La Vang ngày nay là một thánh địa và là nơi hành hương quan trọng của người Công giáo Việt Nam, nằm ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, thuộc Tổng Giáo phận Huế. Các tín hữu tin rằng, Đức Mẹ Maria hiển linh ở khu vực này vào năm 1798. Một nhà thờ đã được xây dựng gần ba cây đa, nơi họ tin là Đức Mẹ đã hiện ra và được Tòa Thánh tôn phong là Tiểu Vương Cung Thánh đường La Vang từ năm 1961.[1] Đây là một trong ba trung tâm hành hương Công giáo được chính quyền Việt Nam hiện nay công nhận.
(Viết theo Văn phòng Tổng thư ký HDGMVN, Giáo hội Công giáo Việt nam, niên giám 2004 trang 503-504; Lm. Nguyễn Văn Ngọc, Linh Địa La Vang, TTĐM 1978, tr. 35-36; Gs. Nguyễn Lý Tưởng, Giới thiệu Linh Địa Lavang, NS. Hiệp nhất số 66 6/98 trang71, Nguyễn Đệ, Bùi Văn Giải).
Tín hữu Việt Nam đặc biệt có lòng sùng kính Ðức Mẹ nên nhiều địa điểm hành hương đã được xây dựng như Phú nhai (Bùi chu), Trà kiệu (Quảng nam), La mã (Bến tre), Bình triệu (Thủ đức), Bãi dâu (Vũng tàu), Tà pao 2005 (Phan thiết).
Trong những nơi hành hương ấy, đặc biệt có Lavang (Quảng trị) là nơi các giám mục giáo tỉnh Huế và Sài gòn trong phiên họp ngày 13-4-1961 đã chọn làm Trung tâm Thánh mẫu toàn quốc. Ngày 1-5-1980, trong hội nghị lần đầu tiên tại Hà nội, tất cả các Giám mục nước VN thống nhất (1975) đã biểu quyết nhận Lavang làm Trung tâm Thánh mẫu toàn quốc của Giáo hội Việt Nam.
12/ Đức Mẹ Lavang (Our Lady of La Vang)
Năm 1798
Mục đích:
Đức Mẹ hiện ra để an ủi con cái đau khổ vì vua quan cấm cách, chiến tranh.
Diễn tiến:
Sự tích Đức Mẹ Lavang
– Theo sách Đại Nam Thống Nhất Chí thì La vang đầu tiên là đất của nước Chiêm Thành. Năm 1306, Vua Chiêm là Chế Mân dâng Châu Ô Châu Lý cho vua nhà Trần để xin cưới công chúa Huyền Trân, La vang trở thành miền đất của Việt nam. Thời Chúa Nguyễn Hoàng vào Nam lập nghiệp, gọi là Dinh cát, ngày nay (2005) La vang thuộc xã Hải phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. La vang cách thành Huế 60 cây số về phía bắc.
– Theo sách Linh Địa La vang thì La vang đọc từ chữ Lá vằng. Lá Vằng là tên một phường thuộc làng Cổ Vưu. Làng Cổ Vưu là một họ đạo xưa của xứ Dinh Cát, được thành lập vào thế kỷ 17. Ngày nay gọi là làng Trí Bưu, làng này ở sát cạnh Thị xã Quảng Trị về phía Tây Bắc chừng 6 cây số.
Gọi là phường Lá Vằng (sau đọc trại đi là La vang), vì xưa trên mảnh đất này có nhiều cây lá vằng. Cây này là thứ cây leo, có hột đen, ăn được nhưng vị đắng, dùng làm vị thuốc chữa bệnh đau bụng, đau lưng, phụ nữ sinh con…
Tại sao Đức Mẹ hiện ra ở La vang?
– Theo những lời truyền miệng của tiền nhân, cách đây 200 năm (năm 1777) dưới thời vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) nhà Tây Sơn cấm đạo Công giáo rất ngặt, vì họ cho là người Công giáo theo Tây, phản Tổ quốc. Thời bấy giờ tỉnh Quảng Trị đã có nhiều người theo đạo Công giáo, cha Đắc Lộ (Alexander Rhode đã giảng đạo cho miền này). Sắc lệnh truyền phá hủy hết các nhà thờ, nhà xứ, bắt các cố đạo và giáo dân…
Nhiều người Công giáo ở Dinh Cát đã chạy trốn vào phường Lá Vằng để tị nạn, vì bấy giờ phường Lá Vằng ở giữa rừng xanh núi hiểm, xa thị xã, quan quân không dòm ngó tới.
Trong lúc trốn tránh cuộc tàn sát, đốt phá, những người trốn vào Lá vằng rất khổ sở, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, vừa đói, vừa khổ, lại bị muỗi chích, bọ cắn, nhiều người đau ốm mà không có thuốc chữa.
Năm 1798 – Truyền khẩu nói rằng Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng hiện ra nhiều lần để an ủi các giáo dân trốn chạy những cuộc bách hại của triều Tây Sơn vào trong rừng sâu Lá Vằng, thuộc địa hạt Dinh Cát, nay là Quảng Trị.
Trong lúc đau khổ tột cùng, họ đã luôn kêu cầu cùng Chúa và Đức Mẹ, họ đọc nhiều kinh Mân côi, là kinh rất dễ đọc để cầu khấn. Đêm ngày họ cùng nhau cầu nguyện bằng chuỗi hạt Mân côi, dâng lên Mẹ những tiếng thở than của đoàn con đau khổ.
Bỗng một đêm, họ thấy một Bà đẹp, mặc áo choàng hiện ra gần cây đa cổ thụ, mà họ nhận ngay là Đức Mẹ, vì Bà bồng Chúa Hài Nhi, hai bên có 2 thiên thần cầm đèn chầu, giống như ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Đức Mẹ ngỏ lời an ủi họ, và dạy họ bẻ lá vằng quanh đó nấu nước uống để chữa bệnh. Đức Mẹ còn căn dặn, như một sứ điệp, và hứa rằng:
“Các con hãy tin tưởng,
hãy vui lòng chịu khổ.
Mẹ đã nhận lời các con cầu xin.
Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện”.
Sau đó, Đức Mẹ còn hiện ra nhiều lần với họ như vậy.
***Con cái Mẹ đừng quên lời Mẹ yêu thương nhắn nhủ, nhất là khi gặp đau khổ trong đời “Hãy vui lòng chịu khổ”. Lời tuy vắn, nhưng có sức giúp vượt qua mọi thử thách cho thân xác, linh hồn. Tin rằng Mẹ luôn ở bên con đau khổ, hiểu biết những nhu cầu của con, lo liệu mọi sự cho con, nhận những đau đớn của con vào trong Trái Tim Mẹ.
Từng ĐGM coi sóc Giáo phận Huế từ năm 1852 trở đi, đến năm 1901, Đức Cha Gaspar (giáo quyền địa phương) đã chính thức tuyên bố “Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu” là tước hiệu của Đức Mẹ La Vang…rồi các ĐGMVN và cả hàng GMVN đã hết lòng tạ ơn, tôn kính Đức Mẹ và cùng nhau chọn Lavang làm Trung Tâm Thánh Mẫu toàn quốc năm 1961 và 1980.
Dầu Tòa Thánh Vatican không chính thức nhìn nhận biến cố Đức Mẹ hiện ra tại La vang bằng Sắc lệnh, nhưng Đức Thánh Cha Gioan 23 đã nâng Thánh đường Lavang lên hàng “Vương cung”(Tòa thánh chấp thuận ngày 20/8/1961).
Và ngày 19 tháng Sáu năm 1998, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã công khai nhìn nhận sự quan trọng của Đức Mẹ La vang, và Ngài bày tỏ lòng ước ao tái thiết Vương cung Thánh đường La vang để kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại đây lần thứ nhất.
—
(Tùy ý đọc thêm:
Những sự việc gì diễn ra tại La vang sau đó cho tới ngày nay?
– Câu chuyện về Lá vằng có Bà đẹp hiện ra, lá vằng chữa bệnh, không những người Công giáo mà cả người ngoài Công giáo cũng loan truyền, cũng hái lá chữa bệnh và được khỏi.
– Năm 1801 – Sau khi Gia Long thống nhất, người bên lương cũng nghe biết có Bà Linh Thiêng hiện ra ở rừng Lá Vằng. Khi họ đi làm trong rừng thường ghé tới cây đa vái lạy và đắp một nền cao, có rào cây chung quanh.
– Năm 1823 – Đầu đời Minh Mạng, 3 làng Thạch Hãn, Cổ Thành và Ba Trừ chung nhau làm một cái miếu trên nền đất cao nơi cây đa chỗ Đức Mẹ hiện ra, nhưng gặp nhiều dấu lạ (mộng mị, tượng bị lật đổ) họ đành thôi và truyền tụng nhau rằng: “Bà ấy là bà bên lương mà bên giáo đã dành đi đó”. Ngày nay có người cho rằng dân bên lương gọi Bà Linh Thiêng đó là Phật Bà Quan Âm cứu đời. Ba làng đồng lòng nhường đất và chùa lại cho bên Công Giáo. Cha bổn sở ở Dinh Cát đồng ý cho người Công Giáo biến chùa thành nhà thờ. Đó là nhà thờ tranh đầu tiên tại La Vang.
-Năm 1830 – Một giai thoại kể rằng Đức Mẹ đã mua vải để trang hoàng bàn thờ.
-Năm 1852 – Đức Cha Pellerin kêu gọi các cha hô hào cho giáo dân nhập Hội Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu. (Tước hiệu này năm 1901, Đức Cha Gaspar đã chính thức tuyên bố là tước hiệu của Đức Mẹ La Vang).
-Năm 1866 – Sau khi vua Tự Đức ký sắc lệnh tự do tôn giáo, Đức Cha Sohier coi địa phận Huế có chương trình mở rộng linh địa La Vang : xây chủng viện, tu viện Mến Thánh Giá, cô nhi viện, nhà dưỡng lão cho các cha. Chương trình không thành vì địa phương Cổ Vưu không cho đất. Tuy nhiên hằng năm vào Tết Nguyên Đán giáo dân các vùng Dinh Cát, Cổ Vưu, Thạch Hãn, Hạnh Hoa … họp nhau vài ba chục người cầm dùi, giáo mác xua thú dữ để vào linh địa La Vang kính viếng.
-Năm 1885 – Văn Thân nổi loạn ở triều đình Huế với khẩu hiệu Bình Tây Sát Tả, giáo dân Cổ Vưu vào trốn ở La Vang. Khi nhóm người đuổi theo thì họ trốn lên núi. Có 30 người bị bắt và được đặc ân và được đặc ân thiêu sống trên nền nhà thờ Đức Mẹ. Nhóm Văn Thân đốt hết các nhà của dân trừ ngôi nhà tranh nhỏ bé của Đức Mẹ.
-Năm 1886 – Sau biến cố Văn Thân, linh địa La Vang trở nên nơi hành hương đông người, vì thế Đức Cha Gaspar quyết định làm lại nhà thờ. Đây là nhà thờ thứ hai tại La Vang. Nhà thờ làm trong 15 năm.
-1901 – Khánh thành nhà thờ và tổ chức đại hội 6=8/8/1901. Chính thức công nhận tước hiệu Đức Mẹ La Vang là Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu và chọn kiểu tượng Đức Mẹ chiến thắng: Đức Mẹ đứng trên đám mây và hai tay nâng Chúa Hài Đồng đứng trên qủa địa cầu. Định lệ cứ 3 năm kiệu Đức Mẹ La Vang từ Cổ Vưu vào La Vang ngày mùng 3 Tết Nguyên Đán.
-1923 – Đức Cha Lý (Allys) giao cho cha Morineau xây nhà thờ bằng ngói rộng lớn hơn. Thơ quyên tiền trên toàn quốc.
-1928 – Khánh thành nhà thờ mới và đại hội với sự tham dự của nhiều Đức Cha và nhiều phái đoàn. Đây là đại hội có tính cách toàn quốc đầu tiên và số tham dự khoảng 30.000. La Vang chính thức thành một xứ và có cha sở đầu tiên, cha Thới, tách khỏi Cổ Vưu.
-1932 – Trong đại hội này, Đức Cha Giáo (Chabanon) định rằng đại hội kéo dài trong 3 ngày và tổ chức tại linh địa La Vang.
-1935 – Đại Hội.
-1938 – Đại hội long trọng các ngày 17,18,19/8. Đặc biệt có sự hiện diện của Đức Khâm Sứ Drapier.
-1945-1954 – La Vang dưới quyền kiểm soát của Việt Minh, mọi di chuyển bị hạn chế. Tượng Đức Mẹ La Vang được đưa ra Quảng Trị.
-1946 – Trong thời gian 2 cuộc thế chiến, không có đại hội, nhưng các cuộc lễ vẫn được tổ chức như thường tại La Vang. Ngày 12/9/1946 Lễ Cầu An cho Tổ Quốc đã được cử hành tại La Vang, có sự hiện diện của Nam Phương Hoàng Hậu.
-1953 – Năm Thánh Mẫu trên thế giới. Ngày 8/12/1953 Đức Cha Thi (Urutia) làm lễ trước tượng Đức Mẹ La Vang khai mạc chương trình thánh du tượng Đức Mẹ La Vang.
1954 – Rước kiệu Đức Mẹ La Vang trong các ngày 16, 17 và 18 tháng 5. Khi Việt Nam bị chia đôi (20/7/54), La Vang thuộc vùng tự do. Một số linh mục và giáo dân di cư đến La Vang và mở thành những xứ La Vang Thượng, La Vang Trung, la Vang Tả, La Vang Hữu. Ngày 6/12/1954 Rước tượng Đức Mẹ La vang từ Quảng Trị trở về linh địa và bế mạc năm Thánh Mẫu có Đức Cha Urritia, 40 linh mục và khoảng 20.000 giáo dân.
1955 – Trùng tu nhà thờ La Vang. Tháng 8/1955 đại hội lần thứ 13 được tổ chức với tuần tam nhật. Có 3 Đức Cha đến tham dự : Đức Cha Urritia, Đức Cha Phạm Ngọc Chi, Đức Cha Lê Hữu Từ và 100 linh mục và 20.000 giáo dân.
1958 – Năm Thánh Mẫu kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức. Trong năm này có khoảng 600.000 tín hữu đến hành hương. Lần lượt các phái đoàn do các Đức Cha hướng dẫn : Đức Cha Hiền, Đức Cha Bình, Đức Cha Chi, phái đoàn Kontum. Tam Nhật đại hội 19-22/8. Đức Khâm Sứ Caprio đến chủ tọa ngày Công Giáo Tiến Hành 18/8.
18/3/1959 – Khởi sự trùng tu.
25/3/1960 – Rước Nến do ĐTC Gioan XXIII tặng. Nến này được làm phép trong dịp lễ nến 2/2 và được gửi đi đến các đền thánh để cầu nguyện cho Công Đồng Chung.
13/4/1961 – Các Giám Mục Miền nam họp tại Huế đã định chọn đền thờ Đức Mẹ La Vang làm “đền thờ toàn quốc dâng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ” theo lời khấn ngày 18/12/1960 trong lễ tạ ơn thành lập hàng giáo phẩm. Ngày 22/8/1961 quyết định trên đã được công bố.
8/8/1961 – Các Giám Mục Miền Nam họp tại Đàlạt quyết định:
1. Xin tòa thánh nâng đền thờ lên hàng Vương Cung Thánh Đường (Tòa thánh chấp thuận ngày 20/8/1961).
2. Xây dựng những cơ sở mới tại La Vang: Bàn thờ chính dâng hiến Giáo Hội và Tổ Quốc, các bàn thờ phụ dâng kính các Thánh Tử Đạo Nam, Trung, Bắc – công trường rộng lớn hơn – nhà trọ cho các tín hữu hành hương – tu viện gồm các linh mục chuyên lo chầu Mình Thánh Chúa tại La Vang.
3. Kêu gọi đóng góp để trùng tu và xây cất.
4. Năm Trái Tim Đức Mẹ kéo dài trong 3 năm, thực hiện 3 mệnh lệnh Fatima.
5. Chỉ định một ủy ban phụ trách Trung Tâm Hành Hương và Năm Trái Tim Đức Mẹ.
17 – 22/8/1961 – Dù tình hình chính trị bất ổn tại Huế, vẫn theo thông lệ từ xưa, ĐTGM Nguyễn Kim Điền vẫn truyền tổ chức Đại Hội La Vang lần thứ 16 từ ngày 14 đến ngày 17/5/1964. Trong dịp Đại Hội này có 3 Đức Cha, Đan Viện Phụ Phước Lý, một số đông linh mục thuộc các địa phận Huế, Đà Nẳng, Saigòn, Đàlạt, Nhatrang, nhiều tu sĩ nam nữ và hơn 30.000 giáo dân từ các nơi về tham dự.
Các Giám Mục thuộc miền Nam VN (từ vĩ tuyến 17 trở vào) đã dâng hiến Đền thờ La vang cho Trái Tim Đức Mẹ, để làm trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc. Đền thờ được Đức Thánh Cha Gioan 23 nâng lên hàng Vương Cung Thánh Đường.
Đại Hội và xức dầu cung hiến đền thờ La Vang. Khánh thành Đài Đức Mẹ có 3 cây đa cổ thụ bằng xi-măng cốt sắt do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ làm.
Năm 1968 – Đền thờ La Vang bị pháo kích nặng do chiến cuộc.
Năm 1972 – Chiến cuộc Mùa Hè Đỏ lửa, chiến tranh giữa Cộng hòa và Cộng sản, nhà thờ này bị đổ nát vì bom đạn, hiện nay chỉ còn lại một phần ngọn tháp, nhưng Đài Đức Mẹ còn nguyên.
Năm 1981: Đầu tháng 5 năm 1981, ĐTGM Huế gửi cho giáo dân địa phận thư luân lưu thúc dục tôn sùng tháng Đức Mẹ và chuẩn bị tâm hồn trước 3 tháng cho Đại Hội Đức Mẹ La Vang theo truyền thống từ năm 1901, cứ 3 năm một lần. Năm 1978 vì hoàn cảnh không làm gì được bề ngoài. Năm nay cũng vì hoàn cảnh không làm chi được ngoài việc cầu nguyện dài hơn và sốt sắng hơn. Trước kia Đại Hội kéo dài 3 ngày và cả nước cuốn về có đến hàng trăm ngàn người. Ngày chính là ngày lễ Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Đức Tổng bị công an gọi ra chất vấn 4 lần : “Tại sao có chiến dịch lâu đến 4 tháng?” Đức Tổng trả lời : “Đây là việc nội bộ và thuần túy tôn giáo mà”. Công an bảo “Đây là lỗi với nghị quyết 297, mặc dầu chúng tôi biết ông không chấp nhận 297, nhưng vì đã là luật rồi thì mọi người phải tuân hành …” -“Không có lỗi gì cả, vì chúng tôi không tổ chức cuộc này. Đó là thông lệ có gần 200 năm nay và chính thức đều đặn là từ năm 1901. Đồng bào tự động đi thôi. Ngày đó chúng tôi cũng đi.Nếu có nhu cầu tôn giáo thì chúng tôi phục vụ. Bằng không có thì thôi, chúng tôi đi về.”
Không bắt lẽ được, thì công an xoay qua họp tất cả các linh mục Huế lại một ngày thuyết đủ mọi cách cho đừng hưởng ứng về La Vang. Nhưng tất cả các linh mục đều cương quyết không nghe. Họ lại họp các chức việc trong họ đạo … Nhưng cũng không ai nghe theo. Gần đến ngày, công an họp giáo dân khuyên đủ đều, rồi hăm dọc sẽ phạt nặng nề nếu họ đi về La Vang. Bốn ngày trước lễ, từ khắp nơi dân chúng đổ về đất Mẹ càng ngày càng đông. Công an xét xe nghiêm ngặt, ai đi La Vang đều bị đuổi về. Nhưng ông bà già cả, người lớn trẻ con cứ kéo nhau đi, không đi được xe thì đi bộ từng đoàn, từng đoạn đường. Thanh niên thanh nữ thì đi xe đạp từ Huế ra La Vang cũng hơn 122 cây số. Sáng ngày lễ có hơn 10.000 người rước kiệu Thánh Thể và tham dự Thánh lễ.
“Phải vâng lời Thiên Chúa hơn”. Mọi người thêm phần phấn khởi và cảm nghiệm thêm tình yêu cùng quyền phép của Đức Mẹ Chúa Trời …
– Ngày 26/12/1997 Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gửi thư cho Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng Sứ điệp sau nhân kỷ niệm 200 Đức Mẹ hiện ra tại Lavang:
“Kính gửi Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Tổng Giám mục Hà nội, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt nam.
Nhân dịp khai mạc năm Toàn xá kỷ niệm 200 năm Đức Trinh Nữ Maria hiện ra tại Lavang, tôi nhiệt tình chung vui và tạ ơn Thiên Chúa với các Giám mục Việt nam và với các tín hữu trong các Giáo phận các Ngài.
Tại Đền Thánh này, vốn rất được tín hữu Việt nam quí mến, vang lên một sứ điệp hy vọng mà Mẹ Thiên Chúa đã gửi đến con cái Người vào năm 1798 giữa những thống khổ tinh thần và thể xác, khi Mẹ nói:
” Các con hãy tin tưởng, hãy vui lòng chịu đựng đau khổ, Mẹ đã nhận lời các con cầu xin. Từ nay về sau, hễ ai đến kêu xin Mẹ nơi đây, sẽ được toại nguyện”.
Suốt hai thế kỷ, sứ điệp ấy vẫn luôn luôn hợp thời, đã được sốt sắng đón nhận tại Lavang. Mặc cho những thử thách lớn lao đã đánh dấu dòng lịch sử của Lavang, Trung Tâm Thánh Mẫu này, nay trở thành Trung tâm Toàn quốc, đã duy trì được các cuộc hành hương liên tục như một truyền thống sinh động. Mang tâm sự thầm kín, rất nhiều người, đủ mọi thành phần, đủ mọi hoàn cảnh, đến phó thác cho Mẹ trên trời những khắc khoải và những kì vọng của họ. Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân đều yêu thích tìm được nơi đây sự hiện diện niềm nở của mẹ, Đấng ban cho họ đầy đủ can đảm để làm chứng tuyệt vời về đời sống Kitô hữu trong những hoàn cảnh lắm lúc khó khăn.
Tôi chúc tụng Thiên Chúa đã không bao giờ bỏ rơi đoàn dân tìm kiếm Người, và với sự phù trợ hiền mẫu của Đức Trinh nữ Maria, vẫn tiếp tục dẫn dắt đoàn dân này trong những ngày hạnh phúc cũng như trong những lúc khốn khó.
Tôi cầu chúc cho những tín hữu, trong Năm Toàn xá này sẽ đến cầu nguyện với Đức Mẹ Lavang tại Đền Thánh của Người, hoặc sẽ kêu cầu Người ở những nơi khác, được tìm thấy một sức thúc đẩy tông đồ mới, cho đời sống Kitô hữu của họ, và nhận lãnh ơn an ủi và sức mạnh để đương đầu với những lo âu trong cuộc sống. Tôi mời gọi họ nhìn thấy nơi Đức Maria một người Mẹ mà chính Đức Giêsu đã ban tặng cho loài người, một người mẹ sẽ dẫn dắt họ đến với Người Con thần linh của mình.
… Tôi đồng tâm hiệp ý trong lời cầu nguyện với đông đảo khách hành hương về La vang, và tha thiết khẩn cầu Mẹ Chúa Kitô, Mẹ nhân loại cho toàn thể dân tộc Việt nam, cũng như cho các cộng đoàn Kitô hữu người Việt sống ở nước ngoài. Ước gì họ đặt tin tưởng vào Đức Trinh Nữ Rất Thánh, Đấng đang đồng hành với họ trong cuộc lữ hành trần thế với tất cả tình hiền mẫu.
Dù sống bất cứ nơi đâu, ước gì họ là những môn đệ của Chúa Kitô, trung thành và quảng đại làm chứng nhân cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa ở giữa anh chị em mình.
Kính thưa Đức Hồng Y,
Trong dịp kỷ niệm hồng phúc 200 năm Đức Trinh Nữ hiện ra tại La vang, tôi thân ái gửi phép lành Tòa Thánh đến Ngài, cũng như đến các giám mục, linh mục, những người chuẩn bị làm linh mục, các tu sĩ nam nữ, và toàn thể tín hữu ở Việt nam và hải ngoại.
Vatican, ngày 16-12-1997
Gioan Phaolô II Giáo hoàng
-Năm 1998: Đại Hội lần thứ 25 được tổ chức, kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang. Nhân dịp bế mạc, ĐTC lại gửi cho đức cha Stêphanô Nguyễn Như Thể một sứ điệp nữa, nói lên lòng ưu ái của Ngài:
“…Lòng trí tôi gần gũi với đức cha một cách đặc biệt trong thời gian này khi Giáo hội trên quê hương của đức cha đang tôn vinh Mẹ Đấng Cứu thế…” (Công giáo Việt Nam, niên giám 2004, Hà nội, 2004, trang 507 ).
-Năm 2012, HĐGMVN họp tại Xuân Lộc quyết định đặt viên đã đầu tiên xây Trung Tâm Thánh Mẫu Lavang vào ngày 15-8-2012.
——————-
NHỮNG ƠN LẠ MẸ LAVANG BAN
1. CÂY ĐÈN CẦY VỤT TẮT
Cha Giacôbê Nguyễn Linh Kinh làm cha Sở Lavang (1948-1955) đã ghi lại phép lạ Mẹ ban cho vua Khải Định như sau: Nhân dịp lễ tứ tuần của vua Khải Định, bỗng dưng ngài ngã bệnh đến độ trầm trọng. Các ngự y đều bất lực. Các bác sỹ Pháp cũng bó tay. Lúc ấy có viên quan xin tâu vua về việc cứu chữa linh thiêng của Đức Mẹ Lavang và thỉnh cầu nhà vua tìm tới xin ơn Đấng Thánh Mẫu. Vua Khải Định liền cho mời cụ Nguyễn Hữu Bài vào điện và xuống mạng cho cụ đi Lavang khấn xin cùng Đức Mẹ. Vâng theo thánh dụ, cụ ra Lavang cầu xin Đức Mẹ cho nhà vua được bình phục, để ngày lễ tứ tuần ngài được vui vẻ và khoẻ mạnh để tiếp đãi quan khách. Thực thế, Đức Mẹ đã ban cho vua được bình phục, vì sau lễ tứ tuần, nhà vua đã cho người đến Lavang tạ ơn Đức Mẹ. Năm sau cũng vào dịp này vua bị ngã bệnh lại. Vua lại sai cụ Bài đi khấn xin và mang thêm hai cây đèn cầy lớn dâng kính Đức Mẹ. Tới nơi cụ cho chưng đèn và thắp nến trước bàn thờ Mẹ. Nhưng lạ thay, một cây đèn cầy không chịu cháy, cho dù có sửa tim, cạo nến, ngọn đèn cũng chỉ cháy lên leo lét một chút rồi vụt tắt. Cụ bài luận rằng đó là dấu Đức Mẹ cho biết, Mẹ chỉ nhận một lần này nữa mà thôi, lần sau sẽ không được nữa. Đúng thế, năm sau vua Khải Định lại ngã bệnh và thăng hà trong chứng bệnh hiểm nghèo ấy. (N.S.Đức Mẹ Lavang số 2 tháng 7,1962).
2. CÔ MARIA MỘNG HOA
Ông bà Nguyễn khắc Nhân và Tôn nữ thị Quyên, đã sinh được 3 người con trai. Bà ao ước có thêm một cô Tôn nữ nữa, nên bà thường khấn rằng: “Nêu Mẹ Lavang cho con toại nguyện thì con sẽ trở lại đạo Công Giáo”. Lần kia ông lên Đền Lavang hành hương xin ơn. Khi trở về bà kể cho ông nghe giấc mộng đẹp của bà: Một Bà-Đẹp mặc đồ trắng toát, tay ôm những bông Cúc Thọ kép. Bà xin một bông, Bà-Đẹp cho ngay một bông. Bà xin một bông nữa, Bà-Đẹp mỉm cười rồi biến đi.
Ông tin đó là điềm tốt, Đức Mẹ đã nhân lời ông bà cầu xin. Và thực thế, năm sau (15-8-1913) bà mang thai một người con nữa. Tới ngày sinh mà bà không cách nào sinh được; ông Nhân phải chạy lên Đền Đức Mẹ La Vang cầu khẩn và lấy Nước-Thánh Đức Mẹ đem về cho bà uống và thoa trên trán. Sau khi uống nước bà sinh được liền. Ông bà đặt tên cho con là Nguyễn thị Phi-Phụng và âu yếm nói với con: “Ba ước ao sau này con sẽ được huy hoàng như chim Phụng Hoàng, nhưng khi làm nên sự nghiệp vẻ vang, thì con sẽ phải mang tên hiệu là “Mộng Hoa” để kỷ niệm ơn lạ mà má con đã chiêm mộng”. Năm tháng cứ thế trôi qua, Phi Phụng học hành ngày một khá. Đến lúc lên 16 tuổi, cô đã được báo chí ca ngợi về năng khiếu nghệ thuật của cô. Phi Phụng nhớ lời cha dạy nên đã nhận bút hiệu mới là gái “Mộng hoa”. Cô không hãnh diện về mình nhưng luôn có tâm tình biết ơn đối với Mẹ Lavang. (N.S. Đức Mẹ Lavang số 9, tháng 5, 1962).
3. TÉ BỂ SỌ ĐƯỢC MẸ CHỮA LÀNH
Ngày 25 tháng 5 năm 1932, có cha Phượng và cha Mục sau khi cấm phòng tại Dòng Phước Sơn về, hai cha đến Lavang kính viếng Đức Mẹ. Cha Phượng leo lên tháp chuông coi, mới lên được tầng dưới cao 5 thước, cha bị xẩy chân té xuống nền Xi-măng, sọ bể rạn từng miếng, một đầu gối bị dập, ống chân bị bẻ quặt lại, máu chảy dầm dìa lai láng. Cha bị ngất bất tỉnh nhân sự. Người ta chạy đến nhà thương Quảng Trị mời bác sĩ Phạm văn Hy, nhưng rủi thay bác sĩ đi vắng. Đến 8 giờ tối bỗng nghe có tiếng xe tiến tới trước cửa nhà xứ. Cha Morineau Trung ngỡ là người đón bác sĩ trở về, nhưng không, đó là xe của bác sĩ Hoslé, Quản Đốc Bệnh Viện Huế đi săn bắn, tình cờ đi ngang qua. Ông liền đưa nạn nhân lên xe chở về nhà thương, rồi đánh điện mời bác sĩ Hy trở về. Hai bác sĩ lo săn sóc cho nạn nhân nhưng cả hai đều nói rằng: “Cha có qua khỏi là nhờ phép lạ Đức Mẹ làm mà thôi”. Quả thực phép lạ đã xẩy ra trước sự ngạc nhiên của mọi người. Chỉ sau 10 ngày cha Phượng đã khỏi hết mọi vết thương từ đầu đến tay chân. Bác sĩ tuyên bố: “Đó là ơn thiêng từ trời ban cho cha. Một phép lạ Đức Mẹ ban cho Cha, chứ không có tài nghệ nào chữa lành mau như thế được”. (Phép lạ này đã được tường thuật trong Tạp Chí Hội Truyền Giáo, xuất bản tại Balê tháng 4 năm 1932).
4. BỐN MƯƠI NĂM MỘT GIÒNG LỆ
Ngồi liên tưởng đến Thánh Lễ Đại Trào Khai mạc năm Toàn xá, kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lavang và kỷ niệm 10 năm Phong Thánh Tử Đạo Việt Nam. Tôi hồi tưởng về một khung trời ấu thơ xa xưa với một biến cố trọng đại đến với gia đình tôi cách đây 40 năm về trước, vào một ngày cũng mưa gió như hôm nay.
Năm 1958, ba tôi làm việc tại Bệnh viện Trung Ương thành phố Huế. Mỗi tháng ông cùng các bác sĩ đi thanh tra các Bệnh viện nhỏ trong vùng một lần. Hôm ấy ông sửa soạn đi thăm bệnh viện Quảng Trị, cách thành phố Huế khoảng 65 cây số về phía Tây Bắc.
Tôi còn nhớ rõ hôm đó trời mưa lạnh, mưa rả rích suốt ngày. Ba tôi chuẩn bị lên đường. Ba tôi mặc chiếc Jacket bằng da và dặn dò mẹ tôi một vài điều gì đó rồi vội vã ra xe.
Bước xuống mấy bậc thềm, ông gặp ngay cha Cao văn Luận, người cùng quê quán với cha tôi. Ngài rất thương yêu gia đình tôi và niềm mong mỏi của ngài là được thấy gia đình tôi theo Đạo. Điều mà đối với cha mẹ tôi là một trở ngại rất lớn, không thể nào thực hiện được. Họ hàng cả hai bên đều không có ai theo Đạo Công Giáo, vả mẹ tôi đã quy y, pháp danh là Nguyên Kha. Mẹ tôi cũng đã xây chùa cho làng ngoại tôi ở Huế. Cả một đời mẹ hy sinh cho hạnh phúc của chồng con, nhưng trong vấn đề tín ngường bà rất là cương quyết, vì thế ba tôi cũng rất tôn trọng mẹ tôi, mặc dù ông rất mến cha Luận.
Cha Luận gặp ba tôi, ngài đưa cho ông một tấm ảnh và bảo: “Tôi mới đi kiệu ngoài Lavang về. Đức Mẹ đã làm nhiều phép lạ và rất linh thiêng, ông hãy giữ lấy mà cầu nguyện”. Ba tôi cười cười, nói cám ơn cha, rồi thuận tay ông nhét tấm ảnh vào túi trong của áo Jacket: “Con phải đi ngay cha ạ, mọi người đang chờ con ở ngoài kia”. Vừa nói ông vừa chào từ giã rồi đi ra xe.
Buổi chiều trong khi người làm dọn cơm, chúng tôi ngồi nghe mẹ kể chuyện. Mẹ đang kể một đoạn trong câu chuyện “những kẻ khốn cùng” của văn hào Victor Hugo, thì chúng tôi nhận được hung tin. Chiếc xe chở ba tôi và bốn người nữa bị lật tại cầu Giồng Quảng Trị chìm xuống sông rồi. Tất cả đều tử nạn. Bệnh viện báo tin và yêu cầu gia đình đến ngay để nhận xác về mai táng.
Trước biến cố bất ngờ, mẹ tôi như người bị sét đánh, sững sờ ôm lấy chị em chúng tôi. Làm sao tôi có thể diễn tả hết nỗi đau đớn trong lòng mẹ tôi lúc này… Mẹ tôi và chị em tôi theo xe bệnh viện ra Quảng Trị lấy xác cha. Đến nơi, tại trạm gác nhỏ nằm cuối chân cầu, xác của ba ông bác sĩ và nhân viên bệnh viện đã được vớt lên, còn thi hài ba tôi chưa tìm thấy. Người ta chưa vớt được, nhưng quả quyết rằng ông cũng cùng một số phận với những tử thi đang nằm đó, vì ông ở dưới nước quá lâu. Thân nhân của các nạn nhân đã có mặt đông đủ, họ kêu gào khóc lóc rất não lòng. Em tôi còn nhỏ chưa hiểu lắm, nép trong vòng tay mẹ ngơ ngác nhìn quanh: “Ba đâu, ba đâu mẹ!”. Mẹ tôi chưa kíp dỗ dành thì bỗng có tiếng người la lớn: “Đây rồi, vớt được xác cuối cùng rồi”.
Là ba tôi đó. Mẹ tôi nhào tới. Người ta khiêng xác ba tôi đặt lên chiếc băng ca. Lại có tiếng la lên: “Trời ơi, ông ta hình như chưa chết. Còn thở, hơi thở yếu lắm. Làm hô hấp cho ông ta ngay đi”.
Và ba tôi quả còn sống thật. Mẹ tôi qùi xuống lạy trời lạy đất. Cám ơn Trời-Phật đã cứu sống ba tôi. Nước mắt mẹ tôi một lần nữa tuôn trào, nhưng lần này là giòng nước mặt hạnh phúc không ngờ. Chúng tôi quỳ xung quang băng ca. Ba tôi tỉnh lại hẳn. Ông nói bằng một giọng thật yếu ớt, câu nói đầu tiên tôi không bao giờ quên được: “Hãy xin cha rửa tội, rửa tội cho cả nhà. Đức Mẹ Lavang đã chữa ba”.
Nói xong, ông đưa tay vào túi áo lục lọi kiếm tìm, ông rút ra một tấm ảnh Đức Mẹ La vang, tấm ảnh mà Cha Luận đã cho ông trước chuyến đi định mệnh. Ba tôi nói tiếp: “Đây chính Bà này đã cứu ba. Ba bị mắc kẹt trong gầm xa không sao ra được. Bà đã đến lôi ba ra. Ra khỏi cửa xe, Bà đẩy ba nổi lên mặt nước và nói “Ta là Mẹ Lavang, Ta đến cứu con”.
Tôi chợt nghĩ lại: Nếu ngày hôm ấy ba tôi không vội vàng ra đi và có thời giờ tiếp chuyện cha Luận, thì có lẽ bức ảnh Đức Mẹ Lavang đã bị bỏ quên trong ngăn kéo cùng với sự hững hờ của ba mẹ tôi rồi. Sau biến cố đó, gia đình tôi gồm ba mẹ và 7 anh chị em được rửa tội trong sự tự nguyện rất hoan hỷ của mẹ tôi. Ba vị Linh mục thân thiết nhất của gia đình là cha Cao văn Luận, cha Ngô văn Trọng, cha Vũ minh Nghiễm dạy giáo lý cho gia đình, đã dâng Thánh Lễ và ban phép Rửa Tội cho chúng tôi tại Thánh Đường Đức Mẹ Lavang Quảng Trị. Mẹ tôi vui mừng hân hoan và tin tưởng, bà lần chuôi Mân Côi mỗi ngày. Cho đến ngày nhắm mắt, bà vẫn là một tín đồ sốt sáng, sùng kính Đức Mẹ tuyệt đối. Đây là hình ảnh cuối đời của mẹ tôi.
Tôi còn nhớ, sau ngày gia đình chịu Phép Rửa Tội, mẹ tôi đã phải chịu đựng biết bao lời ra tiếng vào của họ hàng và những người quen biết…. Mỗi lần than vãn với Mẹ thì mẹ tôi lại khuyên: “Ba là cột trụ, là nguồn sống của gia đình. Đức Mẹ đã cứu sống ba là cứu sống cả gia đình chúng ta. Vì thế dù cho phải chịu bao nhiêu thử thách, khó khăn cũng phải chấp nhận, để cảm tạ ân sủng đó. Tình yêu luôn luôn có cái giá phải trả, và cái giá đó có nghĩa gì đâu với ân huệ mà Đức Mẹ đã ban cho gia đình chúng ta”.
Mẹ tôi nói đúng, ơn lạ mà Mẹ Lavang đã ban là một biến cố lớn trong đời sống tâm linh của gia đình, cùng là một biến cố trong lịnh sử gia tộc. Ba tôi năm nay đã gần 90 tuổi. Ông vẫn còn giữ và kính tấm ảnh năm xưa đã cứu mạng ông. Tấm ảnh ngày nay đã mờ nhạt theo thời gian, nhưng mỗi ngày ông vẫn ngồi bên Mẹ, đọc kinh, cầu nguyện, truyện vãn với Mẹ một cách thân tình.
Câu chuyện này vẫn thường được tôi kể lại cho các cháu nghe như một chuyện thần thoại nhưng có thực, chuyện xẩy đến từ một phép lạ của Đức Mẹ Lavang đối với gia đình tôi nói riêng và nhiều gia đình khác nói chung.
Ngày đại lễ khai mạc Năm Thánh hôm nay trời mưa nhiều. Tôi lái xe đi trong cơn mưa như trút, nhưng lòng tôi hạnh phúc vô cùng vì tôi được có Chúa, có ánh sáng niềm tin của Ngài chiếu rọi tâm hồn tôi. Tôi có tình yêu bao la rộng mở của Đức Mẹ đã đến với gia đình tôi từ thuở tôi mới lên 10… Ngày nay tôi cũng vẫn cảm thấy mình may mắn, đã được hưởng một ân huệ quá đặc biệt đến từ tình yêu bao la không bờ bến của Đức Mẹ….
California ngày 22 tháng 2 năm 1998. Lê tín Hương. (trích từ Báo Hiệp Nhât số 64, tháng 4, 1998).
5. TÌNH MẸ BAO LA
… Gia đình hoàn toàn ngoại giáo, lại nghèo nên bố tôi phải lên núi kiến trầm về bán nuôi sống gia đình. Nhưng chẳng may bố tôi bị một nhánh cây khô nhọn đâm xuyên bàn chân. Các bạn phải cõng bố tôi về. Tới nhà thì chân đã mưng mủ, nhức nhối, suốt ngày chỉ ôm chân kêu đau rên rỉ. Các cha, các Sơ đến thăm và chữa trị nhiều lần nhưng cũng không bớt. Có người nói trong thịt xương bàn chân còn nhiều miếng gỗ cứng sinh độc cần phải mổ mới lành. Bố tôi đi nhà thương soi điện nhưng chẳng thấy gì, còn bác sỹ thì nói phải cưa chân đi mới khỏi. Mẹ tôi sợ bố què cụt không làm được việc nên không cho. Bố tôi phần thì lo buồn vì sợ chất độc chạy lên tim đe dọa mạng sống, phần thì đau đớn không thể làm gì nuôi sống gia đình.
Ở rú làng tôi có hòn đá trắng giống hình người nằm dưới bụi vòi voi xum xuê. Người ta đồn rằng “Ông Đá” thiêng lắm, đêm khuya trời tối ông thường ngồi dậy trò truyện với các hồn ma trong nghĩa địa. Vì thế dân làng ai đau yếu cũng nấu nước chè xanh mang đến đây cầu khẩn rồi đem về uống. Mẹ tôi còn hơn thế nữa, bà dìu bố tôi ra đây khóc lóc cầu xin “Ông Đá” thương tình, nhưng bố tôi chẳng thuyên giảm chút nào. Tình thế gia đình ngày càng nguy ngập.
Cuối hè năm ấy, nhân có Đại Hội Thánh Mẫu Đức Mẹ Lavang, Sơ Camille là cô giáo dạy tôi học, gợi ý đem bố tôi đi Lavang nhờ Đức Mẹ cứu giúp. Sơ biết gia đình tôi ngoại giáo, lại túng thiếu, nên trình cha xứ cho nhập đoàn với giáo dân, đi chung chuyến xe đò và ăn ngủ với họ không phải tốn tiền. Nghe chuyện ấy mẹ tôi mừng lắm nên xin cùng đi theo. Lòng bố thì nghi ngờ, nhưng vì ngộ biến nên phải tòng quyền. (Gia đình tôi ngoại đạo, nhưng tôi học trường Công giáo, nên mọi kinh nguyện tôi xin nhận đọc cả để bố tôi yên lòng. Bố chỉ cần có lòng thành tâm thôi). Bố tôi hỏi:
– Thành tâm là thế nào?
– Là trong bụng bố đặt hết tin tưởng vào Đức bà.
Mẹ tôi vui mừng rưng rưng nước mặt bảo bố:
– Ông phải ăn chay mấy ngày và hết lòng cầu xin Bà Tiên giúp cho, không thì nguy lắm.
Tôi nói:
– Đức Bà chỉ cần lòng thành thôi, bố không cần ăn chay.
Gia đình tôi gia nhập đoàn hành hương trong bầu không khí đầy niềm tin. Mỗi sáng mỗi chiều, mẹ dìu bố đến trước tượng Đức Mẹ bồng con đứng dưới tàng cây đa cầu xin âm thầm, vì điều gì có trong trí nghĩ thì Đức Mẹ cũng đã biết hết rồi.
Buổi chiều bế mạc, mẹ tôi được Sơ dẫn lên ngọn đồi phía sau để múc nước Thánh và hái lá Vằng đem về. Sơ nói với mẹ tôi:
– Thím về, cho chú uống nước này, còn lá Vằng thì giã nhỏ đắp lên vết thương cho chú, cả nước và lá này đều thiêng lắm. Không phải bây giờ Đức Bà mới giúp người ốm đau ngặt nghèo vô phương chạy chữa đâu, mà cả gần 200 năm nay rồi. Mẹ đã hiện xuống giữa vùng núi non hẻo lánh này và nói với những người bất hạnh như thế. Nhưng thím phải nói với chú cầu nguyện và thật lòng nương nhờ Đức Mẹ mới được.
Đúng là phép lạ, bố tôi dùng nước và lá ở đồi Lavang một thời gian thì trong người bố tôi khỏe khoắn, tươi vui hẳn lên. Chân của bố từ từ líp thịt, đâm da non rồi lành hẳn. Bà con hàng xóm nghe tin ai cũng đến mừng. Bố tôi nói:
– Nếu không có Bà Tiên ngoài xứ Lavang, Quảng Trị thì tôi cụt chân hay mất mạng rồi.
Sau đó bố tôi đem nước và lá còn lại cho những người đang đau ốm, lại nói tôi ở lại nhà đọc kinh cho họ nữa. Dĩ nhiên là ai cũng được Đức Mẹ cứu chữa cả…. (Hồi ký :Vân Hà. Trích trong Báo Hiệp Nhất số 64 tháng 4, 1998).
Vậy để thể hiện tinh thần của Mẹ Lavang, chúng ta hãy sống cách đích thực tinh thần của Mẹ (Vững lòng cậy trông, yêu mến, tin tưởng, hy sinh và hợp nhất) trong những ngày chuẩn bị mừng Năm Thánh 2000 và chuẩn bị mừng 200 năm Đức Mẹ hiện ra tỏ tình thương với dân tộc Việt Nam.
ĐỨC MẸ LA VANG
Cơn bách đạo đời vua Cảnh Thịnh,
Tự trong triều có lịnh ban ra,
Bao nhiêu các Cố, các Cha,
Bắt cho kỳ hết chẳng tha người nào.
Đoàn Chiên Chúa gặp bao đau khổ,
Sống bơ vơ không có chủ chăn,
Sớm hôm lần chuỗi siêng năng,
Cầu xin Đức Mẹ đoái thương sự tình.
Ôi biết bao cực hình quái ác,
Cắt cổ, bêu đầu, xé xác, phanh thây…
Người ngựa xé, kẻ voi dày,
Người giam ngục tối, kẻ đầy rừng sâu.
Thánh đường bị tịch thâu, đóng cửa,
Ảnh tượng thì phóng lửa thiêu tan,
Mặc cho dân Chúa than van,
Mặc cho nước mắt chảy tràn biển khơi.
Dân gian chẳng còn nơi lẩn tránh,
Rủ nhau cùng tạm lánh Lavang,
Nơi đây rừng rú xa xăm,
Khấn xin Mẹ Chúa thiên đàng cứu nguy.
Bỗng Đức Mẹ từ bi hiện đến,
Khuyên vững vàng cậy mến Chúa Trời,
Dù cho sóng gió tơi bời,
Các con sẽ được an vui xác hồn.
Còn những ai yếu mòn thể xác,
Bệnh lâu năm chẳng bớt chẳng thuyên,
Lá cây rửa sạch nấu lên,
Nghe lời Mẹ dạy, uống liền tiêu tan.
Hôm nay đây đoàn con kính nhớ,
Nhớ năm xưa Mẹ Chúa uy quyền,
Phép lạ Mẹ ban nhãn tiền,
Cứu con thoát khỏi ưu phiền lắng lo.
Xin Mẹ thương chở che dẫn dắt,
Người Việt Nam tản mát khắp nơi,
Cậy tin, mến Chúa, yêu người,
Đợi ngày xum họp yên vui một nhà.
Dân trong nước thái hòa thịnh vượng,
Đạo Chúa Trời lan rộng Bắc Nam,
Từ Cà Mâu đến Nam Quan,
Vinh danh Thiên Chúa bình an muôn đời.
XN–CMMNGEN-B4A6JG1264FNQA.VN