Hẳn là bây giờ bạn đang ăn tết vui vẻ nhỉ, ngày đầu của năm mới, mình xin chúc bạn một năm mới vui vẻ, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn và sẽ hoàn thành xuất sắc tất cả kế hoạch mà bạn đặt ra trong năm 2017 này.
Sở dĩ mình có bài viết này là vì trước tết mình đã làm một chuyến du lịch miền Tây sông nước khá thú vị, đây là một trải nghiệm rất chất và đúng mùi vị phượt mà mình từng trải qua. Mình thấy nó có quá nhiều điểm hấp dẫn nên mình xin chia sẻ cùng bạn. Chuyến du lịch bụi miền Tây bằng xe máy này mình đã quay khá nhiều video để các bạn tiện theo dõi thực tế, hãy cùng mình theo dõi bài viết chi tiết dưới đây nhé!
GÓC CHUNG
Mình xin tóm lược câu chuyện về kinh nghiệm du lịch bụi miền Tây của mình trước tết Đinh Dậu như sau:
Chuyến hành trình của mình bắt đầu từ ngày 25/1/2017 đến hết ngày 27/1/2017 tức là từ 27 âm lịch đến hết ngày 30 âm lịch. Mình đi qua tổng cộng 4 địa điểm đó là An Giang, Cần Thơ, Trà Vinh và Bến Tre. Chuyến hành trình này mình đã có điều kiện cọ xát với hầu hết nền văn hóa của từng tỉnh và mình thấy nó khá là thú vị.
Mình đã phượt một mình và phượt bằng xe máy, mình chỉ ở lại Cần Thơ một đêm sau đó trở về Bến Tre là quê hương thứ 2 của mình rồi kết thúc cuộc hành trình. Tổng kinh phí cho chuyến phượt này tầm 800,000đ. Thực ra thì khoảng tiền này là tính tiền xăng xe và tiền khách sạn mình ở, còn lại là đi thăm các địa điểm du lịch và ăn uống nhé.
Sau đây mình xin kể chi tiết về chuyến du lịch bụi miền Tây bằng xe máy này của mình.
VỀ MIỀN TÂY ĐI BẰNG GÌ?
Để đi du lịch miền Tây tự túc, bạn có thể đi bằng nhiều cách.
Đi bằng xe đò
Đi bằng xe đò là chuyến đi dành cho những bạn sợ lái xe đường dài và sợ xe máy hư hỏng trên đường. Những chuyến đi kiểu này thường hợp với những bạn nữ hơn là bạn nam. Để đi miền Tây, bạn có thể mua vé xe ở rất nhiều hãng xe như Phương Trang, Thành Bưởi, Văn Lang, Ba Ngân, Tuấn Hưng, Kim Kim Mai, Hoàng Khải…Thực ra thì có rất nhiều hãng xe đi miền tây, nếu trước giờ bạn đi xe nào thì có thể tra trên mạng xem trước rồi đặt vé xe đi đến từng tỉnh miền Tây mà bạn muốn. Nếu không an tâm, cách tốt nhất là bạn đi ra bến xe Miền Tây ( Địa chỉ: 395 Kinh Dương Vương, An Lạc, Bình Tân, TPHCM) để mua vé xe. Tại đây thì có bán vé xe cho tất cả các tỉnh miền Tây, nếu như bạn muốn đi tỉnh nào thì có thể mua vé xe cho tỉnh đó rồi đi nhé. Tùy từng tỉnh mà có giá vé riêng biệt, bạn tham khảo vé xe từng tỉnh trên mạng nhé.
Đi bằng xe máy
Thực ra thì du lịch bụi miền Tây bằng xe máy đã trở thành công thức chung dành cho những bạn thích đi phượt rồi. Đi bằng xe máy phải nói là rất phê, bạn có thể tận hưởng được cảm giác phượt, cảm nhận được mùi vị của miền Tây là như thế nào và bạn cũng có thể nhìn thấy rất nhiều hình ảnh cực kỳ hấp dẫn khi phượt miền tây sông nước bằng xe máy. Quảng đường đi đến các tỉnh là khác nhau, điều bạn cần chuẩn bị nếu như muốn du lịch bụi miền Tây bằng xe máy là một em xe thật êm ái, xăng xe và đồ nghề nếu như xe hư giữa đường.
Chuyến du lịch miền Tây tự túc này mình đã đi bằng xe máy, mình đi một mình. Trên đường mình đã đổ khá nhiều xăng vì quảng đường mình đi khá xa. Chuyến đi này mình đã chụp khá nhiều hình ảnh trên cung đường mà mình đi qua.
Mình đi từ Sài Gòn về An Giang trước, đây là cung đường mà mình có cảm giác “kinh khủng khiếp” nhất và cũng là cung đường mà mình cảm thấy phê như con tê tê nhất. Lý do vì nó quá dài. Để đi từ Sài Gòn chạy về An Giang bạn phải đi đến 190km, mình đi từ lúc 6h30 sáng đến địa điểm mà mình muốn đến là Châu Đốc (An Giang) là 16h00 chiều. Còn lại thì những quảng đường khác qua Cần Thơ, Trà Vinh , Bến Tre cũng gần nên cũng rất dễ đi.
Nói chung thì theo kinh nghiệm của mình, nếu bạn muốn du lịch miền Tây sông nước thì bạn nên đi bằng xe máy là tốt nhất. Nếu như bạn không dám đi một mình thì có thể rủ rê thêm một vài người bạn khác làm chuyến phượt này nhé.
DU LỊCH MIỀN TÂY NÊN ĐI ĐÂU?
Nếu bạn đang muốn biết du lịch miền Tây nên đi đâu thì mình xin giới thiệu với bạn về cung đường mình đã từng đi qua đó là: An Giang, Cần Thơ, Trà Vinh và Bến Tre.
1/ An Giang
Điểm du lịch đầu tiên mà mình đến là An Giang, để đi đến được An Giang mình đã đi từ Sài Gòn qua Tiền Giang qua Vĩnh Long, Cần Thơ rồi mới đến An Giang. Đây là quảng đường “thế kỷ” mà trước giờ mình chưa từng đi bao giờ. Cung đường này khá là dài, lúc đi thì mình không hề ăn uống gì, mình chỉ đi trên đường, ngắm cảnh và mua vài chai nước uống rồi đi lẹ cho đến. Từ Sài Gòn đi đến An Giang, chỗ mà mình thấy xa nhất là phải đi qua huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang và cung đường từ TP Long Xuyên qua Thị Xã Châu Đốc của tỉnh An Giang. Bạn nghe Long Xuyên với Châu Đốc là cùng trong một tỉnh thế thôi nhưng mà hai TP này cách xa nhau vời vợi, những 2 tiếng đồng hồ đấy. Lúc mình đi đến TP Long Xuyên mình đã mừng lắm rồi, cái mình hỏi những người dân ở An Giang là bao giờ đến Châu Đốc họ nói là còn rất xa, đi tầm 2 tiếng nữa. Mình đã muốn xỉu tại chỗ.
Khi đi đến gần Châu Đốc, mình nhìn lên bảng ghi chú dòng chữ “Trung tâm thành phố Châu Đốc 1km” bạn không thể hiểu được cái cảm giác của mình đâu, mình hào hứng đến mức thả luôn hai tay lái của mình trong khoảng 3s với tốc độ là 80 khi nhìn thấy nó bởi vì mình quá hạnh phúc.
Ở An Giang mình đã đi đến 3 địa điểm là Núi Sam và Miếu Bà Chúa Xứ, Tân An Cổ Tự.
+ Núi Sam
Núi Sam là một ngọn núi nằm ở Châu Đốc tỉnh An Giang, Núi Sam cách thị xã Châu Đốc 5 cây số, đây là một ngọn núi nhỏ có hình một con sam, nó khá trần trụi. Ở chân núi Sam có Miếu Bà Chúa Xứ, hằng năm vào các dịp lễ quan trọng người dân khắp trong nước đến đây để cúng viếng.
Khi đến chân núi Sam, nếu bạn rẻ phải sẽ đi Miếu Bà Chúa Xứ còn nếu bạn đi thẳng sẽ lên được đỉnh núi Sam – Đây cũng là nơi bà chúa Xứ ngự xuống.
Thứ mà mình thích nhất là con đường đi đến đỉnh núi Sam, để đi đến đỉnh núi Sam, bạn có thể đi bằng 2 phương tiện là xe máy và đi bộ leo theo bậc thang. Thực ra bạn lên đến chân núi Sam thì những người buôn bán ở đây sẽ mời chào bạn đi xe máy, nói là đường đi lên núi Sam rất xa và dốc khúc khuỷu nên đừng đi, hãy để họ chở bằng xe máy. Bạn đừng tin nhé, lúc đầu mình cũng sợ nhưng mà mình liều đi một mình bằng xe của mình và mình thấy nó cũng không dốc khúc khuỷu như lời họ nói đâu, nên hãy tự đi bằng xe máy lên nếu không muốn mất 20K để xe ôm ở đó chở đi.
Đường đi lên đỉnh núi Sam quanh co gấp khúc nhưng cũng không cao lắm, bạn sẽ có dịp ngắm cảnh vật xung quanh là các loài hoa, cây cối, đá rất đẹp. Lên đến đỉnh thực ra nó cũng không hấp dẫn lắm đâu vì ở đây chưa được khai thác du lịch, nó hoang tàn lắm. Lên đến đỉnh núi Sam rồi bạn có thể đi dạo vòng vòng, chụp hình, chỗ đẹp nhất của đỉnh núi Sam là ở góc có thể nhìn xuống toàn cảnh Thị xã Châu Đốc, nói chung theo mình thấy thì nó đẹp theo kiểu tự nhiên.
Đỉnh núi Sam dành cho những bạn thích đi phượt bằng xe máy lên núi, thực ra trên đó không hấp dẫn lắm nên mình nghĩ bạn có thể ở dưới chân núi mà khám phá nhé. Hãy nhìn một số hình ảnh và video mà mình đã quay ở trên đỉnh núi Sam dưới đây.
+ Miếu Bà Chúa Xứ
Đây là trái tim của Thị xã Châu Đốc và cũng có thể là trái tim của toàn tỉnh An Giang. Hầu hết, những người muốn đi An Giang là những người muốn đến Miếu Bà Chúa Xứ để thờ cúng và cầu mong những điều tốt đẹp.
Gọi là miếu thế thôi chứ thực ra đây là kiến trúc đồ sộ nhất trong khu vực, miếu này được làm mới hoàn toàn vào năm 1976, miếu được xây bằng bê tông, cốt thép là chính. Bên trong chính điện thờ bà Chúa Xứ.
Mỗi năm thì người dân mình đến đây khá nhiều, người ta đến để vía bà thời gian đông nhất là từ Tết đến tháng 4 Âm lịch, cao điểm là từ 24 đến 27 tháng 4 âm lịch. Thời điểm này nếu bạn đi miếu bà thì có thể bạn sẽ không có nhà trọ để ở mà phải ở lê lếch bên ngoài cổng đấy.
Kinh nghiệm du lịch bụi An Giang của mình là khi bạn đến gần Miếu Bà Chúa Xứ, những người buôn bán bên ven đường mời mọc bạn mua gạo, dầu, hương khói hay áo lá để cúng bạn đừng có mua nhé, mình bị “dính chưởng” một lần rồi. Chẳng là mình không biết nên đến trước cổng, tự dưng có một bà chị nọ nói là mua dùm chị đi, cái bà chị đó rủ rê mấy người khác tới, sau khi đã đưa mình những đồ cúng thì lấy của mình 300,000đ. Mình chưa kịp nói thì họ đã giải tán. Mình “ngậm đắng nuốt cay” cầm đồ cúng vào bên trong mà không nói gì được hết. Đây là kinh nghiệm xương máu của mình khi đến cổng bà chúa xứ, bạn đừng nên mua gì hết nhé, hãy vào bên trong chính điện cúng hương rồi ra thôi. Hoặc nếu như bạn nào muốn cúng cũng có thể mua, nhưng khi mua hãy hỏi giá trước chứ đừng để như mình nhé.
Mùa này mình đi khá đẹp vì họ đang chuẩn bị tết nên đặt rất nhiều hoa trong chùa, bạn cúng xong bạn có thể đi vòng quanh chùa để thưởng thức vẻ đẹp của nó nhé. Dưới đây là hình ảnh Miếu Bà Chúa Xứ mà mình đã ghi lại trong chuyến du lịch bụi miền tây bằng xe máy của mình.
+ Tân An Cổ Tự
Tân An Cổ Tự là một ngôi chùa nằm bên cạnh Miếu Bà Chúa Xứ, kiến trúc của chùa này khá nổi bật, hầu hết được sơn bằng màu vàng. Trong này cũng có chánh điện và nhiều hình ảnh nổi bật.
Đi thăm 3 địa điểm trên bạn không cần phải mua vé vào cổng, tất cả là miễn phí nhé, bạn có thể vào cổng tự nhiên.
Tóm lại, chuyến du lịch ở An Giang của mình là như vậy, mục đích mình đến An Giang là để viếng miếu Bà, nếu bạn nào muốn viếng thì có thể xem chi tiết bài viết trên của mình nhé. Ngoài những địa điểm như trên, nếu như bạn muốn tìm hiểu các địa điểm khác của tỉnh An Giang, hãy theo dõi bài viết Top 5 điểm nên đi ở An Giang của mình nhé.
2/ Cần Thơ
Sau khi tham quan xong An Giang, mình vội chạy về Cần Thơ. Mình tham quan xong là lúc 17h ngày 28 âm lịch, mình chạy xe từ Châu Đốc qua TP Cần Thơ mất khoảng 3.5 tiếng đồng hồ. Lúc mình về tới nơi là 20h30 tối cùng ngày. Quảng đường nó chỉ xa từ Châu Đốc qua Long Xuyên thôi, còn từ Long Xuyên qua Cần Thơ mình thấy cũng gần. Có một kỹ niệm mà mình nhớ mãi ở chuyến đi này là quảng đường đi của nó khá hùng hồn. Trong lúc đi mình khá là mệt, đang đi tự dưng trời lại đổ mưa, lúc đó mình đã quên đem cả áo mưa nên mình cóng luôn trên đường. Nói mưa có vẻ nhẹ nhàng quá, mưa này là mưa đá, mình bị mưa ập vào mặt mà giống như từng hạt đá tát vào mặt mình, đau và rát kinh khủng. Mình có dừng lại để mua áo mưa rồi đi tiếp, nhưng thực sự cung đường đó khá là “khủng khiếp với mình”. Trời lạnh, tay lái mệt mỏi, lạnh cóng cả người, hai răng chạm vào nhau run cầm cập. Mình đi hoài đi hoài mà vẫn ở Quận Thốt Nốt của Cần Thơ, đường đi tối tăm, mù mịt như đang đi lên đỉnh Lang Biang ở Đà Lạt. Bạn không thể tưởng tượng được là trời tối đến mức nào đâu, như mực ấy, quảng đường đó không có lấy một cái đèn nào, đen như mực, thỉnh thoảng có những đoạn chẳng có ai đi qua, rồi thỉnh thoảng lại có xe hơi đi qua tạt nước vào người như là tắm cả thùng nước trên đầu, vừa đi vừa sợ và mình thì chỉ biết nhìn về phía trước và tự nghĩ “Ahead ahead ahead”. Thực ra lúc đó mình đã nghĩ đến chuyến đi bụi ở Phan Thiết, chuyến đi đó mình được đối xử như bà hoàng, còn cung đường này mình cảm thấy nó thật khủng khiếp và thê thảm. Và quảng thời gian đó cũng qua, cuối cùng mình cũng đã đến được TP Cần Thơ.
+ Bến Ninh Kiều – Chợ Cần Thơ – Chợ Đêm Ninh Kiều
Lúc này là 20h30, trời đã vừa tối nhưng không mưa, mình đến Bến Ninh Kiều trước vì chỗ này chính là đặc điểm văn hóa của người Cần Thơ. Thực ra thì mình có đặt phòng trước, mình đặt ở đường Trần Phú, giá của nó là 180K/ đêm, tuy nhiên trời lúc đó tối u, mình hỏi người dân ở bến Ninh Kiều thì họ bảo đường Trần Phú khá xa nên mình đi dọc quanh bến Ninh Kiều và thuê chỗ ở ở khách sạn Tây Hồ, giá của khách sạn này là 330,000đ/ đêm.
Sau khi đã hoàn thành thủ tục ở khách sạn, mình để đồ vào và bắt đầu đi khám phá Cần Thơ.
Đầu tiên thì mình đến chợ Cần Thơ, chỗ này nó hơi giống với chợ Bến Thành ở Sài Gòn, bạn hãy nhìn vào hình để biết nhé. Đồ ăn uống ở đây cũng không mắc lắm, mình ăn một vài món rồi đi dạo Bến Ninh Kiều.
Đi thẳng chợ Cần Thơ là chợ đêm Ninh Kiều, ở đây cũng bán đồ hao hao như ở các con chợ khác.
Theo cảm nhận của mình, Bến Ninh Kiều là một phiên bản của chợ Bến Thành và đường hoa Nguyễn Huệ ở Sài Gòn, hai chỗ này nó rất giống nhau thì phải, cũng có tượng Bác Hồ, cũng bán đồ và cũng trang trí nhiều thứ giống nhau. Mùa này là mùa cận tết nên họ bán rất nhiều hoa mai, hoa đào, quất, hoa vạn thọ, hoa mào gà.
Đi dọc bến Ninh Kiều, bên phải là bờ hồ còn bên trái là khách sạn, vào buổi tối, bến Ninh Kiều có thuyền lớn đậu, chỗ này bạn có thể chụp được hình.
Vì mình từng đi đường hoa Nguyễn Huệ ở Sài Gòn nhiều nên mình thấy bến Ninh Kiều ít có điểm nổi bật, cái này cũng theo cảm nhận của từng người. Mình đi tham quan bến Ninh Kiều đến 12h đêm rồi quay lại khách sạn để ngủ. Như vậy là đã kết thúc chuyến du lịch bụi miền Tây bằng xe máy ngày đầu tiên của mình.
+ Chợ nổi cái Răng
Chợ nổi cái Răng là một trong những địa điểm du lịch mà mình nghĩ ĐÁNG ĐỂ ĐI NHẤT khi bạn đến Cần Thơ. Khi mình đi dạo quanh bến Ninh Kiều, có một người dân ở đó đã mời mình sáng sớm đi chợ nổi cái Răng, mình muốn đi nên đã đồng ý, thế là cuộc hành trình của mình bắt đầu.
Thực chất thì chợ nổi cái Răng chính là nền văn hóa của người Cần Thơ nói riêng và cũng là nền văn hóa sông nước của người miền Tây nói chung. Chợ nổi Cái Răng là chợ đầu mối, bán sỉ các loại nông sản ở miền Tây sông nước, chợ giống như các loại chợ bình thường, có bán đồ ăn, thức uống, bán hoa quả cây trái các kiểu nhưng điều khác biệt là chợ nằm nổi trên mặt nước còn các chợ bình thường thì ở trên mặt đất.
Chợ đông rất sớm, vì vậy bạn phải thức dậy sớm từ 5h sáng để đi nhé. Vì mình thuê khách sạn ở bến Ninh Kiều nên mình phải đi qua chợ. Để đi qua chợ thì bạn có thể đi bằng ghe, thuyền lớn hoặc ca nô. Nhưng mình khuyên bạn nên đi bằng ghe nhỏ vì nó sẽ cho bạn cảm giác lướt trên nước thú vị như thế nào. GIÁ VÉ để đi chợ nổi cái Răng là 50,000đồng/ lượt/người.
Lúc mình đi thì người lái ghe đã dẫn mình đến 3 địa điểm đó là Chợ nổi cái Răng, làng hủ tiếu và vườn trái cây ở Cần Thơ.
Điểm mà mình thích nhất là chợ nổi cái Răng, lúc ghe của mình đang đi tự dưng có chiếc ghe khác băng băng chạy lại và hỏi có uống cà phê sữa đá, đậu nành không. Lần đầu tiên mình đi chợ nổi nên mình đã khá là thích thú đoạn này. Mình có mua một ly sữa đậu nành với giá 10.000đ và ăn một tô bún riêu giá 30,000đ. Mình ở miền Tây lâu rồi nên khá thích ăn ngọt, những người bán đồ ở trên chợ nổi cũng làm đồ rất ngọt, bạn nào thích ăn mặn thì có lẽ khẩu vị sẽ không hợp lắm đâu nhé. Ngoài bún riêu bạn có thể ăn bún mộc, cơm sườn.
Bạn hãy xem kỹ chợ nổi cái Răng qua video và hình ảnh mình ghi lại dưới đây nhé!
Tiếp tục chuyến hành trình, mình được người lái ghe chở đi tiếp, chị đó chở mình đi đến làng hủ tiếu. Ở đây có bán hủ tiếu, bán đồ lưu niệm là nón lá, và có cả bánh trán nữa. Bạn nào chưa biết đi cầu khỉ, cách làm bánh tráng như thế nào thì có thể xem kỹ tại chỗ này.
Sau khi đã xong làng hủ tiếu, mình lại đi tiếp đến vườn trái cây ở Cần Thơ. Để vào được đó, bạn phải mua vé giá 10,000đ. Không may cho mình, mùa này đã thu hoạch xong hết nên không có nhiều hoa quả, chủ yếu còn quả cam và lá cây xanh mà thôi. Mình dạo dạo quanh rồi cũng đi ra. Bạn lưu ý, nếu như muốn đi vườn trái cây ở Cần Thơ thì hãy lựa mùa trước tết mà đi, vì lúc đó có nhiều trái cây, bạn có thể mua hoặc chụp hình với nó, chứ cận tết không có nhiều hoa quả đâu nhé. Khuôn viên trong vườn trái cây đẹp ở chỗ hồ sen, hồ súng và chỗ có nhiều tre nứa nhé.
Ngoài ra, mình có đi tham quan đường hoa ở Cần Thơ, nó khá đẹp đấy. Cách trang trí đường hoa ở Cần Thơ hao hao giống với ở đường hoa Nguyễn Huệ, chủ đề sẽ thể hiện những điểm nổi bật của các huyện, quận ở Cần Thơ, bạn hãy xem hình ảnh dưới đây nhé!
Như vậy là hành trình du lịch bụi Cần Thơ của mình kết thúc ở chợ nổi cái Răng, mình đi về khách sạn sắp xếp đồ để chạy qua Trà Vinh. Để biết thêm chi tiết về các địa điểm du lịch ở Cần Thơ, bạn có thể click vào bài viết Top 10 điểm du lịch nên đi ở Cần Thơ của mình nhé!
3/Trà Vinh
Mình hoàn thành chuyến thăm chợ nổi Cái Răng lúc 8h30 sáng, mình đã về khách sạn dọn đồ và qua Trà Vinh. Lúc mình xuất phát là 11h00, mình chạy theo quốc lộ 1A, đi thẳng lên Cầu Cần Thơ, xuống cầu có hai đường rẽ là đi Vĩnh Long và qua Trà Ôn, mình rẽ theo Trà Ôn để đến Trà Vinh.
Từ Cần Thơ qua Trà Vinh có khá nhiều điểm khác biệt, hai tỉnh đều là miền Tây nhưng Trà Vinh không được trời phú cho đất đai màu mỡ như ở Cần Thơ. Đất ở Trà Vinh khô cằn hơn, mình đi trên đường của Trà Ôn mà mình tưởng đâu đang đi ở các tỉnh miền Trung.
Trà Vinh với Bến Tre có thể bó chung đốt được, vì hai tỉnh này có khá nhiều dừa. Hai tỉnh này được coi là “xứ dừa” của miền Tây. Đường ở Trà Vinh có rất nhiều dừa, cánh đồng lúa mênh mông và có nhiều chuối nữa. Đường đi Trà Vinh bạn sẽ gặp rất nhiều chùa của người khơ me, thuở xưa đây là xứ của người khơ me ở mà vì người Việt mình xâm lấn nên giờ thành đất Việt, bạn sẽ thấy dấu ấn của người khơ me xưa hiện rõ khi đi đến Trà Vinh. Có đoạn mình đi đến chợ nào đó không nhớ nữa, nhưng mình nghe người dân ở đây nói với nhau bằng tiếng khơ me chứ không phải là tiếng Việt, cũng thú vị lắm các bạn ạ.
Trên đường có nhiều chùa chiềng khơ me, vì vậy mình đã dừng lại và chụp khá nhiều cổng chùa, bạn có thể theo dõi chùa chiềng của người khơ me qua những hình ảnh dưới đây nhé!
Đến Trà Vinh mình đã đi đến 3 điểm: Ao Bà Om, bảo tàng văn hóa Khơ Me và chùa Âng. Sau đó thì mình có về Bến Tre và mình phát hiện đã bỏ qua 2 địa điểm nổi bật nhất của Trà Vinh là chùa Hang và chùa Vàm Rây, vì vậy mình đã quyết định quay lại hai ngôi chùa này vào những ngày sau đó. Trong bài viết này mình sẽ nêu đầy đủ thông tin cho các bạn xem nhé. Dưới đây là 5 địa điểm mình đã tham quan ở Trà Vinh.
+ Ao Bà Om
Ao Bà Om còn gọi là ao vuông, ao này cách TP Trà Vinh 7km, để đi được Ao Bà Om thì từ TP Trà Vinh bạn đi về phía Vĩnh long theo đương Nguyễn Thị Minh Khai, 5km rồi rẽ trái, đi thẳng thì sẽ tới Ao Bà Om.
Theo sự tích xưa có kể lại, ngày xưa ở làng nọ có bà Om, bà thấy một cô gái người khơ me phải lấy chồng vất vả vì vậy mà bà mới thấy bất công và thách phái nam hãy đào một cái ao. Nam nữ thi nhau đào xem ai đào hơn ai. Thời gian thách thức là từ sẩm tối đến khi sao mai mọc. Cánh đàn ông nghĩ mình sức khỏe như trâu nên chẳng thèm đào, còn phái nữ gắn đào nên cuối cùng hôm sau đã đào sâu hơn cả cánh đàn ông. Từ đó, theo tục lệ của người Việt Nam, đàn ông mà đi hỏi vợ thì phải tốn rất nhiều tiền trong khi phái nữ sẽ ít hơn. Ao bà Om có một bên nông và một bên sâu, bên sâu là bên phái nữ đã đào, còn bên nông là của cánh đàn ông đào.
Ao Bà Om khá rộng, trong ao là hoa sen mọc lai láng. Lúc mình đến đây thì sen mọc khá nhiều khá là đẹp, xung quanh hồ là rừng cây. Ở chỗ Ao bà Om thì không có rào chắn vì vậy khi bạn chụp hình nên để ý không bị trượt chân xuống dưới ao nhé.
+ Bảo tàng văn hóa Khơ Me
Sau khi đã trải nghiệm Ao Bà Om xong, mình dắt xe đi thẳng vào Bảo tàng văn hóa Khơ Me. Tất cả điểm du lịch ở Trà Vinh mình vào miễn phí chứ không mất bất kỳ phí nào bạn nhé.
Bảo tàng văn hóa dân tộc Khơ Me nằm kế ao Bà Om, đây là bảo tàng mới xây, trong bảo tàng có bộ sưu tập mặt nạ chằn, các điệu múa, dụng cụ dân tộc, y phục và sách lá buông.
Bảo tàng có 2 tầng, tầng dưới là tầng hành chính dùng để làm việc, tầng trên là nơi trưng bày hiện vật. Bạn đi lên tầng trên để xem hiện vật nhé, có tổng cộng 4 gian phòng tất cả, từng gian phòng trưng bày hình ảnh của người khơ me xưa. Để xem kỹ về bảo tàng, bạn hãy coi Video mà mình đăng dưới đây nhé, nó khá là thú vị đó.
+ Chùa Âng
Sau khi đã tham quan xong bảo tàng, mình đi lại chùa Âng. 3 địa điểm du lịch ở trên nằm sát nhau, vì vậy mình tham quan 1 lúc 3 thứ bạn nhé.
Chùa Âng ở Trà Vinh là một trong những trung tâm tín ngưỡng, văn hóa, giáo dục của người Trà Vinh, trong chùa có cánh điện, tượng phật người khơ me, hình ảnh những con xà cừ, chim chóc, rừng cây. Ngôi chùa này mang dấu vết của Ấn Độ giáo xưa vì vậy kiến trúc khá đặc biệt. Bạn có thể xem kỹ hình ảnh của chùa qua video mình giới thiệu dưới đây nhé.
Chùa Hang hay còn gọi là chùa Dơi, vì trước kia ở đây có rất nhiều dơi về đây cư trú. Kể từ năm Mậu Thân (1968), ở đây bị ném bom nên dơi ít xuất hiện ở đây hơn nhưng đây vẫn đươc coi là chùa Dơi. Chùa Hang có lối kiến trúc đẹp, có rất nhiều cây cổ thụ mọc, các nghệ nhân tạc thành những pho tượng đại bàng và rồng nhìn rất hoành tráng. Bên trong chùa Hang là chánh điện có thờ một tượng phật nhập niết bàn, tượng phật này rất to, ở đằng sau tượng này còn có các ngôi tượng nhỏ khác nữa. Xung quanh chánh điện treo hình ảnh của các pháp sư đã trụ trì ở đây cùng với những hình ảnh của các pháp sư nước ngoài.
Chùa Hang là một trong 2 ngôi chùa khơ me lớn nhất của tỉnh Trà Vinh. Nếu như bạn muốn tham quan chùa ở Trà Vinh thì nên đi chùa này nhé!
Còn một vài cái mình thấy khá là đặc biệt ở chùa Hang là bên ngoài khuôn viên có một cây cột có nhiều rắn, hình 8 đầu rắn quấn quanh một cột, bên góc trái còn có phòng trưng bày hình ảnh người khơ me xưa với trâu, bò, và một phòng khác là lớp học dành cho các nhà sư ở chùa khơ me. Tầm 11h trưa thì các sư mang chén đĩa xuống chỗ nhà ăn để lấy thức ăn và ăn trưa. Ra ngoài cùng là cổng, phần cổng của chùa này khá nổi bật, bên trên cùng là hình ảnh tượng phật nằm dài hai bên là hai tướng có hình mặt nạ rất hung dữ. Cổng của chùa Hang khá độc đáo khiến người đi ở ngoài cũng muốn ghé vào để biết ở bên trong có gì. Dưới đây là toàn bộ hình ảnh của chùa Hang, mời bạn cùng theo dõi.
Chùa Vàm Rây là ngôi chùa khơ me lớn nhất Việt Nam và cũng là ngôi chùa có tượng phật nằm dài lớn nhất Việt Nam. Chùa nằm ở xã Hàm Tân, huyện Trà Cú tỉnh Trà Vinh.Ngôi chùa này do một đại gia có tên là Trầm Bê bỏ tiền ra xây và tu sửa vào năm 2008 vì vậy mà chùa còn có cái tên khác là chùa Trầm Bê.
Ngày đi du lịch ở Trà Vinh mình đã bỏ qua địa điểm tuyệt cú mèo này, chính vì vậy mà mấy ngày sau mình đã quyết quay lại đây để xem nó to như thế nào và quả chuyến đi của mình không uổng phí.
Chùa Vàm Rây đẹp từ cổng bên ngoài cho tới kiến trúc bên trong, tất cả được sơn màu vàng chói lóa. Ở bên trong chùa điểm nổi bật nhất chính là tượng phật nằm dài 54m. Bạn nhìn tượng phật này sẽ liên tưởng ngay đến tượng phật nhập niết bàn dài 49m mà mình đã giới thiệu ở bài viết kinh nghiệm du lịch bụi Phan Thiết – Mũi Né của mình lần trước. Đây là tượng phật nằm dài lớn nhất Việt Nam mình.
Ngôi chùa này khá to, rộng, bên trong chánh điện có hình tượng phật to lớn, xung quanh tượng phật cũng là hình ảnh chạm khắc về phật tổ. Chánh điện của chùa Vàm Rây rất rộng, nếu như bạn vào đó chỉ một mình thì bạn có thể cảm tưởng như bạn bị lạc vào cõi âm ấy.
Đây là ngôi chùa khơ me lớn nhất Việt Nam nhưng khi mình đi xem thì mình thấy có rất ít khách du lịch, theo mình nghĩ vì chùa khá xa TP Trà Vinh, nó nằm tận trong ấp, xã. Hơi tiếc vì địa điểm này chưa được biết đến nhiều nhưng mình nghĩ trong tương lai nó sẽ rất nổi tiếng vì theo mình thấy nó quá hoành tráng và đáng để đi xem. Mời bạn theo dõi hình ảnh và video mình đã ghi lại trong chùa nhé!
Đây là một phần kinh nghiệm du lịch bụi miền Tây ở tỉnh Trà Vinh của mình, nói chung thì đến Trà Vinh bạn có thể đi tham quan các chùa là được rồi, ngoài ra bạn có thể đi biển nữa nhưng vì biển cách xa những địa điểm mình tham quan đến 40km nên mình không đi. Bạn có thể tham khảo bài viết Top 10 điểm nên đi ở Trà Vinh của mình để hiểu thêm về Trà Vinh nhé!
4/ Bến Tre
Sau khi đã tham quan xong Trà Vinh, lúc đó là 16h00, mình chạy xe về Bến Tre liền. Mình đi theo đường đi Vĩnh Long, đi thẳng có đường quẹo đi Bến Tre rồi mình rẽ. Trên đường đi, có một thứ mình khá là thích thú đó là cầu Cổ Chiên nối liền huyện Châu Thành của Tỉnh Trà Vinh với huyện Mỏ Cày Nam của tỉnh Bến Tre. Đời mình, mình chưa thấy cây cầu nào mà đẹp như cây cầu đó. Thực ra nó rất đơn giản, không màu mè như cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, cầu Phú Mỹ đâu, hai bên của nó chỉ có đèn thôi, nhưng cái mà mình thấy hay nhất của nó đó là nó khá dài, bạn đi hoài đi hoài mà không qua được bờ bên kia của tỉnh Bến Tre, bạn có thể tranh thủ nhìn hai bên cầu, nó cứ mờ mờ ảo ảo như ở trên thiên đường ấy. Khi đi đến bờ bên này, một cảnh tượng HÙNG VĨ xuất hiện trước mặt bạn là MỘT RỪNG DỪA BÁT NGÁT. Có thể nói bạn đã đi vào phải ĐỘNG DỪA rồi đó, hai bên bạt ngàn là dừa, dừa nhiều vô kể, bạn sẽ tưởng mình bị lạc vào một khu rừng bí ẩn nào đó, mà không phải nha, đó chính là huyện Mỏ Cày Nam của tỉnh Bến Tre. Lúc mình đi mình đã muốn dừng lại để chụp hình cây cầu Cổ Chiên vì nó quá đẹp, nhưng mà máy ảnh và cả điện thoại của mình đã hết pin nên mình đành “ngậm đắng nuốt cay” mà bỏ qua việc chụp hình, nhưng mình nghĩ, nếu có dịp mình sẽ quay lại đó để chụp vài bô hình ghi lại cây cầu đẹp nhất trong lòng mình từ trước giờ mình từng nhìn thấy.
Qua Bến Tre, bạn đi thẳng đi thẳng sẽ tới huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, bạn đi theo hướng về TP HCM thì sẽ đến được TP Bến Tre. Mình ở TP Bến Tre nên mình về đó, bạn nào muốn về Sài Gòn thì rẽ đi theo cầu Rạch Miễu nối liền giữa Bến Tre với Tiền Giang mà về nhé.
Sau khi về Bến Tre, mình về nhà, ăn uống rồi ngủ, sáng hôm sau mình lại đi tham quan tỉnh Bến Tre, ở đây mình đã đi tổng cộng 6 điểm. Thực ra 2 địa điểm sau cùng mình đi vào những ngày khác nhau vì chúng ở cách xa nhau. bạn theo dõi những địa điểm sau mà mình đã đi qua nhé.
+Nhà thờ Cái Mơn
Nhà Thờ Cái Mơn là một nhà thờ rất rất lớn ở Bến Tre, nó là nhà thờ lớn nhất của Bến Tre đấy. Để đi đến được nhà thờ, bạn có thể đi theo Quốc lộ 60 sau đó rẽ Quốc lộ 57 và rẽ về cầu Hàm Luông (chỗ qua Trà Vinh ấy), bạn đi thẳng sẽ có ngã phải đi vào huyện Cái Mơn, bạn rẽ vào Cái Mơn để tham quan nhà thờ nhé.
Với những bạn theo đạo thiên chúa, mình khuyên bạn nên đi nhà thờ này, đây là nhà thờ rất rất lớn ở Bến Tre, nó còn lớn hơn cả nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn nữa ấy.
Bạn đi dọc theo huyện Cái Mơn sẽ đến được nhà thờ Cái Mơn, nhà thờ này có 2 điểm tách biệt,một bên là nhà thờ chỗ có tòa tháp cao 8 tầng ấy, chỗ này dùng để đánh chuông chung, đánh chuông vào lúc 12h trưa, có một chỗ khác là giáo phận Vĩnh Long hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn. Khu nhà tòa tháp cao và hội dòng là hai khu riêng biệt, khu hội dòng là khu dành cho nữ tu, còn khu tòa tháp cao là khu chung. Hai cái này rất là đẹp, khuôn viên rất rộng, trang trí khá là đẹp, bạn có thể tham quan từ thòa tháp cao rồi đi thẳng để qua chỗ Hội dòng. Tham quan hai chỗ này miễn phí nha.
Tất cả hình ảnh của nhà thờ Cái Mơn đã được mình ghi lại trong video và chụp khá nhiều ảnh, bạn có thể xem kỹ hình ảnh và video nhé!
+ Chợ Lách
Sau khi đã tham quan xong nhà thờ, mình đi thẳng để đến huyện chợ Lách. Thực ra đến chợ Lách thì bạn nên đi tham quan vườn trái cây thì hay hơn, nhưng mùa này không có trái cây nên mình đã không đi mà mình vô chợ Lách để xem. Chợ Lách khá lớn, có 2 khu A và B. Khu A để bán đồ ăn uống, trái cây còn khu B bán vải vóc, đồ làm đẹp. Bạn có thể tham quan xong rồi ra nhé.
+ Chùa Vạn Phước
Sau khi đã tham quan xong chợ Lách, mình ăn uống xong là 11h, mình tiếp tục đi chùa Vạn Phước ở Bình Đại. Hai huyện này cách xa nhau vời vợi, nhưng vì mình muốn đi nên mình đi, để đến chùa Vạn Phước bạn phải quay lại TP Bến Tre rồi mới xuống chùa được. Muốn xuống chùa, từ TP Bến Tre bạn đi thẳng hướng về TPHCM, Trên đường đi có ngã rẽ Bình Đại thì bạn rẽ, bạn phải đi qua huyện Châu Thành Bến Tre rồi mới đến huyện Bình Đại. Đường đi đã có chỉ bảng nên bạn có thể đi thoải mái mà không sợ bị lạc.
Sau khi đến huyện Bình Đại, bạn đi thẳng đi thẳng sẽ gặp chùa Vạn Phước, ngôi chùa này là địa điểm ĐÁNG ĐỂ ĐI DU LỊCH NHẤT ở tỉnh Bến Tre dành cho những bạn mê đi chùa. Ngôi chùa này RẤT RẤT ĐẸP, khuôn viên rất rộng và kiến trúc khá giống với những ngôi chùa, đình ở bên Trung Quốc.
Điểm nổi bật nhất của ngôi chùa này là tượng phật Di Lặc ở gần ngoài cổng, tượng phật này do kiến trúc sư Võ Thanh Bình thiết kế và khởi công xây dựng năm 2009, mãi đến năm 2010 thì hoàn thành. Tượng phật được sơn màu vàng chói lóa nên nhìn rất nổi bật, bên dưới tượng phật có tháp, cách bài trí xung quanh khá là đẹp. Bạn có thể từ từ khám phá tượng phật này rồi hễ đi nhé.
Khi đã khám phá xong, bạn sang bên cạnh tham quan hồ sen, sung, sau đó bạn đi thẳng vào bên trong sẽ nhìn thấy một ngọn tháp cao và tượng phật bà, bạn đi thẳng còn đường đó rẽ qua một cái cầu bạn sẽ thấy những ngôi đình bên trong nữa. Ở chỗ này RẤT ĐẸP, RẤT SẠCH VÀ RẤT YÊN TĨNH. Bạn bỏ dép ở ngoài, đi thẳng vào để xem. Bên trong những ngôi đình thờ phật tổ, phật bà, các vị sư. Bên dưới là nước, bên trên là đình kiểu của bên Trung Quốc. Mình đã chết ngất khi thấy ngôi chùa Vạn Phước vì nó quá đẹp.
+ Biển Thừa Đức
Đây là điểm cuối cùng mình tham quan du lịch ở Bến Tre, nếu bạn tham quan xong chùa Vạn Phước, bạn đi thẳng hoài, hỏi người dân thì sẽ đến biển Thừa Đức. Trước khi đi mình không hỏi thăm trước nên bị hố. Biển Thừa Đức là một vùng biển nằm trong huyện Bình Đại, biển không được sạch sẽ vì bị nhiễm nước mặn, phèn. Biển hoang sơ lắm, nhưng nếu bạn thích ngắm biển có thể đi biển Thừa Đức nhé. Ở đây bạn có thể ăn các món như ốc, sò, bánh xèo.
Ngoài ra, ở Bến Tre còn có nhiều địa điểm du lịch khác, ban có thể tham khảo qua bài viết Top 5 địa điểm đi du lịch ở Bến Tre khác của mình nhé!
Nói đến Bến Tre người ta sẽ nghĩ ngay đến ngày 17/1/1960, đây là ngày diễn ra cuộc đấu tranh chính trị đầu tiên được phát động tại Bến Tre. Cuộc nổi dậy đầu tiên diễn ra tại xã Định Thủy huyện Mỏ Cày Nam tỉnh Bến Tre sau đó lan rộng sang các xã khác và thậm chí là tỉnh khác của nước ta. Trong khu di tích Đồng Khởi có tổng cộng 2 lầu, cả 2 đều trưng bày hình ảnh của các cuộc đấu tranh chính trị, những tội ác của bọn Mỹ Ngụy đã ngược đãi chiến sĩ của quân ta, không chỉ có những bức ảnh còn có những bức tranh sơn dầu được sơn và vẽ khá tỉ mỉ thể hiện cuộc chiến đấu oai hùng của dân tộc ta thời kỳ ấy.
Bạn có thể xem kỹ thông tin này qua video mà mình quay sau đây nhé!
Cồn Phụng là một khu du lịch sinh thái nằm ở xã Tân Thạch, huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre, Cồn Phụng là nơi giao nhau giữa sông Tiền và xã Tân Thạch của huyện Châu Thành. Để đi đến được Cồn Phụng, từ TP Bến Tre, bạn đi thẳng về hướng cầu Rạch Miễu, sẽ có một ngã rẽ phải chỉ đường đi Cồn Phụng. Bạn đi thẳng theo hướng đó là sẽ đến chỗ có ghe. Tại đây nếu bạn đi xe máy bạn có thể gửi xe với phí gửi xe là 10.000đ, sau khi gửi xe xong bạn phải mua vé tàu để đi qua được Cồn Phụng, giá vé cho mỗi người là 50.000đ/lượt/ người. Nếu như bạn muốn tàu chở bạn đến các điểm tham quan khác trên đường đi Cồn Phụng như đảo dừa để xem rõ cách làm bánh kẹo dừa, nơi đờn ca tài tử để nghe hát và những nơi uống nước trà thì bạn mua thêm vé, vé này có giá trị 150.000đ/người/lượt. Thời điểm mình đi, mình chỉ mua vé 50,000đ thôi, vì bạn mình nói mấy điểm đó nó cũng bình thường thôi, nên mình đã đi thẳng qua Cồn Phụng.
Đi từ chỗ bến qua Cồn Phụng mất 20 phút, bạn đi bằng ghe máy, hoặc tàu lớn. Đường đi bạn sẽ được nhìn thấy rạch dừa, tàu thuyền và nhà bè nổi trên mặt nước.
Đến Cồn Phụng, bạn lên rồi từ từ thưởng thức cảnh đẹp ở đây. Đi vào Cồn Phụng bạn sẽ thấy trò chơi bong bóng nước, leo cầu khỉ, leo dây qua cầu, ngắm đồi hoa mặt trời, nhìn cá sấu, cách để làm kẹo dừa, các loại đồ lưu niệm, có một chỗ có 9 cột hình con rồng, mỗi cột có 3 con rồng quấn quanh nhìn rất đẹp. Quanh quanh Cồn Phụng là nhà hàng mọc khắp nơi, nhà hàng ở đây tương đối mát, có rất nhiều loại cây trái, rau củ quả. Bạn có thể ăn các món đặc sản ở đây như nước dừa, cá tai tượng, bánh phồng chiên xôi…
Đợt này mình đi, mình thích thú nhất là trò chơi leo qua dây, kiểu giống như leo qua cầu khỉ nhưng chỗ này là leo qua dây, có một dây giữ ở trên và một dây ở dưới chân, bạn bám vào dây ở trên và đu theo dây ở dưới để qua được bờ bên kia. Nói chung mình khá thích thú trò này nên mình đã thử, mình thấy rất là phê. Bạn hãy nhìn hình ảnh của mình nhé, bạn sẽ rất muốn thử đấy.
Mình đi Cồn Phụng với bạn mình, mình thấy Cồn Phụng đẹp, du lịch đúng chất miền Tây sông nước, mình thích kiểu du lịch như vậy.
À, mình quên, mình có tham dự hội hoa xuân ở đường Hùng Vương TP Bến Tre và đến công viên Đồng Khởi ở Bến Tre nữa, mình ghi lại hình ảnh dưới đây, cho mình khoe hình nhé hehe.
KẾT LUẬN
Trên đây là kinh nghiệm du lịch bụi miền Tây bằng xe máy của mình, có thể nói đây là một chuyến phượt khủng nhất mà mình từng đi, vì chặng đường khá dài và khá mệt nhưng rất rất vui và thú vị. Mình đã ghi lại khá chi tiết qua bài viết, đợt này mình làm siêng nên qua từng địa điểm mình đã cố gắng quay lại rất nhiều video để xem thực tế, bạn muốn hiểu rõ từng địa điểm thì click vào video để xem nhé!
Cuối cùng, mình xin kết thúc bài viết tại đây, chúc bạn có một năm mới an lành, thành công và hạnh phúc!
XUKIEN.BLOGSPOT.COM