Du lịch Kon Tum, Kinh nghiệm Phượt Bụi Kon Tum

1624

du-lich-kon-tum

Nhà Thờ Gỗ Kon Tum. Ảnh : Quang Vũ

Kon Tum là tỉnh xa nhất về phía bắc của khu vực Tây Nguyên, là tỉnh có cửa khẩu với Lào và Campuchia, còn được gọi là ngã ba Đông Dương. Trong tiếng Ba Na, Kon Tum có nghĩa là làng ở vùng hồ, xưa là một vùng đất hoang vắng, đất rộng người thưa, những buôn làng của người Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng, B’Râu, R’Mâm… rải rác ở các vùng cư trú khác nhau mà không tập trung vào cùng một khu vực. Phần lớn diện tích tự nhiên của Kon Tum nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn nên địa hình nghiêng dần từ Đông sang Tây và thấp dần từ Bắc xuống Nam. Vùng này cũng là nơi bắt nguồn của nhiều con sông lớn như sông Cái (chảy sang Quảng Nam), sông Sê San (chảy sang Campuchia), sông Ba (chảy sang Phú Yên).

Như vậy có thể nói du lich Kon Tum gắn liền với thiên nhiên hoang dã do đặc thù về mặt tự nhiên và mang đậm dấn ấn văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của các dân tộc bản xứ.

Trung tâm Kon Tum hiện nay là thành phố Kon Tum, nằm ở phía Nam tỉnh, bên bờ sông Đak Bla, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 600km, cách Quy Nhơn 215km. Ngoài thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum còn có các huyện: Đak Glei, Đak Hà, Đak Tô, Kon Plong, Kon Rẫy, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Tu Mơ Rông.

Nên đi Kon Tum vào thời gian nào

Khí hậu khu vực này cũng tương tự các tỉnh Tây Nguyên khác nên tháng 12 cũng là thời điểm đẹp để các bạn tới Kon Tum. Đây vừa là mùa khô nhưng cũng không nắng nóng như tháng 3,4. Ngoài ra, đây là thời điểm dã quỳ nở rực rỡ, lúa chín vàng trên khắp các cung đường và là mùa lễ hội của nhiều dân tộc khu vực này.

Bên cạnh các kinh nghiệm Du lịch Kon Tum, bạn cũng nên Tham khảo các bài viết khác về Tây Nguyên như:

Đi đến Kon Tum như thế nào

Đường Hàng Không

Kon Tum không có sân bay nên nếu các bạn muốn tới Kon Tum bằng máy bay thì các bạn sẽ phải bay tới sân bay Pleiku, cách Kon Tum 50km.
Sân bay Pleiku có các tuyến bay tới Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh của Vietnamairlines, nhưng giá các chuyến bay này cao hơn so với những chuyến bay đến Buôn Ma Thuột hay Đà Lạt. Giá 1 chiều Hà Nội – Pleiku trung bình khoảng 1tr8-2tr5. Bay từ TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng hiện nay thì rẻ hơn một chút.

Chuyến bay Hà Nội/ TP Hồ Chí Minh – Pleiku ngày nào cũng có 01 chuyến nhưng Đà Nẵng – Pleiku thì không có chuyến vào Thứ 2 và Thứ 4. Hiện chuyến Đà Nẵng – Pleiku đang có khuyến mại khoảng 800k/chiều.

Từ sân bay Pleiku các bạn có thể bắt xe bus giá khoảng 30-35k/lượt để đi Kon Tum. Hoặc đơn giản hơn là đi taxi.

Đi Kon Tum bằng đường Bộ

Từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc

    • Xe Đăng Khoa: Hà Nội – Kon Tum, chạy từ Giáp Bát lúc 8h45, chạy từ Kon Tum lúc 7h30, SĐT: 060 3864606 – 0905 010269.
    • Xe Đăng Khoa: Hải Dương – Kon Tum, chạy từ Hải Dương lúc 7h, chạy từ Kon Tum lúc 15h30, SĐT: 060 3864606 – 0905 010269.
    • Xe Việt Tân: Hà Nội – Kon Tum, gọi SĐT 060 3913999 – 0169 6823334(5) để biết giờ xe chạy.

Từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam

  • Xe Đăng Khoa: Ngọc Hồi – Kon Tum – TP HCM, chạy từ Ngọc Hồi lúc 16h30, từ Kon Tum 18h30-19h, từ TP HCM lúc 18h-18h30-19h. SĐT: 060 3864606 – 08 22478379 – 0985222679.
  • Xe Việt Tân: TP HCM – Kon Tum. Gọi SĐT: 060 3913999 – 0986 823355(66) để biết giờ xe chạy.
  • Xe Tây Nguyên: TP HCM – Kon Tum. Gọi SĐT: 060 3918888 – 0913 468502 – 0982878889 để biết giờ xe chạy.
  • Xe Tư Phầu: TP HCM – Kon Tum, xe chạy 17h45 mỗi ngày. SĐT: 060 3863999 – 0903 531458.
  • Xe Việt Tân Phát: TPHCM – Kon Tum, xe chạy lúc 18h20 từ TP HCM. SĐT: 08 35118888 – 060 3918555.
  • Xe Việt Tân Phát: TP HCM – Ngọc Hồi, từ TP HCM lúc 16h30-19h30, từ Ngọc Hồi lúc 16h-17h30. SDDT: 08 35118888 – 060 3540888.
  • Xe Đồng Tiến: TP HCM – Kon Tum, xe chạy lúc 17h20. SĐT: 060 3862108 – 0982 512323.
  • Xe Long Vân: TP HCM – Kon Tum – Ngọc Hồi, xe chạy lúc 18h20 từ Kon Tum, lúc 18h30 từ TP HCM. SĐT: 060 2211823 – 0905 514289

Từ Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung

Xe Mai Linh: Đà Nẵng – Kon Tum, giá vé 160k, 1 ngày có 4 chuyến. Các bạn có thể gọi SĐT: 0511 3792929 để đặt chỗ. Xe xuất phát từ bến xe Trung tâm, số 201 đường Tôn Đức Thắng.

Di chuyển trong thành phố Kon Tum

Để di chuyển trong Kon Tum hoặc đi chơi ra các khu vực xung quanh các bạn có thể thuê xe máy, ô tô hoặc taxi. Ở Kon Tum có taxi Mai Linh, 060 3838383 và taxi Vinh Sơn, 060 38585855. Thường mình thấy Mai Linh khu vực miền Trung phục vụ khách rất tốt, xe mới và đẹp nhưng mới đây trên báo có đưa tin tài xế taxi Mai Linh lấy thẻ ATM của khách, nên tốt nhất các bạn đi lại cứ nên cẩn thận đồ đạc, hành lý của mình.

Nếu các bạn đi nhóm đông người có thể thuê xe ô tô đi 1-2 ngày tùy theo lịch trình của mình ra các huyện khác của tỉnh Kon Tum. Các bạn có thể liên hệ với khách sạn mình ở để hỏi giá thuê xe sao cho hợp lý nhất.

Ở Kon Tum không thịnh hành dịch vụ cho thuê xe máy lắm nên nếu muốn thuê xe máy đi chơi thì các bạn nên hỏi thuê ở quầy lễ tân hoặc bảo vệ của khách sạn. Một số khách sạn không có dịch vụ này nhưng bảo vệ sẽ liên hệ hỏi thuê của xe ôm gần đó giúp các bạn. Giá rơi vào 120-150k/ ngày, xăng tự đổ.

Tuy nhiên, việc di chuyển bằng xe máy ở đây các bạn nên chú ý một số điểm:

Đi đúng tốc độ, khi mình đi Tây Nguyên mình bị bắn tốc độ ngay đầu vào thành phố Pleiku nên sau đó khi đi sang Kon Tum mình khá đề phòng. Đặc biệt trên đường từ Kon Tum đi Đak Tô, Ngọc Hồi có khá nhiều điểm cảnh sát giao thông bắn tốc độ. Nhưng họ ra giữa đường bắn chứ không bắn kiểu “núp” như ở miền Bắc. Nhưng csgt ở khu vực này khá dễ tính. Hôm đó mình có trình bày là xe thuê để đi chơi thôi, mải ngắm nhìn biển chỉ đường nên không chú ý có đi quá một chút nên họ cũng không làm khó khăn gì. Giữ lại hỏi han một lúc rồi cho đi tiếp mà không bị phạt. Nhưng hôm đó mình đi 45/40km, nên cũng không chắc nếu các bạn đi 60/40 thì có lẽ vẫn bị phạt như thường.

Biển chỉ đường khu vực Tây Nguyên này mình thấy không được rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn nên có rẽ vào địa điểm nào đó thì vẫn nên kiếm người dân địa phương để hỏi cho chắc.

Đường từ Kon Tum ra các khu vực xung quanh có những đoạn vẫn đang làm nên khá xấu, nếu trời mưa các bạn nên cẩn thận, tránh đi vào vũng nước vì có thể đó là những ổ gà rất lớn.

Ăn uống ở Kon Tum

Ăn uống ở Kon Tum giá thành cũng rất rẻ. Buổi sáng, mình có mua ổ bánh mỳ heo quay 10k và vào quán cà phê khá to đẹp ngồi ăn sáng mà giá chỉ có 5-10k/ly. Một lần mình đi Tây Nguyên vào tháng 4, đây chính là những ngày đầu tiên của mùa mưa ở Tây Nguyên nên sáng nào cũng mưa rất lớn. Mình thường trả phòng khách sạn, mua 1 ổ bánh mỳ và vào quán cà phê ngồi đợi khoảng 9 rưỡi hết mưa thì bắt đầu hành trình của ngày hôm đó. Thỉnh thoảng cũng mưa quá trưa, nên tốt nhất các bạn nên tránh đi chơi vào mùa mưa.

Gỏi Lá Kon Tum

Món ăn nổi tiếng nhất ở Kon Tum có lẽ là gỏi lá với 40 loại lá khác nhau, một số loại rất quen thuộc nhưng một số loại phải kiếm từ trong rừng sâu. Lá gói cùng thịt ba chỉ, tôm rang, bì trộn bột gạo nếp rang (mình thường gọi là nem thính)… chấm một loại nước chấm đặc biệt được làm từ bỗng rượu và trứng. Các bạn trên các diễn đàn du lịch chia sẻ kinh nghiệm ăn gỏi lá ngon hất ở Quán Út Cưng, nằm trên đường Trần Cao Vân, các bạn đi hết đường nhà thờ Gỗ thì rẽ trái là đường Trần Cao Vân (060. 3912432). Giờ quán còn có cả Facebook thì phải. Ngoài gỏi lá, các bạn có thể thưởng thức thêm món Bê non nướng mọi cũng rất ngon.

Nếu các bạn ở homestay trong các Làng Văn hóa thì nên thưởng thức các món nướng ống tre hay cơm nướng lồ ô (cơm lam), uống rượu cần. Tùy khu vực người dân tộc nào sinh sống sẽ có những món đặc trưng của dân tộc đó nữa nhưng ở những khu vực này khi đến tham quan các bạn nên đặt đồ ăn luôn để họ chuẩn bị. Ví dụ như dân tộc R’Mâm có món Cá gỏi kiến vàng; dân tộc B’Râu có món lá mì muối chua, gà rừng trộn lá mí, lá mì nấu cá khô…; người Giẻ Triêng có món thịt chuột đồng nước hoặc gác bếp, cá chua… Người dân tộc vùng này còn có món rau dớn hay cà đắng ăn thay rau cũng rất đặc sắc, các bạn nên thử. Theo kinh nghiệm của mình thì cứ tùy vào việc các bạn tới khu vực nào mà chọn món đặc sản của khu vực đó mà thưởng thức. Thưởng thức tại nơi làm ra nó, nguồn gốc của nó chắc hẳn món ăn sẽ mang một hương vị đặc biệt, sẽ không giống như chúng ta ngồi ở Hà Nội hay TP HCM ăn nó đâu.

Trong khu vực thành phố có một vài quán ăn ngon mà các bạn nên thử như:

  • Quán mỳ A Tỷ, mỳ hoành thánh, phở bò viên, bò tái ngon, hợp khẩu vị dân Bắc như mình, 20-25k/ bát, 67 Hoàng Văn Thụ.
  • Thịt trâu: gần quảng trường Thành phố.
  • Thịt dê: 58 Phan Chu Trinh.
  • Quán ốc: bùng binh Phan Đình Phùng.
  • Bún cua: đường Bạch Đằng, nhìn ra bờ sông Đak Bla, gần đoạn rẽ trái sang phía Nhà Thờ Gỗ, quán bán buổi chiều tối. Quán này khách rất đông nhưng mình thấy vị hơi ngọt.

Muốn ăn đêm các bạn ra khu vực đường Trần Quang Khải, có vô số món để các bạn lựa chọn: cháo chim câu, bánh xèo, phở khô…
Cà phê thì cá nhân mình thấy cứ nêu tên quán cho các bạn yên tâm chứ quán nào mình thấy cũng ngon. Cà phê ở khu vực này không phải kiểu chỉ pha bằng 1 loại bột cà phê mà các chủ quán thường trộn nhiều loại bột với nhau để tạo ra hương vị khác biệt. Mình từng được tặng cả kg cà phê kiểu đó mang về nhà tự pha chế uống và không hề có ai chê cà phê mình pha cả.

Có một vài quán cà phê có không gian đẹp như: Indochine Coffee, nằm cạnh Khách sạn Indochine, I love Kon Tum trên đường Nguyễn Trãi, cà phê Eva – Tượng nhà Mồ ở số 1 Phan Chu Trinh…

Nhà nghỉ Khách sạn ở Kon Tum

Thành phố Kon Tum khá nhỏ và có các tuyến phố chính như: Phan Đình Phùng, Trường Chinh, Duy Tân… Khi đi du lịch Kon Tum các bạn nên ở những khu vực trung tâm như thế này để tiện cho việc đi chơi của mình.

Ở đây chỉ có 1 khách sạn 3* là Indochine Hotel Kon Tum nhưng giá phòng tương đối vừa phải, từ 500-800k/phòng đôi nên khách du lịch thường lựa chọn ở đây. Khách sạn này nằm ngay đầu cầu Đak Bla, số 30 đường Bạch Đằng.

Cũng tầm giá như vậy còn có Nhà Khách Tỉnh ủy Kon Tum, số 98 Trần Phú, nằm ngay cạnh UBND tỉnh.

Các khách sạn khác trong khu vực này giá khá rẻ so với các tỉnh khác trong cùng khu vực như Pleiku, Buôn Ma Thuột hay Đà Lạt. Chỉ với giá 200 – 300k các bạn đã có thể tìm thấy một phòng đôi sạch sẽ, nội thất đẹp, tiện nghi. Thậm chí còn có cả phòng với mức giá 120k.

Các bạn có thể tham khảo một vài địa chỉ dưới đây:

  • Khách sạn Family Kon Tum – số 235 đường Trần Hưng Đạo
  • Khách sạn Bình Minh – số 204 Trần Hưng Đạo
  • Khách sạn Hữu Nghị – số 73 Bà Triệu
  • Khách sạn Thịnh Vượng, 16B Nguyễn Trãi, giá phòng 200k, SĐT: 060 3914729. Ở đây còn có cả phòng được trang bị máy vi tính (thêm 50k/phòng).

Ngoài ra, ở Kon Tum các bạn có thể ở homestay trong các khu làng văn hóa như làng văn hóa Kon K’lor, Kon K’Tu, giá khoảng 40k/người. Nếu các bạn đi đoàn đông thì liên hệ với làng để ở như vậy là vui nhất.

Du lịch Kon Tum

Các điểm thăm quan trong Thành phố Kon Tum

Khu vực Thành phố Kon Tum có khá nhiều điểm du lịch hấp dẫn, tuy nhiên, và nếu có điều kiện du lich Kon Tum bạn không thể bỏ qua các điểm du lịch sau:

Nhà Thờ Gỗ Kon Tum

Nhà thờ Gỗ Kom Tum chính là Nhà thờ Chính tòa Kon Tum nằm trên đường Nguyễn Huệ, được xây dựng từ năm 1913, nằm ngay giữa trung tâm thành phố. Công trình này là sản phẩm kết hợp giữa lối kiến trúc Roman và kiểu nhà sàn của người Ba Na với vật liệu hết sức gần gũi là gỗ khiến đây trở thành một công trình tôn giáo nhưng mang đậm chất Tây Nguyên.

Kiến trúc bên trong nhà thờ khá ấn tượng, mang dáng vẻ uy nghiêm vốn có của các nhà thờ phong cách Châu Âu, lúc mình đến là buổi trưa nhưng vẫn có lác đác người quỳ cầu nguyện nên cũng không chụp ảnh phía trong nhà thờ. Trong khuôn viên nhà thờ còn có cô nhi viện, cơ sở thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, may, thêu. Nếu các bạn mang theo ít bánh kẹo để chia cho các em nhỏ ở đây thì chúng sẽ thấy rất tuyệt.

Cách Nhà Thờ Gỗ một con đường, bên đường Trần Hưng Đạo là Tòa Giám Mục Kon Tum, hay còn được gọi là Chủng viện Thừa Sai Kon Tum, được xây dựng vào năm 1935. Đây cũng là một công trình kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc Phương Tây hiện đại và lối kiến trúc dân tộc bản địa truyền thống. Trong khuôn viên có bức tượng Đức Mẹ Mang Gùi, hình ảnh Đức Mẹ trong dáng dấp Tây Nguyên rất đặc trưng. Khi vào thăm Tòa Giám Mục, các bạn không nên bỏ qua Bảo tàng văn hóa các dân tộc anh em ở Bắc Tây Nguyên. Bảo tàng mở cửa từ 7h30-11h, 14h-17h, hoàn toàn miễn phí.

Nhà Rông Kon K’lor

Đi đến cuối đường Trần Hưng Đạo, tới sát khu vực bờ sông Đăkbla, các bạn sẽ nhìn thấy khuôn viên Nhà Rông Kon K’lor. Đây là nhà Rông văn hóa truyền thống lớn nhất Tây Nguyên thuộc làng Kon K’lor, phường Thắng Lợi, Kon Tum. Đây là ngôi làng ngay trung tâm thành phố nhưng trong làng còn rất nhiều những ngôi nhà rông Ba Na với những cột gỗ có hoa văn, họa tiết rất công phu. Làng còn có cả đội cồng chiêng và múa xoang để phục vụ các dịp lễ hội diễn ra ở Nhà rông KonK’lor và sẵn sàng phục vụ các đoàn khách lớn.

kinh-nghiem-du-lich-kon-tum

Cầu Kon K’Lor . Ảnh Gavin White flickr.com/gavinkwhite/

Hôm mình tới đây thì nhà rông không đón tiếp đoàn khách nào lớn nên giống như mình có cả căn nhà vậy, tha hồ đi ra đi vào, leo lên leo xuống, chụp ảnh ở mọi góc mình muốn, tạo dáng đủ kiểu. Nhưng nhà rông này là nhà rông mới được xây dựng lại trên nền đất cũ sau khi ngôi nhà bị cháy vào năm 2010. Ngay cạnh Nhà rông Kon K’lor là Cầu treo Kon K’lor, cây cầu dây văng lớn nhất ở khu vực này nối liền hai bờ sông Đak Blar.

Du khách đến Kon Tum thường đến tham quan cây cầu này vào buổi chiều tà để ngắm hoàng hôn trên dòng sông Đak Blar, ngắm mặt trời chiếu ánh sáng đỏ rực xuống dòng sông.

Đi qua cầu, đi thêm 6km nữa, các bạn sẽ đến Làng Văn hóa Kon K’Tu. Nếu có nhiều thời gian, các bạn có thể ở lại làng 1 đêm (theo hình thức homestay) để có thể tham gia vào các hoạt động văn hóa của người dân nơi đây. Vừa thưởng thức rượu cần bên đống lửa ở nhà rông vừa lắng nghe tiếng cồng chiêng cùng với những người dân Ba Na thân thiện. Ngày hôm sau, các bạn có thể xuôi theo dòng Đak Blar bằng thuyền độc mộc ngắm cảnh ven sông, hoặc thăm Thác H’Lay cách làng khoảng 2km.

Hoặc ngay trung tâm thành phố, các bạn có thể dạo chơi khu vực Công viên Kon Tum nằm trên đường Trần Phú và vào vãn cảnh Chùa Bác Ái. Đây là ngôi chùa được xây dựng từ năm 1932, nguyên là Âm Linh Miếu, nơi thờ tự hàng vạn người dân ở các tỉnh Miền Trung bị hạn hán kéo dài phải kéo nhau lên Kon Tum kiếm sống và bị chết dọc đường vào năm Tân Mùi – 1931. Chính vì lý do này mà năm 1933, vua Bảo Đại đã ban tấm biển Sắc Tứ Bác Ái Tự nên mới có tên là Chùa Bác Ái như hiện nay.

Nhà ngục Kon Tum

Từ đường Phan Đình Phùng, đi về hướng Tây Nam khoảng 1km là Di tích Ngục Kon Tum. Đây là nơi chính quyền thực dân sử dụng để giam giữ tù chính trị, các chiến sĩ Cách mạng vào những năm 30-31. Di tích này hiện nay được công nhận là di tích lịch sử quốc gia với quần thể nhà tưởng niệm, nhà truyền thống, nhà đón tiếp, cụm tượng đài bất khuất và hai ngôi mộ tập thể nằm bên bờ sông Đak Blar.

Nhìn chung, thành phố Kon Tum không phải là nơi đông đúc, sầm uất nên các bạn loanh quanh chơi một ngày là vừa, ở lại nhiều hơn thì có lẽ sẽ thấy hơi buồn. Nhưng từ thành phố Kon Tum đi sang các khu vực lân cận thì còn rất nhiều điểm đáng đi và trải nghiệm.

CỬA KHẨU BỜ Y – NGÃ BA ĐÔNG DƯƠNG

cua-khau-quoc-te-bo-y

Cửa Khẩu Quốc Tế Bờ Y. Ảnh Giang Tran

Từ thành phố Kom Tum đi theo đường quốc lộ 14E về phía Tây Bắc là một trong những cột mốc quan trọng nhất của nước ta. Đó chính là cửa khẩu Bờ Y, hay còn gọi là Ngã ba Đông Dương, nơi có cột mốc biên giới giữa 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia.

Có 2 cách để lên cột mốc. Cách thứ nhất, khi đến ngã ba có biển bên phải chỉ Lào, bên trái chỉ Campuchia, nếu các bạn đi ô tô thì cứ chạy bên phải vào thẳng cửa khẩu Bờ Y, xin phép các anh bộ đội biên phòng ở trạm kiểm soát rồi lên cột mốc sẽ được các anh ấy hướng dẫn, trong này còn có cửa hàng miễn thuế nữa.

Cách thứ 2 đối với các bạn đi xe máy thì các bạn không rẽ phải vào cửa khẩu mà đi hướng còn lại, đi thẳng vào đoạn đường đất. Đoạn đường này quanh co, nhỏ hẹp, uốn lượn giữa trùng điệp núi non khá là tuyệt vời. Hôm mình đi vào con đường này không có một loại thông tin yểm trợ nào ngoài cái chấm GPS xin được của người bạn trên google maps và cứ thế đi theo hướng cái chấm đó. Lúc mới vào gọi điện cho một người bạn hỏi thì lại chỉ 1 đường khác hẳn nên cũng hơi băn khoăn nhưng vẫn đi vào, có chút e sợ. Nhưng cuối cùng thì gặp một trạm biên phòng, sau này thấy nhiều nhóm nói chạy qua trạm biên phòng lên cột mốc theo đường bên phải. Nhưng lúc đó mình đã rẽ vào hỏi thăm nên đã được các chú bộ đội cử người đưa lên tận cột mốc. Hihi, thế nên các bạn có đi thì cứ vào chào các chú bộ đội một câu, biết đâu lại còn được mời ăn trưa cùng. Nhưng các bạn nhớ mang theo CMT hoặc hộ chiếu để nhỡ có bộ đôi biên phòng ở khu vực này hỏi.

Đoạn đường đất từ ngã ba đến đồn biên phòng đó khoảng 8km, đoạn từ đồn biên phòng vào chân cột mốc khoảng 6km thì là đường bê tông, cứ đi thẳng đường này 9km là tới cửa khẩu Bờ Y (chính là cách thứ nhất mình nói đến ở bên trên). Nên các bạn có thể vào 1 đường, ra 1 đường cho thành 1 vòng tròn. Trên đoạn 9km này có hai ngã ba, nếu các bạn rẽ vào phía bên phải sẽ là đường mòn đi ra quốc lộ 14 đoạn giữa cửa khẩu Bờ Y và cái biển chỉ 1 bên Lào 1 bên Campuchia mình nhắc đến ở trên (đây chính là cái đường mà bạn mình kể nhưng không hiểu sao lúc đi vào mình không tìm ra nó).

Đến chân cột mốc thì các bạn để xe bên dưới, leo bộ vài bước là có thể chiêm ngưỡng cột mốc 3 mặt – một trong những điểm đánh dấu quan trọng vùng biên nước ta. Khu vực này cách thành phố Kon Tum khoảng 80km, đa phần đường đi đẹp nên các bạn hoàn toàn có thể đi về trong ngày. Tuy nhiên, nếu các bạn định ghé thăm cả khi Di tích Chiến thắng Đak Tô trên đường đi thì cần đi sớm, nếu không sẽ về lại thành phố quá muộn hoặc nên tính địa điểm di chuyển tiếp theo cho hợp lý.

KHU DI TÍCH CHIẾN THẮNG ĐAK TÔ

Nằm trên đường từ thành phố Kon Tum đi về phía Cửa khẩu Bờ Y, cách thành phố hơn 40km, tượng đài Chiến Thắng Đak Tô nằm ngay ở ngã ba đường, rất nổi bật. Đây là di tích Lịch sử, Kháng chiến kỷ niệm chiến thắng Đak Tô – Tân Cảnh vào năm 1967, được xây dựng trên một ngọn đồi cao 600m. Đây có thể nói là chiến trường ác liệt nhất của khu vực Tây Nguyên.

chien-thang-dak-to

Tượng đài Chiến thắng Dak Tô

Khu vực Đak Tô này có tới 15 điểm du lịch về văn hóa, sinh thái, lịch sử nhưng khu vực tượng đài này là điểm nổi bật nhất. Nếu muốn tìm hiểu thêm các bạn có thể ghé thăm khu chứng tích nhà thờ Kon H’Ring, suối nước nóng Đak Tô và thác Đak Lung. Trong lần mình đi vào năm 2012 thì mình đã không ghé những địa điểm này vì có đọc được thông tin những địa điểm này đang bị xuống cấp trầm trọng và không có sự đầu tư hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay thì thấy nhiều nhóm phượt đã đến Thác Đak Lung nói rằng khung cảnh hoang sở ở đó lại trở thành địa điểm cắm trại rất tuyệt cho các đoàn đông người. Tất nhiên các bạn vẫn nên chuẩn bị thật cẩn thận nếu có ý định này. Từ khu di tích, các bạn đi theo tỉnh lộ 672 khoảng 8km, tới địa phận xã Kon Đào các bạn sẽ đến Suối nước nóng Đăk Tô. Đây là một suối nước nóng liên tục phun từ lòng đất lên, rất giàu khoáng chất như Ca, Mg, Na, Si… Ngoài ra, con có Thác Đăk Lung ở gần đó, dân trong vùng còn gọi là Thác Thông Lớn. Khu vực này chưa có các dịch vụ du lịch nên khung cảnh vẫn còn rất hoang sơ, cắm trại ở đây thì rất tuyệt.

KHU DU LỊCH SINH THÁI MĂNG ĐEN

Từ thành phố Kon Tum, các bạn đi theo đường 24 về phía Đông khoảng 50km là Khu Du lịch Sinh thái Măng Đen, thuộc huyện Kon Plong, nơi được coi là Đà Lạt thứ hai của khu vực miền Nam. Tên gọi Măng Đen xuất phát từ tên T’măng Deeng của người Mơ Nâm, có nghĩa là vùng đất bằng phẳng và rộng lớn, nằm giữa đèo Măng Đen và đèo Violak (sang Quảng Ngãi). Đây là con đường có nhiều đèo dốc, nên khi đi lên đây các bạn nên chuẩn bị áo mưa nếu đi xe máy vì có nhiều đoạn lên đèo, tụ nhiều mây sẽ gây mưa ở từng khu vực. Ngoài ra, tình trạng mây mù cũng khiến việc di chuyển bằng xe máy phải cẩn thận hơn. Vào khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 tùy từng năm, trên đường lên Măng Đen các bạn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của lúa chín vàng thoai thoải dọc theo các sườn núi, khá giống Tây Bắc mùa lúa. Cảm giác chạy xe giữa con đường quanh co, hai bên là những rặng thông xanh ngắt và không gian thoang thoảng mùi nhựa thông là một cảm giác rất tuyệt.

Khí hậu ở khu vực này lạnh hơn so với khu vực thành phố nên khi đi lên đây các bạn cần chuẩn bị áo ấm. Đây còn được coi là vùng đất “bảy hồ, ba thác” gắn liền với truyền thuyết thần Pling tạo ra vùng đất như thế nào. Bảy hồ nước đó là hồ Toong Ly Lung, Toong Ziu, Toong Zơ Ri, Toong Săng, Toong Đam và Đak Ke. Và ba ngọn thác là thác Pa Sỹ, Đak Ke và Đak Pne

Ở lại Măng Đen các bạn nên thuê một căn biệt thự nằm khuất trong rừng thông của khách sạn Hoa Sim, Đồi Thông hoặc khách sạn Măng Đen, thưởng thức bữa ăn trưa bên hồ Đak Ke với những món ăn mang đặc trưng vùng đất này như heo quay Măng Đen, cá tầm nướng, măng le rừng, lòng đắng, thịt trâu khô… Nơi đây còn được mệnh danh là một trong những địa điểm đẹp nhất để ngắm sao nên nếu trời khô và quang mây thì các bạn không thể bỏ lỡ khoảng khắc này vào buổi tối.

Măng Đen còn có nhiều công trình tôn giáo khá đặc biệt như Tượng Đức Mẹ Măng Đen, hay còn gọi là Tượng Đức Mẹ Sầu Bi. Bức tượng có từ thời kháng chiến chống Pháp, do quân viễn chinh Pháp xây dựng với mục đích để cho lính viễn chinh cầu nguyện. Khi kháng chiến diễn ra, Tượng bị hủy hoại một phần và chôn vùi dưới đất. Cho đến tận năm 2004, khi xây dựng công trình giao thông, Tượng được các giáo dân tìm thấy và được phục chế, dựng lại. Hiện nay, giáo dân Tây Nguyên từ ngày 12-15/9 hàng năm trở thành Ngày Hành hương Đức Mẹ Măng Đen của Giáo phận Kon Tum.

CHINH PHỤC ĐỈNH NGỌC LINH

Nếu các bạn thích bộ môn leo núi và thích những chuyến phiêu lưu mạo hiểm, có thể các bạn sẽ quan tâm tới việc chinh phục đỉnh núi Ngọc Linh, thuộc Khu bảo tồn Ngọc Linh. Đây là đỉnh núi 2600m, được coi là mái nhà của miền Nam, là một phần của dãy Trường Sơn Nam. Chinh phục Ngọc Linh ở Tây Nguyên cũng giống như chinh phục Fansipan ở miền Bắc vậy.

Có nhiều con đường để chinh phục đỉnh Ngọc Linh:

  • Thứ nhất: từ Kon Tum – Đak Tô – Đak Glei – đèo Lò Xo đến ngã ba thì rẽ vào đường 673 hơn 40km nữa để đến xã Ngọc Linh. Từ đây các bạn có thể gửi xe ở trường THCS Ngọc Linh và bắt đầu trekking từ làng Long Năng ở chân núi. Theo đường này thì các bạn vừa lên vừa xuống trong vòng 1 ngày.
  • Thứ hai: Từ thành phố Kon Tum các bạn đi về phía Đak Tô – Ngọc Lây – Tu Mơ Rông – Măng Ri. Đường từ Ngọc Lây vào khá vắng vẻ, ít hàng quán. Từ Măng Ri các bạn đi thêm gần 10km sẽ tới bản Ngọc Là – một bản người Xê Đăng. Từ bản này các bạn gửi xe máy tại bản và bắt đầu chuyến trekking của mình. Theo đường này thì các bạn phải mất ít nhất là 2 ngày để có thể chinh phục đỉnh Ngọc Linh. Tất nhiên, trekking chỉ dành cho các bạn có sức khỏe tốt và sức bền.

VƯỜN QUỐC GIA CHƯ MOM RÂY

Từ Kon Tum đi về phía Tây khoảng 30km là Vườn quốc gia Chư Mom Rây, thuộc huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi. Đây là vườn quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhất trong các vườn quốc gia ở nước ta. Bên cạnh đó, đây còn là khu vực sinh sống của các dân tộc H’Lăng, Gia Rai, K’Dong, Rờ Mâm, Bơ Râu – một trong những dân tộc có số lượng người ít nhất trong 54 dân tộc Việt Nam. Giao thông vào khu vực này chưa được thuận tiện nên các đoàn vào đây thường là những đoàn nghiên cứu, thám hiểm. Còn dân đi du lịch thông thường sẽ không lựa chọn điểm đến này. Còn có một vài địa điểm khác nữa như Rừng Đặc Dụng Đak Uy, Bãi đá Km33… nhưng mình không đề cập tới trong bài viết này vì mình thấy nó không có sức thu hút như những thông tin mà các bạn tìm kiếm được ở trên mạng.

phuot-kon-tum

Hồ Ya Ly, huyện Sa Thầy. Ảnh : Gavin White / flickr.com/gavinkwhite/

Gợi ý lịch trình Du lịch Kon Tum

Ngày 1: Thành phố Kom Tum

Ngày 2: Kon Tum – Bờ Y – Đak Tô – Kon Tum

Ngày 3: Kon Tum – Măng Đen

Ngày 4: Măng Đen – Kon

Nếu có nhiều thời gian hơn, các bạn có thể sắp xếp thêm các địa danh khác cho chuyến di chuyển của mình hoặc dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu kỹ càng nền văn hóa ở một địa danh nào đó. Nhiều người vẫn nói Kon Tum buồn nhưng cá nhân mình cho rằng thưởng ngoạn mọi thứ một cách thong thả cũng khiến chúng ta có một cảm giác mới lạ.

Bài viết Chia sẻ Kinh nghiệm Du lịch Kon Tum do bạn Giang Tran biên tập. Các bạn cần hỗ trợ tư vấn gì thêm xin để lại reply phía dưới.

Các bài viết chia sẻ Kinh nghiệm Du lịch hay về Tây Nguyên bạn nên đọc

KINH NGHIỆM DU LỊCH,TOUR DU LICH,PHƯỢT BỤI