Kinh nghiệm phượt Buôn Ma Thuột 2017| Du lịch Buôn Ma Thuột 2017

1804

Cùng Phượt – Buôn Ma Thuột (hay Ban Mê Thuột) là thành phố tỉnh lị của tỉnh Đắk Lắk, đồng thời là thành phố trung tâm vùng Tây Nguyên và là một trong số 8 đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh của Việt Nam. Buôn Ma Thuột cách Hà Nội 1.410 km, cách Thành phố Hồ Chí Minh 350 km. Buôn Ma Thuột dưới thời Pháp thuộc là trung tâm của tỉnh Đăk Lăk, cũng là trung tâm của vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, đầu mối của nhiều đường giao thông. Tên gọi Buôn Ma Thuột cũng bắt nguồn từ đó. Buôn Ma Thuột tức là làng của Ama Y Thuột – làng của cha Y Thuột (tiếng Ê Đê: Ama có nghĩa là cha, Y thuột là chỉ người con trai tên Thuột – Buôn Ma Thuột là tên gọi tắt: làng của cha Y Thuột).

buon-ma-thuot

Lịch sử hình thành Buôn Ma Thuột

buon-ma-thuot-1970
Buôn Ma Thuột năm 1969

Buôn Ma Thuột có bề bề dày lịch sử từ lâu đời, nhiều tư liệu từ trước đến nay đã cho thấy vùng đất này tồn tại từ rất sớm. Dưới góc độ nghiên cứu về khảo cổ học Buôn Ma Thuột ít ra đã có 4.000 năm tuổi. Qua tư liệu văn hóa tộc người đã có một Buôn Ma Thuột vài trăm năm tuổi và qua tư liệu sử học, đến nay Buôn Ma Thuột vừa trò 105 năm hình thành và phát triển.

Sau khi tiến hành xâm lược và bình định vùng đất Tây Nguyên, thực dân Pháp bắt tay ngay vào việc xây dựng bộ máy thống trị. Sau khi kí thành lập tỉnh Đăk Lăk (22-11-1904), đồng thời chuyển tỉnh lị từ Bản Đôn về Buôn Ma Thuột. Lúc mới thành lập, chỉ có cấp tỉnh, còn ở cấp dưới vẫn là buôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Địa danh Buôn Ma Thuột là tên của một buôn đồng bào Ê Đê Kpă, vùng đất này vào cuối thế kỉ XIX chỉ có một buôn với khoảng năm chục nhà dài, mỗi nhà có từ 30 đến 40 người do tù trưởng Ama Thuột cai quản nằm bên dòng suối Ea Tam. Đến những năm đầu thế kỉ XX, Buôn Ma Thuột không còn là một buôn đơn lẻ nữa mà đã quy tụ phát triển thêm hàng chục buôn. Tuy nhiên, Buôn Ma Thuột vẫn là một buôn lớn, trung tâm của cả vùng lúc bấy giờ do tù trưởng Ama Thuột, một người có thế lực và uy tín cai quản. Tên gọi Buôn Ma Thuột cũng bắt nguồn từ đó. Buôn Ma Thuột tức là làng của Ama Y Thuột – làng của cha Y Thuột (tiếng Ê Đê: Ama có nghĩa là cha, Y thuột là chỉ người con trai tên Thuột – Buôn Ma Thuột là tên gọi tắt: làng của cha Y Thuột).

Nên đi du lịch Buôn Ma Thuột vào khi nào ?

le-hoi-dua-voi

Tây Nguyên có 2 mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa (từ tháng 5-11). Vào mùa mưa, đường xá đi lại khá khó khăn do có nhiều tuyến đường vẫn là đường đất. Mùa khô thường là những tháng đầu năm, lúc này thời tiết dịu mát, chưa quá nóng.
  • Tháng 12 dương lịch ở Tây Nguyên có nhiều lễ hội và là mùa dã quỷ nở vàng rức đất trời Tây Nguyên
  • Lễ hội đua voi Bản Đôn được tổ chức vào tháng 3 dương lịch hàng năm

Phương tiện đi và tới Buôn Ma Thuột

Buôn Ma Thuột cách TP HCM khoảng 350 km, cách Hà Nội khoảng 1.400 km. Bạn có thể lựa chọn đi bằng đường bộ hoặc đường hàng không.

Hàng không

viet-jet-air

Từ 2 thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn mỗi ngày đều có nhiều chuyến bay của các hãng hàng không Vietnam Airline, VietJetAir, JetStar tới Buôn Ma Thuột. Giá vé khứ hồi bay từ Hà Nội (có bao gồm thuế và phí) của VNA vào khoảng 2600k, của VietJetAir vào khoảng 2500k .Giá vé khứ hồi bay từ Tp Hồ Chí Minh của VNA vào khoảng 1200k, của JetStar vào khoảng 1000k, của VietJetAir vào khoảng 1200k.

Đường bộ

Từ Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh đều có xe khách chạy thẳng Buôn Ma Thuột và các huyện khác của tỉnh Đăk Lăk, các bạn có thể mua vé xe tại Bến xe Miền Đông hoặc Bến xe Giáp Bát. Thời gian xe chạy khoảng 8 tiếng từ Tp Hồ Chí Minh và khoảng hơn 1 ngày đối với xe chạy từ Hà Nội.

Taxi tại Buôn Ma Thuột

Taxi Mai Linh : 0500 3819819
Taxi Ban Mê : 0500 3979979
Taxi Ban Mê Xanh : 0500 6272727
Taxi Quyết Tiến : 0500 3813813
Taxi Tây Nguyên : 0500 3838838
Đắk Lắk Taxi : 0500 3818181

nha-khach-dak-lak

Hiện có hàng trăm cơ sở lưu trú đạt chất lượng và được đưa vào khai thác phục vụ cho du lịch tại Đăk Lăk. Riêng tại Tp Buôn Ma Thuột đã có trên 100 khách sạn nhà nghỉ, chính vì vậy dù có vào mùa cao điểm thì số lượng các cơ sở lưu trú này cũng hoàn toàn đủ đáp ứng cho khách du lịch khi đến đây.

Các địa điểm du lịch ở Buôn Ma Thuột

Bản đồ du lịch Buôn Ma Thuột

Nhà đày Buôn Ma Thuột

nha-day-buon-ma-thuot

Khu di tích Nhà đày nằm trên số 18 Đường Tán Thuật – Phường Tự An – Thành phố Buôn Ma Thuột. Cách trung tâm thành phố khoảng 1 km về phía Đông Nam. Được bao bọc bởi 2 con đường là Tán Thuật và Phạm Hồng Thái.

Tại Trung Kỳ, Cao nguyên Đắk Lắk bấy giờ bị bao vây giữa bốn bề núi rừng trùng điệp, rậm rạp, nhiều thú dữ. Khí hậu khắc nghiệt, độc địa nóng lạnh thất thường, độ ẩm cao nhiều mầm bệnh nguy hiểm như sốt rét, kiết lỵ, thổ tả dễ phát sinh. Với địa hình cao nguyên rộng, xen kẽ nhiều rừng rậm bao bọc bởi nhiều núi cao, một phía là biên giới với nước ngoài, lại bị chia cắt bởi nhiều thung lũng, sông suối, ít có đường xá, cầu cống. Vào khoảng năm 1900, một nhà lao đã được người Pháp đã xây dựng lên dùng để giam tù chính trị. Tại đây, vùng đất hoang vu, khí hậu độc địa, ít người lui tới, sự khác biệt về ngôn ngữ văn hóa với người dân tộc Ê Đê, hình thành nhà lao giam giữ thì tù nhân khó bề trốn thoát.

Cuối thập niên 1920 đầu 1930, phong trào chống thực dân tại Đông Dương tăng cao khi những người bản xứ tiếp thu các tư tưởng cách mạng phương Tây. Số lượng tù nhân chính trị ngày càng tăng cao. Chính quyền liên tục phải mở rộng và xây mới các nhà tù và nhà đày làm nơi lưu đày biệt xứ và giam giữ những nhà cách mạng dân tộc bản xứ bị xử án nặng trên lãnh thổ Đông Dương.

Ban đầu Khâm sứ Trung Kỳ chọn xây dựng nhà đày tại huyện Lăk, cách thị xã Buôn Ma Thuột khoảng 50 km. Tuy nhiên, tỉnh trưởng Đắk Lắk bấy giờ đã đề nghị nên xây dựng nhà đày ngay tại thị xã Buôn Ma Thuột trên cơ sở mở rộng nhà lao cũ, với lý do việc xây dựng nhà đày mới đòi hỏi một chi phí lớn trong khi thời đó nước Pháp đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929; đồng thời, nếu xây dựng ở Lăk thì việc giải tù nhân đi rất xa, tốn kém nhiều thời gian. Từ những lý do đó, Khâm sứ Trung Kỳ quyết định chọn thị xã Buôn Ma Thuột là nơi xây dựng nhà đày.

nha-day-buon-ma-thuot-2

Nhà đày Buôn Ma Thuột do thực dân Pháp thiết lập trong thời kỳ 1930 – 1931 để đày biệt xứ và giam giữ những người yêu nước, những đảng viên cộng sản bị bắt, bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ, những người đi đầu trong các cuộc đấu tranh phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Một điểm đặc biệt khác với các nhà tù, nhà đày khác là tù nhân phải tự làm nhà tù để giam giữ chính họ đó là cách nổi bật nhất mà thực dân Pháp tiến hành ở nhà đày Buôn Ma Thuột.

  • Nhà đày toạ lạc trên một khuôn viên rộng gần 2 ha vị trí này gần toà công sứ, trại lính khố xanh, nhà lao tỉnh. Đây là một đồi ít cây lớn, cho phép những xe tải dễ lui tới vận chuyển nguyên vật liệu.
  • Bản thiết kế và kế hoạch do kỹ sư trưởng, giám đốc công chính Trung kỳ soạn thảo.
  • Mô típ mà Thực Dân Pháp xây dựng Nhà đày là theo mô típ hình chữ U, không có điểm nào kết thúc bằng chữ T hoặc rời rac nhau.

Từ năm 1930 Nhà đày Buôn Ma Thuột đã giam giữ những người hoạt động như: Hồ Tùng Mậu, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Hồng Chương, Bùi San, Trần Văn Quang, Ngô Đức Độ…

Làng cà phê Trung Nguyên

lang-cafe-trung-nguyen-1
Cổng vào làng cà phê Trung Nguyên (Ảnh – Cùng Phượt)

Làng cà phê Trung Nguyên hay còn được gọi là Làng Cà phê là một cụm công trình kiến trúc có diện tích khoảng 20.000m2 nằm ở phía Tây Bắc Thành phố Buôn Ma Thuột, tọa lạc tại ngã ba Lý Thái Tổ – Nguyễn Hữu Thọ,Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Dak Lak. Đây là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Tây Nguyên với không gian kiến trúc độc đáo đậm đà bản sắc dân tộc và không gian cà phê đặc sắc.

Khu thưởng thức

Gồm 3 gian nhà cổ Cherry, Arabica và Robusta xây dựng theo phong cách Huế. Đây là nơi thưởng thức cà phê Trung Nguyên, bao gồm các loại cà phê: “Weasel” – Cà phê chồn, “Legendee” – Huyền thoại, “Sáng tạo”, “Cà phê G7”, “Passiona” – Cà phê tươi.

Khu ẩm thực

Phục vụ trên 50 món ăn đặc sắc từ 3 miền đất nước Việt Nam và những món ăn đặc sắc tại địa phương như: ếch om cà đắng, cánh gà sốt cà phê, cơm chiên cà phê… Tiệc buffet hương vị đồng quê diễn ra vào tối thứ 7 và chủ nhật hàng tuần cùng chương trình nhạc sống, với các ca khúc theo chủ đề vào mỗi tối thứ 7.

Khu siêu thị

Còn được gọi là “Trung tâm quà lưu niệm” là nơi trưng bày và bán những món quà mang bản sắc văn hóa miền cao nguyên, những đặc sản địa phương và các sản phẩm đặc biệt của Trung Nguyên.

Bảo tàng dân tộc Tây Nguyên

Đây là nơi trưng bày những hiện vật cổ có giá trị lớn và lâu đời nhất của Tây Nguyên như bộ sưu tập cồng chiêng và các công cụ, nông cụ, vũ khí… cần thiết trong đời sống sinh hoạt hàng ngày và trong văn hóa, tín ngưỡng của người dân Tây Nguyên. Những dụng cụ dùng trong quá trình trồng trọt, vận chuyển và chế biến cà phê của người dân Tây Nguyên được trưng bày trên chiếc k’pan. Làm bằng tấm ván gỗ dày và rất dài xẻ từ một thân cây cổ thụ, k’pan là biểu tượng cho sự sung túc của những gia đình Ê Đê giàu có.

Bảo tàng cà phê thế giới

Bảo tàng Cà phê thế giới là một dự án nằm trong tổng thể của dự án lớn hơn là thiết lập Buôn Ma Thuột trở thành “Thủ phủ cà phê toàn cầu” của Tập đoàn Trung Nguyên. Với mô hình Bảo tàng Cà phê thế giới tại Buôn Ma Thuột, Trung Nguyên sẽ giới thiệu chi tiết đến du khách tham quan về lịch sử và văn hóa cà phê của Việt Nam và thế giới, với 10.000 hiện vật được mang về từ Bảo tàng Cà phê Burg, bộ sưu tập đá cây độc đáo, bộ sưu tập các cổ vật, hiện vật văn hóa của Tây Nguyên… Không gian này cũng là nơi để du khách khám phá về hành trình của cà phê và các nền văn hóa cà phê khác nhau. Để xây dựng bảo tàng, ông Vũ đã cất công sưu tầm hàng loạt các loại máy móc, phương tiện khai thác và chế biến cà phê trên toàn thế giới từ cổ chí kim. Trong đó, có những bộ sưu tập đến từ địa danh nổi tiếng là vùng nguyên liệu cà phê ngon nhất trên thế giới, như: Ethiopia, Brazil, Jamaica… Chính vì vậy đây cũng là địa điểm thu hút khách tham quan hàng đầu khi đến với Làng cà phê Trung Nguyên.

lang-cafe-trung-nguyen-2

Ngoài ra, trong khuôn viên công trình Làng cà phê Trung Nguyên còn có :
Vườn cà phê

Bao bọc xung quanh Làng cà phê là khu vườn cà phê xanh mướt, với các loại cây cà phê: Robusta, Arabica, Excelsa… và đặc biệt là những gốc cà phê cổ trên 30 năm đang được chăm sóc bảo tồn.

Khu biểu diễn

Tại khu hầm thác thường xuyên diễn ra các chương trình biểu diễn nghệ thuật pha chế cà phê theo hương vị cà phê của nhiều Quốc gia trên thế giới như Ethiopia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Cà phê Syphon, cà phê Ê Đê…

Khu vui chơi

Nhằm gia tăng các dịch vụ khi đến với Làng cà phê, dự án khu vui chơi cho các em từ 2 – 12 tuổi các em sẽ đưa các em đến với một thế giới trẻ thơ thú vị đầy màu sắc, khơi dậy trí sáng tạo với các trò chơi: như bập bênh, thú nhún, xếp hình, ngựa gỗ,… hay những trò chơi thể chất như: nhà banh, cầu tuột, đường ống…

Bảo tàng dân tộc Đăk Lăk

bao-tang-dak-lak-5
Khu biệt điện cũ của Bảo Đại (Ảnh – Cùng Phượt)

Được xây dựng ngay trên phần đất Biệt điện Bảo Đại – một di tích lịch sử của Đăk Lăk, Bảo tàng văn hóa các dân tộc Đăk Lăk là một công trình kiến trúc văn hóa được xây dựng theo phong cách hiện đại kết hợp với truyền thống văn hóa dân tộc đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên – Biệt điện vừa có dáng nhà rông, lại có dáng nhà sàn của người Êđê hơn nữa lại có dáng nhà trệt của người M’Nông.

bao-tang-dak-lak
Tòa nhà mới của bảo tàng được xây theo kiến trúc nhà dài của người Ê Đê

Năm 2008, tòa nhà mới của bảo tàng được xây dựng tại một vị trí khác cũng trong khuôn viên Biệt Điện này. Đây là công trình kiến trúc độc đáo theo phong cách hiện đại kết hợp với truyền thống các dân tộc Tây Nguyên, gồm 2 tầng với chiều dài khoảng 130m, rộng 65m, diện tích trên 9.200m2. Được trưng bày theo quan niệm bảo tàng học tiên tiến và phương pháp trưng bày hiện đại.

bao-tang-dak-lak-1
Tái hiện trận chiến Buôn Ma Thuột 1975 (Ảnh – Cùng Phượt)

Bảo tàng Đắk Lắk được chính thức khánh thành trụ sở mới và đưa vào hoạt động từ ngày 21/11/2011. Các hiện vật, tư liệu, hình ảnh và các phóng sự sinh động về đời sống cư dân nơi được trưng bày tại bảo tàng mới là ngôi nhà dài theo kiến trúc của người Êđê truyền thống.

bao-tang-dak-lak-3
Bộ dụng cụ để săn bắt và thuần dưỡng voi (Ảnh – Cùng Phượt)

Bảo tàng Đăk Lăk cũng là bảo tàng đầu tiên trong cả nước sử dụng 4 ngôn ngữ là tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Ê Đê trong trưng bày, thuyết minh.

bao-tang-dak-lak-2
Khu trưng bày về văn hóa dân tộc (Ảnh – Cùng Phượt)

Trên tầng 2 của nhà bảo tàng bao gồm ba khu trưng bày chính:

  • Khu giữa: Đa dạng sinh học. Không gian trưng bày hiện vật, hình ảnh về hệ sinh thái và thổ nhưỡng của Tây Nguyên.
  • Khu bên trái: văn hóa dân tộc. Không gian trưng bày hiện vật, hình ảnh về đời sống, sinh hoạt của con người Tây Nguyên tiêu biểu là người Êđê bản địa ngoài ra còn các dân tộc bản địa khác và một số dân tộc nhập cư.
  • Khu bên phải: Lịch sử. Không gian trưng bày hiện vật, hình ảnh về vật dụng của người cổ đại, vũ khí chiến đấu phục vụ trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Ngoài ra, còn các máy móc thiết bị phục vụ sản xuất đầu những năm hòa bình.

Chùa Sắc Tứ Khải Đoan

chua-khai-doan-1

Chùa sắc tứ Khải Đoan (Sắc tứ Khải Đoan tự), là ngôi chùa lớn nhất thành phố Buôn Ma Thuột và cả tỉnh Đắk Lắk, nằm ở phường Thống Nhất. Đây cũng là ngôi chùa lần đầu tiên được xây dựng ở Tây Nguyên. Tên gọi Khải Đoan là ghép từ tên vua Khải Định và vợ ông là Đoan Huy hoàng thái hậu.

chua-khai-doan-2

Toàn bộ ngôi chùa gồm cổng chính (cổng tam quan) hướng về phía Tây Nam, chính điện, điện Quan Âm, nhà hậu tổ.
  • Cổng tam quan gồm hai tầng với ba vòm cửa cao 7 m, rộng 10,5 m.
  • Ðiện Quan Âm xây tách biệt với chính điện và có hình lục giác với sáu cây cột trang trí hình rồng, mây.
  • Chính điện rộng 320 m² gồm hai phần, phần trước ảnh hưởng kiến trúc theo kiểu nhà dài của người Ê Đê nhưng cột kèo lại theo lối nhà rường của người Việt. Nửa sau xây theo lối hiện đại. Tượng Phật Thích Ca bằng đồng đặt chính giữa chính điện. Bên gian phải chính điện treo một quả chuông đồng nặng 380 kg đúc năm 1954.

chua-khai-doan

Chùa được xây bắt đầu từ năm 1951 trên đường Phan Bội Châu thành phố Buôn Ma Thuột do Đoan Huy hoàng thái hậu mẹ vua Bảo Đại cho xây dựng và Nam Phương Hoàng Hậu trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý việc thi công. Là ngôi chùa cuối cùng tại Việt Nam được phong sắc tứ của chế độ phong kiến. Chùa hiện tại đã được bổ sung rất nhiều công trình mới nhưng vẫn giữ nguyên vẹn chính điện cũ và vẫn là một nơi thờ phụng lớn nhất của Phật giáo tại Đắk Lắk và là một điểm du lịch tham quan không thể bỏ qua ở thành phố Buôn Ma Thuột. Ngày 05 tháng 04 năm 2012 chùa bắt đầu đặt viên đá đại trùng tu lại, xây dựng thêm một số hạng mục và hoàn thiện như hiện nay.

Buôn Akô D’hông

ako-dhong-1

Buôn Ako Dhong (người ta thường gọi là Cô Thôn) nằm về phía bắc, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng trên dưới 2km. Buôn Ako Dhong đa số là các dân tộc Ê Đê, M’Nông…

“Ako” tiếng Ê Đê có nghĩa là đầu nguồn, “Dhong” là lũng. Ako Dhong là lũng đầu nguồn. “Buôn lũng đầu nguồn” ăn nước con suối Ea Nhôn, có tiếng là buôn giàu có, còn được gọi là “Buôn nhà ngói” hay “Buôn Ama Rin”. Đây là một trong những buôn người dân biết cách làm ăn, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào khá cao, là nơi thu hút nhiều lượt khách du lịch đến thăm.

Ako Dhong xưa kia là rừng hoang vu phủ kín, Ama Rin – người chủ buôn – quê ở buôn Ea Mlai thuộc huyện M ‘Đrắk là một trong những người đầu tiên góp phần khai hóa đất đai, biến rừng hoang thành buôn Ako Dhong.

ako-dhong-2

Ako Dhong hôm nay đã khang trang. Các lễ hội được già làng Ama Rin tổ chức thường xuyên, lời ca, điệu nhạc, múa truyền thống luôn vang lên dưới mái nhà dài. Sắc màu của vùng đất cao nguyên vẫn luôn thắm mãi ở buôn Ako Dhong, đã hấp dẫn nhiều lượt du khách khi đặt chân đến vùng đất bazan này. Không những thế chủ làng Ama Rin còn đang tính đến việc tạo ra những ngành nghề phụ để bà con trong buôn cải thiện đời sống. Ước nguyện của Ama Rin cũng như của đồng bào Ako Dhong là làm thế nào trong tương lai, tiếp tục ổn định đời sống và nâng cao văn hóa của buôn, nghề thủ công truyền thống phát triển mạnh…

Đình Lạc Giao

dinh-lac-giao

Đình Lạc Giao nằm trong địa phận phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, với diện tích 700m2, phía Nam giáp đường Y Jút, phía Tây và phía Bắc giáp chợ Buôn Ma Thuột, phía Đông giáp đường Phan Bội Châu. Đình Lạc Giao là di tích lịch sử về công cuộc khai khẩn đất đai của những người Kinh đầu tiên trên Cao Nguyên Daklak, là nơi thờ thần hoàng và những người có công với nước, là nơi cầu mong sức khỏe và làm ăn phát đạt.

Đình được xây dựng vào năm 1928, bằng tranh tre theo tập tục của người Kinh xa quê hương đến lập nghiệp ở vùng đất mới. Theo lời các bô lão làng Lạc Giao, năm 1932 ngôi đình được xây dựng lại bằng gạch lợp ngói theo hình chữ môn, kiểu kiến trúc lòng thuyền trí trụ, hồi văn, mái bồ câu, trên y môn khắc chạm tứ linh, tứ quý, bờ nóc đấp lưỡng long hàm thực, mái trung đắp cách điệu lưỡng áng vân vọng nguyệt, gốc mái hiên hồi đắp áng vân cách điệu. Hậu đình thờ tự Thần Hoàng và những người có công với nước, hai nhà tả và nhà hữu hai bên dùng làm nơi hội họp mỗi khi tế lễ, phía trước có cổng tam quan đi vào, sau cổng là bức bình phong có chạm khắc hổ phù, sau nữa là một lư hương lớn.

Vào năm 1932, vua Bảo Đại cũng ra chiếu sắc phong cho Thần Hoàng của Đình là Đào Duy Từ là một đại thần của nhà Nguyễn chưa một lần đặt chân tới Cao Nguyên. Việc vua Bảo Đại sắc phong cho ông là Thành Hoàng của Đình Lạc Giao là muốn ghi ơn người có công khai khẩn đất hoang mở mang bờ cõi, mong ông phù hộ cho những người dân miền Trung lên lập nghiệp trên quê mới. Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, điều này thể hiện sự tranh giành ảnh hưởng của triều đình phong kiến Việt Nam đối với chế độ tự trị Tây Nguyên của thực dân Pháp, khẳng định đây là đất của “Hoàng Triều cương thổ”.

Ngày nay, theo tài liệu dân gian và tài liệu của đình Lạc Giao, tên gọi Lạc Giao chính là lời nguyền giao ước an cư lập nghiệp của đồng bào Kinh với đồng bào tại chỗ cùng chung lưng đấu cật để xây dựng vùng đất mới này. Mỗi năm xuân thu nhị kỳ, dân làng Lạc Giao đều tới đây để cầu mong sức khỏe và làm ăn phát đạt cho mình và cho dân làng.

Cây Kơ nia cổ thụ

cay-ko-nia
Cây Kơ nia ở nhà văn hóa trung tâm (Ảnh – hachi8)

Cây Kơ nia, hay còn gọi là Cốc, Cầy, là một loài cây thân gỗ lớn, cao 15–30 m, đường kính 40–60 cm, tên khoa học là Irvingia malayana, thuộc họ Irvingiaceae. Loài cây này mang ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với người đồng bào dân tộc thiểu số, họ coi chúng là nơi trú ngụ của thần thánh, của vong linh những người đã khuất, rất ít khi họ đụng chạm đến chúng, chặt phá chúng; vì vậy trên nương rẫy của đồng bào thường có các cây Kơ nia cổ thụ được sử dụng như cây che mát mỗi lúc nghỉ giải lao, nghỉ trưa. Do bài hát Bóng cây Kơ-nia nổi tiếng vì vậy du khách khi đến Buôn Ma Thuột luôn muốn tìm xem tận mắt cây Kơ Nia. Ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột có một cây Kơ nia cổ thụ nằm trong khuôn viên sân sau nhà văn hoá trung tâm tỉnh, cách ngã 6 Ban Mê vài trăm mét.

Khu du lịch hồ Ea Kao

ho-ea-kao

Nằm các trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 12km đường ôtô về hướng đông, khu du lịch hồ Ea Kao với quy mô 120ha, được đầu tư xây dựng trên khu vực có địa hình tương đối đa dạng, có nhiều triền đồi, khe với độ cao chênh lệch không nhiều. Với những điều kiện thuận lợi về đất đai, cảnh quan thiên nhiên, vị trí địa lý, thảm thực vật, cây xanh, nguồn nước … khu du lịch hồ Ea Kao là nơi lý tưởng để khách du lịch gần xa nghỉ ngơi, tận hưởng sự trong lành của thiên nhiên

Công viên nước Đăk Lăk

cong-vien-nuoc-dak-lak

Công viên nước Đăk Lăk là một trong những công viên nước hiện đại với nhiều trò chơi hấp dẫn bậc nhất khu vực Tây Nguyên, công viên nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh phường Tân An, cách trung tâm Tp Buôn Ma Thuột khoảng 4km

Công viên được trang bị nhiều trò chơi cảm giác mạnh, một dòng sông lười với chiều dài 487m chạy bao quanh công viên, ngoài ra công viên cũng có các khu vui chơi dành riêng cho trẻ em.

Ăn gì ở Buôn Ma Thuột

Bún đỏ

bun-do-buon-ma-thuot-2

Thoạt nhìn nhiều người sẽ lầm tưởng món bún đỏ rất giống với bún riêu hay món canh bún thường bán ở Sài Gòn, nhưng hoàn toàn khác bởi bún đỏ của người Buôn Ma Thuột được ăn kèm rau cần nước và giá cùng một số phụ gia như mỡ hành, tóp mỡ rán giòn và nhất là trứng cút luộc.

Nguyên liệu để chế biến món ăn này làm từ cua đồng, chả viên và những quả trứng cút luộc. Qua bàn tay khéo léo của người nấu, tô bún đỏ trở nên hấp dẫn với màu sắc và mùi vị vô cùng quyến rũ: màu hơi đỏ của hạt điều, màu đỏ au của miếng cà chua cắt múi cau, màu xanh tươi non của đĩa rau, màu nâu của riêu cua và chả cá, màu trắng nõn nà của trứng cút luộc vừa bắt mắt vừa kích thích vị giác!

Quán bún đỏ ngon ở Buôn Ma Thuột

Bún đỏ Bà Thu
Địa chỉ : Khu phố Ngã 3 Phan Đình Giót và Lê Hồng Phong

Bánh ướt thịt nướng

banh-uot-thit-nuong

Dù là khách phương xa hay người dân bản xứ, dù là người Việt Nam hay du khách nước ngoài đã từng thưởng thức món Bánh ướt thịt nướng kiểu Ban Mê sẽ không thể quên cảm giác thú vị của món ăn tuy quen mà lạ này.

Không giống bánh ướt thịt nướng được cuốn sẵn và ăn với tương đã được nấu lên của Huế mà món bánh ướt kiểu Ban Mê bạn sẽ phải tự mình “vật lộn” và xoay vần với từng miếng bánh trước khi được thưởng thức. Cái thú vị và cái tinh tế cũng từ đó!

Điều đặc biệt của bánh ướt Ban Mê chính là từng chiếc bánh ướt được tráng mỏng tang trên đĩa, mỗi dĩa chỉ là một miếng bánh ướt thơm ngon và được tráng ngay trước khi đem ra cho thực khách.

Quán bánh ướt thịt nướng ngon ở Buôn Ma Thuột

Địa chỉ : 43 Trần Nhật Duật, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk

Bánh Khọt

banh-khot

Cái tên bánh khọt xuất phát từ âm thanh “khọt khọt” vang lên khi chảo bánh bắt đầu sôi. Nhưng cũng có người cho rằng, ngày xưa những người dân nghèo khó không đủ tiền ăn cao lương mỹ vị nên mới chế biến ra loại bánh chỉ toàn bột chứ không có thịt cá gì. Người ta gọi nó là bánh khọt, theo tiếng Hán có nghĩa là nhọc nhằn, cơ cực.

Nguyên liệu chính để làm món bánh khọt chính là bột gạo. Có thể nói công đoạn chế bột là công đoạn quan trọng nhất. Có lẽ ở đâu trên đất nước Việt Nam, gạo ngon cũng để làm bánh. Gạo được chọn làm bột bánh phải là loại gạo ngon, được chọn lựa kỹ kàng sau đó đem ngâm với nước qua đêm rồi xay ra đem đi đổ bánh. Bánh khọt ở Y jut chỉ đơn giản là bánh trắng thêm chút lá hẹ và hành. Bột được đổ vào những chiếc chảo có đế khuôn hình tròn, cho chút mỡ lợn rồi phi hành và lá hẹ để tráng khuôn rồi đậy vung lại. Chừng vài phút khi bánh chín, bột trở nên trắng đục, lá hành và lá hẹ bám vào bánh tạo nên màu xanh, bên dưới là lớp cháy mỏng. Ăn bánh ta có cảm giác giòn giòn, thơm thơm.

Quán Bánh khọt ngon ở Buôn Ma Thuột

Địa chỉ : Cuối đường Y Jut (Ngã tư với Nguyễn Thị Minh Khai)

Cơm tấm

com-tam

Cơm tấm là món đặc sản của miền Nam Việt Nam, nó là một trong những món ăn sáng được ưa chuộng nhất của người miền Nam, nhất là Sài Gòn . Hiện nay loại cơm làm từ hột gạo bể này đã có mặt ở một số nơi thuộc miền Trung, miền Bắc và hải ngoại.

Đĩa cơm tấm với sườn nướng, bì, chả, trứng thường được dùng làm đồ ăn sáng, nhưng nay cơm tấm đã có ở một số quán ăn trưa, chiều hoặc tối với nhiều loại thức ăn kèm.

Quán Cơm tấm ngon ở Buôn Ma Thuột

Quán 94
Địa chỉ : 94 Phan Bội Châu, Tp Buôn Ma Thuột

Rau tập tàng

canh-rau-tap-tang

Rau tập tàng là cách gọi tổng hợp các loại rau hoang dã thường mọc ở các khu vườn. Rau tập tàng có quanh năm nhưng ngon nhất là mùa mưa. Bởi, mùa mưa rau phát triển rất mạnh và tươi, nấu canh ăn ngon hết ý. Trong hầu hết các nhà hàng, quán ăn ở Buôn Ma Thuột các bạn đều có thể thấy món canh rau tập tàng trong thực đơn như : Rau tập tàng nấu cua, rau tập tàng nấu tôm …

Gỏi hoa chuối

goi-hoa-chuoi-2

Là một món ăn quen thuộc tại Việt Nam. Món ăn này được gọi là nộm hoa chuối ở miền Bắc, còn tại miền Nam và miền Trung được gọi là gỏi hoa chuối. Nó là một trong những món ăn quê dân giã mang đậm hương vị thôn quê và phổ biến ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Ngày nay thì món nộm hoa chuối đã xuất hiện trong các thực đơn của các nhà hàng, quán ăn lớn nhỏ khắp Việt Nam. Nó đã trở thành một trong những các món ăn mang hương vị dân tộc, mộc mạc và thanh mát

Địa điểm ăn Gỏi hoa chuối ngon ở Buôn Ma Thuột

Quán Gỏi Hoa Chuối
Địa chỉ : 65 Nguyễn Đình Chiểu, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
Điện thoại : 0902 465443

Bò nhúng me

bo-nhung-me
Món Bò nhúng me ở Cà Te quán (Ảnh – Cùng Phượt)

Là một món ăn lạ, đặc sắc của Tp Buôn Ma Thuột. Thịt bò kèm với nước sốt me được chuẩn bị trên một khay nóng trông hơi giống với món bò bít tết thường ăn ở Hà Nội. Vị chua chua, ngọt ngọt của nước me kèm miếng thịt bò thái mỏng, thêm vị thơm của tỏi phi sẽ khiến bạn ăn hoài không ngán. Món này ăn kèm bánh mì thì khỏi phải chê.

Địa điểm ăn Bò nhúng me ngon ở Buôn Ma Thuột

Quán Cà Te
Địa chỉ : 158 Lê Thánh Tông, Tp Buôn Ma Thuột

Bánh canh cá dầm

Bánh canh cá dầm là món ăn có tiếng với người dân ở Buôn Ma Thuột. Trời se lạnh, chỉ cần cho một thìa nước dùng vào miệng là bạn đã có cảm giác được sưởi ấm với vị cay the thé của món ăn.

Cái ngon của bánh canh không chỉ nằm ở thứ nước dùng ngọt ngọt, chua chua, cay cay – hương vị rất đặc trưng yêu thích của miền Nam, mà nhiều người “mê mệt” món ăn này còn bởi độ chất của những khúc cá thu mềm, ngọt, thơm và không có một chút xương nào. Đặc biệt, dù bạn có dầm nát miếng cá thu hòa lẫn cùng nước dùng thì bát bánh canh cũng không bao giờ bị tanh nồng, trái lại còn thấy ngon hơn, thú vị hơn nhiều.

Địa điểm ăn Bánh canh cá dầm ngon ở Buôn Ma Thuột

Quán Hương
Địa chỉ : 55 Hai Bà Trưng, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk

Bánh bột lọc Đạt Lý

Bánh bột lọc là một loại bánh Việt Nam được từ bằng bột sắn (phương ngữ miền Nam gọi là khoai mỳ) được lọc lấy tinh bột, sau đó được luộc một phần nhỏ bột, nhồi kỹ và làm bánh. Nhân bánh thường bằng tôm trộn với gia vị, có thể làm nhân bằng thịt heo nạc hay hỗn hợp tôm-thịt heo. Sau khi vắt thành bánh, bánh được gói bằng lá chuối (hoặc có thể không gói) và hấp cách thủy.

Quán Thanh Nga bán đồng giá 10k mỗi đĩa bánh (Ảnh – Cùng Phượt)

Dọc theo QL 14 cách Tp Buôn Ma Thuột khoảng 10km sẽ tới khu chợ trung tâm của Đạt Lý, một vùng đất nhiều truyến thống tại Đăk Lăk. Bất kỳ một người dân nào ở đây cũng có thể giới thiệu cho các bạn về món ăn nổi tiếng này. Bột sắn để làm bánh được mang về từ vùng núi A Lưới của Huế kết hợp với thịt heo và tôm tươi cùng cách pha chế đặc biệt của từng loại gia vị tạo nên chiếc bánh vừa dai, vừa mềm lại vừa dẻo.

Địa điểm ăn Bánh bột lọc Đạt Lý ngon ở Buôn Ma Thuột

Quán Thanh Nga
Địa chỉ : Chợ Đạt Lý, Km 10, Quốc lộ 14, Tp Buôn Ma Thuột
Hướng dẫn : Từ Tp Buôn Ma Thuột đi về phía Đạt Lý, qua chợ khoảng chừng 700m phía bên tay trái có con đường nhỏ rẽ vào khu dân cư thôn 2, bên cạnh chùa Liên Trì sẽ thấy quán

Thịt nai

Thịt nai giờ trở thành món đặc sản chủ yếu của vùng rừng núi Tây Nguyên, đặc biệt là ở Đắk Lắk vì vùng Tây Bắc giờ rất khó kiếm được. Thịt nai tươi khác thịt bò ở chỗ ít gân, mỡ màu trắng ngà, mềm hơn cả thịt bê non. Thịt bò 7 món đã gây thèm muốn, có nơi trở thành đặc sản, nhưng 7 món nai vượt xa một cách bất ngờ, cho nên càng không thể so sánh với bò, cho dù là bê cũng không đọ nổi với thịt nai.

Các nhà hàng đặc sản thịt nai tươi ở Buôn Ma Thuột – TP trung tâm của tỉnh Đắk Lắk đã đưa thịt nai vào hầu hết thực đơn bữa thường, bữa tiệc… bằng các món nai nướng, nai xào làn, nai nhúng giấm, nai lúc lắc, sườn nai rán, cháo bao tử và sau cùng là nai khô hợp lại đủ 7 món như thịt bò. Nhưng nai nướng, nai nhúng giấm và nai khô lại là những món tiêu biểu nhất.

thit-nai-nuong

Thịt nai nướng thái mỏng ướp mỡ nước và gia vị rồi cắt mấy lát gừng nướng riêng để ăn nóng cùng lúc rất hợp. Nai nướng không cần nước chấm, cũng không cần muối tiêu, miếng thịt nai nướng chín ngọt, mềm cộng với vị gừng nóng kích thích người ăn đến mê say mặc dù chẳng cần dùng đến rượu.

Nai nhúng giấm như một bản nhạc đã chuyển gam bởi lẽ đã thấm đậm đà một hương vị không giống miếng nai nướng béo ngậy. Nai nhúng cũng phải thái mỏng nhưng lại ướp với sả nước mắm ngon, ngũ vị hương và tỏi. Khi ăn phải dùng lẩu đặt giữa bàn, nước dùng có pha giấm đun sôi sục, cạnh lẩu là một khay to đựng đủ loại rau: sa lát, cà chua, hành tây thái khoanh, chuối xanh thái lát.

Nai khô có thể là đầu bảng trong các món nai. Nai khô không béo ngậy như nai nướng vì cách thức và nguyên liệu tẩm ướp khác nhau nên miếng nai khô ngọt lịm. Thịt nai thái ngang thớ, miếng dài chừng 5cm ướp kỹ bằng xì dầu, sả, muối, đường, ớt mè trắng và ngũ vị hương. Sau khi ướp trong vòng 80 phút lấy từng miếng nướng trên than hoa, nướng xong dùng sống dao dần cho miếng thịt mềm mại rồi ăn mà không cần chấm với bất cứ thứ gì.

Một số nhà hàng, quán ăn ngon ở Buôn Ma Thuột

1. Quán Cà Te
Địa chỉ : 158 Lê Thánh Tông, Tp Buôn Ma Thuột
Điện thoại : 0935 551 905 – 0903 929 790
Quán phục vụ các món như : Bò nhúng me, Cơm gà 7 vị, Linh đơn Tây Nguyên, Ếch um cà đắng … các món ăn chế biến từ ếch, gà, bò, heo ….

2. Quán Đậu
Địa chỉ : 41 Trần Bình Trọng, Tp Buôn Ma Thuột
Điện thoại : 0905 107 749
Quán phục vụ các món ăn bắc như : Bún đậu mắm tôm, Bún chả, Bánh tôm, Phở cuốn ….

3. Quán chè 57
Địa chỉ : 69 Lý Thường Kiệt, Tp Buôn Ma Thuột
Điện thoại : Đang cập nhật

Một số lịch trình du lịch Buôn Ma Thuột

Lịch trình 3 ngày 3 đêm

Ngày 1 : Buôn Ma Thuột – Buôn Đôn – Buôn Ma Thuột (80km)
– Sáng khởi hành từ Buôn Ma Thuột đi Buôn Đôn, tham quan du lịch Buôn Đôn, nhà sàn 100 năm tuổi, khu nhà mồ của người Ê Đê, viếng mộ và nghe kể chuyện về Vua săn voi.
– Ăn trưa tại Buôn Đôn
– Chiều khởi hành quay trở lại Buôn Ma Thuột tham quan Bảo tàng dân tộc Đăk Lăk
– Tối dạo phố và thưởng thức cafe
Ngày 2 : Buôn Ma Thuột – Cụm thác Dray Nur – Dray Sap – Gia Long – Buôn Ma Thuột
– Sáng khởi hành đi tham quan cụm Thác Dray Nur – Dray Sap – Gia Long (40km)
– Mang theo đồ ăn trưa ăn và nghỉ tại một trong 3 điểm thác
– Chiều quay lại Tp Buôn ma Thuột tham quan Buôn Akô D’hông, chùa Sắc Tứ Khải Đoan
Ngày 3 : Buôn Ma Thuột – Hồ Lăk – Buôn Jun
– Sáng khởi hành từ Buôn Ma Thuột đi tham quan Hồ Lăk (60km)
– Thăm khu Biệt điện Bảo Đại
– Tham quan Buôn Jun, nghỉ ngơi và ăn trưa tại đây
– Chiều khởi hành về lại Buôn Ma Thuột.

Lịch trình 2 ngày 2 đêm

Ngày 1 : Buôn Ma Thuột – Cụm thác Dray Nur – Dray Sap – Gia Long – Buôn Ma Thuột – Buôn Đôn
– Sáng 7h khởi hành đi tham quan cụm Thác Dray Nur – Dray Sap – Gia Long (40km).
– 11h quay ngược về Tp Buôn Ma Thuột, thưởng thức các món ăn ngon tại đây.
– Chiều khởi hành từ Buôn Ma Thuột đi Buôn Đôn, tham quan du lịch Buôn Đôn, nhà sàn 100 năm tuổi, khu nhà mồ của người Ê Đê, viếng mộ và nghe kể chuyện về Vua săn voi.
– Tối quay trở về Buôn Ma Thuột dạo phố và thưởng thức cafe
Ngày 2 : Du lịch trong Tp Buôn Ma Thuột
– Sáng tham quan bảo tàng Đăk Lăk, buôn Akô D’hông
– Buổi trưa nghỉ ngơi và ăn uống tại Akô D’hông
– Chiều tiếp tục tham quan Khu nhà đày Buôn Ma Thuột, Đình Lạc Giao
– Tới khu vực Làng cafe Trung Nguyên hoặc Thiên đường cafe Mehyco

Tìm trên Google : kinh nghiệm phượt buôn ma thuột, đi buôn ma thuột vào thời gian nào đẹp, địa danh du lịch buôn ma thuột, ăn gì ở buôn ma thuột, chơi gì ở buôn ma thuột, du lịch bụi buôn ma thuột, kinh nghiệm đi buôn ma thuột, các món ngon buôn ma thuột, quán ăn ngon buôn ma thuột, quán ăn vặt buôn ma thuột, đặc sản buôn ma thuột, lịch trình đi buôn ma thuột

KINH NGHIỆM ĐI PHƯỢT | KINH NGHIỆM DU LỊCH BỤI