Du lịch Lai Châu khám phá 9 điểm đến đẹp nhưng không kém phần nguy hiểm – iVIVU.com

1139

Du lịch Lai Châu, bạn sẽ được khám phá vùng đất của những hang động tuyệt đẹp, những ngọn đèo hiểm trở, những thác nước ẩn mình trong rừng và những cột mốc thiêng liêng của Tổ Quốc…

Du lịch Lai Châu khám phá 9 điểm đến đẹp nhưng không kém phần nguy hiểm

1. Nhà máy thuỷ điện Lai Châu

du-lich-lai-chau-du-lich-lai-chau-kham-pha-9-diem-den-dep-nhung-khong-kem-phan-nguy-hiem-ivivu-9

Ảnh: EVN

Thủy điện Lai Châu là công trình trọng điểm quốc gia được khởi công xây dựng vào ngày 5/1/2011 tại xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Công trình này được xây dựng ở bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà tại Việt Nam, bậc trên của thủy điện Sơn La đang xây dựng. Đây là công trình thủy điện không những có vai trò quan trọng trong việc phát triển điện, cấp nước cho đồng bằng sông Hồng về mùa khô mà còn tạo cơ hội phát triển – kinh tế xã hội hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc.

2. Cánh đồng Mường Than

du-lich-lai-chau-du-lich-lai-chau-kham-pha-9-diem-den-dep-nhung-khong-kem-phan-nguy-hiem-ivivu-8

Ảnh: Thắng Sói

Đến Than Uyên, bạn được hòa vào một cuộc sống bản địa mộc mạc của những nhịp chân dệt thổ cẩm. Cảnh sắc và cả những món ngon cứ níu chân khách phương xa. Thả hồn trên cánh đồng Mường Than với nhịp sống lao động đầy sắc màu quyến rũ, bạn sẽ như lạc vào thảo nguyên bao la trong cổ tích. Thỉnh thoảng cơn gió ùa về lòng chảo tạo nên vùng tiểu khí hậu khá đặc biệt trên cánh đồng đẹp thứ ba vùng Tây Bắc.

3. Thác Tình

du-lich-lai-chau-du-lich-lai-chau-kham-pha-9-diem-den-dep-nhung-khong-kem-phan-nguy-hiem-ivivu-7

Ảnh: didauchoigi

Thác Tình còn có tên gọi khác là thác Tác Tình hay Tắc Tình. Đây là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn và thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến chiêm ngưỡng. Nằm trên địa phận xã Bình Lư thuộc huyện Tam Đường, thác Tình nằm giữa một vùng núi non trùng điệp, nhìn từ xa thác giống như một dải lụa mềm mại đang thả mình trong không gian bao la của núi rừng hùng vĩ. Không biết từ khi nào cuộc sống của người Dao và cư dân địa phương đã gắn bó chặt chẽ với thác Tình, nguồn nước trong mát vẫn hối hả chảy ngày đêm của thác chính là tư liệu cho quá trình sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của bà con nơi đây.

4. Động Tiên Sơn

du-lich-lai-chau-du-lich-lai-chau-kham-pha-9-diem-den-dep-nhung-khong-kem-phan-nguy-hiem-ivivu-6

Ảnh: blogdulich

Động Tiên Sơn là động nằm cạnh quốc lộ 4D thuộc địa phận xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Động còn có các tên khác là động Đán Đón, Pờ Ngài Tủng, động Đá Trắng, động Bình Lư. Động có 49 khoang nối tiếp nhau chạy dài giữa hai sườn núi. Càng vào sâu các khoang càng lớn. Đi sâu vào động, những khối đá, thạch nhũ muôn hình, vạn dạng dần lộ ra đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh. Trong động còn có mạch nước ngầm, chảy thành dòng suối nhỏ len qua từng khe đá tạo nên những tiếng róc rách rất vui tai.

5. Động Pu Sam Cap

du-lich-lai-chau-du-lich-lai-chau-kham-pha-9-diem-den-dep-nhung-khong-kem-phan-nguy-hiem-ivivu-5

Ảnh: laichau.gov

Từ trung tâm thị xã Lai Châu, đi 6 km về phía Tây là tới quần thể hang động Pu Sam Cáp. Quần thể này được bố trí hài hòa gồm 3 hang động lớn là: Thiên Môn, Thiên Đường và Thủy Tinh. Vẻ đẹp nguyên sơ của nó khiến nhiều người ngỡ ngàng. Đường lên động gập ghềnh, khúc khuỷu như muốn gợi trí tò mò khám phá của du khách. Ta có thể bắt gặp ngổn ngang những cây cổ thụ lâu năm, có cây bị gió xô ngã xuống ngang đường, rêu mốc, tầm gửi bám kín. Tất cả như còn nguyên sơ đầy bí ẩn. Pu Sam Cap cũng hứa hẹn sẽ trở thành một điểm sáng du lịch khám phá, sinh thái với nhiều loại hình du lịch khác như làng bản, lễ hội…

6. Đèo Ô Quy Hồ

du-lich-lai-chau-du-lich-lai-chau-kham-pha-9-diem-den-dep-nhung-khong-kem-phan-nguy-hiem-ivivu-2

Một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam. Ảnh: PhuotTV

Đèo Ô Quy Hồ hay đèo Hoàng Liên Sơn là một trong số những cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ vào bậc nhất ở Tây Bắc. Nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, đèo nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu với đỉnh đèo cũng chính là ranh giới giữa hai tỉnh. Đèo Ô Quy Hồ còn có tên gọi là đèo Mây do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ. Đây là một con đèo gần như giữ kỷ lục về độ dài tại vùng núi Tây Bắc, với chiều dài lên tới gần 50 km. Độ cao, sự hiểm trở và chiều dài của Ô Quy Hồ khiến đèo được mệnh danh không chính thống là “vua đèo vùng Tây Bắc”.

7. Cửa khẩu Ma Lù Thàng

du-lich-lai-chau-du-lich-lai-chau-kham-pha-9-diem-den-dep-nhung-khong-kem-phan-nguy-hiem-ivivu-4

Ảnh: dulich24

Tháng 12/2005, cửa khẩu Ma Lù Thàng khai trương cùng với khu kinh tế có diện tích 43 ha với các dịch vụ: thương mại (gồm trung tâm thương mại, kho, bến, bãi), du lịch (nhà hàng, khách sạn, các làng văn hóa dân tộc), khu vui chơi giải trí… Cửa khẩu này là đầu mối kết nối với khu kinh tế mở Huổi Luông, khu kinh tế – thương mại – du lịch Mường So, khu công nghiệp Pa So, khu nông – lâm kết hợp du lịch sinh thái trên địa bàn huyện Phong Thổ. Vì thế, khu kinh tế và cửa khẩu biên giới Ma Lù Thàng được coi là mũi nhọn để phát triển kinh tế ở tỉnh nghèo nhất nước và là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa của Lai Châu với Trung Quốc.

8. Cột mốc 17

du-lich-lai-chau-du-lich-lai-chau-kham-pha-9-diem-den-dep-nhung-khong-kem-phan-nguy-hiem-ivivu-1

Cột mốc số 17 – Nơi con sông Đà chảy vào đất Việt. Ảnh: anninhthudo

Mọi con đường tìm về thượng nguồn các dòng sông đều gian truân cả. Chẳng ngoa khi nói chặng đường 60km đi từ Mường Tè – Pắc Ma – ngã ba Nậm Lằn – Trạm biên phòng Kẻng Mỏ tới cột mốc 17 – nơi dòng sông Đà bắt đầu chảy vào Việt Nam là gian khổ bậc nhất. Dọc con đường “đèo cao mây vờn” đẹp như tiên cảnh ấy, lữ khách đường xa cần phải hết sức cẩn trọng bởi một bên là vách đá dựng đứng, còn bên kia là vực sâu thăm thẳm với con sông Đà đỏ ngầu gầm lên đầy hung dữ, có những đoạn sông vách đá hai bên bờ đã bị bào mòn trơn nhẵn tạo nên những hình thù vô cùng kỳ thú.

9. Đỉnh Pu Ta Leng

du-lich-lai-chau-du-lich-lai-chau-kham-pha-9-diem-den-dep-nhung-khong-kem-phan-nguy-hiem-ivivu-3

Đỉnh Pu Ta Leng cao 3.049m. Ảnh: VnE

Pu Ta Leng – đỉnh núi nằm ở Lai Châu thuộc vào hàng hoang vu và hiểm trở bậc nhất Việt Nam, còn được mệnh danh là “nóc nhà thứ hai của Đông Dương”. So với Fansipan được nhiều người chọn làm điểm đến khó quên trong cuộc đời thì đỉnh núi này vô cùng hoang vu, hiểm trở và từ lâu vắng dấu chân người. Đỉnh này đã được một nhóm khai mở vào năm 2012, từ đó đã có một số đoàn tiếp tục chinh phục đỉnh núi đầy thách thức này.

Theo Như Ý (tổng hợp)

***

IVIVU.COM