Kinh Nghiệm Xin Visa Nga (Du Lịch) Tự Túc – Go Vinh Go

1383

“Visa du lịch Nga? Hoặc bạn có một ối tiền, hoặc bạn phải sử dụng dịch vụ xin visa Nga để lấy cái visa đó (và cái dịch vụ đó cũng sẽ ngốn bạn cả một ối tiền), hoặc bạn dám tự túc xin cái visa khét tiếng về độ khó nhằn này.”

Đó là những gì tôi rút ra được từ hàng trăm blog du lịch, lời khuyên từ tripadvisor. Thế nhưng tôi vẫn tự tin về tài xin visa của mình, và nghĩ cũng chẳng đến nỗi như những gì họ viết trên kia. 5 giây sau khi nhìn vào list giấy tờ và thông tin như cần thiết để nộp đơn xin visa Nga trên wikitravel.org, tôi mém xỉu. Động lực tôi có bao nhiêu, sau khi xem những thông tin chữ không là chữ ấy, giảm xuống mức gần như chạm nóc. Search gần như nát cả Google, và thông tin về kinh nghiệm xin visa du lịch Nga tự túc cho người Việt Nam lại quay về con số không.

du-lich-nga-tu-tuc-905576796-76fc0d6117-b

Mò mầm từng tí từng tí, tôi cuối cùng cũng có kha khá thông tin về việc nộp visa. Một ngày đẹp trời, tôi đem tất cả hồ sơ đến lãnh sự quán Nga tại thành phố Hồ Chí Minh, và hồi hộp chờ đợi không thua kém gì khi tôi nộp đơn đi xin visa Mỹ.

Sau một thời gian tương đối gian truân, visa Nga đã về nguyên vẹn trong tay tôi, và đây cũng là visa có thời gian xét nhanh nhất, nhanh kỉ lục, tính đến thời điểm bấy giờ. Visa Nga của tôi chính thức soán ngôi tốc độ xét visa của visa Schengen hôm tôi nộp ở lãnh sự quán Pháp. Thời gian từ lúc tôi nộp đến lúc tôi nhận được, chính thứ đúng…1 ngày (!)

Kinh nghiệm xin visa Nga như thế nào sẽ được viết trong bài dưới đây.

Điện Thoại Tới Lãnh Sự Quán Nga tại TP.HCM:

Với lựơng thông tin nhiều như mưa rào vào mùa khô ở miền Nam quê hương chúng ta, cách cuối cùng tôi có thể tìm thêm thông là gọi thẳng lên Lãnh sự Nga tại TP.HCM để có thêm thông tin.

Tôi gọi 2 lần, và cả hai lần đấy tôi đều về tay trắng. Viên chức lãnh sự hoàn toàn không nói được tiếng Anh hay tiếng Việt. Vốn tiếng Nga đã ít và sau 3 năm không nhòm tới tất nhiên lại càng chẳng giúp được thêm gì. Cuối cùng tôi mới giác ngộ ra rằng thông tin về visa chỉ được giải quyết khi có người thông dịch, đồng nghĩa với việc phải gọi trùng vào giờ làm việc visa Nga.

I. Hồ Sơ Để Xin Visa Nga:

Bạn cần những giấy tờ sau để xin visa:

1. Đơn xin Visa Nga:

2. 1 tấm hình passport, background trắng, kích thước 3.5cm x 4.5 cm:

Bữa đó tôi dán vào đơn xin một tấm, và mang theo hai tấm phòng hờ. Cuối cùng thì hai tấm kia được trả lại.

3. Passport:

Bạn không cần bản photo passport. Hiệu lực của passport đến thời điểm kết thúc thời hạn visa ít nhất là 6 tháng.

4. Bản chính giấy mời nhập cảnh vào Liên bang Nga (trừ trường hợp xin thị thực quá cảnh):

Nga, và một số nước Liên Xô cũ như Uzbekistan, vẫn còn giữ “truyền thống” yêu cầu giấy mời du lịch từ các khách sạn, nhà nghỉ có thẩm quyền. Giấy mời du lịch Nga là cái quan trọng nhất, kiêm luôn cái hành hạ tôi nhiều nhất, và là thứ đắt tiền nhất tôi phải trả khi làm visa du lịch Nga.

Giấy mời du lịch Nga thật ra không đắt, tầm $35, nhưng số dịch vụ dám cấp giấy mời nhập cảnh vào Nga dành cho khách quốc tịch Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tôi đã lượn qua lượn lại gần chục dịch vụ uy tín trên Tripadvisor để mua giấy mời, nhưng phần lớn họ không cấp. Chỉ duy nhất một nơi dám bán giấy mời cho tôi, lại bán với giá đắt gần như gấp đôi so với những dịch vụ khác. Từ ~$35, hay thậm chí có nơi bán với giá ~$20, giá một giấy mời nhập cảnh của tôi tại nơi ấy lại bị đẩy lên đến…$68 (!)

Đem tâm tình này đến hỏi, và tôi nhận được một câu trả lời khá thoả đáng: Nước Nam nằm trong khu vực nguy cơ ở lậu khá cao, nên việc cấp giấy mời nhập cảnh lẻ rất hạn chế. Nhiều lúc tôi buồn vài (chục ngàn) con sầu làm rầu nồi canh ghê.

Cầm thư mời đươc in màu đẹp đẽ tôi chưng hửng khi bị yêu cẩu bản gốc. Đáng lẽ ra tôi nên mua thư mời từ một công ty dịch vụ visa Nga ở Việt Nam. Tại sao tôi lại hấp tấp đi mua thư mời trên mạng để rồi tốn thêm cả đống tiền như thế này?

Xem thêm: 8 Điều Tôi Học Được Từ Trải Nghiệm Du Lịch Bụi/ Phượt Ai Cập Của Mình

5. Booking Chuyến Bay:

Bạn có thể ra đại lý vé của Vietnam Airlines và book một vé khứ hồi từ Việt Nam qua Nga, và bay về. Bạn chỉ book thôi, không cần mua.

5.5. Bảo Hiểm:

Cái này tôi không nghĩ có cần thiết hay không. Khi khai đơn xin visa, bạn sẽ phải trả lời bạn có bảo hiểm du lịch Nga không. Tôi mua thêm bảo hiểm, và viên chức lãnh sự cũng chẳng quan tâm tới nó cho lắm.

Và đó là tất cả bạn cần để có được visa Nga!

Nghe thì có vẻ dễ, nhưng thật ra thì cũng khá nhiêu khê. Nhiêu khê nhất là ở khúc thư mời visa Nga.

* Thông tin giấy mời nhập cảnh vào Liên bang Nga:

  • Bạn sẽ phải mua qua một trong số những dịch vụ cung cấp visa Nga. Lần ấy chỉ có ivisa.ru là chịu cấp giấy mời cho tôi. Bạn cũng có thể mua giấy mời tại các trung tâm làm visa. Lúc ấy tôi quên mất, và cũng hơi vội để kiểm tra thông tin. Nếu có thể mua thư mời ngay tại Việt Nam, bạn có thể tiết kiệm ít nhất vài chục đô từ tiền chuyển thư về.
  • Khi điền đơn, bạn phải cung cấp đủ thông tin thành phố bạn sẽ qua + khách sạn bạn sẽ ở tại những thành phố đó. Tôi ở 5 thành phố là St. Petersburg, Moscow, Nizniy Novgorod, Suzdal và Kazan. Mỗi khi bạn nhập tên một thành phố vào ô chọn, bạn sẽ được gợi ý chọn các khách sạn/ nhà nghỉ có thẩm quyền. Bạn không nhất thiết phải ở những nơi mà bạn chọn. Bạn có thể chọn ở một nơi, và qua đó ở nơi khác.
    • Những thông tin bạn điền vào thư mời, buộc phải trùng khớp với thông tin trên đơn xin visa. Ví dụ bạn không thể để thư mời bạn chọn khách sạn B để ở, trong khi bạn lại khai ở khách sạn A trong đơn xin visa của mình.
  • Sau khi điền hết thông tin vào hệ thống, bạn sẽ nhận được email confirm cho giấy mời của mình.
  • Tôi đã in màu giấy mời, mang theo, và ngay lập tức bị yêu cầu về nhà lấy bản gốc. Có nghĩa là tôi phải yêu cầu bên dịch vụ gửi bản gốc về nhà, với giá cực kì chua $45. Tổng thiệt hại của thư mời visa Nga riêng nó đã ngốn hết hơn $100 của tôi.

II. Đi Nộp Hồ Sơ:

Tôi đi nộp tổng cộng…4 lần!

Lần 1: Lãnh sự đổi thông tin lịch tiếp visa, nhưng chưa bổ sung thông tin đầy đủ trên mạng. Ngày đầu tiên tôi đến giờ chiều, và lãnh sự đã đi về.

Lịch tiếp đón của lãnh sự Nga ở TP.HCM như sau:

  • Thứ hai: 9:00 – 11:00
  • Thứ ba: 9:00 – 11:00
  • Thứ sáu: 9:00 – 11:00

Lần 2: Tôi háo hức, hồi hộp đem hồ sơ đến lãnh sự vào lúc 9:20. Cả phòng vắng hoe, chỉ có tôi và một chị ngồi cùng nộp visa. Đến tận 9:45, viên chức lãnh sự trẻ mới tới. Vì chị viên chức này không thể nói tiếng Anh hay tiếng Việt, và có điều gì đó trục trặc với hồ sơ của mình, tôi phải ngồi chờ hơn 30 phút để chờ viên chức lãnh sự chính tới. 10:20 và viên chức chính cuối cùng cũng xuất hiện. Cô yêu cầu tôi phải nộp bản chính thư mời.

Lần 3: Thư mời của tôi về lúc 10:45 thứ sáu. Tôi gọi lên lãnh sự hỏi xem có kịp nộp visa lúc 12 giờ không, vì từ nhà tôi lên lãnh sự mất gần cả tiếng đồng hồ. Lãnh sự bảo vẫn làm việc đến tận 12 giờ. Tôi lao như một cơn gió đến lãnh sự, và hỡi ôi, ngày thứ sáu chỉ làm việc đến…11 giờ mà thôi (!)

Lần 4: Tôi mang tất cả hồ sơ đến, chờ tầm 10p để lên nộp đơn. Và điều kì diệu đã xảy ra. Bạn biết điều gì không? Tôi được/bị phỏng vấn đột xuất.

Tôi chưa lường trước được tình huống này. Trên trang lãnh sự không ai bảo sẽ phỏng vấn cả. Tôi, thật tâm mà nói, cũng chẳng có gì để dấu giếm, nhưng tôi đã quên không xem lại tờ khai của mình. Cả tuần chẳng thèm đoái hoài tới những thông tin trên đó, và chỉ cần một chút sai sót, cơ hội rớt visa Nga của tôi là cực kì cao. Ơn trời cuối cùng tôi cũng trả lời đúng hết! Kinh nghiệm là bạn nên kiểm tra hồ sơ một chút trước khi đi nộp đơn.

Vị lãnh sự đến lúc ấy hỏi tôi rằng muốn có visa khi nào, và tôi bảo ngày mai. Bà cười nhẹ và mời tôi qua ô đóng tiền, hẹn tôi ngày mai lên lấy.

Thế là tôi đã có visa đi Nga rồi!

III. Lệ Phí Visa Nga:

Tôi chi 2.070.000đ cho dịch vụ visa phát nhanh. Trên lý thuyết, phát nhanh sẽ trả visa về trong vòng 3-5 ngày. Tôi may mắn được trả về trong vòng đúng một ngày.

Lệ phí cho visa thông thường, trong 1 tuần, là 1.550.000đ.

IV. Visa Nga ở châu Âu:

Ở một diễn biến khác, tôi khi rất không muốn tốn $45 chuyển thư mời gốc về Việt Nam, đã liên hệ một số lãnh sự ở vài nước châu Âu để hỏi thêm thông tin về việc tôi có thể nộp visa Nga với thư mời không kèm bản gốc ở đấy không. Những lãnh sự tôi liên hệ (Đức, Lativa, Lithuania, Estonia, Pháp) đều trả lời rằng tôi có thể nộp đơn, nếu tôi có thể cư trú của quốc gia ấy.

Ngoài thẻ cư trú, những ai muốn xin visa Nga ở châu Âu, phải buộc đóng thêm phí dịch vụ chuyển tiếp lãnh sự, tương tự như VFS nhận chuyển hồ sơ vào lãnh sự Pháp. Mức phí ở Latvia là 20 EURO.

Mức phí bạn cần phải nộp để có visa Nga ở châu Âu bao gồm: phí lãnh sự + phí visa + phí thư mời (+phí chuyển phát thư mời gốc). Việc có cần thư mời gốc hay không tôi vẫn chưa được lãnh sự trả lời rõ.

V. Tóm Tắt:

Để xin visa Nga ở Việt Nam, bạn cần:

  • Đơn xin Visa Nga
  • Một tấm hình passport
  • Passport
  • Giấy mời nhập cảnh
  • Booking vé máy bay
  • Bảo hiểm
  • Tổng tiền visa Nga, dịch vụ cấp tốc: $90 (phí visa) + $68 (phí mua thư mời) + $45 (phí chuyển thư mời) = $203

Để xin visa Nga ở một nước châu Âu, bạn cần:

  • Đơn xin Visa Nga
  • Một tấm hình passport
  • Passport
  • Giấy mời nhập cảnh
  • Booking vé máy bay
  • Bảo hiểm
  • Tổng tiền visa Nga, dịch vụ cấp tốc: $90 (phí visa) + $68 (phí mua thư mời) + $20 (phí lãnh sự) (+ $45 (phí chuyển thư mời))

Đây là kinh nghiệm xin visa Nga của tôi vào tháng 7, 2016. Comment nếu bạn có thêm bất kì câu hỏi nào về Visa nhé.

Support bằng cách click vào bất kì mẫu quảng cáo trong bài viết, và nhớ subscribe để đọc bài mới nhé. Gặp mọi người sau

GO VINH GO