Du lịch Buôn Mê Thuột Dak Lak, Du lich Dak Lak, Phượt Bụi

1543

du-lich-buon-me-thuot

Ảnh: Lê Ngọc Long flickr.com/photos/99763605@N07

Đi Buôn Mê Thuột khi nào? | Phương tiện đi Ban Mê | Chơi gì ở Ban mê? | Khách sạn ở Dak lak

Đak Lak là một tỉnh nằm ở trung tâm khu vực Tây Nguyên nước ta với thành phố lớn nhất tỉnh là Buôn Mê Thuột, cách Hà Nội 1410km và cách thành phố Hồ Chí Minh 350km. Đak Lak được coi là một trong những cái nôi nuôi dưỡng Văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên – di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Vì vậy có thể nói du lịch Đak Lak – Buôn Mê Thuột gắn liền với văn hóa của các dân tộc thiểu số nơi đây.

Đây cũng là tỉnh có diện tích trồng cà phê và sản lượng xuất khẩu cà phê lớn nhất trên cả nước nên khi đến với khu vực này các bạn cũng không thể bỏ qua việc thưởng thức đặc sản cafe ngay tại nơi trồng và sản xuất ra nó. Bài viết dưới đây chia sẻ một vài thông tin và Kinh nghiệm khi đi du lịch Buôn Mê Thuột và Đak Lak, hy vọng sẽ giúp các bạn có thêm nhiều lựa chọn cho chuyến đi của mình.

Nên đi Buôn mê thuột và Đak Lak vào thời gian nào?

Đak Lak là một tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, đầu nguồn của hệ thống sông Sêrêpôk và sông Ba, có độ cao trung bình 400-800m so với mặt nước biển nên có thể gọi đây là khu vực có khí hậu cao nguyên. Tuy nhiên, địa hình Đak Lak thấp dần từ Đông Nam sang Tây Bắc nên khí hậu toàn tỉnh chi thành 2 tiểu vùng:

– Phía Tây Bắc có khí hậu nắng nóng, khô hanh trong mùa khô.

– Phía Đông và Nam mát mẻ, ôn hòa.

Nhưng nhìn chung thời tiết Đak Lak chia thành 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô:

– Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10.

– Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.

Vào mùa mưa thì lượng mưa ở khu vực này rất lớn, hàng ngày có mưa từ khoảng 9h sáng đến tận 3-4h chiều nên khó khăn cho việc đi lại. Ngoài ra, một số khu vực tham quan vẫn còn là đường đất nên mưa sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc di chuyển của các bạn. Còn vào mùa khô, khoảng tháng 3-4 thì quá khô và nóng nên thởi điểm thuận lợi nhất để đi du lịch là những tháng từ tháng 12 đến tháng 2 hàng năm.

Tháng 12 dương lịch ở Tây Nguyên có nhiều lễ hội và cũng là mùa hoa dã quỳ nở vàng rực khắp các nẻo đường.

Cuối tháng 2 đầu tháng 3 tùy năm là mùa hoa cà phê nở trắng đất trời Tây Nguyên. Nên có thể nói đó là 2 thời điểm các bạn nên đi du lịch Tây Nguyên nhất trong năm.

Đi và đến Buôn Mê Thuột

Đường Hàng Không

Vietnamairlines đang khai thác các tuyến bay nối với Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh vào tất cả các ngày trong tuần. Từ giờ đến cuối năm giá vé khá rẻ.

Tp Hồ Chí Minh – Buôn Ma Thuột dưới 1tr/chiều. Có những thời điểm giá vé chỉ khoảng 600k/chiều.

Hà Nội – Buôn Ma Thuột thì ít có giá rẻ đối với đường bay này, giá khoảng 2tr8/khứ hồi. Vào năm 2013, mình có mua được vé 1tr8/khứ hồi đã thấy rẻ lắm rồi.

Đà Nẵng – Buôn Ma Thuột giá thấp nhất khoảng 2tr1/khứ hồi.

Vinh – Buôn Ma Thuột thì khai thác ít chuyến hơn, chiều Vinh – BMT có các chuyến thứ 3,4,6,7 và chủ nhật. Còn chiều ngược lại không có chuyến vào ngày Chủ nhật. Giá khoảng 2tr8/khứ hồi.

VietjetAir cũng có đường bay nối Buôn Ma Thuột với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hàng ngày, hiện có giá khuyến mại khá rẻ, khoảng 1tr1/khứ hồi từ TP Hồ Chí Minh. Còn từ Hà Nội thì vẫn đắt hơn, khoảng 2tr4/khứ hồi.

Jetstar thì chỉ có đường bay nối Buôn Ma Thuột với TP Hồ Chí Minh và Vinh, giá còn rẻ hơn VietjetAir. Chuyến BMT – Hồ Chí Minh không có chuyến bay vào ngày Thứ 3 và Thứ 5, khoảng 800k/khứ hồi. Còn BMT – Vinh thì 1 tuần chỉ có 3 chuyến vào Thứ 2, Thứ 4 và Thứ 7, giá khoảng 1tr5/khứ hồi.

Nhìn vào đây có thể nói đây là thời điểm rất thuận lợi để các bạn đi du lịch Buôn Ma Thuột – Đak Lak.

Với những dịp khuyến mãi vé máy bay giá rẻ Buôn Ma Thuột, các bạn có thể lựa chọn đi Nha Trang hoặc Đà Lạt từ Buôn ma Thuột, vì khoảng cách gần, có thể tiết kiệm được chi phí bay nếu như săn được vé giá rẻ. Một số kinh nghiệm đi Nha Trang và Đà Lạt bạn có thể đọc qua các bài viết sau:

Kinh nghiệm du lịch Nha Trang

Kinh nghiệm du lịch Đà Lạt

Du lịch Kon Tum (kinh nghiệm chi tiết)

Kinh nghiệm Du lịch Gia Lai

Đi bằng Đường bộ

Từ Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh có nhiều xe bus chạy thẳng đến Buôn Ma Thuột hoặc các huyện của Đak Lak và ngược lại

Phía Bắc – Hà Nội

  • Xe Cao Nguyên, 6h-9h từ bến xe Giáp Bát. SĐT: 0500 3866025 – 0905866025 – 0905 545122
  • Xe Hoàng Quý, 9h-8h từ Giáp Bát. SĐT: 0914 041006 – 0979 951951
  • Xe Vương Chi, 6h-9h từ Giáp Bát,6h-9h từ Đak Lak. SĐT: 0914288977.
  • Xe Anh Khôi. 8h từ Mỹ Đình, 6h30 từ Đak Lak, xe chạy vào các ngày chẵn âm lịch. SĐT: 0919 472539 – 0913 433989
  • Xe Minh Vương, 8h từ Giáp Bát các ngày 7,17,27,2,12,22, 8h từ Đak Lak các ngày 5,15,25,10,20,30. SĐT: 0500 3866041 – 0905 865473 – 0914 288977
  • Xe Đức Thân, xuất phát 8h các ngày 3,8,13,18,23,28 âm lịch từ bến xe Giáp Bát, 8h các ngày 1,5,9,13,17,21,25,29 âm lịch từ bến xe Mỹ Đình, 8h các ngày 1,3,6,7,11,15,16,19,21,23,26,27,29 âm lịch từ Đak Lak. SĐT: 05003813631 – 0906472125 – 0973300444 – 0914075155
  • Xe Hải Cường, 8h từ Đak Lak, SĐT: 0500 3506506 – 0914 071716- 0913 487087
  • Xe Cường Em, gọi SĐT 0500 6292948 – 0914 052929 để biết giờ xe chạy.
  • Xe Hồng Anh, 7h ngày chẵn âm lịch từ Đak Lak, 9h ngày chẵn âm lịch từ Mỹ Đình. SĐT: 0500 3637153 – 0903 575665 – 0982 303030 – 0942 103030

Phía Nam – Thành phố Hồ Chí Minh

  • Xe Anh Khoa, có nhiều xe xuất phát từ TP Hồ Chí Minh vào các giờ: 9h – 21h – 21h30 -22h. SĐT: 08 38393939 – 0500 3848484.
  • Xe Thanh Khuê, TP HCM – Buôn Mê Thuột – Cư Mgar. Gọi SĐT: 0500 3957957 – 08 39916694 để biết giờ xe chạy.
  • Xe CƯỜNG EM, Đak Lak – TP HCM. Gọi SĐT: 0500 6298948 – 0914 052929 để biết giờ xe chạy.
  • Xe Anh Thắng: 20h30 từ TP HCM và 19h30 từ M Đrak. SĐT: 050 3858286 – 0905 858286 – 0987 319495 – 0906 858286.
  • Xe Tân Quý: TP HCM – Krong Năng, có 2 chuyến lúc 19h và 20h. SĐT: 0500 3871818 – 0984 333666 – 0936 222444.
  • Xe Trường Sơn: TP HCM – Buôn Mê Thuột. Gọi SĐT: 0500 3936936 – 08 35036851 – 0905 414415để biết giờ xe chạy.
  • Xe Liên Minh: TP HCM – Buôn Ma Thuột lúc 6h30. SĐT: 0905 053786 – 0905 794040.
  • Xe Tư Thảo: TP HCM – Buôn Hồ lúc 19h30. SĐT: 0976 555777 – 0936 444777.
  • Xe Sơn Hương: TP HCM – Buôn Ma Thuột lúc 18h. SĐT: 0914 117374 – 0935 482728.
  • Xe Năm Thủy: TP HCM – Buôn Ma Thuột vào các giờ: 8h – 12h – 17 – 20h. SĐT:08 39715731 – 08 38669873 – 0500 3816816 – 0500 3860777.
  • Xe Kumho Samco: có các xe từ TP HCM lúc: 9h – 10h – 12h – 14h – 20h30 – 22h. Các xe từ Buôn Ma Thuột lúc: 8h – 9h – 10h – 11h – 14h30 – 20h30 – 21h – 21h30 – 22h. SĐT: 0500 3999898 – 08 35112112.
  • Xe Cường Ny: TP HCM – Ea HLeo, chạy từ TP HCM lúc 19h30, từ Ea Hleo lúc 19h. SĐT: 0982 771886 – 0972 908908.
  • Xe Anh Phụng: Ea Hleo – TP HCM, từ Ea Hleo lúc 18h30, từ TP HCM lúc 19h. SĐT: 0989 448779 – 0500 6333379 – 0905 499489.
  • Xe Tám Ế: TP HCM – Buôn Ma Thuột – Phước An, chạy từ TP HCM lúc 21h, từ Phước An lúc 20h. SĐT: 0932 505878 – 0979 101686.
  • Xe Kim Anh: TP HCM – Buôn Ma Thuột – Phước An, từ TP HCM lúc 20h – 21h. SĐT: 0500 2484848 – 0905 997755.
  • Xe Lạc Thiện: Lak – TP HCM, chạy từ Lak lúc 16h30, từ TP HCM lúc 19h30. SĐT: 0984 959565 – 0909 576522.
  • Xe Hòa Hiệp: Cà Mau – Buôn Ma Thuột, từ Cà Mau lúc 16h50 – 17h20, từ Buôn Ma Thuột lúc 15h – 16h30. SĐT: 0906 789166 – 0943 108717.
  • Xe Thuận Lợi: Bến Tre – Buôn Ma Thuột – Ea Súp, từ Bến Tre lúc 4h. SĐT: 075 3824978 – 0913 184646 – 0989 636490.
  • Xe Ngọc Ánh: Chư Phả – Ea Hleo – Buôn Hồ – TP HCM, từ Ea Hleo lúc 18h – 19h30, từ TP HCM lúc 18h – 20h. SĐT: 0975 949969 – 0975 949909.
  • Xe Lữ Gia: TP HCM – Ea Kar, từ TP HCM lúc 20h30 – 21h30, từ Ea Kar lúc 20h – 20h30. SĐT: 0500 2466477 – 0979 222777 – 0989 223223.
  • Xe Ngọc Đường: Ea Kar – TP HCM, từ Ea Kar lúc 19h, từ TP HCM lúc 20h. SĐT: 0500 3625537 – 0909 044522 – 0907 363789
  • Xe Bảy Ánh: Vũng Tàu – TP HCM – Buôn Ma Thuột – Buôn Hồ, từ Vũng Tàu lúc 17h30, từ Buôn Hồ lúc 17h30. SĐT: 064 3624624 – 0500 3839839 – 0913 464541.
  • Xe Hòa Liêm: Krong Bông – Kim Châu – Buôn Mê Thuột – TP HCM, từ Krong Bông lúc 20h. SĐT: 0973 469469.
  • Xe Thiện Nga: TP HCM – Buôn Trấp, từ TP HCM lúc 19h – 20h. SĐT: 0914 090260 – 0905 196950.

Từ các tỉnh duyên hải Miền Trung

  • Từ Đà Nẵng, tất cả các xe đều xuất phát từ bến xe Trung tâm – số 201 đường Tôn Đức Thắng: xe Mai Linh (khởi hành 17h), Hoàng Long (khởi hành 22h – xuất phát từ văn phòng Hoàng Long 161 Tôn Đức Thắng, Đà Nẵng), Quốc Đạt (khởi hành 15h), giá đều là 300k.
  • Từ Tuy Hòa, các bạn có thể đi xe Thuận Thảo, từ Tuy Hòa lúc 7h30, từ Đak Lak lúc 14h, giá vé 100k.
  • Từ Nha Trang, có nhà xe Nhã Thành, xuất phát từ bến xe Cam Ranh lúc 5h30, giá 110k.
  • Vì vậy, đối với các bạn muốn di chuyển bằng phương tiện tàu hỏa, các bạn cũng có thể đến các ga ở các tỉnh miền Trung này và bắt xe bus lên Buôn Ma Thuột theo hướng dẫn phía trên.
  • Từ Buôn Ma Thuột các bạn có thể hỏi ngay lịch chạy xe, giá vé đi tới các điểm tiếp theo hoặc chiều về ngay tại bến xe. Cá nhân mình thì thấy các nhà xe hiện nay đều củng cố dịch vụ của mình để thu hút được nhiều khách du lịch hơn nên mình dịch vụ chóng, tận tình, nhân viên lịch sự hơn và các điểm dừng đỗ cũng hợp lý, sạch sẽ hơn. Cách đây 5 năm, nhiều hành khách đều kêu ca về việc đi xe khách đường dài bị nhồi nhét, dừng ăn tối không ngon, chỗ đi vệ sinh không hợp lý. Nhưng năm ngoái khi mình đi Tây Nguyên mình thấy mọi vấn đề đều không có gì phải kêu ca. (Không hiểu do mình may mắn hay do dễ tính, he he).

phuot-buon-me-thuot

Thác Dray Sap

Di chuyển trong Thành phố Buôn Mê Thuột

Đối với mỗi chuyến đi, điểm dừng chân đầu tiên của các bạn thường sẽ là khu vực trung tâm, với Đak Lak đó chính là thành phố Buôn Ma Thuột. Khi đến Buôn Ma Thuột, các bạn có thể dễ dàng di chuyển từ sân bay hay bến xe vào khu vực Trung tâm thành phố bằng taxi hoặc xe ôm.

Sân bay Buôn Mê Thuột vào trung tâm thành phố

Từ sân bay Buôn Ma Thuột vào trung tâm thành phố – Ngã 6 Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột, khoảng 10km, đa phần khách sẽ đi taxi vào thành phố, theo kinh nghiệm của mình thì các bạn gọi xe chạy theo đồng hồ, không nên đi trọn gói vì thường đắt hơn (không giống dịch vụ taxi ra Nội Bài từ Hà Nội). Taxi ở đây không có hiện tượng đi vòng vèo để lấy thêm tiền của khách, nhưng để chắc ăn các bạn vẫn nên xem bản đồ trước, tránh trường hợp không biết một tý thông tin gì ở nơi đến cả. Trong khu vực sân bay thì không có xe ôm nhưng nếu các bạn muốn đi xe ôm thì có thể đi ra phía ngoài của sân bay, cạnh đường lớn thì có thể đi xe ôm vào trung tâm.

Nếu các bạn đặt phòng nghỉ ở các khách sạn lớn 3-4* như Sài Gòn – Ban Mê, Dakruco, Đam San… thì các khách sạn này đều có dịch vụ đón hoặc đưa khách tới sân bay.

Từ bến xe vào trung tâm

Từ bến xe thì đơn giản hơn, vì bến xe chỉ cách Trung tâm thành phố khoảng gần 4km, nằm cùng trên trục đường Nguyễn Tất Thành nên các bạn có thể đi xe ôm hoặc taxi tùy thích. Tất nhiên mình khuyên các bạn trước khi di chuyển từ điểm này sang điểm khác, các bạn nên xem trước quãng đường mình cần đi trên google maps, để tránh việc các bạn không biết một tý gì về đường đi, điểm đến, sẽ là một điểm gây khó khăn cho chuyến đi của các bạn.

Di chuyển trong thành phố

Để di chuyển chủ động di chuyển trong thành phố hoặc di chuyển sang các huyện khác của tỉnh Đak Lak, các bạn có thể thuê xe máy với giá 120-150k/ngày tùy xe số hay xe ga.

– Thuê xe máy ngay tại Khách sạn, Nhà nghỉ mình ở đó bằng cách hỏi ở quầy lễ tân hoặc bảo vệ.

– Thuê qua các dịch vụ cho thuê xe máy:

Thuê xe máy ở Buôn mê thuột

  • Bác Tiến: 0913 458537.
  • Anh Cường: 0984 222441 (ngõ 587 Lê Duẩn).
  • Anh Bo: 0944 070044 (98/9 Ywang).

Nhưng nếu thuê xe của các dịch vụ bên ngoài này, các bạn nên gọi điện đặt trước và trao đổi kỹ càng các thông tin về xe để khi nhận xe không bị thất vọng.

Khi di chuyển sang các huyện khác của tỉnh Đak Lak, ngoài việc thuê xe máy các bạn có thể bắt xe bus từ đường Lê Hồng Phong (sau lưng Bảo tàng, đối diện trường THPT chuyên Nguyễn Du).

– Krong Pak – Buôn Ma Thuột, 22k.

– Xe bus chất lượng cao Buôn Ma Thuột – M’Drak, 42k.

– Buôn Ma Thuột – Buôn Trấp, 16k.

– Buôn Ma Thuột – Lak, 23k.

– Buôn Ma Thuột – Krong Bông, 23k.

– Buôn Ma Thuột – Cư M’gar, 21k.

– Buôn Ma Thuột – Buôn Đôn, 19k.

– Buôn Ma Thuột – Krong Nô, 20k.

– Buôn Ma Thuột – Đak Mil, 24k.

– Buôn Ma Thuột – Cư Jut, 12k.

– Buôn Ma Thuột – Cư Kuin, 12k.

Riêng tuyến Buôn Ma Thuột – Buôn Hồ các bạn đón xe ở đường Lê Thánh Tông, gần hội sở Vietcombank. Thường cứ 15-30’ sẽ có một chuyến xe.

Thuê xe ô tô ở Buôn ma thuột

Ngoài ra, nếu các bạn là một nhóm đi du lịch thì có thể thuê xe ô tô riêng để di chuyển từ điểm này sang điểm khác. Các bạn có thể thuê của Khách sạn mình ở hoặc tham khảo một vài công ty Vận tải dưới đây:

– Công ty Trúc Lâm: 96 Lê Thánh Tông, 0500 3916399 – 0943909574.

– Công ty Hoàng Nguyên: 0500 3955025 – 0983 283535.

– Công ty Thùy Dung: 0500 2461111.

Nhưng các bạn nhớ thỏa thuận giá cả, việc trả tiền xăng, lệ phí cầu đường, dừng đỗ… trước với nhà xe. Thường thuê xe ô tô trọn gói theo ngày thì khách không phải trả tiền đổ xăng nhưng phải thỏa thuận trước là đi trong vòng bao nhiêu km, dừng mấy điểm và lịch trình cụ thể như thế nào.

du-lich-bui-buon-me-thuot

Thành phố Buôn ma Thuột

Quán ăn ngon ở Thành phố Buôn Ma Thuột

Mình có một người bạn là dân bản địa ở đây thì có chia sẻ về việc khách du lịch thích thưởng thức thịt rừng Buôn Ma Thuột. Nhưng thực tế thì thịt rừng bây giờ không hề săn bắt được nhiều trong tự nhiên nên nếu các bạn có người quen ở đây dẫn đi thì may ra mới đúng là thịt rừng. Còn nếu chỉ là khách bình thường vào quán gọi món thì có thể cũng chỉ là thịt nuôi mà thôi. Cá nhân mình không phân biệt được rõ ràng, thì thấy quan trọng là thưởng thức trong không khí núi rừng Tây Nguyên thì cũng đặc biệt hơn rồi.

Quán ăn ngon trong trung tâm thành phố:

  • – Thịt rừng nướng ở quán Tú Nhi, trên đường Ngô Quyền.
  • – Quán Cà Te, 158 Lê Thánh Tông, các bạn nên thử món bò nhúng me.
  • – Lẩu mắm ở 72 đường Phan Chu Trinh.
  • – Lẩu bò trên đường Bà Triệu.

– Nếu muốn ăn buffet, các bạn có thể vào Làng Cà phê Trung Nguyên vào tối thứ 7 và tối Chủ nhật hàng tuần, tiệc buffet ở đây bao gồm hơn 50 món, có nhiều món đặc sản Đak Lak như ếch om cà đắng hay các món đặc trưng của Làng cà phê như cánh gà sốt cà phê, cơm chiên cà phê…

– Nếu muốn ra khu trung tâm, có rất nhiều quán để các bạn lựa chọn thì có thể ra đường Ngô Quyền, Lê Thánh Tông hoặc Đào Duy Từ vào buổi tối, có vô số các loại món, giá cả chấp nhận được.

Còn Buôn Ma Thuột có nhiều món ăn nhẹ, ăn trưa hấp dẫn vừa rẻ vừa ngon mà các bạn nên thử:

  • – Cơm gà Amateur 251 Hoàng Diệu.
  • – Bún đỏ ở Phan Đình Giót.
  • – Bún bò Huế ăn sáng (nghe nói nổi tiếng nhất BMT luôn) ở góc đường Lê Thánh Tông – Ngô Đức Kế, nhưng giá những 40k/tô.
  • – Bún thịt nướng ở ngã tư Hoàng Diệu – Nguyễn Trãi, bán buổi chiều đến tối. Hoặc quán Mai trên đường Điện Biên Phủ, gần chùa Kỳ Viên.
  • – Bún cá Cây Sao, 170A Lý Thường Kiệt.
  • – Hủ tiếu và bánh mỳ bò kho ở ngã tư Y Jut – Phan Bội Châu. Đối diện có quán cơm Tấm.
  • – Bánh canh gà ở ngã tư Phan Bội Châu – Đào Duy Từ. Đối diện có quán Bánh Xèo nhưng nhìn không được sạch sẽ lắm.
  • – Bánh xèo Ninh Hòa, cuối đường Quang Trung, khoảng 7-8h là hết rồi nên các bạn nên đến sớm.

Ăn vặt buổi tối các bạn có thể đến khu chợ đêm Ngã 6, ngay đầu chợ đêm có một quán đồ nướng ngon và rẻ nhưng cần chú ý túi xách, điện thoại của mình. Hoặc khu đường Y Jut, Phùng Chí Kiên, Phan Bội Châu.

Nhắc đến Buôn Ma Thuột hay Đak Lak thì các bạn cũng không thể bỏ qua việc thưởng thức cà phê ở vùng đất xuất khẩu tới 60% tổng sản lượng cà phê của cả nước.

Nhiều bạn nói vào Làng cà phê Trung Nguyên đắt nhưng mình nghĩ đây cũng là một điểm rất đáng đến để thưởng thức cà phê. Giá thì tất nhiên là sang chảnh giống tất cả các quán khác trong hệ thống cà phê Trung Nguyên nhưng không gian phải nói là có một không hai. Các bạn có thể vừa nhâm nhi ly cà phê, vừa thưởng thức không gian yên tĩnh, xưa cũ của nơi này. Vừa được giới thiệu cách phân biệt các loại hạt cà phê khác nhau, rồi lúc về có thể mua cà phê hạt, cà phê bột để làm quà cho người thân, bạn bè nữa. Tuy nhiên, với kiểu người mê mẩn cà phê như mình thì mua trong Làng cà phê rất dễ bị dụ mua nhiều, mua loại đắt. Làng cà phê chia thành nhiều khu và có cả khu ẩm thực như mình giới thiệu phía trên.

Ngoài ra cũng có các quán khác mà các bạn có thể thưởng thức cà phê ngon như:

– Thiên đường cà phê Mêhycô, 19/3 Nguyễn Văn Cừ.

– Vị đắng, 21 Mai Hắc Đế.

– Không gian xưa, 87 Y Ngông.

– Hẻm cà phê, 6/3 Lê Đại Hành.

Du lịch Buôn mê thuột và Đak Lak

Thành phố Buôn Ma Thuột

Đến với thành phố Buôn Ma Thuột, các bạn chắc chắn sẽ đến khu vực trung tâm Thành phố, đó chính là khu Ngã 6 với Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột – địa điểm đầu tiên mà du khách đến với thành phố muốn tham quan. Ngay cạnh đó là Nhà thờ Chính Tòa.

Nơi Nguồn gốc thành phố Buôn mê thuột

Khi đến với Buôn Ma Thuột, không thể không đến thăm nơi gọi là “nguồn gốc” của thành phố Buôn Ma Thuột hiện nay. Đó chính là Buôn Ako D’Hông, nằm cuối đường Phan Chu Trinh, cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 2km. Tên buôn làng Ako D’Hông có nghĩa là “suối đầu nguồn”, nhưng trên bản đồ thì ghi tên là buôn Cô Thôn. Thời xưa, đây là buôn làng hùng mạnh, có tiếng giàu có nhất, còn được gọi là “buôn nhà ngói” hay “buôn Ama Rin” – lấy tên của người chủ buôn, người đã góp phần khai hóa đất đai, rừng hoang thành buôn Ako D’Hông ngày nay. Hiện nay, những ngôi nhà cổ trong buôn được giữ nguyên để khách du lịch có thể tham quan, người dân được trợ cấp tiền xây nhà mới ở ngay cạnh ngôi nhà cổ đó. Những ngôi nhà cổ này được đánh số nhà, quy hoạch trong buôn rất đẹp, đường đi vào được trồng hoa sạch sẽ, thơ mộng để du khách có thể đi dạo và tham quan cuộc sống buôn làng Tây Nguyên nơi đây.

Ngoài ra, các lễ hội được già làng Ama Rin tổ chức thường xuyên để gìn giữ nếp sống văn hóa của buôn làng.

Các bạn có thể ăn trưa ngay trong Buôn Ako D’Hông này, đầu buôn có quán Yang Sinh nhiều món ngon, phục vụ chu đáo, nhân viên xinh nữa và giá cả thì tương xứng. Hãy thử một vài món tên nghe chuẩn Buôn Ma Thuột ấy, thì mới hợp với khung cảnh ở đây.

Bảo tàng Dân tộc Đăk Lăk (đường Lê Duẩn)

Đây cũng là một địa điểm các bạn không nên bỏ qua khi đến Buôn Ma Thuột. Bảo tàng nằm trong khuôn viên Biệt điện Bảo Đại cũ với những cây long não to khổng lồ, hết sức mát mẻ nên mình thấy rất nhiều sinh viên tới đây để dạo mát, học bài…Bảo tàng là một công trình kiến trúc kết hợp giữa một nhà rông, một nhà dài của người Ê Đê và nhà trệt của người M’Nông.

Bảo tàng rất hiện đại, trưng bày nhiều hiện vật của các dân tộc Tây Nguyên và sử dụng 4 thứ tiếng là tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Ê Đê để trưng bày và thuyết minh, rất đáng để ghé thăm.

Trên tầng 2 của bảo tàng được chia thành 3 khu trưng bày với các chủ đề chính:

– Đa dạng sinh học: trưng bày hiện vật, hình ảnh về hệ sinh thái và địa hình, thổ nhưỡng của Tây Nguyên.

– Văn hóa dân tộc: trưng bày hiện vật, hình ảnh về đời sống sinh hoạt của con người Tây Nguyên như người Ê đê bản địa và các dân tộc nhập cư khác.

– Lịch sử: trưng bàu hiện vật, hình ảnh về vật dụng, vũ khí chiến đấu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất của người dân qua các thời kỳ.

Nhà đày Buôn Ma Thuột (18 đường Tán Thuật)

Cách trung tâm thành phố khoảng 1km là một di tích lịch sử kháng chiến nổi bật của thành phố Buôn Ma Thuột. Đây là di tích được xây dựng từ cuối những năm 20, đầu những năm 30 khi số lượng tù chính trị ngày càng tăng cao khiến chính quyền thực dân phải xây dựng các nhà tù, nhà đày để giam giữ những nhà cách mạng bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ. Khu vực này chính những tù nhân phải tham gia vào việc xây dựng để giam giữ chính họ. Nơi đây đã giam giữ những chiến sĩ cách mạng như Hồ Tùng Mậu, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Hồng Chương, Bùi San, Trần Văn Quang, Ngô Đức Độ…

Chùa Sắc Tứ Khải Đoan (Sắc tứ Khải Đoan tự)

Đây là ngôi chùa lớn nhất thành phố Buôn Ma Thuột và cả tỉnh Đak Lak, nằm ở đường Phan Bội Châu. Đây là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở khu vực Tây Nguyên vào năm 1951 do Hoàng Thái Hậu Đoan Huy cho xây dựng và Nam Phương Hoàng Hậu trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý việc thi công, đến khi hoàn thành được lấy tên là Khải Đoan, ghép từ tên Vua Khải Định và Hoàng Thái Hậu Đoan Huy. Đây cũng là ngôi chùa cuối cùng tại Việt Nam được phong sắc tứ của chế độ phong kiến.

Hiện chùa được bổ sung nhiều công trình mới nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn khu vực chính điện cũ và trở thành điểm tham quan không thể bỏ qua ở thành phố Buôn Ma Thuột.

Cây Kơ Nia cổ thụ nằm trong khuôn viên nhà văn hóa Trung tâm tỉnh, cách ngã 6 vài trăm mét. Cây Kơ Nia hay còn gọi là Cốc, Cầy, là một loài cây gỗ lớn, cao khoảng 15-30m, đường kính 40-60cm, là loài cây mang ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với đồng bào dân tộc thiểu số, họ coi đây là nơi trú ngụ của thần linh nên không bao giờ đụng chạm, chặt phá chúng. Vì vậy, trên nương rẫy của đồng bào thường có các cây Kơ Nia được sử dụng như cây che mát cho những lúc nghỉ giải lao, nghỉ trưa. Chắc hẳn ai cũng đều nghe đến cây Kơ Nia qua bài hát “Bóng cây Kơ Nia” nên cũng muốn một lần được tận mắt nhìn thấy loài cây này nên đây cũng là một địa điểm các bạn nên ghé thăm khi đến Buôn Ma Thuột.

Khu du lịch sinh thái Hồ Ea Kao

Hồ Ea Kao nằm cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 12km, cuối đừng Y Wang, là một hồ nước ngọt nhân tạo được đặt tên theo dòng suối Ea Kao. Ea Kao còn có nghĩa là hồ nước không bao giờ cạn, hồ nước dâng cao hay vùng núi cớ vực nước sâu.

Khu du lịch Hồ Ea Kao được đầu tư xây dựng với diện tích lên tới 120ha sẽ là một khu vực lý tưởng để các nhóm bạn tổ chức cắm trại và pic nic ngoài trời.

Tuy nhiên, dịch vụ ở đây còn khá hạn chế nên các bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến dã ngoại của mình.

kinh-nghiem-du-lich-buon-ma-thuot

Cưỡi Voi ở Buôn Đôn

Du lịch Buôn Đôn

Cách thành phố khoảng 50km về phía Tây, Buôn Đôn thuộc huyện xã Krong Na, huyện Buôn Đôn, nằm trong khu vực rừng quốc gia Yokdon là vùng đất từ lâu đã nổi tiếng với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Các bạn có thể dễ dàng đi tới đây bằng các phương tiện đã nêu ở phần trên của bài viết. Ngoài ra, các khách sạn có bán tour tới đây với giá trên dưới 1triệu/người lớn. Trên đường đi, các bạn sẽ có cơ hội ngắm nhìn Sông Đăk K’RôngHồ Thủy điện Serepok.

Buôn Đôn hay Bản Đôn là nơi chung sống của các dân tộc Ê đê, M’Nông, Gia Rai, Lào, Thái… và hiện nay là một buôn phục vụ du lịch nổi tiếng của tỉnh Đak Lak.

Trong tiếng Lào, Buôn Đôn có nghĩa là “làng đảo” vì buôn được thành lập bên cạnh con sông Serepok có nhiều đảo nhỏ nổi lên giữa dòng sông. Một bên dòng sông là buôn làng, một bên là rừng Yokdon hùng vĩ nên Buôn Đôn có địa điểm thuận lợi mà hàng trăm năm qua đã phát triển nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Có thể nói đến Đak Lak mà chưa đến Buôn Đôn coi như bạn chưa đặt chân đến Tây Nguyên.

Điều thú vị nhất ở Buôn Đôn chính là cưỡi voi. Giá cưỡi voi là 300k/30’/3 người, một con voi có thể chở 3-4 người, voi sẽ đưa các bạn đi vòng quanh buôn để tham quan và thử một chút cảm giác mạnh bằng việc vượt sông Serepok. Trên đường đi, các bạn có thể mua mía để thưởng cho chú voi của mình.

Nhà của huyền thoại săn voi Amakong cũng là một địa điểm tham quan nổi tiếng cùng với loại rượu mang tên ông. Nhưng theo mọi người hay đi lên khu vực này, thuốc ngâm rượu mua chính từ nhà ông, hiện do người con trai ông phụ trách mới là công thức chuẩn. Còn các loại bán ở trong khu du lịch thì không chắc chắn.

Ngoài ra, các bạn còn có thể thử cảm giác đi qua cây cầu treo dài nhất Việt Nam, thăm nhà dài hằng trăm mét của người dân nơi đây, thăm mộ Vua Voi…

Trong buôn cũng có khu vực ăn uống, các bạn nên thưởng thức món “Gà sa lửa” với cơm lam để thấy cái tinh tế trong ẩm thực nơi đây. Ngoài ra còn có cá suối Serepok hay măng rừng xào vách bò, rau rừng… Nếu không ăn trong khu du lịch, các bạn có thể ra ngoài đường vào khu du lịch, có nhiều nhà hàng ăn ngon, giá rẻ nhưng các bạn sẽ mất thời gian chờ đợi một chút do lúc các bạn gọi món thì nhà hàng mới bắt đầu đi làm. Từ Buôn Đôn đi ra phía thành phố, đi khoảng 1km đến giữa cầu 33 và cầu 34 có quán Lệ Thu, quán nhỏ, bàn ghế không đẹp lắm nhưng đồ ăn chất lượng, ngon. Các bạn đi đông thì nên gọi điện đặt trước: 01667755011 để được phục vụ nhanh nhất.

Hoặc vào khu trung tâm huyện Buôn Đôn thì các bạn có thể tìm nhà hàng Hồ Sen Thanh Vân, SĐT: 0500 3789343.

Nếu các bạn đi đoàn đông buổi tối cũng có thể ở homestay (40k/người) trong các nhà sàn của khu du lịch, đốt lửa trại, uống rượu cần, ăn đồ nướng…

Cách khu Trung tâm du lịch Buôn Đôn khoảng 500m về phía trung tâm huyện, cũng là một Khu du lịch sinh thái Bản Đôn, nhưng do một công ty khác khai thác thì các bạn có thể ghé chơi Thác Bảy nhánh.

Đi qua Buôn Đôn khoảng 5km, các bạn có thể viếng thăm Chùa Tâm Linh, nằm trong khu du lịch Đồi Tâm Linh với tượng Phật Quan Âm cao 40m và xung quanh là vườn tượng 18 vị La Hán được chạm khắc trên đá với nhiều tâm trạng khác nhau.

ho-lak

Vẻ đẹp bình yên ở Hồ Lak

Hồ Lak và Biệt điện Bảo Đại

Hồ Lăk, nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột 50km, theo đướng quốc lộ 27 đi về phía Đà Lạt, thuộc thị trấn Liên Sơn, huyện Lak. Đây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn thứ 2 ở nước ta sau hồ Ba Bể, hồ tuy không sâu nhưng nghe nói đáy hồ thông sang tận Biển Hồ ở Pleiku.

Theo truyền thuyết của người M’Nông, thuở xa xưa, thần lửa đã chiến thắng thần nước sau một cuộc chiến quyết liệt kéo dài nhiều mùa rẫy, khiến buôn làng của người M’Nông chìm trong đại hạn. Trong lúc đó, có một chàng trai được sinh ra giữa cuộc tình của cô gái người M’Nông với thần lửa đã đi tìm nguồn nước để cứu dân làng nhằm chuộc lại lỗi lầm của cha chàng. Sau nhiều ngày đêm vượt qua núi non hiểm trở đầy thú dữ, một lần ngồi nghỉ chàng chợt nhìn thấy chú lươn nhỏ nằm kẹt trong khe đá đang chờ chết khô. Để trả ơn, lươn đã dẫn chàng trai đến một hồ nước mênh mông và người M’Nông đã đến định cư tại đây. Hồ nước và vùng đất đó chính là hồ Lak ngày nay.

Hồ Lak rộng 5km, thông với sông Krong Ana và khởi nguồn của hồ chính là những nguồn nước từ dãy Chư Yang Sin hùng vĩ nên cảnh quan nơi đây vô cùng độc đáo, huyền diệu.

Khu vực này có Lak Resort, nằm ngay cạnh hồ, rất đáng để ở lại một đêm, giá phòng khoảng trên 1triệu. Sáng sớm, các bạn có thể đi thuyền độc mộc ngắm cảnh hồ, muộn hơn một chút đi vào những buôn M’Nông quanh hồ chụp ảnh lao động của dân làng hay sà vào chợ cóc thử một vài món ăn vặt ở đây. Quanh khu vực Hồ Lak có Buôn Jun và Buôn Lê là những buôn làng mang đậm vẻ đẹp nguyên sơ của các buôn làng Tây Nguyên. Ở đây người dân trong làng vẫn giữ được nếp sống truyền thống xưa cũ mặc dù càng ngày càng có nhiều du khách đến đây hơn.

Buổi chiều các bạn có thể lên Biệt thự Bảo Đại ở trên đồi. Khu biệt thự này tuy nhỏ nhưng vị trí trên cao nên các bạn có thể ngắm nhìn hồ Lak từ trên cao.

Đường lên Biệt thự Bảo Đại với những bức tường đá đầy rêu, hoa đại nở trắng rụng thành thảm trên mặt đường hết sức lãng mạn.

Trên khuôn viên của Biệt thự có quán cà phê phục vụ khách du lịch nhưng khi mình đến đó thì quán đang đóng cửa để sửa chữa.

thac-dray-nur-ngo-minh-truc

Thác Dray Nur – ảnh : Ngô Minh Trúc

Du lịch Thác Đrây Sáp và Đrây Nur

Cụm thác này nằm cách Trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 30km về phía Nam. Thác Đrây Sáp thuộc địa phận xã Nam Hà, huyện Krong Nô, tỉnh Đak Nông, còn thác Đrây Nur thuộc địa phận huyện Krong Ana, tỉnh Đak Lak. Cả 2 đều là thác của dòng sông Serepok nhưng nhiều người thường nhầm lẫn là một hoặc mọi người chỉ biết đó đều là thác Đrây Sáp. Nhưng thực tế sông Serepok đến khu vực này chia thành 2 nhánh đổ xuống nên tạo thành 2 ngọn thác hùng vĩ và khi chảy thêm 1 đoạn nữa thì lại sáp nhập vào với nhau.

Người dân ở đây còn gọi thác Đrây Sáp là thác Chồng, thác Đrây Nur là thác Vợ và hai ngọn thác này gắn liền với một truyền thuyết của núi rừng. Chuyện kể rằng, ngày xưa có một đôi trai gái của hai bản khác nhau yêu nhau tha thiết nhưng do hai bản có xung đột với nhau nên tìm đủ mọi cách ngăn cấm. Không nhận được sự cảm thông của dân làng, không thể hòa giải xung đột giữa hai bản, vào một đêm trăng, cả hai đã nhảy xuống sông để trọn đời bên nhau. Tức giận vì sự ích kỷ của dân làng dẫn đến quyết định sai lầm của đôi trẻ, trời nổi cơn giông bão, nước cuồn cuộn dâng cao, chia sông thành hai nhánh, ngăn cách đường đi của 2 dòng tộc và 2 nhánh sông này chảy xuống tạo thành 2 ngọn thác hùng vĩ ở nơi đây.

Thác Đrây Sáp và Đrây Nur có thể đi thông qua nhau, có những đoạn đường bằng phẳng, hai bên là tre và trúc, có những đoạn là cầu treo, có những đoạn đường đá khá gập ghềnh và cũng có những đoạn đường cheo leo hiểm trở nhưng không dài.

Để ngắm thác đẹp, nhiều nước thì có lẽ về mùa mưa sẽ đẹp hơn. Nhưng về mùa mưa thì đường xá đi lại vào khu vực này khá khó khăn. Ngoài ra, việc làm thủy điện trên các con sông ngày càng nhiều hơn cũng khiến vẻ đẹp của những ngọn thác này bị giảm đi một cách đáng kể nên các bạn cần cân nhắc đi vào thời điểm nào.

Khu vực đi thông qua 2 thác này được khai thác làm dịch vụ khá tốt, các bạn có thể ăn uống, nghỉ ngơi ở đây với giá cả chấp nhận được. Tuy nhiên, các ngày thường thì khu vực này vắng vẻ hơn so với các ngày cuối tuần hoặc ngày Lễ Tết. Nếu các bạn đi du lịch vào ngày thường cần đề phòng mang theo đồ ăn, nước uống nếu muốn ở lại lâu ở đây. Nếu các bạn đi nhóm lớn và muốn cắm trại qua đêm thì cần liên lạc với ban quản lý để xin phép.

Ngoài ra, gần cụm thác Đrây Sap – Đrây Nur này, các bạn có thể ghé thăm thác Gia Long bằng cách đi ngược ra ngoài, đến ngã tư thì chạy đến cuối con đường là nhìn thấy thác Gia Long từ trên cao.

Hoặc tham quan thác Trinh Nữ. Dưới đây là vị trí của 4 thác này để các bạn có thể dễ tưởng tượng và sắp xếp lịch trình của mình.

Thác Thủy Tiên (Thác Ba Tầng), một ngọn thác khác nữa nằm ở xã Tam Giang, huyện Krong Năng, có vẻ đẹp được coi như của một nàng tiên đang ẩn mình giữa miền rừng núi. Ngọn thác hoang sơ với vô vàn những tảng đá nằm gối chồng lên nhau và được rễ cây rừng đan kín trông rất lạ mắt. Tuy nhiên, đường xá giao thông vào khu vực này còn nhiều khó khăn, là đường đất nên mỗi khi trời mưa đều rất lầy lội nên thác còn ít du khách biết đến.

Tháp Chàm Yang Prong, có nghĩa là Thần vĩ đại hay còn gọi là Tháp Chàm Rừng xanh nằm ở xã Ea Rok, huyện Ea Súp, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 100km. Đây là ngọn tháp chàm duy nhất không được xây dựng trên một ngọn đồi cao mà nằm chìm lấp dưới những tán cây cổ thụ của rừng già Ea Súp, cạnh dòng sông Ea Hleo. Và đây cũng là tháp Chàm duy nhất được tìm thấy ở Tây Nguyên.

Khu du lịch sinh thái Ko Tam

Đây là khu du lịch nàm cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 7km về phía Nha Trang. Nếu các bạn đi Đak Lak vào dịp cuối năm thì nên ghé qua chơi vì vào khoảng tháng 12, trên đường đi hoa dã quỳ nở rực rỡ cũng khiến cảnh vật ở đây trở nên sống động hơn. Tuy nhiên, đây là một công trình nhân tạo do một công ty tư nhân là nhà đầu tư nên mọi cảnh vật ở đây các bạn sẽ không cảm nhận thấy nét hoang sơ vốn có của núi rừng Tây Nguyên nhưng bù lại sẽ được thưởng thức một quần thể các công trình mang tính quy hoạch và đậm nét văn hóa.

Khách sạn ở Buôn Mê Thuột

Đến Buôn Ma Thuột, ấn tượng đầu tiên của cá nhân mình là đây quả là một thành phố rộng lớn. Rộng lớn theo đúng nghĩa đen của từ này, tất cả những công trình, đường phố, quảng trường ở khu vực trung tâm đều to đẹp, mới mẻ và hoành tráng. Đây giống như một thành phố trẻ đang trong thời kỳ phát triển với tốc độ rất nhanh. Và cũng có thể chính vì vậy mà giá cả ở đây đắt hơn so với các tỉnh xung quanh như Kon Tum hay Pleiku.

Mình đến Buôn Ma Thuột vào dịp 30.4 năm 2013 thì thấy khách sạn, nhà nghỉ thì nhiều nhưng mình không tìm thấy giá dưới 200k/phòng. Hôm đó mình ở phòng 350k của Ngọc Mai Guesthouse (B14 Điện Biên Phủ, ngay khu vực Trung tâm) mà chất lượng thì cũng chỉ ở mức bình thường, nhưng được cái nội thất nhìn lịch sự và tiện cho việc đi bộ chơi loanh quanh.

Ở Buôn Ma Thuột có nhiều khách sạn 4* như:

Sài Gòn Ban Mê Hotel (số 1 Phan Chu Trinh), giá khoảng 1tr1- 2tr2/phòng đôi.

– Dakruco Hotel (số 30 Nguyễn Chí Thanh) với giá trên dưới 1tr/phòng đôi. Hiện mình xem trên Agoda.com/dakruco-hotel thấy có cả mức giá ~600k/phòng đôi.

Ở các khách sạn này có đầy đủ các loại hình dịch vụ từ bể bơi, spa, quầy bar… đến tổ chức các tour trong ngày hoặc dài ngày đi ra các huyện khác trong tỉnh Đak Lak hoặc các khu vực xung quanh.

Khách sạn 3* ở Đak Lak có nhiều sự lựa chọn hơn với giá dưới 1tr/phòng đôi.

  • Resort Coffee Tour (149 Lý Thái Tổ)
  • Bạch Mã (số 7 Nguyễn Đức Cảnh)
  • Cao Nguyên Hotel (65 Phan Chu Trinh)
  • Với tầm giá trung bình 3-500k/phòng, các bạn có thể tham khảo một vài khách sạn hoặc nhà nghỉ được đánh giá cao trên cộng đồng mạng:
  • Eden (số 228 Nguyễn Công Trứ)
  • Tuấn Vũ (số 135/1 Ngô Quyền)
  • Biệt Điện (1 Ngô Quyền)
  • Công Đoàn (9 Nguyễn Chí Thanh)
  • Nhà nghỉ Gia đình (1 Hùng Vương): các bạn phượt comment tốt về giá cả, nhân viên ở đây.

Giá phòng có vẻ không có mức giá cố định, mà có tăng giảm tùy vào lượng khách. Nên tốt nhất các bạn nên theo dõi trước trên các website đặt phòng uy tín và đặt trước cho yên tâm. Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm 1 vài khách sạn khác ở Buôn mê Thuột tại đây.

Lịch trình Du lịch Buôn Mê Thuột

Ngày 1: Thành phố Buôn Ma Thuột

– Ăn sáng bún đỏ

– Uống cà phê ở Làng Cà phê Trung Nguyên

– Dạo chơi ở Buôn Ako D’Hông và ăn trưa tại đó

– Chiều tham quan Bảo tàng Dân tộc Đak Lak

– Còn thời gian có thể dạo hồ Ea Kao

– Tối dạo chợ đêm ăn vặt và uống sữa đậu nành.

Ngày 2: Buôn Ma Thuột – Buôn Đôn.

Ngày 3: Buôn Ma Thuột – Hồ Lak.

Ngày 4: Buôn Ma Thuột – Cụm thác Đrây Sáp – Đrây Nur.

Trên đây là vài thông tin hữu ích về Buôn Ma Thuật và Dak Lak, hy vọng các bạn có thể dựa vào đây để có những chuyến thăm quan Dak Lak thành công. Bài viết được bạn Giang Tran tổng hợp, nếu bạn có câu hỏi gì thì có thể reply dưới bài viết nhé.

Kết hợp du lịch Dak Lak với Nha Trang và Đà Lạt, và các tỉnh ở Tây Nguyên bạn nên đọc qua một số bài viết sau

Kinh nghiệm du lịch Nha Trang

Kinh nghiệm du lịch Đà Lạt

Du lịch Kon Tum (kinh nghiệm chi tiết)

KINH NGHIỆM DU LỊCH,TOUR DU LICH,PHƯỢT BỤI