Cát Bà là hòn đảo lớn thuộc tỉnh Hải Phòng. Nếu bạn đang ở các tỉnh thành phía Nam và có dịp du lịch Hạ Long thì nên dành thời gian sang đảo Cát Bà bằng phà để khám phá luôn nhé. Nhưng trước khi đi bạn hãy dành một chút thời gian tham khảo bài viết này để có thêm những kinh nghiệm du lịch Cát Bà tự túc 2 ngày 1 đêm thật hữu ích nhé.
Nên đi du lịch hoặc phượt Cát Bà vào thời gian nào?
Bạn có thể đến Cát Bà vào bất cứ thời gian nào trong năm vì lúc nào địa điểm này cũng tiếp đón khá đông du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Tuy nhiên bạn cũng nên lưu ý là từ tháng 5 đến tháng 8 lượng khách đến đây rất đông vì rơi vào dịp nghỉ hè.
Do đó, nếu muốn khám phá đảo Cát Bà thì tốt nhất bạn nên đi sớm hơn vào khoảng tháng 2 đến tháng 4 hoặc trễ hơn là từ tháng 9 đến tháng 12 để tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy và cũng khó chụp được những tấm hình đẹp.
Mẹo nhỏ: đối với bạn nào đang ở các tỉnh miền Trung và miền Nam thì nên kết hợp chuyến du lịch Hạ Long và đảo Cát Bà với nhau vì từ Hạ Long chỉ cần đi phà gần 1 tiếng là tới đảo thôi, rất gần. Như vậy sau này bạn sẽ không tốn thêm tiền để đi vào Hải Phòng du lịch tiếp 1 trong 2 địa điểm này.
Làm sao để ra được đảo Cát Bà?
Mình sẽ hướng dẫn các bạn tuyến đường phượt Hà Nội Cát Bà bằng xe máy hoặc bạn nào không thích phượt thì có thể đi bằng xe khách hoặc tàu cao tốc nhé. Còn bạn nào ở những tỉnh thành khác thì có thể mua vé máy bay đi Hải Phòng và từ Hải Phòng ra đảo bằng tàu cao tốc luôn nhé.
Phượt Hà Nội – Cát Bà bằng xe máy (~ 120km)
Từ Hà Nội đi Hải Phòng: bạn đi theo hướng ngang qua thành phố Hải Dương, sau đó đi thêm 40km nữa là sẽ đến thành phố Hải Phòng. Chạy tiếp thêm khoảng 20 phút nữa để ra bến phà Đình Vũ.
Để dễ dàng nắm được hướng di chuyển và tuyến đường phượt ngắn nhất từ Hà Nội đi Cát Bà thì bạn hãy tham khảo tuyến đường mà mình đã đi trên google map tại link này nhé: https://goo.gl/MLF7wi
Từ Hải Phòng đi Cát Bà: sẽ có 2 lần qua phà là bến phà Đình Vũ (mất khoảng 50 phút để qua phà), sau đó tới bến phà Gót (mất khoảng 30 phút để qua phà). Tiếp đó bạn cứ đi tiếp tầm 25km để tới được khu du lịch, bạn có thể đi bằng đường ven biển, vòng quanh đảo hoặc đi qua rừng nguyên sinh.
Giá phà chỉ khoảng 30.000đ – 40.000đ/người. Xe ô tô và xe máy qua phà cũng khoảng tầm giá đó.
Đi xe khách và tàu cao tốc
Từ Hà Nội – Hải Phòng: bạn mua vé xe khách Hoàng Long để đến Hải Phòng, nhà xe này cũng có cung cấp vé tàu cao tốc để ra đảo Cát Bà. Nếu muốn tự đi ra đảo thì bạn có thể chọn đi tàu cao tốc ở Bến Bính (đi xe khách đến chân cầu Lạc Long thì bạn xuống đi bộ tầm 5 phút sẽ tới bến tàu này). Sau đó bạn vào đây mua vé tàu cao tốc đi Cát Bà.
Giá vé tàu: trẻ em 75.000đ/vé, người lớn 150.000đ/vé, người già 140.000đ/vé, người khuyết tật 90.000đ/vé.
Lưu ý: Thật ra mà nói đi ra đảo Cát Bà mệt nhất chính là lúc qua 2 lần phà, vì không phải cứ đến là có phà ngay cho mình đi, bạn còn phải chờ chờ đợi đợi lên đến hàng tiếng đồng hồ. Đi từ Hà Nội lúc 5h30 sáng mà đến tận 12h30 trưa mới đặt chân lên đảo được. Cây cầu bắc qua phà Đình Vũ đang hoàn thiện dần, hy vọng sang năm sau sẽ không phải vất vả chờ phà nữa.
Các điểm đia tham quan du lịch trên đảo Cát Bà
Bãi tắm
Xung quanh đảo Cát Bà có hàng trăm bãi tắm lớn nhỏ nhưng chỉ có vài bãi tắm có vị trí đẹp được đầu tư xây dựng du lịch thôi. Trong đó nổi tiếng nhất là bãi Cát Cò là cụm 3 bãi tắm (Cát Cò 1, 2, 3) thu hút đông du khách nhất,
Bãi 1: có rất nhiều khách du lịch tập trung tắm ở đây và xe ôm, xe điện đều bảo bãi này là thiên thần nhất rồi. Theo mình thì mình không thấy thế. Bãi có rất nhiều lá rụng, bèo bọt rong rêu, chắc vì ý thức kém của khách du lịch mà toàn nilon với chai trôi lềnh phềnh, tắm ghê chân lắm.
Bãi 2: Cát mịn, bãi rộng, nước trong hơn bãi 1, không có rác và xác lá cây. Có bãi đã khá đẹp, buổi sáng lúc nước biển xuống lộ ra bãi đá này. Ở đây còn có cái resort rất đẹp, có ghế đu và cây dừa các kiểu để bạn tha hồ mà selfie.
Bãi 3: Bãi nhỏ. Mình chưa tắm ở đây vì buổi chiều quá đông, chật cứng người.
Khu di tích Pháo đài thần công
Nằm cách trung tâm thị trấn Cát Bà khoảng 3km. Bạn nên đi vào sáng sớm để ngắm bình minh và cho đỡ nắng. Đường khá dốc và ngoằn nghèo khó đi nên chọn xe ôm đi cho an toàn. Giá 70.000đ/người cả đi cả về.
Khu di tích này có hầm, hào, nhà truyền thống, khẩu pháo, quán cafe trên cao và view khá là đẹp, được ngắm nhìn đảo Cát Bà từ trên cao rất đã mắt. Bạn đừng bỏ lỡ nhé.
Đảo khỉ và rừng quốc gia Cát Bà
Đây cũng là 2 địa điểm thú vị mà khách du lịch hay tới thăm quan. Nhưng vì điều kiện về thời gian mà đoàn mình vừa rồi chưa tới đc. Bạn muốn đi thì cố gắng đi thêm 2 điểm này nha.
Một số lưu ý khi đi du lịch Cát Bà
- Bạn nên chuẩn bị trước lương thực và nước uống để đề phòng trường hợp phải đợi phà lâu còn có cái chống đói nha.
- Khăn mũ áo, kem chống nắng các kiểu cũng rất cần vì khi di chuyển qua mấy lần phà trời nắng nóng dễ ngất lắm đó.
- Di chuyển bằng xe điện thường là 10.000đ/người đi đến 1 trong 3 bãi tắm hoặc 1 điểm trong trung tâm. Nếu trẻ em nhỏ nhỏ ngồi được lên lòng người lớn sẽ không mất phí. Riêng đi lên pháo đài xe điện sẽ không lên được vì đường dốc.
- Các bạn đi đâu thuê xe ôm thì nhớ mặc cả giá nhé, thường chỉ 5.000 – 10.000đ/người/lượt thôi.
- Đặc sản của đảo là nước mắm Cát Hải, chả mực (250.000đ/kg), chả cá(150.000đ/kg), có rất nhiều đồ khô nhưng muốn mua hãy tham khảo và xem xét kỹ lưỡng nha.
Nào Cùng Đi hy vọng là một số kinh nghiệm du lịch Cát Bà vừa chia sẻ có thể giúp được bạn nào đang muốn đi du lịch hoặc phượt ra đảo Cát Bà bằng xe máy sẽ có sự chuẩn bị kỹ càng hơn nhé.
NÀO CÙNG ĐI