Kinh nghiệm đi du lịch Điện Biên Phủ –

1593

Tỉnh Điện Biên cách Thành Phố Hà Nội khoảng 500km về phía Tây Bắc. Thủ phủ của Tỉnh là Thành Phố Điện Biên bao trọn cánh đồng Mường Thanh với chiều dài hơn 20km, rộng khoảng 6km do dòng sông Nậm Rốm bồi đắp.
Thành phố Điện Biên Phủ được biết đến với trận Điện Biên Phủ năm 1954, giữa quân đội Việt Minh (do tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy) và quân đội Pháp (do tướng Christian de Castries chỉ huy). Chiến thắng Điện Biên Phủ là đòn quyết định đánh bại kế hoạch quân sự Na-va, làm sụp đổ niềm hy vọng của các giới quân sự và chính trị ở Pháp, làm xoay chuyển nhanh chóng cục diện chiến tranh, tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh ngoại giao thắng lợi ở hội nghị Giơnevơ.
Ngày nay đến với Thành Phố Điện Biên, các di tích lịch sử vẫn còn gần như nguyên vẹn để tố cáo tội ác của thực dân Pháp và đây cũng là những điểm du lịch chính của Điện Biên.

du-lich-dien-bien-dien-bienphu

1. Phương tiện ta phượt tới Điện Biên

Thành phố Điện Biên Phủ cách Hà Nội 474km, cách biên giới với Lào khoảng 35km (qua cửa khẩu Tây Trang). Về giao thông, thành phố này phát triển cả về đường bộ lẫn đường hàng không. Với tuyến đường bộ, du khách có thể xuất phát tại các điểm: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Lào Cai. Với đường hàng không, bạn có thể xem thông tin tại các đại lý vé máy bay.

Bằng phương tiện công cộng

Có thể mua vé xe đi Điện Biên ở các bến xe miền Bắc. Lưu ý tham khảo ngày giờ xuất bến của cả hai điểm cũng như những địa danh có thể đi qua để lên kế hoạch tham quan chi tiết.

Từ Hà Nội lên Điện Biên liên tục có các chuyến xe xuất phát tại bến xe Giáp Bát, bến xe Mỹ Đình và bến xe Nước Ngầm.

Đến Điện Biên Phủ, bạn có thể thuê xe ôm chở đến các điểm tham quan.

Kinh nghiệm của những người từng đến đây nên thuê một xe ôm chở mình đến tất cả các điểm trong thành phố. Phí di chuyển dao động từ 150.000 – 200.000 đồng/người. Mức giá khá rẻ so với taxi.

Xem thêm : Cẩm nang du lịch Điện Biên cần biết

Bằng phương tiện cá nhân

Khoảng cách từ Hà Nội đến Điện Biên khá xa, để bảo đảm an toàn, bạn nên di chuyển bằng xe con hay các phương tiện công cộng, hạn chế xe máy. Đến nơi có thể thuê xe ôm như hướng dẫn trên.

Từ Hà Nội – Điện Biên đi như sau: theo quốc lộ 6 qua Sơn La, vượt đèo Pha Đin sang Tuần Giáo rồi rẽ theo quốc lộ 279 vào Ðiện Biên.
Đường không từ HN:
Hãng Vietnam Airlines có chuyến bay đi Điện Biên mất 1 tiếng với giá vé từ 800.000Đ
Lưu ý khi di chuyển bằng phương tiện cá nhân là mang đầy đủ giấy tờ xe và tuân thủ đúng luật ann tòan giao thông đường bộ.

2. Nên đi du lịch Điện Biên vào thời gian nào
Lên Điện Biên vào dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 để hòa mình và chung vui cùng người dân Điện Biên trong dịp đặc biệt này
Đi vào khoảng tháng 3 dương lịch là mùa hoa Ban nở trắng trời Tây Bắc
Tháng 12 dương lịch, đoạn đường Quốc lộ 6 đi Điện Biên hoa dã quỳ nở vàng rực 2 bên đường
Đi vào khoảng tháng 8-9 để kết hợp đi ngắm lúa ở một số vùng khác.
Đi vào tháng 11 để kết hợp đi ngắm hoa cải ở Mộc Châu

3. ĐỊA ĐIỂM THAM QUAN KHI ĐẾN ĐIỆN BIÊN:

Khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ
Khu di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ là một quần thể các di tích lịch sử ghi lại chiến công của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược. Các di tích nổi bật của chiến trường Ðiện Biên năm xưa là đồi A1, C1, C2, D1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Ðộc Lập, cầu và sân bay Mường Thanh, hầm chỉ huy của tướng Ðờ Catri.

Tượng đài chiến thắng Điện Biên
Quần thể tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ gồm 3 bộ đội đứng quay lưng vào nhau, nâng một em bé Thái, trên cùng là lá cờ quyết chiến quyết thắng. Tượng có chiều cao 16,6m, chất liệu bằng đồng thau, trong ruột kết cấu bê tông cốt thép, trọng lượng 220 tấn. Bệ tượng cao 3,6m kết cấu bêtông cốt thép, bên ngoài ốp đá mỹ nghệ, gồm 3 tầng hình chữ nhật xếp chéo lên nhau. Do nhà điêu khắc Nguyễn Hải – người từng được trao giải thưởng Hồ Chí Minh thiết kế trên cơ sở tượng Điện Biên Phủ của ông trong thập niên 60 (1960 – 1965).

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ được đặt trên đồi D1 nằm ở vị trí trung tâm thành phố Điện Biên Phủ – tỉnh Điện Biên. Trên cơ sở tham khảo ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng việc thực hiện một kế hoạch khảo sát, Viện Quy hoạch Đô thị – Nông thôn (Bộ Xây dựng) đã đề xuất chọn địa điểm đồi D1. Nằm ở vị trí trung tâm khu di tích, cao khoảng 50m so với cánh đồng Mường Thanh, đây là địa điểm mà cả khu vực thị xã đều nhìn thấy …

Ngày 23 tháng 2 năm 2004 tượng đài “Chiến thắng Điện Biên” được chia thành 12 phần đã được 11 chiếc xe rơmooc siêu nặng vận chuyển từ Nam Định đưa về thành phố Điện Biên.

Đồi A1
Đồi A1 nằm ở phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Đồi A1 nằm dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, bao gồm 2 đỉnh: Tây Bắc cao hơn 490m, Đông Nam cao hơn 493m. A1 là ký hiệu mà quân đội Việt Nam đặt cho quả đồi. Sáng ngày 7/5/1954 quân đội Việt Nam đã chiếm được đồi A1.

du-lich-dien-bien-doia1

Hiện nay, trên đỉnh Tây Bắc của đồi A1 có đài kỷ niệm được xây theo kiểu “Tam sơn”, ở giữa cao, hai bên thấp và đều có hình mái đầu đạo. Phía trước là lư hương, ở giữa là tấm bia, phù hiệu Quốc kỳ, sao vàng nền tròn đỏ, xung quanh là vòng tương hoa.

Bên cạnh đài kỷ niệm là xác một trong hai chiếc xe tăng nặng 18 tấn mà tên Quan Ba Hécvuê đưa từ trung tâm Mường Thanh lên để phản kích quân đội Việt Nam. Một di tích quan trọng nữa là cái hố hình phễu to bằng cái “ao đình” cạn. Đó là dấu tích trận nổ khối bộc phá nghìn cân của quân ta mà chiến sĩ ta thường gọi “đào hầm để trị hầm”, trị cả hầm, cả lô cốt cố thủ của giặc.

Hầm chỉ huy Tướng Đờ Cát

Vị trí: Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thuộc cánh đồng Mường Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Đặc điểm: Cấu trúc và cách bố trí, sắp xếp của căn hầm vẫn còn được giữ nguyên.

Đứng trên một ngọn đồi cao ta có thể nhìn thấy nóc hầm Đờ Cát. Tuy nhiên quân đội Việt Nam đã phải chiến đấu vô cùng anh dũng suốt 55 ngày đêm mới có thể chiếm được hầm Đờ Cát. Xung quanh hầm là hàng rào phòng thủ với hệ thống dây kẽm gai dày đặc và bốn chiếc xe tăng. Hầm Đờ Cát dài 20m và rộng 8m, bao gồm bốn gian dùng cho cả nơi ở và làm việc.
Ngày nay du khách có thể nhìn thấy mái vòm sắt và các bao cát trên nóc hầm. Trước đây có một đường hào có mái che nối liền hầm tướng Đờ Cát với lô cốt trên đồi A1. Quân Pháp đã dùng các bao cát và ván gỗ để dựng nên đường hào này.

Tại căn hầm này, tướng Đờ Cát đã tiếp đón nhiều quan chức cấp cao như: thủ tướng Pháp Joseph Laniel, tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower, thủ tướng Anh Winston Churchill cũng như các nhà báo nổi tiếng. Vào lúc 17h30 ngày 7/5/1954, Tạ Quốc Luật, chỉ huy trưởng đại đội 360, trung đoàn 209, sư đoàn 312 đã bắt sống tướng Đờ Cát tại bàn làm việc.

Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ

Vị trí: Nằm trong một khu rừng nguyên sinh tại địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ 25km về phía đông.

Đặc điểm: Đây là nơi làm việc của các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái…

Để đến đây du khách phải đi bằng ô tô, vượt qua dốc Tà Lơi hiểm trở và nhiều đoạn đường quanh co, khúc khuỷu. Gần với Sở chỉ huy có đài quan sát trên đỉnh núi độ cao trên 1.000m, từ đài quan sát này có thể bao quát hoạt động và diễn biến ở thung lũng Mường Thanh. Đến sở chỉ huy, du khách sẽ được thăm:
– Chòi canh gác số 1
– Hầm thông tin liên lạc
– Đài quan sát
– Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
– Lán ở và làm việc của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái
– Đường hầm xuyên núi dài 96m nối liền lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái
– Hầm của ban cố vấn Trung Quốc
– Nhà hội trường
– Hầm ban chính trị

Nghĩa trang liệt sỹ Đồi A1
Nghĩa trang liệt sỹ A1, nằm cách điểm di tích lịch sử đồi A1 (thành phố Điện Biên Phủ) vài trăm mét về phía nam, được xây dựng năm 1958.

Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ

Vị trí: Bảo tàng Điện Biên Phủ nằm đối diện với nghĩa trang liệt sĩ trên đồi A1, trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Đặc điểm: Bảo tàng Điện Biên Phủ được xây dựng vào năm 1984 nhân dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Vào cuối năm 2003, bảo tàng Điện Biên Phủ đã tiến hành nâng cấp và chỉnh lý lại khu trưng bầy. Đến nay bảo tàng có 5 khu trưng bầy với 274 hiện vật và 122 bức tranh theo từng chủ đề sau:
– Vị trí chiến lược của Điện Biên Phủ
– Tập đoàn cứ điểm của địch tại Điện Biên Phủ
– Đảng chuẩn bị đường lối chỉ đạo cho chiến dịch Điện Biên Phủ
– Ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ
– Điện Biên Phủ ngày nay
Hồ Pá Khoang

Vị trí: Hồ Pá Khoang thuộc địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ gần 20km.

Đặc điểm: Trong khu vực lòng hồ có các bản dân tộc Thái, Khơ Mú là những dân tộc còn giữ được những phong tục tập quán, nét đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc …

Khu vực hồ có nhiều thuận lợi cho hoạt động du lịch như: thảm thực vật phong phú, địa hình đa dạng, khí hậu tốt thích hợp cho việc nghỉ dưỡng… Trong các thảm rừng quanh hồ có nhiều thú và nhiều loại hoa phong lan đủ chủng loại. Dưới hồ có nhiều loại cá và thực vật nổi (có khoảng 65 loài thực vật nổi, 14 loài động vật nổi, 6 loài động vật đáy…)

Suối nước nóng U Va
Khu du lịch U Va thuộc xã Noọng Luống, huyện Điện Biên, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 15km về phía Tây Nam. U Va có địa thế núi non trùng điệp, tổng diện tích trên 73.000m2 với dòng suối khoáng nóng tự nhiên, nhiệt độ trung bình từ 76- 84 độ C.

Suối khoáng nóng có tên là “UVa” được bắt nguồn từ phiên âm chữ “Ú Vá” của người dân địa phương xã Noọng Luống. Trong đó, Ú được dịch là bà; Vá có nghĩa là cái nôi. Theo truyền thuyết, suối khoáng nóng này chính là một bà tiên nằm trên một cái nôi đẹp. Phong cảnh U Va trên là đồi núi, dưới là sông, suối, hồ. Trước năm 2002, toàn bộ khu vực xã Noọng Luống – nơi có dòng suối khoáng nóng U Va chảy qua là một bãi cỏ. Sau khi khảo sát, tỉnh Điện Biên đã tận dụng nguồn suối nước khoáng thiên nhiên, đưa lên khu vực trên đồi cao

Xem thêm : Chuẩn bị hành lý mang theo khi đi du lịch

Suối nước nóng Hua Pe:
Suối khoáng nóng Hua Pe thuộc xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 5km về phía Tây Bắc. Tại đây có nguồn nước khoáng lớn với nhiệt độ thường xuyên khoảng 60°C, bên cạnh là hồ nước nhân tạo Pe Luông quanh năm lộng gió, hình thành nên điểm du lịch Điện Biên sinh thái tắm nước khoáng nóng, là một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với các dịch vụ như nghỉ dưỡng, chữa bệnh ngày càng thu hút du khách gần xa.

Cánh đồng Mường Thanh
Từ lâu, câu truyền khẩu “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người dân Tây Bắc với ngụ ý xếp hạng các cánh đồng. So với cánh đồng Mường Lò, Yên Bái; cánh đồng Mường Than, Lai Châu, cánh đồng Mường Tấc, Sơn La, cánh đồng Mường Thanh, Điện Biên được đánh giá là rộng lớn nhất. Nằm trên độ cao hơn 400 m so với mặt nước biển, cánh đồng Mường Thanh trải dài hơn 20 km với chiều rộng trung bình 6 km.

du-lich-dien-bien-canh-dong-muong-thanh

Cánh đồng Mường Thanh

Nằm giữa lòng chảo Điện Biên, cánh đồng Mường Thanh được ví như một “cái kho” khổng lồ chứa đầy ngô lúa. Từ cuối tháng 9, lúa mùa khu vực lòng chảo Mường Thanh bắt đầu chín rộ, khiến du khách ghé thăm ngỡ như đi giữa mùa vàng. Một cảm giác thân thuộc của cánh đồng quê Bắc Bộ trải dài ngút mắt, nhưng vẻ đẹp kiêu hùng của cánh đồng lúa bốn bề núi bọc cũng chẳng hề xen lẫn.

Thành Bản Phủ và Đền thờ Hoàng Công Chất

Thành Bản Phủ nằm ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 9 km.. Đây là một kỳ tích về xây dựng thành của họ Hoàng. Thành rộng hơn 80 mẫu. Sau lưng là sông Nậm Rốn. Tường thành đắp bằng đất, trồng tre gai vây quanh, loại tre được mang từ Thái Bình lên. Ngoài có hào sâu rộng 4-5 thước trên mặt thành ngựa, voi đi lại được. Thành có các cửa: tiền, hậu, tả, hữu. Mỗi cửa có đồn cao và vọng gác…

Đền thờ Hoàng Công Chất được xây ở trung tâm thành Chiềng Lê (tức Bản Phủ) để thờ họ Hoàng và 6 thủ lĩnh nghĩa quân – là di tích lịch sử văn hóa quan trọng của địa phương ghi lại công lao to lớn cửa người anh hùng nông dân Hoàng Công Chất, người con của Thái Bình trong cuộc chiến tranh giải phóng Mường Thanh (Mường Then) – Điện Biên khỏi sự chiếm đóng của giặc Phẻ.

Vườn Anh Đào Mường Phăng
Nhiều du khách trong nước và quốc tế khi đặt chân đến Điện Biên, đã biết tới Mường Phăng là Chỉ huy sở của quân đội Việt Nam trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Thế nhưng có mấy người biết được rằng, trên một hòn đảo giữa lòng hồ Pá Khoang, xã Mường Phăng ấy, có một vườn hoa Anh Đào giờ này đang nở rộ, đánh dấu cho tình hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt Nam- Nhật Bản.

A Pa Chải – Cực Tây của Tổ Quốc
Trong bốn cực của lãnh thổ Việt Nam, cực Tây A Pa Chải nằm trên đỉnh Khoang La San, cách bản Tá Miếu, bản cuối cùng về phía tây của xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên 6 km đường rừng, Điện Biên được xem là điểm khó chinh phục nhất. Cột mốc biên giới được xây bằng đá hoa cương có ba mặt quay về ba hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng tiếng quốc ngữ riêng và quốc huy ba quốc gia Việt Nam, Lào và Trung Quốc.

Để đến được vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc từ Hà Nội các bạn có thể bắt xe khách Điện Biên (gửi kèm xe máy) lên tới Tp Điện Biên Phủ rồi đi tiếp vào Trung tâm huyện Mường Nhé. Từ đây vào đến Sín Thầu còn khoảng 70km. Cuối cùng, từ đồn biên phòng Apachai các bạn cần đi bộ khoảng 10km nữa mới đến được nơi.
Kinh nghiệm đi phượt A Pa Chải
Đèo Pha Đin

Đèo Pha Đin hay Dốc Pha Đin là đèo núi có độ dài 32 km nằm trên quốc lộ 6, một phần thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La và một phần thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Điểm khởi đầu của đèo cách thị xã Sơn La về phía Tây 66 km còn điểm cuối của đèo cách thành phố Điện Biên khoảng 84 km. Đây cũng là một trong Tứ đại đỉnh đèo được dân Phượt tôn vinh, 3 đèo còn lại là Mã Pì Lèng, Ô Quý Hồ và Khau Phạ.

Du lịch cộng đồng Bản Mển
Nằm nép mình giữa bạt ngàn núi đồi và ruộng nương, bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) được biết đến như một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Từ TP. Điện Biên Phủ, theo quốc lộ 12 khoảng 6km về phía bắc, du khách sẽ đến bản Mển.

Nhìn từ xa, bản Mển đẹp như một bức tranh với lưng tựa núi, mặt hướng ra cánh đồng rộng mênh mông. Nổi bật trên nền xanh của cây cối và bầu trời là những nếp nhà sàn truyền thống của người Thái đen. Không chỉ hấp dẫn du khách bởi khung cảnh tuyệt đẹp, bản Mển còn có không khí trong lành, mát mẻ và môi trường xanh, sạch và đẹp.

Bản có hơn 110 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu, đều là người dân tộc Thái đen. Đồng bào Thái đen ở đây sống bằng nghề trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi và dệt, thêu thổ cẩm truyền thống.

Động Xá Nhè
Xá Nhè là xã nằm ở phía Nam của huyện Tủa Chùa, được nhiều người biết đến với chợ phiên Xá Nhè, rượu Mông Pê, đặc biệt còn có phong cảnh thiên nhiên kỳ thú, tiêu biểu là thắng cảnh hang động Xá Nhè. Động Xá Nhè được người dân tộc Mông địa phương gọi là Khó Xo (nghĩa là hang thuốc nổ vì trước đây ở trong hang có nhiều dơi, người dân địa phương thường lấy phân dơi để làm thuốc nổ).

Động Xá Nhè nằm dưới chân một vách nui cao dựng đứng, cách trung tâm xã Sáng Nhè khoảng 1km. Động Xá Nhè nằm trong khung cảnh thiên nhiên hết sức đẹp và hùng vĩ. Màu xám thâm trầm của những khối núi đá hòa vào màu xanh của rừng, màu vàng của lúa nương những ngày vào vụ. Mặc dù động khá gần trung tâm xã Sáng Nhè song quanh động không có nhiều dân cư quần tụ. Núi non, cây cỏ vẫn giữ nguyên vẻ đẹp tự nhiên, mang lại cho du khách đến thăm động cảm giác như đang tự mình khám phá một nơi nguyên sơ đầy thú vị.

Động dài 700m, gồm 5 khoang lớn nhỏ khác nhau. Mỗi khoang đều có một vẻ đẹp kì bí riêng. Khoang bên ngoài có hình vòm cung, trên trần động là những khối nhũ đá rủ xuống lấp lánh với đường nét khi thì mềm mại, uyển chuyển như thác nước, lúc mang dáng vẻ sắc nhọn như san hô biển. Từng khối thạch nhũ như những dòng thác đang tuôn chảy với vô số hạt kết tinh sáng lấp lánh. Dưới nền động là những rừng măng đá, nhũ đá muôn hình muôn vẻ với nhiều hình thù kỳ lạ. Toàn cảnh khoang bên ngoài trông như một bức tranh sơn dầu khổng lồ vẽ phong cảnh thiên nhiên hoang sơ.

Tháp Chiềng Sơ
Di tích tháp Chiềng Sơ thuộc bản Nà Muông, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên Đây là di tích kiến trúc nghệ thuật khá độc đáo thể hiện mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị của nhân dân hai nước Việt – Lào. Theo truyền thuyết, Việt – Lào vốn là hai dân tộc anh em nên để minh chứng cho tình đoàn kết gắn bó ấy, hai dân tộc đã cùng nhau quyên góp xây dựng một công trình tín ngưỡng chung cho đồng bào sinh sống tại nơi đây.

Tháp Chiềng Sơ tiềm ẩn nhiều giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa còn tồn tại đến ngày nay. Thứ nhất, đây là một di tích mang giá trị nghệ thuật cao về mặt kiến trúc. Kiểu dáng của Tháp kết hợp với những họa tiết hoa văn cho thấy đây là một di sản văn hóa cổ được gửi gắm những tư duy sáng tạo, những dụng ý nghệ thuật và suy tưởng về cuộc sống của những người trực tiếp xây dựng nên Tháp nói riêng và nhân dân hai dân tộc Việt – Lào nói chung.

Thứ ba, giá trị về văn hóa: với sự sáng tạo tài tình, người xưa đã để lại cho thế hệ mai sau một di sản văn hóa – đó là một tòa kiến trúc Tháp cổ lộng lẫy mà ẩn chứa trong đó là nét đẹp văn hóa giữa Việt Nam và Lào đã cùng bắt tay chung ý tưởng để xây dựng nên. Sự tồn tại của tòa Tháp giáo dục thế hệ trẻ chúng ta nhìn vào di tích như soi vào một tấm gương lớn để thấy được thành quả lao động của cha ông với những nhiệt huyết, tài năng và sự đoàn kết. Mọi sự cố gắng ấy cho thấy mục đích mà cha ông ta muốn hướng tới đó là “Chân – Thiện – Mỹ”.

Tháp Mường Luân
Tháp Mường Luân là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị tham quan nghiên cứu, thuộc bản Mường Luân, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Từ thành phố Điện Biên Phủ theo quốc lộ 279 về phía Nam, đến ngã ba Pom Lót rẽ tay trái đi đến Na Sang, vượt qua dốc Keo Lôm (thung gió), qua Suối Lư rồi thẳng đường đến bản Mường Luân khoảng 90 km là đến nơi.

Tháp Mường Luân được dựng ngay đầu bản dưới chân núi Hua Ta (núi đầu nguồn). Tháp kiến trúc theo hình vuông, dưới to, trên nhỏ dần, bệ tháp cao 1m, mỗi cạnh là 5,50m, xung quanh không trang trí hoa văn, được trát một lớp vữa từ dưới lên tạo thành một tòa sen cách điệu, có 6 lớp chồng lên nhau đội lấy cả tòa tháp. Toàn bộ tháp Mường Luân cao 15m được bố cục trang trí thành hai phần. Phần thân tháp từ bệ trở lên có nhiều bệ tròn vai được làm nhẵn, chồng lên nhau kết hợp với những đường nét hoa văn khắc chìm, khắc nổi thể hiện bằng những hình chim cách điệu, hình hoa lá được bố cục hài hòa. Trong phần một nổi bật nhất là hình rồng được đắp nổi chạy quanh thân cây tháp, tạo thành hình số tám kép. Bốn mặt của tháp đều thể hiện năm cặp rồng tạo cho cây tháp một dáng vẻ bề thế, vừa vững chãi, vừa có độ bền chắc khỏe.
Tháp Mường Luân như một cô gái duyên dáng, dịu hiền đứng lặng lẽ soi mình trên dòng sông Mã trong xanh…Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật biểu trưng cho tình đoàn kết các dân tộc, đặc biệt việc xây dựng tháp còn thể hiện tình hữu nghị Việt – Lào đã gắn bó keo sơn từ lâu đời.

Động Pa Thơm
Động Pa Thơm thuộc xã Pa Thơm, nằm ở phía Tây huyện Điện Biên, giáp với biên giới Việt Lào. Nhân dân địa phương gọi là “Thấm Nang Lai” (hang nhiều nàng Tiên).

du-lich-dien-bien-hang-dong-pa-thom

Động Pa Thơm nằm ở lưng chừng núi, cửa động hình mái vòm, cửa cao 12m, rộng 17m, mái đá nhô ra 7m. Chính giữa lối vào là một khối đá khổng lồ sừng sững giống như đầu voi đang rũ xuống. Chiều sâu động khoảng hơn 350m chạy theo hướng Nam. Động có 9 vòm lớn nhỏ, chiều ngang có chỗ rộng chừng 20m. Lối vào động giáp cửa hang có ba khối đá lớn chắn ngang nằm uốn lượn như một con trăn khổng lồ ngăn đôi động và tạo thành hai lối vào ra. Ngay từ ngoài cửa hang đã có nhiều nhũ đá với nhiều hình hài hết sức sống động, nhũ đá óng ánh, màu sắc huyền ảo, lung linh dưới ngọn nến. Các vòm động đều cao vút, mỗi vòm tựa như một tòa điện nguy nga, lộng lẫy, khối nhũ nhô lên, những măng đá đủ mọi hình tượng mềm mại từ trên mái trấn rủ xuống những tua rua óng ánh. Bên vách những khối đá như những dòng thác lớn đang chảy, óng ánh bạc.

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé nằm trên địa phận huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên, cách thành phố Hà Nội khoảng 700km về phía Tây Bắc. Đây là khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng về sinh học được đánh giá vào loại lớn nhất ở Việt Nam…
4. NHÀ NGHỈ , KHÁCH SẠN Ở ĐIỆN BIÊN: Giá phòng ở các nhà nghỉ, khách sạn ở Điện Biên dao động từ 150.000 – 500.000 đồng. Những khách sạn có thể tham khảo là khách sạn Công Đoàn, khách sạn ủy ban; Xổ số; Công đoàn; Hà Nội Điện Biên Phủ. Toàn tỉnh Điện Biên hiện có 94 khách sạn nhà nghỉ đang hoạt động với gần 1400 phòng. Có 7 cơ sở đạt chuẩn từ 1-4 sao. Phần lớn các cơ sở lưu trú còn lại đều đạt chuẩn để có thể phục vụ du khách, chính vì vậy các bạn có khá nhiều sự lựa chọn khi đến du lịch tại Điện Biên
5.MÓN NGON ĐẶC SẢN KHI ĐẾNĐIỆN BIÊN

du-lich-dien-bien-monandienbien

Hầu hết các khách sạn tại Điện Biên đều có Nhà hàng phục vụ du khách, ngoài ra du khách cũng có thể đi ăn đặc sản như quán Cá Hồi với đặc sản Cá Hồi ngày gần Sân Bay Điện Biên. Ngay gần đó cũng có quán chuyên về đặc sản núi rừng..Đặc biệt, mỗi khi đến Điện Biên, Du lịch Trái Tim Việt thường hướng du khách vào thưởng thức ẩm thực dân tộc Thái và cùng giao lưu uống rượu cần, ca hát, nhảy sạp, múa xòe tại các bản Người Thái như: Bản Ten, Bản Co mị….
Nhà hàng Điện Biên Phủ
279A Đường 7/5, Mường Thanh, Điện Biên Phủ. Việt Nam
Tel: 0230 3825103

Tiệm ăn Liên Tươi
Số 27, Phố 8, Phường Mường Thanh, Điện Biên Phủ
Tel: 0230 3824919

Nhà hàng Hương Rừng Vị Biển
Số 285, Phố 4, Phường Him Lam, Điện Biên Phủ
Tel: 0230 3811199
CÁC QUÁN ĂN NGON TẠI:

  • Quán gà đồi lợn bản gần sân bay;
  • quán dê Minh Bục gần sân vận động;
  • quán lẩu mắm gần nghĩa trang A1;
  • Quán Mai giảng gần quảng trường;
  • Bánh béo nóng hổi đối diện Lâm Anh, khu nhà văn hóa.
  • Bánh bèo – ngã 3 đường mới.
  • Quán ốc Cây bàng ( có món ốc xào dừa ngon)_ đường ra trường THPT Thành phố.
  • Bánh gối ngã ba đường Mới.
  • Chè cóc chợ trung tâm I (đi thẳng dãy bán len là tới nhé!)
  • Bánh Pháp gần Thanh Bình (Ngon mà rẻ lắm, đc fục vụ trà xanh miễn phí)
  • Trà đá bờ hồ hoặc chân tượng đài cũng đc ! hoặc trà đá ở quảng trường Him Lam cũng tạm đc.
  • ăn sáng : chợ Nam thanh, các loại bánh: cuốn, rán, có khoai ran, chuối rán, bánh rán mặn, banhs rán ngọt, bánh bao rán……
  • quán bánh cuốn, bún chả ngay chân cầu Trắng ( giao giữa Nam Thanh và Mường Thanh)
  • quán xôi ở đối diện UBND phường Nam thanh ( cạnh xưởng gỗ, bán từ 5h – 7h là hết)
  • quán bánh mì pate ngay ngã tư đường 15m vào cầu mường thanh cũ

Mua sắm khi đi du lịch Điên Biên Phủ

Chợ Trung tâm 1
Phố 13, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên

Chợ Bản Phủ
Xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên

Mua gì làm quà?

Đất điện Biên có rất nhiều đặc sản của Tây Bắc, du khách đến nơi đây có thể mua rượu Sâu Chít là loại rượu được ngâm với con sâu Chít, cây mật gấu, Mận, Xoài Yên Châu, Gạo Tám Điện Biên, Chè san tuyết….tất cả đều được bán tại Chợ Mường Thanh.

Mang gì khi đến Điện Biên?

  • Trang phục gọn gàng kín đáo. mang cả giày cao gót và giày dép bệt nếu thích.
  • Mang theo áo khoác để chống lạnh, chống nắng.
  • Dụng cụ đi mưa và đi nắng tùy vào thời điểm đến.
  • Mang lều nếu có ý định cắm trại. Lưu ý số người tham gia cắm trại không dưới 10 người.

Thông thường, các phượt thủ thường chọn cung đường sau đề khám phá Điện biên và các tỉnh lân cận:

Cung đường phượt hấp dẫn như sau: Hà Nội – Mai Châu – Mộc Châu – Sơn La – vượt đèo Pha Đin tới Tuần Giáo – rẽ trái theo quốc lộ 279 đến Điện Biên Phủ – đi Lai Châu bằng quốc lộ 12 – sau đó đi quốc lộ 4D qua Sín Chải – Sìn Hồ – Tam Đường (Phong Thổ – Bình Lư – Than Uyên – Mù Căng Chải – Tú Lệ – Nghĩa Lộ) – đi quốc lộ 32 qua Thanh Sơn Thu Cúc về Hà Nội. Các địa danh nêu trên là những điểm dừng chân để ngủ hoặc ăn trưa và vãn cảnh, dọc đường đi có thể dừng lại bất kỳ nơi nào trên cung đường để view hoặc chụp ảnh.

Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn trên internet, có nhiều điều còn thiếu sót Cẩm Nang Phượt sẽ cố gắng bổ sung những thông tin hữu ích cho các bạn.

CẨM NANG PHƯỢT | KINH NGHIỆM DU LỊCH