Lũng Vân nóc nhà xứ Mường,Phượt Lũng Vân,du lịch Lũng Vân

1136

lung-van-hoa-binh-phuot-lung-van

Bài viết chia sẻ này mình đã viết trên diễn đàn Phuot đã lâu. Nay đưa về đây để chia sẻ với các bạn yêu du lịch và Phượt. Chuyến đi này mình đi năm 2009, đầu năm nay có quay lại thì mấy bãi cỏ chăn trâu ngày nào nay nhà cửa mọc san sát hết cả. Đường xá liên xã thì vẫn vậy, đá to, lầy, và mọi như gần như không thay đổi.

Đường đi Lũng Vân

Từ Hòa Bình bạn đi theo hướng đi Mai Châu – Mộc Châu, qua thị trấn Mường Khến 1 đoạn, tới Ngã 3 nơi có khu chợ ven đường. Bạn dừng lại hỏi cánh Xe Ôm đường đi Lũng Vân – Địch Giáo. Cứ chạy thẳng xe, men theo bên tay phải, nếu tới ngã 3 bạn cứ hỏi đường lại cho chắc nhé. Dưới đây là bản đồ:

lung-van-hoa-binh-lung-van

Khi đi Lũng Vân bạn nên kết hợp đi cả Vườn Quốc Gia Ngổ Luông. Từ Lũng Vân bạn hỏi đường đi Ngổ Luông, trong bản đồ bạn có thể nhìn thấy con đường chạy dọc TL128 , đường này nằm sát với Vườn Quốc Gia, đây cũng là đoạn Offroad khá thú vị, đi xuyên qua nhiều bản làng Mường. Nếu cần hỏi thêm về đường đi bạn cứ Reply lại, Andy sẽ tư vấn cụ thể cho bạn.

Từ Địch Giáo nhìn theo hướng con đèo ngoằn ngoèo có tên là Dốc Mùn trườn ngược lên sườn núi dốc đứng, trên cao ấy, nơi những ngọn núi chìm trong biển mây chính là nóc nhà của xứ Mường Bi, cũng là bản cao nhất của toàn xứ Mường Hoà Bình, có tên là Lũng Vân. Nếu không có con đèo, thật khó lòng hình dung trên ngàn mây ấy lại có con người sinh sống. Vây quanh lòng chảo là những bản Mường nhà sàn như treo trên lưng chừng sườn núi, lúc ẩn lúc hiện trong mây luồng.
Chẳng những có con người, mà con người còn có mặt ở đây đã ngàn năm. Xứ bồng lai này còn có cái tên cổ xưa mà ngày nay ít người còn biết, còn gọi, đó là Mường Chậm. Chữ Chậm không phải là nhanh chậm theo nghĩa tiếng Việt, nhưng trong tiếng Mường nó cũng không có nghĩa gì. Nguồn gốc xa xưa của địa danh này vẫn chưa có ai lần ra được.

Thực ra đường vào Lũng Vân đẹp, nhưng khi vào đến Lũng Vân thì cảnh sắc không có gì mấy, từ đây có đường qua Pù Luông, nhưng chỉ đi bộ, hết khoảng 7 tiếng. Ngoài ra có thể thăm khu bảo tồn Ngọc Sơn – Ngổ Luông. Khu này vẫn còn hoang sơ lắm, vào đây có thể mua thịt lợn mường với giá 65k/kg.

DỌC ĐƯỜNG KÝ SỰ

ĐƯỜNG ĐẾN THUNG LŨNG MÂY – NÓC NHÀ XỨ MƯỜNG

7h sáng, chúng tôi lên đường. Sau khi thoát khỏi Hà Nội với những dòng người và xe đông đúc, với những khói và bụi, tôi mới hỏi “Rốt cuộc chỗ đó thế nào? “Cứ đi rồi sẽ biết ngay thôi!”. Không vào trung tâm của Thành phố Hoà Bình, chúng tôi chạy theo con đường mới mở ven Thành phố, tiếp tục ra Quốc lộ 6. Chỉ lên núi Ông Tượng, anh bạn hỏi tôi có muốn lên thăm tượng Bác không? Tôi hỏi anh lên chưa, anh bảo lên rồi, “Vậy anh có biết ý nghĩa của những bậc thang dẫn lên tượng đài Bác không?” “Không, bậc thang cũng có ý nghĩa nữa sao?”. “Tất nhiên! mỗi bậc đá và chiếu nghỉ đều có ý nghĩa liên quan đến cuộc đời hoạt động và tượng đài Bác”. Hồi đấy, sau đợt tình nguyện tại Lạc Sơn (Hoà Bình), chúng tôi được đưa đến viếng tượng đài Bác và tham quan công trình thuỷ điện Sông Đà. Từ dưới chân núi, những bậc thềm đầu tiên, tượng trưng cho tuổi thơ của Bác, và từ những bậc thềm này, chúng ta nhìn lên vẫn chỉ là đỉnh núi cao, chưa hề thấy bóng Bác. Sau chiếu nghỉ thứ nhất, là những bậc thang, chiếu nghỉ tiếp theo, tượng trưng cho từng giai đoạn hoạt động cách mạng của Bác, cũng theo đó chúng ta sẽ dần thấy hình ảnh Bác trọn vẹn hơn.

Kết thúc câu chuyện về Bác cũng là lúc chúng tôi rời Quốc lộ 6 đi Lũng Vân. Nhìn xa phía trước là chập trùng những ngọn núi hùng vĩ thấp thoáng ẩn hiện trong biển mây – Cao và xa vời, khó lòng tin được, rồi đây chúng tôi sẽ lại được đứng trên đỉnh cao kia mà nhìn xuống. Thời tiết khá xấu, mây mù bao phủ khiến cho quang cảnh núi rừng càng thêm âm u, anh bạn tôi lên tiếng “Sáng qua báo là không mưa, nhưng tới tối thì báo là có mưa nhỏ”, tôi cười “Thế thì lát nữa trời sẽ nắng”. Từ sau cái ngày Hà Nội ngập lụt tôi không còn quan tâm nhiều tới mục dự báo thời tiết nữa. Đường lên thung Mây còn xa lắm, nhưng cảnh sắc nơi đây đã quá sức tưởng tượng của chúng tôi rồi. Dốc Mun, con dốc nổi tiếng với Cổng Trời và những vòng cua ngoằn ngèo như muốn thử thách sức người. Từ đây, con đường cũng trở nên khó khăn hơn, những sườn dốc đứng cheo leo mà có lúc không kìm nén được tôi đã hét lên vì sợ. Ngày còn là sinh viên thực tập, khi đi qua những đoạn đường đèo dốc quanh co, tôi cảm thấy nó thật đẹp, ví như những viền đăng ten trắng trên nền chiếc áo màu xanh đầy thơ mộng. Giờ đây, cũng trên những con đèo, dốc cua như thế này, tôi lại nghĩ tới những bàn tay khối óc đã đổ bao tâm huyết, mồ hôi và công sức; và nghĩ tới những người dân tộc thiểu số, những bản làng sống cheo leo trên đỉnh núi đã và sẽ sống ra sao trước và sau khi có con đường?

lung-van-hoa-binh-vuon-quoc-gia-ngo-luong

Tấm biển chỉ dẫn: Lũng Mây 3.5km, Ngổ Luông 11km – vùng đất thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông, khiến lòng tham trong tôi lại nổi lên, giá như thân mình có thể chia làm hai nửa. Nhưng cảm giác sắp được đặt chân lên nóc nhà của xứ Mường Bi, cũng là bản làng cao nhất của toàn xứ Mường Hoà Bình, đã kéo chúng tôi đi. Không biết bao lần chúng tôi phải dừng lại bởi những thung lũng hiện ra sau mỗi khúc cua, ruộng bậc thang, dẫu không vào mùa lúa chín, vẫn đẹp đến say đắm lòng người, ở đó có những người dân tộc Mường đang cần mẫn lao động vun trồng một vụ mùa bội thu. Nhưng có lẽ, chưa nơi nào chúng tôi lại dừng lâu như ở thung lũng của những người dân xóm Lự. Một bức tranh với khung cảnh yên bình, trong lành mà hết sức sinh động. Xa xa phía triền núi, là những nếp nhà sàn cheo leo lúc ẩn lúc hiện trong mây. Ruộng bậc thang ở đây không cao và dốc như trên vùng Cao Bằng, Hà Giang, Lao Cai…), sự “tinh sạch” trên từng thửa ruộng cứ như nó thường xuyên được “quét dọn” (tinh sạch tới mức tôi cũng không nỡ vứt vỏ của chiếc bánh vừa ăn, đành cho vào túi đem về Hà Nội); những người phụ nữ Mường đang lao động, từng nhát cuốc bổ xuống thật đều đặn. Thấy chúng tôi chụp ảnh, họ thì thầm điều gì đó với nhau rồi cười vang. Tôi nhờ anh bạn, giọng khoẻ, nói vọng xuống, “Cho xin chụp mấy tấm ảnh nhé!”. Tôi cứ lo là họ không hiểu được tiếng Kinh, nhưng thật không ngờ, họ lại nói rất sõi “Chụp không đẹp đâu”, “Khi nào thì có lúa chín?” “Còn lâu lắm” “Sao lại có chỗ đã cấy lúa rồi mà có chỗ chưa cấy?” “Chỗ nào có nước cấy trước, còn thì phải chờ đến tháng năm có nước, tháng sáu mới cấy được” “Thế đàn ông đâu mà để toàn phụ nữ đi làm vậy?” “Phụ nữ thì lo việc đồng áng, đàn ông làm việc khác” “Không có trâu bò hay sao mà lại dùng cuốc thế kia?” “Có ít lắm, cuốc đất rồi để đấy chờ nước” “Một năm làm được mấy vụ lúa?” “Có nơi được hai vụ, nhưng nơi không có nước chỉ làm một vụ thôi” “Có đủ ăn không?” “Không đủ ăn đâu” “Thế thì sống ra sao?” “Phải vào rừng, phải trồng thêm ngô, thêm sắn”. Tiếng cười nói dường như thưa dần, rồi họ lại cần mẫn với từng nhát cuốc của mình. “Làm việc nhé, chúng tôi đi đây”, anh bạn tôi chào sau khi chụp thêm vài tấm ảnh, họ ngẩng đầu nhìn chúng tôi rồi vẫy tay chào lại. Cuộc hành trình tiếp tục.

CÂU CHUYỆN Ở THUNG LŨNG MÂY.

Vậy là chúng tôi đang đứng trên Lũng Vân – nóc nhà của xứ Mường Bi ở độ cao gần 1000m so với mặt nước biển, cách biệt với các khu vực phụ cận bởi những ngọn đèo có độ cao gần 1300m. Trong “Tứ đại đất Mường” – bốn cái nôi văn minh lớn và cổ xưa nhất của xứ Mường, người xưa căn cứ theo diện tích vùng, dân số, sự sung túc, gái đẹp, rượu cần ngon, quyền lực của nhà Lang, trâu bò nhiều và những chiếc chiêng có tiếng vang xa nhất mà phân theo thứ tự: nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động.

Ở đây tôi đã được nghe một truyền thuyết như thế này: Có vùng núi non, nơi những bản làng đang sinh sống yên bình. Một cơn hồng thuỷ ập đến bất thần trong đêm cuốn trôi hết tất thảy nhà cửa, bản làng, người dân, trâu bò và nhấn chìm cả rừng núi. Có đôi vợ chồng nhà nọ bám được một chiếc bè luồng, chiếc bè chìm nổi giữa sóng dữ hết ngày này sang ngày khác, thế nhưng họ vẫn bám chặt lấy nhau không rời. Rồi chiếc bè vướng vào cây Bi – một cây cổ thụ khổng lồ, rễ cây ăn xuyên qua chín sông mười núi nên vẫn vững vàng trong cơn hồng thuỷ. Cơn hồng thuỷ rút cũng là lúc tất cả trở nên hoang xơ. Không còn đường về, họ dựng lều ở ngay dưới gốc cây Bi để ở và sinh con đẻ cái, phát rừng làm nương, cày cuốc thung lũng thành ruộng bậc thang, làm cọn (guồng) để lấy nước, thuần phục thú rừng thành vật nuôi, lập nên mường bản. Nhớ ơn cây cứu mạng, họ lấy tên cây đặt cho tên mường, hình thành nên vùng Mường Bi ngày nay, một vùng núi rừng rộng lớn bao gồm nhiều xã thuộc huyện Tân Lạc. Và Lũng Vân là nơi sinh sống cao nhất của Mường Bi.

lung-van-hoa-binh-du-lich-hoa-binh

Trưa ở Lũng Vân, mặt trời bắt đầu ló rạng, nắng đã tràn xuống thắp sáng khắp thung lũng, những thửa ruộng lúa mướt xanh vẫn còn đọng sương, nắng chiếu xuống cả những ngôi nhà ven sườn núi vẫn nằm im lìm như những chú mèo còn ngái ngủ. Thốt vui khi nhìn thấy vạt cải hoa vàng nho nhỏ trước vài nếp nhà, bạn tôi xuống xe bấm máy lia lịa. Cả thung lũng mây hoàn toàn yên tĩnh, không một bóng người, chỉ có những nếp nhà đứng đó, điều duy nhất báo hiệu chủ nhà đi vắng là vài ba cây luồng vừa bằng cổ tay được dùng làm then cài chắn ngay trước cổng. Cảm giác hoang mang và thích thú cứ đan xen vào nhau. Hoang mang bởi ở đây vắng lặng quá, vắng lặng nhưng không hoang lạnh, cứ như những nếp nhà ấy riêng dành cho ai đó lỡ độ đường thì ghé vào dừng chân; thích thú bởi phong cảnh quả là đẹp, đẹp như ở xứ sở “Bồng lai tiên cảnh” vậy. Thú vị nhất là những làn mây mỏng tang cứ là là bay ngang mình. Cứ thế, tôi chạy đi chạy lại, hết nơi này đến nơi khác, cho đến khi được gọi đi tiếp. Những thửa ruộng bậc thang đây rồi, ngay sát bước chân tôi. Gặp một phụ nữ Mường gùi củi nặng, tôi ngỏ ý làm quen và xin chụp ảnh, nhưng không thấy phản ứng gì, cứ lầm lũi mà đi. Có thể bà không hiểu được tiếng Kinh hoặc do lạ, do nặng cũng không biết nữa. Sau đó, chúng tôi gặp tổ điều tra dân số, được biết trên thung lũng cao ngút ngàn này có tới 12 thôn xóm với gần 2000 khẩu, một anh trong đội cười “Đấy là số liệu cũ, còn số liệu mới thì giờ chúng tôi mới bắt đầu điều tra đây!”. “Đời sống của người dân có khá không anh?” “Trên đây cũng vừa ra khỏi dự án 135 của Chính phủ, nhưng đời sống vẫn còn vất vả khó khăn về vật chất lắm”, rồi anh lại tiếp “Được cái đời sống tinh thần thoải mái, khí hậu trong lành, đây là một trong những nơi có tỉ lệ người sống thọ rất cao” “sao em thấy ở đây toàn phụ nữ ra đồng vậy?” “bây giờ bình đẳng rồi, phụ nữ chuyên việc đồng áng, còn đàn ông thì lên núi lên rừng” “công việc điều tra có vất vả không anh?” “vất chứ, thôn xóm đều ở rải rác trên các sườn núi, đi lại xa xôi mà có khi không gặp ai ở nhà”. Thật tiếc vì chỉ có kế hoạch đi trong ngày nên không có nhiều thời gian tác nghiệp, đành chia tay mà lòng đầy luyến tiếc. Theo như dự định, chúng tôi sẽ về bằng đường khác để thoả chí khám phá của anh bạn tôi. Con đường dưới chân núi (gọi là chân núi, chứ thực tế đó là những thung lũng cao vào loại bậc trung) này không những dài hơn mà còn gập gềnh khó khăn hơn rất nhiều.

lung-van-hoa-binh-du-lich-lung-van
lung-van-hoa-binh-mua-lua-chin-o-lung-van

KINH NGHIỆM DU LỊCH,TOUR DU LICH,PHƯỢT BỤI