Sở hữu vẻ đẹp hoang dã cùng nhiều phong tục, tập quán, món ăn có một không hai, Mường La thực sự là mảnh đất thú vị để chúng ta khám phá và thật thiếu sót nếu như các phượt thủ đến Sơn La nhưng lại bỏ qua huyện Mường La. Hãy cùng chúng tôi khám phá Mường La qua bài viết dưới đây để có những kiến thức nhất định trước khi đặt chân đến mảnh đất này.
1. Giới thiệu chung về Mường La
Mường La có tọa độ địa lý là 21°15′ – 21°42′ vĩ Độ Bắc; 103°45′ – 104°20′ kinh độ Đông.
Mường La giáp với huyện Quỳnh Nhai ở phía Tây Bắc, huyện Thuận Châu ở phía Tây, thị xã Sơn La ở phía Tây Nam, huyện Mai Sơn ở phía Nam, huyện Bắc Yên ở phía Đông Nam, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) ở phía Đông, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) và Than Uyên (Lai Châu) ở phía Bắc.
Độ cao bình quân của huyện là 500–700 m. Trên địa bàn Mường La có nhiều dãy núi và núi cao ở phía Bắc và Đông Bắc. Sông Đà là sông lớn nhất chảy qua huyện. Một số sông suối lớn khác là Nậm Mu, Nậm Chiến, Nậm Trai, Nậm Pàn, Nậm Pia. Khi đập thủy điện Sơn La được hoàn thành, hồ thủy điện Sơn La sẽ chiếm một phần không nhỏ diện tích toàn huyện.
2. Thời gian phượt Mường La
Cũng nằm trong địa bàn tỉnh Sơn La, vì thế thời tiết, khí hậu Mường La tương đối giống với các huyện lân cận như: Mộc Châu, thành phố Sơn La, Quỳnh Nhai,… Hơn nữa, nếu chọn Mường La là điểm đến, các phượt thủ thường kết hợp để dừng chân ở nhiều điểm khác nhau như: Mộc Châu, thành phố Sơn La, Mù Cang Chải (Yên Bái),…. Vì thế, thời gian thích hợp để bạn đến Mường La thường trùng với thời gian để đi đến các địa điểm trên.
Các bạn có thể đến Mường La vào các tháng: từ tháng 10 đến tháng 4 (giống như Mộc Châu). Và đặc biệt tránh các tháng 7, 8, 9 vì đây là mùa mưa kết hợp với địa hình cao và dốc ở Mường La rất dễ gây sạt lở núi, đường đi hiểm trở, hết sức nguy hiểm.
Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn có thể xem tại mục Thời gian tại bài Mộc Châu – điểm dừng chân không thể bỏ qua và Phượt Thành phố Sơn La
3. Phương tiện đi lại
Đối với dân phượt chúng mình, có lẽ xe máy là phương tiện tốt nhất để chúng ta khám phá Sơn La nói chung và Mường La nói riêng. Vì những con ngựa sắt này có thể di chuyển đến những địa hình hiểm trở và đi sâu vào các bản làng một cách dễ dàng và nhanh chóng.
4. Đồ dùng cần chuẩn bị
Cũng tương tự như đến Mộc Châu, đến Mường La là dịp để các bạn khám phá vẻ đẹp của cảnh núi non hùng vĩ, bản sắc văn hóa dân tộc cũng như các đặc sản ở vùng đất này. Những đồ dùng bạn cần mang theo cũng tương đối giống với các vật dụng mà bạn chuẩn bị khi đi Mộc Châu.
Để biết thêm thông tin chi tiết bạn có thể tham khảo Mộc Châu – điểm dừng chân không thể bỏ qua.
5. Những địa điểm không thể bỏ qua khi đến Mường La
5.1 Nhà máy thủy điện Sơn La
Nhà máy Thủy điện Sơn La là nhà máy thủy điện nằm tại tại xã Ít Ong. Nhà máy được khởi công xây dựng ngày 2, tháng 12, năm 2005. Sau 7 năm xây dựng, Thủy điện Sơn La được khánh thành vào ngày 23 tháng 12 năm 2012, sớm hơn kế hoạch 3 năm, trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.
Thông số kỹ thuật
Diện tích hồ chứa: 224km2. Dung tích toàn bộ hồ chứa: 9,26 tỉ mét khối nước.
Công suất lắp máy: 2.400 MW, gồm 6 tổ máy.
Điện lượng bình quân hằng năm: 10,2 tỉ KW
5.2 Xã Ngọc Chiến
Phượt Mường La – Ngọc Chiến là một cung đường khá đẹp và nhiều trải nghiệm. Điều đặc biệt trong con đường này là những đoạn đường đất nhỏ men theo những bản làng Mông, những thung lũng ruộng bậc thang trải dài. Hơn nữa bạn sẽ được Tắm Suối Khoáng Nóng tại Ngọc Chiến.
Suối nước nóng do thiên nhiên ban tặng, chảy quanh năm, là nơi tắm gội tập trung của đồng bào trong bản. Những phòng tắm xinh xắn, dựng bằng gỗ pơmu nhưng giá dịch vụ rất mềm, thời gian tắm không giới hạn.
Nếu khách đặt trước, sẽ được phục vụ ăn uống với những món ăn nhớ đời như: rau cải mèo, thịt gà, vịt (thịt giòn ngọt, da mỏng tang, không có chút mỡ nào), hay món cơm nếp nấu bằng loại nếp tan – dẻo thơm đặc biệt khi trồng ở Ngọc Chiến (loại nếp khi gặt hái phải ngắt từng bông chứ không cắt cả nắm như nếp thường).
Đây là yếu tố hấp dẫn khiến dân phượt cũng như khách du lịch tour thường xuyên lui tới đây.
Nằm ở độ cao trung bình trên 1.800m so với mặt nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, xã Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La) là điểm được khá nhiều bạn trẻ ưa xê dịch tìm đến trong những năm gần đây. Đây là nơi sống và định cư lâu đời của 3 dân tộc Thái, Mông và La Ha với văn hóa phong phú đa dạng, giàu lòng mến khách.
Con gái Ngọc Chiến làm lụng vất vả quanh năm mà vẫn có nước da mịn màng, đó là nhờ dòng suối khoáng nóng đã có từ ngàn đời nay chảy qua bản Lướt để “bóc” cho làn da trắng hồng của người con gái thêm mịn màng. Với người dân bản làng ở Ngọc Chiến, người ta vẫn tin truyền thuyết về suối nước nóng ở bản Lướt rằng, đó là nơi con rồng núi bay lên mây sau khi đánh thắng bộ lạc chuyên đi cướp bóc của cải của người hiền. Các cụ già ở Ngọc Chiến kể lại, suối nước nóng là do rồng phun lửa để đuổi quân cướp bản, sau đó một người trong bản dùng nước suối làm nước sinh hoạt đã khỏe mạnh và đẹp dần theo ngày tháng. Từ đó, cả bản đã cùng sinh hoạt, tắm vào buổi sớm đi nương để như tiếp sinh lực cho ngày bắt đầu lao động và chiều về lại tắm để hồi sức sau những giờ lao động vất vả.
Cánh đồng Mường Chiến rộng đến 5 – 6km2, được bao bọc bốn phía bởi những dãy núi cao ngất, chủ yếu cấy nếp Tan đặc sản. Đây là loại nếp chỉ trồng ở Ngọc Chiến mới thơm ngon, trong dẻo. Giá nếp đắt gấp 3 – 4 lần nếp thường. Việc thu hái nếp Tan cũng khác với loại lúa khác, không gặt được mà chỉ hái từng bông.
Đến Ngọc Chiến để ngắm nhìn vẻ đẹp của con gái Thái, thả mình trong làn nước nóng của suối khoáng Bản Lướt rồi thưởng thức hạt cơm nếp dẻo ngon từ bông nếp Tan sẽ để lại cho bạn những ấn tượng, mà chắc chắn rồi từ đó bạn sẽ trở lại Ngọc Chiến lần hai.
Ở Ngọc Chiến chưa có nhiều dịch vụ kinh doanh nhà nghỉ nhưng các bạn có thể dừng hỏi tại căn nhà sàn to ngay trung tâm xã (bên cạnh bể tắm công cộng người dân vẫn tắm) là nhà của bác chủ tịch xã trước đây, ở đây có thể tìm được chỗ nghỉ ngơi, ăn uống và dịch vụ tắm nước nóng.
Hướng dẫn đi vào Ngọc Chiến – Mường La
Hướng đi 1: Từ Hà Nội đi theo hướng lên Mù Cang Chải, đến chân đèo Khau Phạ phía bên kia sẽ thấy một biển chỉ đi Nậm Khắt. Đi khoảng 11km sẽ tới Nậm Khắt, rẽ trái là đường sang Ngọc Chiến – Mường La. Đường vào Nậm Khắt đã trải bê tông gần hết, hết đường bê tông sẽ là đường rẽ để đi Mường La. Tiếp tục đi cho đến khi thấy một đoạn cua như dưới đây, rẽ theo hướng mũi tên chỉ để đi sang Ngọc Chiến.
Hướng đi 2: Từ Hà Nội đi lên Sơn La rồi đi vào theo hướng Mường La, từ Mường La chạy dọc theo đường 106 cho tới khi thấy biển rẽ vào Ngọc Chiến (khoảng 25km)
6. Đặc sản Mường La
Huyện Mường La vốn nổi tiếng với những “kỳ hoa dị thảo”, nhưng đến Mường La mà chưa được thưởng thức 4 đặc sản sau thì coi như chưa biết về Mường La.
4 món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái mạn Mường La là: Thịt thối, bọ xít rừng, nòng nọc và chuột núi. 4 món ăn này không đơn thuần chỉ là sự thể hiện cho văn hoá vùng miền mà còn thể hiện đẳng cấp của gia chủ. Khách quý đến, gia chủ mới kỳ công làm 4 món ăn này để thết đãi. Tuy nhiên, với khách lạ thì đây thực sự là những món ăn kinh hoàng để đời.
6.1 Thịt thối
Nghe thôi, nhiều người cứ nghĩ chắc đây chỉ “chiêu” quảng bá văn hóa ẩm thực của người Mường La. Nhưng nếu đã mục sở thị thì thịt thối đúng là thối thật!
Người dân ở đây bảo; nó giống sầu riêng, ngửi thối chứ ăn thì tuyệt ngon. Và đúng là như vậy.
Món ăn này được chế biến bằng cách: lợn hoặc bò sau khi được xẻ thịt sẽ chọn những phần ngon nhất đem phơi nắng. Qua một vài nắng, miếng thịt tự nhiên khô lại, thịt tiếp tục được tẩm với nước của một loại rau thơm cho ngấm vào bên trong sau đó đem bỏ vào chum và rắc lên đó một ít muối.
Thịt được ủ kín, vì không được ướp với nhiều muối nên thịt sẽ phân huỷ, phần thịt ngon bị chín bởi ánh nắng sẽ không tan mà đóng cục. Khi ủ thịt được khoảng 10 ngày, người ta mở ra và cho vào đó một ít thảo dược. Nếu có khách quý, món thịt thối sẽ được lấy ra nấu chín cùng rêu suối, cơm nguội và ăn kèm với lá sung.
6.2 Bọ xít rừng
Món ăn thứ hai cũng rùng rợn mùi không kém so với thịt thối, đó là bọ xít. Nghe việc ăn bọ xít, người nào đã từng ăn thì chép miệng bảo bình thường. Tuy nhiên, đây không phải là món bọ xít thông thường mà là bọ xít rừng. Bọ xít rừng hôi hơn nhiều so với bọ xít nhà. Bọ xít rừng cũng hiếm hơn nên giá cả đắt đỏ nhưng ăn lại ngon và bổ hơn. Bọ xít rừng còn có thể chữa được nhiều loại bệnh khác nhau.
Bọ xít rừng không giống bọ xít nhà, chúng không sống trên những cây nhãn khi cây đơm hoa mà sống rải rác ở khắp nơi, thậm chí chúng “làm tổ” ngay trong những hốc đá. Vì thế, tìm được chúng đã khó, bắt được chúng còn khó hơn và giá bọ xít rừng thuộc loại cao, khoảng 400.000đ/kg.
Bọ xít rừng được chế biến rất đơn giản, ngâm qua nước gạo đã pha ớt để khử bớt mùi hôi. Sau đó đảo đều trên chảo lửa cùng lá chanh. Tuy vậy, mùi của bọ xít rừng vẫn rất hôi, nên người ta phải ăn kèm với một loại lá thơm đặc trưng của vùng Mường La là “húng đá”.
Bọ xít rừng có thể chữa bệnh dạ dày và chảy máu dạ dày, đồng thời chữa được viêm họng và thúc đẩy tiêu hoá rất công hiệu.
6.3 Nòng nọc
Món nòng nọc trông ghê gớm không kém những món khác. Trong bát canh có đủ loại rau rừng, những con ếch vừa mới sinh ra 4 chân co quắp ôm chặt cọng rau hay nhánh măng ngọt. Đây là loại ếch con hay còn gọi là ếch sữa nên thịt và mùi vị khá tanh, không thơm ngon như ếch đồng.
Hơn nữa, món “nòng nọc” không được lột da nên đối với người lạ khi chạm tới món ăn này đã là một thử thách “nổi da gà”. Tuy nhiên, theo những người dân tộc Thái bản địa thì món “nòng nọc” là sạch sẽ và nhiều dinh dưỡng nhất. Vì thế, phụ nữ Thái sau khi sinh thường được tẩm bổ bằng món “nòng nọc” này.
6.4 Chuột núi
Đây là món cuối cùng trong tứ đại đặc sản của “tứ đại món” ở Mường La, món ăn được chế biến từ thịt của chuột núi. Thịt chuột núi không được chế biến như chuột đồng mà người miền xuôi hay làm. Sau khi thui chuột trên than hồng cho da chuột vàng rộm người ta mới đem dao mổ bỏ phần ruột, chỉ giữ lại lá gan.
Sau đó, những gia vị cần thiết được chế biến rất tỉ mỉ từ rau mùi, rau răm, thảo dược, đậu xanh… được giã nhuyễn và nhồi vào phía trong con chuột giống như đầu bếp nhồi thịt vào trong quả mướp đắng.
Chuột được thui một lần nữa cho ra mỡ, sau đó mới đưa vào một nồi đất để đồ xôi, và người dân tộc Thái gọi đó là “xôi chuột”. Món xôi này cũng giống như xôi chim, tuy có phần lạ nhưng rất ngon và không đem lại cảm giác ngấy.
7. Lễ hội ở Mường La
Ngoài những lễ hội được giống như nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh, lễ hội Gội đầu hay còn gọi là lễ hội Lúng Ta là một trong những lễ hội quan trọng của người thái xã Ngọc Chiến.
Lễ hội được tổ chức mỗi năm một lần vào đúng ngày 30 tết, tức là ngày cuối cùng trong năm. Người Thái quan niệm, gội đầu là để rửa trôi, tống tiễn những cái vất vả, bênh tật, điều không may mắn của năm cũ theo dòng nước (sông, suối) trôi đi, đi mãi không lặp lại, đồng thời cũng là cầu cho năm mới tốt lành, gặp điều may mắn, làm ăn phát đạt.
Để lễ hội có thể diễn ra thì trước đó hang tuần các gia đình vo gạo nếp để lấy nước gạo. Nước gạo được đổ vào nồi cất giữ cả tuần hoặc có thể lâu hơn, sao cho càng chua càng tốt. Đây là nước gội dành cho đàn bà con gái. Còn đàn ông nước gội là bồ kết.
Khi buổi lễ bắt đầu, người đứng đầu bản hoặc là thầy mo dẫn đầu đoàn người theo hàng đi ra bờ sông. Họ cầm theo nước gội đầu và một cành lá xanh dùng cho nghi thức gội đầu.
Đến bờ sông, những người phụ nữa ở dưới lòng sông còn đàn ông thì khoác sung kíp, đoe túi thổ cẩm trong có đựng bả bối gọi là “thung xanh” (là móng vuốt hổ, vuốt gấu, châu ngọc hay đơn giản chỉ là của hồi môn như nhẫn, vòng). Lúc này, người chủ lễ thay mặt người dân hát lên lời khấn thần linh:
Năm hết tết đến, tết đến tiễn cái cũ đi, cái tốt thì ta mang về
Cầu cho năm mới làm ăn phát đạt
Cái xấu, cái cũ hãy đi xa, đừng bao giờ quay về nữa
Cái mới cho người mới thêm nhiều may mắn…
Và nghi thức gội đầu chính thức bắt đầu.
8. Gợi ý một số cung đường
Khi đến Mường La, bạn có thể kết hợp đến các địa điểm khác như: Mộc Châu, Mù Cang Chải,… Dưới đây là một vài lịch trình mà bạn có thể tham khảo để đến Ngọc Chiến – Mường La:
8.1 Lịch trình 1: Hà Nội – Ngọc Chiến – Mường La – Sơn La – Mộc Châu – Hà Nội (3 ngày)
Ngày 1 : Hà Nội – Nghĩa Lộ – Đèo Khau Phạ – Nậm Khắt – Ngọc Chiến
– 7h00 : Xuất phát từ Hà Nội đi theo hướng đường 32 lên cầu Trung Hà – Thanh Sơn – Văn Chấn – Nghĩa Lộ. 12h00 Nghỉ ăn trưa ở Tú Lệ
– Vượt qua đèo Khau Phạ ở ngay gần chân đèo có biển chỉ đi Nậm Khắt. Từ Nậm Khắt hỏi người dân đường đi Ngọc Chiến (Mường La). Tối ngủ ở Ngọc Chiến, ăn cơm nếp người Thái, tắm suối nóng.
Ngày 2 : Ngọc Chiến – Mường La – Sơn La – Mộc Châu
– 7h30 : Khởi hành từ Ngọc Chiến về Mường La, vào thăm nhà máy Thủy điện Sơn La. Từ Mường La tiếp tục di chuyển về Tp Sơn La. Thăm quan di tích Nhà tù Sơn La.
– Nghỉ ăn trưa tại Tp Sơn La
– 13h00 : Đi từ Tp Sơn La về Mộc Châu, Khám phá Đồi chè hình trái tim, Rừng thông Bản Áng …
Ngày 3 : Mộc Châu – Hà Nội
– 7h00 : Ăn sáng tại Mộc Châu.
– 8h00 : Khám phá bản Thông Cuông, Pa Phách
– 12h00 : Khởi hành về Hà Nội, trên đường về dừng ăn ở một số quán ăn nổi tiếng trên Quốc lộ 6.
8.2 Lịch trình 2: Hà Nội – Mộc Châu – Mường La – Ngọc Chiến – Nậm Khắt – Trạm Tấu – Bắc Yên – Hà Nội (3 ngày)
Ngày 1: Hà Nội – Mộc Châu – Sơn La (180km+120km)
1h45 chiều tập trung tại cổng BigC, buộc đồ và chuẩn bị những bước cuối. 2h xuất phát theo đường Hoà Lạc.
Dự kiến 7h tối có mặt tại Mộc Châu, ăn tối.
Ngày 2: Sơn La – Mường La – Ngọc Chiến -Nậm Khắt – Tú Lệ (Nghĩa Lộ).
Đây là ngày rong chơi, quãng đường đi ngắn nên thong dong ngắm cảnh chụp ảnh. Cố gắng ra Tú lệ hoặc thậm chí Nghĩa Lộ để ngày cuối nhàn hơn.
Ngày 3: Tú Lệ – Nghĩa Lộ – Trạm Tấu – Bắc Yên – Phù Yên – Thanh Sơn – Hà Nội.
Ngày này thì đi là chính, hạn chế vui chơi. Sáng đi sớm hơn 1 chút, dự kiến về Hà Nội khoảng 8-9h tối.
8.3 Lịch trình 3: Hà Nội – Chế Tạo – Mường La- Ngọc Chiến – Hà Nội (3 ngày).
Ngày 1: Hà Nội – Thanh Sơn – Thu Cúc – Nghĩa Lộ – Tú Lệ – Bản Chao (suối nước nóng) – đèo Khau Phạ – Mù Cang Chải (300km)
6h00 xuất phát từ cổng Đại học Quốc Gia.
Nghỉ đêm Mù Cang Chải
Ngày 2: Mù Cang Chải – Chế Tạo – Mường la – Ngọc Chiến (120km)
Nghỉ đêm tại bản Ngọc Chiến. Tắm suối nước nóng
Ngày 3: Ngọc Chiến – Nậm Khắt – Khau Phạ – Tú Lệ – Nghĩa Lộ – Hà Nội (280km)
BLOGPHUOT.INFO