Jakarta bế tắc trong cuộc chiến loại trừ mại dâm – Thế giới – Zing.vn

1195

Dù kiên quyết đóng cửa các quận đèn đỏ khét tiếng tại Jakarta, Indonesia đối mặt với nhiều thách thức khác trong cuộc chiến dẹp bỏ nghề mại dâm ở đây.

Dù mại dâm là hoạt động bất hợp pháp và bị coi là vô đạo đức trong mắt nhiều người dân, mại dâm ở Indonesia vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đặc biệt tại thủ đô Jakarta.

Channel New Asia dẫn dữ liệu năm 2014 từ Ủy ban phòng chống AIDS có trụ sở ở Jakarta cho hay, thành phố này là địa bàn hoạt động của ít nhất 11.860 gái bán dâm. Trong số đó, 3.435 hoạt động diễn ra ở trung tâm thủ đô. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn nhiều do dữ liệu hiện tại không thống kê được số lượng nam giới hay đối tượng chuyển giới hành nghề bán thân xác.

Càng tới gần khu đèn đỏ nổi tiếng ở Jakarta, quy mô của ngành công nghiệp tình dục càng rõ ràng. Gái mại dâm trong trang phục thiếu vải là cảnh phổ biến dọc theo những tuyến phố mờ mờ ánh đèn. “Anjelo” (xe ôm) nhận việc đưa/đón gái mại dâm tới chỗ hẹn.

cuoc-song-o-jakarta-zing-gai-ban-dam1
Thành phố Jakarta là địa bàn hoạt động của hàng nghìn gái bán dâm. Ảnh:

Illustration

Nhiều nhóm hoạt động công khai tại quận Kemayoran và dọc theo đường Gajah Mada ở Trung Jakarta. Trong vòng chưa đầy một tiếng, 6 gái mại dâm đã tới chỗ hẹn.

“400.000 Rupiah, gồm cả tiền phòng”, một gái bán dâm chừng 20 tuổi nói và giải thích đây là giá hợp lý cho buổi “vui vẻ” ngắn. Nếu muốn lâu hơn, khách phải trả khoảng 1,3 triệu Rupiah (khoảng 98 USD).

“Mẹ tôi là gái mại dâm, và tôi cũng vậy”

Nghèo đói là nguyên nhân chính khiến đa số gái mại dâm chọn dấn thân vào con đường này, thậm chí một số gia đình có vài thế hệ đều hành nghề mại dâm.

Ratu, 39 tuổi, cho biết, cô trở thành “bướm đêm” khi mới 17 tuổi vì gia đình quá nghèo. Cô rời thành phố Subang ở bờ biển phía bắc Tây Java để hành nghề mại dâm trong các nhà thổ tại Jakarta, Bandung và những thành phố lớn khác.

Hiện tại, con gái của Ratu là Putri, 26 tuổi, cũng là gái mại dâm. Họ chẳng hề tự hào về xuất thân, nhưng cảm thấy không còn lựa chọn nào khác. “Không ai muốn có một người mẹ làm việc vào ban đêm hoặc trở thành chủ đề bàn tán hoặc đối tượng để người khác chế giễu. Nhưng mẹ tôi có lý do riêng và tôi có thể hiểu được điều đó”, Putri nói. Theo cô, mẹ Ratu vừa có thể là một người bạn, người chị và đồng nghiệp.

Putri từng mơ ước trở thành bác sĩ, nhưng sớm nhận ra cô không thể biến điều đó thành sự thực, một phần vì lý do kinh tế. Hiện mỗi tháng, Putri kiếm được 8 triệu Rp (khoảng 600 USD), con số này lớn hơn rất nhiều so với khoản thu nhập 2,15 triệu Rp (160 USD) khi cô còn ở quê.

Nỗ lực dẹp bỏ

Mại dâm bị phản đối mạnh mẽ tại quốc gia với phần lớn số dân theo Hồi giáo. Ngành công nghiệp tình dục ở Indonesia thường liên quan tới những vấn đề khác, từ buôn người tới khiêu dâm, rửa tiền và “các tội ác chống lại khuôn phép”. Tuy nhiên, Indonesia không có luật cụ thể đối với hoạt động mại dâm, mà chỉ xử phạt pháp lý hành vi liên quan tới các tội khác.

Thực tế, lỗ hổng pháp lý liên quan tới tệ nạn mại dâm đã khiến hoạt động “buôn bán xác thịt” trở thành ngành kinh doanh béo bở ở các thành phố như Jakarta và Surabaya.

cuoc-song-o-jakarta-zing-sex-indo1
Gái bán dâm tại một khu đèn đỏ ở Jakarta. Ảnh: Independent

“Nếu không có bằng chứng cho thấy lao động tình dục phạm tội, chúng ta không thể ngăn họ sử dụng không gian công cộng hoặc xuất hiện dọc vỉa hè vào ban đêm, dù chúng tôi chắc chắn họ là gái mại dâm”, phát ngôn viên lực lượng cảnh sát quốc gia Indonesia, Thiếu tướng Agus Rianto, giải thích.

Nỗ lực loại trừ hoạt động mại dâm ở Indoneisa cũng bị cản trở bởi các quy định hiện hành ở một số khu vực. Chính quyền một số địa phương cho phép gái mại dâm hành nghề. Cách này được cho là nhằm giúp giới chức địa phương kiểm soát và giám sát hoạt động “buôn bán xác thịt”, do thiếu một bộ luật quy định rõ ràng.

Hồi tháng 2, Bộ trưởng Xã hội Khofifah Indar Parawansa tuyên bố Indonesia đặt mục tiêu đóng cửa tất cả các khu đèn đỏ ở nước này vào năm 2019. Theo số liệu ước tính, khoảng 100 phố đèn đỏ như vậy nằm rải rác khắp Indonesia.

Vài ngày sau thông báo trên, Kalijodo, khu phố đèn đỏ lâu năm nhất ở Jakarta, bị phá hủy. Tuy nhiên, điều đó dường như không tác động lớn tới ngành công nghiệp tình dục của quốc gia này. Nhiều gái mại dâm chỉ cần chuyển tới nơi khác hành nghề, hoặc “mồi chài” trên mạng trực tuyến.

Chuyển sang hoạt động chui

Đóng cửa vĩnh viễn các khu đèn đỏ không phải là ý tưởng mới tại Indonesia. Năm 2014, khoảng 1.500 gái mại dâm ở Surabaya không biết “đi đâu về đâu” khi Gang Dolly, hay còn gọi Ngõ Dolly, quận đèn đỏ lớn nhất Đông Nam Á, bị đóng cửa.

“Trong thời kỳ hoàng kim, Gang Dolly rất đông đúc sau 22h, với các xe taxi, xe kéo và những người bán hàng rong. Nơi đó từng rất nhộn nhịp. Nhưng từ khi bị đỏng cửa, đường phố thực sự yên tĩnh”, Sam, một người dân địa phương, nói khi lái xe qua những con hẻm tối om, những quán bar vắng vẻ và dãy nhà thổ bỏ hoang.

cuoc-song-o-jakarta-zing-gang-dolly
Gang Dolly từng là địa bàn hoạt động nhộn nhịp của hàng trăm gái mại dâm và người môi giới Indonesia. Ảnh: Getty

Tuy nhiên, hoạt động mại dâm ở Gang Dolly vẫn diễn ra. “Họ đang hoạt động bí mật, Họ thường hỏi số điện thoại của chúng tôi và hẹn gặp ở nơi khác”, Sam nói.

Vài phút sau khi gọi cho những gã đàn ông có nhu cầu mua dâm, hai “ma cô” tới chỗ hẹn và cho khách xem ảnh của nhiều cô gái. Giá 350.000 Rp (26 USD) gồm một gái mại dâm, một phòng nghỉ và chi phí đưa “bướm đêm” tới địa điểm thỏa thuận.

Khi Gang Dolly bị đóng cửa, một số gái mại dâm chuyến tới các quận đèn đỏ khác như Gang Sadar ở thành phố Purwokerto, Trung Java. Thậm chí, một số khác lui tới khu nghĩa địa rộng 340 m2, cách Gang Dolly chỉ 5 phút lái xe. Vào ban đêm, gái bán dâm nấp trong những ngôi mộ và đợi khách.

Nan giải

Tệ nạn mại dâm vẫn tiếp diễn chui đang khiến giới chức Indonesia lo ngại. Theo họ, việc đóng cửa các khu đèn đỏ sẽ mang tới rủi ro mới. “Điều đó thật nguy hiểm. Ví dụ, tại khu nhà ổ chuột ở Jakarta, người ta có thể thuê phòng của người dân chỉ với 10.000 Rp mỗi giờ. Vì vậy, ngay cả học sinh cũng có thể dễ dàng đến đó để quan hệ tình dục”, bà Rohana Manggala, Thư ký Ủy ban phòng chống AIDS ở Jakarta, nói.

Đồng tình với ý kiến của bà Rohana, tiến sĩ Adrianus Meliala thuộc Ombudsman, tổ chức điều tra độc lập về hoạt động quản lý tại các dịch vụ công cộng, cho rằng việc chính phủ quyết định đóng cửa các khu đèn đỏ ở thủ đô Jakarta có thể là quá sớm.

“Tôi cho rằng, những phụ nữ làm việc trong Kalijodo (một trong những khu đèn đỏ ở Jakarta đã bị tháo dỡ) đang hoạt động rải rác khắp nơi khác. Họ có nguy cơ nhiễm HIV/ AIDS, bị những tên côn đồ địa phương đe dọa và tống tiền”, ông Meliala nói.

Theo Meliho, việc cho rằng các lao động tình dục sẽ trở về quê sau khi các quận đèn đỏ bị đóng cửa là giả định sai lầm. Tiến sĩ nhấn mạnh, chính phủ cần có kế hoạch dự phòng trước khi đóng cửa các nhà thổ. Ví dụ, giới chức cần đảm bảo việc làm cụ thể cho gái mại dâm để họ có thể nuôi sống bản thân và gia đình sau khi từ bỏ công việc ở các nhà thổ.

Bộ Xã hội Indonesia đang tìm cách giúp đỡ gái bán dâm bị ảnh hưởng từ kế hoạch đóng cửa các nhà thổ. Mỗi công nhân tình dục sẽ được nhận 5.05 triệu Rp (tương đương 380 USD). Với số tiền này, chính phủ hy vọng họ sẽ trở về quê, trang trải phí sinh hoạt và thậm chí là bắt đầu kinh doanh riêng.

“Nếu họ sẵn sàng muốn được đào tạo nghề, chúng tôi cũng sẽ cung cấp điều đó”. bà Khofifah nói. Bộ Xã hội Indonesia đã tổ chức hoạt động đào tạo nghề như vậy cho khoảng 600 gái mại dâm ở 4 tỉnh hồi năm ngoái.

Những thiên đường mại dâm nổi tiếng ở Ấn Độ

Tại một số ngôi làng ở Ấn Độ, mại dâm trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Cha mẹ ép con gái họ trở thành gái bán hoa, thậm chí nhiều em chưa đến tuổi dậy thì.

Hải Anh

ZING.VN