Phượt thủ Việt đi du lịch bụi Nga như thế nào? (phần 2)

1216

Nhưng chắc chắn chúng ta sẽ được thỏa thích tham quan những nơi mình yêu thích, điều này được xem là lý do chính cho những người thích đi du lịch tự túc hơn mua tour có sẵn.

Phượt thủ Việt đi du lịch bụi Nga như thế nào? (Phần 2)

Đổi tiền

Nga chỉ sử dụng tiền rúp. Bạn chỉ nên đổi một ít ở sân bay, vì tỷ giá khá thấp. Việc đổi ngoại tệ ở Nga rất dễ dàng. Bạn có thể thấy hầu hết các ngân hàng trưng bày tỷ giá ở khắp nơi, và hãy so sánh khi đổi. Cũng có một số điểm đổi ngoại tệ tư nhân ở trung tâm thành phố hay gần điểm tham quan tỷ giá còn tốt hơn cho khách du lịch bụi.

Chi phí ăn uống chấp nhận được

Bạn sẽ tốn khoảng khoảng 250-300 rúp cho một bữa ăn ở KFC hoặc McDonald’s. Còn nếu bạn muốn trở thành một người Nga thật sự thì thêm ly by tươi khoảng 80-120 rúp. Tôi thường nấu ăn trong khách sạn nên chi phí sẽ tiết kiệm gần phân nửa so với việc ăn ở ngoài. Đồng rúp xuống giá so với đồng USD cũng là một lợi thế cho khách du lịch khi đến du lịch bụi Nga vào thời điểm này.

Chi phí tham quan phù hợp

Các điểm tham quan hầu như đều bán vé, có nhiều loại giá cho các đối tượng khác nhau như khách người lớn, khách là sinh viên hay những người về hưu, khách là trẻ em.

Trong một điểm tham quan cũng có rất nhiều dịch vụ thêm, bạn phải mua vé nếu muốn sử dụng. Ví dụ, ở nhà thờ Thánh Issac ở Saint Petersburg, nếu bạn muốn lên tháp chuông để ngắm toàn cảnh thành phố từ trên cao thì phải mua thêm vé này. Vé dành cho sinh viên thường rẻ hơn 50% so với vé người lớn.

Một số nơi còn miễn phí cho sinh viên như cung điện Mùa Đông Hemintage. Đây cũng là lý do vì sao tôi đến Hemintage 2 lần để có thể thỏa sức ngắm nhìn sự đồ sộ của các hiện vật ở đây.

kinh-nghiem-du-lich-nga-phuot-thu-viet-di-du-lich-bui-o-nga-nhu-the-nao-phan-2-ivivu-1

Nếu là sinh viên, bạn sẽ được ưu đãi đến 50% giá vé vào cổng ở hầu hết các điểm tham quan là bảo tàng, cung điện hay nhà thờ.

Một lưu ý nhỏ là bạn có thể tốn một ít tiền chi phí cho việc chụp ảnh bên trong một số nhà thờ hay bảo tàng, thường là 100 rúp.

Hệ thống gửi hành lý ở các điểm tham quan và ga tàu lửa rất tiện lợi

Khi đi du lịch một mình, điều bạn quan tâm nhất là hành lý sẽ được gửi ở đâu. Hầu hết các điểm tham quan như bảo tàng, cung điện đều có dịch vụ giữ hành lý miễn phí cho du khách. Vì vậy, bạn an tâm và thoải mái khi không cần phải khệ nệ mang theo suốt quá trình tham quan. Ở các ga tàu lửa, sân bay cũng đều có dịch vụ này và giá cả chấp nhận được. Ví dụ, một lần gửi hành lý ở ga tàu lửa là 170 rúp/kiện/ngày.

Mua đồ lưu niệm

Đây cũng là điều thú vị của khách du lịch khi mang về nhà những sản phẩm lưu niệm đặc trưng. Ở Nga, hệ thống các nơi bán hàng lưu niệm cho khách du lịch khá nhiều. Bạn có thể mua bên ngoài các điểm tham quan, trong bảo tàng, nhà thờ, cung điện, ga metro, ga tàu hỏa… chi phí tương đối rẻ như nhau. Nếu bạn mua ở các cửa hàng lưu niệm ở sân bay, phố trung tâm hay trung tâm mua sắm thì giá sẽ cao đôi chút. Theo kinh nghiệm bản thân tôi, bạn nên mua ở bên ngoài của cung điện Mùa Thu, nơi có giá hàng hóa lưu niệm rẻ nhất và có thể thương lượng chút ít so với các nơi khác trong chương trình tôi đi qua.

kinh-nghiem-du-lich-nga-phuot-thu-viet-di-du-lich-bui-o-nga-nhu-the-nao-phan-2-ivivu-2

Khách du lịch bụi đến Nga có thể chọn lựa những món hàng đặc trưng có nhiều kích cỡ khác nhau để dễ dàng vận chuyển.

Sim điện thoại

Ở hệ thống sân bay, ga tàu hỏa, ga metro hoặc các trung tâm mua sắm đều có bán sim card. Tôi mua loại super sim với giá 500 rúp (khoảng 170.000 đồng) với thời lượng gọi nội hạt và 3G là không giới hạn cho những ngày ở Nga.

Nhiều hãng hàng không từ Việt Nam đến Moscow

Một số hãng có đường bay trực tiếp như Vietnam Airlines, Aeroflot hoặc có một số hãng bạn phải transit từ 1 đến 2 điểm, như Qatar Airways, S7 Airlines, Etihad Airways… Nếu có đủ thời gian để có một chuyến đi tiết kiệm như tôi, bạn phải tốn chút ít thời gian săn vé rẻ. Tùy theo từng thời điểm mà các hãng hàng không có các chương trình khuyến mãi khác nhau. Tôi sử dụng hãng Turkish Airlines với chất lượng rất tốt và đặt trước gần 3 tháng qua mạng.

Thời tiết dễ chịu hơn bạn tưởng

Nhiều khách ở xứ nhiệt đới như Việt Nam thường rất ngao ngán qua Nga vì thời tiết. Moscow vào mùa đông và mùa xuân nhiệt độ có thể xuống âm vài chục độ C là chuyện bình thường, và một số điểm tham quan không hoạt động.

Thời gian hè hoặc chớm thu sẽ thích hợp hơn đối với khách du lịch Việt Nam. Tôi đi giữa cuối tháng 8, trời trong xanh và một số nơi ở phía Bắc, lá bắt đầu chuyển vàng tuyệt đẹp. Nhiệt độ dao động khoảng từ 15-25 độ C, một số nơi ban đêm có thể xuống đến 10 độ nhưng vẫn thích hợp cho dân du lịch bụi khi không phải mang vác đồ lạnh cồng kềnh.

Bạn sẽ được sự giúp đỡ rất nhiệt tình từ các cụ già người Nga

Bạn sẽ ít gặp nhưng ánh mắt tò mò của người địa phương với khách du lịch nước ngoài như các quốc gia Trung Á và Trung Đông khác. Điều này đối với tôi là một sự dễ chịu. Và sẽ không ít lần những người Nga đoán trúng tôi là người Việt.

Đời sống của Nga ngày càng phát triển. Giới trẻ Nga tất bật với công việc nên đôi khi bạn sẽ thấy họ thờ ơ hoặc không nhiệt tình giúp đỡ du khách. Tuy nhiên, những bà cụ, ông cụ người Nga vẫn rất tốt bụng, nhiệt tình và hồn hậu. Họ sẽ tận tình giúp đỡ bằng được khi ngôn ngữ giữa họ và bạn thật sự là một rào cản lớn. Bạn sẽ không phải lo lắng khi cần sự giúp đỡ, vì những người như thế vẫn hiện diện trong một xã hội phát triển như nước Nga ngày nay.

kinh-nghiem-du-lich-nga-phuot-thu-viet-di-du-lich-bui-o-nga-nhu-the-nao-phan-2-ivivu-3

Khách Việt Nam sẽ nhận được sự giúp đỡ từ những cụ già Nga vui vẻ, tốt bụng.

Nga có an toàn không cho khách du lịch bụi Việt Nam?

Câu trả lời là có. Ngay cả ở những quốc gia giàu có phương Tây, tình trạng an ninh trật tự cũng là vấn đề ở mọi nơi chứ không riêng gì Nga, nếu bạn không tự trang bị những kỹ năng bảo vệ cần thiết.

Ở Nga, hiện nay sự phân hóa giàu nghèo khá rõ rệt, vì thế xã hội sẽ phát sinh những hệ lụy nhất định như tình trạng nhập cư trái phép, ăn xin, bạo lực…

Người Nga cũng thường sử dụng rượu bia kể cả trong những bữa ăn hàng ngày. Bạn sẽ không ít lần khi ngửi mùi bia rượu trong thang máy hay trong toa xe điện ngầm. Hay bạn sẽ thấy rất nhiều người say khướt vào những buổi sáng và không ít lần họ ẩu đả với nhau trên phố. Là khách du lịch nước ngoài, bạn nên tránh xa họ không chỉ ở Nga mà ở các nước Bắc Âu khác – nơi được xem là ít tội phạm nhất trên thế giới.

Bạn không nên đi một mình những chỗ vắng vẻ, không tự ý bắt chuyện với người lạ… là những kỹ năng sống cần thiết khi đi du lịch một mình. Trước khi đi, tôi cũng thường đọc những thông tin về nạn phân biệt chủng tộc của những băng “đầu trọc” ở Nga, hay sự kỳ thị của người Nga về vấn đề giới tính. Nhưng những điều này không xảy ra trong chuyến đi của tôi, chỉ có sự giúp đỡ nhiệt tình của những người Nga lớn tuổi và họ đoán được tôi đến từ Việt Nam.

Bạn sẽ tốn bao nhiêu chi phí cho chuyến du lịch như tôi?

Bạn thử tính cùng tôi chi phí mà tôi đã trải nghiệm qua 16 ngày ở Nga.

Vé máy bay khứ hồi chặng TP HCM – Moscow: 600 USD (giá khuyến mãi, phải canh mới có, nếu không sẽ dao động từ 700-1000 USD/vé).

Lưu trú: 60 USD cho 8 đêm.

Vé tàu hỏa hạng 3 và 4 cho cả lộ trình: 190 USD.

Ăn uống: 176 USD.

Tham quan: 75 USD (do tôi sử dụng thẻ sinh viên).

Hàng lưu niệm: 42 USD.

Visa Nga: 200 USD (tôi làm qua dịch vụ).

Phí giặt ủi: 7 USD.

Vé metro, buýt, xe điện: 14 USD.

Các chi phí khác như vệ sinh, gửi hành lý ở ga tàu hỏa: 9 USD.

Tổng chi phí là 1.373 USD (khoảng 31 triệu đồng). Hiện nay, một tour du lịch 10 ngày tới Nga thường ở mức 2.000-2.500 USD, tất nhiên khách sẽ hưởng một số dịch vụ tốt như khách sạn từ 3-4 sao, tàu lửa hạng 2 hoặc sử dụng vé máy bay nội địa.

Nhưng nếu đi tự túc chúng ta sẽ được thỏa thích tham quan những nơi mình yêu thích. Điều này được xem là lý do chính cho những người thích đi du lịch tự túc hơn mua tour từ các công ty lữ hành. Nếu bạn là người thích xê dịch, nước Nga giờ đây có thể trở thành một điểm đến tuyệt vời cho chuyến du lịch bụi của bạn.

***

IVIVU.COM