Địa điểm tham quan ở Bắc Ninh – hivietnam.net | Cổng thông tin Du lịch & Dịch vụ – Công ty TNHH Phương Bắc

2585

Bắc Ninh là một vùng đất hội tụ của nhiều dấu tích văn hoá và tôn giáo lớn; vùng đất đã hình thành nhiều huyền thoại đi vào tâm linh của cư dân người Việt; vùng đất đã sản sinh ra vương triều Lý – một triều đại đã khai mở nền văn minh Đại Việt và phát triển rực rỡ trong suốt hơn 200 năm. Bắc Ninh là nơi sinh ra nhiều nhân tài trong lịch sử đất nước như tám vị vua nhà Lý; thời Lê triều đình có 6 vị thượng thư thì 5 người quê ở Bắc Ninh; Ngô Gia Tự, một chiến sĩ cộng sản kiên cường… Bắc Ninh còn là vùng đất tổ của những làn điệu dân ca Quan họ đặc sắc, tiêu biểu cho loại hình dân ca trữ tình Bắc Bộ, mang đậm bản sắc vùng miền. Quan họ Bắc Ninh ngày nay đã trở thành di sản văn hoá quý của Việt Nam. Bắc Ninh còn là quê hương của chùa tháp, lễ hội và các sinh hoạt văn hoá cổ truyền. Mỗi lễ hội đều thể hiện những vẻ đẹp, tinh hoa văn hoá của địa phương và dân tộc là dịp ôn cố, tri ân những anh hùng.

1. Đình làng Đình Bảng

Vị trí: Đình làng Đình Bảng thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Đặc điểm: Đình làng Đình Bảng là một ngôi đình cổ kính và nổi tiếng nhất của đất Kinh Bắc.

Là quê hương của Lý Công Uẩn (tức Lý Thái Tổ) người lập ra triều Lý và khai sáng kinh đô Thăng Long (năm 1010).

dia-diem-vui-choi-o-bac-ninh-dia-diem-tham-quan-o-bac-ninh-01

Đình Bảng có cụm di tích văn hóa, nhất là những di tích về thời Lý, tạo thành một khu lưu niệm độc đáo, âm vang lịch sử, có tầm cỡ quốc gia, đủ cả: Đình, đền, chùa, lăng, tẩm,… đặc trưng của một văn hóa làng Việt Nam.

dia-diem-vui-choi-o-bac-ninh-dia-diem-tham-quan-o-bac-ninh-02

Đình làng Đình Bảng được xây dựng năm 1700 và đến năm 1736 mới được hoàn thành, do công đầu của của quan Nguyễn Thạc Lương, người Đình Bảng và bà vợ rất đảm đang Nguyễn Thị Nguyên quê ở Thanh Hóa đã mua gỗ lim về dâng làng, xây dựng ngôi đình có thế trường tồn. Đình thờ 3 vị thành hoàng: Cao Sơn đại vương (Thần Đất), Thuỷ bá đại vương (Thần Nước) và Bạch lệ đại vương (Thần Trồng Trọt).

dia-diem-vui-choi-o-bac-ninh-dia-diem-tham-quan-o-bac-ninh-03

Toà Bái Đường của đình có hình chữ nhật, dài 20m, rộng 14m, chia làm bảy gian, hai chái nằm trên nền cao bó đá xanh có bậc cấp. Vẻ đồ sộ của đình thể hiện qua phần mái toả rộng và những cột lim hiếm thấy ở những ngôi đình khác. Có khoảng 60 cột lim lớn nhỏ có đường kính từ 0,55 – 0,65m.

dia-diem-vui-choi-o-bac-ninh-dia-diem-tham-quan-o-bac-ninh-04
dia-diem-vui-choi-o-bac-ninh-dia-diem-tham-quan-o-bac-ninh-05

Hoa văn trang trí trên các cấu kiện kiến trúc rất đa dạng, chạm trổ tinh vi, chau chuốt, hài hoà. Kết cấu bộ khung đình khá vững chắc, gắn với nhau bằng các loại mộng. Mỗi bức chạm khắc ở đình là một tác phẩm nổi tiếng độc nhất vô nhị. Càng chiêm ngưỡng, càng thêm bị cuốn hút: Bức Bát mã quần phi, tám con ngựa nhởn nhơ chơi trên đồng cỏ, đất nước thanh bình, con vật cũng vui. Bức lưỡng nghê phục chầu, con đực, con cái, mỗi con một vẻ. Những bức chạm rồng tuyệt xảo: Long vân đại hội, Ngũ long tranh châu, Lục long ngự thiên… từng bức, từng bức gợi tả bao điều.

2. Đền Đô

Vị trí: Đền Đô nằm ở làng Đình Bảng, xã Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Đặc điểm: Là nơi thờ 8 vị vua nhà Lý. Đó là: Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ (1009 – 1028); Lý Thái Tông (1028 – 1054); Lý Thánh Tông (1054 – 1072); Lý Nhân Tông (1072 – 1128); Lý Thần Tông (1128 – 1138); Lý Anh Tông (1138 – 1175); Lý Cao Tông (1175 – 1210) và Lý Huệ Tông (1210 – 1224).

Đền Đô – còn gọi là Cổ Pháp Điện hay đền Lý Bát Đế, đền được xây dựng vào thế kỷ 11 (1030), trên khu đất phía đông nam Hương Cổ Pháp, Châu Cổ Pháp (làng Đình Bảng). Khu đất này theo Thiền sư Lý Vạn Hạnh cho rằng nơi hội tụ của thiên khí, nơi có thế 8 đầu rồng chầu về. Tương truyền, xưa kia phía trước cửa đền là một khu rừng Báng, có dòng Tiêu Tương uốn khúc chảy qua.

dia-diem-vui-choi-o-bac-ninh-dia-diem-tham-quan-o-bac-ninh-07

Đền được dựng trên nền đất. Khi vua Lý Công Uẩn đăng quang và trở lại thăm quê hương vào tháng 2 năm Canh Tuất (1010), tại đây, nhà vua đã dừng thuyền rồng để đi thăm các bậc kỳ lão, yết lăng Thái Hậu và đo vài mươi dặm đất làm “Sơn Lăng cấm địa”. Dân làng Đình Bảng đã xây dựng một ngôi nhà lớn làm nơi nghênh tiếp nhà vua.

Khi vua Lý Công Uẩn băng hà (1028), Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha, Ông đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn làm nơi thờ tự vua cha và cũng từ đó đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý sau khi băng hà.

Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, đền Đô đều được quan tâm tu sửa và mở rộng, đặc biệt, đền được mở rộng nhất vào thế kỷ 17 (1602) với quy mô của 21 hạng mục công trình được sắp xếp theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, xung quanh có tường thành vây bọc. Kiến trúc của đền có sự kế thừa phong cách cung đình và phong cách dân gian, tổng thể kiến trúc được kết hợp hài hoà, chạm khắc tinh xảo, thể hiện một công trình kiến trúc bề thế vững chắc nhưng không cứng nhắc trong khung cảnh thiên nhiên.

dia-diem-vui-choi-o-bac-ninh-dia-diem-tham-quan-o-bac-ninh-08

Năm 1952, đền Đô bị giặc Pháp chiếm và phá huỷ hoàn toàn. Từ năm 1989 trở lại đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự cố gắng của nhân dân Đình Bảng và tấm lòng công đức của nhân dân thập phương, Đền Đô đã từng bước được khôi phục, tìm lại dáng vẻ xưa của đợt trùng tu, mở rộng đền năm 1602 với các hạng mục công trình như: Nhà Hậu cung (80m²), nhà chuyền Bồng (80m²), nhà Kiệu (130m²), nhà để Ngựa (130m²), Thuỷ đình, Phương đình…

Căn cứ vào các dấu tích, các nguồn tài liệu và các hạng mục công trình đã được dựng lại cho phép chúng ta hình dung tổng thể kiến trúc di tích đền Đô như sau:

Đền Đô có diện tích 31.250m², gồm 21 hạng mục công trình lớn nhỏ. Trung tâm là điện thờ, nơi đặt bài vị và tượng của Tám vị vua nhà Lý, xung quanh có nhà chuyền Bồng, nhà Tiền tế, nhà Phương Đình, nhà để kiệu, nhà để ngựa, nhà Thuỷ Đình… Kiến trúc Đền đô được chia làm hai khu vực nội thành và ngoại thành.

Khu vực nội thành có diện tích 4.320m² , bố trí theo kiểu “Nội công ngoại quốc” bao quanh là tường gạch cao 3m, rộng 1m (hai bên xây gạch, ở giữa đổ đất) có hai cửa ra vào. Nội thành được chia thành Nội thất và Ngoại thất.

dia-diem-vui-choi-o-bac-ninh-dia-diem-tham-quan-o-bac-ninh-09

Nội thất bao gồm các công trình: Nhà Hậu cung- Nơi đặt ngai và bài vị thờ Tám vị vua Nhà Lý (Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông). Nhà Chuyền Bồng có kiến trúc chồng diêm tám mái, các đầu đao uốn cong mềm mại. Ngoài ra còn có nhà để bia, nhà để ngựa, nhà để kiệu,… tất cả đều được xây dựng công phu, đắp, chạm khắc tinh xảo.

dia-diem-vui-choi-o-bac-ninh-dia-diem-tham-quan-o-bac-ninh-10

Ngoại thất gồm nhà vuông, kiến trúc kiểu chồng diêm tám mái, 8 đầu đao cong vút mềm mại. Khu vực này có nhà chủ tế, nhà kho, nhà khách và đền vua bà (thờ các hoàng thái hậu triều Lý).

Đền Đô với kiến trúc độc đáo mang tính giá trị nghệ thuật, cảnh trí hữu tình và mang trong mình một giá trị lịch sử văn hoá đậm nét của Vương Triều Lý nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung. Đền Đô xứng đáng với lời ngợi ca

“Đền Đô kiến trúc tuyệt vời
Thăng Long đẹp nhất, đẹp người ngàn năm”

Di tích lịch sử văn hoá đền Đô đã được Nhà nước công nhận xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia theo Quyết định số 154 ngày 25/01/1991 của Bộ Văn hoá Thông tin.

3. Chùa Bút Tháp

Vị trí: Chùa Bút Tháp tọa lạc ở phía tây thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Đặc điểm: Chùa Bút Tháp có nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc cổ độc đáo tài tình, có nhiều tượng Phật và cổ vật quý.

Nói đến Bắc Ninh, ta không thể không nói đến chùa Bút Tháp. Ðây là một ngôi chùa cổ, mặc dù đã trải qua những lần trùng tu, sửa chữa nhưng chùa vẫn giữ được những nét nguyên sơ hấp dẫn của nó.

dia-diem-vui-choi-o-bac-ninh-dia-diem-tham-quan-o-bac-ninh-11

Chùa được xây dựng từ thời hậu Lê (thế kỷ 17). Theo lịch sử, chùa được bà Trinh Thị Ngọc Trúc (vợ vua Lê Thánh Tông) cùng hai nhà sư người Việt gốc Hoa thiết kế. Chùa có tên chữ là “Ninh Phúc Thiền Tự” được xây dựng theo kiểu “Nội công ngoại quốc”. Ngoài cùng là Tam Quan, tiếp đến là gác chuông rồi đến Tiền Ðường, tiếp theo là Thượng điện – gian đẹp nhất cả kiến trúc lẫn điêu khắc.

dia-diem-vui-choi-o-bac-ninh-dia-diem-tham-quan-o-bac-ninh-12

Tháp Báo Nghiêm

Phía ngoài Thượng điện có lan can bằng đá xanh bao quanh, chạm khắc các hình động vật, điểm xuyết thêm mây, trời, hoa, lá…

Ðáng chú ý là những chim, hươu, khỉ, rồng,… đều rất sinh động, thần tình. Bên trong có bày các bộ tượng Tam Thế, Tam Thân và tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay. Những cái tên, những kiểu kiến trúc gợi nên một vẻ hoang sơ độc đáo mà hấp dẫn, một nét đẹp rêu phong cổ kính. Pho tượng Quan Âm trong chùa có kích thước lớn và đồ sộ: cao 3,7m, có 11 đầu, 42 bàn tay lớn và 958 tay nhỏ. Ðiều kỳ lạ là mỗi bàn tay có một mắt, độc đáo hơn nữa là nhịp điệu mỗi cánh tay không giống nhau. Tượng được đặt trên toà sen Rồng đội, đằng sau là vầng hào quang toả sáng, bên dưới là các hình trang trí sóng nước sống động như một thuỷ cung.

Nối giữa Thượng điện và Tích thiện là chiếc cầu đá cong mà ngồi ở đó, ta có thế ngắm những nét đẹp riêng của cảnh chùa. Cầu được chạm khắc rất công phu, tinh xảo và bố trí rất hợp lý: đầu cầu là hai con sư tử và thành cầu là những kiểu chạm trổ cổ quen thuộc, rất hài hoà. Ðấy là chưa kể đến một công trình nghệ thuật độc đáo của chùa: toà “Cửu phẩm Liên Hoa”. Toà bằng gỗ, gồm 9 tầng có khắc tượng phật xung quanh. Ðiều đặc biệt là nó có thể quay được và không hề phát ra tiếng kêu dù được làm từ mấy thế kỷ.

dia-diem-vui-choi-o-bac-ninh-dia-diem-tham-quan-o-bac-ninh-13

“Cửu phẩm Liên Hoa”

Ðến với chùa là đến với một điểm du lịch mang tính nhân văn cao. Trong chùa, có nhiều cổ vật quý, nhiều tháp to, nhỏ rất đẹp là nơi đặt xá lị của các thiền sư xưa. Tháp Bảo Nghiêm, trên đỉnh có hình nậm rượu, 5 tầng, 8 mặt, cao 13m, là nơi đặt xá lị của thiền sư Chuyết Chuyết; tháp Tôn Ðức 5 tầng, cao 10m là nơi đặt xá lị thiền sư Minh Hành, vị tổ thứ hai của chùa.

4. Chùa Dâu

Vị trí: Chùa Dâu thuộc thôn Khương Tự (còn gọi là làng Dâu), xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Đặc điểm: Là ngôi chùa đầu tiên của Việt Nam, được khởi dựng vào đầu thế kỷ thứ 3.

dia-diem-vui-choi-o-bac-ninh-dia-diem-tham-quan-o-bac-ninh-14

Từ những thế kỷ đầu công nguyên, chùa Dâu đã là một trung tâm Phật giáo nổi tiếng trong nước và ngoài nước. Từ cuối thế kỷ thứ 4, Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi đã mở đạo tràng thuyết pháp tại chùa, lập nên thiền phái đầu tiên ở Việt Nam.

dia-diem-vui-choi-o-bac-ninh-dia-diem-tham-quan-o-bac-ninh-15

Chùa được ông Mạc Ðĩnh Chi đứng ra dựng lại với qui mô lớn vào thế kỷ 14, và trùng tu nhiều lần ở các thế kỷ tiếp theo. Hiện nay ở sân chùa có tháp Hòa Phong 3 tầng cao khoảng 17m. Trong tháp có chuông lớn đúc dưới triều Cảnh Thịnh (1793), khánh lớn bằng đồng đúc năm Minh Mạng 18. Ngoài ra, còn có tượng Bà Pháp Vân, tượng Kim Ðồng và Ngọc Nữ.

dia-diem-vui-choi-o-bac-ninh-dia-diem-tham-quan-o-bac-ninh-16

5. Chùa Phật Tích

Vị trí: Chùa Phật Tích nằm ở sườn núi Lạn Kha (Rìu Mục), xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Đặc điểm: Chùa Phật Tích xưa kia là nơi có nhiều nhà tu hành tu luyện. Theo sử sách để lại thì chùa Phật Tích chính là nơi Phật ngự.

Chùa Phật Tích còn gọi là chùa Vạn Phúc, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 7 đến thế kỷ 10. Chùa được hoàn chỉnh vào triều Lý Thánh Tông (1057) và tu bổ khang trang vào năm 1686. Vào năm 1057, vua Lý Thánh Tông đã cho dựng cây tháp báu và đúc pho tượng Phật mình vàng.

Chùa được xây dựng đại qui mô vào thế kỷ thứ 17. Năm 1947, do chiến tranh, chùa bị phá huỷ hoàn toàn. Năm 1958, chùa được dựng lại sơ sài. Năm 1991, chùa được xây dựng dần theo qui mô kiến trúc cổ.

Hiện tại di vật của chùa còn lại là bức tượng Phật A-di-đà bằng đá, ngồi thiền định trên toà sen, cao 1,85m (tính cả bệ đá là cao 3m). Chân cột chùa chạm trổ hoa sen và dàn nhạc, các nghệ nhân chơi sáo, tiêu, nhị, đàn tranh, đàn bầu, trống cơm,…

dia-diem-vui-choi-o-bac-ninh-dia-diem-tham-quan-o-bac-ninh-17
dia-diem-vui-choi-o-bac-ninh-dia-diem-tham-quan-o-bac-ninh-18

Những lễ hội đặc sắc ở Bắc Ninh

1. Hội Đại Bái

Thời gian: 29/9 âm lịch.

Địa điểm: Xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Đối tượng suy tôn: Ông tổ nghề đúc đồng, chạm bạc – Nguyễn Công Truyền.

Đặc điểm: Các trưởng họ mang sản phẩm đồng, bạc chạm dâng lên bàn thờ, dâng hương tổ sư, thắp hương của người đồng niên (49 tuổi), hát ả đào, ném cướp cây bông.

2. Hội Đậu

Thời gian: 18/3 âm lịch.

Địa điểm: Xã Mộ Đạo, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Đối tượng suy tôn: Ông Bính, một vị tướng thời Hùng Vương thứ 18.

Đặc điểm: Rước lớn, thi thả diều, bơi chải.

3. Hội Đồng Kỵ

Thời gian: 4/1 âm lịch.

Địa điểm: Làng Đồng Kỵ, xã Đồng Quang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Đối tượng suy tôn: Thành hoàng làng Hùng Huy Vương.

Đặc điểm: Lễ rước mô hình quả pháo (được gọi là ông Quan Đám).

Thành hoàng làng là Hùng Huy Vương, một tướng giỏi của vua Hùng thứ 6 có công theo Thánh Dóng đánh giặc Ân xâm lược. Hội làng tổ chức lễ rước ông Quan Đám, đồng thời còn kết hợp làm lễ chúc thọ, lễ khao lão. Ngày xưa hội làng có tục rước pháo, ngày nay là rước mô hình quả pháo – như một cách nhớ nghề của làng. Trong ngày hội còn có trò đấu vật, chọi gà, hát đối đáp, thi thổi cơm, thi đọc chúc văn bằng chữ Hán, chữ Nôm ca ngợi thành hoàng làng.

4. Hội đình Đình Bảng

Thời gian: 14 – 15/2 âm lịch.

Địa điểm: Đình làng Đình Bảng, xã Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Đối tượng suy tôn: Thờ núi, thần nước, thần đất và 6 nhân thần có công dựng lại làng sau cuộc tàn phá của quân Minh.

Đặc điểm: Tế thần, đấu vật, chọi gà.

5. Hội đền Cao Lỗ Vương (Hội làng Đại Than)

Thời gian: 10/3 âm lịch.

Địa điểm: Làng Đại Than, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Đối tượng suy tôn: Cao Lỗ, tướng giỏi của An Dương Vương.

Đặc điểm: Lễ rước thần của 7 làng cùng thờ Cao Lỗ và tổ chức đua thuyền trên sông Lục Đầu.

Biên tập bởi HiVietnam.net – Hữu Lộc

(Theo vietnamtourism)

Ý kiến bạn đọc

Quý đọc giả thân mến, tin bài tại Cổng thông tin Du lịch và Dịch vụ này được tổng hợp, chọn lọc và biên tập theo từng chủ đề từ nhiều nguồn tin khác nhau, do đó có thể có một số nội dung chưa được cập nhật mới nhất hoặc cũng có thể chưa thật đầy đủ và hoàn thiện.
Do đó, chúng tôi mong muốn sự chia sẻ, đóng góp ý kiến – tin bài – hình ảnh hoặc những đoạn video của Quý vị, nhằm giúp xây dựng một Cổng thông tin với chất lượng tốt, tin bài phong phú và phục vụ tốt nhu cầu của khách du lịch trong nước và nước ngoài. Chân thành cảm ơn sự cộng tác của Quý vị!

HIVIETNAM.NET | CỔNG THÔNG TIN DU LỊCH & DỊCH VỤ – CÔNG TY TNHH PHƯƠNG BẮC