12 Món ăn đặc sản của Lạng Sơn ngon nức tiếng

2329

dac-san-noi-tieng-cua-lang-son-9-mon

Nếu có dịp đến với Lạng Sơn, một tỉnh miền núi với những ngọn núi hùng vĩ, cảnh đẹp nên thơ du khách cũng đừng quên thưởng thức những món ăn đặc sản hay những đồ ăn vặt tiêu biểu cho nền ẩm thực phong phú nơi đây.
1. Bánh Áp Chao

Xứ Lạng có món vịt áp chao khá nổi tiêng, nhưng ít ai để ý, trên đây còn có món bánh áp chao cũng tuyệt vời không kém. Món bánh, nghe thấy thôi cũng đủ thôi thúc những vị khách phương xa phải lùng sục đi tìm để ăn cho bằng được.

Bạn cũng đừng lo vì khá nhiều quán ăn đêm trên đường phố xứ Lạng đều bán món ăn dân dã này. Nào, hãy thử thưởng thức xem món bánh áp chao ngon cỡ nào mà sao nhiều “ma xó” cứ “dụ dỗ” mình ăn đến thế.

Đây là loại bánh được chế biến từ gạo nếp và gạo tẻ, gạo nếp chiếm tỷ lệ 3/4. Gạo đem xay bột nước, lọc bột cho khô vừa ở độ rền rệt, thái thêm lá hành cho vào, cho thêm chút xì dầu vào bột đảo cho thật đều.

dac-san-noi-tieng-cua-lang-son-an-vat-2

Phần vỏ xem chừng đơn giản quá, cũng chẳng khác nhiều so với vỏ của nhiều loại bánh, ấy nhưng điều đặc biệt lại đang ẩn bên trong. Áp chao theo cô chủ quán bánh giải thích là nó chính là… vịt chao. Thì ra, nhân của món bánh này lại chính là món thịt vịt nổi tiếng.

Thịt vịt làm sạch chặt miếng quân cờ ướp húng lìu, bột canh hoặc muối tiêu, hạt tiêu cho vừa. Lấy muôi dán làm bằng nhôm múc bột đầy muôi, cho miếng thịt vịt vào giữa muôi bột ấn đều bột ngâm miếng thịt vịt.

Thả cả muôi bột vào chảo mỡ đang sôi, 3 phút sau bánh chín gỡ bỏ ra, đảo bánh đều khi nào bánh ngả màu vàng là được. Vớt bánh ra ăn nóng với đu đủ ngâm, dấm ớt, tiêu và rau diếp.

Người bán bánh áp chao còn đem các bộ phận khác của con vịt như cổ cánh, chân, lòng mề vịt được tẩm ướp gia vị chao lên, có hương vị rất thơm ngon, hấp dẫn. Trong tiết trời se lạnh, nhấp một chút rượu Mẫu Sơn với món bánh này, quả chẳng còn gì… sung sướng hơn!

2. Phở Chua Lạng Sơn

Phở chua Lạng Sơn được chế biến khá cầu kỳ, là món ăn lạ tai, lạ mắt và khi thưởng thức thì lạ miệng với thực khách đường xa. Món ăn có vị giòn, bùi của khoai, lạc đi kèm cảm giác ngầy ngậy từ thịt xá xíu kết hợp với ớt cay, dưa chuột man mát.

Lâu nay, món này đã trở thành niềm tự hào, là thứ đặc sản ngon nức tiếng theo chân người xứ Lạng đi khắp nơi.

dac-san-noi-tieng-cua-lang-son-5-mon-mua-dong-3

Nguyên liệu chính gồm bánh phở, khoai lang, thịt xá xíu, xúng xàng, gan lợn, thịt gà xé, hành phi, khoai môn, lạc rang, hành khô, dưa chuột, lạp sườn…Công đoạn sơ chế cũng cầu kỳ qua nhiều bước.

Trước hết lạc rang giã dập, các loại rau thơm, hành khô, dưa chuột và lạp xưởng thái mỏng. Thịt lợn nạc được thái to bản, dày chừng 5 cm và tẩm ướp với dầu hào, đường, tạo màu bằng hạt điều rồi đem luộc sơ qua, sau đó để ráo và cuối cùng là rán, thái nhỏ lát dài. Khoai môn hoặc khoai lang xắt sợi chỉ, chiên giòn trong dầu già.

Khi nguyên liệu đã sơ chế xong, người làm xếp lần lượt một lớp bánh phở (mùa đông bánh phở được nhúng qua nước sôi cho nóng) sau đó đến xá xíu, dưa chuột và lạc rang, khoai lang chiên, hành khô lên trên. Tùy khẩu vị, thực khách có thể thêm chút chanh tươi, ớt hay tiêu.
Phở chua sẽ chỉ ngon một nửa nếu thiếu vị béo đậm đà của nước dùng (nước lèo). Theo đó, người làm phải đun sôi nước luộc vịt, phi thơm hành, tỏi và cho vào nồi cùng ớt, cà chua, giấm đường (gia vị riêng rất đặc biệt, làm từ quả chuối chín), đường, nước mắm, gừng. Khâu cuối cùng là cho bột năng vào để nước sánh lại.

Khi ăn, thực khách sẽ tự chan hoặc trộn cùng nước dùng để cảm nhận rõ vị ngậy của mỡ vịt và thơm phức nhờ những gia vị đặc trưng. Tuy nhiên, cần phải khéo léo trộn lượng nước dùng vừa đủ sao cho nguyên liệu không bị nát mà gia vị vẫn thấm đều.

3. Bánh Cuốn Trứng

Khác với các món bánh cuốn thông thường, bánh cuốn trứng Lạng Sơn có nhân bên trong rất đặc biệt và nước chấm cũng rất ngon. Những chiếc bánh có mùi vị đặc trưng thơm ngon độc đáo.

Cũng giống với các loại bánh cuốn khác, vỏ bánh cuốn trứng cũng được làm từ bột gạo xay nhuyễn hòa tan đều với nước rồi tráng thành một lớp mỏng.

dac-san-noi-tieng-cua-lang-son-banh-cuon-trung

Điểm khác biệt rõ rệt của bánh cuốn trứng Lạng Sơn nghe cái tên là bạn cũng có thể đoán ra là nhân bên trong bánh là lòng đào trứng gà thơm ngậy.

Món bánh cuốn này ăn cùng với nước chấm được làm từ nước dùng ninh xương ống, thêm ít hành, mùi, tiêu, ớt…hoặc nước dấm pha chút xì dầu nhưng ngon nhất vẫn là chấm cùng nước thịt kho.

Khác với loại bánh cuốn nhân thịt khác, khi ăn bánh cuốn trứng bạn sẽ cảm thấy vị dẻo quánh của bánh cuốn quyện với vị ngậy thơm của trứng thêm chút đậm đà của món nước chấm khiến món ăn này thật tuyệt vời.

4. Vịt Quay Lạng Sơn

Mắc mật là tên gọi theo tiếng Tày, Nùng của cây hồng bì núi, trồng nhiều ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng. Lá, quả mắc mật có nhiều công dụng, đặc biệt lá mắc mật góp phần tạo nên nét riêng biệt của ẩm thực xứ Lạng với những món quay, nướng, chao…

Người ta truyền nhau rằng, để có món vịt quay ngon nhất thì vịt phải chọn loại xuất xứ từ vựa lúa Thất Khê, cho thịt ngon và nạc. Sau khi mổ, làm sạch, mỗi con vịt được nhồi khoảng 3-4 muôi nước sốt.

dac-san-noi-tieng-cua-lang-son-5-mon-ngon-xu-lang-2

Công đoạn pha chế nước sốt nhồi bụng vịt chính là yếu tố quyết định vị ngon của món ăn này, gồm rất nhiều nguyên liệu, gia vị. Lá, quả mắc mật rửa sạch rồi dùng dao băm nhỏ cùng với hành, tỏi, ớt và thêm các loại gia vị, hạt tiêu, thảo quả, hoa hồi, tương tàu tro…

Để da vịt căng bóng, mỡ màng, người ta nhúng cả con sơ qua nồi nước đun sôi có bỏ chút mật ong. Sau đó quay trên bếp than hoa chừng 15 phút, rồi tiếp tục nhúng vào chảo mỡ nóng già, đảo đi đảo lại khoảng 15 phút nữa, khi ăn thì chặt miếng xếp ra đĩa.

5. Khâu nhục (nằm khâu)

Cái tên lạ này có nhiều cách giải thích, phổ biến nhất “khâu” nghĩa là hấp chín đến mềm gục, “nhục” là thịt. Đây là món ăn được chế biến cầu kỳ, tốn thời gian, phải đầy đủ các loại gia vị cần thiết, dù thiếu một thứ cũng không thành vị.

Thịt lợn ba chỉ rửa sạch, cắt miếng to chừng 0,5 kg, luộc sơ qua, vớt ra, rồi dùng tăm tre đâm nhiều lỗ qua lớp bì để khi nấu được ngấm gia vị sau đó đem quay. Người làm vừa quay vừa phết mật ong cho vàng bì, rồi thái thành miếng dày chừng 2 ngón tay, mỗi miếng đều có bì, mỡ, thịt.

dac-san-noi-tieng-cua-lang-son-5-mon-ngon-xu-lang-1

Không thể thiếu lá tàu soi, một loại rau muối mặn của người Tày, băm nhỏ rồi trộn đều với gia vị, xì dầu, húng lìu… cho vào xoong thịt, để 15 phút cho ngấm.

Khéo léo xếp lá tàu soi, khoai môn, thịt vào đĩa, úp bát lên trên, lật lại để nguyên đĩa rồi hấp cách thủy trong khoảng 4-5h cho thịt chín nhừ.

Món khâu nhục đạt tiêu chuẩn là không bị vỡ nát, màu đẹp, thịt ngọt mềm ngấm vị khoai môn, đậm đà, cùng lớp bì vàng rộm ngon mắt tỏa hương thơm ngào ngạt đánh thức vị giác.

6. Phở vịt quay

Phở vịt quay Lạng Sơn hấp dẫn người ăn bởi cũng là phở nhưng món ăn có phần lạ miệng hơn khi thay bò, gà truyền thống bằng miếng vịt quay thơm lừng.

dac-san-noi-tieng-cua-lang-son-5-mon-ngon-xu-lang-3.

Khi thưởng thức một bát phở vịt, nếu không quen và cảm thấy hơi ngấy, bạn hãy dùng thêm một vài lát măng muối chua. Mùi thơm của thịt vịt, nước dùng béo ngậy và vị chua của măng tạo nên sự hấp dẫn và thương hiệu đặc biệt trong lòng du khách thập phương.
7. Bánh cao sằng

Nguyên liệu chính để làm món bánh cao sằng là gạo tẻ, nhân bánh làm bằng thịt lợn băm nhỏ và hành khô xào lên.

Sau khi bột và nhân được làm xong sẽ được đổ vào khuôn, dàn đều cho mỏng và đem hấp cách thủy cho chín, khi bánh gần chín thì rưới nước thịt kho nuớc dừa đặc lên trên để tạo vị béo ngậy, quyện với mùi hành phi vô cùng hấp dẫn.

dac-san-noi-tieng-cua-lang-son-banh-cao-sang-1

Dùng dao sắc, cắt bánh thành hình chữ nhật khoảng cỡ bao diêm rồi rắc thêm chút lạc rang giã giập.

Điều đặc biệt là người Lạng Sơn ăn bánh kèm nước canh hầm từ xương heo, đặc biệt là xương ống thật kỹ, vớt hết bọt, rồi thêm hành hoa và mùi tàu thái nhỏ.

Những đĩa bánh dành cho thực khách thường không quá hai miếng và nửa bát nuớc chấm. Khi ăn đổ ngập nuớc chấm vào bánh thì sẽ ngon hơn.

8. Lợn Quay Lạng Sơn

Thịt lợn quay là món ăn nổi tiếng ở Lạng Sơn từ lâu và là món ăn đặc trưng của người Tày. Anh Đàm Văn Thanh – thợ quay lợn ở xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Để quay được con lợn ngon đạt tiêu chuẩn, việc quan trọng nhất là chọn lợn. Chỉ nên chọn con lợn có trọng lượng từ 25 – 40kg hơi.

dac-san-noi-tieng-cua-lang-son-5-mon-mua-dong

Nếu lợn to hơn thì phải quay lâu hơn, kỹ thuật phức tạp hơn để đảm bảo bên trong vẫn chín mềm mà bên ngoài không bị cháy. Nếu chọn con nhỏ thì khi quay sẽ bị hao thịt. Phải chọn những con lợn có lông mượt, dày và dài, đó là những con lợn già rồi.

Gia vị tẩm ướp thịt lợn là hỗn hợp gồm lá mác mật tươi, quả mác mật, đậu phụ nhự và tàu choong (một loại tương đậu nành làm theo công thức của người Tày), cùng muối, bột ngọt.

Hỗn hợp này được xào chín rồi xoa đều trong bụng lợn. Lợn cho vào lò và quay đều khoảng 15 – 20 phút cho khô bề mặt da, sau đó sẽ được đưa ra để đánh màu.

Người Tày dùng những nguyên liệu tự nhiên như mật ong pha với dấm, nước sôi để nguội rồi đánh màu. Ngay cả mật ong để đánh màu cũng phải là loại tốt, nếu không con lợn không thể lên màu đều và đẹp

9. Nem Nướng Hữu Lũng

Để có được nem ngon cần chọn phần thịt lợn khoét vai không quá nạc cũng không quá mỡ, phải chọn lợn mới mổ, thịt hồng. Thịt mua về được thái sợi nhỏ, bì lợn cạo sạch lông, đem luộc chín.

dac-san-noi-tieng-cua-lang-son-5-mon-ngon-xu-lang

Sau đó trộn cả thịt và bì với bột thính và gói lại bằng lá chuối tươi. Thịt khi lên men được nướng trên bếp than hồng cho cháy lá, tỏa ra hương thơm mời gọi. Khi ăn kẹp cùng với lá đinh lăng, lá sung chấm tương ớt. Vị chua, ngot, cay dịu tạo nên hương vị khó từ chối.

Các bạn có thể dễ dàng thưởng thức nem nướng ở các quán bia, quán ốc với giá 30.000 đồng/ cái.

10. Na Chi Lăng

Na Chi Lăng mắt hồng, quả to, tròn căng, bóng mẩy và ngọt sắc. Để chuyển những trái na từ trên đỉnh núi xuống, người dân nơi đây đã làm ra những chiếc dòng dọc chạy từ trên cao xuống tận chân núi nên đôi khi khác du lịch còn gọi đặc sản này là “na đu dây” .

Để có thể vận chuyển đi các tỉnh khác, na phải được hái trước 1 tháng khi chín bởi nếu sát ngày thì không thể bảo quản để vận chuyển đi xa được.

dac-san-noi-tieng-cua-lang-son-na-chi-lang

Vào mùa na Chi Lăng lên tới 40.000 – 50.000 đồng/ 1kg với chất lượng quả to, ngon. Được bày bán khắp dọc đường từ Chi Lăng lên thành phố Lạng Sơn

11. Quýt Bắc Sơn

Quýt Bắc Sơn được người dân ở đây trồng trên các thung lũng của huyện Bắc Sơn. Từ hàng chục năm nay đã nức tiếng gần xa, màu vàng của nắng, vị ngọt của núi và hương thơm của gió rừng tất cả đã dồn vào làm cho quả quýt có hương vị đặc biệt.

dac-san-noi-tieng-cua-lang-son-quyt-chin-1

Quýt Bắc Sơn có màu sắc hấp dẫn, mũi quả căng mọng, ít hạt và có vị đậm hơi chua hương vị rất đặc trưng mà nơi khác không có được

12. Đào Mẫu Sơn

Quả đào Mẫu Sơn có màu sắc, hương vị khác hẳn những giống đào ở các tỉnh khác. Mỗi quả đào Mẫu Sơn to bằng cái bát con, cứ 3, 4 quả là được 1kg, khi chín bên ngoài có màu xanh nhạt, bên trong đỏ au vị ngọt lịm, giòn tan, mùi thơm dịu rất đặc trưng, ai đã từng được ăn sẽ không thể quên.

dac-san-noi-tieng-cua-lang-son-dao-lang-son

Giá đào hái tận gốc rơi vào khoảng 25.000 đến 30.000 đồng/kg

13. Hồng Bảo Lâm

Hồng không hạt Bao Lâm là giống hồng nổi tiếng được trồng từ lâu đời tại xã Bảo Lâm huyện Cao Lộc cùng các xã lân cận thuộc hai huyện Cao Lộc và Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.

Hồng Bảo lâm có thịt quả dòn, thơm .ngọt đậm. Mặt cắt ngang của quả có hình hoa thị 8 đến 12 cánh đều nhau, màu vàng đỏ đậm, các cánh hoa thị là do các hạt lép tạo thành. Mặt cắt dọc quả không có thớ, thị quả mịn, không có đốm đen và không có hạt.

dac-san-noi-tieng-cua-lang-son-hong-bao-lam-ngon

LẠNG SƠN – TRANG TIN TỨC, HÌNH ẢNH LẠNG SƠN 24H/7