Nghĩa Lộ – Yên Bái
Nghĩa Lộ là một thị xã phía tây Nam tỉnh Yên Bái, về hữu ngạn (phía tây) sông Hồng. Thị xã bao trùm toàn bộ cánh đồng lớn thứ hai của miền núi Tây Bắc Việt Nam: cánh đồng Mường Lò. Diện tích: 29,66 km², dân số: 26.000 người (2004). Thị xã gồm 4 phường: Trung Tâm, Tân An, Cầu Thia, Pú Trạng và 3 xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc.
Có 12 tộc người cùng sinh sống trên mảnh đất này, nhiều nhất là người Thái và (44%) người Kinh, còn lại là các dân tộc Tày, Mường, Nùng… Đây là vùng khí hậu ôn hoà, địa hình tương đối bằng phẳng, tài nguyên nước có trữ lượng lớn. Tuyến quốc lộ 32 chạy qua Nghĩa Lộ đi Mù Cang Chải lên Lai Châu; từ Nghĩa Lộ đi Trạm Tấu cũng chỉ 30 km.
Nghĩa Lộ nổi tiếng với hoa ban, gạo Mường Lò, xôi ngũ sắc, thổ cẩm, ngòi Thia và đặc biệt là điệu xòe Thái uyển chuyển. Chợ Văn hóa Mường Lò và mạng lưới thương mại dịch vụ đã làm cho Nghĩa Lộ trở thành trung tâm kinh tế xã hội của các địa phương miền Tây Yên Bái.
Về phía bắc của lòng chảo Mương Lò thơ mộng, có một dòng suối lớn. Mùa nước lớn lòng suối rộng tới cả trăm mét. Đó là suối Thia. Tiếng địa phương, Thia nghĩa là nước mắt. Dân địa phương kể rằng, từ ngày xưa đã lâu lắm rồi, có một cô gái yêu một chàng trai miền xuôi, khi chàng trai về xuôi không trở lại, cô gái ngồi khóc một mình, khóc mãi, khóc mãi, nước mắt chảy thành dòng suối còn đến nay. Không biết có phải ngẫu nhiên không, cách cầu Thia chừng 50 m về phía nam, trên đường từ Nghĩa Lộ ra suối Thia còn có ngòi Bùa!
Chiều mùa thu, nắng vàng như mật
Khi đã nghe đèo Ách, cửa Nhì
Khi đã nghe tiếng rừng gió hút
Anh có vào Nghĩa Lộ với em không?
Mường Lò cũng nổi tiếng với đội Xòe ở bản Thanh Lương. Đêm hội xòe, bên cạnh những hũ rượu, dưới ánh trăng rực rỡ, các cô gái Thái trong trang phục dân tộc ngay hội, áo chẽn trắng, hàng khuy bạc trên thắt lưng thổ cẩm xanh lục, váy dài thướt tha, vừa cầm tay các chàng trai nhảy xung quanh đống lửa vừa hát mời
Đêm Mường Lò, trăng lên dần, chiêng trống bập bùng,
Vào đây anh, cầm tay em, múa xòe cùng em, xòe cùng em…
Đừng để em cô đơn một mình…
Còn lời mời rượu thực đằm thắm, khó chối từ
Đừng sợ say, đây đôi tay ngà, chén em dâng đầy
và chia tay trong cảnh bịn rịn
Mai xa rồi, trăng Mường Lò, anh mang về theo…
Mường Lò còn nổi tiếng với suối nước nóng, vào buổi tối, khách du lịch và dân địa phương đến tắm như trẩy hội. Khách du lịch thì vào nhà tắm dịch vụ, còn thanh niên nam nữ địa phương thì tắm tự do ngoài trời.
Mường Lò cũng có chè tuyết, hái từ những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên núi Suối Giàng với độ cao trên 1000m.
Thị xã Nghĩa Lộ được thành lập lần đầu tiên vào ngày 8 tháng 10 năm 1971, trên cơ sở thị trấn Nghĩa Lộ và một số bản của 3 xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc của huyện Văn Chấn. Thị xã Nghĩa Lộ khi ấy là tỉnh lỵ tỉnh Nghĩa Lộ. Trước đó ngày 8/3/1967, thị trấn nông trường Nghĩa Lộ được thành lập ở huyện Văn Chấn.
Sau khi phần lớn tỉnh Nghĩa Lộ hợp nhất với tỉnh Lào Cai và Yên Bái thành tỉnh Hoàng Liên Sơn (năm 1975) thì Nghĩa Lộ trở thành một thị trấn (ngày 4/3/1978) thuộc huyện Văn Chấn. Các tiểu khu IV, V và VI của thị xã nhập vào 3 xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc.
Ngày 20 tháng 7 năm 1991, khi tái lập các tỉnh Lào Cai và Yên Bái thì thị trấn Nghĩa Lộ thuộc tỉnh Yên Bái.
Ngày 15 tháng 5 năm 1995, thị xã Nghĩa Lộ được thành lập lần thứ hai với diện tích 8,785 km² và 15.925 người, gồm 4 phường Trung Tâm, Tân An, Cầu Thia, Pú Trạng.
Ngày 24/12/2003 thị xã được sáp nhập thêm 3 xã là Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc của huyện Văn Chấn.
Toàn bộ cánh đồng Mường Lò nằm trong bản đò địa lý của thị xã nghĩa Lộ là không đúng.
nguồn Wikipedia.
TAYBACSENSETRAVEL.COM