Người Việt sốc vì du lịch Ấn Độ ‘không như mơ’

1141

– Ít khi nào đi xa về mà tôi lại cảm thấy tự hào, sung sướng như lần này, khi từ Ấn Độ về lại TP.HCM của mình.

LTS:VietNamNet giới thiệu cùng bạn đọc bài viết thú vị về du lịch Ấn Độ. Tác giả là một chuyên gia công nghệ thông tin ở TP.HCM. Bài viết là những cảm nhận thực tế của tác giả trong thời gian công tác ở Bangalore, thành phố được mệnh danh “thung lũng silicon của châu Á”.

Nhớ có lần đọc một bài viết du lịch Ấn Độ “không như mơ”, giờ mới thấy quả không sai. Trên hình, khách sạn thì đẹp lung linh, bãi biển thì thật lãng mạn… Thực tế, đó chỉ là một phần của sự thật, bởi những gì xấu xí đã bị che đi. Ấn Độ là đất nước của sự tương phản.

Sốc ngay ở cái nhìn đầu tiên

Sân bay đẹp, vừa chui ra khỏi sân bay xách hành lý đi bộ theo tài xế taxi đi lấy xe thì lại thấy nó lạ lạ có vẻ không cân xứng. Bãi xe âm u, trông bẩn bẩn thế nào ấy. Đi ra con đường nối sân bay với thành phố, thì lại thấy nó hoàng tráng, nhưng khi xe chạy thì ôi thôi. Đường chia làn rõ ràng, mà xe cộ thì lúc thấy nó vượt bên trái, khi lại thấy nó vượt bên phải.

du-lich-an-do-bao-nhieu-tien-20160226141558-06
Nhiều hình ảnh quảng cáo du lịch về Ấn Độ đã che đi một phần thực tế của toàn cảnh. (Ảnh: Limitless)

Thậm chí có xe chẳng thèm báo hiệu, vượt sát sạt như muốn đụng vào nhau. Bác tài xe mình có kiểu đi không giống ai, ngênh ngang giữa hai làn. Đường phố đâu có nhiều xe, nhưng chẳng hiểu sao ông ấy không đi hẳn vào trong một làn cho rõ ràng. Hay ông ấy thấy cái vạch chia 2 làn chạy giữa hai bánh xe ôtô nhìn nó đẹp hơn chăng!

Vào tới thành phố Bangalore, hết đường mới tới đường cũ là một sự hụt hẫng! Thôi kệ mừng quá tới rồi. Nào ngờ, vào khách sạn lại phải đưa hành lý qua máy chiếu giống như sân bay. Người đi qua cổng cũng có máy quét kim loại. Sau này thì tôi thấy máy quét người đó ở khắp nơi, từ siêu thị cho tới các điểm du lịch…

Khách sạn tôi ở rất mới, mọi thứ đều đẹp sang trọng. Nhưng lúc ngồi taxi từ sân bay về tới khách sạn, tôi cứ thấy lạ là sao con đường trước mặt khách sạn, khu vực khách sạn tọa lạc lại xấu đến thế. Đường có nhiều ổ gà, chẳng thấy vỉa hè và rất bụi bặm. Khung cảnh hai bên đường như ở một miền quê Việt Nam nào đó.

Rác, rác, đâu cũng có rác

Sáng, sau khi “nạp năng lượng” bằng bữa ăn tự chọn miễn phí của khách sạn, tôi quyết định thám hiểm khu vực xung quanh. Tới 10 giờ rồi mà trong trung tâm mua sắm bên cạnh khách sạn vẫn còn nhiều cửa hàng đóng cửa, khách thì vắng vẻ, ngó được một cái là phải chui ra. Sau tôi phát hiện ra rằng, ở Ấn Độ, người dân bắt đầu mua sắm trễ lắm, phải sau 11h sáng mới có khách.

Cái khách sạn cứ như ốc đảo giữa chốn lạc hậu, Quang cảnh đường phố với những cái xe khách cũ xì, xấu xí như của những năm 1980. Đường phố đầy rác. Vỉa hè với những tấm đan để che đường nước thải đen xì hôi thối bên dưới, cứ lâu lâu lại bị vỡ, để hở một khoảng như những cái bẫy người đi đường, dưới đó là dòng nước đen và đầy rác.

du-lich-an-do-bao-nhieu-tien-20160226141558-05
Nhiều người tới Ấn Độ lần đầu thực sự ngỡ ngàng vì những hình ảnh chứng kiến không như trong quảng cáo. (Ảnh: Limitless)

Những con bò tha thẩn đi trên đường, xe máy với những người thích thì đội mũ bảo hiểm, không thì thôi, Đa phần chỉ có người lái đội mũ bảo hiểm, thường là loại che cả hàm, còn người ngồi sau thì không. Đường phố có mùi phân, mùi cống rãnh.

Tôi len lỏi đi bên đường, thử tới công ty cách đó hơn 2 cây số. Rác giấy và ni-lon hiện diện ở khắp nơi, chỗ thì chất đống, chỗ thì như đã vứt lâu ngày. Tôi tự hỏi, sao bên này không có người lượm ve chai nhỉ? Nếu ở Việt Nam thì mấy thứ đó chắc đã được thu gom đem đi tái chế rồi. Trong khi đó, hai bên đường đi có những khu, như khu phần mềm, khu chế xuất… với đường sá, nhà cửa văn phòng bên trong rất đẹp và sạch.

Những khu vực sạch đẹp như vậy luôn có cổng và bảo vệ. Bảo vệ rất đông. Họ chặn ngay ở cổng để hỏi giấy tờ của người muốn vào. Họ dựng các bốt kiểm soát rải rác bên trong. Những khu như vậy có lẽ chính là lý do tạo nên kỳ tích của thành phố Bangalore về lĩnh vực công nghệ thông tin, kỹ thuật. Ở đó có văn phòng của tất cả các hãng công nghệ lớn trên thế giới như Nokia, Philips, Nvidia …

Tuy nhiên, những khu vực đó giống như một thế giới khác, như đang ở một nước phát triển cao. Mọi thứ đều đẹp, hoa khắp nơi, ven đường, đường sá sạch sẽ, được chăm sóc chu đáo. Nhiều tòa nhà vẫn đang mọc lên, đang được xây dựng…

du-lich-an-do-bao-nhieu-tien-ntp-tin-giua-bai-9

Đến buổi chiều, tôi cùng vài người bạn thuê xe tuk tuk đi tham quan khu trung tâm, các khu du lịch nổi tiếng… Chúng tôi một lần nữa bị sốc khi phát hiện ra rằng, không chỉ có con đường trước mặt khách sạn là thế, mà đa phần ở đây nó như vậy. Chất lượng đường sá xuống cấp, nhưng không được duy tu sửa chữa.

Thêm một điều nữa, tôi cảm nhận mọi người ở đây sống chung với rác. Công viên có rác, hồ có rác, vỉa hè có rác, góc phố có rác… Con bò đang tha thẩn ăn rác. Có lẽ bò sống trong thành phố không có cỏ để ăn, nên họ để dành rác cho chúng ăn chăng? Tôi không thấy con bò nào ốm đói cả, trông chúng rất bình thường.

Giấc mơ mang tên “Quý ngài Sạch”

Ít khi nào đi xa về mà tôi lại cảm thấy tự hào, sung sướng như lần này, khi từ Ấn Độ về lại TP.HCM của mình.

du-lich-an-do-bao-nhieu-tien-20160226141558-03
Hình ảnh quảng cáo và thực tế bên ngoài khác nhau rất xa. (Ảnh: Limitless)

Những lần trước, ngoài sự hạnh phúc vì gặp lại người thân, gia đình, thì vẫn có cảm giác gì đó bực bội khó chịu bởi không khí oi bức, đường phố ngột ngạt, bụi bặm, xe cộ chen chúc, nhà cửa thì lộn xộn xấu xí… Thế nhưng, có đi Ấn Độ mới nhận ra cái mình đang có, nơi mình đang sống, giá trị và đáng quý như thế nào.

Nhiều người nói rằng, “ai đã từng đến Ấn Độ chắc hẳn sẽ không khỏi khó chịu khi nhìn thấy nhiều thành phố hiện nay, trong đó bao gồm cả những đô thị phát triển nhất, đều đang trong tình trạng tràn ngập rác thải. Hầu hết các sông, hồ đều bị ô nhiễm”.

Cái gì mình thấy TP.HCM tệ, thì ở Ấn Độ còn tệ hơn. Tắc đường, bụi bặm, đường sá, môi trường ô nhiễm, phương tiện giao thông xấu xí, tệ nạn chặt chém du khách, tệ quan liêu… Và tệ hơn tất cả, là ý thức vệ sinh của họ.

Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ – Jairam Ramesh từng thẳng thắn thừa nhận các thành phố ở nước ông bẩn nhất thế giới và “nếu có một giải Nobel cho bụi bẩn và rác rưởi, thì không nghi ngờ gì nữa, Ấn Độ sẽ giành chiến thắng”.

Bẩn vậy, nhưng khi hỏi các bạn Ấn Độ thì họ lại bảo là đang chờ và hy vọng Thủ tướng đương nhiệm Narendra Modi giải quyết.

Ông Modi được người dân Ấn đặt biệt danh là “Mr. Clean” (Quý ngài Sạch), bởi ông đang hô hào mọi người nâng cao ý thức vệ sinh. Khi tranh cử, ông từng cam kết sẽ biến Ấn Độ thành “đất nước xanh, sạch, đẹp” trong vòng 5 năm (tức là đến năm 2019)!

Thủ tướng Modi nhắc tới “Mahatma Gandhi từng mong ước về một đất nước Ấn Độ không chỉ tự do, mà còn sạch đẹp và phát triển. Mọi người dân Ấn Độ hãy biến mong ước này thành hiện thực vào dịp kỉ niệm 150 năm ngày sinh của Người vào năm 2019″.

Để phát động chiến dịch, tuần nào ông Modi cũng mời 9 nhân vật nổi tiếng như vận động viên thể thao và diễn viên đi quét rác đường phố, nơi công cộng… Lấy ý tưởng từ “Thử thách dội xô nước đá”, ông Modi yêu cầu những người nổi tiếng này đề cử 9 người khác tham gia chiến dịch dọn sạch Ấn Độ, với hy vọng chiến dịch nhờ đó mà lan rộng.

Năm 2015, công ty truyền thông Limitless có trụ sở tại Singapore đã tung ra bộ ảnh “Broken India”, tố cáo sự thật đằng sau những bức ảnh đẹp đẽ về du lịch Ấn Độ. Những bức ảnh này cho thấy, nhiều trang web du lịch của Ấn Độ đã cung cấp những hình ảnh sai lệch và không hoàn chỉnh về vẻ đẹp du lịch cũng như hạnh phúc của người dân. Mời xem thêm những hình ảnh khác trong bộ sưu tập này ở đây.

Đinh Đức

VIETNAMNET