, và tiền lương hàng tháng. Kí tên và đóng mộc. Đem thêm một bản copy để đối chứng.
  • Đơn xin nghỉ việc, khớp với thời gian cho chuyến đi châu Âu của bạn.
  • Sinh viên thì cần giấy chứng nhận sinh viên của trường.

8. Lịch Trình Chuyến Đi:

Bạn có thể đưa vào một file Excel như này đặng cho dễ làm. Càng chi tiết càng tốt.

Nếu bạn chỉ đi trong Pháp, bạn làm một lịch trình đi Pháp. Nếu bạn đi ra khỏi khối Schengen và quay lại khối Schengen, bạn làm cả lịch trình cho tất cả.

9. Đặt Phòng Khách Sạn:

Agoda và Booking.com là bạn thân.

Khi book ở hai nơi này, trừ khi bạn chắc chắn 100% rằng bạn sẽ ở đó, bạn nên kiểm tra kĩ chữ Free Cancellation không.

Vài người tôi biết hào hứng book book book rồi khi nhòm lại nó không cho cancel. Thế là một cục tiền bay mất tiêu luôn.

Ví dụ, khi nhấn vào hình dưới đây, và nó sẽ dẫn bạn tới thẳng Agoda Paris. Theo kinh nghiệm, bạn nên chọn một khách sạn đừng quá bình dân, tầm mười mấy, 20 euro là được. Và cái quan trọng nhất, hãy kiểm tra xem có chữ free cancellation không nhé. Sau đó bạn chỉ việc đặt phòng và in giấy ra.

Sau khi có Visa, bạn nên kiểm tra hạn chót để cancel.

Vài nơi yêu thương cho đến tận 6h đêm hôm đó là hạn chót. Nếu bạn đi không tới chỗ họ ở trước 6h đêm, khi cancel, bạn sẽ được hoàn tiền 100%. Một số nơi khác lại có hạn cancel trước tận 2 tuần. Nên kiểm tra kĩ.

Khi tới lãnh sự, bạn in hết những giấy tờ confirm rằng bạn sẽ ở đó, kẹp theo hồ sơ.

10. Bảo Hiểm:

Bạn nhớ mang bản chính và bản photo để đối chứng nhé.

Thế là tạm xong phần 1: chuẩn bị hồ sơ visa Schengen. Phùuu.

II. Đặt Lịch Hẹn Visa Schengen Như Thế Nào?

Trước đây bạn phải gọi điện thoại để đặt lịch hẹn. Giờ bạn chỉ cần việc lên trang chủ của TLS tại đây để đặt lịch hẹn.

Thường thì bạn sẽ được đặt lịch hẹn trước 3 tháng trước khi bạn đi, và không ít hơn 15 ngày. Trường hợp bạn muốn xin visa và chỉ còn dưới 15 ngày trước khi đi, Lãnh Sự có thể buộc bạn dời lại ngày đi.

III. Đi Nộp Hồ Sơ Visa Schengen Ở Đâu?

Bạn mang tất cả các giấy tờ cần thiết, nhất là tờ lịch hẹn và checklist. Sau khi điền form Schengen, trang web sẽ chỉ bạn tất cả, đừng lo.

Mang thêm CMND để phòng hờ, tôi thì không bị hỏi CMND.

Bạn sẽ vào ngồi chờ, đến khi được gọi mang hồ sơ đến. Nếu thiếu bất cứ giấy tờ gì, TLS sẽ nhắc nhở bạn.

Sau khi nộp đơn, bạn sẽ đóng tiền, chụp hình, lấy giấu vân tay và ra về :). Thường thì sẽ dao động trên dưới hai tuần, nhưng chẳng hiểu sao tôi được cấp cực nhanh, trong vòng đúng 5 ngày.

Hồi hộp nhất chắc có lẽ khi nhận passport.

Passport được trả và nhận cũng tại TLS, toà nhà Vincom chứ không phải ở Lãnh Sự.

Tôi được gửi một e-mail bảo là passport tôi đã về, nhưng hoàn toàn không biết là đậu hay rớt (?!). Nhà tôi lại không ở trong Sài Gòn nên thời gian chờ lấy passport như ngồi trên than.

Chỉ đến khi bạn mở phong bì được niêm phong từ Lãnh Sự ra bạn sẽ biết mình đậu hay rớt.

Nếu rớt, khác với những quốc gia khác, bạn sẽ bị đóng dấu mộc…rớt ngay trong Passport, cho dù bạn chưa từng có visa Schengen nào trước đó.

Thế là xong kinh nghiệm xin Visa đi Pháp tại Tp.HCM. Cũng không quá căng thẳng nhỉ ;).

IV. Bao Lâu Visa Schengen Sẽ Xét Xong?

Thông thường, bạn sẽ nhận lại kết quả visa Schengen của mình trong vòng 1 tuần. Đối với tôi là 4 ngày sau khi nộp đơn xin visa.

V. Phí Visa Schengen Là Bao Nhiêu?

Quên mất, cái quan trọng nhất lại quên. Giá tiền tôi đóng cho visa Schengen tại tháng 5, 2016 là 80 EURO, bao gồm 60 EURO lệ phí xin visa và 20 EURO tiền dịch vụ TLS, khoảng hơn 2 triệu đồng VND.

Đây là kinh nghiệm xin visa Châu Âu (Pháp/ Schengen) của tôi vào tháng 5, 2016. Comment nếu bạn có thêm bất kì câu hỏi nào về Visa nhé.

Support bằng cách click vào bất kì mẫu quảng cáo trong bài viết, và nhớ subscribe để đọc bài mới nhé. Gặp mọi người sau

GO VINH GO