Độc đáo khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng – Nông Nghiệp

1088

Tôi đã nhiều lần đến Lung Ngọc Hoàng nhưng mỗi lần đặt chân đến đây đều không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của một Khu bảo tồn được UBND tỉnh Hậu Giang ra Quyết định thành lập ngày 2/6/2011, lấy tên là “Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng”.

Đồng sậy ngày xưa

Nhà văn Sơn Nam đã mô tả: “Vùng đất Phụng Hiệp ngày xưa là một vùng đất trũng, hoang vu đầy lau sậy, người Pháp gọi là đồng sậy (Plaine des roseaux).

lung-ngoc-hoang-hau-giang-1-286550

Con đường dẫn vào Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng

Tương truyền nơi đây có nhiều đàn voi nối đuôi nhau lội từ miệt này qua miệt khác nên mới tạo thành nhiều lung bào, bưng trấp. Theo “Địa chí Cần Thơ”, cách nay trên 120 năm đã có người đặt chân đến Lung Ngọc Hoàng để khai hoang. Trước Cách mạng tháng Tám cũng có nhiều địa chủ đến trồng lúa và khai thác cá. Sau đó, họ bỏ chạy ra thành, Lung Ngọc Hoàng trở thành căn cứ cách mạng vững chắc trong suốt hai thời kỳ kháng chiến.

Ông Nguyễn Trung Vinh, nguyên Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cần Thơ cho biết truớc năm 1970, cá và rùa rắn ở đây sống rất nhiều, đến nỗi “cá lóc mọc râu, cá trê vàng nọng, rùa to đến vài kí, còn sặc rằn thì chạy xanh cả nước”. Bao đời nay, Lung Ngọc Hoàng vừa nổi tiếng là một “rốn cá” lại vừa là một “vựa rắn” của miền Tây. Ngoài ra còn có nhiều loài chim và một quần thể động vật đa dạng.

Kề từ năm 1976, vùng đất bao quanh khu Lung Ngọc Hoàng đã trở thành đất nông trường, sau chuyển sang đất lâm nghiệp. Nhiều cán bộ lãnh đạo tiền nhiệm kể lại lúc mới về đây (1983) anh em phải chèo xuồng và mang theo một cây đèn dầu, một con dao và dụng cụ nấu ăn. Vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn anh em lâm trường đã tự lực sản xuất, biến vùng “muỗi kêu như sáo thổi” trở thành những khu rừng tràm thơ mộng, những hàng cây bản địa xanh tươi, chen lẫn với những bờ cây ăn trái mượt mà.

Kỳ thú, hấp dẫn

Khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng nay thuộc xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang có diện tích tự nhiên 2.805,37ha. Hiện nay, UBND tỉnh chưa có dự án hoặc kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Khu bảo tồn đã chia sẻ: “Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cần bảo tồn những sinh cảnh tự nhiên và sự đa dạng sinh học, nơi cư trú của các loài sinh vật bản địa nên không thể mời các đối tác tư nhân tham gia làm du lịch”.

Tại đây đang bảo tồn những sinh cảnh tự nhiên, tiêu biểu, độc đáo sự đa dạng sinh học, nơi cư trú của các loài sinh vật bản địa của hệ sinh thái đất ngập nước, đồng thời góp phần bảo tồn các giá trị về văn hóa, lịch sử, nhân văn của vùng đồng bằng Nam bộ. Ngoài ra, Khu bảo tồn còn góp phần duy trì sự cân bằng sinh thái và gia tăng độ che phủ, đảm bảo an ninh môi trường và sự phát triển bền vững của Khu vực ĐBSCL.

Đây là cách làm hiệu quả nhất nhằm phát triển khu bảo tồn và giữ rừng, ổn định đời sống kinh tế cho những hộ dân đang sống trong khu vực, đồng thời quảng bá thương hiệu cho Lung Ngọc Hoàng. Trước mắt, Ban Quản lý Khu bảo tồn đang phát triển và mở rộng cảnh quan du lịch ở Phân khu phục hồi sinh thái mà không làm thay đổi hiện trạng, bảo đảm hòa hợp với thiên nhiên và thân thiện với môi trường.

lung-ngoc-hoang-hau-giang-2-284436

Những con kênh dài hun hút dẫn vào Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng

Hiện nay, con đường dẫn vào Khu bảo tồn đã tráng xi măng dài 5km, khách tham quan có thể đi bộ, chạy xe 2 bánh hoặc đi xuồng dọc theo các con kênh để khám phá hệ sinh thái ngập nước đặc trưng của ĐBSCL. Trong tương lai, Ban quản lý sẽ phục dựng gác kèo ong lấy mật, phục hồi các loại rau rừng đặc sản như đọt choại. Ngoài ra còn nhiều dịch vụ vui chơi giải trí như câu cá đồng, tổ chức picnic hoặc mở tour homestay để khách trải nghiệm cùng người dân địa phương dọc theo những dòng kênh, đặc biệt là kênh Long Phụng, một dòng kênh đã đi vào văn học:

Công danh đâu nữa mà chờ,

Về kinh Long Phụng đặt lờ nuôi em.

Bước vào năm 2016, hai bên đường vào Khu bảo tồn cây xanh đã rợp bóng, hấp dẫn nhất là cây cà na (30.000 cây), một số đang ra trái. Ngoài ra còn có mít, xoài, mãng cầu, đu đủ, nhiều nhất là chuối (3.000 bụi), dừa (1.500 cây)… Ông Lê Văn, cán bộ Phòng Hành chính – Tổ chức phấn khởi cho biết trước đây nguồn thủy sản có lúc gần như cạn kiệt nhưng từ khi cải tạo kênh mương, nhiều loài cá đã phục hồi và nhiều gấp 3 – 4 lần trước kia. Các loài thú như dơi chó, chồn mực, cáo mèo cùng các loài quý hiếm khác như càng đước, cua đinh, rùa vàng, cá còm… xuất hiện ngày càng nhiều.

Từ các tháp canh, phóng tầm mắt ra xa, hướng về những dải rừng tràm ngun ngút, mượt mà và những dòng kênh lượn lờ như một bức tranh thủy mặc, du khách tưởng như lạc vào một thế giới màu xanh đầy quyến rũ, một vùng đất huyền thoại còn chứa đựng bên trong nhiều điều kỳ thú và hấp dẫn.

Anh Hồ Sơn Kha, nhân viên bảo vệ kiêm hướng dẫn khách tham quan cho biết Khu bảo tồn đang làm tốt công tác thủy lợi, đã bắc xong 5 cây cầu và xây dựng 4 tháp canh (cao 25m), đặc biệt là trồng mới được 60.000 cây bản địa, gồm gừa, xộp, cà na, sắn, mua, trâm bầu, ô môi, bần, dừa nước…

lung-ngoc-hoang-hau-giang-3-303306

Những hàng cây cà na trồng dọc theo con đường dẫn vào Khu bảo tồn

Khu bảo tồn hiện có một hệ thực vật đa dạng gồm 300 loài và một quần thể động vật vô cùng phong phú, gồm 76 loài chim, 31 loài bò sát, độc đáo nhất là chim nước với 135 loài trong đó có nhiều giống quý hiếm như bạc má, cà cuốc, cò ốc, giang sen, đà đẩy, vạc, ác là…

Người bơi xuồng sẽ tận mắt chứng kiến những bầy le le, những đàn cò trắng tung bay, đặc biệt là những con con bìm bịp, trích cồ giật mình bay lên lượn lờ trông rất đẹp mắt. Về cá có tất cả 73 loài, đặc trưng là cá bông, có con cân nặng 5 – 6 ký. Đó là những tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá giúp cho khách tham quan có cơ hội khám phá.

Từ lâu, Ban giám đốc rất quan tâm đến công tác giáo dục, tuyên truyền cho bà con về ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi sinh để tránh nguy cơ làm ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học của Khu bảo tồn. Hiện có 120 hộ đang sống trong khu nghiêm ngặt, Ban Giám đốc đang có kế hoạch di dời. Nếu không, về lâu về dài có thể ảnh hưởng đến tính bền vững của hệ sinh thái và làm hỏng mục đích nhân văn của việc bảo tồn.

BAOMOI.COM