Dưới sự chủ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau 55 ngày đêm trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội ta đã toàn thắng và bắt sống tướng Đờ Cát, chỉ huy cao nhất của quân Pháp vào ngày 7/5/1954.
Đã gần 60 sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng hình ảnh Bác Hồ cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi bên chiếc bàn làm việc được trưng bày tại bảo tàng Điện Biên Phủ là chứng tích lịch sử lẫy lừng năm châu của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh chiếc bàn là chiếc bảng ghi dòng chữ – câu nói của Bác Hồ: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận. “Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” – Hồ Chí Minh.
Chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây gần 60 năm được đánh giá là “lừng lẫy non sông, chấn động địa cầu” và di tích Điện Biên Phủ đã được xếp hạng 23 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
Từng dãy hào sâu, hầm lô cốt của quân Pháp trước kia trên đồi A1 đã mọc rêu xanh rì, hàng cây dẫn lên đồi theo năm tháng thân cây đã to hơn một người ôm, tỏa tán xach biếc, che mát cho du khách về thăm di tích. Chiếc xe tăng Bazeille của Pháp bị Đại đội 674, tiểu đoàn 251, trung đoàn 174, đại đội 317 tiêu diệt sáng 1/4/1954 trưng bày trên đỉnh đồi A1 vẫn còn xanh nước sơn do thường xuyên được nhân viên ban quản lý di tích bảo quản.
Cạnh đó phần mộ của 4 chiến sỹ thuộc trung đoàn 174, đại đoàn 316 và trung đoàn 102, Đại đoàn 308 chiến đấu, hy sinh vào rạng sáng ngày 1/4/1954 luôn nghi ngút khói hương do du khách thập phương thắp hàng ngày.
Di tích hầm Đờ Cát hàng ngày vẫn đón hàng trăm du khách đến thăm quan tại TP Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Phía trên miệng hầm là bức hình rộng khoảng 6m2 được làm bằng xi măng có hình ảnh tướng Đờ Cát cầm ba tong, cùng đoàn tùy tùng cúi đầu khi ra đầu hàng quân đội Việt Nam. Bên trong hầm vẫn giữ nguyên chiếc bàn sắt nơi làm việc của tướng Đờ Cát và các tùy tùng.
Theo sử sách, trận đồi A1 là trận đánh mở màn ngày 31/3/1954, là một trong những trận đánh quan trọng trong giai đoạn 2 và 3 của chiến dịch Điện Biên Phủ. Phải tới ngày 6/5/1954, Quân đội Nhân dân Việt Nam mới hoàn tất việc chiếm đồi.
Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thuộc cánh đồng Mường Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Cấu trúc và cách bố trí, sắp xếp của căn hầm vẫn còn được giữ nguyên. Xung quanh hầm là hàng rào phòng thủ với hệ thống dây kẽm gai dày đặc và bốn chiếc xe tăng. Hầm Đờ Cát dài 20m và rộng 8m, bao gồm bốn gian dùng cho cả nơi ở và làm việc.
Tại căn hầm này, tướng Đờ Cát đã tiếp đón nhiều quan chức cấp cao Pháp, Mỹ thủ tướng Pháp Joseph Laniel, tổng thống Mỹ cũng như các nhà báo quốc tế. Vào lúc 17h30 ngày 7/5/1954, ông Tạ Quốc Luật, chỉ huy trưởng, đại đội 360, trung đoàn 209, sư đoàn 312 đã bắt sống tướng Đờ Cát tại bàn làm việc.
Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trong một khu rừng nguyên sinh tại địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ 25 km về phía đông. Đây là nơi làm việc của các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái…Gần với Sở chỉ huy có đài quan sát trên đỉnh núi độ cao trên 1.000m, từ đài quan sát này có thể bao quát hoạt động và diễn biến ở thung lũng Mường Thanh.
PV báo điện tử Infonet đã ghi lại một số hình ảnh tại di tích lịch sử đồi A1, bảo tàng Điện Biên Phủ, hầm Đờ Cát:
INFONET.VN