Thăm biển Quy Nhơn, viếng mộ Hàn Mạc Tử

1107

(Dân Việt) Ghềnh Ráng là một danh thắng nổi tiếng mà bất kì du khách nào khi đến thăm Bình Định đều muốn tìm tới thưởng ngoạn vẻ đẹp kỳ thú của biển và thăm viếng nơi đã ghi dấu quãng đời thi nghiệp của chàng thi sĩ tài danh Hàn Mạc Tử.

Bãi biển Ghềnh Ráng, một quần thể sơn thủy hữu tình

Con đường Hàn Mạc Tử chạy dọc theo bờ biển gần 3 cây số về phía Nam thành phố Quy Nhơn, du khách chỉ mất chừng hơn mươi lăm phút chạy xe là đã có mặt tại Ghềnh Ráng.

Bãi đá trứng khổng lồ nằm dưới chân đồi Ghềnh Ráng là ấn tượng đầu tiên khi du khách đặt chân đến nơi đây. Hàng nghìn phiến đá hình tròn, mặt nhẵn như quả trứng óng lên màu xanh huyền bí nổi bật giữa nền nước biển xanh trong và những con sóng ngày đêm vờn quanh đá.

Ở nơi đây, gần như các phiến đá đều nằm nghiêng nghiêng theo thế chếch hướng ra biển, hoặc xếp thẳng đứng với hình thù nhấp nhô, cao thấp khác nhau tựa như những quả trứng.

1445592867-ghenh-rang-han-mac-tu1

Cảnh vật sơn thủy hữu tình tại bãi đá trứng để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách khi đến với Ghềnh Ráng.

Đặc biệt, ở đây có hai khối đá lớn chồng xếp lên nhau trông rất chênh vênh được gọi là Hòn Chồng. Phía trước bãi đá trứng và Hòn Chồng là những bức tường đá vững chắc che chắn sóng, tạo nên vùng nước dịu êm, phẳng lặng. Xưa, nơi đây được Nam Phương Hoàng hậu chọn làm bãi tắm khi về nghỉ mát, nên còn gọi là bãi tắm Hoàng hậu. Phía trên bãi tắm là những ngôi nhà nghỉ dưỡng xinh xắn nổi bật giữa cỏ cây, hoa lá.

Khi ánh chiều dần buông, từng đợt sóng biển dội vào vách đá, vỗ nhè nhẹ đưa lòng lữ khách về một truyền thuyết xa xôi.

Truyện kể rằng, ngày xưa ở Bồng Sơn có người con gái đẹp, nết na, thùy mị nổi tiếng. Nàng và một chàng trai trong làng đã thầm yêu nhau. Nhưng rồi sắc đẹp của nàng đã khiến tên quan huyện theo dõi và tìm mọi cách chiếm đoạt, nàng liền chạy trốn vào Quy Nhơn. Bị viên quan huyện đuổi theo, tới Ghềnh Ráng thì trời nổi dông bão, sấm chớp đùng đùng, núi nứt một khe lớn và nàng biến mất. Người con trai vì nhớ thương người yêu, leo hết tảng đá này đến tảng đá khác cất tiếng gọi nhưng chỉ thấp thoáng bóng người yêu ẩn hiện. Từ đó, nơi đây còn được người dân gọi là Ghềnh Ráng Tiên.

Trải qua hàng trăm năm, những cơn sóng biển vẫn miệt mài tung bọt trắng bên ghềnh đá hoang sơ nhưng vẫn không làm mòn được màu xanh biếc của những phiến đá trứng và không làm quên đi câu chuyện tình yêu huyền diệu kia.

Tình thơ Hàn Mặc Tử

Nơi lưu giữ tình thơ Hàn Mạc Tử chính là đồi Thi Nhân. Vượt qua đỉnh dốc Mộng Cầm chừng vài trăm mét ta dễ dàng bắt gặp đồi Thi Nhân.

Từ lâu, đồi Thi Nhân đã trở thành điểm đến của nhiều lữ khách yêu thơ Hàn Mạc Tử. Đập vào mắt du khách là cả một vườn thơ, khắc ghi lại những câu thơ nổi tiếng của Hàn Mạc Tử.

Cổng vào vườn thơ là phiến bê tông giả gỗ đề câu: “Trăm năm vẫn một lòng yêu/Và còn yêu mãi, rất nhiều em ơi!”. Trong vườn thơ ấy, còn rất nhiều câu thơ nổi tiếng của chàng thi sĩ tài hoa được viết kiểu thư pháp. Vào những đêm trăng, khách yêu thơ thường đến đây thưởng nguyệt, ngâm thơ Hàn.

Qua đồi Thi Nhân, leo hơn trăm bậc thang đá du khách sẽ đến nơi an nghỉ của nhà thơ Hàn Mạc Tử, với khuôn viên rừng dương thoáng đãng, gió biển xào xạc thanh tịnh bên tai. Từ đây du khách có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những vườn hoa, những mảng cỏ xanh mượt, những hàng cau nghiêng mình trong nắng sáng mới lên. Không khí mát mẻ, yên dịu khiến lòng du khách thêm thanh thản, cứ ngỡ mình lạc vào một thế giới khác, lãng quên những náo nhiệt, ồn ào của phố thị.

Đã đặt chân đến mộ Hàn Mạc Tử xin đừng quên ghé thăm căn lều nhỏ – hàng lưu niệm của bút lửa Dzũ Kha – nghệ nhân nổi tiếng dùng bút lửa viết thơ Hàn Mạc Tử. Trong căn lều nhỏ, tủ hàng treo đầy những bức tranh, câu thơ tài hoa khắc trên gỗ làm quà kỷ niệm…

Và càng không thể quên ghé nhà thờ ghềnh đá. Từ cổng vào nhà thờ có hàng cau, dây trầu, có những cụm đá ong làm nên một không gian Việt thơ mông. Nhà thờ mặt hướng ra biển, do nằm trên triền dốc nên mặt bằng rất hạn chế, lối đi vào nhà thờ khá quanh co, tuy nhiên chính không gian xanh và cách trang trí có chủ đề làm cho khách cảm thấy gần gũi.

Có thể nói Ghềnh Ráng là một điểm đến lý tưởng để con người được hòa mình vào thiên nhiên với sóng nước, mây trời, khám phá vẻ đẹp bí ẩn của biển, của đá và tận hưởng cảm giác thanh bình nơi chỉ có tiếng chim lao xao cùng tiếng gió rì rào vọng lời thi ca của chàng thi sĩ tài hoa bạc mệnh Hàn Mạc Tử…

1445592867-ghenh-rang-han-mac-tu2

Con đường dẫn vào khu du lịch ghềnh ráng rợp bóng cây che mát.
1445592867-ghenh-rang-han-mac-tu3
Những phiến đá hình tròn, mặt nhẵn như quả trứng, óng lên màu xanh giữa những con sóng vỗ bờ trắng xóa.
1445592867-ghenh-rang-han-mac-tu4
Trên bãi đã trứng, du khách có thể thanh thản nghe tiếng sóng vỗ bờ hay thả hồn ngắm về thành phố biển Quy Nhơn.
1445592867-han-mac-tu5
Du khách tranh thủ ghi những góc hình đẹp tại bãi đá.
1445592867-ghenh-rang-han-mac-tu6
Thăm biển Quy Nhơn, viếng mộ Hàn Mạc Tử hình ảnh 6
1445592867-ghenh-rang-han-mac-tu7
Vượt qua đỉnh dốc Mộng Cầm chừng vài trăm mét du khách dễ dàng bắt gặp Đồi Thi Nhân – nơi lưu giữ tình thơ Hàn Mạc Tử.
1445592867-ghenh-rang-han-mac-tu8
Qua trăm bậc thang đá, du khách sẽ đến nơi an nghỉ của nhà thơ Hàn Mạc Tử.
1445592867-ghenh-rang-han-mac-tu9
Mộ Hàn Mạc Tử nằm dựa lưng vào núi, nhìn bao quát cả dải bờ biển Quy Nhơn.
1445592867-ghenh-rang-han-mac-tu10
Thăm biển Quy Nhơn, viếng mộ Hàn Mạc Tử hình ảnh 10
1445592867-ghenh-rang-han-mac-tu11
Lều thơ Dzũ Kha – nghệ nhân nổi tiếng dùng bút lửa viết thơ Hàn Mạc.
1445592867-ghenh-rang-han-mac-tu12
Nhà thờ đá, một không gian Việt thơ mộng không thể bỏ qua khi đến Ghềnh Ráng.

BÁO DÂN VIỆT