Bhutan của tôi – ký sự chuyến đi đến quốc gia hạnh phúc

1385

Chuyến đi đến đất nước hạnh phúc nhất thế giới

Chuyến đi Bhutan được quyết định trước đó 3 ngày vào thời gian trước kỳ nghỉ lễ nên tôi chưa kịp có sự chuẩn bị nào cả, thời gian để tôi tìm hiểu về Bhutan là thời tiết và các quy tắc cần tuân thủ khi đến đất nước bạn mà thôi. Với vốn tiếng Anh nghe thì nghe hết nhưng chẳng hiểu được bao nhiêu nên hầu như những gì tôi nhớ về Bhutan chủ yếu là sự cảm nhận mà khả năng viết còn hạn chế nên không thể diễn tả hết được.

Ấn tượng đầu tiên là đội ngũ tiếp viên quá thân thiện, chân thành, kiên nhẫn và niềm nở nên chúng tôi vẫn rất hài lòng với Bhutan Air dù phải ngồi chờ đợi quá lâu trên máy bay và thức ăn thì khó dùng bởi món cà ri đặc trưng của Ấn khi chặng bay dừng tại Kolkata – Ấn Độ để đón trả khách. Người Bhutan hiền lành, chân thành nên dẫu đôi khi có điều gì có gây bất tiện cho hành khách thì hành khách vẫn sẵn lòng chấp nhận và đồng hành.

Chúng tôi đến Bhutan vào giữa trưa sau gần 4 tiếng bay từ Bangkok và 3 giờ delay ngồi trên máy bay tại Kolkata vì lý do thời tiết tại Paro. Sân bay Paro nằm ẩn trong thung lũng với đường băng chỉ vỏn vẹn 2 km, đồi núi bao quanh nên được xếp vào một trong những sân bay nguy hiểm nhất thế giới và chỉ có khoảng 10 phi công được cấp giấy phép hạ cánh tại đây. Máy bay chỉ được hạ cánh vào những khi nắng trong và phải đối diện với các luồng gió mạnh len giữa các khe núi.

choi-gi-o-bhutan-bhutan-travelpx.net-25

Rời sân bay Paro, chúng tôi đến thủ đô Thimphu bằng đường bộ cùng với bác tài Tenzin và anh hướng dẫn viên Karma trong bộ trang phục truyền thống gho. Thời tiết mát mẻ và trong lành sau cơn mưa buổi sáng (lý do chuyến bay bị delay vì mây che khuất tầm nhìn của phi công) với một bên đường là núi đá, một bên là dòng sông êm đềm đã giúp chúng tôi chẳng những tan biến mọi mệt mỏi của chặng bay dài mà còn thêm hứng khởi để bắt đầu cho hành trình trải nghiệm.

Bhutan có địa hình gần giống như vùng Đông Bắc Việt Nam, đồi núi trập trùng hùng vỹ với những cánh rừng thông xanh mát. Chất lượng đường xá có nhiều đoạn đường hẹp và chưa được trải nhựa khiến chúng tôi nhiều lần thót tim trong ngày đầu tiên nhưng với kỹ năng lái xe cộng với sự cẩn thận của bác tài đã làm chúng tôi ngày càng yên tâm ngồi sau tay lái để có thể đi bất kỳ nơi đâu. Có lẽ nhờ bản chất hiền lành, không bon chen, không tranh giành của người Bhutan nên tại nạn giao thông ở đây hiếm khi xảy ra dù là địa hình đồi núi hiểm trở.

[codepeople-post-map]

Thimphu nằm ở độ cao 2.400m so với mực nước biển, là thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Bhutan. Cung điện hoàng gia và các cơ quan quản lý chính phủ được đặt trụ sở tại đây. Khi vừa đặt chân đến Thimphu chúng tôi được Karma cho mượn bộ trang phục truyền thống gho và kira mặc vào để được hòa vào đám đông người bản địa. Người Bhutan vẫn mặc gho và kira như một trang phục bình thường khi ra đường, đi học, đi làm. Học sinh, nhân viên công sở hay quan chức đều phải mặc Gho nếu là nam và Kira nếu là nữ.

Khoác lên người trang phục truyền thống, chúng tôi dạo quanh thành phố, tham quan các đền thờ quanh thủ đô và tranh thủ đến cung điện hoàng gia vào giờ tan tầm để có cơ hội vẫy tay chào nhà vua ra về. Thật tiếc là chiều hôm ấy vua không làm việc tại cung điện, chúng tôi chỉ có dịp dạo quanh một phần hoàng cung – nơi dành cho du khách tham quan. Người dân Bhutan rất yêu quý và tôn trọng nhà vua và hoàng hậu, chúng tôi có thể thấy điều đó qua ánh mắt người dân khi kể về đức vua và hoàng hậu của họ. Đi bất kỳ nơi đâu cũng có khung ảnh của nhà vua và hoàng hậu ở những vị trí được trang trọng trong nhà, sảnh khách sạn, nhà hàng,… hay được cài trên ngực áo phía bên trái như một cách thể hiện tình yêu của họ dành cho đức vua và hoàng hậu.

choi-gi-o-bhutan-bhutan-travelpx.net-1

Chúng tôi chọn Cheri Goemba là điểm tham quan tiếp theo vào sáng ngày hôm sau. Cheri Goemba là tu viện được Shabdrung Ngawang Namgyal – người sáng lập ra Bhutan – xây dựng vào năm 1620 ở độ cao 2.600m. Để đi được đến tu viện, chúng tôi trèo đồi giữa những tán cây xanh mát rượi rắn chắc như những chàng trai và những cánh hoa rừng xinh tươi đằm thắm như những cô gái của Bhutan khoảng hơn một tiếng mà không hề cảm thấy mệt mỏi nhiều. Khi đứng nhìn sự yên bình của dòng sông trôi êm ả bên dưới và núi đồi xanh mướt từ tu viện Cheri trên cao, tôi như muốn ngồi mãi nơi ấy và có lẽ từ khoảnh khắc đó tôi đã phải lòng Bhutan.

Trở lại với thủ đô Thimphu vào chiều tối, chúng tôi đi bộ dạo quanh khu chợ đêm và mua cho mình mỗi người một bộ trang phục truyền thống vì sau khi mặc gho, kira một ngày trước đó chúng tôi thật sự rất thích vì bộ áo rất ấm áp và rất đẹp. Anh bạn mặc gho trông thật lịch lãm, còn chị bạn và tôi thì dịu dàng nữ tính trong trang phục kira. Khoác lên người trang phục truyền thống Bhutan, chúng tôi dường như cũng tự điều chỉnh cách đi đứng, cách nói chuyện của mình một cách chỉnh chu hơn.

Là thành phố lớn nhất ở Bhutan với các khách sạn 5 sao, nhà hàng, quán cà phê internet, trung tâm mua sắm, club nhưng Thimphu vẫn giữ được bản sắc và giá trị văn hóa giữa nhịp sống hiện đại. Hệ thống ngân hàng chưa phát triển nhiều nhưng cũng đã có các trụ ATM được đặt nhiều nơi để phục vụ cho du khách, người dân. Tại khu chợ cuối tuần, “xe” ATM được đưa đến vị trí cạnh chợ vào sáng sớm để phục vụ nhu cầu rút tiền của người dân và được đưa về ngân hàng khi chiều tối nhằm đảm bảo vấn đề an ninh dù việc trộm cắp hiếm khi xảy ra.

choi-gi-o-bhutan-bhutan-travelpx.net-23

Suốt các chặng đường từ ngày đầu tiên chúng tôi đã được bác tài ưu ái mở những bài hát tình ca của Bhutan. Dù không hiểu được nội dung của bài hát nhưng được nghe giọng hát trầm ấm của nam ca sĩ quyện với giọng nữ nhẹ nhàng thanh thoát giữa khung cảnh rừng núi bao la, chúng tôi thấy lòng mình thổn thức.

Chúng tôi ghé thăm Dochula Pass – nằm trên đỉnh một ngọn đèo, được xây dựng nhằm tưởng niệm cho những người lính Bhutan thiệt mạng trong cuộc chống lại quân nổi dậy Ấn Độ vào năm 2003 – trên đường đi đến cố đô Punakha từ Thimphu. Đứng trên Dochula chúng tôi đã nhìn được toàn cảnh 360 độ của dãy núi tuyệt đẹp Himalaya. Khi ghé vào quán nước nằm đối diện uống tách trà nóng, tôi thấy Dochula với 108 bảo tháp uy nghi phủ đầy tuyết trắng yên tĩnh nằm trên đèo giữa khung cảnh hùng vĩ của núi tuyết Himalaya vào mùa đông trong các bức ảnh được treo bên trong, tôi thầm ước có dịp được chứng kiến hình ảnh tuyết rơi từ chiếc bàn nước xinh xắn trong không gian ấm cúng của quán nước dành cho khách lữ hành này.

Kiến trúc Dzong (pháo đài tu viện) ở Bhutan nổi tiếng với nhiều đặc điểm kiến trúc đặc thù như tường bao dốc đứng nghiêng về phía trong, xây bằng gạch đá, sơn trắng, có ít hoặc không có cửa sổ. Cửa ra vào đồ sộ thường làm bằng gỗ và sắt. Sân và các ngôi đền được trang trí bằng các mô tuýp nghệ thuật có chủ đề Phật giáo. Punakha Dzong là pháo đài có kiến trúc đẹp nhất Bhutan được Zhabdrung Ngawang Namgyal xây dựng vào năm 1637 với mục đích là trung tâm tôn giáo và hành chính của địa phương. Punakha Dzong cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử của Bhutan. Bị hư hỏng do thảm họa thiên nhiên, pháo đài đã được khôi phục bởi vị vua thứ tư – vị vua điều hành đất nước trong 40 năm từ khi ông 17 tuổi và là người đã cho thế giới thấy được tầm nhìn chiến lược và chủ nghĩa nhân đạo hướng đến cuộc sống của ông. Đám cưới của vị vua trẻ điển trai thứ năm đương nhiệm và hoàng hậu xinh đẹp yêu kiều cũng được tổ chức nơi đây vào năm 2011.

choi-gi-o-bhutan-bhutan-travelpx.net-40
choi-gi-o-bhutan-bhutan-travelpx.net-42
choi-gi-o-bhutan-bhutan-travelpx.net-22
choi-gi-o-bhutan-bhutan-travelpx.net-8

Bhutan – Travelpx.net-8
choi-gi-o-bhutan-bhutan-travelpx.net-51
Bhutan – Travelpx.net-51
choi-gi-o-bhutan-bhutan-travelpx.net-50
Bhutan – Travelpx.net-50
choi-gi-o-bhutan-bhutan-travelpx.net-31
Bhutan – Travelpx.net-31

NHIẾP ẢNH VÀ PHƯỢT