Các địa điểm tham quan ở Phú Thọ (Phần 1) – hivietnam.net | Cổng thông tin Du lịch & Dịch vụ – Công ty TNHH Phương Bắc

2793

Các điều kiện tự nhiên của Phú Thọ, đặc biệt là địa hình đa dạng đã tạo cho Phú Thọ có một nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên khá phong phú và hấp dẫn, có thể khai thác các loại hình du lịch như: tham quan, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, chữa bệnh và du lịch sinh thái. Phú Thọ là vùng đất tổ cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Nơi đây các vua Hùng đã dựng nước Văn Lang – quốc gia đầu tiên của Việt Nam, thủ đô là Phong Châu. Phú Thọ có nền văn hoá rực rỡ từ lâu đời. Những di chỉ khảo cổ văn hoá Sơn Vi, Đồng Đậu, Làng Cả và nhiều đình, chùa, lăng, tẩm còn lại quanh vùng núi Nghĩa Lĩnh cho thấy đất Phong Châu là một trung tâm văn hoá của dân tộc.

1. Đền Quốc mẫu Âu Cơ

Vị trí: Đền được xây trên núi Ốc Sơn, còn gọi là núi Vặn, cao trên 147m so với mặt biển. Nằm trong khu di tích đền Hùng, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Đền Quốc mẫu Âu Cơ được thiết kế dựa trên nền kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn văn hóa của thời kỳ Đông Sơn. Đền thờ Mẹ Âu Cơ, người mẹ huyền thoại, linh thiêng, huyền diệu có công đầu trong việc khai hoang, mở cõi của dân tộc.

Tổng thể kiến trúc gồm có: nhà Tả vu, nhà Hữu vu, nhà bia, trụ biểu, tứ trụ, cổng tam quan, nhà đón tiếp, nhà hành lễ, sân, vườn, hệ thống đường bậc, bãi quay xe.

cac-dia-diem-tham-quan-o-phu-tho_01

Cổng lên đền thờ quốc mẫu

Đường từ chân núi lên đến cửa đền gồm 553 bậc đá, trên đường đi có nhà đón khách và chỗ dừng chân. Cổng tam quan xây cao 5,8m có ba lối vào, lối chính cao 2,2m, mái cổng lợp dán ngói mũi hài, các đao góc, các hoạ tiết chạm khắc mô phỏng hình chim Lạc. Điểm nhấn của tiền cảnh đền là bia và trụ bia làm bằng đá một mặt khắc chữ nôm, mặt kia khắc chữ quốc ngữ ghi lại thời kỳ xây dựng đền với sự đóng góp công đức của đồng bào cả nước.

Đền được dựng theo kiến trúc truyền thống với cột, khung, sườn, mái, vách ngăn bằng gỗ lim; mái lợp ngói mũi hài, tường xây bằng gạch bát.

cac-dia-diem-tham-quan-o-phu-tho_02
cac-dia-diem-tham-quan-o-phu-tho_03

Quan cảnh bên ngoài đền thờ

Khu đền chính gồm một đền thờ chính và hai nhà Tả vu, Hữu vu nằm hai bên, kiến trúc kiểu chữ đinh. Riêng thành lan can được chạm khắc các hoạ tiết hình chim Lạc và các hoạt động văn hóa dân gian thời kỳ Đông Sơn. Nội thất trong đền gồm tượng Mẫu và hai tượng Lạc Hầu, Lạc Tướng được đúc bằng đồng với khối lượng khoảng 2 tấn. Tượng Mẫu Âu Cơ cơ bản lấy theo mẫu tượng đang thờ ở đền Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương (huyện Hạ Hòa – Phú Thọ), chỉ điều chỉnh đôi chút.

cac-dia-diem-tham-quan-o-phu-tho_04

Bên ngoài thờ vua Hùng, Cao Minh và các tướng lĩnh
cac-dia-diem-tham-quan-o-phu-tho_05
Bên trong, trên cao có thang đi lên là cỗ khám thờ mẫu Âu Cơ

Vật liệu được lựa chọn công phu, đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Các nhang án, đại tự, câu đối, bệ đặt trống đồng, giá treo chuông, treo chiêng, y môn… được sơn son thiếp vàng trên chất liệu gỗ quí. Hai bên Tả vu là hai bức phù điêu khắc họa cảnh 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ lên núi bằng chất liệu gò đồng.

Do đặc thù nằm trên núi cao có độ chênh cốt lớn nên hệ thống sân vườn được xây dựng khá kỳ công, xung quanh đền chính được xây kè bằng 3 lớp, lớp trong cùng là tường chắn bằng bê tông cốt thép, lớp giữa xây bằng đá hộc, lớp ngoài ốp bằng đá ong lấy từ vùng làng cổ Sơn Vi, Thanh Đình huyện Lâm Thao (Phú Thọ).

cac-dia-diem-tham-quan-o-phu-tho_06

Cổng vào
cac-dia-diem-tham-quan-o-phu-tho_07
Giếng Loan
cac-dia-diem-tham-quan-o-phu-tho_08
Giếng Phượng
cac-dia-diem-tham-quan-o-phu-tho_091
Đền mẫu Thượng Thiên

Công trình đã sử dụng hơn 8.000m³ đá, 5.300 tấn cát sỏi, 68.000 tấn xi măng, 250m³ gỗ lim.

Đền Quốc mẫu Âu Cơ được hoàn thành đúng vào dịp lễ hội Đền Hùng – Quốc lễ năm 2005.

2. Bảo tàng Hùng Vương

Vị trí: Bảo tàng Hùng Vương nằm trên đường Trần Phú, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Đây là bảo tàng tổng hợp mang tính chất đặc trưng của bảo tàng khảo cứu địa phương nhằm giới thiệu về lịch sử Phú Thọ từ thời khai sơn lập địa, dựng nước của thời đại các vua Hùng cho tới thời đại Hồ Chí Minh thông qua các bộ sưu tập, tài liệu, hiện vật quý hiếm. Qua đó tái hiện không gian địa văn hóa hào hùng, vẻ vang của đất nước trên Đất tổ.

cac-dia-diem-tham-quan-o-phu-tho_10

Hình ảnh bên ngoài bảo tàng

Bảo tàng Hùng Vương khánh thành vào ngày 4/4/2010, sau 2 năm xây dựng. Bảo tàng được xây dựng trên diện tích đất khoảng 15.000 m², trong đó có khu nhà bảo tàng 3 tầng, mô phỏng kiến trúc nhà sàn Bắc Bộ, với mái dốc 4 phía dán ngói đỏ, kiến trúc hoa văn Đông Sơn kết hợp kiến trúc hiện đại, diện tích sàn 9000 m²…

cac-dia-diem-tham-quan-o-phu-tho_121-1024x768
cac-dia-diem-tham-quan-o-phu-tho_111-1024x768
cac-dia-diem-tham-quan-o-phu-tho_13

Một số hình ảnh, hiện vật bên trong bảo tàng

Bảo tàng Hùng Vương hiện trưng bày gần 10 nghìn hiện vật qua các thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước cùng các tư liệu khảo cứu hiện vật của các triều đại lịch sử Việt Nam từ tiền sử, sơ sử đến ngày nay. Đặc biệt, Bảo tàng Hùng Vương còn lưu trữ được những hiện vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, nhất là những hiện vật bảo vật thời Lý, Trần. Ngoài ra, Bảo tàng còn lưu giữ các chiến tích lịch sử chiến tranh trong các trận chiến của quân và dân ta trong các thời kỳ chống giặc ngoại xâm, từ Bắc thuộc đến thời kỳ chống Mỹ và chống Pháp.

Các hiện vật được trưng bày của Bảo tàng Hùng Vương gồm 3 phần,

– Phần 1: Trưng bày cố định, có 49 cụm mỹ thuật theo 5 chủ đề: Thiên nhiên, con người Phú Thọ; Phú Thọ thời kỳ tiền sử và sơ sử; Phú Thọ trong thời kỳ Bắc thuộc và xây dựng quốc gia phong kiến tự chủ; Lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân Phú Thọ và Phú Thọ trong công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay.

– Phần 2: trưng bày chuyên đề. Đây là phần trưng bày có tính chất động, theo chuyên đề gắn liền với những yêu cầu của nhiệm vụ chính trị.

– Phần 3: Trưng bày ngoài trời. Khu vực này trưng bày cố định các hiện vật có kích thước lớn như xe tăng của Pháp; tàu chiến của Pháp trong chiến thắng Tu Vũ – Đá Chông; máy bay… và những đề tài có tính chất minh hoạ như trưng bày dân tộc học, khảo cổ học và lịch sử cách mạng.

Ngoài ra còn có gian trưng bày trang phục các dân tộc, bản đồ phân bố 54 dân tộc của nước ta và phòng trưng bày tranh ý tưởng của các kiến trúc sư về xây dựng Tháp Hùng vương do tỉnh Phú thọ cùng Viện Kiến trúc Việt Nam tổ chức.

Cùng với Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Bảo tàng Hùng Vương sẽ là điểm đến hấp dẫn với du khách khi về quê hương đất Tổ.

3. Khu di tích đền Hùng

Vị trí: Nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Đền được xây vào thế kỷ 15, tương truyền nơi đây người con trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ lên làm vua lấy hiệu Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang.

cac-dia-diem-tham-quan-o-phu-tho_14

Cổng chính đền Hùng

Khu di tích đền Hùng là một quần thể kiến trúc thâm nghiêm trên núi Nghĩa Lĩnh. Từ Hà Nội theo quốc lộ số 2 đến thành phố Việt Trì (84km) đi tiếp khoảng 10km đến ngã ba Hàng rẽ về bên trái 3 km là đến khu di tích. Khu di tích lịch sử đền Hùng gồm có đền Hạ và chùa, đền Giếng, đền Trung, đền Thượng, lăng vua Hùng.

Ðền Hạ: Từ chân núi Hùng rẽ qua Ðại môn (cổng đền) leo qua 225 bậc thang xây bằng gạch lên đến đền Hạ và chùa (Thiên Quang tự). Ðền được xây vào thế kỷ 15, tương truyền nơi đây bà Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nở thành trăm người con. Âu Cơ dẫn 50 người con lên núi, Lạc Long Quân dẫn 49 người con xuống biển, để lại người con trưởng làm vua hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang. Trước cửa đền Hạ có cây thiên tuế, nơi đây chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường về tiếp quản thủ đô có nói chuyện với chiến sĩ của đại đoàn quân tiên phong “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

cac-dia-diem-tham-quan-o-phu-tho_15

Đền hạ

Ðền Trung: Từ đền Hạ leo thêm 168 bậc đá nữa là tới đền Trung. Tương truyền nơi đây các vua Hùng lập quán xá để nghỉ ngơi và bàn việc với các lạc hầu. Cũng ở nơi đây hoàng tử Lang Liêu đã dâng bánh chưng, bánh giầy lên cho vua cha nhân dịp tết

cac-dia-diem-tham-quan-o-phu-tho_16

Đền trung

Ðền Thượng: Từ đền Trung đi tiếp 102 bậc đá là đến đền Thượng, nơi các vua Hùng làm lễ tế Trời Đất, Thần Núi và Thần Lúa. Ðây cũng là nơi Thục Phán sau khi được vua Hùng thứ 18 truyền ngôi, dựng cột đá thề sẽ trông nom ngôi đền và giữ gìn cơ nghiệp nhà Hùng.

Lăng vua Hùng: Tương truyền là mộ vua Hùng Vương thứ 6. Sau khi Thánh Dóng đánh giặc Ân bay lên trời, vua Hùng đã hoá ở đây.

cac-dia-diem-tham-quan-o-phu-tho_17

Đền Thượng

Ðền Giếng: Từ lăng đi xuống, đền ở chân núi phía Ðông Nam. Trong đền có giếng Ngọc, bốn mùa đầy nước, trong vắt soi gương được. Ðền thờ Ngọc Hoa và Tiên Dung là con gái yêu của vua Hùng thứ 18 thường hay chải tóc và soi gương ở giếng này.

cac-dia-diem-tham-quan-o-phu-tho_18

Đền Thượng

Ngày nay, ở gần Công Quán (nơi để tiếp khách thập phương) có Bảo tàng Hùng Vương được xây dựng tương đối lớn trưng bày nhiều hiện vật thời kỳ Hùng Vương dựng nước qua nền văn hoá thời đại đồ đá, đồ đồng, đồ sắt…

4. Đầm Ao Châu

Vị trí:Thuộc huyện Hạ Hòa, cách thị xã Phú Thọ 50km, cách thành phố Việt Trì 70km.

Đầm Ao Châu được coi là một Hạ Long trên đất Phú Thọ. Đây là một tiềm năng du lịch hấp dẫn và đầy triển vọng của đất tổ Vua Hùng.

Đầm Ao Châu nằm trên địa bàn thị trấn Hạ Hòa và các xã Y Sơn, Ấm Hạ và Phụ Khánh thuộc huyện Hạ Hoà. Du khách có thể đi bằng đường bộ, đường sắt hoặc đường thuỷ tới Ao Châu đều thuận lợi. Theo đường sắt, Ao Châu nằm trên tuyến đường Hà Nội – Lào Cai và tương lai không xa sẽ là trục đường sắt xuyên Á, nối liền các nước trong khu vực với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Theo đường bộ, thắng cảnh này nằm trên trục quốc lộ số 2 – tuyến đường quan trọng nhất nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Tây Bắc. Theo đường thủy, có nhiều con sông lớn chảy qua như sông Hồng, sông Đà, sông Lô…

cac-dia-diem-tham-quan-o-phu-tho_19

Ao Châu có diện tích mặt nước khoảng 2km² và có tới khoảng 100 hòn đảo lớn nhỏ được bao phủ một thảm thực vật đa loài dầy đặc và phong phú, đỉnh cao nhất cao tới 177m so với mặt biển, cùng với 99 ngách nước đan cài vào các khe núi. Đáng chú ý là mực nước trong hồ luôn có độ sâu khoảng 3m, có nơi sâu tới 35m và quanh năm không bị cạn. Nhờ vậy, mặt nước Ao Châu trong xanh, không bị ô nhiễm và có nhiều thủy tộc sinh sống: giải, rùa vàng, ba ba… Đặc biệt, nhân dân địa phương còn trồng nhiều loại cây ăn quả như: mít, bưởi, nhãn, vải… khiến cho Ao Châu càng trở nên hấp dẫn.

cac-dia-diem-tham-quan-o-phu-tho_20

Ao Châu có điều kiện rất thuận lợi để phát triển thành khu du lịch sinh thái với các loại hình du lịch như: nghỉ dưỡng, bơi thuyền, câu cá, leo núi…, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước, nhất là khách du lịch Trung Quốc. Cùng với khu du lịch này, các tài nguyên du lịch thuộc các địa phương khác như: các lễ hội truyền thống, các di tích lịch sử văn hóa, hệ thống hang động của vườn quốc gia Xuân Sơn, Ao Giời – Suối Tiên, khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy, sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc thuộc huyện Thanh Sơn, Yên Lập… sẽ tạo nên một tam giác du lịch mang những sắc thái khác nhau với các loại hình du lịch đặc sắc, phong phú, đa dạng.

Khu du lịch Ao Châu đang trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, thúc đẩy sự phát triển của cả một vùng về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngoài ra, sự hình thành và phát triển của khu du lịch này còn thúc đẩy sự phát triển các làng nghề truyền thống, các ngành sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, nhất là xuất khẩu tại chỗ nhiều loại hàng hoá, hàng lưu niệm cũng như các dịch vụ khác.

Biên tập bởi HiVietnam.net – Hữu Lộc

(Theo Vietnamtourism)

Ý kiến bạn đọc

Quý đọc giả thân mến, tin bài tại Cổng thông tin Du lịch và Dịch vụ này được tổng hợp, chọn lọc và biên tập theo từng chủ đề từ nhiều nguồn tin khác nhau, do đó có thể có một số nội dung chưa được cập nhật mới nhất hoặc cũng có thể chưa thật đầy đủ và hoàn thiện.
Do đó, chúng tôi mong muốn sự chia sẻ, đóng góp ý kiến – tin bài – hình ảnh hoặc những đoạn video của Quý vị, nhằm giúp xây dựng một Cổng thông tin với chất lượng tốt, tin bài phong phú và phục vụ tốt nhu cầu của khách du lịch trong nước và nước ngoài. Chân thành cảm ơn sự cộng tác của Quý vị!

HIVIETNAM.NET | CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH & DỊCH VỤ – CÔNG TY TNHH PHƯƠNG BẮC