Mùa hè đến gần, sẽ thật thú vị khi được phiêu trên những cung đường đầy cát trắng và biển xanh. Hãy cũng iVIVU.com khám phá 5 cung đường xuyên đồi cát đẹp đến mức “lạc tay lái” ở Việt Nam nhé.
Top 5 cung đường xuyên đồi cát đẹp ‘lạc tay lái’ ở Việt Nam
1. DT706B: Võ Nguyên Giáp – Bàu Trắng (Bình Thuận)
Đoạn đường dài 37km từ vòng xoay Nguyễn Thông đến ngã ba Bàu Trắng là một cung đường quen thuộc mà bất kỳ ai yêu thích du lịch biển đều đã từng đi qua. Được hoàn tất vào năm 2014, đường Võ Nguyên Giáp là cung đường ven biển 706B song hành với đường Nguyễn Đình Chiểu chạy dọc khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né dài 16,2km, rộng 12 mét với 6 làn xe. Từ Mũi Né tiếp tục đi lên Bàu Trắng là đường DT716 dài thêm khoảng 21km, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những sa mạc cát mênh mông đổi màu liên tục từ vàng, sang đỏ rồi chuyển qua trắng. Những khung cảnh trên đường sẽ khiến bạn choáng ngợp bởi sự sắp xếp tài tình của tạo hóa ban tặng cho nơi này.
Ảnh: sunnyvilla
Đường Võ Nguyên Giáp. Ảnh: phanthietvn
Đi trên cung đường được mệnh danh là đẹp nhất Phan Thiết, bạn sẽ thấy làng chài Mũi Né từ trên cao, khu du lịch Đồi Cát Bay nổi tiếng và cả vịnh Hòn Rơm xinh đẹp không thể nào rời mắt. Đường rộng, dễ chạy và vắng xe ô tô. Có thể nói, đây là cung đường mà bạn nhất định phải đặt chân đến ít nhất một lần trong đời ở Việt Nam.
Ảnh: Quang Pierre
DT716 đoạn Hòn Rơm. Ảnh: Huu Thanh
2. DT716: Ngã Ba Lương Sơn – Phan Rí (Bình Thuận)
Cung đường vắt ngang sa mạc cát mênh mông. Ảnh: otofun
Bàu Trắng. Ảnh: ditichlichsuvanhoa
Dài gần 40km, DT716 phải liệt kê vào một trong những cung đường kinh điển của Việt Nam đi qua hai hồ nước ngọt vô cùng nổi tiếng của tỉnh Bình Thuận đó chính là Bàu Sen và Bàu Trắng. Từ ngã ba Lương Sơn rẽ phải rồi đi thêm khoảng 20km sẽ gặp Bàu Ông. Từ Bàu Ông, nối tiếp sẽ là Bàu Bà trải dài nhiều cây số.
Cung đường này men theo những triền cát hoang sơ, đồi dốc với những khung cảnh rất đẹp. Thêm nữa, đoạn TL716B ven biển đã hoàn tất vào cuối năm 2015, nối liền Phan Thiết và Phan Rí càng khiến cho cung đường này trở nên dễ đi hơn bao giờ hết.
Ảnh: phuot
Đoạn đường mới hoàn tất mang một vẻ đẹp như níu chân du khách. Ảnh: doanhnhansaigon
3. DT651: Đèo Cổ Mã – Đầm Môn (Khánh Hòa)
Đường đi Đầm Môn. Ảnh: phuot
Một bên biển, một bên cát trắng xóa. Ảnh: chupanhdao
Chỉ kéo dài vỏn vẹn 22km từ chân đèo Cổ Mã đến thôn Xuân Đừng, nhưng con đường DT651 vào bán đảo Đầm Môn hoàn tất vào năm 2002 dường như đã trở thành huyền thoại với những ai yêu thích cát và biển. Bởi càng chạy sâu vào trong, những cảnh đẹp cứ liên tiếp xuất hiện khiến cho những “phượt thủ” vững tay lái nhất cũng phải chao đảo. Cung đường với lúc thì một bên biển, một bên cát, lúc thì lại biến hóa với xung quanh là những đồi cát bao vây tứ phía.
Ảnh: hachi8
Những doi cát trườn dài ra biển ở Đầm Môn. Ảnh: vntour
Trên cung đường này, các bạn sẽ có dịp ngắm nhìn những đụn núi cát trắng xóa cao vút một bên. Kể từ ngày con đường nhựa hoàn tất, những đồi dương cũng được trồng và đến nay cũng đã phủ xanh cả một vùng. Đặc biệt, biển khu vực này còn rất hoang sơ và cũng khá sạch, do được bao bọc bởi một hệ thống đảo nhỏ hình cánh cung nên khá lặng sóng, có thể nhìn thấy cả đáy biển. Điểm dừng cuối cùng của hành trình sẽ là một làng chài nhỏ nằm trong vịnh, kín đáo, quanh năm xanh rợp bóng dừa mang cái tên Xuân Đừng.
4. QL19B: Cầu Thị Nại – Trung Lương (Quy Nhơn)
Đường đi khu kinh tế Nhơn Hội. Ảnh: servag
Qua khỏi cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á, bạn sẽ tiến vào khu kinh tế mới Nhơn Hội với trục đường huyết mạch QL19B, nằm trong bán đảo Phương Mai. Dài khoảng 17km, cung đường này sẽ dẫn bạn đến đồi cát Phương Mai, một trong những đồi cát đẹp nhất của tỉnh Bình Định. Hiện tại cung đường vừa hoàn thành, vẫn chưa có nhiều khu công nghiệp mọc lên nên khung cảnh còn khá hoang sơ, đẹp mắt. Đây cũng là cung đường đưa bạn đến với mũi Eo Gió hay biển Kỳ Co, những thiên đường du lịch của Quy Nhơn, Bình Định.
Đồi cát Phương Mai. Ảnh: hongky
Eo Gió. Ảnh: Tiểu Duy
Biển Kỳ Co. Ảnh: Zing News
Chạy xe trên đường này bạn phải bịt kín khẩu trang, đeo kính bảo vệ sức khỏe và hết sức cẩn thận đề phòng hiện tượng cát bay. Do những vùng đồi cát ven biển bị đốn chặt hết cây cối phục vụ giải phóng mặt bằng cho khu kinh tế, chưa có nhiều công trình che chắn nên đã bị bão, gió tác động mạnh gây nên hiện tượng này. Gió cuốn cát bay phủ dày trên các tuyến đường từ khu kinh tế Nhơn Hội về xã Nhơn Lý và xã Cát Tiến. Nhiều đoạn cát lấp dày hơn nửa mét khiến người đi đường liên tục bị ngã hoặc hứng chịu những đợt bụi cát hắt vào người bỏng rát.
5. Đường tránh QL1A: Cầu Quán Hàu – Bàu Sen (Quảng Bình)
Ảnh: Trần Huy Thắng
Ảnh: ST
Nếu không để ý, bạn sẽ dễ dàng bỏ qua con đường đẹp này ở Quảng Bình. Đây là đoạn đường tránh QL1A từ cầu Quán Hàu đến Bàu Sen, nối thành phố Đồng Hới và huyện Lệ Thủy. Trước đây, đoạn đường dài gần 40km này chỉ là một vùng cát trắng trải dài, sau đó đã được đầu tư cho xẻ cát làm đường. Điểm ấn tượng nhất của đoạn đường này chính là hai dãy cát trắng song song chạy dọc theo khiến bao người mê mẩn, khung cảnh nơi này đẹp không thua kém gì đoạn Bàu Trắng – Phan Rí.
Tha hồ tạo dáng giữa đường. Ảnh: Lâm Minh Hiệp
Bàu Sen, Lệ Thủy. Ảnh: ST
Cát ở Quảng Bình có hai màu rõ rệt, trắng và vàng. Dọc đường, bạn sẽ thấy vũ điệu của cát vô cùng quyến rũ. Bạn cũng có thể ghé vào biển Lệ Thủy tham quan, đây là một trong những bãi biển đẹp của Quảng Bình. Cũng như các cung đường kể trên, do đoạn đường tránh này cách xa khu dân cư nên khi chạy vào bạn nhất định phải kiểm tra xăng xe xem đã đầy đủ chưa, tránh hết xăng giữa đường phải đẩy một quãng xa.
Theo Tiểu Duy
IVIVU.COM