Kinh nghiệm du lịch châu Âu giá rẻ, Kỳ I: Di chuyểnMann up

1343

kinh-nghiem-di-phuot-chau-au-atn7168-w

Venice, Ý.

Người ta bảo tiền không mua được hạnh phúc, nhưng tiền sẽ mua được cho bạn một cặp vé đến bãi biển đẹp nhất châu Âu – và ở đó 99% khả năng là chúng ta sẽ có được một thời gian vui vẻ hạnh phúc cho riêng mình. Tôi rất thích đi du lịch, vì đi nhiều không chỉ ta được trải nghiệm thêm thế giới và nghỉ ngơi sau một khoảng thời gian miệt mài cuộc sống mà nó còn giúp chúng ta định hình và củng cố thế giới quan hơn. Tám năm ở châu Âu, tôi trưởng thành và học hỏi được nhiều thứ qua những chuyến đi hơn bất cứ trường lớp nào trong gần hai mười năm trước đó..

Theo thống kê của một tạp chí du lịch nào đó khá nổi tiếng thì chi phí trung bình khi di lịch châu Âu cho hai người (không tính vé máy bay từ nơi bạn sống đến châu Âu) là khoảng trên dưới 1000€/tuần – đấy là nếu họ chỉ ở một thành phố duy nhất, còn nếu di chuyển giữa nhiều địa điểm trong một tuần thì không thể có giá đó. Đương nhiên, có tiền và hầu bao rủng rỉnh tất nhiên đi đâu chơi cũng sướng rồi, nhưng không có nghĩa là nếu không có nhiều kinh phí thì ta không thể tận hưởng được chuyến đi của mình một cách hay ho nhất. Cái tôi và bạn cần duy nhất, đó là lên kế hoạch sớm và chi tiết (thường tôi lên trước ba đến sáu tháng trước mỗi chuyến đi) cộng thêm nghiên cứu kỹ những lựa chọn của mình và đưa ra quyết định có lợi nhất. Trong chuỗi bài viết này mà mở đầu là phần I, “Di chuyển” tôi sẽ chỉ đề cập đến kinh nghiệm đi lại sinh hoạt trong phạm vi châu Âu chứ không nhắc đến việc cơ bản đầu tiên là bay từ Việt Nam sang châu Âu, vì thật sự ở khoản này, chúng ta cũng không có quá nhiều lựa chọn để cân nhắc và xem xét.

kinh-nghiem-di-phuot-chau-au-img-9386-w

Düsseldorf Weeze, Đức. Ảnh: Anh Tú Nguyễn.

1. Máy bay giá rẻ

Công nghệ phát triển khiến cho giá vé máy bay vào thời điểm 2015 đã rất rẻ rồi, nhất là với những hãng hàng không giá rẻ mọc lên như nấm thì lắm khi, tiền vé tôi bay từ Đức sang London chưa bằng một bữa ăn trưa ở nhà hàng tầm trung. Đầu những thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Liên minh Châu Âu EU đã gỡ bỏ giới hạn giá vé hàng không – từ đó hàng không giá rẻ bắt đầu cất cánh mạnh mẽ theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Chỉ nguyên trong châu Âu đã có vài chục hãng rồi, từ hai hãng to nhất là Ryanair và EasyJet cho đến những cái tên còn lại như Airberlin, Germanwings, Condor, TUIfly, Wizz Air, Monarch…

Tất nhiên rẻ nó có giá của rẻ, ví dụ như chỗ ngồi hơi chật, máy bay cũ, không phục vụ ăn uống miễn phí, giới hạn hành lý (Ryanair chỉ được mang một vali hành lý xách tay tối đa 1o cân, kích thước tối đa 55cm x 40cm x 20cm và một túi nhỏ/ba-lô/túi đeo chéo nhỏ hơn 35 x 20 x 20 cm – còn hành lý ký gửi phải mua riêng với mức giá từ 25-75€ tùy vali 15/20 cân, mua online hay mua sân bay, mùa du lịch hay không…), sân bay hơi xa trung tâm thành phố… Còn lại thì tôi không thấy phiền lắm và những trải nghiệm của tôi sau nhiều lần bay với Ryanair đều khá tốt: bay đúng giờ, chưa lần nào hủy chuyến, giá siêu rẻ (bay từ Đức sang Ý, Tây Ban Nha… đều toàn 25-30€ một chiều, mua trước ba tháng), không gặp trục trặc hay khó chịu gì về kỹ thuật/tiếp viên…

kinh-nghiem-di-phuot-chau-au-atn7849-w

Làng Manarola, Cinque Terre, Ý. Ảnh: Anh Tú Nguyễn.

Một số chú ý khi bay giá rẻ:
– Nếu bạn đặt nặng vấn đề trải nghiệm đường đi, ngắm cảnh châu Âu thì có lẽ đây không phải lựa chọn thích hợp. Còn nếu chỉ muốn đến địa điểm đã định trước thì chắc khó có lựa chọn nào tốt cả về giá và thời gian bỏ ra như máy bay giá rẻ.
– Chú ý những giá tiền phụ thu khi đặt vé hay dùng các dịch vụ phụ thêm vì đơn giản rằng, với giá vé rẻ như thế thì các hãng này sẽ không thu được lợi nhuận. Lợi nhuận đến từ quảng cáo và ăn tiền hành khách trắng trợn nếu họ nhầm lẫn là chính nên nhớ rằng phải luôn đọc kỹ mọi luật và những ghi chú của các hãng, ví dụ như phí nếu trả bằng thẻ tín dụng, thuế sân bay, tiền phạt nếu hành lý quá cân/kích thước (cái này phải rất cẩn thận vì chỉ cần quá một hai cân cũng thể khiến tiền vé tăng gấp đôi lên rồi), tiền phạt nếu tên hành khách sai, đừng ăn đồ ăn bán trên máy bay (vừa đắt vừa không ra gì)…
– Những sân bay của các hãng giá rẻ thường nằm cách hơi xa trung tâm thành phố nên trước khi đặt vé, nhớ kiểm tra bảng giờ chạy và giá tiền của các phương tiện công cộng từ sân bay đó về trung tâm thành phố.
– Các cách để giá vé máy bay của các hãng giá rẻ còn rẻ hơn nữa: đặt vé càng sớm càng tốt (tối ưu là hai ba tháng đến sáu tháng), bay trong tuần, bay sáng sớm hoặc tối hơi muộn, bay vào các mùa không phải mùa du lịch (mùa xuân và thu – tôi cũng thích đi vào hai mùa này nhất vì mọi thứ đều rẻ, thời tiết ôn hòa, đẹp, không nóng và nhất là đỡ phải đối đầu với đông nghịt khách du lịch).
– Linh hoạt trong việc đặt vé và sắp xếp chuyến đi của mình. Ví dụ: từ Đức không có máy bay giá rẻ sang Florence, nên tôi bay sang Venice (25€), ở đó chơi vài ngày rồi đi tàu siêu tốc từ Venice sang Florence mất có hai tiếng (vé tàu cũng đặt sớm nên chỉ mất 19€).
– Nên check-in trên mạng. Luôn tính giờ thừa nhiều khi lên sân bay, bạn chẳng bao giờ biết sẽ có chuyện gì xảy ra trên đường!
– Ngoài việc tra vé trực tiếp trên trang của các hãng giá rẻ, bạn có thể tra cứu nhanh trên một số trang tổng hợp nhiều hãng giá rẻ như skyscanner, kayak, whichairline, Momondo, low-cost-airline-guide.com…
– Cũng đừng bỏ qua những hãng hàng không thông thường vì đôi khi họ cũng có những ưu đãi giảm giá rất rẻ.
– Trái với suy nghĩ của đám đông, tỷ lệ an toàn và bay đúng giờ của các hãng hàng không giá rẻ châu Âu còn cao hơn cả các thông thường!

kinh-nghiem-di-phuot-chau-au-atn7433-w

San Gimignano, Ý. Ảnh: Anh Tú Nguyễn.

2. Carsharing/Carpooling

Ở châu Âu có rất nhiều trang dịch vụ kiểu này: blablarcar.com, ridefinder.eu, carpooling.com, mitfahrgelegenheit.de, roadsharing.com. Nguyên tắc rất đơn giản: một người dùng X định đi xe hơi từ Berlin đến Paris chẳng hạn, anh ta đăng lên các trang carsharing/carpooling để tìm người đi cùng, vừa tiết kiệm tiền xăng xe vừa có người nói chuyện cho vui. Ngược lại, các hành khách chúng ta định đi từ A đến B thì lên đó tìm các chuyến đi phù hợp với mình thôi.

Ưu điểm:
– Giá cũng không quá đắt, thường là chia sẻ tiền xăng với chủ xe, tầm trung bình 5€/100km.
– Thích hợp với những người tính tình hướng ngoại, thích giao lưu kết bạn mới.
– Được ngắm cảnh mà không cần phải lái xe.

Nhược điểm:
– Không phải lúc nào cũng tìm được xe phù hợp với đích đến và thời gian biểu của mình.
– Vấn đề an toàn khá là hên xui với các bạn nữ đi một mình. Có lẽ nên chụp ảnh biển số xe và tên người đi cùng rồi gửi cho một ai đó thân thiết để đảm bảo. Đàn ông hoặc đi từ hai người trở lên thì không có vấn đề gì. Tôi đã đi kiểu Carsharing này rất nhiều và chưa bao giờ gặp rắc rối gì cả (và những người bạn nữ tôi quen cũng thế) – tuy nhiên không có phòng bị gì là thừa cả.
– Carsharing có rất nhiều trong các chặng đường ngắn (dưới 600, 700km), còn với những chặng đường dài trên 1000km thì khó kiếm xe.
– Kế hoạch sẽ bị phụ thuộc vào chủ xe. Nếu đến trước ngày khởi hành mà anh ta/cô ta không đi nữa thì vỡ kế hoạch.

kinh-nghiem-di-phuot-chau-au-atn7307-w

Cơm Risotto hải sản, Florence, Ý. Ảnh: Anh Tú Nguyễn

3. Hitchhiking

Có lẽ chuyện đi du lịch xuyên châu Âu bằng Hitchhiking (vẫy đi nhờ xe dọc đường) còn khá lạ ở Việt Nam, nhưng ở châu Âu, hình ảnh này đã trở thành quen thuộc với những người yêu thích du lịch mà không có nhiều kinh phí. Đây không chỉ còn xoay quanh chuyện tiết kiệm tiền nữa mà đã dần trở thành một cách sống tự do mới của những con người trẻ tuổi thích phiêu lưu và ngắm nhìn thế giới. Anh bạn chủ nhà Couchsurfing của tôi ở Valencia (Tây Ban Nha) mấy năm trước đã từng hitchhiking quanh châu Âu suốt ba tháng mà chỉ tốn tổng cộng 500€. Vẫy được xe thì đi, không thì đi bộ đến chỗ đông dân cư hơn vẫy tiếp, trời tối thì dựng lều cắm trại ngủ tại chỗ, đôi khi ở nhờ nhà người dân, đôi khi lại Couchsurfing, thậm chí ở lại một nông trại vài tuần để làm việc thời vụ kiếm thêm kinh phí. Theo những gì anh ta kể lại thì ở Đức, gần như rất khó để đi được nhờ xe (người Đức tính cách nói chung khá lạnh lùng, xa cách và cảnh giác với người lạ), còn ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha… thì dễ dàng hơn nhiều.

kinh-nghiem-di-phuot-chau-au-dsc7760-w

Cảng vào một ngày mưa bão, Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: Anh Tú Nguyễn.

Một số chú ý khi Hitchhiking:
– Khi băng qua biên giới các nước châu Âu cần có Visa khối Schengen.
– Nếu muốn tìm xe đi đường dài, hãy bám trụ gần các trạm xăng, các đường giao nhau, nhà ga và trạm nghỉ trên đường cao tốc chứ đừng bắt xe trên đường cao tốc, vừa nguy hiểm vừa vi phạm pháp luật.
– Bản đồ (giấy hay điện tử) là cần thiết, trừ khi bạn cố ý muốn tận hưởng một lần cảm giác “lạc”, không có đích đến giữa khung cảnh tuyệt đẹp của châu Âu.
– Những người chuyên đi nhờ xe không phải cứ thế mà đi. Họ cần có cái đầu “lạnh”, tỉnh táo và không dễ dàng leo lên xe người lạ, khả năng phán đoán, phản ứng và xử lý tình huống tốt vì những nguy hiểm tiềm ẩn trên đường như cướp của, giết người, hiếp dâm. Ngoài ra còn cần chuẩn bị đầy đủ đồ nghề phòng mọi trường hợp bất trắc (thực phẩm, nước uống, sơ cứu, thuốc, đèn pin, la bàn…), rèn luyện sức khỏe, thể lực, thể hình, sự nhanh nhạy để có thể bám trụ sức khỏe với hành trình không hề nhẹ nhàng, nhất là khi mọi việc đi ra ngoài tầm kiểm soát (lạc, không có xe, ăn ngủ ròng rã ngoài tự nhiên…).
– Những người chuyên đi nhờ xe từng tranh cãi nhiều về việc có nên dùng bảng hiệu ra dấu xin đi nhờ hay không, và nếu có thì viết gì. Tất nhiên những tấm biển tự làm, nội dung thú vị sẽ dễ gây thiện cảm và được cho nhờ đi xe hơn nhưng cũng có phần nguy hiểm nếu lái xe biết bạn muốn đi đâu và nói dối đích đến của hắn ta nếu đã có chủ ý xấu. Tốt nhất, hãy ghi tên con đường mình muốn đi sau đó hỏi lái xe trước.

kinh-nghiem-di-phuot-chau-au-dsc5721-w

Ngân hàng Banco Español de Crédito, Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh:

4. Tự lái xe theo nhóm bạn

Tôi nghĩ đây là một hình thức du lịch khá lý tưởng: vừa an toàn, vừa rẻ và đông vui. Theo kinh nghiệm của tôi, lý tưởng nhất là bốn người, năm sáu người trở lên thì hơi đông còn từ ba người trở xuống thì hơi ít. Giả sử nếu như chúng tôi đi xe bốn người từ Cologne (Đức) xuống Barcelona (khoảng cách 1800 cây số) thì một chiều tiền xăng cho cả bốn người chỉ khoảng 250€, tức là mỗi người mất hơn 60€ một chút.

Ưu điểm:
– Rẻ.
– An toàn nhờ đông người, có xảy ra sự cố trục trặc gì thì cũng không bị bơ vơ một mình mà có người hỗ trợ nhau.
– Đông vui, nhất là đi với bạn bè thân, hợp gu, hợp tính. Hành trình “road trip” quanh châu Âu đảm bảo sẽ cực thích.
– Chủ động được việc đi chơi của mình, đang trên đường đi thích rẽ vào chỗ nào đẹp nghỉ ngơi thì rẽ, thích cắm trại ngủ trên núi thì ngủ, thích thuê khách sạn trong thành phố thì thuê. Đến nơi lại có xe đi lại.

Nhược điểm:

– Xe hơi phiền phức và vô dụng trong những thành phố lớn, nhất là các thành phố du lịch (Rome, Paris, Berlin…) khi phải chú ý đến luật giao thông địa phương, tìm chỗ đỗ xe, vùng cấm xe, tắc đường… nên nếu bạn định dành nhiều thời gian ở nơi thiên nhiên (núi, biển, rừng…), phong cảnh thôn quê thì đi xe thích hợp hơn.
– Cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất khi xe bị hỏng hóc hoặc một số trường hợp đặc biệt khác.
– Nếu cả nhóm không có xe thì sẽ phải tính thêm chi phí thuê xe và những điều luật phải cẩn thận với công ty cho thuê xe khác nếu không muốn bị họ móc túi thêm tiền.

kinh-nghiem-di-phuot-chau-au-dsc5705-w

Trên đường từ Valencia tới Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: Anh Tú Nguyễn.

5. Tàu

Có lẽ đây là phương tiện công cộng tiện lợi và có tuổi đời lâu nhất ở châu Âu. Gần như bất kỳ thành phố, trị trấn nào cũng được nối liền bằng các mạng lưới tàu siêu tốc xuyên quốc gia, xuyên thành phố, tàu hỏa liên bang, tàu địa phương, tàu điện ngầm, tram… khiến cho việc đi lại dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy không quá rẻ như máy bay nhưng du lịch vòng quanh châu Âu bằng tàu hỏa mang lại một cảm giác gì đó vô cùng thoải mái và lãng mạn, hơn hẳn những máy bay, bus, xe hơi… Hơn nữa di chuyển giữa các thành phố trong cùng một quốc gia thì tàu hỏa là phương tiện khá thích hợp và dễ dàng.

Theo kinh nghiệm của tôi thì tàu ở Ý rất rẻ, Tây Ban Nha có lẽ đi bus hoặc máy bay tiện hơn, Đức vé tàu không phải là rẻ trừ khi đặt các loại vé rẻ từ sớm nhưng mạng lưới tàu hòa mở cực kỳ rộng sang các nước lân cận, Pháp bình thường, Bỉ và Hà Lan có nhiều loại vé giá rẻ mọi lúc mọi nơi (chỉ mất 7.8€ cho một chuyến đi bất kỳ trong nước cho người dưới 26 tuổi), Thụy Sĩ và Áo đắt…

Nếu bạn xác định sẽ di chuyển nhiều vòng quanh châu Âu (rất nhiều bạn Mỹ sang đây họ xác định đi Eurotrip là đi một vòng hai ba tháng luôn như này) thì có thể cân nhắc mua các loại vé trọn gói, mua một lần được đi tất cả thành phố của một nước, hai nước, ba nước hoặc 26 nước trong một thời gian giới hạn nhất định (tùy loại vé) của Eurail, Interrail, Eurostar… Với những người thích du lịch bụi, các loại vé như Eurail là một lựa chọn tuyệt vời, cho phép bản thân phiêu lưu một cách ngẫu hứng, “không kế hoạch” và “lạc lối” giữa lòng châu Âu mà không sợ tốn thêm tiền.

Một số chú ý:

– Trong phạm vi 25 nước Schengen (Austria, Belgium, Czech Republic, Denmark, Estonia, Finland, France, Germany, Greece, Hungary, Iceland, Italy, Latvia, Liechtenstein, Lithuania, Luxembourg, Malta, Netherlands, Norway, Poland, Portugal, Slovakia, Slovenia, Spain, Sweden, Switzerland), không có các trạm kiểm tra giữa biên giới, nhưng thế không có nghĩa là chúng ta không cần giữ hộ chiếu ở bên cạnh mình.
– Đa phần, nhà ga trung tâm đều nằm ở chính giữa mỗi thành phố, nên nhớ khi xuống tàu, hãy xuống nhà ga trung tâm.
– Chọn tàu đi đêm để tranh thủ ngủ cũng là một cách tiết kiệm thời gian khi di chuyển.
– Đi tàu yên tĩnh và ghế ngồi rộng rãi, thoải mái hơn là máy bay, nhất là khi so với các hãng máy bay giá rẻ.
– Bình thường tàu châu Âu luôn đúng giờ và không bị hủy chuyến, trừ khi ta xui xẻo đi vào đúng đợt đình công của các bác lái tàu.
– Mua vé tàu online trước hai ba tháng, tại trang web của các hãng tàu từng nước để đảm bảo mua được vé rẻ nhất có thể.
– Rất nhiều hãng tàu các nước châu Âu có giảm giá cho những người du lịch trẻ hơn 26 và già hơn 60 tuổi.
– Người Đức cực kỳ kỷ luật, trật tự và chính xác nên trang web bán vé tàu của Đức www.bahn.de không chỉ có đầy đủ lịch các chuyến tàu chạy trong Đức mà của tất cả các nước châu Âu, kèm với các thông tin chi tiết như tàu loại gì, có phải đặt chỗ hay không, có toa ăn, toa nằm… hay không.

kinh-nghiem-di-phuot-chau-au-8610711907-05352c506b-o

Maastricht, Hà Lan. Ảnh: Anh Tú Nguyễn

6. Bus

Nếu bạn mua đúng, so sánh và chọn lọc các hãng thì bus chắc chắn là phương tiện di chuyển trên mặt đất rẻ nhất ở châu Âu, và mạng lưới cũng không hề kém tàu. Thậm chí hãng Megabus của Anh còn không thiếu các loại vé đi từ London sang Paris chưa đến 10€, hoặc đi từ Berlin đến Cologne (cách nhau 500km) chỉ mất 2€ (đi đêm từ 10h tối đến 6h sáng)! Nếu bạn thích du lịch bụi giá rẻ và không phiền đi lâu, ghế ngồi chật thì chắc chắn không có một loại hình phương tiện nào có thể rẻ hơn bus được nữa.

Một lựa chọn khác cũng khá thú vị là Busabout khi hãng này cung cấp một hành trình đi qua 33 thành phố cố định của châu Âu và chúng ta có thể lên và xuống ở bất kỳ thành phố nào và chọn nghỉ bao lâu tùy thích ở một thành phố điểm dừng. Hoặc như hãng bus Eurolines với hơn 600 điểm đến phủ khắp châu Âu và hãng này cũng có loại vé Eurolines Pass cho phép người mua đi bao nhiêu lần tùy thích trong vòng 15/30 ngày.

kinh-nghiem-di-phuot-chau-au-dsc3346

Cologne, Đức. Ảnh: Anh Tú Nguyễn

7. Xe đạp/Đi bộ

Nếu bạn có dư dả thời gian và muốn biến chuyến đi của mình thành một kỷ niệm kinh điển!
Nghe thì có vẻ điên nhưng ở châu Âu này thì cũng hoàn toàn bình thường, các trang như Eurovelo hay era-ewv-ferp đều cung cấp rất nhiều thông tin có ích và các tuyến đường kinh điển của châu Âu cho những người chưa có kinh nghiệm.

MANN UP