Thảo quả (hay quả tò ho) là một loại gia vị được nhân dân ta dùng cho vào chè lam, chè kho và một số loại bánh kẹo khác để tạo mùi vị thơm ngon cho món ăn. Ngoài ra đây còn là một loại thuốc quý, một thứ đặc sản Sa Pa.
Loại thuốc quý
Thảo quả là một loại cây thân thảo sống lâu năm thuộc họ gừng. Cây ra hoa vào mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 7) và có quả vào mùa đông (khoảng tháng 11, 12).
Cây thảo quả chỉ mọc được ở những vùng hội tụ đủ các điều kiện tự nhiên như có độ cao trên 1.000m, có khí hậu mát lạnh. Thảo quả ưa mọc dưới những tán cây rừng rậm rạp, những nơi đất ẩm và nhiều mùn và là một quà tặng Sa Pa đặc biệt.
Ở nước ta, thảo quả xuất hiện ở vùng núi Hoàng Liên Sơn và vùng cao Tây Bắc như Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu và đặc biệt là Lào Cai. Ở các huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai như Bát Xát, Sa Pa, thảo quả được nhân dân trồng thành rừng và thu hoạch với sản lượng cao. Mỗi khi vào mùa, thảo quả lại được bày bán rất nhiều ở chợ Sa Pa với chất lượng tốt, giá cả phải chăng.
Ở cây thảo quả, bộ phận được sử dụng chính là phần hạt. Vào mùa đông, đồng bào dân tộc thường đi hái thảo quả đã chín vàng, đem về phơi hoặc sấy khô. Khi dùng, người ta sẽ đập bỏ vỏ ngoài để lấy hạt. Cũng có nơi lại dùng cám gạo hòa với nước cho sền sệt, đem bao chung quanh quả, đem nướng cho cháy lớp cám gạo rồi mới đập bỏ vỏ ngoài để lấy hạt dùng. Loại hạt này được ví như một món quà lưu niệm đặc biệt ở Sa Pa.
Trong hạt thảo quả có tinh dầu mầu vàng nhạt, mùi thơm, vị cay nóng rất dễ chịu. Tinh dầu này chiếm tỉ lệ 1 – 1,5% khối lượng của hạt. Theo Đông y, thảo quả có tính ấm, khi tán thành bột để uống sẽ có tác dụng trừ đờm, làm ấm bụng, giúp kích thích ăn ngon miệng. Loại hạt này là một đặc sản còn có thể chữa nôn mửa, ngực bụng trướng đau và hỗ trợ chữa ho…
Thứ gia vị độc đáo
Không chỉ là một vị thuốc quý, thảo quả – quà tặng Sa Pa còn được dùng làm gia vị để chế biến món ăn. Thứ hạt chỉ có ở vùng núi này lại kết hợp vô cùng ăn ý với rất nhiều nguyên liệu ở miền xuôi. Có những món ăn ở đồng bằng nhưng phải có thêm thứ đặc sản Sa Pa này mới hợp vị, trong đó có chè kho.
Bánh chưng, chè kho vốn là hai món ăn truyền thống hầu như không thể vắng mặt trong mâm cỗ Tết của nhân dân nhiều địa phương. Muốn làm được chè kho ngon, người đầu bếp phải chuẩn bị đậu xanh, đường kính, vừng trắng và không thể thiếu thảo quả. Cách chế biến món ăn này cũng khá công phu.
Muốn nấu chè kho, người đầu bếp phải đem ngâm đậu xanh cả đêm rồi mới đem đãi sạch vỏ, phơi ráo nước, đem rang cho tới lúc hạt đậu rám vàng. Sau đó đậu được đem xay thành bột mịn. Vừng cũng được đem rang chín, xát sạch vỏ. Thảo quả – quà tặng Sa Pa khô này đem nướng, giã nhỏ và xay lấy bột. Lúc nấu, đầu bếp cho bột đậu, đường kính và thảo quả vào nước, đặt lên bếp và khuấy thật đều tay cho đến lúc chè đặc quánh lại và ráo xoong là được. Lúc này chè được đổ ra đĩa mỏng hoặc ra khuôn có hình rồi rắc vừng lên trên.
Đối với món ngọt đã vậy, với các món mặn, thảo quả cũng là thứ gia vị rất hữu dụng nhờ vào mùi thơm đặc biệt của mình. Hỗn hợp hồi, quế, thảo quả, hành củ và gừng đem nướng rồi cho vào nồi nước ninh xương chính là bí quyết giúp cho nước dùng của món phở bò dậy mùi thơm quyến rũ. Có thể nói là nếu thiếu đi những vị này thì coi như món phở bò đã đánh mất đi phân nửa sự hấp dẫn của mình. Ngoài ra, thảo quả cũng là một thứ gia vị không thể thiếu của nhiều món ăn khác như bò sốt vang hay thịt bò hầm… Theo kinh nghiệm du lịch Sa Pa, bạn nên một lần thưởng thức hương vị đặc trưng này.
Không quá nổi trội về hình thức, cũng không phải một món ăn có thể mang lại ngay cho người ăn cảm giác ngon miệng nhưng thảo quả vẫn là một món quà tặng Sa Pa rất thích hợp và hữu ích dành cho du khách. Nếu một lần được tới thị trấn xinh đẹp này, du khách hãy nhớ tìm mua cho mình một chút thảo quả – sản vật của núi rừng Lào Cai để tăng thêm hương vị của những món ăn trong gia đình.
CẨM NANG DU LỊCH VIỆT NAM