Những món ăn không thể bỏ qua khi đến Kon Tum – Tin tức

1137

Gỏi lá: món ăn lạ, tốt cho sức khỏe

Đứng đầu trong danh sách đặc sản Kon Tum phải kể đến gỏi lá, bởi đây là món ăn hội đủ tiêu chí: đẹp-lạ-tốt. Đẹp vì đứng trước mâm gỏi lá, được sắp xếp gọn ghẽ, ngăn nắp theo trật tự, màu xanh của lá, màu vàng của tôm, màu trắng của thịt luộc, điểm thêm chút màu cam của nước chấm,… màu sắc hài hòa và hương vị quyện lẫn nhau rất đẹp mắt, ngon miệng. Lạ bởi vì Kon Tum là nơi sinh món gỏi lá một cách tình cờ và đây cũng là địa chỉ duy nhất đang có món gỏi này. Tốt bởi vì gỏi lá tập hợp khoảng 50 loại lá khác nhau, tất cả đều có công dụng riêng, gỏi lá không chỉ trợ giúp cho tiêu hóa mà còn có tác dụng đẹp da, chữa đau dạ dày.

6.6.3
Mâm gỏi lá gồm 40-50 loại lá cây

Khi mùa mưa sang, cây cối xanh tốt là dịp để thưởng thức gỏi lá ngon lành nhất, trọn vẹn nhất, bởi lúc này trên mâm gỏi có thể kiếm được 40-50 loại lá. Bạn có thể dễ dàng nhận ra những loại lá quen thuộc như: lá mơ lông, đinh lăng, lá sung, lá cải, tía tô, lá bứa, hồng ngọc, lá chua, lá ổi, lá chùm ruột,… các loại rau gia vị như hành, rau húng, rau thơm, rau é tím… Nguyên liệu tiếp theo là cá, thường chọn cá lóc hoặc cá trắm, chọn con vừa phải, tầm 1,5kg còn tươi nguyên, đem về làm sạch, lóc thịt nạc để riêng,vắt chanh, giềng lên, ướp khoảng 05 giờ cho thịt cá chín. Ngoài các loại lá và cá ra còn phải chuẩn bị tôm thẻ, thịt heo, nước chấm, tiêu, ớt, muối,… Bàn gỏi lá được dọn lên như sau: xung quanh là các loại lá, thứ tự ăn trước được xếp theo chiều kim đồng hồ, ở giữa là dĩa thịt nạc, đĩa tôm kho, bát nước chấm. Khi ăn, bạn lấy từng loại lá xếp lại với nhau, gắp 1 miếng cá, 1 miếng thịt luộc, 1 miếng tôm kho, thêm 1 hột muối, 1 hột tiêu. Tất cả cuộn tròn lại, chấm đẫm vào bát nước chấm béo ngậy, phải ăn trọn miếng mới cảm nhận hết hương vị chua chua, cay cay, xen lẫn bùi bùi, đăng đắng của lá và vị béo thơm của thịt, cá, tôm. Bí quyết gỏi lá ngon phải dựa vào công thức pha nước chấm. Dùng tôm thẻ loại ngon, thịt nạc băm nhỏ, nêm gia vị vừa ăn, trộn đều với mẻ chua (một loại gia vị truyền thống của người Bắc được làm từ cơm nguội lên men), nấu đến khi hỗn hợp rút bớt nước, thành dạng sền sệt, nêm thấy đủ vị chua, béo, cay, ngọt là được. Bên mâm gỏi phải được bày thêm ít ớt hiểm, trái nhỏ cay xé lưỡi và vài hạt tiêu rừng, thơm nồng. Ăn một miếng gỏi, uống miếng rượu rễ cây đinh lăng, cay xè, thơm nồng, thật không có món ngon vật lạ nào cho bằng được.

6.6.4
Cuộn các loại lá lại với nhau, gắp 1 miếng cá, 1 miếng thịt luộc, 1 miếng tôm kho, thêm 1 hột muối, 1 hột tiêu, chấm vào bát nước chấm béo ngậy.

Gỏi lá có thể coi là món ăn kết tình thân hữu, bởi khi ăn gỏi lá phải khoảng 4 người trở lên mới bõ công chuẩn bị, và mới có không khí để thưởng thức trọn vẹn vị ngon. Người ta không ăn gỏi lá để no, để say mà ăn như việc thưởng thức hương hoa của núi rừng, như trải nghiệm nếm đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt, đắng, chát. Ngọt ngon bánh canh phố núi Nếu bạn đến phố núi Kon Tum trong một chiều thu, giữa cái lạnh se se, xì xụp bên tô bánh canh nóng hổi, thưởng thức, vị ngọt của nước dùng, vị mềm của bột hòa quyện vào tạo nên vị ngọt thanh thanh cho tô bánh canh. Đầu tiên phải kể đến là bánh canh đuôi heo, nhìn thật hấp dẫn: nước dùng trong vắt, ngọt lịm, nổi lên những khoanh đuôi heo tròn trĩnh, vài lát chả lụa, cọng bánh canh trắng ngần, thấp thoáng vài sợi hành xanh tươi,…Đuôi heo không chọn loại đuôi to, xương cứng, thịt dai, bánh canh sẽ mất ngon, mà chọn loại đuôi heo vừa phải, mềm mềm. Các nguyên liệu như chả lụa, bột bánh đều phải tươi mới, và sắp xếp kĩ càng thì mới có được tô bánh canh đuôi ngon lành, hấp dẫn. Tiệm bánh canh đuôi heo chỉ nhỏ nhỏ, nằm sát lề đường, ngay ngã tư giữa đường Phan Chu Trinh và Phan Đình Phùng. Quán mở khá sớm, khoảng 3g chiều nhưng lượng khách đông nườm nượp, hầu như ít khi có bàn trống, nên đến 5,6 giờ chiều đã hết veo nên bạn muốn thưởng thức phải nhanh chân.

6.6.5
Bánh canh đuôi heo

Bánh canh Xôi Đêm thì dân dã như chính tên gọi thế nhưng nhiều thế hệ học trò phố núi Kon Tum lớn lên, trong kí ức vẫn còn vẹn nguyên hình ảnh tô bánh canh nhỏ nhỏ, đậm đà, ấm bụng những tối đi học thêm về muộn. Ở đây, tất cả nguyên liệu được để chung vào một cái nồi rất to, bên dưới bếp than hừng hực nóng. Bạn chỉ cần gọi một tiếng, bà chủ quán đã nhanh nhẹn múc tô bánh canh đầy đủ nguyên liệu, gia giảm thêm chút hành, 5 giây sau, một bánh canh nóng hổi, nghi ngút khói, có đủ vị mềm ngọt của xương hầm nhừ, vị béo ngậy của riêu, ngòn ngọt của chả lát, thêm chút tiêu để hít hà.

6.6.6
Bánh canh xôi đêm

Ngoài ra, bạn nên thử thêm bánh canh cá lóc, bánh canh giò heo, bánh canh tôm,… Nguyên liệu có khác nhau đôi chút nhưng vẫn phải đảm bảo được vị ngọt thanh thanh, vị ngon lành nóng hổi của tô bánh canh Kon Tum Mỗi loại bánh canh lại có vị hương vị đặc trưng nhưng đều có hương thơm lừng, ngọt lịm, thưởng thức một lần mà nhớ mãi.. Dẫu chỉ là món ăn vặt bình dân nhưng bánh canh đã tạo nên nét ẩm thực độc đáo, vừa lòng du khách mỗi khi lên phố núi Kon Tum. Phở khô lạ miệng Món phở khô vốn xuất phát từ Gia Lai – tỉnh hàng xóm với Kon Tum, nhưng đã được “biến tấu” một chút, song vẫn giữ được hương vị thơm ngon, độc đáo của món phở này. Hương vị của phở khô khá đặc biệt, bởi nó có vị thơm của hành khô, thịt bằm, vị ngọt của nước dùng từ xương heo, thịt bò trụng vừa tái,…Phở khô vừa đậm đà vừa thanh ngọt, ăn một lần rất dễ “nghiền”. Phở khô gồm 2 tô, một tô là bánh phở đã được trụng nước sôi, có rắc thịt bằm và hành phi rất thơm, còn một tô là bát nước dùng có thịt bò trụng chín tái. Phở khô khác hẳn so với phở Bắc vốn rất quen thuộc với nhiều người, sợi phở cũng làm từ bột gạo nhưng không mềm và dẹp như bánh phở thông thường, mà lại tròn, mảnh và khá dai, khi được trộn lên sợi phở rất dễ thấm gia vị mà không bị nát. Bánh phở trụng phải vừa ăn, dai, không nát, không vón cục để thực khách dễ dàng pha chế với các loại gia vị ăn kèm. Sau khi trụng phở qua nước sôi cho mềm, xếp vô bát, bên trên có thịt heo bằm nhỏ, mấy miếng tóp mỡ giòn rụm, rắc một ít hành khô thơm phức, vài cọng hành tươi xanh ngắt. Nước dùng phải chuẩn bị rất cẩn thận, nước nấu từ xương ống heo, trong quá trình ninh phải canh hớt bọt liên tục để nước trong vắt, ngọt lịm. Thịt bò thái mỏng, trần thật nhanh qua nước sôi rồi cho vào bát nước dùng. Miếng thịt bò mỏng, mềm mượt, sắc màu tươi rói, khi ăn bạn sẽ cảm nhận vị ngọt thịt trên ngay đầu lưỡi. Tô phở ngon là bánh phở được trụng vừa phải, mềm mà dai, gợi lên mùi thơm, còn nước dùng phải trong veo và có vị thanh ngọt rất ngon miệng. Ăn phở khô không thể thiếu tương đen, vị mặn nhưng vẫn có vị hơi ngòn ngọt của đậu được lên men, đặc biệt mùi thơm rất dễ chịu. Khi ăn, cho tương đen, nước tương, ớt sa tế, một lát chanh, ớt trái để thêm vị cay và trộn đều. Các loại rau ăn kèm là xà lách, húng quế, ngò gai, thêm dĩa giá tươi cũng được trụng sơ qua nước sôi tạo nên cái vị đậm đà mà quyến rũ của món phở khô đặc biệt này. Bước chân lên phố núi Kon Tum, say sưa với phong cảnh hùng vĩ bạn đừng quên thưởng thức những món ăn đặc sản trên, giản dị nhưng ấn tượng và ngon lành./.

Số lượt người xem: 7183 Bản inQuay lại

KONTUM.GOV.VN