Ký sự Mông Cổ – Bài cuối: Mái ấm trên thảo nguyên – PLO

1367

Người Mông Cổ không bao giờ phải chịu nỗi vất vả, lo lắng kiếm tiền mua đất xây nhà rồi lại oằn vai kiếm tiền điểm tô cho ngôi nhà ấy. Lều của người Mông Cổ đơn sơ nhưng ấm áp và hơn thế, được cả đất trời mênh mông.

Nhắc đến Mông Cổ là nhắc đến bạt ngàn thảo nguyên xanh mướt. Nghĩ đến Mông Cổ là nhớ những người du mục suốt đời trên lưng ngựa cùng bầy gia súc lang thang đuổi theo đồng xanh nước mát. Người Mông Cổ không có ngựa như chim không có cánh, trẻ con ba tuổi đã được đặt trên lưng ngựa. Đó là Mông Cổ ngày trước. Còn ngày nay?

Còn bạt ngàn đồng cỏ là còn dân du mục

Cứ tưởng phải đi thật xa tôi mới gặp thảo nguyên. Nhưng thảo nguyên rất gần, cách thủ đô Ulaan Bataar vài chục cây số thôi là những đồng cỏ xanh bạt ngàn. Suốt chặng đường 3.500 km từ Nam xuống Bắc, cảnh vật duy nhất không thay đổi là thảo nguyên mênh mông, ngút mắt, xa xa là đồi núi trập trùng. Hầu như xe chạy suốt trên thảo nguyên, có nơi có đường mòn và rất nhiều nơi xe phải tự tìm đường mở lối. Chúng tôi đùa đường sá Mông Cổ cả trăm làn xe, ai thích chạy làn nào thì cứ việc.

Đến Mông Cổ mới hiểu thế nào là đàn gia súc, không phải vài chục con thưa thớt như tôi vẫn hình dung mà là những đàn cừu, dê và ngựa hàng trăm, hàng ngàn con thung dung gặm cỏ. Đi dần về phía Nam là sa mạc Gobi, đất đai khô cằn sỏi đá nên chủ yếu gia súc là lũ lạc đà vốn sức chịu đựng dẻo dai. Giữa đồng cỏ xanh mơn mởn chạy dài vô tận, lũ cừu, dê chẳng khác nào đám hạt đậu đen, đậu trắng chi chít li ti mà ai đó vừa rắc xuống sân.

Người Mông Cổ cho tôi biết thảo nguyên là của đất trời, không phải của ai nên thích đâu thì người ta thả gia súc, cắm lều ở đó. Hết cỏ, cạn nước thì lại đi. Không phải mua đất, không phải xin ai hay đóng thuế. Cả đời tôi sẽ không quên những khi xe chạy băng băng trên đồng cỏ rồi phải dừng lại tránh lũ cừu, dê hàng trăm con đang la liệt nằm. Chúng chẳng thèm đứng dậy, chẳng biết sợ ai. Bên đường, lũ sóc chuột đứng cả hai chân, giương đôi mắt tròn xoe ngơ ngác nhìn đám người xa lạ không biết từ đâu đến.

ky-su-mong-co-14-hinh1-yzhq

Tác giả và em bé con một gia đình du mục, phía sau là căn lều của họ. Ảnh: OANH NGUYỄN

Hãy khoan sốt ruột ngóng trông kiếm tìm hình ảnh gần như biểu tượng về Mông Cổ: Những người quấn áo lông cừu cưỡi trên lưng ngựa cùng bầy gia súc lang thang trên thảo nguyên. Rất nhiều, rất nhiều hình ảnh ấy trên đường tôi đi. Nhưng thế giới hiện đại cũng đã kịp xen chân vào nếp sống người du mục. Bên cạnh những chiếc lều trên đồng cỏ là xe hơi đời mới sang trọng, người du mục cũng có thể cưỡi xe máy đi chăn gia súc thay vì cưỡi chú ngựa thân quen. Đừng vội thất vọng về Mông Cổ! Buộc họ giữ mãi truyền thống xa xưa dù vất vả, khó khăn để cho mình đến ngắm nhìn một lần trong đời, có phải là ích kỷ và vô lý quá không?

“Vô gia cư” nhưng ai cũng có nhà

Tình yêu với cuộc đời du mục, với cuộc sống trên lưng ngựa vẫn nằm trong huyết quản người Mông Cổ. Trông cái cách họ thuần thục cưỡi ngựa, cái cách họ yêu thương ngựa mới thấy ngựa có ý nghĩa như thế nào với họ. Còn cậu bé con bé xíu, chừng ba bốn tuổi đã theo cha chải lông, tỉa bờm, chơi đùa với chú ngựa đen dũng mãnh như thể một người bạn thân thiết. Lớn lên, cậu bé làm sao có thể quên được cuộc sống này. Có cuộc sống nào thân thuộc, tự do như cuộc sống trên đồng cỏ bao la.

Người ta vẫn hay nói vui người Mông Cổ vô gia cư. Cuộc đời du mục rong ruổi rày đây mai đó, không có một mảnh đất và một ngôi nhà khang trang cho mình nên vô gia cư – một định nghĩa về gia cư của thói thường. Tôi thì nghĩ khác. Mông Cổ là một trong những quốc gia hiếm hoi mà ai cũng có nhà, không ai phải chịu cảnh không nhà, mà nhà lại đẹp lại xinh.

Nhắm mắt nhớ về Mông Cổ, trong tôi hiện ngay hình ảnh nhà của người du mục trên thảo nguyên dù người ta gọi nó là lều, còn người Mông Cổ gọi nó là ger. Thử hình dung có gì ấm áp và lay động cho bằng những khi xe cứ đi, đi mãi qua những thảo nguyên xanh không một bóng người rồi bất chợt xuất hiện vài cái ger bé nhỏ hình tròn màu trắng của gia đình du mục nào đó giữa mênh mông trời đất. Không hiểu tại sao lều luôn là màu trắng. Những cái lều trắng cô đơn của những người suốt đời rong ruổi.

ky-su-mong-co-14-hinh2-kbab

Người đàn ông cai quản bầy gia súc của mình bằng xe máy thay vì dùng ngựa. Ảnh: CẨM TÚ

Trong những gian lều ấy, có một lều chính – là bếp cũng là nơi ở của chủ nhà. Nó “giàu có” hơn với những đồ đạc bếp núc và chiếc tivi được chiếu bằng bình ắcquy lấy từ điện năng lượng mặt trời. Còn những lều còn lại, thứ hiện đại nhất là bóng đèn nhỏ xíu, phát tới 12 giờ đêm là tắt ngóm. Lều rất giản đơn, bên trong là khung gỗ, còn phủ bên ngoài là những lớp vải dày màu trắng. Để giữ ấm, vách bên trong được bọc thêm lớp thảm lông sặc sỡ. Trong lều là những chiếc giường nhỏ để dọc theo vách, tùy lều lớn nhỏ mà có bốn giường hay sáu giường. Chính giữa là một cái bàn nhỏ và một lò sưởi đốt bằng củi mà ống khói thông ra ngoài qua một cái lỗ to được khoét trên nóc lều, cũng để lấy sáng, không khí. Trời mưa thì kéo lớp vải che lại, rất thuận tiện. Mỗi lều có một cái cửa ra vào. Lều thấp nên cửa cũng nhỏ và thấp theo, dù quen lắm rồi nhưng thỉnh thoảng tôi lại va phải cửa để rồi ôm đầu xuýt xoa.

ky-su-mong-co-14-hinh3-hggl

Người phụ nữ này may lều cho nhà mình giữa sa mạc Gobi. Ảnh: CẨM TÚ

Có cả đất trời

Chúng tôi hay nói đùa Mông Cổ không có nghề kiến trúc sư hay kỹ sư xây dựng. Họ chỉ cần lều là đủ! Dù chốn xa xôi hay thành phố, lều chỉ có một kiểu kiến trúc từ ngoài lẫn trong, dựng lại dễ dàng. Lều gắn với người Mông Cổ hàng ngàn năm nên chẳng lạ khi đâu đâu cũng thấy. Thủ đô Ulaan Bataar, nhà nghỉ tôi ở chỉ có vài phòng tập thể dưới đất. Còn trên sân thượng là những cái ger dành cho khách thuê. Nhà nào có đất trống cũng cố nhét một, hai cái ger trong sân. Giữa khu đất trống ngay tại trung tâm thành phố, cạnh đường sá nhà cửa tấp nập, người ta dựng một cái ger để ở. Chẳng ai bắt bẻ, chẳng ai làm khó dễ. Nói đâu xa, chính tôi cũng thế thôi mà! Sau những ngày lang thang, tôi về nhà nghỉ ở thủ đô. Dù phòng hiện đại hơn nhiều, có điện, có nước, có Wi-Fi vậy mà tôi không thể nào ngủ được vì cảm giác bí bách ngột ngạt. Tôi nhớ những túp lều, nhớ thảo nguyên, nhớ bầy gia súc, nhớ những người chủ nhà âm thầm mà tốt bụng. Tôi đã quen với cuộc sống du mục mất rồi!

Tôi mãi mãi nghĩ rằng ngôi nhà nho nhỏ giữa đồng cỏ xanh, nền nhà là những bụi cỏ xanh, ngoài thềm cũng xanh rì đám cỏ cùng khóm hoa dại chen nhau nở hoa, thỉnh thoảng một chú dê lạc bầy hay nhím xù lẻn vào – là căn nhà đẹp nhất trên đời. Không biết bao giờ trong đời mình tôi lại được ngồi lặng im trong ngôi nhà ấy, ngắm lũ lạc đà ngoài kia lang thang trở về giữa mịt mùng cát bụi của sa mạc Gobi. Không biết có dịp nào nữa trong đời tôi lại nằm ngủ bình yên trong những chiếc lều ấy, gần sáng lại nghe tiếng bước chân chủ nhà khe khẽ bước vào đốt lại đám củi vì e chúng tôi không chịu nổi cái lạnh nơi này.

Tôi vẫn hằng ước ao một cuộc sống tự do, giản dị và thanh thản của cuộc đời du mục người Mông Cổ. Họ không bao giờ phải chịu nỗi vất vả, lo lắng kiếm tiền mua đất xây nhà rồi lại oằn vai kiếm tiền điểm tô cho ngôi nhà ấy, nào ngà voi, nào gỗ quý, nào đá kim cương… như bao nhiêu người trên thế gian. Lều của người Mông Cổ chẳng có những thứ ấy nhưng không thiếu ấm áp và chứa cả đất trời mênh mông. Lều hay nhà cũng chỉ khác nhau vẻ bên ngoài.

Nơi nào ấm áp và hạnh phúc nơi ấy là mái ấm.

CẨM TÚ

BAOMOI.COM