Thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) là đô thị vùng sông nước Đồng Tháp Mười, cách Thành phố Hồ Chí Minh 154km, Thành phố Cần Thơ 80 km. Từ Cao Lãnh có hai cung đường vào rừng tràm Gáo Giồng. Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng được thành lập từ tháng 3/2003. Tại đây có 15 loài chim nước sinh sống và làm tổ quanh năm như: cồng cộc, trích mồng đỏ, le le, vịt trời, điên điển, diệc… nhiều hơn hết vẫn loài cò trắng, có đến hàng chục nghìn con khiến rừng tràm này được xem là vườn cò lớn nhất hiện nay ở vùng Đồng Tháp Mười.
Bài viết chia sẻ kinh nghiệm du lịch Gáo Giồng của bạn đọc Nguyễn Lan Uyên cho chúng ta kinh nghiệm lựa chọn địa điểm du lịch cuối tuần tiết kiệm và thư thái.
Ăn uống no say nức bụng, ‘tổng thiệt hại’ chỉ hơn 200.000 đồng. Còn gì hơn là nằm võng đu đưa giữa đồng hoa sen thoang thoảng, ngắm cảnh đẹp rừng tràm.
Khoảng cách từ TP HCM đến thị xã Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp không xa lắm, chỉ khoảng 157 km. Tôi đã có một chuyến dã ngoại đến rừng tràm sinh thái Gáo Giồng thuộc địa phận Cao Lãnh vào dịp cuối tuần.
Đến thị xã Cao Lãnh có hai cung đường vào rừng tràm Gáo Giồng. Một là đến ngay cầu Bình Trị đi tắc ráng vào trong khoảng 40 phút. Tôi chọn đi đường bộ vào khoảng 20 km hướng vào xã Tân Nghĩa, qua những cây cầu sắt ọp ẹp có từ thời thế chiến thứ 2, đoạn đường tuy nhỏ chỉ vừa đủ một chiếc xe 4 chỗ. Tuy nhiên, không sai lầm khi đi đoạn đường này, con đường trải dài hun hút rợp mát bóng cây, cảm giác như đang tiến vào mọt đường hầm xanh không biết điểm dừng, rất đẹp.
Khi bắt gặp một con đường đẩy sỏi, là đã sắp đến khu sinh thái Gáo Giồng. Vé vào cổng là 10.000 đồng, có thể được uống trà, ăn hột sen rang, xem phim giới thiệu khu du lịch, nằm võng, câu cá, tất cả đều hoàn toàn miễn phí ngay tại nhà đón khách ngay cổng. Tại đây bạn có thể đặt trước cơm trưa, sau đó mua vé đi xuồng ba lá đến sân chim. Từ đài quan sát, ta có thể nhìn thấy một khoảng xanh trải dài tít tắp như lá phổi bao bọc lấy Đồng Tháp Mười.
Xuống ghe đi vào sân chim, mỗi ghe đều có một cô gái miền Tây mặc áo bà ba hồng đưa bạn vào bên trong, tuy nhiên cũng có thể tự chèo, cảm giác cũng rất thú vị. Xuồng dừng tại đầu sân chim. Bèo loáng kín xanh mặt nước. Nào bèo hoa dâu, nào bèo tai chuột. Sân chim rộng khoảng 35ha với hơn 15 loài cư trú như cò mỏ vàng, cò ngà, cồng cộc, diệc, vạc, điên điển, trích mồng đỏ… Đặc biệt còn có Nhan Điển (loài chim đã được vào sách đỏ về các loại động vật sắp tuyệt chủng). Cứ chiều chiều, hàng ngàn con chim bay lượn về tổ tạo nên một khung cảnh ngoạn mục.
Quay trở lại nhà hàng của khu du lịch, nhà hàng ở đây làm dạng chòi dựng trên ao sen khá xinh xắn. Buổi trưa oi ả với cái nắng chang chang, lang thang rừng tràm, chẳng có gì sung sướng hơn là nốc cạn một ly bia mát lạnh trước khi thưởng thức các món dân dã miền quê.
Nhiều năm nay, gạo huyến rồng dần dần trở thành “huyền thoại”, nên giá của loại gạo này khá mắc, một túi gạo 2 kg có giá 70.000 đồng ngay tại Gáo Giồng. Tuy nhiên, món cơm huyến rồng nấu lá sen non lại có giá khá rẻ, 18 nghìn/gói cho từ 2 đến 4 người ăn. Cơm ngon càng nhai càng có vị ngọt và bùi, lại càng bùi béo nhờ tinh chất hột sen và mè.
Đây mới gọi là vang danh thiên hạ, món cá lóc nướng trui gói lá sen non. Vị ngòn ngọt của thịt cá vừa chín nóng hổi, miếng cà chua chua, dưa leo mát ngọt, vị đăng đắng của lá sen ngon, tất cả cuộn lại ngập vào chén mắm me chua chua đưa lên miệng cắn một phát tê tái từ đầu lưỡi tới tận chân răng vào trong cuống họng tọt xuống bao tử vẫn còn chua chua ngọt ngọt đắng đắng.
Ăn uống no say nức bụng, tổng thiệt hại chỉ hơn 200.000 đồng. Còn gì hơn là nằm võng đu đưa gió hiu hiu chìm vào giấc ngủ giữa đồng hoa sen thoang thoảng.
Tác giả: Nguyễn Lan Uyên
Nguồn: Cẩm nang du lịch iVIVU.com – theo Ngoisao.net
IVIVU.COM