Share
Điện Biên là một tỉnh nằm ở vùng Tây Bắc, miền Bắc Việt Nam, giáp với các tỉnh Lai Châu và Sơn La của Việt Nam, Vân Nam của Trung Quốc ở phía Bắc, Phongsali của Lào ở phía Tây.
GIỚI THIỆU DU LỊCH ĐIỆN BIÊN
Du lịch Điện Biên: Địa danh làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ghi danh vào trang sử oanh liệt của dân tộc Việt Nam. Với quần thể di tích lịch sử, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa cộng đồng các dân tộc đa dạng, phong phú – là điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước.
Du lịch Điện Biên
DI CHUYỂN, ĐI LẠI Ở ĐIỆN BIÊN
Di chuyển đến Điện Biên
Thành phố Điện Biên Phủ cách Hà Nội 474km, cách biên giới với Lào khoảng 35km (qua cửa khẩu Tây Trang). Về giao thông, thành phố này phát triển cả về đường bộ lẫn đường hàng không. Với tuyến đường bộ, du khách có thể xuất phát tại các điểm: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Lào Cai. Với đường hàng không, bạn có thể xem thông tin tại các đại lý vé máy bay.
Bằng phương tiện công cộng
Có thể mua vé xe đi Điện Biên ở các bến xe miền Bắc. Lưu ý tham khảo ngày giờ xuất bến của cả hai điểm cũng như những địa danh có thể đi qua để lên kế hoạch tham quan chi tiết. Từ Hà Nội lên Điện Biên liên tục có các chuyến xe xuất phát tại bến xe Giáp Bát, bến xe Mỹ Đình và bến xe Nước Ngầm.
Bằng phương tiện cá nhân
Khoảng cách từ Hà Nội đến Điện Biên khá xa, để bảo đảm an toàn, bạn nên di chuyển bằng xe con hay các phương tiện công cộng, hạn chế xe máy. Đến nơi có thể thuê xe ôm như hướng dẫn trên.
Từ Hà Nội – Điện Biên đi như sau: theo quốc lộ 6 qua Sơn La, vượt đèo Pha Đin sang Tuần Giáo rồi rẽ theo quốc lộ 279 vào Ðiện Biên.
Đường không từ HN
Hãng Vietnam Airlines có chuyến bay đi Điện Biên mất 1 tiếng với giá vé từ 800.000Đ
Lưu ý khi di chuyển bằng phương tiện cá nhân là mang đầy đủ giấy tờ xe và tuân thủ đúng luật ann tòan giao thông đường bộ.
Di chuyển, đi lại ở Điện Biên
Đến Điện Biên Phủ, bạn có thể thuê xe ôm hoặc gọi taxi chở đến các điểm tham quan. Kinh nghiệm của những người từng đến đây nên thuê một xe ôm chở mình đến tất cả các điểm trong thành phố. Phí di chuyển dao động từ 150.000 – 200.000 đồng/người. Mức giá khá rẻ so với taxi.
Để thuận tiện trong việc di chuyển giữa các điểm du lịch, nhiều du khách chọn cách tới Điện Biên bằng phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, phải điều khiển xe trên một quãng đường dài sẽ khiến du khách tiêu tốn nhiều sức lực và chạy xe trên tuyến đường không quen có thể khiến việc di chuyển mất nhiều thời gian hơn
NÊN DU LỊCH ĐIỆN BIÊN VÀO THỜI GIAN NÀO
Tháng 3: Mùa hoa ban nở
Vào tháng 3, khi những cơn mưa xuân vừa dứt cũng là lúc hoa ban bung nở trắng xóa khắp các tuyến đường và triền núi ở Điện Biên. Thời điểm này, nhiều du khách lại rủ nhau về đây để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh khôi và có phần hoang sơ của mảnh đất vùng Tây Bắc.
Tháng 5: kỷ niệm chiến thắng Điện Biên phủ
Nếu có dịp đến Điện Biên vào ngày 7/5, du khách sẽ có cơ hội hòa mình vào nhiều hoạt động văn hóa kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, lắng nghe câu chuyện do những cựu chiến binh kể lại và được sống trong không khí hào hùng, đầy tự hào của lịch sử nước nhà.
Tháng 8-9: mùa lúa chín
Tháng 9 về, Điện Biên lại khiến du khách say lòng khi khoác lên mình chiếc áo vàng rực rỡ của những cánh đồng lúa chín trải dài bất tận.
Tháng 11-12: mùa hoa dã quỳ
Cũng là màu vàng rực rỡ, nhưng chiếc áo vàng mà Điện Biên mặc vào những ngày tháng 11 lại được dệt từ vẻ đẹp kiêu sa pha lẫn nét hoang dại của những bông hoa dã quỳ đang đua nở.
ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN Ở ĐIỆN BIÊN
Không chỉ có những di tích lịch sử đáng nhớ, Điện Biên còn có khung cảnh thiên nhiên và những địa danh du lịch hấp dẫn
1. Các di tích lịch sử
Chiến trường Điện Biên Phủ thuộc tỉnh Điện Biên, cách Tp. Hà Nội khoảng 500km về phía tây. Đặc điểm: Chiến trường Ðiện Biên là một di tích lịch sử ghi lại chiến công oanh liệt của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp.
Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ
Từ thành phố Điện Biên Phủ, đi về phía đông 25km, bạn sẽ gặp một khu rừng nguyên sinh thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên. Chính tại nơi đây, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái… đã từng sống, làm việc và chỉ đạo quân, dân chiến đấu anh dũng để giành chiến thắng trong chiến dịch Điện Biên năm xưa. Sở chỉ hay này gồm có:
– Chòi canh gác số 1
– Đài quan sát
– Hầm ban chính trị
– Hầm ban cố vấn Trung Quốc
– Hầm thông tin liên lạc
– Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
– Lán ở và làm việc của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái
– Đường hầm xuyên núi với chiều dài 96m nối liền lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lán của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái.
– Nhà hội trường
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ
Quần thể tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ gồm 3 anh bộ đội đứng quay lưng vào nhau, nâng một em bé Thái, trên cùng là lá cờ quyết chiến quyết thắng. Tượng có chiều cao 16,6m, chất liệu bằng đồng thau, trong ruột kết cấu bê tông cốt thép, trọng lượng 220 tấn. Bệ tượng cao 3,6m kết cấu bêtông cốt thép, bên ngoài ốp đá mỹ nghệ, gồm 3 tầng hình chữ nhật xếp chéo lên nhau..
Hầm chỉ huy tướng Đờ Cát
Ngay tại trung tâm cứ điểm Điện Biên Phủ, thuộc cánh đồng Mường Thanh, huyện Điện Biên, căn hầm của tướng chỉ huy Đờ Cát đến nay vẫn còn giữ nguyên vẹn cấu trúc 4 gian và cách sắp xếp như khi xưa tướng Đờ Cát đã từng sống và làm việc. Quanh hầm là hàng rào thép gai dày đặc cùng 4 chiếc xe tăng.
Nhắc đến Điện Biên, chúng ta không thể không nhắc tới những địa danh gắn với những trận chiến lịch sử được nhiều người biết đến như Mường Thanh, khu trung tâm đề kháng Him Lam, Hồng Cúm, căn cứ địa Mường Phăng… Và đặc biệt là đồi A1 nơi đã diễn ra trận chiến lịch sử kéo dài 39 ngày đêm.
Đây là nơi yên nghỉ của 644 anh hùng liệt sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tổ phục vụ tại nghĩa trang đã tiếp đón hàng vạn người trong dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tỉnh Điện Biên đã phải huy động khá đông lực lượng quân đội, công an, thanh niên tình nguyện để phục vụ người dân đến viếng.
Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ
Nằm đối diện Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1, Bảo tàng Điện Biên là nơi trưng bày hơn 274 hiện vật và 122 bức tranh gắn liền với những chiến công vang dội của chiến dịch Điện Biên vào tháng 7/1954. Muốn biết tường tận hơn về toàn bộ diễn tiến của chiến dịch này, bạn có thể đến bảo tàng để tham quan và tìm hiểu.
Cầu Mường Thanh quân Pháp gọi là cầu “Prenley”, là cây cầu bắc qua sông Nậm Rốm, ở địa điểm cách ngã ba đường 279 hiện nay khoảng 300 m. Cầu là một công trình quân sự nằm trong phân khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
2. Danh lam thắng cảnh
Ðến Ðiện Biên, đường bộ, đường hàng không, hay từ Hòa Bình lên, từ Lào Cai sang, từ Nghĩa Lộ thẳng tiến; dù từ hướng nào thì cũng không khỏi ngỡ ngàng vì phong cảnh thiên nhiên cùng vẻ trù phú của cuộc sống trên cánh đồng Mường Thanh rộng hơn 140 km2 – một trong những cánh đồng phì nhiêu nằm giữa các thung lũng trải rộng từ Nghĩa Lộ tới Ðiện Biên và từng được người Thái xếp hạng là “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”.
Hồ Pá Khoang thuộc địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ gần 20km. Trong khu vực lòng hồ có các bản dân tộc Thái, Khơ Mú là những dân tộc còn giữ được những phong tục tập quán, nét đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc …
Đèo Pha Đin
Đèo Pha Đin
Đèo Pha Đin
Trên đường từ Hà Nội đến Điện Biên, du khách sẽ đi qua cung đường đèo dài 32km, rất chênh vênh và hiểm trở với một bên là vách núi cheo leo và một bên là vực thẳm hun hút. Đó chính là đèo Pha Đin, địa danh được người dân bản địa ví von là nơi trời và đất hoà làm một.
Động Pa Thơm
Động Pa Thơm nằm ở lưng chừng núi, gắn với các truyền thuyết và huyền thoại về tình yêu nam nữ được xem là một động đẹp nổi tiếng của vùng này. Giữa lối vào hang có một tảng đá khổng lồ hình đầu voi cúi xuống. Trong động có tất cả 9 vòm. Các hình thù và màu sắc của thạch nhũ rất sống động và mang cả nét huyền bí. Năm 2009, động này đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.
Động Xá Nhè
Động Xá Nhè
Được xếp vào danh sách các động đẹp nhất Điện Biên, động Xá Nhè mang trong mình một vẻ đẹp đầy bí ẩn và kỳ thú bởi nét nguyên sơ hiếm có. Động bao gồm 5 khoang, dài 700m, và có những vòm lớn với các thạch nhũ mềm mại như thác nước. Bên dưới nền động là cả rừng măng đá với muôn hình thù kỳ lạ rất cuốn hút du khách ưa khám phá.
A Pa Chải được mệnh danh là “1 con gà gáy cả 3 nước đều nghe thấy” và là mục tiêu chinh phục của không ít các phượt thủ nơi có cột mốc số 0, điểm cực Tây trên đất liền của nước ta. Khi mua vé máy bay đi Điện Biên, du khách đừng quên ghé thăm A Pa Chải để trải nghiệm được cảm giác mới lạ, khá mạo hiểm những cũng không kém phần lí thú.
Chợ phiên vùng cao Tả Sìn Thàng
Ngay thung lũng trung tâm, chợ Tả Sìn Thàng nhỏ bé lọt giữa sương giăng và núi dựng. Nơi đây là bức tranh màu sắc về một nét đẹp văn hoá rất đặc trưng của các dân tộc vùng Tây Bắc. Người ta đến chợ không chỉ trao đổi mua bán hàng hoá mà còn là để trao duyên, trao tình. Chính vì vậy, những ngày họp chợ con gái xúng xính áo quần, còn các chàng trai thi nhau trổ tài ca hát làm rộn rã cả một khung trời yên bình.
Suối nước nóng U Va
Từ trung tâm thành phố Điện Biên Phủ đi về phía Tây Nam khoảng 15km, bạn sẽ đến được suối nước nóng U Va, nằm trong Khu du lịch U Va thuộc xã Noọng Luống, huyện Điện Biên. Trong địa thế trùng điệp núi non, một dòng suối khoáng nóng tự nhiên chảy dài trên tổng diện tích trên 73.000m2 với nhiệt độ trung bình từ 76- 84 độ C.
Tương truyền, suối khoáng nóng này chính là một bà tiên nằm trên một cái nôi đẹp. Trước năm 2002, U Va chảy qua là một bãi cỏ. Sau này nó đã được đưa lên khu vực trên đồi cao.
Suối nước nóng Hua Pe
Cạnh hồ nước nhân tạo Pe Luông, thuộc xã Thanh Luông là suối khoáng nóng Hua Pe với nhiệt độ trung bình khoảng 60°C. Nơi đây từ lâu đã trở thành điểm du lịch sinh thấp thu hút nhiều du khách đến trị liệu và nghỉ dưỡng.
Vườn anh đào Mường Phăng
Giữa lòng hồ Pá Khoang, trên một hòn đảo, có một vườn hoa anh đào khá thú vị. Đây là dấu son cho tình hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt Nam- Nhật Bản. Vào mùa xuân, anh đào nở rộ khắp một vùng khoe sắc giữa cảnh trời mây non nước của vùng đất Điện Biên xinh đẹp.
Vào năm 2010, cây cầu là ranh giới giữa Điện Biên và Lai Châu sẽ chìm trong nước sông Đà khi nhà máy thủy điện Sơn La đi vào hoạt động. Hang Tôm nối Điện Biên sang Lai Châu và là cây cầu đẹp nhất hai tỉnh miền núi này. Nhưng chỉ năm sau, cả cây cầu sẽ ngậm sâu 20m nước khi nhà máy thủy điện Sơn La ngăn đập
Thị xã Mường Lay
Mường Lay gắn với nhiều thăng trầm lịch sử của tỉnh Điện Biên, là cửa ngõ phía Bắc của tình nối liền với tỉnh Lai Châu. Với sự xuất hiện của Thủy điện Sơn La, Mường La ngày càng thay da đổi thịt và giờ đã trở thành một nơi sơn thuỷ hữu tình ở hai bên bờ sông Đà. Hoạt động đi thuyền trên lòng hồ được rất nhiều du khách ưa chuộng khi đến với Mường Lay. Nếu ưa mạo hiểm, bạn có thể thử sức câu cá trên sông Đà, leo núi khám phá Hang bản Bắc hoặc xuyên rừng đến với các bản làng xa để tìm hiểu văn hoá và cuộc sống dân bản.
Nằm nép mình giữa bạt ngàn núi đồi và ruộng nương, bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) được biết đến như một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Từ TP. Điện Biên Phủ, theo quốc lộ 12 khoảng 6km về phía bắc, du khách sẽ đến bản Mển
Tháp Chiềng Sơ
Di tích tháp Chiềng Sơ là di sản kiến trúc nghệ thuật đỉnh cao của văn hoá cổ thuộc bản Nà Muông, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Đây là dấu ấn cho tình hữu nghị của nhân dân hai nước Việt – Lào khi cả hai cùng quyên góp xây dựng một công trình tín ngưỡng chung.
Tháp được phỏng theo hình nậm rượu, cao 10,5m. Quanh chân tháp có 4 chú voi, 2 phía trước và 2 phía sau. Tháp được dựng bằng gạch và vôi vữa mật. Trên thân tháp nổi bật với tòa sen có sáu lớp chồng lên nhau như đội lấy tòa Tháp. Ngoài ra còn rất nhiều hoa văn chìm nổi cách điệu hình chim muông, hoa lá theo bố cục từng phần rất hài hòa.
Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé
Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé rất đa dạng về sinh học được đánh giá vào loại lớn nhất ở Việt Nam. Với diện tích khoảng 310.262 ha gồm 10 xã biên giới, khu bảo tồn này sở hữu cánh rừng nguyên thuỷ và là nơi cư trú của nhiều loài động vật quí, hiếm như: mèo rừng, cầy hương, tê tê, sói đỏ, rùa đá, bò tót, gấu chó,… và một số loài còn được ghi vào sách đỏ Việt Nam. Hệ thực vật ở đây cũng có đến hơn 308 loài với nhiều loài quý hiếm, trong đó có: chò đãi, dổi xương, chò nước, lát hoa, chò chỉ, pơ mu, trầm hương…
ĂN GÌ? Ở ĐÂU?
Măng đắng, rau hoa ban, pa pỉnh, thịt trâu hun khói… là những món ăn không thể lẫn vào đâu được của tỉnh Tây Bắc Điện Biên
1. Xôi nếp nương
Nói đến Điện Biên, người ta nghĩ ngay đến nếp nương với những hạt nếp căng tròn, mềm dẻo. Cách đồ xôi nếp nương khá công phu, gạo nếp phải được ngâm trong nhiều giờ liền khi đồ xôi mới không bị sượng. Xôi phải được đồ trong chõ gỗ đặc biệt của dân tộc, chín bằng hơi, mềm dẻo chứ không dính tay, qua hai lần đồ mới dẻo thơm. Sau khi đồ lần thứ nhất, người ta đổ ra rá rồi lấy đũa trải ra cho đều, để một lúc sau lại cho vào chõ và tiếp tục đồ cho đến khi xôi xín đều.
Ngoài xôi trắng, để tạo màu sắc cho sặc sỡ cho xôi, người ta còn lấy các loại cây rừng để tạo màu xanh đỏ, tím, vàng làm cho món xôi càng trở nên hấp dẫn. Vo từng nắm xôi trên tay, nhẩn nha thưởng thức mới thấy hết được hương vị dẻo thơm của loại xôi này.
2. Thịt trâu hun khói
Thịt trâu gác bếp là một những món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc ở Điện Biên. Để làm món thịt trâu ngon, người ta phải lọc cẩn thận hết gân, lọc sạch bạc nhạc, sau đó thái miếng dọc thớ rồi ướp với hỗn hợp gia vị gồm sả, gừng, tỏi, ớt khô băm nhỏ, mắc khén giã nát rồi để khoảng 2-3 tiếng, sau đó lấy que xiên và sấy trên than củi, để xa cho thịt chín từ từ, chín đều.
Thịt được sấy cho đến khi vừa chín để không làm mất vị ngọt của thịt. Khi ăn, người ta hay cho vào chõ hấp lại khoảng 30 phút. Vị ngọt của thịt trâu đượm trong sự đậm đà của các gia vị tạo nên sức hấp dẫn cho đặc sản vùng cao.
3. Pa pỉnh (cá nướng)
Với sự pha trộn khéo léo và kết hợp giữa các loại gia vị độc đáo, món cá nướng là món ăn mang đậm hương vị Tây Bắc. Để làm món cá nướng, người ta dùng các loại cá như cá chép, trôi, mè trắm, khoảng hơn 1kg được mổ ở dọc phía lưng, rồi rửa sạch để ráo nước, xoa một ít muối rang vào bên trong cá để thêm đậm đà.
Hỗn hợp để tẩm ướp gồm mắc khén, ớt tươi nghiền nát, hành tươi, rau thơm, rau mùi thái nhỏ…trộn đều rồi nhồi vào bụng cá. Sau đó, cá được gập đôi lại rồi dùng nẹp tre nẹp cá nướng lên than hồng.
Khi cá chín vàng, con cá được gỡ ra phải nguyên vẹn, không vỡ nát, dậy mùi gia vị bên trong, khi ăn cảm nhận được vị ngọt béo của cá, vị cay của ớt, mắc khén, màu xanh của hành, rau thơm lẫn màu vàng của thịt da cá trông rất hấp dẫn.
4. Măng đắng
Măng đắng là sản vật và là món ăn rất phổ biến của người Điện Biên. Với măng đắng, người ta có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như xào, luộc, nướng, hầm xương. Đơn giản nhất là món măng đắng chấm với chẩm chéo (thứ nước chấm độc đáo đặc trưng của người Thái) khiến nhiều người mê mẩn.
Với nhiều người lên Điện Biên lại thích món măng đắng nướng vì nó vẫn còn giữ được nguyên vị đắng, chát. Khác với các loại măng tươi khác khi chế biến cần phải ngâm muối để khử hết vị đắng, cái ngon ở măng đắng Điện Biên chính là vị đắng khó quên.
5. Rau hoa ban
Những du khách lên Điện Biên vào tháng 3 sẽ thấy ngập sắc ban trắng, ban đỏ, ban tím. Người Thái ở đây thường sử dựng loại hoa và lá ban non để chế biến thành các món ăn phục vụ cho bữa ăn hàng ngày như hoa ban xào thịt lợn rừng, nộm hoa ban củ riềng, hoa ban nộm vừng… Các món ăn này đều rất ngon và rất dễ ăn, vị ngon ở từng món ăn cũng rất khác nhau, mang lại những hương vị đặc biệt.
Khu vực tập trung nhiều quán ăn ngon
Đến Điện Biên, bạn nên tranh thủ ăn sáng trước 9h bởi muộn hơn sẽ không còn đồ ăn. Để tiện hơn, bạn nên đặt trước bữa ăn với nơi bạn lưu trú. Giá cả cho các món ăn ở Điện Biên rất rẻ, bạn có thể chọn nhiều món ăn và đặc sản mà chỉ hết vỏn vẹn từ 100 – 150 nghìn.
Để thưởng thức những món ăn ngon đặc trưng của vùng miền nơi này, tốt nhất bạn hãy tới thành phố Điện Biên. Tại đây tập trung nhiều hàng quán ngon và rất dễ tìm kiếm.
Ngoài ra nếu muốn, bạn có thể tìm một gia đình người dân tộc bản đại nơi đây và dùng bữa cùng với họ để thưởng thức trọn vẹn hương vị đồ ăn cũng như không khí núi rừng Tây Bắc.
Những hoạt động du khách thường làm ở Điện Biên
Là 1 tỉnh phía Tây Bắc, đến với Điện Biên bạn sẽ có rất nhiều những điều thú vị để tham gia trải nghiệm khi tới đây.
Thăm quan các di tích lịch sử nổi tiếng
Tham gia các lễ hội truyền thống
Thưởng thức những món ăn đặc trưng
Khám phá thiên nhiên Điện Biên
Check in cực Tây
Các điểm chụp hình đẹp ở Điện Biên
Cánh đồng lúa Mường Thanh: Cánh đồng Mường Thanh là địa điểm tham quan, ngắm cảnh cực đẹp ở Điện Biên với vẻ đẹp xanh bát ngát hay vàng óng ả của cây lúa
Đèo Pha Đin: Trên đường đi lên tới đỉnh đèo, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp núi rừng Tây Bắc, những thung lũng bản làng dưới chân núi và đặc biệt là mây mù che phủ tạo nên một cảm giác mờ ảo vô cùng.
Vườn anh đào Mường Phăng: Nằm ở giữa hồ Pá Khoang, xã Mường Phăng cứ mỗi độ tháng 12 dương lịch hàng năm là vườn hoa anh đào trên đảo lại nở rộ và thu hút đông đảo khách du lịch.
Hồ Pá Khoang: Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nơi đây còn hấp dẫn bởi những bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của nhiều dân tộc Thái, Khơ Mú…
Cột mốc ngã ba biên giới A Pa Chải: Là một địa danh miền núi xa nhất phía Tây Bắc đất nước, A Pa Chải có cột mốc biên giới phân chia ranh giới giữa 3 nước Việt Nam – Lào- Trung Quốc, nơi một tiếng gà gáy, 3 nước cùng nghe.
Khu vực tập trung nhiều khách sạn, nhà nghỉ ở Điện Biên
Tới Điện Biên, tốt nhất bạn nên ở lại thành phố Điện Biên. Bởi nơi đây tập trung nhiều nhà nghỉ, khách sạn giá cả phải chăng và rất dễ tìm. Hơn nữa, thành phố Điện Biên là điểm ở giữa, rất tiện lợi cho du khách đi tham quan các di tích lịch sử hay các điểm danh lam thắng cảnh tại đây.
Ngoài ra, tuỳ vào điểm đến xác định ban đầu, bạn có thể chọn nghỉ lại tại Mường Nhé, Thị xã Mường Lay, Mường Chà, Tuần Giáo. Đây là những điểm đông dân và có thể tìm một nơi để nghỉ tại đây.
Lịch trình du lịch Điện Biên tham khảo 3 ngày 2 đêm
NGÀY 01: HÀ NỘI – ĐIỆN BIÊN
Sáng
– 05h00: khởi hành chuyến du lịch Điện Biên 3 ngày 2 đêm. Ăn sáng tại ngã 3 Xuân Mai và tiếp tục hành trình. Trên đường đi du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh núi rừng Tây Bắc hũng vĩ, đoàn vượt đèo Thung Khe tới địa phận Mộc Châu (Sơn La), dừng chân ngắm cảnh và chụp ảnh hai bên đường.
– 12h00: đoàn dừng chân ăn trưa tại Mộc Châu.
Chiều
– Tiếp tục hành trình đi Điện Biên, vượt qua Đèo Pha Đin, một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc. Với độ cao trên 1000m, khi lên dốc, lúc xuống dốc, con đường ngoằn ngèo chênh vênh, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, lại nhiều cua tay áo hiểm trở.
– 18h00: tới Điện Biên nhận phòng khách sạn. Ăn tối và khám phá thành phố Điện Biên Phủ về đêm
NGÀY 02: ĐIỆN BIÊN – HỒ PA KHOANG
Sáng
7h00: Ăn sáng tại khách sạn, sau đó tiếp tục chuyến du lịch Điện Biên 3 ngày 2 đêm, di chuyển sang tham quan và thắp hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh hùng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Di chuyển đi tham quan các điểm:
– Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ – Nơi đây chính là Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, là nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và Bộ chỉ huy chiến dịch năm xưa.
– Hầm Đại Tướng Võ Nguyên Giáp – Nơi ở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái là một con đường hầm dài 320m, đào xuyên vào lòng một quả đồi để tránh bom và đạn đại pháo.
– Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Chòi canh gác số 1, Hầm thông tin liên lạc, Đài quan sát, Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hầm của ban cố vấn Trung Quốc, Nhà hội trường, Hầm ban chính trị và Bộ chỉ huy chiến dịch năm xưa.
– Khu du lịch Hồ Pa Khoang – nằm giữa một vùng thiên nhiên cảnh đẹp hùng vĩ, ẩn hiện trong mây trời non nước. Vào mùa đông sương mờ buông phủ tạo một phong cảnh huyền ảo, thấp thoáng nơi xa là những dãy núi trùng trùng, những nếp nhà xinh xắn. Mùa hè không khí nơi đây thật dễ chịu với những luồng gió nam mát dịu. Tất cả tạo nên một khung cảnh êm đềm, thơ mộng, một thắng cảnh quyến rũ lòng người. Trong khu vực lòng hồ có các bản dân tộc Thái, Khơ Mú là những dân tộc còn giữ được những phong tục tập quán, nét đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc. Nơi đây còn là bối cảnh chính trong bộ phim “ Bí mật tam giác Vàng”
12h00: ăn trưa tại nhà hàng, nghỉ ngơi.
Chiều
14h00: tham quan Bảo Tàng lịch sử Điện Biên Phủ – Bảo tàng có 5 khu trưng bầy với 274 hiện vật và 122 bức tranh theo từng chủ đề: Vị trí chiến lược, Tập đoàn cứ điểm của địch, Đường lối chỉ đạo của Đảng, Ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ và Điện Biên Phủ ngày nay.
Viếng Nghĩa trang liệt sỹ A1, đồi A1, Hầm Đờ Cát, Cầu Mường Thanh, sông Nậm Rốn, Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ – Những địa danh vẫn còn mang đầy dư âm oai hùng của cuộc chiến mang ý nghĩa lịch sử của toàn dân tộc.
18h30: Ăn tối tại nhà hàng, khám phá Điện Biên về đêm.
NGÀY 03 ĐIỆN BIÊN – HÀ NỘI
7h00: Sau khi ăn sáng, khởi hành về Hà Nội.
12h00: Dừng chân ăn trưa tại nhà hàng trên đường.
Sau bữa trưa, mua sắm đặc sản sữa tươi, bánh sữa về làm quà cho người thân.
19h00: về tới Hà Nội, kết thúc tour du lịch Điện Biên 3 ngày 2 đêm
Mua sắm khi đi du lịch Điên Biên Phủ
Để tìm và mua những đặc sản đặc trưng của miền đất Điện Biên anh hùng này, du khách có thể đến những điểm sau:
– Chợ Trung tâm 1: Phố 13, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên
– Chợ Bản Phủ: Xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên
Mua gì làm quà?
Đất điện Biên có rất nhiều đặc sản của Tây Bắc, du khách đến nơi đây có thể mua rượu Sâu Chít là loại rượu được ngâm với con sâu Chít, cây mật gấu, Mận, Xoài Yên Châu, Gạo Tám Điện Biên, Chè san tuyết….tất cả đều được bán tại Chợ Mường Thanh.
Lưu ý
Theo kinh nghiệm du lịch Điện Biên của nhiều du khách thì khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 là thời điểm mà Điện Biên đón nhận rất nhiều trận mưa. Những cơn mưa khiến cho đường đi trơn trượt và ảnh hưởng nhiều đến chuyến tham quan của du khách.
Nếu có dự định ghé thăm Điện Biên bằng các phương tiện cá nhân, du khách cần chú ý mang đầy đủ giấy tờ và kiểm tra thật kĩ độ an toàn của phương tiện trước khi quyết định chinh phục cung đường dài và tương đối hiểm trở này.
DULICH24