Thăm chùa Ông Núi ở núi Bà – Báo Gia Lai điện tử – Tin nhanh – Chính xác

1721

(GLO)- Một ngày cuối tháng bảy, tôi và cậu em phía vợ tên là Khổng Phương, con cháu thuộc một chi phái chính của dòng họ Khổng lưu lạc vào đất Bình Định từ thời nào không rõ, lang thang về xã Cát Tiến, huyện Phù Cát để tìm đến ngôi mộ Tổ đang được xây dựng trên một chóp núi cao thuộc quần sơn núi Bà, người địa phương hay gọi là mộ ông Giản.

images977834_8ongnui1
Chùa Ông Núi. Ảnh: Bùi Quang Vinh

Tuy đã cuối hè nhưng nắng chưa hề dịu đi nhưng nhờ nằm sát biển nên con đường lên núi không bị nung nóng mà thi thoảng có chút gió lành nên tôi không có cảm giác bức bối lắm. Chúng tôi men theo con đường mòn của người chăn bò trên núi, leo khoảng 30 phút trên một độ cao ước chừng 300 mét so với mực nước biển thì đến ngôi mộ Tổ dòng họ Khổng ở Bình Định. Ngôi mộ đang xây dở dang, chiếm trọn một chóp núi, có mặt bằng khuôn viên 80 mét vuông. Đây là ngôi mộ độc nhất ở vị thế đắc địa nhất của vùng núi Bà thuộc địa phận thôn Phương Phi, xã Cát Tiến. Chưa nói đến ông tổ Khổng Giản này là người như thế nào nhưng qua cách chọn cho mình chỗ để an giấc ngàn thu như thế này thì có thể hiểu ông là người có am tường về phong thủy. Tôi nghĩ nếu ông tạ thế cách đây vài trăm năm thì việc đưa một quan tài lên đến chóp núi này quả là điều không dễ dàng và tốn kém không ít. Đây là ngọn núi nhỏ trong số 66 ngọn núi trong quần sơn Núi Bà, mộ ông Giản nằm, đầu hướng phía Tây gối ngọn núi khác cao hơn, trên đỉnh có hòn đá lớn, chân đạp về phía Đông là cửa biển Cát Tiến rộng mở, ngoài khơi có cù lao đá không dân cư, hai bên hông (phía Nam và Bắc) là hai hòn núi cách bởi hai khe suối nước chảy quanh năm. Phía sườn Đông Bắc là Linh Phong Thiền tự hay còn gọi là chùa Ông Núi. Nhìn vào thế non xanh nước biếc, nơi đặt ngôi mộ Tổ, tôi nói với cậu Phương, hậu duệ khoảng đời thứ 9 của dòng họ Khổng ở đây rằng: -Cụ Tổ đã chọn một thế núi khá đắc địa, đầu gối đại sơn, chân đạp biển lớn nhưng có cù lao chắn gió nên không lạnh, hai bên sườn có suối róc rách phun nước ngày đêm, lại có tiếng chuông chùa ngân nga vọng lại vỗ yên cho giấc ngàn thu… Quả là cao nhân mấy ai bì kịp!

Từ đây chúng tôi lại xuống núi để rồi tiếp tục leo lên ngọn Chóp Vung bên sườn trái của mộ ông Giản để đến Linh Tự mà theo sử sách thì được khai phá cách nay 312 năm (1702) dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Theo dân gian truyền tụng mà sau này được ghi lại trong các sách Đại Nam nhất thống chí, Linh Phong tự ký hay Đại Nam dư địa chí ước biên… có nói đến vị Thiền sư Tịnh Giác có tên là Lê Ban đến vùng đất này và nhìn thấy khí vượng nơi đỉnh Chóp Vung-đỉnh cao nhất trong dãy núi Bà thuộc xã Cát Tiến, huyện Phù Cát-Bình Định ngày nay, Thiền sư liền tìm đến đó lập am bằng cỏ tranh và tu thiền tại đây lấy tên là Dũng Tuyền tự. Vị Thiền sư này ít khi xuống núi; ông mặc áo vỏ cây nên có hiệu là Mộc Y Sơn Ông (Ông Núi mặc áo vỏ cây). Ông cũng nghiên cứu thuốc Nam và thường chữa bệnh cho dân mỗi khi có dịch bệnh xảy ra. Người ta kể rằng Thiền sư thường đốn củi rồi đem xuống núi đặt bên vệ đường, dân trong vùng biết ý nên đã đem gạo, muối đặt ở vị trí cố định và nhặt củi về dùng, xem như đổi củi lấy gạo. Đến năm 1733, đời chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho xây chùa bằng ngói ở đây và lấy tên là Linh Phong Thiền tự, phong hiệu cho nhà sư này là Tịnh Giác Thiện Trì Đại lão Thiền sư. Chúa Nguyễn có tặng chùa 2 tấm liễn với câu đối: Hải ngạn khởi lương nhân, pháp vũ phổ thiên tư phật thổ/Linh Phong ngưng thoại khí, tường vân biến địa ấm nhân gian. (Dịch như sau: Bờ biển dấy duyên lành, mưa móc khắp trời nhuần đẹp đất/Linh Phong ngưng khí tốt, mây lành mọi chốn phủ nhân gian). Thiền sư Tịnh Giác viên tịch vào thời Tây Sơn.

images2606799_5_ydtt
Đường lên mộ ông Giản. Ảnh: Bùi Quang Vinh

Thời nhà Nguyễn, đời vua Minh Mạng thứ 7 có ban cho chùa Linh Phong 120 lạng bạc để tu sửa và cả áo cà sa cho nhà sư. Người đời có truyền rằng, vua Minh Mạng năm ấy bị bệnh nặng, ngự y bó tay. Một đêm vua nằm mộng thấy một nhà sư mặc áo vỏ cây đến dâng thuốc cho vua uống, ngày hôm sau tỉnh dậy vua thấy khỏe mạnh bình thường như chưa hề đau ốm. Đem chuyện lạ này hỏi các đại thần, vua mới biết người trong mộng là Tịnh Giác Thiền sư ở Linh Phong Thiên tự. Từ đó vua mới có chỉ cho xây dựng lại ngôi chùa này. Việc vua Minh Mạng đau và nằm mộng được dâng thuốc uống khỏi bệnh chỉ là truyền thuyết chưa rõ thực hư nhưng việc vua ban áo cà sa và số bạc để tu sửa lại chùa Linh Phong là sự thật được ghi chép trong sử sách.

Về sau này, cụ Đào Tấn-vị quan nhà Nguyễn đã có thời về ẩn cư nơi chùa Linh Phong khoảng 1 năm. Sau đó ông về lại triều đình được bổ làm Thượng thư Bộ Công. Năm 1895, ông có đề đạt lên vua Thành Thái để tu bổ lại chùa Linh Phong. Nhà vua đã xuất 70 lạng bạc cho trùng tu lại chùa này đến 2 năm sau mới xong.

Dưới thời chiến tranh chống Mỹ (1965), chùa Linh Phong bị cháy do bom đạn, chỉ còn lại di tích của hang Tổ phía sau chùa. Người ta cho rằng hang Tổ là nơi vị Thiền sư đầu tiên còn gọi là Ông Núi đã tu luyện và viên tịch ở đây. Sau ngày thống nhất đất nước, đến năm 1994, chùa Linh Phong dưới thời Hòa thượng Huệ Quang trụ trì, mới được cho xây dựng lại như ngày nay cũng chính trên nền chùa cũ. Ngày 1-8-2013, UBND tỉnh Bình Định cùng với Giáo hội Phật giáo tỉnh đã triển khai xây dựng dự án quần thể du lịch lịch sử, sinh thái và tâm linh Linh Phong ở núi Bà thuộc xã Cát Tiến, huyện Phù Cát trên diện tích 63 ha với số vốn đầu tư 200 tỷ đồng cùng nhiều hạng mục công trình có quy mô. Nếu dự án được hoàn thành thì đây là nơi thu hút khách thập phương hàng năm khá lớn, nhất là những ngày cuối tháng Giêng (23-2) có lễ hội chùa Ông Núi.

Chúng tôi dạo quanh vãn cảnh và thăm một số hạng mục đang được triển khai xây dựng như đường bê tông lên chùa với hai làn xe, tượng Phật Thích Ca phía trên đỉnh núi nhìn ra biển, ước chừng có độ cao trên 400 mét so với mực nước biển. Từ cổng tam quan phía trước chính điện nhìn về hướng Đông Nam là đầm Thị Nại (đầm Hải Hạc) với không gian rộng mở, phía dưới là cánh đồng lúa xanh tươi, chính đông là biển cả với những bãi cát dài trắng phau nối cùng những chân núi choài ra biển tạo thành các bãi cạn rất đẹp còn nguyên dáng tự nhiên. Nơi đây quả là nơi sơn thủy hữu tình cũng là nơi thanh tịnh cho những bậc chân tu. Vị Thiền sư có hiệu Mộc Y Sơn Ông cũng như ông Tổ họ Khổng nơi này, mỗi người đã chọn cho mình một thế núi trong 66 ngọn núi của quần sơn Núi Bà để dưỡng tâm và phiêu diêu cực lạc là những con người có tâm hồn thoát tục, gắn bó với thiên nhiên, với mây ngàn gió biển. Dù ngày nay, danh phận những con người khai thiên phá thạch ấy không tượng đồng bia đá nhưng cốt cách và triết lý sống của họ mãi mãi xanh tươi như cây cỏ đang ngày ngày hấp thụ linh khí núi Bà, như hương thơm của đài sen còn tỏa ngát chốn nhân gian.

Những câu thơ mà cậu Phương đọc cho tôi nghe của nhà thơ xứ cát khiến lòng mình tĩnh lặng lạ thường: Chập chờn trong dáng núi Bà/Lững lờ sương khói la đà bóng mây/Thiền môn một cõi chốn này/Ngàn năm tịnh độ phủi bay bụi hồng/Thinh không một góc Sơn Ông/Nghe trong đá có chữ Tâm không sờn.

Bùi Quang Vinh

images2607008_5photo_3_1514457936297

Chùm ảnh những loài thú ngộ nghĩnh và đáng yêu trên khắp thế giới
images977835_8ongnui2
Khám phá vẻ đẹp khó cưỡng ở Bắc Cực

BÁO GIA LAI