Thất Sơn ký sự – Kỳ 1: Kỳ bí miếu Bà Chúa Xứ – Tuổi Trẻ Online

1212
chua-ba-chua-xu-tren-dinh-nui-sam-tp.-chau-doc,-an-giang-uixt4vdf
Bệ tượng trên đỉnh núi Sam, nơi Bà ngự trước khi được thỉnh xuống và lập miếu thờ dưới chân núi – Ảnh: T.Đức

Án ngữ ngay cửa ngõ vào vùng Thất Sơn, từ nhiều năm qua miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (thị xã Châu Đốc, An Giang) luôn giữ kỷ lục về lượng khách tham quan, chiêm bái, với trên 3 triệu lượt người mỗi năm. Người ta đến viếng Bà với lòng ngưỡng vọng, tôn kính trước bao huyền tích về nguồn gốc ra đời của tượng Bà, của ngôi miếu có bề dày lịch sử ngót 200 năm…

Tượng đá nghìn năm

“Tập quán tín ngưỡng của người Việt là hay thờ nữ thần, và rất có thể Bà Chúa Xứ được dựng lên theo chủ ý của Thoại Ngọc Hầu. Trước tình hình dịch bệnh hoành hành, lam sơn chướng khí bào mòn sức dân, làm cho lòng người dao động, Thoại Ngọc Hầu đã cho thỉnh pho tượng từ trên núi xuống và lập miếu thờ Bà để người dân thêm vững tâm, tin tưởng đã có thế lực siêu nhiên phù hộ, chở che, từ đó thêm đoàn kết, quyết tâm vượt qua những khó khăn để xây dựng cuộc sống trên vùng đất “phên giậu” của đất nước” – TS Lâm Quang Láng, phó giám đốc Sở VH-TT&DL, phó chủ tịch Hội Sử học tỉnh An Giang, cho biết.

Hạ tuần tháng 4 âm lịch, miếu Bà Chúa Xứ vào cao điểm lễ hội. Những dòng xe mang biển kiểm soát từ nhiều tỉnh thành trong cả nước nối đuôi nhau tụ về. Mọi người nhanh chân vào chánh điện dâng hương khấn bà, rồi tỏa ra các di tích lịch sử không kém phần nổi tiếng xung quanh: lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, chùa Hang…

Anh lái xe ôm tên Thanh, đậu phía đối diện miếu Bà, mời tôi một chuyến tham quan đỉnh núi Sam, thăm vườn Tao Ngộ, pháo đài, viếng nơi Bà ngự… với giá 40.000 đồng cho cả hành trình lên, xuống núi.

Vừa chạy Thanh vừa kể vanh vách giai thoại về Bà: cách đây 200 năm, Bà ngự trên đỉnh núi. Một bữa có tốp người ngoại bang sang quấy nhiễu, gặp tượng Bà đã nổi lòng tham định ăn cắp. Nhưng Bà linh thiêng quá đỗi.

Kẻ trộm vừa xê dịch Bà được một đoạn đường ngắn thì kỳ lạ thay, Bà trở nên nặng trịch không sao chuyển nổi. Họ tức mình, dùng cây đập phá làm gãy mất một cánh tay của tượng (giờ dấu vết phục chế vẫn còn) rồi bỏ đi.

Liền sau đó, Bà nhập vào một cô gái ở chân núi, xưng là Chúa xứ thánh mẫu, bảo dân làng cử chín cô gái đồng trinh mang kiệu đến rước Bà xuống núi. Quả nhiên, khi chín người con gái được chọn mang kiệu lên đón thì tượng Bà trở nên nhẹ tênh. Đoàn thỉnh Bà đi một mạch xuống núi, tới chỗ miếu tọa lạc hiện nay thì bỗng nhiên không thể nào nhấc kiệu lên được nữa. Dân làng nghĩ Bà muốn ngự tại đây nên lập miếu thờ…

Đó là câu chuyện Thanh đã thuộc lòng sau nhiều năm tham dự lễ tái hiện cảnh rước Bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu. Theo lời kể của nội anh, người từng tham gia trong hội quý tế miếu Bà từ trước năm 1975 (về sau đổi lại là ban quản trị lăng miếu), nguyên nhân ra đời của ngôi miếu có khác: vào đầu thế kỷ 19, Thoại Ngọc Hầu phụng mệnh vua đi bình giặc ở biên giới và đào kênh Vĩnh Tế.

Chánh phẩm phu nhân Châu Thị Tế ở nhà âu lo, ngày ngày lên núi, đến trước tượng Bà cầu khấn cho chồng và dân binh luôn bình an, công việc mau chóng thu được kết quả như ý. Khi Thoại Ngọc Hầu hoàn thành sứ mệnh trở về, nghe phu nhân kể lại câu chuyện đã cho người lên núi thỉnh Bà về lập miếu thờ…

Dù có nhiều giả thuyết khác nhau, nhưng tất cả đều có điểm chung là tượng Bà có nguyên gốc là một pho tượng cổ, từ nơi khác chuyển đến bằng thuyền và đặt trên đỉnh núi Sam. Ông Thái Công Nô, phó ban quản trị lăng miếu núi Sam, cung cấp một tư liệu đáng chú ý: “Vào năm 1941, nhà khảo cổ người Pháp tên là Louis Malleret đã đến miếu Bà Chúa Xứ núi Sam khảo sát rất tỉ mỉ và sau đó đã công bố kết luận: tượng Bà thuộc loại tượng thần Vishnu, tạc dáng ngồi nghĩ ngợi, quý phái, bằng chất liệu đá son, có giá trị nghệ thuật cao, ra đời vào khoảng cuối thế kỷ thứ 6”.

Nhà văn, nhà biên khảo Trịnh Bửu Hoài, nguyên chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh An Giang, người đã dành hàng chục năm tìm hiểu về lăng miếu núi Sam, góp thêm thông tin mà ông ghi nhận từ các vị kỳ lão: thuở xa xưa cách nay mấy ngàn năm, núi Sam là một hòn nhô lên khỏi mặt biển, tượng Bà được di chuyển đến bằng thuyền, đặt lên đỉnh núi. Rồi sau đó tới thời kỳ biển lùi, núi Sam nhô cao lên như ngày nay. Điều này trùng khớp với việc phát hiện bệ đá hình vuông, mỗi bề rộng 1,6m, dày 0,3m, chính giữa có lỗ vuông, cùng chất liệu với tượng Bà. Đó là loại trầm tích thạch màu xanh đen, hạt nhuyễn, nguồn gốc không phải ở địa phương. “Nền văn hóa Óc Eo ở An Giang được khai quật và sưu tầm nhiều hiện vật cổ, tượng Bà Chúa Xứ núi Sam cũng không loại trừ là một pho tượng của nền văn minh này” – ông Hoài đặt nghi vấn.

chua-ba-chua-xu-tren-dinh-nui-sam-tp.-chau-doc,-an-giang-gdn-wb-300x600
Lăng Thoại Ngọc Hầu, người có công đầu trong việc đào kênh Vĩnh Tế, di tích được xếp hạng cấp quốc gia tọa lạc trong khu lăng miếu núi Sam – Ảnh: T.Đức

“Vía” Bà, tượng ông

Trong công trình sưu khảo “Đồng bằng sông Cửu Long – nét sinh hoạt xưa” (NXB Trẻ), nhà văn Sơn Nam cũng đưa ra nhận định, đại ý: tượng Bà là pho tượng Phật đàn ông của người Khmer bị bỏ quên lâu đời trên đỉnh núi Sam. Người Việt đưa tượng vào miễu, điểm tô lại với nước sơn, trở thành đàn bà mặc áo lụa, đeo dây chuyền. Và từ đó, Bà Chúa Xứ là vị thần có quyền thế lớn…

Lần giở nguồn tư liệu người ta không khỏi giật mình trước giả thuyết: “Tượng Bà đang thờ phụng trong miếu hiện nay thật ra tượng của một người nam!”. Có tài liệu còn miêu tả khá tỉ mỉ: “Thực chất tượng Bà là một pho tượng đá, thể hiện dáng hình một người đàn ông trong tư thế ngồi, chân phải để gập, co gối, chống thẳng bàn chân xuống mặt bệ đá; chân trái xếp bằng tròn, mũi bàn chân giáp với chân phải. Tay phải của tượng thả một cách tự nhiên, bàn tay úp trên đầu gối phải; tay trái ở tư thế chống nạnh, bàn tay xoải phía sau đùi trái…”.

Chúng tôi đã tìm đến thạc sĩ sử học Trần Văn Dũng – phó trưởng Ban tuyên giáo Thị ủy Châu Đốc (An Giang), tác giả của công trình khoa học “Lịch sử khai phá vùng đất Châu Đốc” (1757-1857) – để nhờ ông xác nhận nguồn tin. Không chút do dự, ông Dũng khẳng định ngay: “Tượng Bà Chúa Xứ thật ra là tượng nam, ngồi ở tư thế vương giả. Phần đầu của tượng hiện thờ tại miếu Bà không phải là nguyên gốc, được chế tác sau, bằng loại đá không giống với thân tượng!”.

Có thời gian người ta đồn tượng Bà ngày càng cao, lớn thêm, thậm chí có người còn nói không thể chụp ảnh tượng Bà bởi lúc rọi ảnh chỉ thấy một vệt trắng. “Thật ra có lúc nhiều khách thập phương đến hỉ cúng áo mão, đã yêu cầu mặc ngay vào tượng Bà để họ làm lễ, lần lượt số áo mặc chồng lên càng nhiều khiến người ta lầm tưởng tượng Bà lớn lên. Còn việc đồn đoán không chụp được ảnh tượng Bà cũng là tin đồn thất thiệt, nhân việc ban quản trị cấm du khách chụp ảnh Bà nhằm tránh bị kẻ xấu lợi dụng để buôn thần bán thánh” – ông Thái Công Nô giải thích.

——————————————————–

Anh Vũ sơn (núi Két) là một trong bảy ngọn núi đẹp hiếm có của Thất Sơn. Nhiều bậc cao nhân đã đến đây tu tập.

Kỳ tới: Nơi lưu dấu cao nhân

chua-ba-chua-xu-tren-dinh-nui-sam-tp.-chau-doc,-an-giang-nucd5rzb

TUOI TRE ONLINE