Danh lam thắng cảnh tỉnh Bình Định – Tìm hiểu Việt Nam

2486

Danh lam thắng cảnh tỉnh Bình Định điển hình như thắng cảnh Hầm Hô, suối khoáng nóng Hội Vân, đầm Thị Nại, đảo yến, núi Bà…

Thắng cảnh Hầm Hô, Bình Định

Hầm Hô thuộc địa phận thôn Phú Mỹ trước đây thuộc xã Bình Phú, nay thuộc xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

Hầm Hô là nơi gặp gỡ của hai nhánh sông Đồng Hưu và sông Cát đổ vào sông Phú Phong. Thắng cảnh là cả một khúc sông dài gần 3km, hai bên bờ là những khôi đá trập trùng, chỗ thì dựng đứng như thành vách, nơi thì chồng chất lên nhau thành đống, lại có đoạn đá nhọn lởm chởm như những thanh gươm, cùng với những lùm cây xanh mướt. Cây cối mọc lâu ngày, rễ rủ như tóc xõa, soi bóng xuống mặt nước lung linh, nơi từng đàn cá đang tung tăng bơi lội. Sông Hầm Hô có tiếng là nhiều cá, nhất là về mùa lũ. Cá từ khắp nơi kéo vê từng bầy trông đặc cả nước. Cá lội ngược dòng bị thác nước hất tung trở lại trông như thể cá bay. Dân gian truyền rằng, hàng năm Long Vương tổ chức kì thi cho cá tại thác Hầm Hô, con nào vượt qua được sẽ hóa rồng, nên cá từ sông Kôn dồn cả về đây để thử vận may. Có lẽ do điển tích này mà thác Hầm Hô còn có tên chữ là Vũ Môn, còn dân gian thì gọi là thác Cá Bay.

thang-canh-ham-ho-binh-dinh

Thắng cảnh Hầm Hô, Bình Định

Thế nhưng, cảnh đẹp đích thực của Hầm Hô khiến cho du khách viếng thăm phải sửng sốt về sự tạo hóa của thiên nhiên ngay dưới lòng sông. Với chiều rộng trên dưới 30m, lòng sông chi chít những trụ đá hoa cương thiên hình vạn trạng. Vào mùa thu nước cạn, những ngày trời trong xanh, khi những tia nắng ban mai rọi xuống, những khối đá hoa cương ánh lên muôn màu, lóng lánh, rực rỡ như ngàn vạn viên kim cương khoe mình trên làn nước trong xanh. Hình dáng thật kỳ dị của những trụ đá đã chấp cánh cho trí tưởng tượng của bao thế hệ cư dân nơi đây. Hòn lớn, hòn nhỏ, khối vuông, khối tròn, có những cụm nhìn tựa đàn voi đang tắm, có những dãy trông như thể bày ngựa đang phi. Lại có tảng chẳng khác gì một con cá sấu khổng lồ đang há miệng săn mồi và rồi biết bao hình dạng giống như người, như thú, như vật dụng thường ngày… Tất cả trưng bày ngẫu nhiên, ngoạn mục đến mức có lẽ không một họa sĩ, một nhà điêu khắc tài danh nào có thể tạo dựng nổi.

Nằm giữa lòng sông có một phiến đá với những nét ngang dọc, rêu phủ lờ mờ, tương truyền là nơi các vị tiên chơi cò nên gọi là Bàn Cờ Tiên. Cạnh bàn cò có hòn đá nước chảy xuyên qua, rồi ùn lên trông như sôi ùng ục, Người đời gọi đó là hòn Vò Rượu.

Dường như mọi sự miêu tả bằng giấy mực đều không thể lột tả hết được vẻ đẹp của Hầm Hô. Hơn thế, đến đây du khách không chỉ được thưởng ngoạn cảnh đẹp kì ảo của thiên nhiên mà còn có dịp sống lại những ngày tháng hào hùng của lịch sử. Chính tại nơi đây, hơn hai trăm năm về trước vị danh tướng Võ Văn Dũng đã rèn quân luyện võ để rồi sau đó hợp lực với các thủ lĩnh Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa.

Suối khoáng nóng Hội Vân, Bình Định

Suối khoáng nóng Hội Vân thuộc địa phận thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

suoi-khoang-nong-hoi-van-binh-dinh

Suối khoáng nóng Hội Vân, Bình Định

Suối này bắt nguồn từ vùng núi thấp phía bắc, đến thôn Hội Vân nước chảy vào một hồ nhỏ rộng chừng 400m2, sâu hơn 1m. Đáy hồ là những tảng đá lởm chởm xen kẽ nhau. Từ đó mạch nước nóng phun lên ùng ục, khói tỏa nghi ngút giống như một chảo nước đang sôi. Hồ nằm lọt giữa một thung lũng cát mênh mông, xung quanh có núi non vây bọc. Chếch xa xa về phía đông bắc là dãy núi Bà hùng vĩ. Vào những ngày lạnh trời, nhất là vào lúc sớm mai, hơi nước bốc lên tụ lại thành những làn khói mây mờ mờ làm cho cảnh vật trở nên huyền ảo. Khi trời nắng nóng, sương mù tan biến trả lại cho mặt nước một khoảng không trong vắt, có thể nhìn thấu những vòi nước phun lên từ đáy, giống như những con rồng đang giỡn đùa giữa dòng nước. Quanh miệng hồ là những dải cát trắng mịn làm thành một bãi phơi nắng lý tưởng.

Là một danh thắng du khách có thể đến chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn cảnh đẹp, nghỉ ngơi giải trí, Hội Vân còn nổi tiếng và hấp dẫn khách tới từ mọi miền nhờ nguồn nước khoáng thiên nhiên giàu khả năng trị liệu đối với nhiều loại bệnh khác nhau.

Ghềnh Ráng – Bãi tắm Hoàng Hậu, Bình Định

Từ lâu bãi biển Quy Nhơn được coi là một tháng cảnh đẹp với bãi cát mịn vàng óng cùng những cảnh vật hữu tình do thiên nhiên bài trí và con người tu tạo. Ghềnh Ráng là một trong những tác phẩm thiên tạo. Đó là một quần thể sơn thạch chạy sát tới biển, dấu vết tận cùng về phía đông của dãy núi Xuân Vân trùng điệp nằm cách trung tâm thành phố chừng 2km về phía nam.

bai-tam-hoang-hau-binh-dinh

Ghềnh Ráng – Bãi tắm Hoàng Hậu, Bình Định

Nơi đây đá chất ngổn ngang, tạo thành hang, thành rạn, thành ghềnh, quanh năm giỡn đùa cùng sóng biển. Bãi đá này có tên là Nhạn Châu (Bãi Nhạn). Có lẽ vì đây là nơi chim nhạn thường kéo đến tìm mồi, từng đàn, từng đàn đông đúc nên có tên như thế. Còn tên Ghềnh Ráng thì tên này do những ngươi đi biển đặt ra. Qua những nơi nhiều ghềnh, lắm rạn người ta phải tìm cách đổ bật gió trong buồm ra cho thuyền đi chậm lại. Thao tác trong nghề đi biển gọi là ráng. Đi ngang qua Nhạn Châu, người ta phải thường làm như thế. Lâu dần thành tên, vùng này được gọi là Ghềnh Ráng.

ghenh-rang-binh-dinh

Ghềnh Ráng – Bãi tắm Hoàng Hậu, Bình Định

Đầm Thị Nại – Bán đảo Phương Mai, Bình Định

Phía Đông Bắc Quy Nhơn là đầm lớn chạy dài mười cây số, bề rộng tới gần 4km. Đầm này đà từng có thời gian mang tên chữ là Hải Hạc Đàm, nhưng trong dân gian thì từ lâu vẫn gọi là đầm Thị Nại.

dam-thi-nai

Đầm Thị Nại

Thị Nại là đầm lớn nhất của Bình Định. Các nhánh của sông Kôn, sông Hà Thanh đều chảy về đây. Phù sa bồi tụ dần theo năm tháng khiến cho đầm mỗi ngày một đầy thêm. Khi thủy triều lên thì mặt đầm nước mênh mông, vào những hôm trời gió, sóng dập dờn như mặt biển. Nhưng lúc thủy triều xuống, nước rút cạn để trơ lòng đầm, sình lầy lai láng. Cảnh quan như vậy nên trong sách cổ nơi đây mới có tên đầm Biển Cạn.

ban-dao-phuong-mai

bán đảo Phương Mai

Nằm về phía đông đầm Thị Nại, như một tấm bình phong khổng lồ án ngữ phía biển cho thành phố Quy Nhơn, bán đảo Phương Mai là đoạn cuối cùng của dải núi Triều Châu. Đây là một vùng núi thấp có nhiều đoạn nhấp nhô. Cao hơn cả hòn Chớp Vung, hòn Mai, hòn Diệp Chữ… Tận cùng phía nam của bán đảo là một mũi nhọn hình mũi mác với nhiều hốc đá hiếm trở, chim yến thường kéo về làm tổ. Dân trong vùng thường gọi đây bàng hai cái tên Mũi Mác và Mũi Yến.

Do địa thế hùng hiểm, bán đảo Phương Mai còn giấu mình những di tích kỳ bí. Hiện còn những ngôi chùa tên dân gian là chùa Phật Lồi. Chùa ở Hải Giang, xã Nhơn Hải. Trong chùa hiện có thờ một pho tượng bằng đá sa thạch, cao bằng hình người, sau lưng có bốn chữ Phạn, dân quen gọi là chữ bùa. Theo lời kể của dân địa phương thì người ta đã tìm thấy pho tượng này ở mé bàu nước ngọt, dưới chân núi Phương Mai, rồi đem về thờ ở đây.

Đầm Thị Nại – Bán đảo Phương Mai là một điểm du lịch khá hấp dẫn ở Bình Định.

Núi Bà – Hòn Vọng phu, Bình Định

Ở vào phía nam đầm Đạm Thủy, nằm trọn trên địa phận huyện Phù Cát, chiếm một diện tích ước chừng trên bốn chục cây số vuông, sừng sững một quần thể núi non mà từ bao đời nay được gọi là danh sơn của Bình Định – Núi Bà (Bà Sơn).

hon-vong-phu-nui-ba-binh-dinh

Núi Bà – Hòn Vọng phu, Bình Định

Quần thể núi Bà có tới trên sáu chục ngọn cao, thấp khác nhau, trong đó nổi bật lên hòn Hang Rái ở phía đông bắc, hòn Hèo ở phía đông nam và đỉnh cao nhất, tới gần 900m, là hòn Chuông (Chung sơn) ở phía tây. Nhìn từ xa, hòn Chuông tương đối bằng phẳng, giống như một cái chiêng đồng úp sấp mà núm chiêng chính là hòn Chuông. Có lẽ bơi dáng núi như vậy mà người xưa đã đặt tên chữ cho núi Bà là Phố Chình đại sơn (nghĩa là núi lớn bày chiêng).

Núi Bà uy nghi, huyền diệu với bao điều kỳ bí mà mỗi nơi chôn, mỗi cái tên đều có một sự tích, ở địa phận thôn Chánh Oai, trên ngọn núi cao, có hai khối đá, một cao, một thấp trông tựa hình người. Từ phía biển nhìn vào giống như một người đàn bà tay dắt đứa con đang ngóng nhìn ra phía xa. Dân địa phương gọi đó là hòn Vọng Phu.

Đảo Yến Quy Nhơn, Bình Định

Gọi là “đảo” nhưng thực ra xứ sở của loài chim yến nằm trên địa phận bán đảo Phương Mai. Dãy Triều Châu ăn ra biển, trải dài chừng 15km, tạo thành những ngọn núi nhấp nhô, trùng điệp với tên gọi thật ngộ nghĩnh: Hòn Mai, hòn Chóp Vung, núi Cột Cờ, Núi Đen… và trong số đó, ngọn núi án ngữ phía nam mang tên Hòn Yến. Cứ mỗi mùa xuân đến, tiết trời ấm áp, chim yến rủ nhau từng đàn đông nghịt đến đây làm tổ. Chính vì vậy mủi đất tận cùng của bán đảo cũng được gọi là Mũi Yến. Thiên nhiên nơi đây vừa tạo một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp vừa ban tặng cho con người một kho báu mà không phải nơi nào cũng có. Đó là yến sào (tổ chim yến) – một đặc sản cao cấp được cả thế giới yêu chuộng.

dao-yen-quy-nhon-binh-dinh

Đảo Yến Quy Nhơn, Bình Định

Đảo Yến là một cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, hấp dẫn bởi những hang động thiên tạo có tuổi hàng vạn năm vối những vòm đá có nơi cao tới hàng trăm mét. Lòng hang động hiểm trở, cheo leo là nơi thích hợp cho loài chim yến đến làm tố. Trên đảo Yến có tất cả 30 hang lớn nhỏ, tập trung chủ yếu ở hai xã Nhơn Hải và Nhơn Lý. Trong mỗi hang nhỏ như hang Rừng Cao, hang Dơi, hang Ba Nghé, hang Cạn, hang Hẹp, hang Hầm Xe, hang Phanh,… hàng năm cũng có thể thu được từ 100 đến 300 tổ vấn. Còn những hang lớn như hang cả, hang Đôi Trong, hang Đôi Ngoài, hang Hích, hang Sức Khỏe, hang Nghìm, hang Khô, hang Cân, hang cỏ,… đặc biệt là những hang có của quay về hướng đông hoặc đông nam, thoáng mát, trần hang có nguồn nước ngọt rịn nhỏ qua khe đá, bên dưới là sóng biển dập dềnh, hàng năm có thể thu được từ 14 – 15 ngàn tổ.

Đến với đảo Yến, du khách không những chiêm ngưỡng cảnh quan ngoạn mục bên ngoài, nếu có dịp vào sâu trong hang, khách còn có dịp đám mình trong khung cảnh hoành tráng, kỳ vĩ do thiên nhiên tạo nên. Trên các vách đá, xen lẫn những giọt nước tí tách rơi là những chấm trắng lí ti tựa như một bầu trời đầy sao của những đêm hè, các tổ yến đan khít vào nhau thành chuỗi dài, đâu đó các chú yến đang xòe cánh hà hơi ấm cho con, thịnh thoảng lại nghe tiếng chim con chíp chiu đòi mẹ mớm mồi. Tiếng sóng, tiếng nước rơi, tiếng vỗ cánh, tiếng chim yến kêu… tất cả hòa nguyện vào nhau tạo một âm hưởng kỳ lạ khiến cho ta như lạc bước vào chôn thiên cung.

Như một bức tranh nghệ thuật hoàn mỹ với những dáng vẻ thiên nhiên đẹp, đảo Yến là nơi hấp dẫn du khách nêu có dịp đến thăm thành phố Quy Nhơn.

TÌM HIỂU VIỆT NAM