Hang Lạng – Điểm đến – Tổng cục Du lịch

1383

45hanglang01
45hanglang02
45hanglang03jpg

Ðến với Xuân Sơn, du khách không thể không đến hang Lạng, một kỳ tích thiên nhiên làm say đắm lòng người. Hang Lạng ăn sâu trong lòng núi Ten, cửa vào hang nhìn thẳng ra cánh đồng Mường Lạng.

Vòm hang Lạng có chỗ cao đến mười lăm, hai mươi mét và chiều rộng cũng cỡ khoảng như vậy. Hang chạy dài, dọc dãy núi đá vôi. Người ta thả quả bưởi có đánh dấu vào hang lúc sáng thì chiều tối đã thấy nó ở suối Lấp, cùng dãy núi nhưng cách chỗ thả chừng khoảng 20km.

Chạy dọc đáy hang là một con suối lớn. Những chỗ hang phình ra, nền hang trải đều một lớp đá củ đậu, cát vàng và đất sét. Nhiều chỗ thạch nhũ buông xuống, qua hàng triệu triệu năm đã tạo nên muôn hình ngàn dạng như ngàn vạn toà thờ Phật, thờ thần. Lại có nhiều trụ cột, được thiên nhiên đắp, vẽ, điểm tô, chống từ đáy hang lên vòm trần như các cột nối từ cõi âm ti lên đỉnh thiên đàng. Các phiến thạch nhũ tạo cho hang động đẹp một cách huyền bí, tâm linh. Ở các pho tượng, nhũ đá vừa giống như ma quỷ, vừa như thần linh, nhô lên giữa dòng suối long lanh trong ánh đèn, ánh đuốc. Nhũ đá ở đây không sỉn thành một màu xám như nhiều hang động núi đá vôi, mà sáng trắng và nhiều chỗ lấp lánh muôn hồng ngàn tía rất kỳ lạ.

Hang Lạng rộng và dài đủ cho hàng ngàn người cùng vào chiêm ngưỡng. Cách cửa hang vài giờ đi bộ, đáy hang trở thành suối sâu đến 2 mét nước. Từ đây, người ta có thể tiếp tục soi đuốc, ngồi mảng để thăm thú về sự kỳ diệu của thiên nhiên, đã tạo dựng nên một kỳ quan để cho con người vui chơi giải trí. Suối nước trong hang có khá nhiều cá măng, cá ngạnh nặng cỡ dăm bảy ký. Loài dơi màu đen đậu nhan nhản trên trần hang.

Ngày xưa, cứ vào mồng bốn tết hàng năm, sau khi cúng cấm (cúng vị thần hang cho phép vào cửa), người dân Mường Lạng lại đốt đèn đốt đuốc đưa nhau vào sâu trong hang, chọn bãi rộng để ném còn, hát rang, hát ống, đánh trống đá, đàn đá, những “nhạc cụ” do thiên nhiên tạo ra.

Hang Lạng không những có cảnh đẹp thiên nhiên kỳ bí mà nó còn hấp dẫn du khách bởi những truyền thuyết đầy huyền bí. Từ xa xưa, dân làng Xuân Sơn đã thờ thần hang Lạng. Thần là con rắn hoá thân thành chàng trai tuấn tú vẫn thường đến giúp việc nhà Thổ Lang xóm Lạng. Nhiều hôm chàng giúp nàng Bạch, con gái Thổ Lang cấy lúa trên những thửa ruộng ở đồng Lạng. Chàng nhổ mạ, cấy gặt nhanh hơn hết thảy mọi người. Dần dà, nàng Bạch đem lòng yêu mến chàng. Một hôm, ăn uống xong, chàng lên giường trùm chăn ngủ. Do ngủ say, vô tình cựa quậy chàng để hở ra ngoài chăn nguyên hình hài một con rắn trắng. Quan Thổ Lang xua đuổi con rắn trắng ra khỏi nhà, nhắc nhở con gái tránh bị rắn hoá thành người lừa lọc cám dỗ. Một hôm, nàng dệt vải, con sợi rơi lăn mãi xuống ao sâu. Nàng ra ao vớt con sợi về thì bị ốm chết.

Quan Thổ Lang biết con gái mình đã bị rắn bắt đi làm vợ. Dân làng phải đem xác nàng Bạch chôn cao trên đỉnh núi Ten để rắn không lấy được xác nàng đi. Nhưng rồi rắn làm mây mưa tầm tã rạch ngang dọc núi Ten thành sông thành suối để chở xác vợ về hang Lạng sống với mình. Từ đấy, người ta phải cúng rắn thần và nàng Bạch, cầu phù hộ cho mưa gió thuận hoà để có nước cày cấy. Hang Lạng được coi là Thủy cung của thần bảo hộ xóm Lạng. Sau này, người ta mới dựng đình Lạng để các ngày lễ có nơi cầu tế thần phù hộ cho dân khang vật thịnh. Rắn và nàng Bạch từ lâu đã là Thành hoàng của người Xuân Sơn. Giống như nhiều làng Việt, Thành hoàng đều có đền, miếu yên tĩnh để nghỉ ngơi. Miếu thờ Thành hoàng cũng có ban thờ để các ngày sóc, vọng, ông từ của các làng người Kinh, ông mo của các làng người Mường thắp hương cúng thần. Hàng năm vào các ngày tiệc lớn, người ta mới rước thần từ miếu ra đình để cầu tế. Làm xong lại rước thần về ngự ở miếu cũ. Hang Lạng cũng như miếu của làng Việt, là nơi thần ở. Thần là loài sống ở dưới nước nên gọi hang Lạng là Thủy cung. Các ngày sóc, vọng (mồng 1, rằm) hàng tháng, ông mo lại vào hang thắp hương cúng thần. Chỉ các ngày tiệc của làng: lễ cầu mùa, lễ mở cửa rừng, ngày kỵ của vợ thần… người ta mới tổ chức tế lễ ở đình Lạng. Lễ cúng thần bao giờ cũng có gạo và trứng. Gạo là sản phẩm của lúa nước, là âm tính thuộc về thế giới của loài rắn sống dưới nước. Còn trứng biểu tượng cho chim ở trên rừng thuộc về dương. Truyền thuyết thần hang Lạng và tục thờ cũng của người Mường Xuân Sơn phản ánh tư duy thần thoại của tộc người Việt cổ làm lúa nước sống ở vùng Xuân Sơn này. Thần tích này cùng mô típ với thần thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ chỉ khác ở chỗ là nó xuất hiện ở thời kỳ hình thái đã phát triển khá cao, có hôn nhân một vợ một chồng, chế độ mẫu hệ đã bàn giao quyền sang cho người đàn ông. Vợ phải sang ở nhà chồng. ở đây nàng Bạch đã phải sang Thủy cung sống với chồng là con rắn trắng.

Giải mã truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ và thần Lạng, Thành hoàng làng Mường Xuân Sơn chúng ta sẽ thấy được đôi phần xã hội thời đại Hùng Vương, những quan niệm của cư dân Lạc Việt và tinh thần con người thời đại đó đã ăn sâu trong tâm thức cộng đồng người Việt ở tận nơi thâm sơn cùng cốc này.



Ðến với Xuân Sơn, du khách không thể không đến hang Lạng, một kỳ tích thiên nhiên làm say đắm lòng người. Hang Lạng ăn sâu trong lòng núi Ten, cửa vào hang nhìn thẳng ra cánh đồng Mường Lạng.

Vòm hang Lạng có chỗ cao đến mười lăm, hai mươi mét và chiều rộng cũng cỡ khoảng như vậy. Hang chạy dài, dọc dãy núi đá vôi. Người ta thả quả bưởi có đánh dấu vào hang lúc sáng thì chiều tối đã thấy nó ở suối Lấp, cùng dãy núi nhưng cách chỗ thả chừng khoảng 20km.

Chạy dọc đáy hang là một con suối lớn. Những chỗ hang phình ra, nền hang trải đều một lớp đá củ đậu, cát vàng và đất sét. Nhiều chỗ thạch nhũ buông xuống, qua hàng triệu triệu năm đã tạo nên muôn hình ngàn dạng như ngàn vạn toà thờ Phật, thờ thần. Lại có nhiều trụ cột, được thiên nhiên đắp, vẽ, điểm tô, chống từ đáy hang lên vòm trần như các cột nối từ cõi âm ti lên đỉnh thiên đàng. Các phiến thạch nhũ tạo cho hang động đẹp một cách huyền bí, tâm linh. Ở các pho tượng, nhũ đá vừa giống như ma quỷ, vừa như thần linh, nhô lên giữa dòng suối long lanh trong ánh đèn, ánh đuốc. Nhũ đá ở đây không sỉn thành một màu xám như nhiều hang động núi đá vôi, mà sáng trắng và nhiều chỗ lấp lánh muôn hồng ngàn tía rất kỳ lạ.

Hang Lạng rộng và dài đủ cho hàng ngàn người cùng vào chiêm ngưỡng. Cách cửa hang vài giờ đi bộ, đáy hang trở thành suối sâu đến 2 mét nước. Từ đây, người ta có thể tiếp tục soi đuốc, ngồi mảng để thăm thú về sự kỳ diệu của thiên nhiên, đã tạo dựng nên một kỳ quan để cho con người vui chơi giải trí. Suối nước trong hang có khá nhiều cá măng, cá ngạnh nặng cỡ dăm bảy ký. Loài dơi màu đen đậu nhan nhản trên trần hang.

Ngày xưa, cứ vào mồng bốn tết hàng năm, sau khi cúng cấm (cúng vị thần hang cho phép vào cửa), người dân Mường Lạng lại đốt đèn đốt đuốc đưa nhau vào sâu trong hang, chọn bãi rộng để ném còn, hát rang, hát ống, đánh trống đá, đàn đá, những “nhạc cụ” do thiên nhiên tạo ra.

Hang Lạng không những có cảnh đẹp thiên nhiên kỳ bí mà nó còn hấp dẫn du khách bởi những truyền thuyết đầy huyền bí. Từ xa xưa, dân làng Xuân Sơn đã thờ thần hang Lạng. Thần là con rắn hoá thân thành chàng trai tuấn tú vẫn thường đến giúp việc nhà Thổ Lang xóm Lạng. Nhiều hôm chàng giúp nàng Bạch, con gái Thổ Lang cấy lúa trên những thửa ruộng ở đồng Lạng. Chàng nhổ mạ, cấy gặt nhanh hơn hết thảy mọi người. Dần dà, nàng Bạch đem lòng yêu mến chàng. Một hôm, ăn uống xong, chàng lên giường trùm chăn ngủ. Do ngủ say, vô tình cựa quậy chàng để hở ra ngoài chăn nguyên hình hài một con rắn trắng. Quan Thổ Lang xua đuổi con rắn trắng ra khỏi nhà, nhắc nhở con gái tránh bị rắn hoá thành người lừa lọc cám dỗ. Một hôm, nàng dệt vải, con sợi rơi lăn mãi xuống ao sâu. Nàng ra ao vớt con sợi về thì bị ốm chết.

Quan Thổ Lang biết con gái mình đã bị rắn bắt đi làm vợ. Dân làng phải đem xác nàng Bạch chôn cao trên đỉnh núi Ten để rắn không lấy được xác nàng đi. Nhưng rồi rắn làm mây mưa tầm tã rạch ngang dọc núi Ten thành sông thành suối để chở xác vợ về hang Lạng sống với mình. Từ đấy, người ta phải cúng rắn thần và nàng Bạch, cầu phù hộ cho mưa gió thuận hoà để có nước cày cấy. Hang Lạng được coi là Thủy cung của thần bảo hộ xóm Lạng. Sau này, người ta mới dựng đình Lạng để các ngày lễ có nơi cầu tế thần phù hộ cho dân khang vật thịnh. Rắn và nàng Bạch từ lâu đã là Thành hoàng của người Xuân Sơn. Giống như nhiều làng Việt, Thành hoàng đều có đền, miếu yên tĩnh để nghỉ ngơi. Miếu thờ Thành hoàng cũng có ban thờ để các ngày sóc, vọng, ông từ của các làng người Kinh, ông mo của các làng người Mường thắp hương cúng thần. Hàng năm vào các ngày tiệc lớn, người ta mới rước thần từ miếu ra đình để cầu tế. Làm xong lại rước thần về ngự ở miếu cũ. Hang Lạng cũng như miếu của làng Việt, là nơi thần ở. Thần là loài sống ở dưới nước nên gọi hang Lạng là Thủy cung. Các ngày sóc, vọng (mồng 1, rằm) hàng tháng, ông mo lại vào hang thắp hương cúng thần. Chỉ các ngày tiệc của làng: lễ cầu mùa, lễ mở cửa rừng, ngày kỵ của vợ thần… người ta mới tổ chức tế lễ ở đình Lạng. Lễ cúng thần bao giờ cũng có gạo và trứng. Gạo là sản phẩm của lúa nước, là âm tính thuộc về thế giới của loài rắn sống dưới nước. Còn trứng biểu tượng cho chim ở trên rừng thuộc về dương. Truyền thuyết thần hang Lạng và tục thờ cũng của người Mường Xuân Sơn phản ánh tư duy thần thoại của tộc người Việt cổ làm lúa nước sống ở vùng Xuân Sơn này. Thần tích này cùng mô típ với thần thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ chỉ khác ở chỗ là nó xuất hiện ở thời kỳ hình thái đã phát triển khá cao, có hôn nhân một vợ một chồng, chế độ mẫu hệ đã bàn giao quyền sang cho người đàn ông. Vợ phải sang ở nhà chồng. ở đây nàng Bạch đã phải sang Thủy cung sống với chồng là con rắn trắng.

Giải mã truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ và thần Lạng, Thành hoàng làng Mường Xuân Sơn chúng ta sẽ thấy được đôi phần xã hội thời đại Hùng Vương, những quan niệm của cư dân Lạc Việt và tinh thần con người thời đại đó đã ăn sâu trong tâm thức cộng đồng người Việt ở tận nơi thâm sơn cùng cốc này.

VIETNAMTOURISM.COM